Đạo Phật cho bé | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Đạo Phật cho bé

Đạo Phật cho bé

Cha mẹ nào sinh con cũng mong con sau này mạnh khỏe, thông minh, tình cảm, hướng thiện; vì thế hết lòng chăm chút cho con, từ chuyện vật chất đến chuyện tâm hồn và trí tuệ. Món ăn tinh thần được mẹ cho con thưởng thức từ rất sớm bằng lời ru con với những câu thơ, câu ca dao, câu hò thắm đượm tình quê, tình người. Chuyện à ơi, ru em cho em cho théc cho muồi trong trưa hè nôi đưa kĩu kịt có thể rơi vào quên lãng. Nhưng ngày nay, Đông cũng như Tây, nhiều bà mẹ đã đọc cho con nghe thơ văn nhẹ nhàng, êm đềm, ý tứ, kể cho con nhiều truyện cổ tích, truyện thần tiên trước giờ ngủ của bé. Những gì tinh hoa sẽ đọng lại trong tâm hồn của bé để sau này nuôi dưỡng cuộc đời. Khi trẻ lớn lên, biết đọc, mẹ sẽ cùng với bé đọc sách, rồi đến ngày mẹ chỉ đóng vai trò hướng dẫn, còn bé thì chủ động đọc và tiếp thu.

Tất nhiên, sách cho bé phải lành, phải hay, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, chữ to rõ, trình bày và hình minh họa đẹp, câu chuyện đơn giản mà hấp dẫn, giúp cho trí tưởng tượng của bé bay bổng. Truyện đời xưa, truyện thần tiên, truyện dã sử đều thích hợp. Vậy thì truyện Phật giáo cho con, trừ những truyện có ông Bụt hiền lành, giúp người, có phép thần thông như truyện Tấm Cám, cho đến khi mới đây, tôi được đọc trên tạp chí Shambhala Sun số tháng 1 năm 2012, một tạp chí Phật giáo có uy tín của Mỹ, một bài nhan đề: “Good Books for little Buddhas” (Tạm dịch: Sách hay cho các vị Phật nhỏ) của tác giả Tynette Deveaux, một biên tập viên của tạp chí Phật giáo Buddhadharma.

Tynette Deveaux là mẹ của đứa con trai nhỏ 7 tuổi. Cũng như mọi gia đình khác ở Mỹ, đứa con vào tuổi đó, nhất là con trai, đều đã biết quậy máy vi tính và biết chơi video game. Ở đây, bà mẹ này đã cảnh giác quản lý máy vi tính và game, cho nên con muốn dùng máy thì phải được mẹ đăng nhập. Game hấp dẫn, cám dỗ con nít quá trời, làm sao có thể đưa sách cho con mình thay thế cái ma lực đó được? Thế mà bà mẹ này đã tìm sách, kể cả sách Phật, nhằm thu hút trí tưởng tượng của bé, và hai mẹ con cùng vui vẻ. “Tôi đã kể chuyện Phật cho con từ khi nó 4 tuổi. Qua mấy năm rồi, tôi tin những truyện đó đã ảnh hưởng tốt đến cách mà nó nhìn nhận cuộc đời, và tạo tình cảm lành mạnh cho đứa trẻ lớn lên”.

Trong bài báo, Tynette Deveaux đã dẫn khá nhiều sách kể chuyện Phật dành cho thiếu nhi, một trong số đó tập hợp những truyện về tiền thân đức Phật được viết lại cho thích nghi với trẻ, một số khác là những sáng tác của các nhà văn Mỹ, Anh, những người mong muốn đem đạo Phật đến với thiếu nhi, tất cả đều được trình bày vui tươi và sống động.

Những câu chuyện liên quan đến tiền thân đức Phật là những chuyện gì? Đó là những chuyện phổ biến, xuất hiện trong các tuyển tập truyện Phật giáo ở nước ta.

Tôi bắt gặp truyên “The Prancing Peacock” (Con công vênh vang). Ngày xưa, các loài muông thú sống chung với nhau, mỗi loài có một vị vua. Thú bốn chân thì chọn sư tử hùng dung, loài cá thì chọn con cá thật lớn, loài chim thì chọn con chim thật đẹp, đó là Thiên Nga vàng. Vua Thiên Nga có một cô con gái mỹ miều. Lớn lên, cô này mong sao mình lấy được một tấm chồng xứng đáng. Vua cha rồi cũng tìm được một ứng viên: đó là anh Công muôn hồng ngàn tía, đuôi dài sặc sỡ. Được lọt vào mắt xanh, chàng Công khoái chí múa, phô diễn nhan sắc và tài nghệ, đến mức kiêu ngạo, anh ta vươn đầu lên trời và quên cả công chúng xung quanh, đã phô bày tất cả bộ phận của cơ thể. Các loài chim khác cười khúc khích, còn Vua Thiên Nga thì phật ý, cho rằng anh Công này không biết lịch sự và ý tứ, không biết hổ thẹn là gì, vì vậy chẳng ngó ngàng anh chàng này nữa.

Một câu chuyện khác là truyện “Hạt cải”. Ngày xưa, vào thời Đức Phật, có một bà mẹ khóc lóc đau đớn có đứa con trai mới mất, và bà nhất quyết xin gặp Phật vì tin Ngài có phép lạ sẽ cứu con mình sống lại. Ngài nhìn bà mẹ với lòng từ ái, thế rồi Ngài nhẹ nhàng dạy: “Ta sẽ giúp bà. Nhưng trước đó, bà hãy đi hết mọi nhà trong làng này, hỏi xin một hạt cải của nhà nào từ trước đến nay không có người nào chết mà mang hạt cải đó về cho ta”. Nghe lời Phật, bà đi khắp làng, nhưng chẳng tìm được nhà nào mà từ trước đến nay không có người chết. Bà ngộ ra rằng cái khổ của người thân mất đi ai cũng có, cái chết là bình đẳng, có sinh thì có diệt.

Trên đây là các câu chuyện trong các tuyển tập truyện Phật giáo lấy từ chuyện tiền thân của đức Phật mà Tynette Deveaux kể cho con nghe và cho con đọc. Không chỉ truyện tiền thân, mà còn có những sáng tác hay của các tác giả Anh, Mỹ thấm đượm triết lý Phật giáo. “Moody Cow Meditates” (tạm dịch: Bò Chướng thiền” là một truyện như thế.

Nhân vật chính là chú bé Peter, bản tính hay cáu giận, bị mọi người đặt cho bí danh là Bò Chướng. Một ngày tai họa đến với Peter, bắt đầu với một giấc mơ kinh hoàng. Cậu gặp phải một dị nhân khổng lồ có ba mắt. Sáng sớm, cậu phát giác em của cậu vẽ bậy trên tấm ván trượt tuyết mới tinh của cậu. Rồi cậu bị trễ xe buýt, phải đến trường bằng xe đạp đi trên tuyết. Cậu còn bị té lên té xuống, trầy xước hết cả đầu gối. Tan học về, Peter đâm sầm vào xe tải của cha cậu. Cơn giận nổ bùng, cậu ném mạnh trái bóng chày vào cửa sổ. Phen này thì ông nội phải vào cuộc để giúp cháu hóa giải cơn giận. Ông và cháu cùng chuẩn bị một nước gọi là bình tâm (mind jar). Cứ mỗi lần cơn giận nổi lên, Peter bỏ một nhúm chất sủi bọt vào bình, nhìn bình đang sủi bọt, theo dõi những cảm xúc của mình, bọt sôi lên một hồi rồi bình nước trở về trạng thái như cãu. Cậu nhận ra rằng cũng như hiện tượng sôi sục trong bình, cơn giận rồi sẽ qua đi, yên bình sẽ trở lại. Thật là vô ích và tai hại cho những hành động nông nổi!

Một truyện khác đầy nhân ái là “Zen Ties” (Tạm dịch là “Tâm bao dung”). Con gấu trúc Stillwater khôn ngoan và hòa nhã kết bạn với ba đứa bé Addy, Michael và Karl. Mấy đứa bé này vốn sợ và không thích cô giáo Whitaker, đã lớn tuổi và đã về hưu, nhưng gấu trúc thuyết phục ba bạn đi cùng mình đến nhà cô giáo. Gấu trúc đề nghị mấy bạn nấu súp cho cô và lau nhà. Lòng tốt của các em bé khiến lòng cô Whitaker vốn thường ngày khó tính trở nên mềm lại. Cô bắt đầu dạy kèm Michael để chuẩn bị cho kỳ thi đánh vần sắp đến mà em rất lo lắng. Nội dung truyện đã chứng tỏ mọi sự hằn học giữa bọn trẻ và cô giáo là do thiếu hiểu biết và si mê, và chỉ có từ bi và trí tuệ mới xóa bỏ ngăn cách giữa người với người.

Những câu chuyện nhẹ nhàng về triết lý đạo Phật, về từ bi hỷ xả, về từ bỏ tham giận kiêu căng được bà mẹ dẫn nhập vào tâm hồn trẻ như những giọt sương mai đọng trên cây lá xanh tươi. Người đọc nước ta chắc hẳn thích thú với những câu chuyện này, tuy rằng vẫn có thể tự hỏi, liệu các khái niệm tiền thân, luân hồi, giải thoát, thiền có thích hợp với con trẻ không? Nhưng ở đây đã có giải đáp, và người “thực nghiệm” chính là bà mẹ Tynette Deveaux, cùng với đứa con trai ở nước Mỹ hiện đại, nơi mà Phật giáo là một tôn giáo mới. Tôi xin trích dẫn kết luận trong bài của Tynette Deveaux:

“Tôi không biết các sách này có ảnh hưởng lâu dài đến con trai tôi như thế nào. Chúng có khuyến khích con tôi tìm hiểu đạo Phật khi nó lớn lên không? Có thể. Nhưng hiện tại các sách này đã gợi ý cho con tôi đặt ra nhiều câu hỏi và đề tài để chúng tôi bàn cãi và cũng đưa ra các manh mối khả dĩ để giải quyết các tình huống và các cảm xúc khó xử thường xảy ra. Không phải chỉ con trẻ mới có được lợi ích từ những quyển sách này. Người lớn cũng cảm được những lời dạy bảo sâu xa mà các cuốn sách trình bày với những ngôn từ rất rõ ràng và chân thành.

Con tôi có thể chọn chơi video game thay vì chọn đọc sách bất cứ lúc nào, nhưng tôi tin thói quen đọc sách trước khi đi ngủ của hai mẹ con tôi cho phép con cảm kích cuộc hành trình mà chúng tôi cùng đi với nhau”.

Ở nước ta, sách truyện thiếu nhi khá nhiều, truyện tranh cũng lắm nhưng không thấy xuất hiện những sách chỉ viết về truyện kể Phật giáo dành cho thiếu nhi, có chủ đích đạo đức, trong khi có rất nhiều truyện như thế, đặc biệt là truyện tiền thân Đức Phật. Nên chăng cần có những truyện Phật giáo cần cho thiếu nhi được viết một cách trong sáng, rút gọn, dễ đọc, hấp dẫn với hình thức đep, chữ khá to, hình ảnh minh họa sống động, tươi vui để mẹ kể cho con nghe trước giấc ngủ, hoặc mẹ hướng dẫn con đọc, thay vì để con mê mẩn với máy tính và game. Không chỉ là truyện vui, truyện giải trí mà những cuốn sách như thế là một cách để bé đến gần Phật một cách tự nhiên, và là hành trang trí tuệ, đạo đức và tình cảm của bé sau này trên đường đời.

(Trích "Đất lành"
Tác giả: Cao Huy Hóa
Nguồn: NXB Văn hóa – Văn nghệ 2013)

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6420038
Số người trực tuyến: