Liệu pháp Bàn tay yêu thương | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Liệu pháp Bàn tay yêu thương

Người phương Đông chúng ta trong quan hệ cha mẹ - con cái, đặc biệt khi con cái đã bắt đầu khôn lớn, ở tuổi dạy thì, thường có một quan niệm cứng nhắc về khoảng cách. Cha mẹ là bậc bề trên, con cái nhiều khi không dám suồng sã. Không mấy khi cha mẹ ôm ấp, tỏ tình thân mật như ôm hôn, vuốt má, xoa đầu… con trẻ. Tình yêu con nén lại vào trong, tình yêu kính cha mẹ từ xa mà hướng lại.

Thời nay, quan niệm này không còn phổ biến nhiều nữa thì lại vấp phải một thực trạng: cha mẹ quá bận rộn, không có lúc nào để ôm ấp, vuốt ve con hoặc có thì rất ít, chưa đủ cho nhu cầu yêu thương của trẻ. Nhiều gia đình do cha mẹ đi làm về tối muộn đã gửi con cho cô giáo mẫu giáo chăm đến cuối tuần mới đón con về.

Các nhà khoa học đã chứng minh được rằng những cái ôm, những bàn tay chạm nhau giữa người với người có tác dụng tích cực đối với tâm sinh lý bất kỳ ai, từ trẻ sơ sinh đến người lớn tuổi. Bàn tay chạm nhau khiến người ta thấy một sự động viên tinh thần nhẹ nhàng, dễ chịu. Cái ôm khiến những người yêu nhau hay vợ chồng dễ dàng hiểu nhau hơn, dễ làm tan đi mọi giận hờn. Đối với bà mẹ cho con bú, có cả một nguyên tắc để tăng lượng sữa của mẹ là nguyên tắc “Da chạm da, mắt chạm mắt”. Nghĩa là làm sao để da trẻ và mẹ tiếp xúc trên giao diện lớn nhất. Vì thế, người ta khuyên người mẹ nên ôm con trên bụng mình khi vừa tắm xong, chưa cần mặc quần áo ngay cho trẻ mà ôm con như vậy và âu yếm nhìn vào mắt con. Liệu pháp tâm lý này kích thích hooc-môn “tình mẫu tử” làm lượng sữa tiết ra nhiều hơn.

Lại nói đến tầm quan trọng của bàn tay yêu thương đối với tâm lý của trẻ, khoa học cũng chứng minh rằng:

- Đối với bé trai: Các bé cũng cần được bế ẵm, âu yếm không kém gì bé gái. Thật sai lầm khi cho rằng âu yếm nhiều quá sẽ làm bé trai trở nên yếu đuối, kém đàn ông khi lớn lên. Thật ra, từ lúc chào đến đến năm 7, 8 tuổi, trẻ dù là trai hay gái đầu cần được cha mẹ ôm ấp như nhau, nhưng đặc biệt cần đến sự gần gũi của cha mẹ trong độ tuổi này là bé trai. Những em ít được bế ẵm khi còn bé, lớn lên ít nhiều đều có thể gặp những vấn đề về tâm lý, nhất là trong tình yêu và hôn nhân.

- Đối với bé gái: Cấp độ cần thiết được cha mẹ âu yếm ở bé gái lại tăng dần theo năm tháng và lớn nhất vào độ tuổi 11, 12 cho đến khi dậy thì. Tuổi này, các bé cần sự dịu dàng, ân cần của người lớn. Chính thời điểm này lại là lúc cha mẹ ngần ngại tỏ tình cảm nhiệt tình với con gái mình. Đó là điều sai lầm. Ở tuổi dậy thì, các bé gái không chỉ cần lời khuyên của mẹ trong các vấn đề về sức khỏe, vệ sinh cá nhân, quần áo…, các em còn rất dễ bị tổn thương, vì thế cha mẹ thể hiện tình cảm làm sao để con gái cảm thấy yên tâm trong tình yêu thương vô hạn như yêu một đứa trẻ bé bỏng, non nớt. Đừng hạn chế “bàn tay yêu thương” đối với bé gái vào thời điểm này. Sự dịu dàng, nữ tính của một thiếu nữ hình thành chính vào lúc nào và những vỗ về, thân mật là động lực rất quan trọng khiến em gái lớn lên yêu đời và biết thông cảm với người.

Bàn tay yêu thương chính là thông điệp tình yêu và sự tôn trọng đến đứa trẻ, khiến con cảm thấy thoải mái, tự tin xây dựng tình cảm thân thiết, gắn bó với gia đình, cha mẹ, khi trưởng thành, con sẽ sống an bình về tâm lý, dễ dàng tìm được tiếng nói chung với người khác và biết sẻ chia yêu thương. Tuy nhiên, bất kỳ điều gì cũng phải nói đến “mức độ” – mức độ vừa đủ, không quá lạm dụng, “liệu pháp” này mới đem lại kết quả như ý muốn.

Những trường hợp rất cần sự ôm ấp của cha mẹ:

- Khi trẻ bị ốm

- Khi trẻ hoảng sợ

- Khi trẻ lo lắng, bất an

- Khi trẻ quá mệt mỏi, tim đập nhanh

- Khi trẻ vừa trải qua sự kiện đau buồn hoặc phải chia tay với người thân

- Khi trẻ giận dữ, quá kích động

- Trước khi đi ngủ

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6289382
Số người trực tuyến: