Phần 1 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phần 1

37. Phẩm Như Lai Xuất Hiện Thứ Ba Mươi Bảy
(Hán Bộ Từ Ðầu Quyển 50 Ðến Hết Quyển 52)

Phần 1
 
Bấy giờ Ðức Thế Tôn từ trong tướng bạch hào giữa chặng mày, phóng đại quang minh tên là Như Lai xuất hiện. Có vô lượng trăm ngàn ức na do tha a tăng kỳ quang minh làm quyến thuộc. Quang minh đó chiếu khắp mười phương tất cả thế giới tận hư không pháp giới, hữu nhiễu bảy vòng, hiển hiện Như Lai vô lượng tự tại, giác ngộ vô số chúng Bồ Tát, chấn động tất cả thập phương thế giới, trừ diệt tất cả khổ ác đạo, chói che tất cả cung điện ma, hiển thị tất cả chư Phật Như Lai ngồi tòa Bồ Ðề thành Ðẳng Chính giác và cùng tất cả đạo tràng chúng hội. Quang minh đó làm những sự như vậy rồi trở lại hữu nhiễu chúng Bồ Tát nhập vào đỉnh đầu của Như Lai Tính Khởi Diệu Ðức Bồ Tát.
 
Lúc đó tất cả đại chúng trong đạo tràng này, thân tâm hớn hở rất hoan hỷ mà nghĩ rằng: Rất lạ ít có nay
đây Ðức Như Lai phóng đại quang minh tất sẽ diễn nói thậm thâm đại pháp.
 
Như Lai Tính Khởi Diệu Ðức Bồ Tát, ở trên tòa liên hoa trịch bày vai hữu, quỳ gối hữu, chắp tay nhất tâm hướng lên Phật mà nói kệ rằng:
 
Chính giác công đức đại trí hiện
Khắp đạt cảnh giới đến bĩ ngạn
Ðồng với tam thế chư Như Lai
Vì thế nay tôi cung kính lễ
Ðã lên bờ cảnh giới vô tướng
Mà hiện thân diệu tướng trang nghiêm
Phóng ra ngàn quang minh ly cấu
Phá dẹp quân ma đều hết sạch
Mười phương bao nhiêu những thế giới
Ðều hay chấn động không có thừa
Chưa từng kinh sợ một chúng sinh
Thần lực đức Thiện Thệ như vậy
Hư không pháp giới tính bình đẳng
Ðã được như vậy mà an trụ
Tất cả quần sinh vô số lượng
Ðều khiến dứt ác trừ những lỗi
Khổ hạnh siêng nhọc vô số kiếp
Thành tựu tối thượng đạo Bồ Ðề
Ở các cảnh giới trí vô ngại
Cùng tất cả Phật đồng thể tính
Ðạo sư phóng ra quang minh này
Chấn động mười phương các thế giới
Ðã hiện vô lượng sức thần thông
Rồi lại trở vào nhập thân tôi
Trong pháp quyết định khéo học được
Vô lượng Bồ Tát đều đến nhóm
Khiến tôi phát khởi lòng vấn pháp
Thế nên nay tôi thỉnh Pháp Vương
Nay chúng hội này đều thanh tịnh
Khéo độ thoát được các thế gian
Trí huệ vô biên không nhiễm trước
Những bậc Hiền này đều về nhóm
Lợi ích thế gian đấng Ðạo Sư
Trí huệ tinh tấn đều vô lượng
Nay đem quang minh chiếu đại chúng
Khiến tôi thỉnh hỏi pháp vô thượng
Ai ở cảnh giới của Như Lai
Mà hay chân thiệt khai diễn đủ?
Ai là Pháp Trưởng Tử của Phật?
Thế Tôn Ðạo Sư xin hiển thị
 
Bấy giờ Ðức Như Lai liền ở trong miệng phóng ra đại quang minh tên là Vô ngại vô úy, có trăm ngàn ức a tăng kỳ quang minh làm quyến thuộc, chiếu khắp mười phương tất cả thế giới tận hư không pháp giới, hữu nhiễu mười vòng, hiển hiện Như Lai các thứ tự tại, khai ngộ vô lượng những chúng Bồ Tát, chấn động tất cả mười phương thế giới, diệt trừ tất cả những khổ ác đạo, chói che tất cả những cung điện ma, hiển thị tất cả chư Phật Như Lai ngồi tòa Bồ Ðề thành Ðẳng Chính giác và đến tất cả chúng hội đạo tràng. Ðại quang minh này làm những sự như vậy rồi trở lại hữu nhiễu chúng hội Bồ Tát, nhập vào miệng của Phổ Hiền đại Bồ Tát. Ðại quang minh nhập xong thời thân và tòa sư tử của Phổ Hiền Bồ Tát hơn lúc trước và hơn thân tòa của chư Bồ Tát gấp trăm lần, chỉ trừ toà sư tử của Như Lai.
 
Như Lai Tính Khởi Diệu Ðức Bồ Tát hỏi Phổ Hiền đại Bồ Tát:
 
Thưa Phật tử! Ðức Thế Tôn đã thị hiện thần biến quảng đại làm cho chúng Bồ Tát đều sinh hoan hỷ chẳng thể nghĩ bàn, thế gian chẳng biết được. Ðó là thoại tướng gì?
 
Phổ Hiền đại Bồ Tát nói:
 
Phật tử! Thưở xưa, tôi thấy chư Như Lai Ứng Ðẳng Chính giác thị hiện thần biến quảng đại như vậy, liền nói pháp môn Như Lai xuất hiện. Cứ theo tôi suy gẫm: nay Ðức Như Lai hiện tướng này tất sẽ nói pháp môn đó.
 
Lúc Phổ Hiền Bồ Tát nói lời trên xong, tất cả đại địa thảy đều chấn động, xuất sinh vô lượng quang minh vấn pháp.
 
Như Lai Tính Khởi Diệu Ðức Bồ Tát hỏi Phổ Hiền Bồ Tát:
 
Thưa Phật tử! Ðại Bồ Tát phải thế nào để biết pháp xuất hiện của chư Phật Như Lai? Xin Phật tử nói cho. Vô lượng trăm ngàn ức na do tha chúng hội Bồ Tát này đều tu tịnh nghiệp đã lâu, niệm huệ thành tựu, đã đến bờ rốt ráo đại trang nghiêm, đủ tất cả hạnh oai nghi của Phật, chính niệm chư Phật chưa từng quên mất, lòng đại bi quán sát tất cả chúng sinh, quyết định biết rõ thần thông cảnh giới của chư đại Bồ Tát, đã được thần lực của chư Phật gia hộ, hay thọ tất cả diệu pháp của Như Lai, đủ vô lượng công đức như vậy đều đến nhóm họp tại đây.
 
Phật tử đã từng ở chỗ vô lượng trăm ngàn ức na do tha Phật, thừa sự cúng dường, thành tựu diệu hạnh tối thượng của Bồ Tát, nơi môn tam muội đều được tự tại, vào chỗ bí mật của tất cả chư Phật, biết các Phật pháp, dứt những nghi lầm, được thần lực của Phật gia hộ, biết căn khí của chúng sinh tùy theo sở thích của họ mà nói pháp chân thiệt giải thoát, tùy thuận Phật trí, diễn nói Phật pháp đến nơi bĩ ngạn, có vô lượng công đức như vậy.
 
Lành thay Phật tử! Xin nói pháp xuất hiện của Như Lai Ðẳng Chính giác, những thân tướng, ngôn âm, tâm ý, cảnh giới, hạnh đã làm, thành đạo, chuyển pháp luân, nhẫn đến thị hiện nhập Ðại Niết Bàn, thấy nghe thân cận được sinh thiện căn. Những sự như vậy xin Phật tử nói cho.
 
Như Lai Tính Khởi Diệu Ðức Bồ Tát muốn tuyên rõ nghĩa này bèn hướng về Phổ Hiền Bồ Tát mà nói kệ rằng:
 
Lành thay vô ngại đại trí huệ
Khéo tỏ vô biên cảnh bình đẳng
Nguyện nói công hạnh của chư Phật
Ðại chúng được nghe đều mừng rỡ
Bồ Tát thế nào tùy thuận nhập
Chư Phật Như Lai hiện ra đời
Cảnh giới thân, ngữ, ý thế nào
Và chỗ thực hành xin đều nói
Thế nào chư Phật thành Chính giác?
Thế nào Như Lai chuyển pháp luân?
Thế nào Thiện Thệ nhập Niết Bàn?
Ðại chúng được nghe lòng hoan hỉ
Nếu có thấy Phật đại Pháp Vương
Thân cận thêm lớn các thiện căn
Xin nói những tạng công đức kia
Chúng sinh thấy rồi được những gì?
Nếu ai được nghe tên Như Lai
Hoặc hiện tại thế hoặc Niết Bàn
Nơi phước tạng kia sinh thâm tín
Có những lợi gì xin tuyên nói
Chúng Bồ Tát đây đều chắp tay
Chiêm ngưỡng Như Lai, Ngài và tôi
Cảnh giới biển công đức quảng đại
Bậc tịnh chúng sinh xin vì nói
Xin dùng nhân duyên và thí dụ
Diễn nói diệu pháp nghĩa tương ưng
Chúng sinh nghe rồi phát đại tâm
Hết nghi trí sạch như hư không
Như khắp trong tất cả cõi nước
Chư Phật đã hiện thân trang nghiêm
Nguyện dùng diệu âm và nhân dụ
Dạy Phật Bồ Ðề cũng như kia
Mười phương mười muôn những cõi nước
Ức na do tha vô lượng kiếp
Như nay Bồ Tát chúng tập họp
Nơi kia tất cả đều khó thấy
Chư Bồ Tát đây đều cung kính
Nơi nghĩa vi diệu sinh khát ngưỡng
Nguyện dùng tịnh tâm khai diễn đủ
Pháp quảng đại Như Lai xuất hiện
 
Phổ Hiền đại Bồ Tát bảo Như Lai Tính Khởi Diệu Ðức Bồ Tát và đại chúng chư Bồ Tát:
 
Chư Phật tử! Chỗ này chẳng thể nghĩ bàn. Nghĩa là Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác, do vô lượng pháp mà được xuất hiện. Vì chẳng phải do một duyên, chẳng phải do một sự, Như Lai xuất hiện được thành tựu, mà do mười vô lượng trăm ngàn vô số sự mới được thành tựu. Những gì là mười?
 
Một là do quá khứ vô lượng Bồ Ðề tâm nhiếp thọ tất cả chúng sinh làm thành. Hai là do quá khứ vô lượng chí nguyện thanh tịnh thù thắng làm thành.
Ba là do quá khứ vô lượng đại từ đại bi cứu hộ tất cả chúng sinh làm thành. Bốn là do quá khứ vô lượng hạnh nguyện tương tục làm thành.
Năm là do quá khứ vô lượng tu các phước trí tâm không nhàm đủ làm thành.
Sáu là do quá khứ vô lượng cúng dường chư Phật giáo hóa chúng sinh làm thành. Bảy là do quá khứ vô lượng trí huệ phương tiện thanh tịnh đạo làm thành.
Tám là do quá khứ vô lượng thanh tịnh công đức tạng làm thành.
Chín là do quá khứ vô lượng trang nghiêm đạo trí làm thành.
Mười là do quá khứ vô lượng thông đạt pháp nghĩa làm thành.
 
Vô lượng a tăng kỳ pháp môn viên mãn như vậy làm thành Như Lai.
 
Chư Phật tử! Ví như Ðại Thiên thế giới này, chẳng phải do một duyên, chẳng phải do một sự mà được thành tựu, phải do vô lượng duyên, vô lượng sự mới được thành. Những là nổi giăng mây lớn, tuôn xối mưa lớn, bốn thứ phong luân nối tiếp làm sở y. Gì là bốn thứ?
 
Một tên là năng trì, vì hay trì đại thủy
Hai tên là năng tiêu, vì hay tiêu đại thủy
Ba tên là kiến lập, vì kiến lập tất cả xứ sở
Bốn tên là trang nghiêm, vì trang nghiêm phân bố đều thiện xảo.
 
Như trên đây đều do cộng nghiệp của chúng sinh và thiện căn của chư Bồ Tát phát khởi, làm cho tất cả chúng sinh trong đó đều tùy sở nghi mà được thọ dụng.
 
Vô lượng nhân duyên như vậy mới thành Ðại Thiên thế giới. Pháp tính như vậy không có sinh giả, không có tác giả, không có tri giả, không có thành giả, nhưng Ðại Thiên thế giới vẫn được thành tựu.
 
Cũng vậy, Như Lai xuất hiện chẳng phải do một duyên, chẳng phải do một sự mà được thành tựu, phải do vô lượng duyên vô lượng sự mới thành tựu được. Những là từng ở chỗ Phật quá khứ lắng nghe thọ trì đại pháp vân, đại pháp võ. Do đây có thể khởi Như Lai bốn thứ đại trí phong luân:
 
Một là đại trí phong luân đà la ni niệm trì chẳng quên, vì hay trì tất cả đại pháp vân đại pháp võ của Như Lai.
Hai là đại trí phong luân xuất sinh chỉ quán, vì hay tiêu diệt tất cả phiền não
Ba là đại trí phong luân hồi hướng thiện xảo, vì hay thành tựu tất cả thiện căn.
Bốn là đại trí phong luân xuất sinh ly cấu sai biệt trang nghiêm, vì khiến quá khứ những chúng sinh được hóa độ, thiện căn của họ thanh tịnh, thành tựu sức thiện căn vô lậu của Như Lai.
 
Ðức Như Lai thành Ðẳng Chính giác như vậy, pháp tính như vậy, vô sinh vô tác mà được thành tựu. Ðây là tướng xuất hiện thứ nhất của Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy. Lại nữa, chư Phật tử! Ví như Ðại Thiên thế giới lúc sắp thành, mây lớn tuôn mưa gọi là hồng chú. Tất cả phương xứ chẳng thể thọ, chẳng thể trì, chỉ trừ Ðại Thiên thế giới lúc sắp thành.
 
Cũng vậy, Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác nổi đại pháp vân, tuôn đại pháp vũ, gọi là thành tựu Như Lai xuất hiện, tất cả hàng Nhị thừa tâm chí hẹp kém không thọ được, không trì được, chỉ trừ sức tâm tương tục của chư đại Bồ Tát.
 
Ðây là tướng xuất hiện thứ hai của Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác, đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như chúng sinh vì do nghiệp lực, mây lớn tuôn mưa, đến không từ đâu, đi không về đâu.
 
Cũng vậy, Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác, do sức thiện căn của chư Bồ Tát, nổi đại pháp vân, tuôn đại pháp vũ, cũng đến không từ đâu, đi chẳng đến đâu.
 
Ðây là tướng xuất hiện thứ ba của Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác, đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như mây lớn tuôn xối mưa lớn. Trong Ðại Thiên thế giới tất cả chúng sinh không biết được số. Nếu muốn tính đếm, chỉ luống phát cuồng. Duy có Ma Hê Thủ La, chủ của Ðại Thiên thế giới, do sức thiện căn đã tu từ quá khứ, nhẫn đến một giọt đều biết rõ cả.
 
Cũng vậy, Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác nổi đại pháp vân, tuôn đại pháp vũ, tất cả chúng sinh, Thanh Văn, Duyên Giác đều không biết được.
 
Nếu muốn nghĩ lường tâm ắt cuồng loạn. Chỉ trừ đại Bồ Tát, chủ của tất cả thế gian, do sức giác huệ đã tu từ quá khứ, nhẫn đến một văn một câu nhập vào tâm chúng sinh đều biết rõ cả.
 
Ðây là tướng xuất hiện thứ tư của Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác. Ðại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như lúc mây lớn tuôn mưa, có mây lớn mưa lớn tên là năng diệt, diệt được hỏa tai. Có mây lớn mưa lớn tên là năng khởi, hay khởi đại thủy. Có mây lớn mưa lớn tên là năng chỉ, hay ngăn đại thủy. Có mây lớn mưa lớn tên là năng thành, hay tất cả các báu ma ni. Có mây lớn mưa lớn tên phân biệt, hay phân biệt Tam thiên Ðại thiên thế giới.
 
Cũng vậy, Ðức Như Lai xuất hiện nổi đại pháp vân, tuôn đại pháp vũ. Có đại pháp vũ tên là năng diệt, hay diệt tất cả phiền não chúng sinh. Có đại pháp vũ tên là năng khởi, hay khởi tất cả thiện căn của chúng sinh. Có đại pháp vũ tên là năng chỉ, hay ngăn kiến hoặc của tất cả chúng sinh. Có đại pháp vũ tên là năng thành, hay thành tất cả trí huệ pháp bửu. Có đại pháp bửu tên là phân biệt, phân biệt tất cả tâm sở thích của chúng sinh.
 
Ðây là tướng xuất hiện thứ năm của Ðức Như Lai, đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như mây lớn tuôn nước đồng một vị mà tùy những chỗ mưa có vô lượng sai biệt.
 
Cũng vậy, Ðức Như Lai xuất hiện tuôn đại bi pháp thủy đồng một vị mà tùy sở nghi thuyết pháp có vô lượng sai biệt.
 
Ðây là tướng xuất hiện thứ sáu của Ðức Như Lai, đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như Ðại Thiên thế giới, lúc mới bắt đầu thành, trước hết thành cung điện của trời cõi Sắc, kế đến thành cung điện của trời cõi Dục, kế đến thành chỗ ở của loài người và những loài khác.
 
Cũng vậy, Ðức Như Lai xuất hiện, trước hết khởi những hạnh trí huệ Bồ Tát, kế khởi những hạnh trí huệ Duyên Giác, kế khởi những hạnh trí huệ thiện căn Thanh Văn, kế khởi những hạnh trí huệ thiện căn hữu vi của các chúng sinh khác.
 
Như mây lớn tuôn nước một vị, vì theo thiện căn của chúng sinh sai khác nên khởi các loại cung điện chẳng đồng.
 
Ðại bi pháp vũ nhất vị của Như Lai tùy căn khí của chúng sinh mà có sai khác. Ðây là tướng xuất hiện thứ bảy của Ðức Như Lai, đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như lúc thế giới ban đầu sắp thành, có đại thủy khởi đầy khắp Ðại Thiên thế giới, sinh hoa sen lớn tên là Như Lai xuất hiện công đức bửu trang nghiêm, che khắp trên mặt nước, ánh sáng chiếu tất cả thế giới mười phương. Lúc đó Ma Hê Thủ La và Tịnh Cư Thiên thấy hoa sen đó, liền quyết định biết trong kiếp này có bao nhiêu Ðức Phật như vậy xuất thế.
 
Bấy giờ trong đó có phong luân nổi lên tên là Thiên tịnh quang minh hay làm thành cung điện chư Thiên cõi Sắc. Lại có phong luân tên là Tịnh quang trang nghiêm hay thành cung điện chư Thiên cõi Dục. Lại có phong luân tên là Kiên mật vô năng hoại hay thành những đại và tiểu Luân Vi Sơn cùng Kim Cương Sơn. Lại có phong luân tên là Thắng cao hay thành núi Tu Di. Lại có phong luân tên là Bất động hay thành mười núi lớn là núi Khư Ðà la, núi Tiên Nhân, núi Phục Ma, núi Ðại Phục Ma, núi Trì Song, núi Di Dân Ðà La, núi Mục Chân Lân Ðà, núi Ma Ha Mục Chân Lân Ðà, Hương Sơn và Tuyết Sơn. Có phong luân tên là An trụ hay thành đại địa. Có phong luân khởi tên là Trang Nghiêm hay thành cung điện của Ðịa thiên, Long cung, Càn Thát bà cung. Có phong luân khởi tên là Vô tận tạng hay thành tất cả đại hải trong Ðại thiên thế giới. Có phong luân khởi tên là Phổ quang minh tạng hay thành những ma ni bửu trong Ðại Thiên thế giới. Có phong luân khởi tên là Kiên cố căn hay thành tất cả Như Ý thọ.
 
Mây lớn tuôn mưa một thứ nước đồng một vị không có sai khác. Do chúng sinh thiện căn chẳng đồng nên phong luân chẳng đồng. Phong luân sai khác nên thế giới sai khác.
 
Cũng vậy, Như Lai xuất hiện đầy đủ thiện căn công đức, phóng quang minh đại trí vô thượng tên là trí bất tư nghì chẳng dứt Như Lai chủng, chiếu khắp tất cả thế giới mười phương, thọ Như Lai quán đỉnh ký cho chư Bồ Tát sẽ thành Chính giác xuất hiện ra đời.
 
Chư Phật tử! Như Lai xuất hiện lại có quang minh đại trí vô thượng tên là Thanh tịnh ly cấu hay thành Phật trí vô lậu vô tận.
 
Lại có quang minh đại trí vô thượng tên là Phổ Chiếu hay thành Trí bất tư nghì Như Lai khắp vào pháp giới.
 
Lại có quang minh đại trí vô thượng tên là Trì Phật chủng tính hay thành Sức chẳng khuynh động của Như Lai.
 
Lại có quang minh đại trí vô thượng tên là Hoánh xuất vô năng hoại hay thành Trí vô úy vô hoại của Như Lai.
 
Lại có quang minh đại trí vô thượng tên là Nhất thiết thần thông hay thành Những pháp bất cộng nhất thiết chủng trí của Như Lai.
 
Lại có quang minh đại trí vô thượng tên là Xuất sinh biến hóa hay thành Trí chẳng hư mất của Như Lai khiến người thấy nghe thân cận sinh thiện căn.
 
Lại có quang minh đại trí vô thượng tên là Phổ tùy thuận hay thành Thân trí huệ phước đức của Như Lai, vì tất cả chúng sinh mà làm lợi ích.
 
Lại có quang minh đại trí vô thượng tên là Bất khả cứu cánh hay thành Diệu trí thậm thâm của Như Lai, tùy chỗ khai ngộ làm cho Tam bảo chủng vĩnh viễn chẳng đoạn tuyệt.
 
Lại có quang minh đại trí vô thượng tên là Chủng chủng trang nghiêm hay thành Thân tướng hảo trang nghiêm của Như Lai, khiến tất cả chúng sinh đều hoan hỷ.
 
Lại có quang minh đại trí vô thượng tên là Bất khả hoại hay thành Thọ mạng thù thắng vô tận đồng với hư không giới pháp giới của Như Lai.
 
Chư Phật tử nước một vị đại bi của Như Lai không có phân biệt, vì các chúng sinh sở thích chẳng đồng căn tính đều khác nên khởi nhiều thứ phong luân sai khác, khiến các Bồ Tát thành tựu pháp Như Lai xuất hiện.
 
Tất cả Như Lai đồng một thể tính, trong đại phong luân xuất sinh các thứ trí huệ quang minh.
 
Chư Phật tử phải biết, Ðức Như Lai ở nơi một vị giải thoát, xuất sinh vô lượng bất tư nghì các thứ công đức. Chúng sinh nghĩ rằng đây là thần lực của Như Lai tạo ra.
 
Chư Phật tử! Ðây chẳng phải thần lực của Như Lai tạo ra.
 
Chư Phật tử! Chẳng bao giờ có nhẫn đến một Bồ Tát chẳng ở nơi chỗ Phật từng gieo căn lành mà có thể được ít phần trí huệ của Như Lai. Chỉ do sức oai đức của chư Phật khiến các chúng sinh đủ công đức của Phật. Mà Ðức Phật Như Lai không phân biệt, không thành, không hoại, không có tác giả, cũng không có pháp làm.
 
Ðây là tướng xuất hiện thứ tám của Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy. Lại nữa, chư Phật tử! Như y hư không khởi bốn phong luân hay giữ lấy thủy luân: một tên là an trụ, hai tên là thường trụ, ba tên là cứu cánh, bốn tên là kiên cố.
 
Bốn phong luân này hay giữ lấy thủy luân. Thủy luân hay giữ lấy đại địa cho khỏi tan hư.
 
Vì thế nên nói địa luân y nơi thủy luân, thủy luân y nơi phong luân, phong luân y nơi hư không, hư không không chỗ y. Dầu không chỗ y mà hư không có thể làm cho Ðại Thiên thế giới được an trụ.
 
Cũng vậy, Như Lai xuất hiện y nơi quang minh vô ngại huệ phát khởi bốn thứ đại trí phong luân của Phật hay giữ lấy thiện căn của tất cả chúng sinh.
 
Một là đại trí phong luân nhiếp khắp chúng sinh đều làm cho hoan hỷ.
Hai là đại trí phong luân kiến lập chính pháp khiến các chúng sinh đều sinh ưa thích.
Ba là đại trí phong luân giữ gìn thiện căn của tất cả chúng sinh.
Bốn là đại trí phong luân đủ tất cả phương tiện thông đạt vô lậu giới.
 
Chư Phật Thế Tôn đại từ cứu hộ tất cả chúng sinh, đại bi độ thoát tất cả chúng sinh, đại từ đại bi lợi ích khắp cả. Nhưng đại từ đại bi y đại phương tiện thiện xảo. Phương tiện thiện xảo y Như Lai xuất hiện. Như Lai xuất hiện y vô ngại huệ quang minh. Vô ngại huệ quang minh không chỗ y.
 
Ðây là tướng xuất hiện thứ chín của Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác. Ðại Bồ Tá  hải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như Ðại Thiên thế giới đã thành tựu rồi, nhiêu ích vô lượng chúng sinh. Những loài thủy tộc được lợi ích nơi nước. Lục địa chúng sinh được lợi ích nơi đất liền. Cung điện chúng sinh được lợi ích nơi cung điện. Hư không chúng sinh được lợi ích nơi hư không.
 
Cũng vậy, Như Lai xuất hiện nhiều thứ lợi ích cho vô lượng chúng sinh. Những là người thấy Phật sinh hoan hỷ thời được lợi ích nơi sự hoan hỷ. Kẻ an trụ nơi tịnh giới thời được lợi ích nơi tịnh giới. Kẻ trụ nơi các thiền định và môn vô lượng thời được lợi ích nơi Thánh xuất thế đại thần thông. Kẻ trụ pháp môn quang minh thời được lợi ích nhân quả chẳng hoại. Kẻ trụ vô sở hữu quang minh thời được lợi ích tất cả pháp chẳng hoại. Vì thế nên nói rằng Ðức Như Lai xuất hiện lợi ích tất cả vô lượng chúng sinh.
 
Ðây là tướng xuất hiện thứ mười của Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác, đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát biết Như Lai xuất hiện thời biết vô luợng, vì biết thành tựu vô lượng. Thời biết quảng đại, vì biết cùng khắp mười phương. Thời biết không lai khứ, vì biết lìa sinh, trụ, diệt. Thời biết vô hành, vô sở hành, vì biết lìa tâm ý thức. Thời biết không thân, vì biết như hư không. Thời biết bình đẳng, vì biết tất cả chúng sinh đều vô ngã. Thời biết vô tận, vì biết khắp tất cả cõi vô tận. Thời biết vô thối, vì biết tận hậu tế không đoạn tuyệt. Thời biết vô hoại, vì biết Như Lai trí không có đối đãi. Thời biết vô nhị, vì biết bình đẳng quán sát hữu vi và vô vi. Thời biết tất cả chúng sinh đều được lợi ích, vì bản nguyện hồi hướng tự tại đầy đủ.
 
Phổ Hiền đại Bồ Tát muốn tuyên lại nghĩa này mà nói kệ rằng:
 
Thập Lực Ðại Hùng vô thượng nhất
Ví như hư không vô đẳng đẳng
Cảnh giới quảng đại chẳng lường được
Công đức thứ nhất siêu thế gian
Thập Lực công đức vô biên lượng
Tâm ý tư lương chẳng đến được
Một pháp môn của Ðức Thế Tôn
Chúng sinh ức kiếp chẳng biết được
Mười phương quốc độ nghiền làm trần
Hoặc có tính đếm biết số đó
Công đức bằng một lông của Phật
Ngàn muôn ức kiếp không nói được
Như người cầm thước đo hư không
Lại có người theo tính số thước
Biên tế hư không chẳng thể được
Cảnh giới Như Lai cũng như vậy
Hoặc có người trong khoảng sát na
Biết được tâm chúng sinh ba thuở
Dầu nhiều kiếp bằng số chúng sinh
Chẳng biết được một niệm của Phật
Ví như pháp giới khắp tất cả
Chẳng thấy lấy được, làm tất cả
Cảnh giới thập lực cũng như vậy
Khắp tất cả, chẳng phải tất cả
Chân như ly vọng hằng tịch tịnh
Không sinh không diệt khắp tất cả
Cảnh giới của Phật cũng như vậy
Thể tính bình đẳng chẳng tăng giảm
Như thiệt tế mà chẳng phải tế
Khắp tại tam thế cũng chẳng khắp
Cảnh giới Như Lai cũng như vậy
Khắp tại tam thế đều vô ngại
Pháp tính không làm không biến đổi
Dường như hư không vốn thanh tịnh
Chư Phật tính tịnh cũng như vậy
Bản tính phi tính rời có không
Pháp tính chẳng ở nơi ngôn luận
Rời hẳn ngôn thuyết hằng tịch diệt
Cảnh giới thập lực tính cũng vậy
Tất cả văn từ chẳng biện được
Biết rõ các pháp tính tịch diệt
Như chim bay không chẳng có dấu
Do bản nguyện lực hiện sắc thân
Khiến thấy Như Lai đại thần biến
Có ai muốn biết Phật cảnh giới
Phải tịnh ý mình như hư không
Xa lìa vọng tưởng rời chấp lấy
Khiến tâm hướng đến đều vô ngại
Vì thế Phật tử phải khéo nghe
Tôi dùng chút dụ rõ Phật cảnh
Thập lực công đức chẳng lường được
Vì ngộ chúng sinh nay luợc nói
Ðạo sư đã hiện nơi thân nghiệp
Ngữ nghiệp, tâm nghiệp các cảnh giới
Chuyển diệu pháp luân nhập Niết Bàn
Tất cả căn lành nay tôi nói
Ví như thế giới mới an lập
Chẳng phải một duyên mà thành được
Vô lượng phương tiện nhiều nhân duyên
Làm thành Ðại Thiên thế giới này
Như Lai xuất hiện cũng như vậy
Vô lượng công đức mới được thành
Sát trần tâm niệm còn biết được
Thập lực sinh nhân chẳng lường được
Ví như kiếp sơ mây tuôn mưa
Mà khởi bốn thứ đại phong luân
Chúng sinh thiện căn Bồ Tát lực
Thành Ðại Thiên này đều an trụ
Thập lực pháp vân cũng như vậy
Khởi trí phong luân ý thanh tịnh
Xưa các chúng sinh đã hồi hướng
Ðạo Sư khiến thành quả vô thượng
Như có mưa to hiệu hồng chú
Không có nơi nào dung thọ được
Chỉ trừ thế giới lúc sắp thành
Hư không thanh tịnh sức gió lớn
Như Lai xuất hiện cũng như vậy
Khắp mưa pháp vũ đầy pháp giới
Những kẻ ý liệt không thọ được
Chỉ trừ tâm thanh tịnh quảng đại
Ví như trên không tuôn mưa lớn
Không từ đâu đến không đi đâu
Tác giả, thọ giả cũng đều không
Như vậy tự nhiên khắp thấm ướt
Thập lực pháp vũ cũng như vậy
Không khứ, không lai, không tạo tác
Bản hạnh làm nhân sức Bồ Tát
Tất cả đại tâm đều nghe lãnh
Ví như mây to tuôn mưa lớn
Không ai đếm được số giọt mưa
Chỉ trừ Ma Hê Thủ La Thiên
Ðủ sức công đức đều biết rõ
Thiện Thệ pháp vũ cũng như vậy
Tất cả chúng sinh không lường được
Chỉ trừ đấng Tự Tại thế gian
Như trong bàn tay xem thấy rõ
Ví như mây to tuôn mưa lớn
Hay diệt, hay khởi, cũng hay dứt
Tất cả trân bửu đều hay thành
Ðại Thiên mọi vật đều sai khác
Thập lực pháp vũ cũng như vậy
Diệt ác, khởi lành, dứt kiến chấp
Báu nhất thiết trí đều khiến thành
Chúng sinh sở thích đều sai khác
Ví như trên không mưa một vị
Tùy chỗ được mưa đều chẳng đồng
Tính của mưa kia không phân biệt
Nhưng tùy vật khác, tất như vậy
Như Lai pháp vũ chẳng một khác
Bình đẳng tịnh tịnh lìa phân biệt
Nhưng tùy sở hóa nhiều loại khác
Tự nhiên vô biên tướng như vậy
Ví như thế giới lúc mới thành
Trước thành Sắc giới thiên cung điện
Kế Dục thiên cung, kế đến người
Cung Càn thát bà thành sau rốt
Như Lai xuất hiện cũng như vậy
Trước khởi vô biên Bồ Tát hạnh
Kế độ Duyên Giác ưa tịch diệt
Kế chúng Thanh Văn, đến chúng sinh
Chư Thiên mới thấy điềm liên hoa
Vui mừng biết Phật sẽ xuất thế
Do nước, sức gió khởi thế gian
Cung điện núi sông đều thành lập
Như Lai thiện lực đại quang minh
Khéo thọ ký cho chư Bồ Tát
Bao nhiêu trí luân thể đều sạch
Ðều hay khai thị các Phật pháp
Ví như rừng cây nương đất có
Ðất nương nơi nước chẳng tan hư
Nước nương phong luân, phong nương không
Mà hư không kia không nương dựa
Tất cả Phật pháp nương từ bi
Từ bi lại nương phương tiện lập
Phương tiện nương trí, trí nương huệ
Thân vô ngại huệ không chỗ nương
Ví như thế giới đã thành lập
Tất cả chúng sinh được lợi ích
Loài ở đất, ở nước, hư không
Hai chân, bốn chân đều được lợi
Pháp Vương xuất hiện cũng như vậy
Tất cả chúng sinh đều được nhờ
Nếu có thấy nghe và thân cận
Ðều khiến trừ diệt những hoặc não
Như Lai xuất hiện pháp vô biên
Thế gian mê lầm chẳng biết được
Vì muốn khai ngộ những hàm thức
Trong không ví dụ mà nó dụ
 
Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát phải như thế nào mà thấy thân của Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác?
 
Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát phải ở vô lượng xứ mà thấy thân Như Lai. Vì chư đại Bồ Tát chẳng nên ở một pháp, một sự, một thân, một quốc độ, một chúng sinh mà thấy Như Lai.
 
Ví như hư không đến khắp tất cả chỗ sắc phi sắc, chẳng phải đến chẳng phải chẳng đến. Vì hư không chẳng có thân.
 
Cũng vậy, thân Như Lai khắp tất cả chỗ, khắp tất cả chúng sinh, khắp tất cả pháp, khắp tất cả quốc độ, chẳng phải đến chẳng phải chẳng đến. Vì thân Như Lai là không có thân. Vì chúng sinh mà thị hiện thân Phật.
 
Ðây là tướng thứ nhất của thân Như Lai. Chư Ðại Bồ Tát phải thấy như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như hư không rộng rãi chẳng phải sắc mà hay hiển hiện tất cả sắc. Nhưng hư không kia không có phân biệt cũng không hý luận.
 
Thân của Như Lai cũng vậy. Vì do trí quang minh khắp chiếu sáng làm cho tất cả chúng sinh, thế gian, xuất thế gian, các nghiệp thiện căn đều được thành tựu. Nhưng thân Như Lai không có phân biệt cũng không hý luận. Vì từ xưa đến nay, tất cả chấp trước, tất cả hý luận đều đã dứt hẳn.
 
Ðây là tướng thứ hai của thân Như Lai. Chư Ðại Bồ Tát phải thấy như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như mặt nhật mọc lên, vô lượng chúng sinh ở Diêm Phù Ðề được lợi ích. Những là phá tối làm sáng, biến ướt thành khô, sinh trưởng cỏ cây, thành thục lúa mạ, chói suốt hư không, hoa sen nở xoè, người đi thấy đường, kẻ ở nhà xong công việc. Vì mặt nhật khắp phóng vô lượng quang minh.
 
Như Lai trí nhật cũng như vậy, dùng vô lượng sự khắp lợi ích chúng sinh. Những là diệt ác sinh lành, phá ngu làm trí, đại từ cứu hộ, đại bi độ thoát, làm cho họ tăng trưởng căn, lực, giác phần, khiến sinh lòng tin sâu chắc, bỏ lìa tâm ô trược, khiến kẻ thấy nghe chẳng hư nhân quả, khiến được thiên nhãn thấy chỗ thọ sinh sau khi chết, khiến tâm vô ngại chẳng hư căn lành, khiến trí tỏ sáng mau nở giác hoa, khiến họ phát tâm thành tựu bản hạnh. Vì thân mặt nhật trí huệ quảng đại của Như Lai phóng vô lượng quang minh chiếu sáng khắp nơi.
 
Ðây là tướng thứ ba của thân Như Lai, chư đại Bồ Tát phải thấy như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như mặt nhật mọc lên, trước hết chiếu những núi lớn như núi Tu Di v.v... , kế chiếu hắc sơn, kế chiếu cao nguyên, sau rốt chiếu khắp đại địa. Mặt nhật chẳng nghĩ rằng ta trước chiếu đây rồi sau sẽ chiếu nơi kia. Chỉ do núi và mặt đất có cao và thấp nên chiếu có trước và sau.
 
Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác cũng như vậy. Thành tựu vô biên pháp giới trí luân, thường phóng vô ngại trí huệ quang minh. Trước chiếu chư đại Bồ Tát, kế chiếu Duyên Giác, kế chiếu Thanh Văn, kế chiếu chúng sinh có thiện căn quyết định, tùy theo tâm khí của họ mà thị hiện trí quảng đại, sau rốt chiếu khắp tất cả chúng sinh, nhẫn đến kẻ tà định cũng chiếu đến để làm nhân duyên lợi ích thưở vị lai khiến họ được thành thục.
 
Nhưng Ðức Như Lai Ðại Trí Nhật Quang Bồ Tát đại hạnh, nhẫn đến sau rốt sẽ chiếu tà định chúng sinh. Chỉ phóng trí quang bình đẳng chiếu khắp, vô ngại, vô chướng, vô phân biệt. Chư Phật tử! Ví như mặt nhật, mặt nguyệt, tùy thời xuất hiện, núi lớn, hang tối chiếu khắp không riêng tư.
 
Như Lai trí huệ cũng như vậy, chiếu khắp tất cả không có phân biệt. Tùy theo chúng sinh căn khí, sở thích không đồng mà trí huệ quang minh có nhiều thứ khác nhau.
 
Ðây là tướng thứ tư của thân Như Lai, Ðại Bồ Tát phải thấy như vậy.
 
Lại nữa, Chư Phật tử! Ví như mặt nhật mọc lên, những kẻ sinh manh vì không nhãn căn nên trọn không thấy. Dầu không thấy, nhưng vẫn được ánh sáng mặt nhật làm lợi ích. Vì do mặt nhật mà biết thời tiết ngày đêm, thọ dụng các thứ y phục, ẩm thực, khiến thân mạnh khỏe khỏi tật bịnh.
 
Như Lai trí nhật cũng như vậy. Những kẻ không tin, không hiểu, phá giới, phá kiến tà mạng sinh sống, vì không tín nhãn nên chẳng thấy chư Phật trí huệ. Dầu không thấy, nhưng vẫn được sự lợi ích nơi trí huệ của Phật. Vì do oai lực của Phật làm cho những chúng sinh đó, các sự khổ nơi thân và những phiền nảo nhân khổ vị lai đều đựơc tiêu diệt.
 
Chư Phật tử! Ðức Như Lai có quang minh tên là tích tập tất cả công đức. Có quang minh tên là chiếu khắp tất cả. Có quang minh tên là thanh tịnh tự tại chiếu. Có quang minh tên là xuất đại diệu âm. Có quang minh tên là hiểu khắp tất cả ngữ ngôn khiến sinh hoan hỷ. Có quang minh tên là thị hiện cảnh giới tự tại dứt hẳn tất cả nghi ngờ. Có quang minh tên là trí vô trụ tự tại chiếu khắp. Có quang minh tên là trí tự tại dứt hẳn tất cả hý luận. Có quang minh tên là tùy sở nghi xuất diệu âm. Có quang minh tên là xuất âm thanh tự tại thanh tịnh trang nghiêm quốc độ thành thục chúng sinh.
 
Chư Phật tử! Mỗi lỗ lông của Ðức Như Lai phóng ra ngàn thứ quang minh như vậy. Năm trăm quang minh chiếu khắp hạ phương, năm trăm quang minh chiếu khắp thượng phương các chúng Bồ Tát ở chỗ chư Phật trong tất cả cõi. Những Bồ Tát đó thấy quang minh này đồng thời đều được cảnh giới Như Lai: mười đầu, mười mắt, mười tai, mười mũi, mười lưỡi, mười thân, mười tay, mười chân, mười địa, mười trí đều thanh tịnh tất cả. Chư Bồ Tát đó trước đã thành tựu những xứ, những địa, khi thấy quang minh này thời lại thanh tịnh hơn, tất cả thiện căn thảy đều thành thục, hướng đến nhất thiết trí. Hạng trụ ở Nhị thừa thời diệt tất cả phiền não. Ngoài ra một phần sinh manh chúng sinh, nhờ quang minh này, thân đã an lạc nên tâm họ cũng thanh tịnh nhu nhuyến điều phục kham tu niệm trí. Các chúng sinh nơi ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh đều được khoái lạc giải thoát những khổ, khi mạng chung đều được sinh lên cõi trời hoặc nhân gian.
 
Chư Phật tử! Những chúng sinh đó chẳng biết do nhân duyên gì, do thần lực nào mà sinh về đây. Hàng sinh manh kia nghĩ rằng ta là Phạm Thiên, ta là Phạm Hoá. Bấy giờ Ðức Như Lai trụ trong phổ tự tại tam muội, phát ra sáu mươi thứ diệu âm mà bảo họ rằng các ngươi, chẳng phải là Phạm Thiên, Phạm Hóa, cũng chẳng phải là Ðế Thích, Hộ Thế làm ra, mà đều do thần lực của Như Lai. Những chúng sinh đó nghe lời trên đây liền đều được biết đời trước và đều rất hoan hỷ. Vì tâm hoan hỷ nên tự nhiên hiện ra mây hoa ưu đàm, mây hương, mây âm nhạc, mây y phục, mây lọng, mây tràng, mây phan, mây hương bột, mây châu báu, tràng sư tử lầu các bán nguyệt, mây ca ngâm khen ngợi, mây những đồ trang nghiêm, đều cúng dường Ðức Như Lai với lòng tôn trọng. Vì những chúng sinh đó được tịnh nhãn. Ðức Như Lai thọ ký Vô thượng Bồ Ðề cho họ.
 
Chư Phật tử! Như Lai trí nhật lợi ích cho hàng sinh manh chúng sinh như vậy, làm cho họ được thiện căn thành thục đầy đủ.
 
Ðây là tướng thứ năm của thân Như Lai, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy. Lại nữa, chư Phật tử! Ví như mặt nguyệt có bốn pháp kỳ đặc vị tằng hữu:

Một là che chói quang minh của tất cả tinh tú.
Hai là theo dõi thời gian mà hiện tròn khuyết.
Ba là trong nước đứng trong ở đại địa đều hiện bóng cả.
Bốn là tất cả người thấy mặt nguyệt đều đối trước mắt họ, mà nguyệt luân không phân biệt không hý luận.
 
Chư Phật tử! Thân của Như Lai cũng vậy, có bốn pháp kỳ đặc vị tằng hữu:
 
Một là che chói tất cả hàng Thanh Văn, Duyên Giác, những chúng hữu học, vô học.
Hai là tùy theo sở nghi mà thị hiện thọ mạng dài vắn chẳng đồng, nhưng thân Như Lai không tăng giảm.
Ba là trong căn khí Bồ Ðề chúng sinh tâm tịnh nơi tất cả thế giới đều hiện bóng trong đó.
Bốn là tất cả chúng sinh có ai thấy Như Lai đều cho rằng Ðức Như Lai chỉ hiện trước tôi. Như Lai theo sở thích của họ mà thuyết pháp, theo địa vị của họ khiến được giải thoát, theo chỗ đáng độ khiến thấy thân Phật. Nhưng thân Như Lai vẫn không phân biệt không hý luận. Những điều lợi ích làm ra đều được rốt ráo.
 
Ðây là tướng thứ sáu của thân Như Lai, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như Ðại Phạm Thiên Vương dùng chút phương tiện hiện thân khắp Ðại Thiên thế giới. Tất cả chúng sinh đều thấy Ðại Phạm Vương hiện ở trước mình. Nhưng Ðại Phạm Vương này chẳng phân thân, cũng không các thứ thân.
 
Cũng vậy, chư Phật Như Lai không có phân biệt không hý luận, cũng chẳng phân thân, không các thứ thân. Nhưng tùy sở thích của tất cả chúng sinh mà thị hiện Phật thân, cũng vẫn chẳng nghĩ rằng hiện ngần ấy thân.
 
Ðây là tướng thứ bảy của thân Như Lai, chư đại Bồ Tát phải thấy như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như y vương khéo biết các thứ thuốc và những chú luận, đều dùng được tất cả những thứ thuốc có ở Diêm Phù Ðề. Lại do năng lực của những thiện căn đời trước và sức đại minh chú làm phương tiện, nên chúng sinh được thấy y vương đều được lành mạnh. Y vương này biết mạng sắp chết, nghĩ rằng sau khi ta chết, tất cả chúng sinh không nơi nương dựa. Nay ta phải nên vì họ mà hiện phương tiện. Lúc đó y vương chế thuốc thoa thân mình dùng sức minh chú gia trì, nên dầu đã chết mà thân chẳng rã, chẳng héo, chẳng khô, cử chỉ nhìn nghe không khác lúc còn sống, phàm có chữa trị đều được lành mạnh.
 
Cũng vậy, Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác vô thượng y vương trải qua vô lượng trăm ngàn ức na do tha kiếp tu luyện pháp dược đã được thành tựu, tu học tất cả phương tiện thiện xảo đại minh chú lực đều được viên mãn đến bĩ ngạn. Khéo trừ diệt được tất cả bịnh phiền não của chúng sinh, và trụ thọ mạng trải qua vô lượng kiếp. Thân Phật thanh tịnh không tư lự, không động dụng, tất cả Phật sự không hề thôi nghỉ. Chúng sinh được thấy, các bịnh phiền não đều được tiêu diệt.
 
Ðây là tướng thứ tám của thân Như Lai, chư đại Bồ Tát phải thấy như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như đại hải có châu đại ma ni tên là Tạng Tỳ lô giá na họp tất cả quang minh. Nếu có chúng sinh nào chạm phải quang minh của châu này thời đồng một màu với bửu châu. Nếu ai được thấy châu này thời mắt được thanh tịnh. Tùy quang minh này chiếu đến chỗ nào thời mưa ma ni bửu tên là an lạc, làm cho chúng sinh khỏi khổ và được vừa ý.
 
Chư Phật tử! Thân của chư Như Lai cũng như vậy, là đại bửu tụ, là tạng đại trí huệ tất cả công đức. Nếu có chúng sinh nào chạm phải quang minh của thân Phật thời đồng màu với thân Phật. Nếu ai được thấy thân Phật thời được pháp nhãn thanh tịnh. Tùy chỗ nào mà quang minh của thân Phật chiếu đến đều làm cho các chúng sinh khỏi khổ bần cùng, nhẫn đến đầy đủ sự vui Phật Bồ Ðề.
 
Chư Phật tử! Như Lai pháp thân không phân biệt, cũng không hý luận mà hay vì khắp tất cả chúng sinh làm Phật sự lớn.
 
Ðây là tướng thứ chín của thân Như Lai, chư đại Bồ Tát phải thấy như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như đại hải có đại như ý ma ni bửu vương tên là tạng trang nghiêm tất cả thế gian. Thành tựu đầy đủ trăm vạn công đức. Tùy bửu vương này ở chỗ nào thời làm cho các chúng sinh tai hoạn tiêu trừ sở nguyện đầy đủ. Nhưng chẳng phải chúng sinh ít phước mà được thấy như ý bửu vương này.
 
Cũng vậy, thân Như Lai tên là hay làm cho tất cả chúng sinh đều được hoan hỷ. Nếu có ai thấy thân Như Lai, nghe danh hiệu Như Lai, khen công Ðức Như Lai thời đều làm cho thoát hẳn khổ hoạn sinh tử. Giả sử tất cả thế giới tất cả chúng sinh đồng thời chuyên tâm muốn thấy Ðức Như Lai, đều làm cho được thấy, sở nguyện được đầy đủ.
 
Chư Phật tử! Chẳng phải chúng sinh ít phước đức mà thấy được thân Như Lai, chỉ trừ thần lực tự tại của Phật gia hộ cho kẻ đáng được điều phục. Nếu có chúng sinh nhân thấy thân Phật bèn gieo căn lành nhẫn đến thành thục, vì thành thục nên mới khiến thấy thân Như Lai.
 
Ðây là tướng thứ mười của thân Như Lai, chư đại Bồ Tát phải thấy như vậy. Do vì tâm vô lượng khắp mười phương vậy. Vì sở hành vô ngại như hư không vậy. Vì vào khắp pháp giới vậy. Vì trụ chân thiệt tế vậy. Vì vô sinh vô diệt vậy. Vì bình đẳng trụ tam thế vậy. Vì lìa hẳn tất cả phân biệt vậy. Vì an trụ thệ nguyện tốt hết thưở vị lai vậy. Vì nghiêm tịnh tất cả thế giới vậy. Vì trang nghiêm mỗi mỗi thân Phật vậy.
 
Phổ Hiền đại Bồ Tát muốn tuyên lại nghĩa này mà nói kệ rằng:
 
Ví như hư không khắp mười phương
Hoặc sắc phi sắc, hữu phi sắc
Tam thế chúng sinh: thân, quốc độ
Ở khắp không biên tế như vậy
Cũng thế, chân thân của chư Phật
Tất cả pháp giới đều khắp cả
Chẳng thể thấy được, chẳng lấy được
Vì độ chúng sinh mà hiện thân
Ví như hư không chẳng lấy được
Khiến khắp chúng sinh tạo những nghiệp
Hư không chẳng nghĩ: ta làm gì?
Ta làm thế nào, làm vì ai?
Thân nghiệp của Phật cũng như vậy
Khiến khắp quần sinh tu pháp lành
Như Lai chưa từng có phân biệt
Rằng ta làm những việc nơi kia
Ví như mặt nhật mọc thế gian
Ánh sáng phá tất cả tối tăm
Núi, cây, ao sen, đất, các vật
Tất cả mọi loài đều lợi ích
Chư Phật xuất hiện cũng như vậy
Sinh trưởng hạnh lành cho nhân thiên
Trừ hẳn si tối được trí sáng
Hằng thọ tôn vinh tất cả vui
Ví như mặt nhật lúc xuất hiện
Trước chiếu núi cao kế các núi
Sau chiếu cao nguyên và đại địa
Mà mặt nhật vẫn không phân biệt
Thiện Thệ quang minh cũng như vậy
Trước chiếu Bồ Tát, kế Duyên Giác
Sau chiếu Thanh Văn và chúng sinh
Mà Phật bản lai không động niệm
Như sinh manh chẳng thấy mặt trời
Ánh sáng cũng lợi ích cho họ
Khiến biết thời tiết thọ uống ăn
Lìa hẳn tai hoạn thân an ổn
Bất tín chúng sinh chẳng thấy Phật
Phật cũng vì họ làm lợi ích
Nghe danh nhẫn đến chạm quang minh
Nhân đây nhẫn đến được Bồ Ðề
Ví như tịnh nguyệt tại hư không
Hay chói tinh tú, hiện tròn khuyết
Tất cả nước trong đều hiện hình
Ai cũng xem thấy ở trước mình
Như Lai quang minh cũng như vậy
Hay che Nhị thừa, hiện lâu mau
Hiện khắp trong tâm của nhân thiên
Ai ai cũng nói Phật trước mình
Thí như Phạm Vương ở cung mình
Hiện khắp nơi trong cõi Ðại Thiên
Tất cả nhân thiên đều được thấy
Thiệt chẳng phân thân đến nơi kia
Chư Phật hiện thân cũng như vậy
Tất cả mười phương đều khắp cả
Thân Phật vô số chẳng kể được
Cũng chẳng phân thân chẳng phân biệt
Như có Y Vương giỏi phương thuật
Nếu ai được thấy bịnh đều lành
Y Vương dầu chết, thuốc thoa thân
Khiến thân hành động như lúc sống
Vô thượng Y Vương cũng như vậy
Ðầy đủ phương tiện nhất thiết trí
Do diệu hạnh xưa hiện Phật thân
Chúng sinh được thấy phiền não diệt
Ví như trong biển có bửu vương
Khắp pháp vô lượng những quang minh
Chúng sinh chạm đến đồng màu bửu
Nếu ai được thấy, mắt thanh tịnh
Vô thượng Y Vương cũng như vậy
Chạm quang minh Phật tất đồng màu
Nếu ai được thấy thành ngũ nhãn
Phá những mê tối trụ Phật địa
Ví như ma ni như ý bửu
Tùy có người cầu đều đầy đủ
Chúng sinh kém phước chẳng thấy được
Chẳng phải bửu vương có phân biệt
Thiện Thệ Bửu Vương cũng như vậy
Người cầu đều toại theo sở thích
Chúng sinh không tin chẳng thấy Phật
Chẳng phải Thiện Thệ quên bỏ họ.
 
Bấy giờ Phổ Hiền đại Bồ Tát lại nói với chư Bồ Tát:
 
Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát phải biết như thế nào về âm thanh của Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác? Ðại Bồ Tát phải biết âm thanh của Ðức Như Lai là đến khắp tất cả, khắp đến vô lượng âm thanh.
 
Phải biết âm thanh của Ðức Như Lai, tùy tâm sở thích của thính giả đều làm cho họ hoan hỷ, vì thuyết pháp minh liễu.
 
Phải biết âm thanh của Ðức Như Lai, tùy tín giải của thính giả đều làm cho họ hoan hỉ, vì tâm được thanh lương.
 
Phải biết âm thanh của Ðức Như Lai giáo hóa chẳng lỗi thời, vì người đáng được nghe thời đều được nghe.
 
Phải biết âm thanh của Ðức Như Lai không sinh diệt, vì như vang ứng tiếng.
 
Phải biết âm thanh của Ðức Như Lai không chủ, vì do tu tập tất cả công hạnh phát khởi. Phải biết âm thanh của Ðức Như Lai rất sâu, vì khó lường được.
 
Phải biết âm thanh của Ðức Như Lai không tà vạy, vì do pháp giới phát sinh. Phải biết âm thanh của Ðức Như Lai không đoạn tuyệt, vì vào khắp pháp giới. Phải biết âm thanh của Ðức Như Lai không biến đổi, vì đã đến nơi rốt ráo.
 
Chư Phật tử! Ðại Bồ Tát phải biết âm thanh của Ðức Như Lai chẳng phải lượng, chẳng phải vô lượng, chẳng phải chủ, chẳng phải không chủ, chẳng phải thị giáo, chẳng phải không thị giáo.
 
Ví như thế giới lúc sắp hoại, không chủ không làm, tự nhiên phát ra bốn thứ âm thanh:
 
Một là âm thanh nói: “Mọi người nên biết Sơ thiền an lạc, rời những lỗi dục nhiễm vượt khỏi cõi dục”. Chúng sinh nghe rồi tự nhiên được thành tựu Sơ thiền, bỏ thân cõi dục sinh lên Phạm Thiên.
 
Hai là âm thanh nói: “Mọi người nên biết Nhị thiền an lạc không giác không quán vượt hơn Phạm Thiên”. Chúng sinh nghe xong tự nhiên được thành tựu Nhị thiền, bỏ thân Phạm Thiên sinh lên Quang Âm Thiên.
 
Ba là âm thanh nói: “Mọi người nên biết Tam thiền an lạc không lỗi lầm vượt hơn Quang Âm Thiên”. Chúng sinh nghe xong tự nhiên được thành tựu Tam thiền, bỏ thân Quang Âm Thiên sinh lên Biến Tịnh Thiên.
 
Bốn là âm thanh nói: “Mọi người nên biết Tứ thiền tịch tịnh hơn Biến Tịnh Thiên”. Chúng sinh nghe xong tự nhiên được thành tựu Tứ thiền, bỏ Biến Tịnh Thiên sinh lên Quảng Quả Thiên.

Bốn thứ âm thanh trên đây không chủ không làm, chỉ do sức thiện nghiệp của chúng sinh mà phát sinh. Cũng vậy âm thanh của Ðức Như Lai, không chủ không làm, không có phân biệt, chẳng phải nhập chẳng phải xuất, chỉ từ pháp lực công đức của Như Lai phát sinh bốn thứ âm thanh quảng đại:
 
Một là âm thanh nói: “Ðại chúng nên biết tất cả hành pháp đều là khổ. Những là địa ngục là khổ, súc sinh là khổ, ngạ quỷ là khổ, không phước đức là khổ, chấp ngã ngã sở là khổ, tạo những ác hạnh là khổ. Muốn sinh cõi trời hay nhân gian phải gieo căn lành sinh trong nhân thiên rời khỏi các chỗ nạn”. Chúng sinh nghe xong bỏ lìa điên đảo tu những hạnh lành, rời khỏi những chỗ nạn mà sinh trong nhân thiên.
 
Hai là âm thanh nói: “Ðại chúng nên biết tất cả hành pháp tràn đầy những khổ như hòn sắt nóng, hành pháp vô thường là pháp diệt mất. Niết Bàn tịch tịnh vô vi an lạc lìa xa khốn khổ, tiêu sạch nhiệt não”. Chúng sinh nghe xong siêng tu pháp lành, nơi Thanh Văn thừa được tùy thuận âm thanh nhẫn.
 
Ba là âm thanh nói: “Ðại chúng nên biết Thanh Văn thừa do lời người khác mà được tỏ ngộ, trí huệ hẹp kém. lại có Ðộc Giác thừa tỏ ngộ chẳng do thầy, đại chúng nên học”. Những người thích thắng đạo nghe lời này xong liền bỏ Thanh Văn thừa mà tu Ðộc Giác thừa.
 
Bốn là âm thanh nói: “Ðại chúng nên biết hơn hàng Nhị thừa còn có thắng đạo gọi là Ðại thừa, là chỗ tu hành của Bồ Tát thuận sáu môn Ba la mật, chẳng dứt hạnh Bồ Tát, chẳng bỏ tâm Bồ Ðề, ở vô lượng sinh tử mà chẳng mỏi nhàm, hơn hàng Nhị thừa, gọi là Ðại thừa, là Ðệ nhất thừa, là Thắng thừa, là Tối thắng thừa, là Thượng thừa, là Vô thượng thừa, là thừa lợi ích tất cả chúng sinh”. Nếu có chúng sinh nào lòng tin hiểu rộng lớn, căn khí mạnh lẹ, đời trước gieo căn lành, được thần lực của Ðức Như Lai gia hộ, có chí nguyện thù thắng mong cầu Phật quả, nghe lời này xong liền phát tâm Bồ Ðề.
 
Chư Phật tử! Âm thanh của Ðức Như Lai, chẳng từ thân phát ra, chẳng từ tâm phát ra mà có thể lợi ích vô lượng chúng sinh.
 
Ðây là tướng thứ nhất của âm thanh Như Lai, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như vang, do hang núi và âm thanh mà phát ra không có hình trạng, chẳng ngó thấy được, cũng không phân biệt mà có thể theo dõi tất cả ngữ ngôn.
 
Cũng vậy, âm thanh của Ðức Như Lai không có hình trạng, chẳng thấy được, chẳng phải có phương sở, chẳng phải không phương sở, chỉ tùy nơi duyên dục giải của chúng sinh mà phát ra. tính âm thanh này rốt ráo, không nói không bày, chẳng tuyên thuyết được.
 
Ðây là tướng thứ hai của âm thanh Như Lai, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như chư Thiên có pháp cổ lớn tên là giác ngộ. Lúc chư Thiên Tử nếu ham vui phóng dật, thời pháp cổ nơi hư không phát ra tiếng bảo chư Thiên Tử đó rằng: “Chư Thiên Tử nên biết tất cả dục lạc thảy đều vô thường hư vọng điên đảo giây lát đã biến hoại, chỉ kẻ cuồng ngu mới tham luyến. Chư Thiên Tử chớ phóng dật, nếu phóng dật sau sẽ đọa ác thú ăn năn đã muộn”. Chư Thiên Tử nghe âm thanh này lòng rất kinh hải, liền bỏ những sự dục lạc trong Thiên cung, cùng nhau đến chỗ Thiên Vương cầu pháp tu hành.
 
Tiếng của thiên cổ không chủ không làm, không khởi không diệt mà có thể lợi ích vô lượng chúng sinh. Phải biết Ðức Như Lai cũng như vậy. Vì muốn giác ngộ chúng sinh phóng dật mà phát ra vô lượng diệu pháp âm thanh. Những là tiếng vô trước, tiếng chẳng phóng dật, tiếng vô thường, tiếng khổ, tiếng vô ngã, tiếng bất tịnh, tiếng tịch diệt, tiếng Niết Bàn, tiếng vô lượng tự nhiên trí, tiếng Bồ Tát hạnh bất khả hoại, tiếng trí địa vô công dụng của Như Lai đến tất cả chỗ. Dùng âm thanh này khắp trong pháp giới để khai ngộ.
 
Vô số chúng sinh được nghe âm thanh này đều rất hoan hỷ siêng tu pháp lành. Ðều ở nơi tự thừa mà cầu xuất ly. Những là hoặc tu Thanh Văn thừa, hoặc tu Ðộc Giác thừa, hoặc tu Bồ Tát vô thượng Ðại thừa. nhưng âm thanh của Như Lai vẫn không trụ phương sở, không có ngôn thuyết.
 
Ðây là tướng thứ ba của âm thanh Như Lai, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như Tự Tại Thiên Vương có thiên thể nữ tên là Thiện Khẩu. Nơi miệng Thiên nữ này phát ra một âm thanh hay hòa cùng với trăm ngàn thứ nhạc, trong mỗi thứ nhạc lại có trăm ngàn âm thanh sai khác.
 
Chư Phật tử! Thiên nữ Thiện Khẩu từ nơi miệng phát ra một âm thanh mà thành vô lượng âm thanh như vậy.
 
Phải biết Ðức Như Lai cũng thế, từ trong một âm thanh phát ra vô lượng âm thanh, tùy theo tâm sở thích sai khác của chúng sinh đều đến khắp, đều làm cho hiểu.
 
Ðây là tướng thứ tư của âm thanh Như Lai, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như Ðai Phạm Thiên Vương trụ nơi Phạm cung xuất Phạ âm thanh, tất cả Phạm chúng đều đều đựơc nghe, mà âm thanh đó chẳng ra ngoài Phạm chúng. Chư Phạm chúng mỗi đều tự nghỉ Ðai Phạm Thiên Vương riêng nói với tôi.
 
Diệu âm của đưc Như Lai cũng như vậy, chúng hội trong đạo tràng đều được nghe, mà âm thanh đó chẳng ra ngoài chúng hội. Vì người căn chưa thành thục thời chẳng nên nghe. Những người được nghe, mỗi mỗi đều tự nghĩ: Ðức Như Lai Thế Tôn riêng vì tôi mà nói.
 
Chư Phật tử! Âm thanh của Ðức Như Lai không xuất không trụ, mà có thể thành tựu tất cả Phật sự. Ðây là tướng thứ năm của âm thanh Như Lai, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như nước đồng một vị, tùy đồ đựng khác nhau nên nước cũng sai khác. Nước không lo nghĩ cũng không phân biệt.
 
Cũng vậy, ngôn âm của Ðức Như Lai chỉ có một vị giải thoát. Tùy theo tâm sai khác của chúng sinh nên có vô lượng sai khác. Nhưng vẫn không niệm lự cũng không phân biệt.
 
Ðây là tướng thứ sáu của âm thanh Như Lai, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như A Na Bà Ðạt Ða Long Vương nổi mây dầy mưa khắp Diêm Phù Ðề. Cây trái lúa mạ đều được sinh trưởng, sông rạch ao suối đều tràn đầy. Nước mưc này chẳng từ thân Long Vương chảy ra, mà có thể thành tựu những việc lợi ích như trên.
 
Cũng vậy, Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác nổi mây đại bi khắp mười phương cõi, khắp rưới pháp cam lồ vô thượng, khiến chúng sinh đều hoan hỷ, thêm lớn pháp lành, viên mãn các thừa.
 
Âm thanh của Như Lai chẳng từ ngoài lại, chẳng từ trong ra, mà có thể lợi ích tất cả chúng sinh. Ðây là tướng thứ bảy của âm thanh Như Lai, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như Ma Na Tư Long Vương muốn làm mưa nhưng chưa tiện mưa liền. Trước kéo mây trùm khắp hư không ngưng đình bảy ngày, chờ các chúng sinh làm việc xong, vì đại Long Vương đó có tâm từ bi chẳng muốn chúng sinh bị não loạn. Quá bảy ngày Long Vương mới mưa nhỏ thấm ướt cả đại địa.
 
Cũng vậy, Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác sắp ban pháp vũ nhưng chưa tiện ban liền, trước nổi pháp vân thành thục chúng sinh, vì muốn lòng họ chẳng kinh sợ. Chờ lúc họ đã thành thục mới ban pháp vũ cam lồ, diễn nói pháp lành thậm thâm vi diệu, lần lần làm cho họ đầy đủ pháp vị vô thượng nhất thiết chủng trí của Như Lai.
 
Ðây là tướng thứ tám của âm thanh Như Lai chư đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như trong biển có đại Long Vương tên là Ðại Trang Nghiêm, lúc ở trong đại hải tuôn mưa, hoặc mưa mười thứ trang nghiêm, hoặc trăm, hoặc ngàn, hoặc trăm ngàn thứ trang nghiêm nước vẫn không sai khác chỉ do sức bất tư nghì của Long Vương khiến những thứ trang nghiêm nhẫn đến có trăm ngàn vô lượng thứ sai khác.
 
Cũng vậy, Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác lúc vì chúng sinh thuyết pháp, hoặc dùng mười thứ âm thanh để thuyết, hoặc dùng trăm ngàn, hoặc dùng tám vạn bốn ngàn âm thanh để nói tám vạn bốn ngàn hạnh. Nhẫn đến hoặc dùng vô lượng trăm ngàn ức na do tha âm thanh thuyết pháp sai khác, làm cho người nghe đều sinh lòng vui mừng. Âm thanh của Như Lai vẫn không phân biệt, chỉ do chư Phật nơi thậm thâm pháp giới viên mãn thanh tịnh hay tùy theo sở nghi của căn khí chúng sinh mà phát ra nhiều thứ ngôn âm đều làm cho hoan hỷ cả.
 
Ðây là tướng thứ chín của âm thanh Như Lai, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy.
 
Lại nữa, chư Phật tử! Ví như Ta Kiệt La Long Vương muốn hiện sức đại tự tại làm lợi ích chúng sinh đều khiến vui mừng, từ tứ châu thiên hạ nhẫn đến Tha Hóa Tự Tại Thiên, nổi lưới đại vân giăng khắp mọi nơi, đại vân có vô lượng sắc tướng sai khác: hoặc màu sáng chói như vàng diêm phù đàn, như tỳ lưu ly, như bạch ngân, như pha lê, như mã não, như xích chân châu, như nước trong sạch, như các thứ đồ trang nghiêm, hoặc màu sáng chói như mâu tát la, như thắng tạng, như vô lượng hương, như vô cấu y. Mây lớn đã giăng khắp rồi phát ra nhiều thứ điển quang đủ màu. Mây màu vàng diêm phù đàn phát ra điển quang màu lưu ly, mây màu lưu ly phát ra điển quang màu vàng, mây màu pha lê phát ra điển quang màu bạch ngân, mây màu bạch ngân phát ra điển quang màu pha lê, nhẫn đến mây màu nước trong phát ra điển quang màu các thứ đồ trang nghiêm, mây màu các thứ đồ trang nghiêm phát ra điển quang màu nước trong, mây nhiều màu phát ra điển quang một màu, mây một màu phát ra điển quang nhiều màu.
 
Lại trong mây lớn phát ra các thứ tiếng sấm tùy sở thích của chúng sinh đều làm cho họ hoan hỉ. Những là tiếng sấm như ca ngâm của Thiên nữ, hoặc như tiếng thiên nhạc, hoặc như tiếng ca ngâm của Long nữ, hoặc như tiếng ca ngâm của Càn thát bà nữ, hoặc như tiếng ca ngâm của Khẩn na la nữ, hoặc như tiếng đại địa chấn động, hoặc như tiếng hải triều, hoặc như tiếng gầm hét của thú vương, hoăc như tiếng chim hót lảnh lót, và vô lượng thứ tiếng khác.
 
Ðã nổi sấm rồi tiếp nổi gió mát làm cho lòng chúng sinh hoan hỷ rồi sau mới tuôn nhiều thứ mưa, làm lợi ích an lạc vô lượng chúng sinh. Từ Tha Hoá Thiên đến đại địa, ở tất cả chỗ mưa chẳng đồng nhau. Ở trong đại hải thời mưa nước trong mát tên là Vô đoạn tuyệt. Ở Tha Hóa Thiên thời mưa các thứ nhạc âm như tiêu, sáo v.v... tên là Mỹ Diệu. Ở Hóa Lạc Thiên thời mưa đại ma ni bửu tên là Phóng đại quang minh. Ở Ðâu Suất Thiên thời mưa đồ đại trang nghiêm tên là Thủy kế. Ở Dạ Ma Thiên thời mưa hoa đẹp lớn tên là Chủng chủng trang nghiêm cụ. Ở Tam Thập Tam Thiên thời mưa những diệu hương tên là Duyệt ý. Ở trời Tứ Thiên Vương thời mưa thiên bửu y tên là Phú cái. Ở cung Long Vương thời mưa xích chân châu tên là Dũng xuất quang minh. Ở cung A Tu La thời mưa những vũ khí tên là Hàng phục oán địch. Ở châu Bắc Uất Ðơn Việt thời mưa các thứ hoa tên là Khai phu. Ba châu kia cũng mưa như vậy, tùy theo mỗi xứ mà mưa chẳng đồng.
 
Dầu Ta Kiệt La Long Vương tâm bình đẳng không có bỉ thử, chỉ do chúng sinh thiện căn có khác mà mưa có sai biệt.
 
Cũng vậy, Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác vô thượng Pháp Vương muốn đem chính pháp giáo hoá chúng sinh, trước giăng thân vân che khắp pháp giới, tùy theo sở thích của chúng sinh mà hiện thân chẳng đồng: Hoặc vì chúng sinh mà hiện sinh thân, hoặc hiện hóa thân, hoặc hiện lực trì thân, hoặc hiện sắc thân, hoặc hiện tướng hảo thân, hoặc hiện phước đức thân, hoặc hiện trí huệ thân, hoặc hiện thân đủ năng lực bất khả hoại, hoặc hiện vô úy thân, hoặc vì chúng sinh mà hiện pháp giới thân.
 
Ðức Như Lai dùng vô lượng thân như vậy hiện khắp mười phương tất cả thế giới, tùy sở thích sai khác của chúng sinh mà thị hiện các thứ quang minh: hoặc vì chúng sinh mà hiện quang minh tên là Vô sở bất chí, hoặc hiện quang minh tên là Vô biên quang, hoặc hiện quang minh tên là Nhập Phật bí mật pháp, hoặc hiện quang minh tên là Ảnh hiện quang, hoặc vì chúng sinh hiện quang minh tên là Chiếu diệu quang, hoặc hiện quang minh tên là Nhập vô tận đà la ni môn, hoặc hiện quang minh tên là Chính niệm bất loạn, hoặc hiện quang minh tên là Cứu cánh bất hoại, hoặc hiện quang minh tên là Thuận nhập chư thú, hoặc vì chúng sinh hiện quang minh tên là Mãn tất cả nguyện đều làm cho hoan hỷ.
 
Ðức Như Lai hiện vô lượng quang minh như vậy rồi, lại tùy tâm sở thích của chúng sinh mà phát ra vô lượng tiếng tam muội: những là tiếng tam muội thiện giác trí, tiếng tam muội xí nhiên ly cấu hải, tiếng tam muội nhất thiết pháp tự tại, tiếng tam muội Kim Cương luân, tiếng tam muội tu di sơn tràng, tiếng tam muội hải ấn, tiếng tam muội nhật đăng, tiếng tam muội vô tận tạng, tiếng tam muội bất hoại giải thoát lực.
 
Trong thân Như Lai phát ra vô lượng tiếng tam muội sai biệt như vậy rồi, sắp ban pháp vũ trước hiện thoại tướng khai ngộ chúng sinh. Những là từ nơi vô chướng ngại đại từ bi tâm hiện ra đại trí phong luân của Như Lai tên là hay làm cho tất cả chúng sinh được vui thích hoan hỷ bất tư nghì. Tướng tốt lành này đã hiện thời tất cả Bồ Tát và chúng sinh, thân cùng tâm đều được thanh lương. Sau đó từ mây đại pháp thân của Như Lai, mây đại từ bi, mây đại bất tư nghì của Như Lai ban pháp vũ quảng đại bất tư nghì, làm cho tất cả chúng sinh thân tâm đều thanh tịnh.
 
Những là vì Bồ Tát ngồi đạo tràng Bồ Ðề ban đại pháp vũ tên là pháp giới vô sai biệt. Vì tối hậu thân Bồ Tát ban đại pháp vũ tên Bồ Tát du hí mật giáo của Như Lai.
 
Vì nhất sinh bổ xứ Bồ Tát ban đại pháp vũ tên là thanh tịnh phổ quang minh.
 
Vì quán đỉnh Bồ Tát ban đại pháp vũ tên là được trang nghiêm với đồ trang nghiêm của Như Lai.
 
Vì đắc nhẫn Bồ Tát ban đại pháp vũ tên là hoa trí huệ công đức bửu nở xòe chẳng dứt hạnh Bồ Tát đại bi.
 
Vì Bồ Tát an trụ nơi Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng ban đại pháp vũ tên là vào môn hiện tiền biến hóa rất sâu mà thực hành Bồ Tát hạnh không thôi dứt không mỏi nhàm.
 
Vì sơ phát tâm Bồ Tát ban đại pháp vũ tên là xuất sinh hạnh đại từ bi cứu hộ chúng sinh của Như Lai.  Vì hạng cầu Ðộc Giác thừa ban đại pháp vũ tên là biết rõ pháp duyên khởi xa lìa nhị biên được quả giải thoát bất hoại.
 
Vì chúng sinh cầu Thanh Văn thừa ban đại pháp vũ tên là dùng kiếm đại trí huệ chặt đứt tất cả oán tặc phiền não.
 
Vì chúng sinh chứa nhóm thiện căn quyết định hay chẳng quyết định ban đại pháp vũ tên là hay khiến thành tựu các pháp môn sinh lòng rất hoan hỷ.
 
Chư Phật Như Lai tùy tâm chúng sinh ban những pháp vũ quảng đại như vậy đầy khắp tất cả vô biên thế giới.
 
Chư Phật tử! Ðức Như Lai Ðẳng Chính giác, tâm của Ngài bình đẳng, nơi pháp không lẫn tiếc, chỉ vì chúng sinh căn dục chẳng đồng nên ban pháp vũ thị hiện có sai khác.
 
Ðây là tướng thứ mười của âm thanh Như Lai, chư đại Bồ Tát phải biết như vậy. Lại nữa, chư Phật tử! Phải biết âm thanh của Ðức Như Lai có mười thứ vô lượng:

Một là như hư không giới vô lượng, vì đến tất cả chỗ.
Hai là như pháp giới vô lượng, vì không chỗ nào chẳng khắp.  
Ba là như chúng sinh giới vô lượng, vì khiến tất cả tâm hoan hỷ.
Bốn là như các nghiệp vô lượng, vì nói quả báo của nghiệp.  
Năm là như phiền não vô lượng, vì đều làm cho trừ diệt.
Sáu là như ngôn âm của chúng sinh vô lượng, vì tùy theo sự hiểu biết mà làm cho được nghe.
Bảy là như dục giải của chúng sinh vô lượng, vì khắp quán sát cứu độ.
Tám là như tam thế vô lượng, vì vô biên tế.
Chín là như trí huệ vô lượng, vì phân biệt tất cả.
Mười là như Phật cảnh giới vô lượng, vì nhập Phật pháp giới.
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6418337
Số người trực tuyến: