Phẩm 28: Phát đại tinh tiến như cứu lửa cháy đầu | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phẩm 28: Phát đại tinh tiến như cứu lửa cháy đầu

Phẩm thứ hai mươi tám 

Phát đại tinh tiến như cứu lửa cháy đầu

Người Nhị thừa tuy chỉ cầu tự lợi,

Còn gắng công như cứu lửa cháy đầu.

Bồ tát lợi sinh khơi nguồn đức,

Phát đại Tinh tiến, Phật tử hành.

Phẩm thực hành Bồ tát hạnh thứ 28 nói về sự Tinh tấn. Đây là Ba la mật thứ tư rất quan trọng đối với các Ba la mật khác như: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Thiền định và Trí tuệ. Các vị Thanh Văn[1]  và Độc Giác[2] có mục đích là tự giác hay tự giải thoát. Các vị hiếm khi có động cơ muốn giải thoát cho tất cả chúng sinh, vì vậy mục tiêu của các vị được coi là chưa hoàn hảo. Nhưng các vị cũng phải thực hành rất nhiều để giải thoát bản thân và giác ngộ Thân Thọ Tâm Pháp trong mình. Chúng ta là các hành giả thực hành Bồ tát hạnh với mục đích với mục đích giải thoát tất cả chúng sinhthì lại càng cần nỗ lực tinh tấn chuyên cần trên con đường hành Bồ tát đạo. Có thể bạn rất thông minh sắc sảo ngoài đời nhưng nếu thiếu chuyên cần trên đường đạo thì trí thông minh đó cũng sẽ chẳng giúp ích gì cho bạn. Trí thông minh như lửa trên cỏ khô. Cỏ có thể bén lửa dễ dàng nhưng ngọn lửa đó không đủ lâu nên sẽ không thể mang lại cho bạn bất kỳ điều gì. Ngược lại, nếu bạn chuyên cần tinh tấn thì nền tảng tu tập đó sẽ mang tới cho bạn trí tuệ vững vàng.

Bậc Thầy Vĩ đại người Ấn độ - Ngài Vô Trước[3], đã thực hành pháp tu tập về Đức Phật Di Lặc[4]. Đó là một câu chuyện dài nhưng vắn tắt là sau khi thực hành suốt ba năm, Ngài đã không đạt được bất cứ điều gì. Do vậy, Ngài từ bỏ thực hành và đi xuống núi. Trên đường đi, Ngài chợt thấy một gia chủ đang dùng miếng vải mỏng để mài một thanh sắt lớn. Trông anh ta có vẻ rất cực nhọc, Ngài bèn hỏi: “Anh đang làm gì vậy?” Anh ta đáp: “Tôi đang mài cây kim từ thanh sắt này để may áo.” Ngài nghĩ: “Ta thực hành pháp Di Lặc ba năm mà cảm thấy đã là một việc quá khó khăn rồi. Nhưng bây giờ ta nhận ra sự tu của mình không là gì cả so với những gì người gia chủ này đang làm chỉ để có một cây kim.” Vì vậy, Ngài đã trở lại hang động để tiếp tục hành trì miệt mài trong ba năm ròng rã, nhưng một lần nữa lại thất bại và không đạt được thành tựu nào. Ngài kết luận: “Ta đã thực hành suốt sáu năm mà không có kết quả. Quả thực ta không có may mắn hoặc thuận duyên để đạt được bất kỳ sự thành tựu nào.”

Rồi Ngài quyết định bỏ cuộc và đi xuống núi. Trên đường về, Ngài nhìn thấy một người đàn ông đang dùng một chiếc lông vũ chà vào vách núi. Ngạc nhiên, Ngài bèn dừng bước hỏi nguyên do. Anh ta trả lời: “Nhà tôi ở dưới núi bị ngọn núi này che mất, chỉ đón được mỗi một chút ánh mặt trời. Tôi đang cố làm cho ngọn núi nhỏ lại để nhà tôi đón được nhiều ánh sáng mặt trời hơn.” Ngài Vô Trước nghĩ: “Nếu anh ta làm việc đó chỉ vì một điều duy nhất là lấy thêm ánh nắng vào nhà, thì tại sao ta không quay trở lại thực hành pháp và thực hành thêm nữa. So với việc anh ta làm, sáu năm của ta có thấm thía gì đâu.”

Dù nhiều khó khăn đã xảy ra với Ngài Vô Trước nhưng sau mỗi ba năm Ngài lại thấy một điều gì đó khẳng định tầm quan trọng của sự chuyên cần. Cuối cùng, mười hai năm trôi qua, Ngài từ bỏ sự thực hành và một lần nữa trên đường xuống núi. Ngài trông thấy một con chó ghẻ đang chịu khổ đau khủng khiếp. Nửa dưới của nó bị loét thối rữa, đầy côn trùng và dòi bọ, nhưng nửa trên cơ thể nó vẫn sống và sủa ăng ẳng thật tội nghiệp. Nhìn thấy con chó như vậy, Ngài chợt khởi lòng từ bi sâu sắc - một phẩm hạnh hoàn toàn khác so với sự tinh tấn. Mặc dù bản thân Ngài không thực sự giúp ích được gì, nhưng Ngài nghĩ rằng nên bỏ bớt ròi bọ, bụi bẩn và côn trùng bám trên thân chú chó. Nhưng nếu Ngài dùng tay nhặt côn trùng thì chúng sẽ chết. Còn nếu không làm điều đó, chú chó vẫn bị đau đớn vô cùng. Vì vậy, Ngài quyết định dùng lưỡi của mình làm sạch vết thương cho chú chó, vì nó mềm hơn bàn tay và như vậy sẽ không làm hại các côn trùng. Chú chó quá bẩn đến nỗi Ngài phải nhắm mắt lại khi liếm những bụi bẩn và côn trùng trên vết thương. Khi thực hiện điều này, lưỡi Ngài bỗng chạm vào mặt đất và thật bất ngờ khi mở mắt ra thì chú chó đã biến đâu mất. “Chú chó đâu rồi?” “Vừa rồi còn nằm ở đây, mình đang cố làm sạch vết thương cho chú nhưng giờ đã biến đâu mất rồi?” Ngay lúc đó, Ngài ngước nhìn lên, và thật kỳ lạ, trước mặt Ngài trên một tảng đá lớn là Đức Phật Di Lặc đang an tọa. Ngài quá đỗi vui mừng và ôm chầm lấy chân Đức Phật, vừa khóc vừa nói rằng: “Ngài đã ở đâu? Tại sao con đã thực hành Pháp của Ngài trong suốt 12 năm mà con chưa bao giờ được diện kiến Ngài?” Thực sự, Ngài Vô Trước đang phàn nàn. Đức Phật Di Lặc trả lời: “Ta đã luôn ở đó nhưng vì con chưa đủ tinh tấn. Mỗi lần con rời khỏi hang núi, Ta đã ở đó để giúp con.”

Vị chủ nhà rèn kim từ sắt và những người khác đều là Hóa thân của Đức Phật Di Lặc, nhưng Ngài Vô Trước đã không nhận ra điều đó. Họ gián tiếp mang lại lời dạy từ Đức Phật Di Lặc trong vai trò những người bình thường. Trong suốt 12 năm thực hành, Đức Phật Di Lặc đã dạy Ngài trở nên tinh tấn hơn. Tinh tấn siêng năng, cũng như lòng từ bi, luôn luôn là quan trọng. Tiếp đó, Đức Phật Di Lặc nói: “Con chó cũng chính là Ta. Nhưng vì con chưa có đủ lòng từ bi nên Ta đã xuất hiện như một con chó bẩn thỉu và đau khổ, để khiến tâm từ bi của con được thành tựu. Do đó bây giờ con mới có thể nhìn thấy Ta, nếu không con sẽ không thể vì vô minh che khuất. Nếu con còn chưa tin, hãy mang Ta trên vai và đi vào thị trấn. Hãy hỏi mọi người và xem rằng ai có thể nhìn thấy Ta.”

Ngài Vô Trước làm theo lời Đức Phật. Ngài đứng giữa một con phố lớn và hỏi tất cả mọi người: “Các vị hãy nhìn xem, có thấy tôi mang gì trên vai không?” Nhưng không ai nhìn thấy gì! Cuối cùng, Ngài đã gặp một bà lão già là người ít vô minh nhất. Bà thấy một con chó rất bẩn thỉu, bệnh tật và nói: “Tại sao Ngài không vứt con chó bệnh tật này đi mà lại vác theo mình vậy?” Bà lão có thể nhìn thấy con chó nhưng không phải là Đức Phật Di Lặc. Ngài Vô Trước nhận ra rằng: mọi người không thể nhìn thấy Đức Phật vì vô minh che chướng. Để loại bỏ các chướng ngại và vô minh, Ngài hiểu ra tầm quan trọng của sự tinh tấn và lòng từ bi. Không ai có đủ lòng từ bi để thấy được Đức Phật Di Lặc. Sau đó, Ngài đã bay theo Đức Phật Di Lặc về cõi Trời Đâu xuất, nơi Ngài đã thụ nhận sự hướng đạo từ Đức Từ Thị. Quay trở lại cõi Ta bà, Ngài đã viết nhiều kinh sách về những giáo pháp Đức Phật Di Lặc đã hướng đạo cho Ngài. Ngày nay, chúng ta vẫn có thể nghiên cứu những tác phẩm này.

Chúng ta thực hành nhưng thật ít ỏi, và rồi trở nên mệt mỏi. Đôi khi chúng ta thực hành được một vài năm và nghĩ: “Được rồi, tôi đã thực hành trong ba năm, thế là đủ. Tôi đã dành rất nhiều thời gian cho sự thực hành song chỉ có thế.” Điều này cho thấy chúng ta đã không đủ tinh tấn và điều đó thật không tốt. Chúng ta cần phải nỗ lực thực hành hạnh tinh tấn Ba la mật!

Chú thích

[1]. Thanh Văn (tiếng Phạn: Shravaka): Những hành giả của thời chuyển Pháp Luân lần thứ nhất về Tứ diệu đế. Những người theo trường phái Phật giáo Nguyên Thủy hay thừa Gốc và tu tập cộng đồng.

[2]. Độc Giác Phật (tiếng Phạn: Pratyeka buddha): Vị Phật đã đạt tới giác ngộ tối thượng trong Nguyên Thủy Phật giáo, chủ yếu nhờ vào việc quán chiếu 12 nhân duyên. Các Ngài chứng đạt giác ngộ hoàn toàn dựa trên sự tự giác của tự thân. Mục tiêu của các vị Phật Độc Giác là niết bàn, được coi là sự giải thóat tuyệt đối thoát khỏi biển khổ luân hồi.

[3]. Asanga (Tiếng Tạng: Thogme): Một vị tăng tu chứng vào thế kỷ thứ 4 tại Ấn Độ, người sáng lập nên dòng phái Yogacara của Phật giáo Đại Thừa. Tác giả của một số lớn các tác phẩm triết học. Người ta tin rằng Ngài đã đón nhận giáo pháp trực tiếp từ Đức Phật tương lai - Phật Di Lặc.

[4]. Maitreya: Nghĩa đen là “Người được yêu kính” (Từ Thị). Một vị Bồ tát trong chúng hội của Đức Phật Thích Ca, hiện đang trụ tại cõi Trời Đâu Suất cho tới khi trở thành vị Phật thứ năm của Đại kiếp này.

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6323967
Số người trực tuyến: