Phẩm 30: Dùng trí tuệ Bát nhã sáng soi dẫn đường
Phẩm thứ ba mươi
Dùng trí tuệ Bát nhã sáng soi dẫn đường
Nếu không tuệ giác dẫn ngũ độ
Phật quả chính giác chẳng thể thành.
Phương tiện cần Tam luân không tịch,
Trí tuệ sáng soi Phật tử hành.
Sau khi đã phát triển được nền tảng thiền định, bạn có thể trưởng dưỡng một trí tuệ bát nhã hoàn toàn không phụ thuộc vào các khái niệm nhị nguyên như: chủ thể, khách thể hay hành động. Thông thường, nếu tôi cho đi vật gì thì tôi là người cho và anh này là người nhận, giữa hai chúng tôi có hành động cho và nhận. Chúng ta cần phải tự tại khỏi những khái niệm này, hay còn gọi là: “Tam luân không tịch” (Tiếng Tạng: Khorsum). Chúng ta phải thoát khỏi điều đó. Đây chính là cách để chúng ta trưởng dưỡng trí tuệ. Tự thân trí tuệ hoàn toàn siêu việt tất cả những sự tạo tác giả tạo này. Khi bắt đầu thiền định về trí tuệ, hành giả cần phải tìm cách thoát khỏi các khái niệm ta, người, và hành động. Như vậy, nói chung, điều quan trọng nhất là hành giả phải biết quán chiếu và soi chiếu những lỗi lầm của mình trong mỗi phút giây cuộc sống. Trên con đường hành Bồ tát đạo, đây là sự thực hành cao cả nhất và cũng cần nhiều nỗ lực lớn lao nhất.
Thiền định an tĩnh, nội chứng và trí tuệ vô cùng quan trọng, bởi trên phương diện thực tiễn, trí tuệ giúp chúng ta tự quán chiếu chính bản thân mình, soi chiếu những lỗi lầm và tìm cách hạn chế chúng bằng việc trưởng dưỡng những phẩm hạnh và động cơ tốt đẹp. Điều này vô cùng hiệu quả bởi những ảo tưởng si ám và bản năng phóng túng trong luân hồi liên tục xoay vần từ vô thủy tới nay đã quá quen thuộc, gắn bó đến nỗi trở thành bản năng tập khí không thể kiểm soát của chúng ta. Sự chi phối của chúng vô cùng mạnh mẽ. Chúng ta mắc phải những lỗi lầm gần như mỗi phút giây trong cuộc sống. Việc tạo ác nghiệp đã trở nên quá bình thường bởi chúng ta đã quá quen với vô minh phiền não.
- 140
Viết bình luận