3 cách giúp trẻ phát triển trí tuệ giác ngộ | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3 cách giúp trẻ phát triển trí tuệ giác ngộ

Bất kỳ điều gì bạn học được đều sẽ mang lại lợi ích cho mọi người và phục vụ tốt cho nhân loại và xã hội. Dù cho bạn không nghĩ tới vô lượng chúng sinh hữu tình và vô tình, ít nhất bạn cũng muốn làm lợi ích cho những ai có mặt trên trái đất này theo cách tốt nhất bạn có thể làm. Đó là nền giáo dục giúp phát triển trí tuệ tốt nhất.

Tri thức và trí tuệ

Trí tuệ ở đây cần được hiểu theo hai góc độ là trí tuệ về mặt tri thức và trí tuệ về trải nghiệm thực tế. Hành động vô cùng quan trọng nhưng tất cả hành động cần dựa trên nền tảng trí tuệ, nếu không có trí tuệ thì hành động bị sai hướng và không đạt được mục đích đúng đắn. Hiện chúng ta được đi học, được giáo dục nhưng chúng ta còn thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của cuộc sống, sự trân trọng với thiên nhiên, động vật, chúng ta có thiên hướng chỉ quan tâm tới cá nhân mình mà chưa quan tâm tới cách đối xử đúng đắn với môi trường, mọi người xung quanh. Ví dụ như do thiếu hiểu biết về tầm quan trọng của cây xanh chúng ta chặt rừng vì mục tiêu lợi nhuận, rồi vứt xả rác bừa bãi vô ý thức. Chính vì thế, việc trưởng dưỡng trí tuệ là vô cùng cần thiết, nếu bạn biết cách tư duy hướng vào nội tâm mỗi khi làm bất cứ việc gì, trẻ sẽ biết cách suy nghĩ làm thế nào để lợi ích.

Việc học tập từ trường lớp có thể cung cấp tri thức, giúp bạn đạt được thành công trên phương diện chuyên môn, học thức, tiền tài, danh vọng và khi có tiền, có thể mua được nhiều thứ khác thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ. Tuy nhiên, Bậc thầy tuyệt vời nhất đang an trú ngay trong bạn. Giống như những người có thể dẫn đường chỉ lối cho bạn trong cuộc sống, bậc thượng sư bên trong cũng luôn có mặt để giúp bạn đi đúng đường. Bạn có thể gọi đó là trực giác, tâm hồn, trái tim hoặc chiếc la bàn nội tâm của mình. Tuy nhiên, chừng nào kỳ vọng còn nặng trĩu trên vai, bạn khó có thể nghe thấy tiếng nói của người thầy bên trong, khó có thể nhận biết mình đang nghe theo trái tim hay để u mê, bám chấp thiêu đốt, kiểm soát ý nghĩ và cảm xúc của mình.

Vì vậy, trong mỗi hành xử, trong mỗi lời nói, nếu bạn biết xoay về tiếng nói bậc Thầy bên trong, không tìm cầu hạnh phúc bên ngoài, khi đó bạn sẽ nhận ra hạnh phúc thật sự đến từ nội tâm, giúp bạn cởi bỏ hàng trăm nghìn mối lo ngại, vướng mắc do tâm bám chấp vào sự huyễn ảo của cuộc sống tạo ra. Khi đó bạn sẽ có được hạnh phúc tại tâm, bạn sẽ có cái nhìn xa trông rộng và sâu sắc để theo đuổi hạnh phúc không chỉ trong kiếp này mà vô lượng kiếp vị lai.

1. Nhận ra bản chất của luân hồi

Niềm vui trong luân hồi về bản chất mang đến khổ đau, bởi đó chỉ là hạnh phúc giả tạm và thay đổi không ngừng, mọi cuộc vui rồi cũng đến hồi kết thúc, mọi cuộc gặp gỡ rồi đến lúc chia tay, con người ai cũng phải trải qua sinh ra bệnh chết. Khi nói “khổ đau”, không có nghĩa là sự đau đớn về mặt thể chất suốt như đau răng hai mươi tư giờ, đau đầu hai mươi tư giờ hay đau lưng hai mươi tư giờ. Không phải khổ đau là khi chúng ta phải kêu lên oai oái. Khi nói đến khổ đau, đức Phật muốn nói đến quan kiến sai lầm khiến chúng ta bị vô minh xô đẩy, chẳng thế nào cưỡng lại được. Chúng ta giống như những vong linh đói khát, rượt đuổi theo những điều tưởng như kỳ diệu, quyến rũ, khiến chúng ta bị cuốn hút. Từ khi sinh ra cho đến ngày nay, chúng ta luôn mải miết chạy như vậy. Tất cả chúng ta đều đang chạy mãi, chạy mãi. Chúng ta luôn chuẩn bị sẵn sàng để chạy. Bạn chưa cần thay đổi điều gì, bạn chỉ cần hiểu về mọi thứ. Hiểu biết này chính là trí tuệ. Chỉ khi thực hành giáo Pháp, bạn mới cảm nhận và trải nghiệm niềm vui đến từ trí tuệ hiểu biết đúng đắn và sự an lạc của nội tâm, niềm vui đó sẽ tăng trưởng khi hàng ngày bạn biết cách trưởng dưỡng tâm trong sáng, chuyển hóa sân giận, đố kỵ, tham lam thành trí tuệ tỉnh thức, niềm vui đó sẽ viên mãn khi bạn chứng đạt giác ngộ. Khi bạn nhận ra cách thức vận hành của luân hồi, bản chất của luân hồi là đau khổ, bạn sẽ tự mình đi tìm con đường giải thoát. Đó mới chính là ý nghĩa chân chính của cuộc sống, là động cơ cho mọi hành động, lời nói của bạn dù cho đó là việc nấu nướng, giặt giũ, quản lý doanh nghiệp…

2. Gieo nhân lành giải thoát

Cách thực hành Pháp thứ hai thâm sâu và vi diệu hơn. Động cơ thực hành pháp thứ nhất không mang đến hạnh phúc tối thượng, chỉ nhận ra bản chất luân hồi là đau khổ do sự chi phối của quy luật vô thường, do tri kiến sai lầm. Cách thực hành pháp thứ hai, chú trọng đến tâm bạn, mỗi hành động của thân khẩu ý đều trở thành nhân lành hướng tới sự giải thoát. Chính vì vậy, bạn cần thực hành quy y Kim Cương Thượng sư, quy y Tam Bảo, trước tiên bạn cần nương tựa vào bậc Thầy bên ngoài, lắng nghe lời pháp của Ngài, trì giữ năm giới của người Phật tử cùng với những giới nguyện theo điều Ngài dạy, để dần dần bậc thầy bên trong hay trí tuệ hiển lộ. Khi trí tuệ hay khả năng nhận ra bản chất chân thật của vạn pháp được khai sáng, bạn sẽ chứng ngộ được bậc Thầy bên trong.

3. Phát tâm Bồ đề

Cách thực hành Pháp thứ ba là xả ly suy nghĩ vị kỷ, chỉ lo cho lợi ích cá nhân là nguyên nhân dẫn tới chướng ngại, bất hạnh và năng lượng tiêu cực. Thay vì nuông chiều bản ngã, bạn hãy mở lòng yêu thương mọi người. Mục tiêu của bạn lúc này là tịnh hóa bất thiện nghiệp, chuyển hóa phiền não tham sân si, tích lũy công đức và thành tựu giác ngộ vì lợi ích của vô lượng chúng sinh hữu tình trong sáu đạo luân hồi: địa ngục, ngã quỷ, súc sinh, cõi a tu la, trời, người. Mặc dù những chúng sinh đó không yêu cầu bạn giúp đỡ, nhưng bạn tự nhận thấy trách nhiệm của mình bởi trong nhiều đời nhiều kiếp họ đã là cha mẹ và đã hết mực yêu thương bạn. Tâm nguyện cứu giúp tất cả chúng sinh không sót trừ một ai, giải thoát khỏi biển khổ của luân hồi và đưa họ đến giác ngộ toàn mãn thể hiện thái độ sống tích cực và có năng lực lan tỏa mạnh mẽ nhất. Để làm được như vậy, trước tiên bạn cần phải đạt được giác ngộ.

Như vậy, cách quán chiếu nội tâm thứ ba xuất phát từ động cơ Bồ đề tâm. Bất cứ hành động, lời nói, suy nghĩ trong mọi thời điểm và mọi hoàn cảnh, dù cho đang nấu ăn, đang dọn dẹp, đang đàm phán với đối tác, đang bước đi hay thậm chí là trong mỗi nhịp đập và hơi thở, đều vì mục đích đem lại lợi ích cho tất cả chúng hữu tình. Cùng lúc đó, bạn hãy dạy trẻ trì tụng câu chân ngôn của Đức Phật của Lòng Từ Bi: OM MANI PADME HUNG với động cơ vì vô ngã, vị tha, bé sẽ tích lũy được vô lượng vô biên công đức không thể nghĩ bàn.

Các bậc thầy giác ngộ từng chỉ dạy rằng, chỉ với một ngọn đèn cúng cường chư Phật nhưng với tâm Bồ đề vì mục đích soi rọi ánh sáng trí tuệ cho tất cả chúng sinh đang lang thang trong cảnh giới trung ấm, thì công đức cúng dường bằng với hàng trăm ngàn ngọn đèn dâng lên chư Phật mười phương. Khi bạn bố thí một đồng cho một người ăn xin với tâm không mong cầu đáp trả, công đức ấy bằng với công đức bố thí hàng trăm ngàn đồng.

Bạn có thể tưởng tượng được lợi ích của cách cách quán chiếu nội tâm thứ ba này mang lại lợi ích như thế nào không? Đây là phương cách hiệu quả nhất. Nếu có cơ duyên hạnh ngộ Phật pháp, hiểu biết và thực hành Phật pháp từ nhỏ, con trẻ sẽ có được cuộc sống hạnh phúc nhất. Khi lớn lên, trẻ có thể tự giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Trẻ sẽ là người tự do tự tại ngay chính trong cõi luân hồi này. Trong thế giới này, có rất nhiều người thông minh lỗi lạc và rất giàu có nhưng họ không có niềm tin và thiện duyên được gặp Phật pháp. Có thể được hạnh ngộ và được học giáo pháp của Đức Phật, nhưng họ lại không thực hành. Vì vậy, con số Phật tử chân chính vô cùng khiêm tốn. Tất nhiên, điều đó phụ thuộc vào sự may mắn, thiện duyên của mỗi người.

(Nguồn: Buddhist Door)

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6409148
Số người trực tuyến: