Cha từ bi, Mẹ trí tuệ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Cha từ bi, Mẹ trí tuệ


Cha từ bi, Mẹ trí tuệ

Đã bao giờ bạn rơi vào tình thế khó khăn khi một mặt muốn quan tâm giáo dục con cái, mặt khác lại bất lực muộn phiền vì những nỗ lực bỏ ra không được lũ trẻ đáp ứng? Chúng ta luôn gặp những khó khăn kiểu này trong các mối quan hệ cuộc sống. Tuy nhiên, việc giáo dục con cái lại là chủ đề đặc biệt vì đây là đối tượng được bạn thương yêu nhất. Chưa kể trên cương vị phụ huynh, bạn cũng có quyền và nghĩa vụ trong việc định hướng, uốn nắn, giáo dục các con.  

Chúng ta biết rằng ở những độ tuổi khác nhau trong quá trình phát triển, trẻ em có thể rất ngoan ngoãn, vâng lời nhưng cũng có những hành xử, phản ứng trái ngược những gì chúng ta muốn định hướng dạy bảo chúng. Khi đó, nếu không có cách tiếp cận từ bi trí tuệ, chúng ta rất dễ để bực bội phiền não xâm lấn và sẽ có những hành xử tiêu cực với con cái mình.

Vậy, bạn cần làm gì để trở thành ông bố bà mẹ tốt? Đạo Phật đưa ra những giải pháp tích cực, giúp những người làm cha mẹ có thể tự cải thiện mình và giúp đỡ con cái một cách từ bi, trí tuệ. Trong số này, bạn có thể áp dụng Sáu Ba la mật của Đức Phật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Các Ba la mật này là những phẩm hạnh mà chúng ta cần trưởng dưỡng nếu muốn hạnh phúc và giúp người khác, trong đó có con cái mình, được hạnh phúc. 

1- Bố thí Ba-la-mật

Hiểu theo sự bố thì là chia sẻ, ban cho, cung cấp. Bố thí Ba-la-mật vừa làm lợi cho mình vừa có ích cho người. Đối với người, đây là một nghệ thuật sống, giúp người bớt khốn khổ, bớt sợ hãi lo âu, đem đến niềm an ủi, sự ấm áp của tình người. Không chỉ có tài sản mới bố thí được, mà một lời nói hay, một việc làm nhỏ, một nụ cười vui… phát xuất từ tâm chân thành thiết tha đều mang nhiều lợi lạc. Đối với mình, càng bố thí ta càng giảm được lòng tham, càng có niềm vui khi việc làm có ích cho cộng đồng. Tiến thêm một bước, thực hiện hạnh buông xả, ta có thể tự tại an nhiên trước mọi thăng trầm vinh nhục của cuộc sống.

2 - Trì giới Ba-la-mật

Hãy tưởng tượng, nếu không có các làn đường, đường cao tốc sẽ rất hỗn loạn vì chúng ta không biết ai sẽ đi trước và đi ở làn đường nào, tốc độ giới hạn ra sao... Tương tự như vậy, Giới luật sẽ xác định rõ cho bạn điều gì nên làm và không nên làm. Giới luật không chỉ có ý nghĩa trên con đường tâm linh mà còn cần thiết với cả đời sống thế tục, bởi các quy định hợp lý và khoa học này sẽ giúp cuộc sống chúng ta tránh khỏi sự hỗn loạn. Đôi khi, bạn cảm thấy giới luật thật rườm rà, phiền toái. Nhưng chính hàng rào giới luật đó che chở, giúp bạn điều phục thân, tâm, kiểm soát các ham muốn luôn có xu hướng chi phối, lôi kéo bạn. Khi có Giới luật, bằng cách nào đó bạn sẽ đạt được an lạc và hạnh phúc.

Những đứa trẻ lên 5, lên 3 ra sân gặp chuồn chuồn, bươm bướm chụp bắt rồi ngắt đầu, rứt cánh... nếu cha mẹ thấy mà không trách mắng ; đến 12, 13 tuổi, chúng sắm lưới giăng câu bắn chim, bắt cá; đến 20, 25 tuổi, chúng chọc tiết lợn, giết chó... vẫn không bị ngăn cấm, thì sau này quen với tính hung bạo, trong cơn giận giữ, chúng có thể giết người không gớm tay. Vậy không những chúng ta không nên để tự do cho con cái quen với sự giết hại sinh vật, mà cũng không nên cho chúng tận mắt nhìn những cảnh chém giết ở các rạp chiếu phim hay ở giữa đời thường.

3- Nhẫn nhục Ba-la-mật

Theo nghĩa hẹp, nhẫn nhục là nhịn chịu mọi nhục nhã và mọi khó khăn trở ngại, và vượt qua chúng một cách bình ổn.
Cây mọc nơi đất khô cằn, nếu lớn lên được thì có lõi rất cứng chắc. Cây mọc nơi đất đai phì nhiêu được vun bón tưới tẩm thường xuyên lại dễ đỗ ngã khi có giông bão. Cũng vậy, một người trải qua nhiều gian khổ thử thách mà vươn lên là người đáng tin cậy, có thể giao trọng trách; còn người nào thường ỷ lại, đến khi gặp một trở ngại nhỏ cũng có thể gục ngã.

4- Tinh tấn Ba la mật

Tinh là chuyên ròng, không xen tạp; Tấn là siêng năng tiến tới. Dù có một trí thông minh sắc bén, nhưng nếu bạn thiếu chuyên cần thì trí thông minh sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn. Trí thông minh như lửa trên cỏ khô. Cỏ khô dễ dàng bén lửa, nhưng sức cháy lại không lâu, vì vậy không thể mang lại cho bạn bất cứ điều gì. Nhưng nếu bạn tinh tấn, nó sẽ giúp cho bạn một sự hiểu biết vững chắc ngay cả khi bạn không thực sự thông minh, nhanh nhạy. Nếu không tinh tấn thì sẽ không có phương pháp nào để thành công bất cứ điều gì.

5- Thiền định Ba-la-mật

Nội dung của thiền định là sự bình ổn nội tâm, không quay cuồng theo trần cảnh. Thiền là bên ngoài không dính mắc vào ngoại cảnh, định là nội tâm không còn vọng tưởng lăng xăng. Thiền định không chỉ ở trong tư thế ngồi, mà ở bất cứ mọi nơi mọi lúc, nên là một thực tại bất ly thế gian. Trong thời đại văn minh khoa học mà tiện nghi vật chất được xem như nhu cầu thiết yếu, cuộc sống hối hả tranh đua làm con người ngày càng bị căng thẳng thần kinh, càng mất đi sự bình an cần thiết cho sức khỏe tinh thần. Bệnh tật của tinh thần kéo theo bệnh tật về thể chất, và thiền định chính là phương thuốc hữu hiệu có thể điều trị những bệnh về thân và tâm ấy.

6- Trí tuệ Ba-la-mật

Trí tuệ Ba-la-mật, còn gọi là Bát nhã Ba-la-mật, là trí tuệ sâu sắc, toàn diện về bản chất của vạn pháp thế gian được thành tựu thông qua sự điều phục tâm, kiểm soát tham, sân, si của chính mình, từ đó chuyển hóa xúc tình tiêu cực và trưởng dưỡng hiểu biết chân thực ngay trong đời sống này.

Tương ứng với các Ba la mật là những đức tính khoan dung, kiên nhẫn, kỷ luật, nhiệt tâm, tập trung và trí tuệ. Chúng ta tìm những phương pháp áp dụng các phẩm hạnh đó vào trong sự giáo dưỡng con cái theo ví dụ sau:

Bố thí Khoan dung Dành nhiều thời gian công sức vào việc chăm dạy bé
Trì giới Kỷ luật Làm gương cho bé trong cách hành xử đúng mực với gia đình, bạn bè, hàng xóm láng giềng
Nhẫn nhục Kiên nhẫn Nhẫn nại tìm hiểu, lắng nghe để nắm bắt tính cách và thiên hướng của con
Tinh tấn Nhiệt tâm Luôn luôn khuyến khích bé biết trân trọng, tri ân cuộc sống.
Thiền định Tập trung Tạo ra không gian ấm cúng,an bình, gọn gàng, ngăn nắp trong gia đình
Trí tuê Trí tuệ Dạy dỗ trẻ về Đức Phật và giúp bé trưởng dưỡng các phẩm hạnh của trí tuệ và tình yêu thương

Tinh túy của Đạo Phật được gói gọn trong ba câu: “Đừng làm các việc ác, hãy làm các việc lành, điều phục tâm trí mình”. Trở thành bậc cha mẹ từ bi – trí tuệ có nghĩa là chúng ta không chỉ nuông chiều hay chăm lo những nhu cầu vật chất mà còn cần chỉ ra cho con một hướng đi đúng đắn, dạy con biết “làm điều tốt”, tránh xa những “nghiệp xấu” và có được “hiểu biết trí tuệ” về cuộc sống. Việc trang bị hiểu biết tư lương như thế giúp con cái tích lũy một “kho may mắn hạnh phúc”. Gia sản vô giá này sẽ luôn đi theo con trên mọi nẻo đường cuộc sống. Đó chính là cách giáo dục “từ bi trí tuệ” mà bậc cha mẹ có thể dành con cái mình.

(Nhóm Đại Bảo Tháp biên soạn)

Bài hát về Tình yêu thương và Trí tuệ (Nhạc thiếu nhi)

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6420101
Số người trực tuyến: