17. Phẩm Sơ Phát Tâm Công Đức thứ mười bảy | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

17. Phẩm Sơ Phát Tâm Công Đức thứ mười bảy

17. Phẩm Sơ Phát Tâm Công Đức thứ mười bảy
 
(Hán Bộ Phần Sau Quyển 17)
 
Lúc bấy giờ, Thiên Ðế Thích bạch Pháp Huệ Bồ Tát rằng:
 
Thưa Phật tử! Bồ Tát sơ phát bồ đề tâm được bao nhiêu công đức? Pháp Huệ Bồ Tát nói:
 
Nghĩa đó rất sâu, khó nói, khó biết, khó phân biệt, khó tin hiểu, khó chứng, khó làm, khó thông đạt, khó tư duy, khó đạt lượng, khó thu nhập.
 
Tuy nhiên, thừa oai thần của Ðức Phật, tôi sẽ nói cho ông.
 
Này Phật tử! Giả sử có người đem tất cả đồ sở thích cúng dường chúng sinh trong vô số thế giới ở mười phương trọn một kiếp; rồi sau đó dạy họ thọ trì ngũ giới thanh tịnh. Cứ theo ý ông, công đức của người này nhiều chăng?
 
Thiên Ðế thưa: “Công đức của người này, trừ Phật ra, không ai có thể lường được.”
 
Pháp Huệ Bồ Tát nói: “Này Phật tử! Công đức của người này đem so với công đức sơ phát tâm của Bồ Tát chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần ức, một phần trăm ngàn na do tha ức, một phần số, một phần ca la, một phần toán, một phần dụ, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà.
 
Giả sử có người đem tất cả đồ sở thích cúng dường chúng sinh trong mười vô số thế giới ở mười phương trọn trăm kiếp, rồi sau đó dạy họ đều tu thập thiện. Cúng dường như vậy trọn trăm ngàn kiếp rồi dạy trụ tứ vô lượng tâm. Cúng dường trọn ức kiếp rồi dạy trụ tứ vô sắc định. Cúng dường trọn trăm ức kiếp rồi dạy trụ quả Tu Ðà Hoàn. Cúng dường trọn ngàn ức kiếp, rồi dạy trụ quả A La Hán. Cúng dường trọn trăm ngàn na do tha ức kiếp, rồi dạy trụ Bích Chi Phật.
 
Này Phật tử! Cứ theo ý của ông, công đức của người này có nhiều chăng?
 
Thiên Ðế thưa: “Công đức của người này, trừ Phật ra, không ai có thể lường được”.
 
Pháp Huệ Bồ Tát nói: “Này Phật tử! Công đức của người này đem so với công đức sơ phát tâm của Bồ Tát chẳng bằng một phần trăm, một phần ngàn, một phần trăm ngàn, một phần ức, một phần trăm ngàn na do tha ức, một phần số, một phần ca la, một phần toán, một phần dụ, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà.
 
Giả sử có người đem tất cả đồ sở thích cúng dường chúng sinh trong mười vô số thế giới ở mười phương trọn trăm kiếp, rồi sau đó dạy họ đều tu thập thiện. Cúng dường như vậy trọn ngàn kiếp rồi dạy tứ thiền. Cúng dường như vậy trọn trăm ngàn kiếp rồi dạy tứ vô lượng tâm. Cúng dường trọn ức kiếp rồi dạy trụ tứ vô sắc định. Cúng dường trọn trăm ức kiếp rồi dạy trụ quả Tu Ðà Hoàn. Cúng dường trọn ngàn ức kiếp rồi dạy trụ quả Tư Ðà Hàm. Cúng dường trọn trăm ngàn ức kiếp, rồi dạy trụ quả A Na Hàm. Cúng dường trọn trăm ngàn na do tha ức kiếp, rồi dạy trụ Bích Chi Phật.
 
Này Phật tử! Cứ theo ý của ông, công đức của người này có nhiều chăng? Thiên Ðế thưa: “Công đức của người này chỉ có Phật là biết được thôi”.
 
Pháp Huệ Bồ Tát nói: “Này Phật tử! Công đức của người này đem so với công đức của Bồ Tát sơ phát tâm chẳng bằng một phần trăm, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà.
 
Tại sao thế? Này Phật tử! Tất cả chư Phật lúc sơ phát tâm, chẳng phải chỉ vì đem tất cả đồ sở thích cúng dường chúng sinh trong mười vô số thế giới ở mười phương trải qua trăm kiếp, nhẫn đến trăm ngàn na do tha kiếp mà phát bồ đề tâm. Cũng chẳng phải chỉ vì giáo hóa những chúng sinh ấy tu ngũ giới, thập thiện, tứ thiền, tứ không, nhẫn đến khiến trụ nơi quả A La Hán và Bích Chi Phật mà phát bồ đề tâm. Chính là vì khiến Chủng tánh Như Lai chẳng dứt, vì đầy khắp tất cả thế giới, vì độ thoát tất cả chúng sinh trong tất cả thế giới, vì biết rõ cả sự thành hoại của tất cả thế giới, vì biết rõ chúng sinh cấu tịnh trong tất cả thế giới, vì biết rõ sở thích, phiền não, tập khí của tất cả chúng sinh, vì biết rõ sự chết đây sanh kia của tất cả chúng sinh, vì biết rõ căn tánh phương tiện của tất cả chúng sinh, vì biết rõ tâm hành của tất cả chúng sinh, vì trí biết rõ tam thế chúng sinh, vì biết rõ cảnh giới bình đẳng của tất cả Phật, vì những điều trên đây mà phát tâm vô thượng bồ đề.
 
Này Phật tử! Giả sử có người trong một khoảng một niệm có thể qua khỏi phương đông vô số thế giới, đi luôn như vậy trọn vô số kiếp, số thế giới của người này đã trải qua khó có ai biết được.
 
Người thứ hai, trong một niệm có thể qua khỏi tất cả thế giới của người thứ nhứt đã trải qua trong vô số kiếp, người này cũng đi luôn mãi trọn vô số kiếp.
 
Cứ lần lượt tuần tự như vậy đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy. Thế là trong mười phương có cả thảy trăm người. Số thế giới của trăm người này đã trải qua còn có thể biết được tế hạn.
 
Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát vô thượng bồ đề tâm, không ai có thể biết tế hạn được.
 
Này Phật tử! Tại sao vậy? vì Bồ Tát phát bồ đề tâm không có tế hạn. Nghĩa là vì muốn biết rõ thập phương tất cả thế giới, muốn biết diệu thế giới tức là thô thế giới, và thô tức là diệu, thế giới ngửa tức là thế giới úp, và úp tức là ngửa, tiểu thế giới tức là đại thế giới và đại tức là tiểu, thế giới rộng tức là thế giới hẹp và hẹp tức là rộng, một thế giới tức là bất khả thuyết thế giới và bất khả thuyết tức là một, bất khả thuyết thế giới vào trong một thế giới và một thế giới vào trong bất khả thuyết, uế thế giới tức là tịnh thế giới, và tịnh tức là uế, muốn biết trong đầu một sợi lông tất cả thế giới tính sai biệt, trong tất cả thế giới một đầu lông một thể tính, muốn biết trong một thế giới xuất sinh tất cả thế giới, muốn biết tất cả thế giới không thể tính, muốn dùng một niệm mà biết hết tất cả thế giới rộng lớn mà không chướng ngại. Vì cớ trên đây mà phát tâm vô thượng bồ đề.
 
Lại ví dụ: giả sử có người trong khoảng một niệm có thể biết kiếp số thành hoại trong vô số thế giới ở phương Ðông, cứ niệm niệm biết như vậy trọn vô số kiếp.
 
Người thứ hai trong khoảng một niệm có thể biết tất cả kiếp số của người thứ nhất đã biết trong vô số kiếp, rồi niệm niệm biết như vậy trọn vô số kiếp.
 
Cứ tuần tự tăng lên đến người thứ mười, chín phương kia cũng như vậy.
 
Thế là có cả thảy trăm người. Kiếp số thành hoại của tất cả thế giới trong mười phương qua sự hiểu biết của trăm người này, còn có thể biết được ngằn mé.
 
Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm không ai có thể biết được ngằn mé.
 
Tại sao vậy? Vì Bồ Tát chẳng phải chỉ vì biết sự thành hoại của bao nhiêu thế giới đó mà phát tâm vô thượng bồ đề. Mà vì muốn biết rõ sự thành hoại của tất cả thế giới không thừa không sót nên phát tâm.
 
Nghĩa là muốn biết kiếp dài tức là kiếp ngắn, ngắn tức là dài, dài ngắn bình đẳng, một kiếp bình đẳng với vô số kiếp, vô số với một củng vậy, kiếp có Phật bình đẳng với kiếp không Phật, không với có cũng vậy, trong kiếp một Phật có bất khả thuyết Phật, trong kiếp bất khả thuyết Phật có một Phật, hữu lượng kiếp bình đẳng với vô lượng kiếp, vô lượng kiếp bình đẳng với hữu lượng kiếp, hữu tận kiếp bình đẳng với vô tận kiếp, vô tận với hữu tận cũng vậy, bất khả thuyết kiếp bình đẳng với một niệm, một niệm bình đẳng với bất khả thuyết kiếp, tất cả kiếp vào phi kiếp, phi kiếp vào tất cả kiếp. Vì muốn trong một niệm biết hết kiếp số thành hoại của tất cả thế giới trong ba thời quá khứ, vị lai và hiện tại, nên phát tâm vô thượng bồ đề.
 
Ðây gọi là sơ phát tâm đại thệ trang nghiêm trí thần thông rõ biết tất cả kiếp.
 
Lại ví dụ: “Giả sử có người, trong khoảng một niệm có thể biết những tri giải sai biệt của tất cả chúng sinh trong vô số thế giới ở phương Ðông. Niệm niệm biết rõ như vậy mãn vô số kiếp.
 
Người thứ hai trong khoảng một niệm có thể biết những tri giải của tất cả chúng sinh mà người thứ nhất đã biết trọn vô số kiếp. Lần lượt tuần tự đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy.
 
Những tri giải riêng biệt của tất cả chúng sinh trong mười phương như vậy, còn có thể biết được ngằn mé.
 
Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
 
Tại sao vậy? Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải vì chỉ muốn biết bao nhiêu tri giải của bao nhiêu chúng sinh đó, mà vì muốn biết những tri giải của các chúng sinh trong tất cả thế giới.
 
Nghĩa là Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề, vì muốn biết tất cả tri giải sai biệt vô biên, tri giải sai biệt của một chúng sinh bình đẳng với tri giải của vô số chúng sinh, vì muốn được trí phương tiện biết rõ bất khả thuyết tri giải sai biệt, muốn biết rõ mỗi mỗi tri giải sai biệt của tất cả chúng sinh trọn vẹn không thừa sót, muốn biết rõ tri giải thiện, bất thiện, quá khứ, hiện tại, vị lai, muốn biết rõ tri giải tương tợ và chẳng tương tợ, muốn biết rõ tất cả tri giải tức là một tri giải, một tri giải tức là tất cả tri giải, muốn biết được sức tri giải của Như Lai, muốn biết rõ sự sai biệt của hữu thượng giải, vô thượng giải, hữu dư giải, vô dư giải, đẳng giải, bất đẳng giải, hữu y giải, vô y giải, cộng giải, bất cộng giải, hữu biên giải, vô biên giải, sai biệt giải, vô sai biệt giải, thiện giải, bất thiện giải, thế gian giải, xuất thế gian giải, muốn được vô ngại ở nơi tất cả diệu giải, đại giải, vô lượng giải, chánh vị giải, muốn dùng vô lượng phương tiện biết rõ trọn vẹn thập phương tất cả chúng sinh giới, mỗi chúng sinh có nào là tịnh giải, tế giải, thô giải, muốn biết rõ trọn vẹn thâm mật giải, phương tiện giải, phân biệt giải, tự nhiên giải, tùy nhân khởi giải, tùy duyên khởi giải.
 
Vì muốn được như trên đây mà Bồ Tát phát tâm vô thượng chắnh đẳng Chính giác.
 
Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm, có thể biết căn tính sai biệt của tất cả chúng sinh trong vô số thế giới phương Ðông, niệm niệm biết như vậy trọn vô số kiếp.
 
Người thứ hai, trong một niệm, có thể rõ biết tất cả sự biết về căn tính chúng sinh trọn vô số kiếp của người thứ nhất.
 
Lần lượt tuần tự đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy.
 
Những căn tính sai biệt của bao nhiêu chúng sinh trong bao nhiêu thế giới của trăm người đó rõ biết trọn vô số kiếp, còn có thể biết được ngằn mé.
 
Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
 
Tại sao vậy? Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải chỉ vì biết bao nhiêu căn tính đó, mà chính vì muốn biết rõ trọn vẹn những căn tánh sai biệt của tất cả chúng sinh trong tất cả thế giới. Nói rộng ra, nhẫn đến muốn biết trọn vẹn tất cả lưới căn tánh mà Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề.
 
Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những chỗ sở thích của những chúng sinh trong vô số thế giới ở phương Ðông, niệm niệm biết như vậy trọn vô số kiếp. Tuần tự nới rộng đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy. Chỗ sở thích của thập phương chúng sinh này còn có thể biết được ngằn mé.
 
Công đức thiện căn của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
 
Tại sao vậy? Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải vì chỉ để biết chừng ấy sở thích của bao nhiêu chúng sinh đó, mà chính là vì muốn biết tất cả sở thích của tất cả chúng sinh trong tất cả thế giới.
 
Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những phương tiện của những chúng sinh trong vô số thế giới ở phương Ðông. Tuần tự nới rộng như vậy nhẫn đến người thứ mười. Chín phương kia cũng đều như vậy.
 
Những loại phương tiện cùng thập phương chúng sinh đó còn có thể biết được ngằn mé. Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm không ai có thể biết được ngằn mé.
 
Tại sao vậy? Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải vì để biết bao nhiêu phương tiện của thập phương chúng sinh đó, mà chính là để biết trọn vẹn những phương tiện của tất cả chúng sinh trong tất cả thế giới.
 
Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những tâm sai biệt của những chúng sinh trong vô số thế giới ở phương Ðông. Nới rộng nhẫn đến những tâm sai biệt của những chúng sinh trong thập phương thế giới, còn có thể biết ngằn mé.
 
Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
 
Tại sao vậy? Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải chỉ vì để biết ngần ấy tâm sai biệt, mà chính vì để biết trọn vẹn những tâm sai biệt của tất cả chúng sinh trong tất cả thế giới.
 
Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm có thể biết những nghiệp sai biệt của những chúng sinh trong vô số thế giới ở phương Ðông. Nới rộng nhẫn đến những nghiệp sai biệt của những chúng sinh trong thập phương thế giới, còn có thể biết ngằn mé.
 
Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
 
Tại sao vậy? Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải chỉ vì để biết những nghiệp sai biệt của bao nhiêu chúng sinh đó, mà chính là vì để biết rõ trọn vẹn những nghiệp sai biệt của tất cả chúng sinh trong tất cả thế giới và cả Tam thế.
 
Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm, có thể biết những phiền não của chúng sinh trong vô số thế giới ở phương Ðông. Lần lượt nới rộng nói đến người thứ mười và chín phương kia, còn có thể biết được ngằn mé.
 
Công đức căn lành của Bồ Tát sơ phát tâm, không ai có thể biết được ngằn mé.
 
Tại sao vậy? Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải chỉ vì để biết những phiền não của bao nhiêu chúng sinh đó, mà chính vì để biết rõ trọn vẹn những phiền não sai biệt của những chúng sinh trong tất cả thế giới.
 
Nghĩa là muốn biết rõ trọn vẹn nhửng phiền não nhẹ, nặng, chủng tử hiện hành, tất cả chúng sinh có vô lượng phiền não, các loại sai biệt, các loại giác quán để đói trị sạch tất cả những tạp nhiễm.
 
Muốn biết trọn vẹn phiền não y tựa vô minh, phiền não tương ưng với ai, để dứt kiết sử phiền não của tất cả loài.
 
Muốn biết trọn vẹn tham phần, sân phần, si phần và đẳng phần phiền não, để dứt căn bản phiền não. Muốn biết trọn vẹn ngã phiền não, ngã sở phiền não, ngã mạn phiền não, để giác ngộ hết tất cả phiền não.
 
Muốn biết trọn vẹn từ điên đảo phân biệt sanh ra căn bản phiền não, tùy phiền não, nhơn thân kiến sanh sáu mươi hai kiến chấp, để điều phục tất cả phiền não.
 
Muốn biết trọn vẹn cái phiền não, chướng phiền não, để phát tâm đại bi, tâm cứu hộ dứt tất cả phiền não khiến tất cả trí tánh thanh tịnh.
 
Vì muốn được như vậy mà Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề.
 
Lại ví dụ: Giả sử có người trong khoảng một niệm đem các thứ thượng vị ẩm thực, y phục, hoa hương, phan lọng, tăng già lam, cung điện thượng diệu, màn trướng báu, những tòa sư tử trang nghiêm và những diệu bửu cung kính cúng dường vô số chư Phật phương Ðông và những chúng sinh trong vô số thế giới, luôn trọn vô số kiếp và cũng khuyên những chúng sinh đó đồng cúng dường Phật. Ðến khi chư Phật nhập diệt đều xây tháp cao rộng trang nghiêm để thờ xá lợi và hình tượng của Phật trọn vô số kiếp. Chín phương kia cũng đều như vậy.
 
Này Phật tử! Công đức của người trên đây, theo ý ông, có nhiều chăng? Thiên Ðế thưa: “Công đức đó chỉ có Ðức Phật là biết được thôi”.
 
Pháp Huệ Bồ Tát nói: “Công đức đem sánh với công đức của Bồ Tát sơ phát tâm không bằng một phần trăm, nhẫn đến chẳng bằng một phần ưu ba ni sa đà.
 
Nới rộng như thế tuần tự đến người thứ mười. Công đức cúng dường của tất cả người trên đây cũng không bằng một phần ưu ba ni sa đà đối với công đức của Bồ Tát sơ phát tâm.
 
Tại sao vậy? Vì Bồ Tát phát tâm chẳng phải chỉ hạn cúng dường bao nhiêu Ðức Phật như vậy, mà chính vì để cúng dường thập phương tam thế tất cả chư Phật.
 
Bồ Tát phát tâm này rồi, có thể biết tất cả quá khứ chư Phật lúc mới thành Chính giác đến lúc nhập Niết Bàn, có thể tin bao nhiêu thiện căn của tất cả vị lai chư Phật, có thể biết bao nhiêu trí huệ của tất cả hiện tại chư Phật.
 
Tam thế chư Phật có bao nhiêu công đức, Bồ Tát này có thể tin được, thọ được, có thể biết, có thể tu, có thể được, có thể chứng, có thể trọn nên, có thể cùng chư Phật bình đẳng một tính.
 
Tại sao vậy? Bồ Tát này vì chẳng dứt Phật chủng mà phát tâm, vì đày khắp tất cả thế giới, vì độ thoát tất cả chúng sinh, vì biết rõ sự thành hoại của tất cả thế giới, vì biết rõ sự cấu tịnh của tất cả chúng sinh, vì biết rõ ba cõi thanh tịnh của tất cả thế giới, vì biết rõ sở thích, phiền não, tập khí của tất cả chúng sinh, vì biết rõ tất cả chúng sinh chết đây sanh kia, vì biết rõ căn tánh phương tiện của tất cả chúng sinh, vì biết rõ tâm hành của tất cả chúng sinh, vì trí biết rõ tam thế của tất cả chúng sinh.
 
Vì những điều trên đây mà Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề.
 
Do phát tâm nên thường được tất cả tam thế chư Phật ức niệm, sẽ được vô thượng bồ đề. Liền được tất cả tam thế chư Phật ban diệu pháp. Liền cùng tất cả tam thế chư Phật thể tánh bình đẳng. Ðã tu pháp trợ đạo của tất cả tam thế chư Phật. Trang nghiêm Phật pháp bất cộng của tất cả tam thế chư Phật. Ðược trọn vẹn trí huệ thuyết pháp của tất cả tam thế chư Phật.
 
Tại sao vậy? Vì phát tâm như đây sẽ được thành Phật.
 
Nên biết người này đồng với tam thế chư Phật, bình đẳng với cảnh giới của chư Phật, bình đẳng với công đức của chư Phật, được trí huệ chơn thật một thân cùng vô lượng thân rốt ráo bình đẳng của chư Phật.
 
Lúc vừa phát tâm liền được thập phương tất cả chư Phật đồng khen ngợi, liền có thể thuyết pháp giáo hoá điều phục chúng sinh trong tất cả thế giới, liền có thể chấn động tất cả thế giới, liền có thể chiếu sáng tất cả thế giới, liền có thể dứt diệt những khổ ác đạo của tất cả thế giới, liền có thể nghiêm tịnh tất cả quốc độ, liền có thể thị hiện thành Phật trong tất cả thế giới, liền có thể khiến tất cả chúng sinh đều được vui mừng, liền có thể vào tất cả pháp giới tánh, liền có thể được trí huệ quang minh của tất cả Phật.
 
Bồ Tát sơ phát tâm đây chẳng phải cầu được một ít trong tam thế, như là Phật, Phật pháp, Bồ Tát, bồ tát pháp, Ðộc giác, độc giác pháp, Thinh văn, thinh văn pháp, thế gian, thế gian pháp, xuất thế gian, xuất thế gian pháp, chúng sinh, chúng sinh pháp, mà chỉ cầu được nhứt thiết chủng trí, nơi các pháp giới, tâm không chấp trước.
 
Lúc bấy giờ, do thần lực của Phật, mười phương đều mười ngàn Phật sát vi trần số thế giới chấn động sáu cách, mưa hoa trời, hương trời, tràng hoa trời, y phục trời, báu trời, đồ trang nghiêm trời, trỗi kỹ nhạc trời, phóng quang minh trời và âm thinh trời.
 
Lúc đó, mười phương, đều qua khỏi ngoài mười Phật sát vi trần số thế giới, có mười ngàn Phật sát vi trần số Phật đồng hiệu Pháp Huệ, và đều hiện thân ra trước Pháp Huệ Bồ Tát mà bảo rằng:
 
Lành thay! Lành thay! Này Pháp Huệ! Nay ông có thể thuyết được pháp đó. Chúng thế gian ở mười phương, đều mười ngàn Phật sát vi trần số chư Phật cũng thuyết pháp đó.
 
Lúc ông thuyết pháp đó, có mười ngàn Phật sát vi trần số Bồ Tát phát tâm vô thượng bồ đề. Chư Phật chúng thế gian đều thọ ký cho họ: qua khỏi ngàn bất khả thuyết vô biên kiếp, đồng xuất thế thành Phật trong một kiếp và đồng hiệu Thanh Tịnh Tâm Như Lai, thế giới khác nhau.
 
Chư Phật chúng thế gian sẽ hộ trì pháp này, khiến chư Bồ Tát thời vị lai, người chưa nghe đều được nghe.
 
Như ở Ta Bà thế giới này, trên đảnh Tu di thuyết pháp như vậy khiến các chúng sinh nghe pháp thọ hóa, mười phương trăm ngàn ức na do tha vô lượng, vô biên, tận pháp giới hư không giới, trong tất cả thế giới cũng nói pháp này giáo hóa chúng sinh. Bồ Tát thuyết pháp đồng tên Pháp Huệ. Ðều do thần lực của Phật, nguyện lực của Phật, vì muốn hiển thị Phật pháp, vì dùng trí quang chiếu khắp, vì muốn khai xiển thật nghĩa, vì khiến chứng được pháp tính, vì khiến hội chúng đều hoan hỷ, vì muốn khai thị nhân Phật pháp, vì được tất cả Phật bình đẳng, vì rõ pháp giới vô nhị, nên thuyết pháp như vậy.
 
Lúc đó Pháp Huệ Bồ Tát quan sát khắp tất cả chúng hội mười phương thế giới, muốn đều thành tựu các chúng sinh, muốn đều trừ sạch những nghiệp quả báo, muốn đều khai hiển thanh tịnh pháp giới, muốn đều nhổ trừ căn bản tạp nhiễm, muốn đều tăng trưởng tín giải rộng lớn, muốn đều khiến biết rõ căn tánh vô lượng chúng sinh, muồn đều khiến biết pháp tam thế bình đẳng, muốn đều khiến quan sát Niết Bàn giới, muốn tăng trưởng thiện căn thanh tịnh của mình, thừa oai lực của Phật mà nói kệ rằng:
 
Vì lợi thế gian phát đại tâm
Tâm đó khắp cùng cả mười phương
Chúng sinh, quốc độ pháp Tam thế
Phật và Bồ Tát biển tối thắng.
Rốt ráo hư không khắp pháp giới
Chỗ có tất cả những thế gian
Như các Phật pháp đều qua đến  
Phát tâm như vậy không thối chuyển.
Từ niệm chúng sinh không tạm bỏ
Lìa những não hại khắp nhiêu ích
Quang minh chiếu thế làm sở quy
Thập Lực hộ niệm khó nghĩ bàn.
Thập phương quốc độ đều đến vào
Tất cả hình sắc đều thị hiện
Như Phật phước trí rộng vô biên
Tùy thuận tu nhân không chấp trước.
Có cõi ngửa, hoặc nghiêng, hoặc úp
Thô diệu rộng lớn vô lượng thứ
Bồ Tát một khi phát đại tâm
Ðều qua đến được không chướng ngại.
Bồ Tát thắng hạnh bất khả thuyết
Ðều siêng tu tập vô sở trụ
Thấy tất cả Phật lòng mến thích
Khắp vào biển pháp sâu của Phật.
Thương xót ngũ thú các quần sinh
Khiến trừ cấu uế khắp thanh tịnh
Nối thạnh Phật chủng chẳng đoạn tuyệt
Dẹp dứt cung ma không có thừa.
Ðã trụ Như Lai bình đẳng tính
Khéo tu vi diệu phương tiện đạo
Nơi Phật cảnh giới sinh tín tâm
Ðược Phật quán đảnh tâm không trước.
Nhớ nghĩ báo ân cho Ðức Phật
Lòng như kim cương chẳng bị ngăn
Có thể chiếu rõ công hạnh Phật
Tự nhiên tu tập hạnh bồ đề.
Các loài sai biệt vô lượng tưởng
Nghiệp quả và tâm cũng chẳng một
Nhẫn đến căn tính các loại khác
Một khi phát tâm đều thấy rõ.
Tâm đó rộng lớn khắp pháp giới
Vô y, vô biến, như hư không
Xu hướng Phật trí, không sở thủ
Rõ chắc thiệt tế lìa phân biệt.
Biết tâm chúng sinh không sinh tưởng
Rõ thấu các pháp không pháp tưởng
Dầu khắp phân biệt mà vô biệt
Ức na do cõi đều qua đến.
Vô lượng chư Phật diệu pháp tạng
Tùy thuận quan sát đều vào được
Căn hạnh chúng sinh đều biết cả
Ðến chỗ như vậy là như Phật.
Nguyện lớn thanh tịnh hằng tương ưng
Thích cúng dường Phật không thối chuyển
Trời người thấy đó không nhàm chán
Thường được chư Phật chỗ hộ niệm.
Tâm đó thanh tịnh vô sở y
Dầu quán thâm pháp mà chẳng chấp
Tư duy như vậy vô lượng kiếp  
Ở trong tam thế không sở trước.
Tâm đó kiên cố khó chế ngăn
Ðến Phật bồ đề không chướng ngại
Chí cầu diệu đạo trừ mê hoặc
Ði khắp pháp giới chẳng khổ nhọc.
Biết pháp ngữ ngôn đều tịch diệt
Chỉ vào chân như tuyệt dị giải
Chư Phật cảnh giới đều thuận quán
Ðạt nơi tam thế tâm vô ngại.
Bồ Tát mới phát tâm rộng lớn
Có thể qua khắp mười phương cõi
Pháp môn vô lượng bất khả thuyết
Trí quang chiếu khắp đều sáng tỏ.
Ðại bi rộng độ rất không sánh
Từ tâm cùng khắp đồng hư không
Mà với chúng sinh chẳng phân biệt
Thanh tịnh như vậy đi thế gian.
Thập phương chúng sinh đều an ủy
Tất cả chỗ làm đều chân thật
Hằng dùng tịnh tâm lời chẳng khác
Thường được chư Phật đồng gia hộ.
Quá khứ chỗ có đều ghi nhớ
Vị lai tất cả đều phân biệt
Thập phương thế giới khắp vào trong
Ðể độ chúng sinh khiến ra khỏi.
Bồ Tát đầy đủ diệu trí quang
Khéo rõ nhơn duyên không có nghi
Tất cả mê hoặc đều dứt trừ
Như vậy mà đi nơi pháp giới.
Ma Vương cung điện đều dẹp phá
Chúng sinh màn lòa đều trừ dứt
Lìa những phân biệt tâm chẳng động
Khéo rõ cảnh giới của Như Lai.
Lưới nghi tam thế đều đã trừ
Ðối với Như Lai sinh tịnh tín
Do tin được thành trí bất động
Do trí thanh tịnh hiểu chơn thiệt.
Vì khiến chúng sinh được xuất ly
Tận thời vị lai khắp lợi ích
Mãi mãi cần khổ tâm chẳng nhàm
Nhẫn đến địa ngục cũng an thọ.
Phước trí vô lượng đều đầy đủ
Chúng sinh căn dục đều rõ biết
Và những nghiệp hạnh đều biết cả
Theo sở thích họ vì thuyết pháp.
Rõ biết tất cả không vô ngã
Từ niệm chúng sinh thường không bỏ
Dùng một đại bi vi diệu âm
Vào khắp thế gian mà diễn thuyết.
Phóng đại quang minh các mầu sắc
Chiếu khắp chúng sinh trừ đen tối
Trong quang Bồ Tát ngồi liên hoa
Vì chúng xiển dương pháp thanh tịnh.
Nơi đầu một lông hiện các cõi
Chư đại Bồ Tát đều sung mãn
Chúng hội trí huệ sai khác cả
Ðều rõ biết được tâm chúng sinh.
Thập phương thế giới bất khả thuyết
Một niệm đi khắp hết tất cả
Lợi ích chúng sinh cúng dường
Phật Nơi chỗ chư Phật hỏi thâm nghĩa.
Nơi chư Như Lai tưởng là cha
Vì lợi chúng sinh tu giác hạnh
Trí huệ thiện xảo thông pháp tạng
Vào nơi thâm trí không sở trước.
Tùy thuận tư duy nói pháp giới
Trải vô lượng kiếp chẳng cùng tận
Trí dầu khéo vào không xứ sở
Không có mỏi nhàm không sở trước.
Sinh trong nhà tam thế chư Phật
Chứng được Như Lai diệu pháp thân
Khắp vì quần sanh hiện các sắc
Ví như thuật gia làm tất cả.
Hoặc hiện mới tu hạnh thù thắng
Hoặc hiện sơ sinh và xuất gia
Hoặc hiện dưới cây thành bồ đề
Hoặc vì chúng sinh hiện nhập diệt.
Bồ Tát trụ nơi pháp hi hữu
Là Phật cảnh chẳng phải nhị thừa
Thân ngữ ý tưởng đều đã trừ
Các thứ tùy nghi đều hiện được.
Bồ Tát chỗ được các Phật pháp
Chúng sinh tư duy phát cuồng loạn
Trí nhập thiệt tế tâm vô ngại
Khắp hiện Như Lai sức tự tại.
Ðây ở thế gian không sánh bằng
Huống là lại thêm hạnh thù thắng
Dầu chưa đầy đủ nhất thiết trí  
Ðã được Như Lai tự tại lực.
Ðã trụ nhứt thừa đạo rốt ráo
Sâu vào pháp vi diệu tối thượng
Khéo biết chúng sinh thời, phi thời
Vì lợi ích nên hiện thần thông.
Phân thân đầy khắp tất cả cõi
Phóng tịnh quang minh trừ đời tối
Ví như Long Vương khởi đại vân
Khắp tuôn mưa mầu đều đầy thấm.
Quan sát chúng sinh như ảo mộng
Do nghiệp lực nên thường lưu chuyển
Ðại bi xót thương đều cứu vớt
Vì nói vô vi tịnh pháp tính.
Phật lực vô lượng đây cũng vậy
Ví như hư không vô lượng biên
Vì khiến chúng sinh được giải thoát
Ức kiếp siêng tu không mỏi nhọc.
Quan sát tư duy diệu công đức
Khéo tự tại hạnh đệ nhứt vô thượng
Nơi các thắng hạnh luôn chẳng bỏ
Chuyên niệm sinh thành nhất thiết trí.
Một thân thị hiện vô lượng thân
Tất cả thế giới đều đầy khắp
Tâm đó thanh tịnh vô phân biệt
Một niệm khó nghĩ, sức như vậy.
Nơi các thế gian chẳng phân biệt
Nơi tất cả pháp không vọng tưởng
Quán sâu các pháp mà chẳng lấy
Hằng cứu chúng sinh không sở độ.
Tất cả thế gian chỉ là tưởng
Ở trong các thứ đều sai khác
Biết cảnh giới tưởng hiểm và sâu
Vì hiện thần thông để độ thoát.
Ví như thuật gia sức tự tại
Bồ Tát thần biến cũng như vậy
Thân khắp pháp giới và hư không
Tùy tâm chúng sinh đều được thấy.
Năng sở phân biệt lìa cả hai
Tạp nhiễm thanh tịnh không sở thú
Hoặc phược hoặc giải trí đều quên
Chỉ nguyện khắp ban vui quần chúng.
Tất cả thế gian chỉ tưởng lực
Dùng trí mà vào tâm vô úy
Tư duy các pháp cũng như vậy
Suy cầu tam thế bất khả đắc.
Hay vào quá khứ trọn thời trước
Hay vào vị lai trọn thời sau
Hay vào hiện tại tất cả chỗ
Thường siêng quan sát không chỗ có.
Tùy thuận Niết Bàn pháp tịch diệt
Trụ nơi vô tránh vô sở y
Tâm như thiệt tế không gì sánh
Chuyên hướng bồ đề trọn chẳng thối.
Tự tại những thắng hạnh không thối khiếp
An trụ bồ đề chẳng động lay
Phật và Bồ Tát cùng thế gian
Cùng tận pháp giới đều sáng tỏ.
Muốn được tối thắng đạo đệ nhứt
Là vua giải thoát nhứt thiết trí
Nên phải mau phát bồ đề tâm
Hết hẳn hữu lậu lợi quần sanh.
Xu hướng bồ đề tâm thanh tịnh
Công đức rộng lớn bất khả thuyết
Vì lợi quần sanh nên khen thuật
Phật tử các ngài nên nghe kỹ.
Vô lượng thế giới đều làm bụi
Trong mỗi hạt bụi vô lượng cõi
Mỗi cõi chư Phật đều vô lượng
Ðều hay thấy rõ không sở thủ.
Khéo biết chúng sinh không sinh tưởng
Khéo biết ngữ ngôn không ngữ tưởng
Nơi các thế giới tâm vô ngại
Ðều khéo biết rõ không sở trước.
Tâm đó rộng lớn như hư không
Việc trong tam thế đều rõ suốt
Tất cả nghi hoặc đều dứt trừ
Chánh quán Phật pháp không sở thủ.
Mười phương vô lượng các quốc độ
Một niệm qua đến lòng vô trước
Liễu đạt thế gian những pháp khổ
Ðều trụ vô sinh chân thiệt tế.
Vô lượng nan tư chỗ chư Phật
Ðều đến hội đó để lễ Phật
Thường làm thượng thủ hỏi Như Lai
Bồ Tát thật hành những nguyện hạnh.
Tâm thường nhớ đến Phật mười phương
Mà không sở y không sở thủ
Hằng khuyên chúng sinh trồng thiện căn
Trang nghiêm quốc độ khiến thanh tịnh.
Tất cả chúng sinh trong ba cõi
Dùng vô ngại nhãn đều quan sát
Bao nhiêu tập tính những căn giải
Vô lượng vô biên đều thấy rõ.
Chúng sinh sở thích đều rõ biết
Như vậy tùy nghi vì thuyết pháp
Nơi những nhiễm tịnh đều thông đạt
Khiến kia vô số những tam muộI
Bồ Tát một niệm đều vào được
Trong đó tưởng trí và sở duyên
Ðều khéo biết rõ được tự tại.
Bồ Tát được trí rộng lớn này
Mau đến bồ đề không sở ngại
Vì muốn lợi ích các quần sinh
Mọi nơi tuyên dương đại nhơn pháp.
Khéo biết thế gian kiếp dài ngắn
Một tháng nửa tháng và ngày đêm
Quốc độ riêng biệt tánh bình đẳng
Thường siêng quan sát chẳng phóng dật.
Ðến khắp mười phương các thế giới
Mà nơi phương xứ không sở thủ
Nghiêm tịnh quốc độ đều không thừa
Mà chẳng phân biệt là nghiêm tịnh.
Chúng sinh thị xứ hoặc phi xứ
Và đến những nghiệp hoặc báo khác
Tùy thuận tư duy vào Phật lực
Nơi đây tất cả đều rõ biết.
Tất cả thế gian những căn tính
Những thứ nghiệp hạnh vào ba cõi
Lợi căn và trung cùng hạ căn
Tất cả như vậy đều quan sát.
Tịnh cùng bất tịnh những tri giải
Thắng, liệt và trung đều thấy rõ
Công hạnh chỗ đến của chúng sinh
Ba cõi tương tục đều thuyết được.
Thiền định giải thoát các tam muội
Nhiễm tịnh nhân khởi đều chẳng đồng
Và cùng đời trước khổ vui khác
Tịnh tu Phật lực đều hay thấy.
Chúng sinh nghiệp hoặc nối các loài
Dứt các loài này được tịch diệt
Những pháp hữu lậu trọn chẳng sinh
Và tập chủng kia đều rõ biết.
Như Lai phiền não đều trừ hết
Ðại trí quang minh chiếu thế gian
Bồ Tát ở trong Phật thập lực
Dầu chưa chứng được cũng không nghi.
Bồ Tát ở trong một chưn lông
Niệm khắp mười phương vô lượng cõi
Hoặc có tạp nhiễm hoặc thế gian
Các thứ nghiệp hạnh đều rõ biết.
Trong một vi trần vô lượng cõi
Vô lượng chư Phật và Phật tử
Các cõi riêng khác không tạp loạn
Như một, tất cả đều thấy rõ.
Nơi một chưn lông thấy mười phương
Hết Hư không giới các thế gian
Chẳng có một nơi không có Phật
Cõi Phật như vậy đều thanh tịnh.
Ở trong chân lông thấy cõi Phật
Lại thấy tất cả các chúng sinh
Tam thế sáu loài đều chẳng đồng
Ngày, đêm, giờ, tháng có phược giải.
Ðại trí như vậy các Bồ Tát
Chuyên tâm xu hướng ngôi Pháp Vương
Nơi cảnh Phật trụ thuận tư duy
Mà được vô biên đại hoan hỷ.
Bồ Tát phân thân vô lượng ức
Cúng dường tất cả chư Như Lai
Thần thông biến hiện thắng vô tỉ
Chỗ Phật sở hành đều trụ được.
Với vô lượng Phật đều mến khen
Bao nhiêu pháp tạng đều say nếm
Thấy Phật nghe pháp siêng tu hành
Như uống cam lộ lòng vui đẹp.
Ðã được Như Lai thắng tam muội
Khéo vào các pháp trí tăng trưởng
Tín tâm bất động như Tu Di
Làm tạng công đức cho quần sinh.
Từ tâm rộng lớn khắp chúng sinh.
Ðều nguyện mau thành nhứt thiết trí
Mà luôn vô trước, không sở y
Lìa các phiền não được tự tại.
Trí rộng lớn thương xót chúng sinh
Nhiếp khắp tất cả đồng với mình
Biết không, vô tướng, không chân thật
Mà lòng tu hành không lười trễ.
Bồ Tát phát tâm lượng công đức
Ức kiếp ca ngợi không hết được
Vì xuất sinh các Ðức Như Lai
Và quả Thanh văn quả Ðộc giác.
Mười phương quốc độ các chúng sinh
Ban cho an vui vô lượng kiếp
Khuyên trì ngũ giới và thập thiện
Tứ thiền, tứ tâm, các định xứ.
Lại trọn nhiều kiếp ban an vui
Khiến dứt phiền não thành La Hán
Những phúc đức đó dầu vô lượng
Nhưng chẳng bằng công đức phát tâm.
Lại dạy ức chúng thành duyên giác
Ðược hạnh vô tránh đạo vi diệu
Ðem đó sánh với bồ đề tâm  
Toán số thí dụ không bằng được.
Một niệm qua được trần số cõi
Như vậy đi mãi vô lượng kiếp
Số những cõi đó còn tính được
Công đức phát tâm chẳng thể biết.
Quá khứ, vị lai và hiện tại
Bao nhiêu kiếp số vô lượng biên
Những kiếp số này còn biết được
Công đức phát tâm chẳng thể lường.
Do tâm bồ đề khắp mười phương
Bao nhiêu phân biệt đều biết cả
Một niệm tam thế đều thấu tỏ
Vì lợi ích vô lượng chúng sinh.
Thập phương thế giới những chúng sinh
Ý muốn, tri giải và phương tiện
Ðến hư không giới đều lường được
công đức phát tâm khó lường biết.
Bồ Tát chí nguyện khắp mười phương
Từ tâm lợi khắp các quần sinh
Ðều khiến tu hành Phật công đức
Thế nên sức đó không ngằn mé.
Chúng sinh: muốn, hiểu, lòng sở thích
Căn tính, phương tiện, hạnh riêng biệt
Nơi trong một niệm đều rõ biết
Nhứt thiết trí trí tâm đồng đẳng.
Tất cả chúng sinh các hoặc nghiệp
Ba cõi tương tục không tạm dứt
Những ngằn mé này còn biết được
Công đức phát tâm khó nghĩ bàn.
Phát tâm hay lìa nghiệp phiền não
Cúng dường tất cả chư Như Lai
Nghiệp hoặc đã lìa tương tục dứt
Khắp trong bình đẳng đời được giải thoát.
Một niệm cúng dường vô biên Phật
Cũng cúng vô số các chúng sinh
Ðều dùng hương hoa và tràng đẹp
Tràng phan lọng báu y phục tốt.
Thức ngon tòa báu chỗ kinh hành
Các thứ cung điện đều nghiêm tốt
Tỳ Lô Giá Na diệu bửu châu
Như ý ma ni phát sáng chói,
Như vậy niệm niệm đem cúng dường
Trọn vô lượng kiếp bất khả thuyết
Người đó phước tụ dầu lại nhiều
Chẳng bằng phát tâm công đức lớn.
Ðã nói bao nhiêu những ví dụ
Không có bằng được bồ đề tâm
Bởi vì tam thế chư Như Lai
Ðều từ phát tâm này mà có.
Phát tâm vô ngại không chừng ngằn
Muốn cầu lượng đó không thể được
Nhất thiết trí trí nguyện tất thành  
Bao nhiêu chúng sinh đều độ trọn.
Phát tâm rộng lớn đồng hư không
Sinh những công đức đồng pháp giới
Công hạnh phổ biến không khác: “như”
Trọn lìa chấp trước bình đẳng: “Phật”.
Tất cả pháp môn đều vào cả
Tất cả quốc độ đều qua được
Tất cả trí cảnh đều thông đạt
Tất cả công đức đều thành tựu.
Tất cả năng xả luôn tương tục  
Tịnh các giới phẩm không sở trước
Ðầy đủ vô thượng công đức lớn
thường siêng tinh tấn bất thối chuyển.
Vào thâm thiền định thường tư duy
Trí huệ rộng lớn đồng tương ưng
Ðây là bậc Bồ Tát tối thắng
Xuất sinh tất cả đạo Phổ Hiền.
Tam thế tất cả chư Như Lai
Ðều dùng tam muội đà la ni
Thần thông biến hóa đồng trang nghiêm.
Mười phương chúng sinh vô biên lượng
Thế giới hư không cũng như vậy
Phát tâm vô lượng hơn số kia
Do đây hay sinh tất cả Phật.
Bồ đề tâm là gốc thập lực
Cũng là gốc tứ biện vô úy
Và mười tám Phật pháp bất cộng
Tất cả đều từ phát tâm được.
Chư Phật thân sắc tướng đoan nghiêm
Nhẫn đến diệu pháp thân bình đẳng
Trí huệ vô trước đáng cúng dường
Ðều do phát tâm mà được có.
Tất cả Ðộc Giác Thinh Văn thừa
Sắc giới tứ thiền tam muội lạc
Và vô sắc giới tứ định xứ
Ðều do phát tâm làm cội gốc.
Tất cả Trời người tự tại vui
Nhẫn đến các loài các thứ vui
Tinh tấn, định, huệ, căn, lực thảy
Tất cả đều do sơ phát tâm.
Từ nhơn phát khởi tâm rộng lớn
Thời hay tu hành lục độ hạnh
Khuyên các chúng sinh tự tại chính hạnh
Ở trong tam giới thọ an vui.
Trụ Phật trí vô ngại thiệt nghĩa
Bao nhiêu diệu hạnh đều khai mở
Hay khiến vô lượng các chúng sinh
Ðều dứt hoặc nghiệp hướng Niết Bàn.
Trí huệ sáng chói như tịnh nhật
Các hạnh đầy đủ như trăng tròn
Công đức luôn đầy như biển cả
Không nhơ không ngại đồng hư không.
Khắp phát vô biên nguyện công đức
Ðều ban vui tất cả chúng sinh
Tận thuở vị lai y nguyện hạnh
Thường siêng tu tập độ chúng sinh.
Vô lượng đại nguyện khó nghĩ bàn
Nguyện khiến chúng sinh đều thanh tịnh
Không, vô tướng, vô nguyện, vô y
Do vì nguyện lực đều hiển rõ.
Rõ pháp tự tính như hư không
Tất cả tịch diệt đều bình đẳng
Pháp môn vô số bất khả thuyết
Vì chúng sinh nói không sở trước.
Thập phương thế giới chư Như Lai
Ðều đồng tán thán sơ phát tâm
Tâm này vô lượng đức trang nghiêm
Ðến được bờ kia đồng với Phật.
Như số chúng sinh ngần ấy kiếp
Nói công đức đó chẳng thể hết
Bởi ở nhà lớn của Như Lai
Các pháp thế gian không dụ được.
Muốn biết tất cả các Phật pháp
Phải nên mau phát bồ đề tâm
Tâm này hơn hết trong công đức
Tất được Như Lai vô ngại trí.
Chúng sinh tâm hành đếm biết được
Quốc độ vi trần cũng đếm được
Ngằn mé hư không có thể lường
Phát tâm công đức không lường được.
Xuất sanh tam thế tất cả Phật
Thành tựu thế gian tất cả vui
Tăng trưởng tất cả thắng công đức
Dứt hẳn tất cả các nghi hoặc.
Khai thị tất cả diệu cảnh giới
Trừ hết tất cả các chướng ngại
Thành tựu tất cả cõi thanh tịnh
Xuất sinh tất cả trí Như Lai.
Muốn thấy thập phương tất cả
Phật Muốn ban vô tận công đức tạng
Muốn diệt chúng sinh tất cả khổ
Phải nên mau phát bồ đề tâm.
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6419908
Số người trực tuyến: