Có nên để trẻ tin vào điều kỳ diệu?
Điều kỳ diệu, dù giải thích theo khoa học hay tâm linh, vẫn thường xảy ra hàng ngày.
Sự thật là, điều kỳ diệu cũng có những căn cứ khoa học. Nhưng niềm tin của bạn tạo ra những hiện tượng khoa học đó.
Ví dụ, nếu bạn tin là bạn sẽ lành bệnh, cộng thêm sự gia trì của chư Phật và Bồ Tát, thì hệ miễn nhiễm của bạn sẽ trở nên rất mạnh, và năng lực đó có thể chữa bệnh cho bạn một cách phi thường. Chính vì vậy mà trong các bệnh viện ở Mỹ, người ta khuyến khích người bệnh tụng kinh và cầu nguyện, để giúp chữa bệnh bằng niềm tin.
Nếu bạn tin vào tình yêu thương của con người, vào nhân quả, vào sự gia trì của chư Phật … thì năng lượng tích cực của niềm tin đó sẽ tạo ra nhiều điều kỳ diệu cho bạn, dù chúng ta có gọi đó là phép lạ hay không.
Nếu quán sát một cách sâu hơn, bạn nhận ra rằng bây giờ chúng ta đang sống, chúng ta biết nói, biết cười, biết đi bằng 2 chân trên mặt đất, biết ăn cơm, biết dùng tay chân để làm việc,…. đó đã là những điều kỳ diệu. Có được thân tái sinh may mắn và tự do của kiếp người này cũng là một “phép lạ”.
Thế nào là niềm tin chân chính?
Trong đạo Phật, niềm tin chân chính (chính tín) phải được hình thành trên cơ sở chính pháp. Những gì đức Phật nói ra, giảng dạy trong kinh điển của Ngài được gọi chính pháp. Dựa trên kinh điển đó, chư vị Bồ tát Tổ sư diễn đạt bằng sự giác ngộ của mình, mà được nhiều thế hệ hiện tại và về sau chấp nhận, có thêm thắt các ý làm cho nội dung sáng tỏ hơn, nhằm đem lại phương pháp cho người sau tu tập, do đó “Luận” cũng được gọi là chính pháp.
Trái với chính tín là mê tín, là một kiểu tin tưởng vào đấng thần linh, có quyền năng ban thưởng, giáng họa.... một cách mù quáng, thiếu cơ sở, thiếu suy xét, điều mà Phật giáo không thể chấp nhận bởi đạo Phật là đạo trí tuệ, và đến bằng sự giác ngộ giải thoát.
Tại sao chúng ta cần phải có niềm tin?
Bởi vì niềm tin là chìa khóa của tất cả các công việc xã hội cũng như thực hành tâm linh dẫn đến sự thành công viên mãn. Nhờ niềm tin hay Tâm chí thành mà chúng ta có thể vượt qua được tất cả những khó khăn, chướng ngại trong cuộc sống. Chúng ta có đủ sức để tập trung một cách kiên định không giao động vào việc thực hành Phật pháp một cách hoàn toàn tự nguyện và hoan hỷ mà không bị bất kỳ một sự ép buộc nào. Nếu đã có mục đích rõ ràng và niềm tin mạnh mẽ thì tất cả những công việc thế gian hay Phật sự dù có thể còn có vô vàn khó khăn nhưng không có khó khăn nào có thể làm chúng ta ngã gục!
(Tâm An biên soạn)
- 302
Viết bình luận