Phẩm 6: Thầy hay, Bạn tốt, Bồ tát nương nhờ
Phẩm thứ sáu
Thầy hay, Bạn tốt, Bồ tát nương nhờ
Nương bạn lành khiến ác pháp dần tiêu,
Thiện pháp dần tăng như trăng đầu tháng,
So thân mình Thiện tri thức quý hơn,
Thầy hay, Bạn tốt Bồ tát nương nhờ.
Trong cuộc sống cũng như trên bước đường tu tập, chúng ta vô cùng cần sự hiện diện, đồng hành của thiện hữu tri thức. Người bạn tốt làm tăng lòng bi mẫn, tình yêu thương, trí tuệ và sự bình yên trong tâm, làm giảm bớt sự tham lam, tật đố, ganh ghét và kiêu mạn. Những điều này chắc chắn sẽ giảm bớt nếu bạn tìm được bậc thiện tri thức, hay một người bạn tốt. Trong tiếng Anh nói đến từ ‘Guru’ khi đặt bản thân chúng ta dưới sự hướng đạo của một bậc thầy. Trong tiếng Tạng không nói đến từ ‘Guru’, mà là ‘She nyen tamba’, ‘She nyen’ có nghĩa ‘người đứng đầu’, ‘tamba’ có nghĩa là ‘linh thiêng’.
Tất nhiên, một bậc lãnh đạo tâm linh có thể là một bậc thầy, nhưng một người bạn bình thường cũng có thể như vậy. Một người bạn cũng mang đến cho bạn những phẩm hạnh như làm giảm sân giận và những nhiễm ô khác, đồng thời làm tăng trưởng từ bi, tình yêu thương và trí tuệ nơi bạn. Đôi khi, thiện trí thức chỉ xuất hiện như một người bình thường nhưng cũng có thể được coi như một bậc thầy tâm linh hay người hướng đạo. Một khi bạn đã tìm thấy một “Shenyen tamba” hay một bậc Thầy tâm linh, bạn phải vô cùng tôn kính và đối xử với ngài tốt hơn cả đối với bản thân, bởi vì bậc hướng đạo tâm linh hay một người bạn tốt giống như một bậc Thượng sư vĩ đại, một bậc Thầy vĩ đại hay một Đức Phật. Người bạn này mang đến sự hỗ trợ sức mạnh tâm linh, vì thế bạn phải tôn kính họ với tất cả trái tim mình.
Là một hành giả hay đệ tử trên con đường Bồ tát đạo, chúng ta cần phải xét đến nhiều khía cạnh. Chúng ta phải quán xét người bạn hay thậm chí bậc thầy mình để minh định rằng ngài là một bậc thầy chân thực! Trong thời mạt pháp có rất nhiều bậc thầy giả mạo sẽ dẫn bạn lầm đường lạc lối. Thậm chí những Tà sư đó có thể có danh hiệu của một bậc thầy và vỏ ngoài của danh hiệu đó sẽ khiến bạn mê lầm, sa sút. Thực sự, đây là những kẻ đồng hành xấu.
Bạn cũng phải cẩn trọng xem bậc thầy hay người huynh đệ có hữu ích cho sự thực hành của mình hay không. Khi thiền định, đó chính là bậc thầy bên trong, bậc thầy bí mật. Tuy nhiên bạn cần phải rất cẩn trọng. Trong một số thiền định bạn sẽ cảm thấy rất tuyệt vời nhưng chính trải nghiệm đó có thể khiến bạn lầm lạc vì nếu đắm chấp vào những trải nghiệm này thì chúng sẽ trở thành tồi tệ. Cảm xúc như vậy sẽ khiến bạn rơi vào một trạng thái thiền định hoàn toàn sai lạc và một lúc nào đó sẽ khiến bạn suy sụp. Từ rất nhiều khía cạnh, bạn phải cẩn trọng và thực hành đúng cách. Điều này là quan trọng nhất.
Một điểm khác là bạn phải quán xét bên trong chính bản thân mình. Liệu bạn có đang tiến bộ, liệu những nhiễm ô trong bạn có giảm đi hay liệu trí tuệ và lòng từ bi có phát triển hay không. Sau đó bạn có thể khẳng định rằng mối quan hệ của bạn là đúng hay sai. Bạn phải thông qua trải nghiệm của chính mình trước khi có thể nói rằng điều gì sẽ tiếp diễn trong mối quan hệ đó. Tôi cũng có một lời khuyên là bạn không thể y cứ vào những sự tướng bên ngoài, bởi mọi thứ phải được chứng nghiệm, mọi thứ phải đến từ trong chính bạn. Lòng bi mẫn và tình yêu thương là khía cạnh của trí tuệ trong bạn. Những nhiễm ô như sân giận, tật đố, ganh ghét và sợ hãi cũng là một phần trong tâm của bạn - mọi thứ, tích cực lẫn tiêu cực đều ở trong chính bạn.
Những đối tượng bên ngoài như bậc thầy, bằng hữu dù là tốt hay xấu, chân thực hay giả dối đều cần trở thành đối tượng hỗ trợ cho bạn trên con đường tu tập một bậc Thượng sư tốt và một bậc Thượng sư chân thực, một người bạn tốt và một người bạn chân thực nên mang đến sự hỗ trợ cho bạn để bạn thay đổi chính mình. Ngược lại, những đối tượng xấu, họ mang lại những rung động khiến bạn trở nên tiêu cực và đi xuống. Đó là điều duy nhất họ có thể làm. Điều này giúp cho bạn nhận ra điều gì có thể xảy ra. Điều mà chúng ta mong chờ ở đây là sự chuyển hóa xảy ra bên trong chính bạn. Toàn bộ thực hành của con đường Bồ tát đạo là bạn hãy biết giữ mình trong trạng thái bình ổn tỉnh thức, biết giữ tâm trong trạng thái định tuệ cân bằng. Mọi thứ thực sự đều phụ thuộc vào bản thân, vào tâm của chúng ta. Tâm thực sự là điểm mấu chốt.
- 235
Viết bình luận