14. Phẩm Điểu Dụ Thứ Mười Bốn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

14. Phẩm Điểu Dụ Thứ Mười Bốn

PHẨM ĐIỂU DỤ THỨ MƯỜI BỐN

(Hán bộ phần sau quyển thứ tám)

Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: “Này Thiện-nam-tử! Có hai giống chim: Một tên là Ca-Lân-Đề, hai tên là Oan-Ương. Hai giống chim đó lúc bay, lúc ở đều cùng chung chẳng xa rời nhau. Các pháp khổ, vô-thường, vô-ngã, chẳng rời nhau cũng như vậy”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: Thế-Tôn! Thế nào là các pháp khổ vô thường vô ngã, như chim Oan-ương và Ca-lân-Đề kia”.

Phật nói: “Này Thiện-nam-tử! Pháp khổ khác, pháp lạc khác, pháp thường khác, pháp vô thường khác, pháp ngã khác, pháp vô ngã khác. Ví như lúa gạo khác với mè bắp. Mè bắp lại khác với đậu mía. Các thứ ấy từ mầm mộng của nó, nhẫn đến trổ lá, đơm bông đều là vô thường. Đến lúc thành trái thành hột khô chín, mọi người thọ dụng mới gọi là thường, vì tính chất chân thật”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Những vật như vậy nếu là thường thời có đồng với Như-Lai chăng?”.

Phật nói : “Này Thiện-nam-tử! Nay ông chẳng nên nói như vậy, vì nói cho rằng Như-Lai như núi Tu-Di, lúc kiếp-hoại núi Tu-Di lở sụp, thời đức Như-Lai há lại cũng đồng hư hoại ư!

Này Thiện-nam-tử! Ông chẳng nên giữ lấy những nghĩa ấy.

Tất cả các pháp chỉ trừ Phật tính và Niết-Bàn, không có một pháp nào là thường cả. Nói trái và hột là thường, đó là nói theo thế gian thôi”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Lành thay! Lành thay! Đúng như lời Phật nói”.

Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: “Đúng như vậy. Này Thiện-nam-tử! Dầu tu tất cả khế kinh, các môn thiền định, nhẫn đến chưa nghe pháp Đại-Niết-Bàn thời đều nói tất cả là vô thường. Nghe kinh này rồi dầu có phiền não mà như không phiền não, bèn có thể lợi ích tất cả cõi trời, cõi người, vì hiểu rõ thân mình có Phật tính, đây gọi là thường.

Này Thiện-nam-tử! Ví như cây Am-la bông nó mới trổ gọi là vô thường, đến lúc thành trái có thể ăn dùng mới gọi là thường.

Cũng thế, này Thiện-nam-tử! Dầu tu tất cả khế kinh, các môn thiền định lúc chưa nghe kinh Đại-Niết-Bàn này, đều cho rằng tất cả pháp đều là vô thường. Lúc nghe kinh này rồi, dầu có phiền não mà như không phiền não, bèn có thể lợi ích cõi trời, cõi người. Vì hiểu rõ thân mình có Phật tính, đây gọi là thường.

Thiện-nam-tử! Ví như lúc nấu, lọc, quặng vàng, là tướng vô thường, lọc xong thành vàng ròng, có nhiều lợi ích bèn gọi rằng thường.

Cũng vậy, này Thiện-nam-tử! Dầu tu tất cả khế kinh các môn thiền định, lúc chưa nghe kinh Đại-Niết-Bàn này, đều cho rằng tất cả pháp đều là vô thường. Lúc nghe kinh này rồi, dầu có phiền não như không phiền não, bèn có thể lợi ích tất cả cõi trời, cõi người, vì hiểu rõ thân mình có Phật tính, đây gọi là thường.

Này Thiện-nam-tử! Ví như hột mè lúc chưa bị ép, gọi là vô thường. Lúc ép thành dầu có nhiều lợi ích bèn gọi rằng thường.

Này Thiện-nam-tử! Dầu tu tất cả khế kinh, các môn thiền định mà chưa nghe kinh Đại-Niết-Bàn này, đều cho rằng tất cả là vô thường. Lúc nghe kinh này rồi dầu có phiền não, như không phiền não, đều có thể lợi ích cõi người cõi trời vì hiểu rõ thân mình có Phật tính đây gọi rằng thường.

Này Thiện-nam-tử! Ví như các dòng nước đều chảy về biển. Cũng vậy, tất cả khế kinh, các môn thiền-định tam-muội đều quy về kinh Đại-thừa Đại-Niết- Bàn, vì khéo nói có Phật tính.

Này Thiện-nam-tử! Vì thế nên ta nói: pháp thường khác, pháp vô thường khác; nhẫn đến vô ngã cũng lại như vậy.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Đức Như-Lai đã lìa tên độc Ưu-bi, luận về có Ưu-bi gọi là trời. Đức Như-Lai chẳng phải trời. Có Ưu-bi gọi là người, Như-Lai chẳng phải người, có Ưu-bi gọi là hai mươi lăm cõi hữu-lậu, đức Như-Lai chẳng phải hai lăm cõi hữu-lậu. Vì thế nên đức Như-Lai không có Ưu-bi, cớ sao nói rằng đức Như-Lai Ưu-bi?”.

Này Thiện-nam-tử! Vô-tưởng-thiên gọi là không tưởng. Nếu không tưởng thời không thọ mạng, nếu không thọ mạng, sao lại có ấm, nhập, các giới. Do vì nghĩa đó, nên thân thọ mạng của vô-tưởng-thiên, không thể nói là có chỗ ở.

Này Thiện-nam-tử! Ví như Thọ-thần nương theo cây mà ở, chẳng thể quyết định nói nương nhánh, nương lóng, nương thân, nương lá.

Cũng vậy, dầu không chỗ quyết định, nhưng không thể nói là không có thân thọ mạng của vô-tưởng-thiên.

Này Thiện-nam-tử! Phật pháp cũng vậy, rất sâu khó hiểu. Đức Như-Lai thiệt không ưu-bi khổ não, mà ở nơi hàng chúng sinh khởi lòng đại từ bi, thị hiện có ưu-bi, coi hàng chúng sinh như La-Hầu-La.

Này Thiện-nam-tử! Trong vô-tưởng-thiên có bao nhiêu thọ mạng, chỉ Phật biết được, chẳng phải người khác có thể biết. Nhẫn đến trời Phi-tưởng, Phi-Phi- tưởng cũng như vậy.

Này Ca-Diếp, Như-Lai tính thanh tịnh không ô-nhiễm, dường như hoá thân, chỗ nào mà có ưu-bi khổ não.

Nếu nói đức Như-Lai không ưu-bi đó, thế nào có thể lợi ích chúng sinh, rộng hoằng Phật pháp. Và nếu nói là không ưu-bi, sao lại nói bình đẳng xem chúng sinh như La-Hầu-La, nếu chẳng bình đẳng xem như La-Hầu-La, thời lời nói trên là hư vọng.

Này Thiện-nam-tử! Do vì nghĩa đó, Phật chẳng thể nghĩ bàn, Pháp chẳng thể nghĩ bàn, chúng sinh Phật tính chẳng thể nghĩ bàn, thọ mạng vô-tưởng-thiên chẳng thể nghĩ bàn. Đức Như-Lai có ưu-bi cùng không ưu-bi, là cảnh giới của Phật, chẳng phải hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác biết được.

Này Thiện-nam-tử! Thí như nhà, cửa, bụi, đất, không thể trụ giữa hư không, nhưng nếu nói nhà cửa chẳng cần hư không mà có thể trụ, thời không đúng. Do vì nghĩa đó nên chẳng thể nói nhà trụ nơi hư không, hay chẳng trụ nơi hư không. Kẻ phàm phu dầu n ói rằng nhà trụ ở hư không, mà hư không thiệt không chỗ trụ, vì tính hư không vốn là vô-trụ.

Này Thiện-nam-tử! Cũng vậy, không thể nói rằng tâm trụ nơi ấm, giới, nhập cùng chẳng trụ. Thọ mạng vô tưởng thiên cũng như vậy. Đức Như-Lai ưu-bi cũng như vậy. Nếu không ưu-bi, thế nào nói rằng bình đẳng xem chúng sinh như La-Hầu-La. Nếu cho là có ưu-bi, thời sao lại nói Như-Lai tính đồng với hư không.

Này Thiện-nam-tử! Ví như nhà ảo thuật, dầu hoá làm các thứ cung điện sát sinh nuôi dưỡng, bắt trói mở thả nhẫn đến hoá làm các vật báu vàng bạc lưu ly, lùm rừng, cây cối, v.v… đều không có tính chất chân thật.

Cũng vậy, Đức Như-Lai tùy thuận theo thế gian, thị hiện ưu-bi mà không có chân thật. Đức Như-Lai đã chứng nhập nơi Đại-Niết-Bàn thế nào lại có ưu-bi khổ não.

Nếu có kẻ cho rằng Đức Như-Lai chứng nhập Niết-Bàn là vô thường, nên biết người này thời có ưu-bi. Nếu nói đức Như-Lai chẳng nhập Niết-Bàn thường trụ chẳng biến đổi, nên biết người này không có ưu-bi.

Đức Như-Lai có ưu-bi cùng không ưu-bi không ai có thể biết được.

Này Thiện-nam-tử! Ví như người bậc hạ biết được pháp bậc hạ, mà chẳng biết bậc trung, và bậc thượng. Người bậc trung, thời biết pháp bậc trung mà chẳng biết nơibậc thượng. Người bậc thượng thời biết bậc thượng và biết cả bậc trung bậc hạ.

Cũng thế, hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác chỉ biết ngang chừng bậc của mình. Đức Như-Lai thời không phải như vậy, đều biết rõ bậc của mình và cả những bậc khác. Vì thế nên đức Như-Lai gọi là đấng vô-ngại-trí, tùy thuận theo thế gian mà hoá hiện. Kẻ phàm phu nhục nhãn cho là chân thật, mà muốn biết hết trí vô- thượng vô-ngại của Như-Lai, quan niệm này không đúng.

Đức Như-Lai có ưu-bi cùng không ưu-bi chỉ Phật biết được. Do nhơn duyên này, pháp có ngã khác, pháp vô ngã khác. Đây gọi là điều dụ chim Oan- ương, chim La- lân-Đề.

Này Thiện-nam-tử ! Phật pháp dường như chim Oan-ương đồng nhau bay đi. Chim Ca-lân-Đề và chim Oan-ương này, mùa thạnh hạ nườc dưng lên, lựa chọn gò cao làm ổ cho con chúng ở, rồi sau chúng nó mới trở về chốn cũ ưu-du an ổn.

Cũng vậy, Đức Như-Lai xuất thế giáo hóa vô lượng chúng sinh, làm cho đều được trụ nơi chánh pháp. Như chim kia lựa gò cao lót ổ cho con chúng nó ở.

Đức Như-Lai làm cho các chúng sinh đều được giải thoát, chỗ làm đã xong, bèn nhập Đại-Niết-Bàn.

Này Thiện-nam-tử! Đây gọi là pháp khổ khác, pháp vui khác. Những hành pháp là khổ. Niết-Bàn là vui vi-diệu thứ nhất, vì đã phá hoại các hành pháp”.

Ca-Diếp bồ-tát bạch Phật: “Thế-tôn! Thế nào chúng sinh chứng đặng Niết-Bàn gọi là an-lạc đệ nhất?”.

Này Thiện-nam-tử! Như lời ta đã nói các hành pháp hòa hiệp gọi đó là lão-tử.

Cẩn thận chẳng phóng dật,

Đây gọi là cam lộ.

Phóng dật chẳng cẩn thận,

Đây gọi là tử-cú.

Nếu người chẳng phóng dật,

Thời đặng chỗ bất tử,

Như kẻ phóng dật kia,

Thường đến nơi tử lộ.

Nếu phóng dật gọi là Pháp hữu-vi. Pháp hữu-vi này là khổ đệ nhất. Nếu chẳng phóng dật thời gọi là Niết-Bàn. Niết-Bàn đó gọi là cam lộ an vui đệ nhất. Nếu xu hướng các hành pháp, thời gọi là chổ chết thọ khổ đệ nhất. Nếu đến Niết-Bàn thời gọi là bất tử thọ vui vi-diệu. Nếu chẳng phóng dật, dầu nhóm họp các hành pháp, cũng gọi là thường lạc bất tử, thân chẳng phá hoại.

Thế nào là phóng dật, thế nào là chẳng phóng dật? Hàng phàm phu chẳng phải Thánh thời gọi là phóng dật, là pháp thường tử. Bậc Thánh xuất thế là chẳng phóng dật không có lão tử, vì chứng nhập nơi Niết-Bàn thường lạc đệ nhất.

Do nghĩa này nên pháp khổ khác, pháp lạc khác, pháp ngã khác, pháp vô ngã khác.

Như người đứng dưới đất, ngước mặt nhìn lên hư không chẳng thấy dấu chim bay.

Này Thiện-nam-tử! Chúng sinh không có thiên nhãn, ở trong phiền não mà chẳng tự thấy có Như-Lai tính. Cho nên ta nói giáo pháp vô ngã bí mật, vì người không có thiên nhãn, chẳng biết được chân-ngã, mà vọng chấp nơi ngã.

Do các phiền não tạo nghiệp hữu-vi, chính đó là vô thường. Cho nên ta nói pháp thường khác, pháp vô thường khác.

Người tinh tấn dũng mãnh.

Hoặc ở nơi đỉnh núi.

Đất bằng cùng đồng trống,

Thường thấy những phàm phu,

Lên điện đại-trí-huệ.

Đài Vô-thượng vi diệu.

Đã tự trừ ưu-khổ.

Cũng thấy khổ chúng sinh.

Đức Như-Lai dứt hết vô lượng phiền não ở núi trí huệ, thấy hàng chúng sinh thường ở trong vô lượng phiền não”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Ý nghĩa như bài kệ vừa nói không đúng.

Vì người nhập Niết-Bàn không ưu không hỷ, thế nào đặng lên điện đài trí huệ, và thế nào ở nơi đảnh núi mà thấy chúng sinh?”.

Này Thiện-nam-tử! Điện trí huệ đó chính là nói Niết-Bàn, người không ưu-khổ là nói đức Như-Lai vậy. Người có ưu sầu gọi là phàm phu. Bởi phàm phu ưu khổ, nên Như-Lai không ưu khổ.

Đảnh núi Tu-Di là nói chính giải thoát. Người tinh tấn dũng mãnh như núi Tu-Di không động chuyển. Đất là nói công hạnh hữu vi. Hàng phàm phu này, đứng trên đất đây tạo tác những hành nghiệp. Người trí huệ kia thời gọi là chánh giác, lìa hữu lậu, thường trụ, nên gọi là Như-Lai.

Đức Như-Lai thương xót vô lượng chúng sinh thường bị trúng tên độc các cõi, nên nói rằng đức Như-Lai có ưu-bi.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Giả sử nếu Như-Lai có ưu-bi, thời chẳng đặng gọi là bậc đẳng chính giác”.

Này Thiện-nam-tử! Đều có nhân duyên cả. Tùy chỗ nào có chúng sinh đáng được hóa độ, thời đức Như-Lai thị hiện thọ sinh ở trong đó. Dầu thị hiện thọ sinh, nhưng thiệt không có sinh, nên đức Như-Lai gọi là pháp thường trụ. Như chim Oan-ương, chim Ca-Lân-Đề vậy.


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6332193
Số người trực tuyến: