Phẩm 9: Nỗ lực chứng ngộ Phật quả tối thượng | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phẩm 9: Nỗ lực chứng ngộ Phật quả tối thượng

Phẩm thứ chín

Nỗ lực chứng ngộ Phật quả tối thượng

Vui Tam giới như sương đầu ngọn cỏ,

Thoáng sinh, thoáng diệt một sát na.

Duy Phật quả tối thượng không thay đổi,

Nỗ lực chứng ngộ Bồ tát nên hành.

Kệ thứ chín viết rằng: “Giống như một giọt sương long lanh chỉ đọng lại phút giây trên đầu ngọn cỏ, rồi sẽ tan biến ngay trong ánh nắng bình minh. Những dục lạc tìm thấy trong cuộc đời thế tục sẽ chỉ tồn tại trong giây lát và không thể vững bền.” Như tôi vừa đàm luận về điều này, chúng ta nên tìm kiếm an lạc vĩnh cửu, chọn lựa những hạnh phúc dài lâu hơn là những loại hạnh phúc ngắn ngủi, giả tạm trong cuộc đời. Chúng ta cần hiểu rằng sự giác ngộ bất biến theo thuật ngữ đạo Phật chính là Phật tính bởi trên thực tế, sự an lạc, hạnh phúc và sự chứng đạt giác ngộ là vĩnh cửu, bất biến. Nó không hề tăng giảm, không bị tác động bởi bất cứ điều gì khác mà vốn vẫn luôn thường trụ. Chúng ta cần mong cầu sự giác ngộ, vì khi bạn quan tâm đến giác ngộ có nghĩa là bạn đã ở trên con đường Bồ tát. Cho dù bạn có là hành giả vĩ đại và dành rất nhiều thời gian để tham học rất nhiều kinh điển và thực hành các nghi thức tâm linh nhưng nếu thiếu sự mong cầu chân giác ngộ thì bạn vẫn không phải là người đang thực hành Bồ tát đạo.

Người ta có thể thực hành Phật pháp với rất nhiều động cơ khác nhau. Trong số những động cơ của việc thực hành Kim Cương Thừa có thể có những động cơ xuất phát từ sự tò mò hay lòng yêu thích văn hóa, phong tục truyền thống của người dân Hymalaya... hay bất cứ lý do gì chỉ có Trời mới biết. Họ có thể yêu thích một khía cạnh nào đó nằm ngoài Kim Cương Thừa và chẳng quan tâm đến điều gì khác. Dĩ nhiên, nhờ động cơ này mà họ có cơ duyên tiếp cận với đạo Phật, điều này cũng tốt, nhưng không có nghĩa là họ đang thực hành con đường Bồ tát hạnh.

Một ví dụ khác nữa là có những vị thực hành đạo Phật để được cấp bằng Tiến sĩ Phật học. Điều này không sai, nhưng nó không phải là con đường Bồ tát chân thực. Rất nhiều người có động cơ sai lạc, không chỉ Tây phương, những quốc gia khác trên thế giới mà còn ngay ở chính Tây Tạng. Họ nghiên cứu đạo Phật trong 10 hay 18 năm bởi họ muốn có học vị Geshe (là chức vị tương đương với Tiến sĩ) hoặc Viện trưởng. Họ không có mục đích thực hành hay tìm cầu giác ngộ mà chỉ cần đạt được bằng cấp, có rất nhiều người như vậy. Nhưng trong thực hành Phật pháp, chúng ta nên cố gắng hết sức cho thực hành phải hoàn toàn vì mục đích đạt giác ngộ chứ không vì bất cứ điều gì khác. Tri kiến này rất quan trọng. Mục tiêu, hay niềm khát khao, mong mỏi của chúng ta là đạt giác ngộ. Giả sử chúng ta có khát khao mạnh mẽ đạt giác ngộ nhưng lại chưa biết làm thế nào để đạt được thì cũng giống như bạn muốn đến Nhật Bản, nhưng bạn chưa biết cách nào để tới đó. Như vậy thì bạn cần có một tấm visa, cần tìm hiểu xem phải liên lạc với ai, ăn gì và ở đâu... bạn cần phải có rất nhiều kỹ năng để vượt qua vô số vấn đề. Tương tự như vậy, bạn cũng phải biết làm cách nào, thực hành cái gì để đạt được giác ngộ.

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6406415
Số người trực tuyến: