5. Hiểu đúng về Tái sinh và Luân hồi lục đạo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

5. Hiểu đúng về Tái sinh và Luân hồi lục đạo

Khoa học giải thích rằng chúng ta được sinh ra từ cha và mẹ, qua sự kết hợp của trứng và tinh trùng mà hình thành bào thai. Tuy nhiên, sự giải thích này dường như còn hạn hẹp, chưa thỏa đáng, bởi nhân loại vẫn băn khoăn trăn trở: trước khi có sự hòa hợp của mẹ cha, chúng ta ở đâu? Sau khi chết đi, “cát bụi lại trở về cát bụi”, chúng ta sẽ đi đâu?

Câu trả lời nằm trọn vẹn trong bức tranh vòng Luân hồi, một tác phẩm kinh điển của Phật giáo miêu tả, giải thích tiến trình sinh - tử cùng những triết lý sâu sắc về nhân sinh, vũ trụ. Bức tranh luân hồi không chỉ minh họa chân lý phổ quát tự nhiên của đời sống về vòng luân hồi và cơ chế vận hành của nó với tính chất vô minh, đau khổ, vô thường chi phối các loài chúng sinh trong sáu cõi, nó còn chỉ ra bản chất thực sự của luân hồi, phương pháp đối trị khổ đau cũng như con đường đưa đến hạnh phúc chân thật. Bằng cách thấu hiểu các nguyên nhân nền tảng mang đến khổ đau của con người, bánh xe luân hồi ngay đó cũng chỉ bày phương pháp chuyển hóa nguyên nhân bất thiện và kết quả mà những nguyên nhân đó mang lại thông qua trưởng dưỡng tâm linh, thực hành Phật pháp nhằm đạt được giải thoát giác ngộ. Việc mô tả những giai đoạn trong luân hồi chính là lời kêu gọi chúng ta hành động, biến những động cơ cá nhân hạn hẹp thành động cơ vô ngã vị tha nhằm lợi ích giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau. Bức tranh thể hiện quan kiến sâu sắc của triết học Phật giáo nhìn nhận về một vũ trụ luôn biến đổi, vận động một cách biện chứng theo quy luật nhân quả.

 

Ảnh 1

Bảng luân hồi

5.1 Duyên Khởi

Vào thời của Đức Phật Thích Ca, Đại đệ tử của Đức Phật là Ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất có khả năng đi khắp các cõi khác nhau, thấy rõ bản chất đau khổ của cuộc sống của các cõi địa ngục, ngã quỷ...kể cả của chư Thiên. Sau đó Ngài quay về, mô tả các cảnh khổ trong sáu đạo lại cho các bạn đồng tu và các Phật tử, nhờ đó mà mọi người nhận thức được sự đau khổ của sinh tử, phát tâm tu tập và một số đã đạt giải thoát. Nhìn thấy thế nên Đức Phật đã dạy là để lợi ích cho tất cả chúng sinh, đệ tử của Ngài ở các chùa chiền hãy y theo mà vẽ một bảng luân hồi để mô tả toàn bộ sự vận hành đời sống, sự vận hành của vạn pháp & sự vận hành của nhân quả.

5.2 Bức tranh luân hồi

Bạn có thể thấy, bánh xe luân hồi có bốn lớp hay bốn vòng đồng tâm: vòng Hoặc ở trục trung tâm, thứ hai là vòng Nghiệp, thứ ba là vòng Khổ và thứ tư là vòng Mười hai nhân duyên. Ở trục trung tâm của bánh xe là ba chữ chủng tử OM AH HUNG, biểu trưng cho thân khẩu ý giác ngộ, tinh túy thanh tịnh của ba căn bản phiền não tham sân si.

Toàn bộ bánh xe do Quỷ Vô thường (tức Thần chết) nắm giữ bằng hàm răng nanh và tứ chi móng vuốt sắc nhọn, bao xung quanh bởi ngọn lửa thiêu đốt phừng phực tượng trưng cho sự bức bách của vô thường đau khổ. Tất cả luân hồi - Hoặc, Nghiệp, Khổ, 12 nhân duyên - nằm gọn trong móng vuốt của con quỷ vô thường, nêu biểu rằng toàn bộ luân hồi bị chi phối bởi lý vô thường, luân hồi chỉ có nghĩa là đau khổ và vô thường.

Mũ sọ người trên đầu của Quỷ cũng nêu biểu ý nghĩa về vô thường, đồng thời, đuôi của nó dài bất tận nêu biểu sự vô thủy vô chung của luân hồi. Quỷ Vô thường có ba mắt trong đó con mắt thứ ba là mắt trí tuệ, hàm ý rằng sự thức tỉnh về bản chất vô thường giả tạm của cõi luân hồi sẽ tạo động lực đánh thức trí tuệ xuất thế, thôi thúc con người phàm tình đau khổ tiến lên hành trình giải thoát để trở thành đức Phật giác ngộ.

Phía dưới Quỷ Vô thường là nghĩa địa, các bộ xương đang đánh bạc, nêu biểu rằng cuộc đời tất cả hạnh phúc đau khổ, tiền tài danh vọng địa vị chỉ là sự may rủi, canh bạc. Bên góc phải họa vẽ các bộ xương đang tranh giành nhau, nói lên chúng ta đã bỏ thân rồi lại nhận thân, cuộc đời chúng ta cứ trôi lăn trong sinh tử.

Tài bảo Thiên vương giữa nghĩa địa với ngọc ngà châu báu xung quanh: Giữa cảnh vô thường chết chóc như vậy nhưng vẫn có sự giàu có cao quý nhất đó là sự giác ngộ.

Phía trên Quỷ Vô thường là cảnh giới giải thoát, là các cõi Tịnh độ của chư Phật. Ta có thể thấy đức Phật đang chìa tay ra để tiếp dẫn chúng ta nhưng chúng ta cũng không nhìn thấy bởi còn mải trầm chìm trong vòng luân hồi sinh tử.

Tuy là cảnh giới luân hồi nhưng vẫn có con đường ánh sáng đi ra – đó là nhờ có trí tuệ thực hành giáo pháp để vượt khỏi luân hồi đau khổ, chư Phật vẫn đang sẵn sàng chờ đợi ban giáo pháp.

Từng vòng bánh xe mang những lớp nghĩa như sau:

Vòng Hoặc (mê lầm): còn gọi là vòng Phiền não. Vòng này nằm ở vị trí trục, trung tâm của bức tranh nêu biểu rằng ba phiền não căn bản là nguyên nhân sâu xa và động cơ vận hành vòng quay sinh tử luân hồi. Vòng này sẽ chỉ huy những vòng còn lại và vẽ nên toàn bộ bức tranh luân hồi. Ba con vật trong vòng Hoặc gồm gà trống, lợn và rắn, tượng trưng tương ứng cho ba phiền não căn bản là tham lam, mê muội và sân giận. Ba phiền não tiêu cực này có mỗi quan hệ mật thiết nên được thể hiện bằng hình ảnh ba con vật cắn đuôi nhau chạy vòng quanh. Đây chính là nguồn gốc hình thành thế giới phiền não và bất như ý vô tận mà Đức Phật gọi là cõi luân hồi.

Ở trung tâm của toàn bộ vòng luân hồi là sự biểu trưng của tâm thanh tịnh nguyên thủy, là căn bản giúp chúng ta có thể đảo ngược hoặc phá vỡ bánh xe sinh tử. Nó cũng thể hiện một triết lý sâu sắc rằng, xét một cách rốt ráo, phiền não hay giác ngộ chỉ là hai khía cạnh hợp nhất của một thực tại. Tâm phiền não nhiễm ô sẽ dẫn đến luân hồi còn nếu nhận ra bản chất tâm thanh tịnh vô nhiễm thì vòng quay luân hồi sẽ bị phá vỡ, ngay đó sẽ đạt được giải thoát an vui.



 

vong1-trungtam

  Vòng Hoặc

Vòng Nghiệp: Tham sân si là nguyên nhân điều khiển mọi hành vi thân khẩu ý dẫn đến tạo Nghiệp. Nghiệp được thể hiện là vòng tròn thứ hai chia hai nửa đen trắng bao quanh vòng Hoặc. Nửa bên trái có nền trắng gồm những chúng sinh tạo thiện nghiệp. Nửa bên phải có nền đen gồm những chúng sinh tạo ác nghiệp. Hai nửa của cùng một vòng tròn mang ý nghĩa thiện nghiệp và ác nghiệp luôn xen kẽ và song hành, đắp đổi lẫn nhau trong đời sống luân hồi của chúng sinh, giống như thực tế cuộc sống là mỗi chúng ta luôn đồng thời tạo ra cả ác nghiệp lẫn thiện nghiệp. Dù là thiện nghiệp hay ác nghiệp thì nó vẫn bị chi phối trong vòng Nghiệp lực, kết quả của những nghiệp này vẫn chỉ làm chúng sinh trầm chìm trong luân hồi.

Tuy nhiên, có một sợi dây mỏng manh nêu biểu cho Trung đạo, nối từ vòng Nghiệp, dẫn dắt chúng sinh đi lên cảnh giới của chư Phật nằm ngoài vòng luân hồi. Sợi dây tượng trưng cho con đường duy nhất đưa chúng sinh siêu vượt cõi luân hồi đạt được hạnh phúc và tự do giải thoát chân thật.

vong-2

Vòng Nghiệp

Vòng Khổ: vòng tròn thứ ba, bao quanh vòng Nghiệp, chia làm sáu phần tương ứng với sáu cõi luân hồi, đó là cõi Trời, cõi A tu la, cõi Người, cõi Địa ngục, cõi Ngã quỷ và cõi Súc sinh.

vong-3

 


Khoen dưới của vòng Khổ là cảnh giới Địa ngục được cảm ra bởi ác nghiệp của chúng sinh. Cõi này là nơi mà nỗi thống khổ của chúng sinh lên đến cùng cực và kéo dài vô tận, với hai loại điển hình là địa ngục nóng và lạnh. Những ác nghiệp được tạo bởi tâm hận thù, sân giận tột độ là nguyên nhân dẫn tới cõi này.

Nhân sinh vào cõi này là phạm 5 trọng nghiệp (giết cha, giết mẹ, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu) và 10 ác nghiệp (sát đạo, dâm vọng, ác khẩu, hai lưỡi, thêu dệt, nói dối, tham, sân, si).

 

Cõi Ngã quỷ được minh họa với những hình ảnh quái dị, chúng sinh đầu to, bụng lớn, cổ nhỏ như cây kim, và miệng thường phun lửa đỏ rực. Cõi này được hình thành từ những ác nghiệp do tâm tham lam, bủn xỉn được đẩy lên cao độ.

Cõi Súc sinh có nguyên nhân hình thành chủ yếu bởi tâm vô minh, si mê. Chúng sinh trong cõi này chịu khổ đau vì đói rét, ngược đãi, giết hại lẫn nhau và bị con người nhẫn tâm đoạt mạng.

Cõi Người được thiết lập trên nền tảng của ham muốn và dục vọng khám phá, hưởng thụ. Đây là nơi mà hạnh phúc và khổ đau xen lẫn nhau một cách hoàn hảo đủ để thôi thúc con người hướng đến hành trình tâm linh. Nhân để sinh vào cõi Người là sự trì giữ năm giới (không sát sinh, không uống rượu, không tà dâm, không trộm cắp, không nói dối).

Cõi Atula có đặc điểm là tâm đố kỵ dày vò, vì vậy, chúng sinh ở cõi này luôn tranh đấu nhưng luôn bị thua cuộc. Hình ảnh minh họa thú vị là cây Như ý (cây Đời sống) mọc lên ở cõi Atula nhưng lại trổ quả Trường thọ ở cõi Trời, điều đó khiến loài Atula ganh ghét, luôn gây chiến với chư Thiên. Nhân dẫn đến tái sinh ở cõi Atula là sự tạo tác các thiện nghiệp nhưng vẫn còn tâm ganh đua, đố kỵ.

 

Phía trên của vòng Khổ là cõi Trời với đặc điểm là đời sống hoan hỷ đủ đầy với mạng sống kéo dài. Chúng sinh được sinh vào đây do 10 thiện nghiệp, đó là không sát đạo dâm vọng (ác khẩu, hai lưỡi, thêu dệt, nói dối), tham sân si.

Tuy nhiên, chư Thiên phải chịu nỗi đau khổ cùng cực khi phúc báo hết, họ phải đối diện với cái chết và sự đọa lạc xuống các cõi thấp. Cõi này được biểu trưng bằng tâm kiêu mạn. Làm việc thiện song thiếu trí tuệ, vẫn chấp vào việc mình làm là nhân dẫn đến tái sinh ở cõi này.

Mỗi cõi đều có một Đức Phật đứng giữa những vầng mây cuộn, hàm ý rằng mọi cõi giới trong luân hồi, dù khủng khiếp và khổ đau đến đâu cũng luôn tiềm ẩn cơ hội giải thoát nội chứng. Mọi chúng sinh trong luân hồi, dù đang trôi lăn ở cõi nào cũng luôn sẵn có Phật tính và đều có thể thành Phật!

Trên đây là trình bày về vòng luân hồi theo nghĩa mô tả những cõi giới trong luân hồi là kết quả của những nghiệp nhân tương ứng. Tuy nhiên, ở một tầng ý nghĩa sâu sắc, vi tế hơn, vòng Khổ cũng chính là sự mô tả về các trạng thái tâm. Xét ở khía cạnh này, có thể nói, hàng ngày, thậm chí trong từng giây phút, chúng ta có đủ trải nghiệm của sáu cõi luân hồi trong tâm. Khi chúng ta khởi tâm sân hận, đó là trải nghiệm về cõi Địa ngục trong chính bản thân. Khi dấy lên tâm tham lam, chúng ta trở thành một chúng sinh của Ngã quỷ. Khi khởi tâm ngu si, mê muội, chúng ta trải nghiệm trạng thái Súc sinh. Khi kiêu hãnh ngã mạn, chúng ta trải nghiệm trạng thái tâm của chư Thiên. Nếu sinh tâm ganh ghét, đố kỵ, chúng ta liền trở thành loài Atula. Như vậy, nếu phản tỉnh quán chiếu mỗi ngày, chúng ta thấy tâm mình không ngừng luân hồi trong sáu đạo. Vì vậy, việc tu tập rèn luyện để chuyển hóa những tâm luân hồi tiêu cực này là cần thiết trong từng hành động, lời nói và suy nghĩ của chúng ta hàng ngày.

Vòng mười hai nhân duyên

Vòng này giống như vòng xích của mười hai mắt xích nhân duyên nối tiếp nhau, minh họa cho tiến trình sinh tử đồng thời giải thích cho sự vận hành của tâm. Vô minh thiếu hiểu biết được đề cập đến đầu tiên bởi đó là nguyên nhân căn bản, tiếp đến, theo thứ tự nhân duyên, chúng ta có: Hành, Thức, Danh sắc, Lục nhập, Xúc, Thụ, Ái, Thủ, Hữu, Sinh, Lão bệnh tử.

12-nhanduyen

Vòng Mười hai nhân duyên

1. Vô minh:

Vô minh là sự mê mờ, không có trí tuệ, không hiểu thấu chân lý tự nhiên. Đó là những chân lý như Tứ Diệu đế, Mười hai nhân duyên,... được Đức Phật giác ngộ và khai thị cho chúng sinh. Sự thiếu hiểu biết, mê lầm đó gồm ba khía cạnh căn bản về thân, tâm và cảnh. Cụ thể, xác thân vật lý được chúng ta nhận lầm là “cái tôi”, nhưng thực tế nó chỉ là sự tổng hợp của năm yếu tố “uẩn” là sắc, thụ, tưởng, hành và thức. Tâm luôn thay đổi, các trạng thái tâm luôn sinh diệt nhưng chúng ta nhận lầm cho rằng có một cái tâm thường còn, đó là “tâm tôi”. Những yếu tố bên ngoài như môi trường hoàn cảnh, sự vật hiện tượng trong đời sống cũng liên tục trải qua các quá trình sinh khởi, biến đổi và tan hoại nhưng chúng ta luôn có xu hướng cho rằng chúng tồn tại đích thực và không thể mất đi. Chẳng hạn như nhà của tôi, tài sản của tôi,... Tựu chung lại, chúng ta hoàn toàn không hiểu rõ bản chất vô thường, vô ngã, khổ không của mọi sự vật hiện tượng. Đó chính là vô minh, động lực căn bản khiến chúng sinh bị bế tắc quẩn quanh trong luân hồi.

Vô minh được minh họa bằng hình ảnh bà già mù đi giữa rừng xương: mù mắt tức là thiếu trí tuệ, rừng xương tượng trưng cho vô lượng vô số kiếp trôi lăn trong luân hồi.

1-vo-minh

Khoen Vô minh

2. Hành

Vô minh là nguyên nhân dẫn đến những hành động tạo tác sai lầm, gọi là “Vô minh duyên Hành”.

Mọi hành động của chúng ta đi liền với động cơ (thiện, bất thiện hoặc vô ký), tạo nên những nghiệp tương ứng.

Những kết quả trong hiện tại có nguyên nhân từ những hành động tương ứng của thân khẩu ý đã tạo trong quá khứ. Những hành động thân khẩu ý trong hiện tại sẽ đem lại những kết quả tương ứng trong tương lai. Tất cả những nghiệp nhân đã tạo đều được tích lũy như những hạt giống trong Tạng thức, đó là năng lực nghiệp tiềm ẩn dẫn dắt hành trình sinh khởi sau này.

Hình ảnh người thợ nặn những chiếc bình gốm hàm ý rằng người thợ có thể nặn chiếc bình gốm thành nhiều hình dáng và kích cỡ khác nhau, cũng giống như hành nghiệp khác nhau sẽ cho những kết quả khác nhau. Người nặn bình chính là bản thân chúng ta, tự chịu trách nhiệm về mọi hành động thân khẩu ý của mình.

2-hanh 

Khoen Hành

3. Thức

Thức là toàn thể tâm thức của chúng ta bao gồm Tám thức tâm vương, chỉ cho sự hiểu biết phân biệt còn nằm trong trạng thái mê lầm.

Trong vòng quay sinh tử, dưới sự dẫn dắt của Nghiệp lực, thần thức đi tìm bụng mẹ để tái sinh, tìm cho mình một đời sống mới. Như vậy gọi là “Hành duyên Thức”. Sau khi nhập mẫu thai, Tạng thức có trước nhất, sau đó lần lượt nảy sinh bảy thức còn lại.

Thức được minh họa bằng hình ảnh một con khỉ nắm trái cây trong lòng tay, nhảy từ cây này sang cây khác, hàm ý rằng do nghiệp lực dẫn dắt mà thức đi từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai, tạo nên vô số kiếp tái sinh trong luân hồi.

3-thuc

  Khoen Thức

4. Danh sắc

Danh chỉ cho yếu tố tâm lý, tinh thần. Sắc chỉ cho yếu tố sinh lý, vật chất. Trong hành trình tái sinh, thần thức hoan hỷ khi thấy hình ảnh cha mẹ tương lai giao hội và lập tức vào bụng mẹ, bám chấp vào sự hòa quyện của giọt tinh cha và giọt huyết mẹ, hình thành bào thai và tạo nên một đời sống mới. Thần thức là Danh và tinh cha huyết mẹ là Sắc. Vì vậy gọi là “Thức duyên Danh Sắc”.

Danh và Sắc được minh họa bằng hình ảnh một người lái con thuyền, trên thuyền chở bốn thùng đồ (đất, nước, gió, lửa), nêu biểu cho tứ đại. Người lái thuyền nêu biểu tổ hợp Danh (gồm tám thức) trong đó Tạng thức nắm sứ mệnh chèo lái con thuyền. Thân thể vật lý của chúng ta vốn chỉ như một phương tiện, trong khi kẻ nắm quyền điều khiển nó chính là tinh thần hay tâm thức. Như vậy, thuyền đời của chúng ta đi đến nẻo đường hạnh phúc hay khổ đau, giải thoát hay đọa lạc chính là do tâm - người lái thuyền- quyết định.

Hay một ví dụ khác, hình ảnh một người với gốc cây, danh nêu biểu cho tâm. Sắc nêu biểu cho tứ đại địa thủy hỏa phong, tức là thân người. Cây nêu biểu cho vạn pháp, bởi vi thân tâm hình thành rồi thì ắt sẽ có cảnh sống.

 

4-danh-sac

Khoen Danh sắc

5. Lục nhập

Lục nhập chỉ cho sự hình thành sáu giác quan của nhận biết (sáu căn), đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Một khi bào thai được hình thành, sau đó sẽ có sự phát triển các giác quan, vì vậy gọi là “Danh sắc duyên Lục nhập”.

Sáu căn giống như sáu cửa trực tiếp đón nhận những đối tượng của nhận thức như hình ảnh, màu sắc, hương vị... (tức sáu trần). Vì vậy, Lục nhập được biểu thị bằng hình ảnh một ngôi nhà có sáu cửa.

5-luc-nhap

  Khoen Lục nhập

6. Xúc

Con người tiếp xúc với ngoại cảnh thông qua sáu giác quan tức sáu căn: mắt nhìn hình sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm nhận sự xúc chạm, ý tư duy về các pháp, như vậy gọi là “Lục nhập duyên Xúc”.

Trong tất cả các “xúc” nói trên, nguy hiểm nhất là nam nữ hai thân xúc chạm. Chính vì thế, xúc được mô tả bằng hình ảnh một người nam và một người nữ xúc chạm, ngụ ý cảnh tỉnh sự xúc chạm này chính là nguồn của trầm luân sinh tử.

  Khoen Xúc

7. Thụ

Thụ là cảm giác, cảm thụ. Cảm thụ bao gồm ba loại chính là cảm giác vui sướng (lạc thụ), cảm giác đau khổ (khổ thụ) và cảm giác không vui không buồn do tâm si mê đem lại (gọi là xả thụ).

Khi sáu giác quan tiếp xúc với các đối tượng bên ngoài và có nhận thức sẽ dẫn đến cảm thụ. Vì vậy gọi là “Xúc duyên Thụ”.

Thụ thực chất chỉ là cảm giác do nhân duyên sinh và hư huyễn. Thứ nhất, phải đầy đủ các yếu tố: giác quan, ngoại cảnh, nhận thức phân biệt mới có cảm thụ. Thứ hai, cảm thụ đó hư huyễn, không có thực chất bởi nó phải dựa vào nhiều nhân duyên điều kiện, và do nghiệp quá khứ quyết định. Ví dụ, hai người cùng nếm một thức ăn hay ngửi một mùi hương nhưng một người có thể khó chịu và người kia lại cảm thấy ưa thích, người thứ ba có thể có cảm giác trung tính, không ưa cũng không ghét.

Thụ được miêu tả bằng hình ảnh một người đàn ông với mũi tên cắm vào mắt, hàm ý rằng cảm thụ luôn dẫn đến đau khổ. Cảm giác dễ chịu, ưa thích sẽ dẫn đến cái khổ khi mất đi sự vui sướng, dễ chịu đó. Cảm giác đau khổ, khó chịu sẽ làm nảy sinh tâm sân giận bực bội khiến một người phải chịu hai tầng khổ (gọi là khổ khổ). Cảm giác trung tính nhưng vẫn bị chi phối bởi mê lầm sẽ vẫn đưa đến cái khổ do tạo nghiệp trong luân hồi. Tóm lại, dù là cảm thụ gì đều dẫn đến khổ.

7-thuj

  Khoen Thụ

8. Ái

Khi có cảm thụ buồn vui sẽ nảy sinh tâm ham muốn, luyến ái hay chối bỏ, gọi là “Thụ duyên Ái”. Có ghét bỏ sẽ có ái luyến và ngược lại, có ái luyến tất có ghét bỏ.

Cảm giác vui sướng dễ chịu dẫn đến tâm ham muốn. Cảm giác khó chịu dẫn đến tâm ghét bỏ.

Trong các loại ái thì tình cảm luyến ái nam nữ là mãnh liệt và nguy hiểm hơn cả vì nó liên quan đến bản năng sâu kín của con người. Đằng sau tình yêu thương được nhân loại ca ngợi bằng rất nhiều giấy mực đó là động cơ muốn chiếm đoạt, sở hữu và sự thôi thúc âm thầm của lòng dục, nguồn máy làm xoay chuyển không ngừng nghỉ bánh xe luân hồi.

Ái được miêu tả bằng hình ảnh người đàn ông đang uống rượu, càng uống càng khát (tức càng không được thỏa mãn) và càng uống càng say (tức càng si mê, bám chấp).

8-ai

  Khoen Ái

9. Thủ

Thủ có nghĩa là nắm chặt, giữ chặt, gây nên ràng buộc. Vì yêu thích, ái luyến nên nảy sinh lòng bám giữ, tâm chấp thủ, gọi là “Ái duyên Thủ”. Tâm chấp thủ đó thể hiện rõ rệt nhất ở sự chấp ngã, yêu mến cái tôi, nhận ngũ uẩn là tôi.

Thủ được miêu tả bằng hình ảnh người phụ nữ đang hái trái cây mà quả của nó có thể là độc hay lành.

Thủ có thể có nhiều loại như chấp vào “cái tôi”, chấp vào các tri kiến cá nhân, chấp vào những đối tượng ngoại cảnh,...

 

9-thur

  Khoen Thủ
 

10. Hữu

Hữu nghĩa là có, tồn tại hay sự sống. Vì thủ chấp ắt tạo nghiệp, là động lực cho sự tái sinh, là một sự tồn tại mới hay một đời sống mới. Tâm chấp thủ gieo vào Tạng thức một nhân là cơ sở cho sự hình thành ở đời sau. Do vậy nên gọi là “Thủ duyên Hữu”.

Hữu được miêu tả bằng hình ảnh một người phụ nữ có mang biểu trưng rằng Hữu là nhân, giống như cái thai, sau này hình thành một cuộc đời mới. Nhân được làm người là giữ năm giới, mười thiện là lên cõi trời. Có thêm thiền định thì lên sắc và vô sắc giới. Tất cả những hành vi thiện lành mà không có trí tuệ Bát Nhã soi sáng, đều có một năng lực tiềm ẩn để trổ quả trong tương lai, kéo dài hành trình sanh tử, nghĩa là khi chúng ta làm một Phật sự hay phước thiện gì mà không quán tam luân không tịch (ta không, người không và sự bố thí là không).

10-huu

  Khoen Hữu

11. Sinh

Vì nhân đã hình thành thì chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả, là sự tái sinh khi nhân duyên chín muồi, gọi là “Hữu duyên Sinh”.

Sinh ở đây không có nghĩa là hành động lâm bồn sinh ra một em bé cụ thể, mà là sự hình thành kết quả khi nguyên nhân điều kiện đầy đủ, chín muồi. Kết quả đó được biểu hiện như một cơ thể mới mang theo ham muốn mới để tiếp tục vòng quay miên viễn của luân hồi.

Hình ảnh tượng trưng cho mắt xích này là một người phụ nữ sinh con.

11-sinh

  Khoen Sinh

12. Lão bệnh tử

Đã có sinh khởi, hình thành một đời sống ắt sẽ có già, bệnh, chết, vì thế nên gọi là “Sinh duyên Lão, Bệnh, Tử”.

Lão bệnh tử được biểu trưng bằng hình ảnh một người đàn ông chống gậy và vác một xác chết, rồi có cả một nghĩa đại thiên táng, các chim kền kền đang rỉa xác.

12-lao-benh-tu

 

Khoen Lão bệnh tử

Vòng quay không hề chấm dứt ở đây bởi yếu tố vô minh luôn đồng hành và là nguyên nhân sâu xa của guồng máy sinh tử luân hồi. Mỗi mắt xích trong mười hai mắt xích móc ngoặc với nhau rất khó phá vỡ, tạo thành tù ngục của luân hồi, nên dù thực hành thiện hạnh, tích lũy phúc đức thì chúng ta cũng chỉ có thể gặt hái chút ít kết quả trong vòng luân hồi mà thôi.

Mười hai nhân duyên được minh họa trên đây dưới góc độ miêu tả giải thích sự vận hành của đời sống luân hồi. Ở cấp độ sâu xa hơn, mười hai nhân duyên có thể nhìn nhận như là tiến trình của tâm, là nguyên nhân vi tế của luân hồi.

Nhìn vào chi tiết bức tranh, bốn vòng Hoặc, Nghiệp, Khổ và Mười hai nhân duyên được bao bọc bởi vòng lửa Ngũ trí ở bên ngoài. Điều này ngụ ý rằng, chúng sinh luân hồi tuy trầm chìm trong đau khổ nhưng vẫn luôn ẩn chứa khả năng giải thoát giác ngộ. Chỉ cần chuyển hóa mê lầm, chuyển thức thành trí, thì sẽ được giải thoát, chấm dứt sinh tử luân hồi và đạt được chân hạnh phúc.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6155420
Số người trực tuyến: