Phẩm 27: Tu tâm nhẫn nhục | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phẩm 27: Tu tâm nhẫn nhục

Phẩm thứ hai mươi bảy

Tu tâm nhẫn nhục

Phật tử mong tích lũy nghiệp lành,

Nên thấy oan gia như kho báu.

Với người hại mình tâm không hận

Tu tâm nhẫn nhục Phật tử hành.

Đôi khi, bạn có thể cảm thấy rằng oai nghi giới luật giống như là hình phạt. Bạn muốn uống một cái gì đó nhưng không được phép. Bạn muốn ăn gì đó nhưng cũng không được phép. Giới luật thật rườm rà. Đôi khi tôi cũng cảm thấy như vậy, nhưng nếu bạn không có hàng rào giới luật, thì không thể kết thúc các tham muốn của bạn. Chúng không thể tự kết thúc. Nếu bạn tự do được làm tất cả những gì bạn muốn thì rút cuộc bạn sẽ nhận ra mình không đạt được thành quả gì.. Nhưng nếu bạn trì giữ giới luật thì tự nhiên bạn sẽ có hạnh phúc và an lạc. Và điều thú vị là tuy ban đầu việc trì giới có vẻ là một mối phiền toái nhưng khi bạn đã quen với việc trì giữ giới luật thì bạn sẽ nhận được lợi ích lớn lao trong cuộc sống và sự thực hành.

Thứ ba là nhẫn nhục Ba la mật, đây cũng là một thực hành quan trọng đối với các vị Bồ tát và những người theo con đường Bồ tát. Bạn cũng thấy đấy, việc thường xuyên giận dữ và tức tối là một cách sống rất mệt mỏi. Ban đầu, thực hành nhẫn nhục là việc không dễ dàng, nhưng chúng ta có rất nhiều cách để bắt đầu việc này. Ví dụ, bạn có thể bắt đầu từ trí tuệ, từ cách nhìn đúng đắn của Đại Thủ ấn hoặc Đại toàn thiện. Trí tuệ là cách tốt nhất để bắt đầu cho sự thực hành, nhưng trong sáu Ba la mật, Trí tuệ chính là Ba la mật thứ sáu trong khi Nhẫn nhục là Ba la mật thứ ba. Trừ khi chúng ta có thể đạt được tiến bộ lớn, còn thì hầu như chúng ta không thể thấu đáo Ba la mật thứ sáu mà không qua thực hành thứ lớp Ba la mật thứ ba. Khi bạn nhận diện được bản chất của sân hận thì sân hận sẽ chuyển hóa thành Đại viên cảnh trí. Khi nhìn bằng trí tuệ thì sự giận dữ sẽ tiêu tan bởi nguyên nhân của sự tức giận đã biến mất. Đó thực sự là phương pháp hữu hiệu nhất để đối trị xúc tình phiền não, nhưng nếu bạn không thể dùng trí tuệ như thế, hãy tư duy quán niệm đúng đắn để khi ai đó kích động bạn, bạn hãy nhớ: “Ai cho tôi cơ hội thực hành hạnh nhẫn nhục thì người đó là người Thầy vĩ đại của tôi.” Bạn phải thật mạnh mẽ - mạnh mẽ với quyết tâm của mình để có thể thực hành điều này.

Các bậc thầy đã cho chúng ta những lời dạy, đưa cho ta những lời chỉ dẫn nhưng các ngài không thực sự kích động sự giận dữ của bạn. Tôi đang cố gắng chỉ ra cách thức thực hành hạnh nhẫn nhục và giúp các bạn thấy phẩm hạnh này quan trọng như thế nào. Tất nhiên, tôi có thể dành nhiều ngày đêm để dẫn giảng lý thuyết về tầm quan trọng của hạnh nhẫn nhục và tất cả chúng ta sẽ cùng vui vẻ lắng nghe, cùng có một thời pháp đầy an lạc. Thế nhưng, nếu không cọ xát với thực tế, không đưa lý thuyết vào sự thực hành trong chính cuộc sống của mình thì sự thực hành của bạn vẫn còn thiếu khuyết. Hãy thử tưởng tượng điều gì đang thực sự được chuyển hóa trong bạn nếu như có ai đó đến kích động sự giận dữ hay gây điều gì thật khó chịu cho bạn, nhưng bạn lại có thể coi người đó là bậc Thầy vĩ đại của mình. Cho đến hiện giờ, chúng ta không có đủ trí tuệ để nhận ra điều này nên vẫn coi người đó là kẻ thù và tìm cách phản ứng hay gây hấn với họ. Bạn không nên làm như thế nữa sau khi nhận được và suy ngẫm kỹ về những lời chỉ dậy này. Hãy biết tận dụng mỗi cơ hội cuộc sống mang đến để thực hành pháp, bởi chúng ta thực sự cần sự thực hành. Sở dĩ bạn không nắm bắt lấy được cơ hội đó là vì bạn đang mất kiểm soát. Đó cũng là một đặc tính của luân hồi sinh tử.

Một trong những bậc Thầy vĩ đại đầu thế kỷ này ở Tây Tạng từng có rất nhiều đệ tử. Thủa ấy, có một đệ tử từ xa đến xin được theo học ngài. Vị Thầy nói: “Được, tất nhiên, nhưng con có những phẩm chất gì?” và người đệ tử trả lời: “Kính bạch Thầy, con chẳng có bất kỳ phẩm chất gì nổi bật cả.” Bậc Thầy đã hỏi ông ta nhiều câu hỏi như: “Con có biết điều này chưa? Con đã tìm hiểu điều đó chưa?” Câu trả lời của người đệ tử luôn luôn là không. Ông ta rất khiêm tốn, không có học vấn tốt nhưng lại rất chí thành và chỉ biết trả lời: ”Không, không, con không có bất kỳ khả năng hay phẩm hạnh gì. Con chỉ muốn được là đệ tử của Ngài.” Khi thấy bậc Thầy có vẻ suy tư vì mình không có phẩm chất nào, người đệ tử cảm thấy rất bối rối, vì thế ông phải nói một điều gì đó: “Con đã hầu như không bao giờ tức giận. Con chưa bao giờ giận dữ trong cuộc đời mình.” Đó là sự thật bởi trong suốt cuộc đời, người đệ tử đó luôn sống rất nhân ái hiền từ. Trong ngôi làng nơi ông ở, ông nổi tiếng là một người không bao giờ giận dữ. Ông nói với bậc Thầy: “Con không biết liệu điều này có phải là một phẩm chất tốt hay không, nhưng con nổi tiếng là một người không giận dữ bao giờ, đó là tất cả những gì con có.” Bậc Thầy nói: “Đó chính là phẩm chất vĩ đại nhất mà con có. Tất nhiên Ta sẽ chấp nhận con là đệ tử của ta. Hãy ở lại đây và vào ngày mai, con sẽ được nghe những lời hướng đạo của Ta và trở thành một thành viên của Tăng đoàn.”

Ngài giảng mỗi tuần một ngày. Thời gian còn lại, hàng trăm đệ tử của ông thực hành thiền định trong các hang động. Họ cũng đào các hố trên đất, ngủ và thiền định trong đó. Tôi nghĩ rằng toàn bộ ngọn núi ở đó có rất nhiều các đệ tử của Ngài và cả chính Ngài nữa. Một tuần một lần, tất cả cùng vân tập và người học trò trên cũng tham gia vào thời tu đó.

Vào lần gặp tiếp theo, bậc Thầy nói: “Cho tới hôm nay chúng ta đã có một thời gian tốt lành ở đây mà chưa gặp bất kỳ vấn đề gì, nhưng từ bây giờ chúng ta cần phải rất cẩn thận vì có một kẻ trộm trong nhóm của chúng ta. Mặc dù không ai trong số chúng ta có thứ gì để ăn cắp, nhưng chúng ta vẫn còn có một ít đồ ăn và một ít quần áo để mặc. Chúng ta không muốn bị đánh cắp bởi vậy phải trông chừng chúng, vì trong số chúng ta có một tên trộm. Đó chính là anh ta, ở đằng kia kìa!” Ngài đã chỉ đúng vào người học trò từng nói rằng anh chưa bao giờ giận dữ. “Ta được mọi người thông báo rằng anh ta là một tay trộm khét tiếng. Chúng ta phải canh chừng hắn. Đây là một tin xấu mà ta phải nói cho các con biết.” Bậc Thầy đã nói như vậy trước mặt hàng ngàn môn đồ và chỉ thẳng vào anh ta. Người đệ tử mới vô cùng xấu hổ và gương mặt chuyển sang màu đỏ, bắt đầu đổ mồ hôi và dĩ nhiên, ông ta không nói được gì. Điều này diễn ra trong nhiều tháng. Bậc Thầy cứ liên tục hỏi các đệ tử khác xem họ đã bị mất gì chưa? “Ồ! Thật tốt cho con chưa bị mất gì vì anh ta thực sự là một tên trộm ghê gớm? Ta lo lắng suốt cả đêm ngày về các con.”

Cuối cùng, sau một thời gian rất dài, người đệ tử đã trở nên hết sức tức giận. Ông ta không còn khả năng kiểm soát mình nữa. “Ai nói tôi là kẻ trộm?” ông gào lên trước mặt mọi người. Bậc Thầy nhìn ông ta và nói: “Chẳng phải con từng nói con không bao giờ giận dữ sao? Ta đã nghĩ rằng con sẽ không có bất kỳ sự sân hận nào, nhưng cuối cùng con lại thực sự nổi giận, phải không?” Người đệ tử trả lời: “Thưa vâng, nếu Thầy nói điều gì đó khó chịu, lẽ đương nhiên con sẽ phải tức giận.” Bậc Thầy nói: “Đương nhiên sẽ không ai tức giận nếu không có những điều khó chịu, nhưng đây chẳng phải là cơ may cho con thực hành hạnh nhẫn nhục đó sao?”

Đây là một lập luận rất hay bởi vì người đệ tử nói rằng nếu không có những điều khó chịu nói về ông, ông sẽ không tức giận. Nhưng người Thầy lập luận rằng nếu không có những điều khó chịu thì không ai có lý do gì để tức giận. Trong một môi trường an bình, ai hoặc cái gì sẽ làm chúng ta giận dữ? Vì vậy, bậc Thầy đã thuyết một bài giảng tuyệt vời và người đệ tử đã trở thành một Đại đệ tử nhờ những lời dạy này. Đây là một hình thức hướng đạo trực tiếp từ người Thầy của ông ta. Người Thầy đã thực hiện bổn phận của mình theo nghĩa không để ai khác phải chỉ dạy học trò của mình về điều đó. Ông muốn trực tiếp trở thành một người Thầy. Một người Thầy vĩ đại khai thị cho đệ tử của mình để bằng cách đó, người đệ tử nhận ra sự tức giận của mình vẫn còn đó, nhờ vậy anh ta tỉnh thức và tri ân bậc Thầy mình một cách chí thành nhất.

Nhẫn nhục là một thực hành tàng ẩn bên trong, tôi nói theo nghĩa chúng ta không thực sự nhận ra mình thực hành nhẫn nhục ở mức độ nào. Đôi khi ta cảm thấy an ổn nhưng thực sự không phải vậy. Vì vậy, bất cứ khi nào một tình huống khó chịu xảy đến, chúng ta nên sử dụng nó như một cơ hội quý giá để thực hành. Điều quan trọng là bạn đừng để lãng phí cơ hội này!

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6323966
Số người trực tuyến: