3. Nghi thức thỉnh Phật xông nhà đón năm mới ngập tràn phúc lành
Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới rất thiêng liêng, vận thế của vạn vật đều đổi sang một chu kỳ mới. Theo đó, vận mệnh của mỗi người và ngôi nhà mà họ đang sinh sống cũng thay đổi. Tục lệ xông đất, xông nhà của người Việt đã có từ lâu đời với mong muốn đón một năm mới may mắn, tốt lành đến với tất cả các thành viên trong gia đình. Chờ đón năm mới Tân Sửu 2021 cũng là lúc chúng ta chuẩn bị những vật phẩm cần thiết để xông đất.
Như đã giới thiệu trong bài trước, bạn cần lưu ý đốt bạch giới tử xong xuôi rồi mới đốt hương thỉnh Phật. Thời điểm giao thừa, chúng ta cần chờ qua 24h hay 0h mới tốt. Bởi những thời điểm giữa đêm, giữa trưa, nhập nhoạng tối và bắt đầu bình minh là những thời điểm có nhiều năng lượng tiêu cực, khó đạt thành tựu cho bất cứ việc gì. Sau khi đã dọn dẹp nhà cửa, xông hương, bạn có thể thực hiện nghi thức xông nhà theo các bước sau:
1. Lựa chọn người xông đất
Việc chọn người có tuổi phù hợp và vận mệnh tốt cũng chưa đủ, bởi không may người xông đất nghiệp lực "đổ" thì việc xông đất sẽ không hoàn hảo. Bởi vậy, việc chúng ta thỉnh một vị Phật, một biểu tượng giác ngộ vào nhà sẽ đem lại phúc đức, hỷ lạc cho năm mới. Từ trường an lành nhất, hồng đức lớn nhất không ai sánh bằng chư Phật, chư Bồ tát và các bậc Thầy giác ngộ. Do đó, thay vì nhờ cậy một người phàm tình xông đất, hãy chuẩn bị một bức tranh, tượng Phật, Bồ tát hoặc các bậc Thầy giác ngộ mà chúng ta kính ngưỡng với tín tâm thanh tịnh và tin tưởng tuyệt đối rằng đó không phải là tranh tượng mang tính vật chất, mà chính là sự hiển diện thật sự của các Ngài. Đến phút giao thời, chúng ta cung rước chư Phật giáng lâm xông đất, gia trì, bảo hộ, ban phúc lành, may mắn cho chúng ta.
Chúng ta đều đã biết rằng bất kỳ hành động thân khẩu ý nào của mình, một khi đã phát ra đều sẽ tăng trưởng cho tới khi chín muồi thành quả. Bởi vậy, với tâm nguyện thiện lành, cầu nguyện cho một đời sống no ấm, thịnh vượng cho cả năm thì thời điểm khởi đầu một năm mới, chúng ta cần có những phẩm vật biểu trưng giúp cho viên mãn tâm nguyện này.
2. Chuẩn bị ban thờ Phật và phẩm vật xông nhà
Bạn cần chuẩn bị một chiếc bàn và một chiếc khay (mâm) lớn. Ban thờ Phật này được đặt tại cửa chính vào nhà. Cách bày biện như sau:
2.1 Tranh hoặc tượng Phật:
Vô số chư Phật, bạn chọn vị Phật nào tùy ý, nhưng có thể chọn vị Phật mà mình có sự kết nối như là Phật Bản tôn hộ mệnh của mình, hay vị Phật Bản tôn mà mình thường tu tập quán tưởng. Theo truyền thống Himalaya, Đức Văn Thù thường là vị Phật được thỉnh mời "xông nhà", bởi người dân quan niệm rằng trí tuệ sẽ dẫn đường chúng ta tới hạnh phúc, sự thịnh vượng, an lạc, giải thoát.
2.2 Bộ xông nhà Hoan hỷ - Cát tường gồm:
- Ngũ cốc (ngô, đậu xanh, đậu tương, đậu đỏ, gạo thóc): đây là biểu tượng để đảm bảo một cuộc sống thịnh vượng về mặt vật chất.
Bộ xông nhà Hoan hỷ - Cát tường (Nguồn ảnh: Trung tâm Phật Trường Thọ)
- Ngũ dược (la hán quả, hoa hồi, long não, quế và thảo quả): đây là biểu tượng để đảm bảo một cuộc sống thịnh vượng về tinh thần, không bị bệnh tật, khổ ách.
- Ngũ vị với hai loại chính là đường và muối: Đường là biểu tượng của nghiệp thiện lành, đem đến đời sống bình an, hạnh phúc. Muối là loại có tính dương rất lớn, giúp cho đời sống hướng thượng và đi lên. Bạn cũng có thể chuẩn bị thêm sữa chua, hoặc pho mai cho nhóm này.
- Ngũ hương: đây là biểu trưng cho sự trong sạch, tịnh hóa thân tâm và các công đức cúng dàng lên chư Phật. Hoa saffron có thể coi là đại diện tiêu biểu của Ngũ hương. Dầu gỗ sandal (sandal wood) cũng nằm trong nhóm này.
- Ngũ sắc: đây là biểu trưng cho Ngũ Trí Như Lai, giúp đem lại trí tuệ và sự cân bằng năng lượng cho tổ ấm của bạn.
Theo triết lý Đạo Phật, số 5 được nhắc đến rất nhiều, tượng trưng cho pháp số đem lại nhiều may mắn. Khi 5 thức mê lầm được chuyển hóa, chúng trở thành Ngũ Trí Phật hay Ngũ Trí Như Lai. Khi 5 loại ham muốn vị kỷ của con người được chuyển hóa, chúng trở thành tình yêu thương, sự cảm thông, lòng từ ái vị tha vô bờ…
2.3 Các biểu tượng giác ngộ: như biểu tượng chữ A Thập Tướng Tự Tại, Thangka hộ trì Văn Thù, Tám tướng cát tường, Tám cúng dường, Thất bảo, Mandala Thời luân Kim Cương... đều mang lại những năng lượng hết sức tích cực, sự thịnh vượng, cát tường, bảo hộ bình an... Bạn có thể chọn một hoặc nhiều biểu tượng tùy theo tâm nguyện và điều kiện của mình.
2.4 Các đồ bày đàn khác
Ngoài ra, bạn còn cần chuẩn bị thêm:
- Bình (lò) xông hương hoặc cốc cắm hương thẻ;
- Đèn nến tượng trưng cho ánh sáng trí tuệ;
- Một lọ hoa tươi;
- Một đĩa hoa quả, bánh kẹo, phô-mai.
3. Thỉnh Phật xông nhà
Vào thời khắc sang năm mới, chủ nhà ra khỏi nhà, khi quay về thì quỳ xuống lễ Phật, trì tụng chân ngôn một vị Phật mà bạn biết (càng nhiều càng tốt) rồi cung rước ban thờ vào nhà. Sau đó, bạn hãy an vị Ngài trên bàn thờ. Nếu có ban thờ Phật riêng là tốt nhất. Nếu chưa có điều kiện, bạn hãy an vị Ngài ở vị trí trên cao trên ban thờ gia tiên hoặc ở nơi trang trọng nhất trong nhà.
Sau khi an vị các Ngài trên ban thờ, chúng ta đối trước sự hiển diện của quý Ngài, tán tụng Tiếng gọi Thầy Từ Phương Xa, Tứ Quy Y, Mười Hạnh Nguyện Phổ Hiền, Bát Đại Cát tường Thù Thắng, thực hành Nghi quỹ tu trì giản lược Đức Bản tôn Lục Độ Phật Mẫu … và sau đó chúc phúc cát tường tới mọi người trong gia đình.
Vì chúng ta là trung tâm của năng lượng, nếu mình không có đủ phẩm chất tình yêu thương và trí tuệ, không thực hành trải nghiệm những phẩm chất ấy, thì những nghi thức bạn thực hiện sẽ không mang lại nhiều lợi ích. Bởi vậy, để đón nhận một năm mới tốt đẹp, bạn hãy để tâm mình bình an, hoan hỷ, hãy trưởng dưỡng Bồ đề tâm và thực hành thiện hạnh hướng tới tất cả mọi và mọi chúng sinh, không chỉ trong thời khắc giao thừa mà cả 15 ngày đặc biệt đầu năm mới và trong suốt tháng Giêng.
(Nhóm ĐBT biên soạn)
- 5089
Viết bình luận