Phẩm 29: Thực hành Thiền định Ba la mật
Phẩm thứ hai mươi chín
Thực hành Thiền định Ba la mật
Dù tu thiền định được thành tựu,
Mà không phát triển trí nội chứng.
Cũng chẳng thể nhổ tận gốc não phiền,
Chỉ chân trí tuệ năng đoạn hết.
Bởi vậy hãy rời Tứ vô sắc,
Thiền định Ba la mật, Phật tử hành.
Phẩm này khẳng định tầm quan trọng của phát triển sự nội chứng tâm linh thông qua thiền định. Đó là tri kiến sâu sắc đặc biệt, chỉ có thể đạt được với một tâm thức an bình. Ở đây, sự nội chứng tâm linh chính là trí tuệ. Và trí tuệ đó thực sự là con dao sắc bén tiêu diệt hoặc cắt đứt mọi bám chấp của bản ngã và tất cả các phiền não, xúc tình tiêu cực. Nếu không có trí tuệ nội chứng đặc biệt này, hành giả sẽ gặp rất nhiều khó khăn và không thể cắt đứt các ngã chấp, đặc biệt khi trí tuệ nội chứng và bản ngã là hai thứ đối nghịch với nhau. Trí tuệ nội chứng là thuốc giải độc đặc biệt cho sự chấp ngã. Vì vậy, chúng ta luôn được các bậc Thầy khuyên nhủ phải tập trung thực hành thiền định một cách sâu sắc và trọn vẹn.
Các trạng thái tâm khi thực hành bốn pháp thiền vô sắc cũng chính là những trạng thái của sự an lạc và trạng thái của thiền định. Song đây chỉ là những niềm an lạc vẫn thuộc luân hồi, có nghĩa là còn có rất nhiều sự bám chấp. Vì vậy, mà chúng ta cần vượt qua các trạng thái thiền thế gian để đạt đến an lạc chân thật. Nếu không thể đoạn trừ được bản ngã thì bạn sẽ không có cách nào để tiêu trừ những nhiễm ô, bởi vì nguồn gốc, nguyên nhân của chúng vẫn còn ở đó. Nếu những chủng tử đã được gieo và bạn chỉ chặt đứt cái cây hay ngọn cỏ, thì tới một lúc nào đó, chúng sẽ lại khởi sinh trở lại. Nếu bạn tìm cách giảm thiểu nhiễm ô đó thông qua những hình thức thiền định, quán chiếu và tập trung, chúng có thể sẽ bị hạn chế, song bạn sẽ không bao giờ nhổ rễ chúng hoàn toàn bởi bản ngã vẫn còn ở đó. Bạn cần phải chặt đứt bản ngã. Chính vì vậy mà trí tuệ nội chứng vô cùng quan trọng. Nếu không có trí tuệ nội chứng này, bản ngã sẽ không thể bị phá hủy. Chính vì lý do này mà sự thiền định là điều không thể thiếu được!
Bởi lẽ gốc rễ của luân hồi không thể nhổ bỏ một cách dễ dàng nên có lẽ bạn sẽ không thể đạt được giác ngộ nếu thiếu sự trợ giúp của trí tuệ nội chứng. Vậy làm thế nào chúng ta có thể đạt tới giác ngộ? Nếu thiếu trí tuệ thì sẽ không thể đạt được. Cho dù bạn có thực hành và nghiên cứu năm Ba la mật - Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn và Thiền định, các Ba la mật đó cũng sẽ không thực sự mang lại giác ngộ. Giác ngộ tối thượng phụ thuộc vào Trí tuệ. Nói một cách thiết thực, để có thể trưởng dưỡng được trí tuệ nội chứng, như đã nói ở trên, cần phải dựa vào thiền tĩnh trụ. Nếu không, bạn sẽ không thể thực hành trí tuệ. Vì vậy, sự nhất tâm, tập trung sâu sắc là điều cốt yếu.
- 254
Viết bình luận