Phẩm 1: Thân người quý giá và cơ hội thực hành Bồ tát đạo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phẩm 1: Thân người quý giá và cơ hội thực hành Bồ tát đạo

Phẩm thứ nhất

Thân người quý giá và cơ hội thực hành Bồ tát đạo

Bài kệ đầu tiên của 37 Phẩm Bồ tát hạnh đặc biệt quan trọng, đề cập tới thân người giống như một con thuyền quý giá giúp chúng ta vượt qua dòng sông sinh tử vô minh. Tát cả những gì chúng ta cần làm là bước lên con thuyền đó và học cách chèo lái nó. Điều này cần tới phương tiện thiện xảo nên chúng ta cần thực hành giáo pháp ngày đêm, không lãng phí cho tới một phút giây nào của kiếp người quý giá. Muốn đạt được giác ngộ, chúng ta thực sự không nên bỏ phí một khoảnh khắc nào bởi mỗi giây phút trong cuộc đời đều vô cùng giá trị.

Đời nay may mắn được thân người

Thuyền lớn đủ mười tám duyên hy hữu.

Vì muốn ta người mau thoát khỏi

Biển lớn luân hồi ngập khổ đau

Ngày đêm siêng năng không lười biếng.

Văn - Tư - Tu, Bồ tát hạnh nên hành.

Chúng ta được làm người đều có được điều quý giá này, đây thực sự là một thắng duyên lớn lao. Câu kệ ví thân người giống như một con thuyền và chúng ta đang có con thuyền ấy. Luân hồi giống như một đại dương hoặc một dòng sông rộng lớn đầy sóng gió hiểm nguy mà chúng ta phải vượt qua. Biển khổ rộng lớn muôn trùng nhưng chúng ta đã có thuyền. Nếu không có một con thuyền như vậy thì chắc hẳn chúng ta sẽ vô cùng tuyệt vọng. Vậy điều duy nhất chúng ta cần làm là bước lên con thuyền đó và học cách chèo thuyền. Điều này cần có kỹ năng và chúng ta cần phải thực hành miên mật ngày đêm, không để lãng phí đi phút giây nào trong kiếp người quý giá.

Thực hành lắng nghe

Chúng ta cũng cần có kiến thức thuộc về tri thức và những kiến thức thuộc về trải nghiệm. Kiến thức thuộc về tri thức sẽ đến trước, theo đó việc lắng nghe giáo pháp và chiêm nghiệm về giáo pháp là điều rất cần thiết. Nếu bạn không lắng nghe hoặc không lân mẫn một bậc Thầy thì điều này sẽ hơi khó khăn. Bậc Thầy vô cùng quan trọng. Bạn cần phải lắng nghe giáo Pháp chân chính được tuyên thuyết bởi một bậc Thầy chân chính. Sau khi lắng nghe, bạn còn cần phải chiêm nghiệm về giáo pháp. Bạn cần suy nghĩ rất nhiều, rất miên mật, nghĩ đi rồi nghĩ lại về những giáo pháp này. Trước khi có được kiến thức trải nghiệm thì đây là điều cốt yếu.

Hầu như mỗi đức Phật, mỗi bậc Bồ tát, mỗi bậc Thánh nhân hay bậc Thầy đã đạt tới Phật quả và giác ngộ đều nhờ vào khả năng biết lắng nghe giáo pháp từ một bậc Thầy chân chính. Nếu không có sự hướng đạo từ một bậc Thầy giác ngộ thì chúng ta sẽ chẳng có cách nào đạt được quả vị Giác ngộ. Ở mức độ ban đầu, chúng ta không thực sự hiểu từ bi, đau khổ hay giác ngộ là gì bởi chúng ta hoàn toàn vô minh. Vì vậy, để có thể thức tỉnh chính mình thì lắng nghe giáo pháp từ bậc Thầy là điều thực sự cần thiết. Những hành giả thụ Bồ tát giới Đại thừa cần thực hành các công hạnh như biết lắng nghe, trau dồi và thiền định với động cơ giải thoát mọi chúng hữu tình. Có nhiều người chẳng hề có một tín ngưỡng nào nhưng vẫn lắng nghe những gì bậc Thầy thuyết giảng nhưng động cơ của họ đối với việc này không thực sự đúng đắn. Họ chẳng hề làm điều đó vì lợi ích của hết thảy chúng sinh. Đây là một điểm cốt yếu vô cùng quan trọng.

Nền tảng động cơ chân chính

Trên bước đường hành Bồ tát đạo, hành giả luôn cần phát khởi, duy trì trưởng dưỡng động cơ chân chính, không chỉ khi lắng nghe hay nghiền ngẫm giáo pháp trong thiền định, mà ngay cả trong lúc làm những việc tưởng như không liên quan nhất như đi vệ sinh hay khạc đờm. Tất cả những điều này cần phải được hồi hướng cho lợi ích hết thảy chúng sinh. Khạc đờm là một việc rất nhỏ và ít được coi trọng, thế nhưng lại có thể vô cùng lợi lạc đối với rất nhiều chúng sinh như quỷ đói hay những linh hồn vất vưởng chẳng có gì để ăn và chẳng hề được sở hữu chút gì do các ác nghiệp của họ tạo nên. Song với động cơ chân chính, nếu bạn khạc đờm và chú nguyện hồi hướng cho những chúng sinh này thì việc đó vẫn có thể lợi ích cho họ.

Nên nhớ trên con đường Bồ tát đạo, bất kỳ điều gì bạn làm, cho dù là những việc vô cùng đơn giản như bước vào trong một căn phòng đều phải vì lợi ích của chúng sinh. Bạn cần nhớ: "Tôi bước chân vào căn phòng này vì lợi ích cho hết thảy chúng sinh. Nguyện sẽ có ít nhất một chúng sinh nào đó được hưởng lợi ích từ việc tôi bước chân vào và ra khỏi căn phòng này". Mỗi hành động cho dù lúc ngủ hay khi nói chuyện đều phải được hồi hướng cho hết thảy chúng hữu tình theo cách này.

Mọi thứ đều có thể trở thành đề mục thiền định

Có nhiều cấp độ thiền định như thiền quán rồi thiền tĩnh trụ. Khi chúng ta bắt đầu quán chiếu về từ bi hay về một điều gì đó liên quan tới thế giới, về bậc Thầy, về tâm chí thành, về tình yêu chân thật và sự yêu thích thế tục thì đây là sự thiền quán. Đây không chỉ đơn thuần là ngồi một chỗ và tịnh khẩu. Đó cũng là một hình thức thiền song không phải là hình thức duy nhất. Để không bỏ phí bất cứ một thời khắc nào trong quãng thời gian có được thân người quý giá này, chúng ta có thể sử dụng năng lượng của mình để chiêm nghiệm thông qua sự quán chiếu. Việc này có thể thực hiện không cần nghi thức, khi ở nơi làm việc hay trong cuộc sống hàng ngày của bạn. Và trong những lúc được coi là ngoài nghi thức ấy, bạn có thể tự kiểm nghiệm lại chính mình; bạn có thể ngẫm nghĩ về giáo pháp, bạn có thể suy nghĩ về vô thường và về những khía cạnh khác của giáo pháp.

Chẳng hạn như vô thường. Hãy nghĩ xem có phải vô thường lúc nào cũng hiển hiện. Khi bạn nhìn thấy mặt trời lên, mặt trời mọc do vô thường chứ chẳng phải vì một lý do nào khác. Mặt trời lặn tối qua và mọc vào sáng nay. Tại sao vậy? Bởi vì mặt trời đang chuyển động và đó là vô thường. Trái đất đang chuyển động nên mặt trời mọc. Thời gian đang trôi chảy. Chuyển động của nó cho thấy sự trôi chảy của thời gian hay sự vô thường. Đây thực sự là một giáo pháp vĩ đại. Nếu bạn biết cách đón nhận điều đó giống như đón nhận giáo pháp thì đây chính là sự quán chiếu và dù bạn không làm điều gì cả nhưng bạn đã thực sự sử dụng trải nghiệm này một cách vô cùng có ý nghĩa, giống như một sự thiền quán.

Có sự thiền định không theo nghi thức và thiền định theo nghi thức. Tôi nghĩ, ở cấp độ của chúng ta thì sự thiền định ngoài nghi thức mang lại lợi ích hơn, nhưng trước tiên bạn cần phải lắng nghe giáo pháp, nếu không bạn sẽ không biết cách làm thế nào để thiền quán không theo nghi thức. Điều này vô cùng có giá trị và việc lắng nghe là điều cơ bản đầu tiên. Sau đó, khi bạn bất đầu ngẫm nghĩ về giáo pháp thì đó là lúc bạn bắt đầu thiền quán.

Trong nhiều trường hợp, khi chúng ta thực hành thiền định theo nghi thức - tức là ngồi một chỗ tịnh khẩu - chúng ta thường có xu hướng bị lạc mất chính mình, chúng ta thường không thực sự nhận thức được điều gì đang diễn ra ở xung quanh và rồi chúng ta để lãng phí thời gian tưởng như để thiền định và tự cho rằng mình là một thiền giả hay một hành giả. Thực sự chúng ta không thiền định, chúng ta bị lạc vào một nơi nào đó. Xét theo góc độ này, sự thiền định không theo nghi thức - như nhìn mặt trời mọc và nghĩ tới vô thường, hoặc nghe mọi người nói chuyện về nỗi đau khổ của họ và suy nghĩ về nỗi khổ đau luân hồi, về sự khởi phát và vận hành của chúng - xem chừng như đơn giản nhưng khi đó bạn đang dùng năng lượng và bộ não của mình một cách đúng đắn. Điều này có ý nghĩa và lợi lạc hơn là đánh mất chính mình trong nghi thức thiền định lệch lạc không thứ lớp.

Bạn cũng phải làm cách nào đó để biến tất cả mọi thời khắc, mọi thay đổi, mọi suy nghĩ, hiện tượng diễn ra bên trong và bên ngoài mình trở thành chân giáo pháp. Giáo pháp này còn quí giá gấp trăm, gấp ngàn lần so với giáo pháp được nghe giảng. Tất nhiên khi khởi đầu, giáo pháp khẩu truyền là điều cốt yếu, song để có thể thúc đẩy được sự hiểu biết này, tôi nghĩ tốt hơn cả bạn nên tìm thấy giáo pháp trong mọi sự đang diễn ra xung quanh chúng ta.

Nếu bạn có thể làm được điều này thì đây chính là chìa khóa dẫn vào con đường Bồ tát đạo và là một phần quan trọng của Bồ tát hạnh. Nền tảng hay tinh túy của Bồ tát hạnh chính là sự thiền quán trong mọi lúc, ngày và đêm, hãy thực hành như vậy cả đêm lãn ngày mà không bỏ phí một giây phút nào. Sự thiền quán theo nghi thức dài nhất cũng chỉ có thể kéo dài vài giờ đồng hồ mỗi ngày, toàn bộ thời giờ không thực hành còn lại sẽ là lãng phí. Như vậy, cuộc đời và cơ hội thực hành của bạn sẽ trôi qua một cách uổng phí biết bao. 

Để có thể giải thoát mọi chúng sinh được đạt tới Niết bàn, bạn cần phải vô cùng nỗ lực và chuyên cần. Để bắt đầu thực hành Bồ tát hạnh, bạn cần phải lắng nghe giáo pháp và tư duy, chiêm nghiệm, đó là cách bắt đầu đi vào thiền định. Đây là thông điệp dành cho sự thực hành khởi đầu.

(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa

Trích ấn phẩm “37 phẩm Bồ Tát hạnh”)


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6323964
Số người trực tuyến: