4. Phẩm Trường Thọ Thứ Tư | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

4. Phẩm Trường Thọ Thứ Tư

PHẨM TRƯỜNG THỌ THỨ TƯ

(Hán bộ phần đầu quyển thứ hai)

Đức Phật lại bảo các vị Tỳ-kheo: “Các thầy ở nơi giới luật có chỗ nào Nghi ngờ, cho phép các thầy hỏi Như-Lai sẽ giải thích cho. Tất cả các pháp bản-tính không-tịch. Như-Lai đã tu học rành rẽ thông đạt. Các thầy chớ nghĩ rằng Như-Lai chỉ tu các pháp bổn-tính không-tịch. Ở nơi giới luật có chỗ nào nghi ngờ, các thầy nên hỏi”.

Các Tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Thế-Tôn! Chúng con không đủ trí huệ để hỏi đức Như-Lai Ứng-Cúng Chính-Biến-Tri. Vì cảnh giới của Như-Lai không thể nghĩ bàn, thiền định của Như-Lai không thể nghĩ bàn, lời phán dạy của Như lai không thể nghĩ bàn. Vì cớ ấy nên chúng con là hạng không đủ trí huệ để hỏi đức Như-Lai.

Bạch Thế-Tôn! Ví như ông già trên trăm tuổi đang phải bệnh trầm trọng nằm liệt trên giường sẽ chết mất nay mai. Một người giàu kia có duyên sự muốn đến xứ khác, đem trăm cân vàng gửi cho ông già ấy mà giao ước rằng: hoặc mười năm hoặc hai mươi năm chừng nào tôi trở về thời ông hoàn số vàng này lại cho tôi. Ông già nhận giữ vàng, không bao lâu thời chết, ông già lại không người kế tự, số vàng gửi kia đều thất lạc cả. Lúc người chủ vàng trở về không biết đòi hỏi ai, đành chịu mất vàng. Chủ vàng là kẻ vô trí, khi gửi vàng không biết chọn nơi đáng gửi, nên phải mất vàng.

Cũng vậy, hàng Thanh-Văn chúng con dầu nghe đức Như-Lai ân cần dạy bảo mà chúng con không thể thọ trì khiến chính pháp được bền lâu, khác nào ông già kia nhận vàng của người gửi, rồi không sống được mà giữ gìn. Chúng con vô trí, ở nơi giới luật sẽ hỏi những gì!”

Đức Phật nói: “Nếu nay các thầy hỏi Như-Lai thời có thể đem lại sự lợi ích cho chúng sinh, nên Như-Lai mới bảo các thầy có chỗ nào nghi thời cho phép hỏi”.

Các Tỳ-kheo bạch Phật: “Bạch Thế-tôn! Ví như một người trai trẻ khỏe mạnh lối hai mươi lăm tuổi, nhà giầu có, cha mẹ vợ con quyến thuộc đông đủ. Có người đem vàng bạc đến gửi cho người trai trẻ này mà nói rằng: “Tôi có duyên sự cần phải đi xa. Khi tôi trở về, anh sẽ hoàn số vàng bạc này lại cho tôi”. Người trai trẻ nhận vàng bạc và cất giữ kỹ-lưỡng. Ít lúc phải bệnh, người trai trẻ dặn thân quyến rằng số vàng bạc này là của ông già gửi, khi nào ông ấy đến hỏi thời giao đủ cho ông ấy. Thời gian sau, người gửi vàng bạc trở về được thân quyến của người trai trẻ hoàn đủ số đã gửi. Đây là người có trí, biết chọn chỗ đáng gửi nên khỏi mất của.

Cũng vậy, nếu đức Thế-Tôn đem Pháp-bảo giao phó cho A-Nan và các Tỳ-kheo ắt chẳng đặng lâu dài, vì tất cả hàng Thanh-Văn và Ma-Ha-Ca-Diếp đều sẽ vô thường, như ông già trước kia. Đức Như-Lai nên đem Phật pháp vô-thượng giao phó cho Bồ-Tát. Vì hàng Bồ-Tát đủ trí huệ có thể hỏi Như-Lai, Pháp bảo sẽ được lâu dài hưng thịnh lợi ích cho chúng sinh, như người trai trẻ trước kia. Vì những lẽ ấy, nên chỉ có hàng Bồ- tát là có thể hỏi đức Như-Lai thôi. Trí huệ của chúng con như mòng muỗi, làm sao hỏi được pháp thâm diệu của Như lai.”

Bạch xong, các Tỳ-kheo đều ngồi yên lặng.

Đức Phật khen các Tỳ-kheo rằng: “Lành thay! Lành thay! Các thầy khéo được tâm vô lậu, tâm A-La-Hán. Như-Lai cũng đã suy xét hai duyên cớ mà các thầy vừa trình bày, nên đem pháp đại thừa giao phó cho hàng Bồ-Tát, khiến diệu pháp này được còn lâu nơi đời”.

Đức Phật bảo toàn thể đại chúng: “Thọ-mạng của Như-Lai không thể tính lường, biện tài cũng chẳng thể cùng tận. Đại chúng phải nên tùy ý bạch hỏi hoặc nơi giới luật, hoặc nơi pháp quy-y”.

Đức Phật tuyên bố luôn ba lần như vậy.

Bấy giờ trong đại chúng có một vị đại Bồ-Tát tuổi còn trẻ, vốn là người trong tụ-lạc Đa-La, họ Đại-Ca-Diếp giòng Bà-La-Môn, do thần lực của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo bên hữu, cung kính nhiễu Phật, gối hữu chấm đất, chắp tay hướng Phật mà bạch rằng :” Nay con có chút việc muốn bạch hỏi, xin đức Thế-Tôn hứa khả cho”.

Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát:  “Như-Lai Ứng-Cúng Chính-Biến-Tri cho phép ông hỏi. Như Lai sẽ giải quyết chỗ nghi của ông, cho ông vui mừng”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Đức Thế-Tôn xót thương đã cho phép, nay con sẽ hỏi. Nhưng trí huệ của con rất kém. Đạo đức của Thế-Tôn cao vòi vọi, thân của Như-lai như chân kim cang màu như ngọc lưu ly. Trong đại hội đây, các vị đại Bồ-Tát thảy đều thành tựu vô lượng vô biên thâm diệu công đức. Ở trước một đại hội như thế này, đâu dám bạch hỏi. Nay con nương sức thần thông của Phật và nhân thiện-căn oai-đức của đại chúng mà bạch hỏi ít điều thôi”.

Ca-Diếp Bồ-Tát liền ở trước Phật, nói kệ rằng:

Thế nào được trường thọ

Thân kim cang chẳng hoại?

Lại do nhân duyên gì

Đặng sức kiên cố lớn?

Thế nào rơi kinh này

Rốt ráo đến bờ kia?

Nguyện Phật vì chúng sinh

Giảng bày nghĩa kín nhiệm.

Thế nào đặng rộng lớn

Làm y-chỉ cho chúng?

Thiệt chẳng phải La-Hán

Mà đồng hàng La-Hán?

Thế nào biết thiên ma

Làm lưu nạn cho chúng?

Lời Phật, lời Ba-Tuần,

Thế nào phân biệt biết?

Thế nào bậc Điều-Ngự

Hoan hỷ nói chân đế

Đủ thành tựu chính thiện

Diễn nói bốn điên đảo?

Làm nghiệp lành thế nào

Xin Thế-Tôn dạy bảo.

Thế nào các Bồ-tát

Thấy được tính khó thấy?

Nghĩa mãn-tự, bán-tự

Phải hiểu như thế nào?

Thế nào cộng thánh hạnh

Như chim Ta-La-Ta?

Thế nào chưa phát tâm

Mà gọi là Bồ-Tát?

Thế nào giữa đại chúng

Mà đặng không kinh sợ

Như vàng Diêm-Phù-Đàn

Không ai chỉ trích được?

Thế nào ở đời trược

Chẳng nhơ như hoa sen?

Thế nào ở phiền não

Phiền não chẳng nhiễm được,

Như y-sư trị bệnh

Chẳng bị bệnh truyền lây?

Thế nào làm lái thuyền

Ở giữa biển sinh tử?

Thế nào thoát sinh tử

Như rắn lột da cũ?

Thế nào xem Tam-Bảo

Dường như cây Thiên-Ý?

Ba thừa nếu vô tính

Thế nào mà nói đặng,

Như sự vui chưa có

Sao lại nói thọ vui?

Thế nào các Bồ-Tát

Mà đặng chứng bất-hoại?

Thế nào vì người mù

Mà làm người chỉ đường?

Thị hiện nhiều đầu kia

Xin Phật giải rõ cớ.

Thế nào người thuyết pháp

Thêm lớn như trăng mọc

Thế nào lại thị hiện

Rốt ráo nơi Niết-bàn?

Thế nào bậc dũng kiện

Hiện nhân, thiên, ma, đạo?

Thế nào biết pháp tính

Mà thọ nơi pháp lạc?

Thế nào các Bồ-Tát

Xa lìa tất cả bệnh?

Thế nào vì chúng sinh

Diễn thuyết nơi bí mật

Thế nào nói rốt ráo

Và cũng chẳng rốt ráo?

Như kia dứt lưới nghi

Tại sao n ói bất định?

Thế nào là đặng gần

Đạo tối thắng vô thượng?

Con nay thỉnh Như-Lai

Vì các hàng Bồ-Tát

Giảng nói pháp thậm thâm

Các hạnh vi-diệu thảy

Trong tất cả các pháp

Đều có tính an lạc

Cúi xin đấng Thế-tôn

Phân biệt dạy chúng con.

Bậc nương tựa của chúng

Diệu-dược Lưỡng-Túc-Tôn!

Nay muốn hỏi các ấm

Mà con không trí huệ

Các Bồ-Tát tinh tấn

Cũng lại chẳng biết được.

Cảnh giới của chư Phật

Rất sâu mầu như vậy.


Đức Phật khen Ca-Diếp Bồ-tát: “Lành thay! Lành thay! Nay ông chưa được nhất thiết chủng trí, Như-Lai đã được, nhưng bí tạng rất sâu của ông vừa hỏI đồng như chỗ hỏi cùa bậc nhất thiết trí.

Này thiện nam tử! Lúc ta mới thành đạo chính giác nơi cội Bồ-đề, có vô lượng Bồ-Tát ở mười phương thế giới cũng từng đến hỏi Như-Lai những nghĩa thậm thâm ấy. Văn nghĩa công đức đã hỏi ngày trước cùng với của ông hôm nay đồng nhau không khác.

Hỏi như vậy có thể đem sự lợi ích lại cho vô lượng chúng sinh”.

Ca- Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Con không đủ trí để hỏi Như Lai về những thâm nghĩa ấy.

Ví như muỗi mòng chẳng thể bay qua đến bờ kia của biển cả, cùng lượn khắp hư không. Cũng vậy, con không thể bạch hỏi Như Lai về những nghĩa biển cả trí huệ và hư không pháp tính rất sâu như vậy.

Ví như quốc vương đem viên minh châu trong búi tóc giao cho quan giữ kho. Quan giữ kho lãnh châu hết lòng cung kính gìn giữ. Cũng vậy, con hết lòng cung kính giữ gìn nghĩa lý đại thừa rất sâu của Như-Lai truyền dạy. Vì nghĩa lý ấy làm cho con được trí huệ sâu rộng”.

Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: “Lóng nghe! Lóng nghe! Như –Lai sẽ vì ông mà nói nghiệp nhân trường thọ của Như-Lai đã được. Do nơi nghiệp nhân này mà Bồ Tát được thọ mạng dài lâu. Nếu hạnh nghiệp có thể làm nhân cho quả Bồ-Đề thời phải nên thành tâm nghe kỹ và lãnh thọ nghĩa ấy. Đã tự lãnh thọ rồi nói lại cho người khác. Do tu tập hạnh nghiệp ấy mà Như-Lai đặng thành vô thượng chính giác. Nay lạI vì ngườI mà giảng rộng ý nghĩa ấy.

Ví như vương tử phạm tội bị giam vào ngục, nhà vua rất nhớ thương con, đích thân ngự đến ngục thất. Cũng vậy, muốn được trường thọ, Bồ Tát phải nên hộ niệm tất cả chúng sinh, xem như con ruột, sinh lòng đại từ, đại bi, đại hỉ, đại xả, truyền cho giới bất sát, dạy cho tu pháp lành. Cũng nên để tất cả chúng sinh ở nơi ngũ giới thập thiện. Lại đến địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la v.v…, để cứu vớt những kẻ khổ não trong các nơi ấy. Giải thoát kẻ chưa giải thoát, cứu độ người chưa được cứu độ. Người chưa chứng Niết bàn làm cho chứng Niết bàn. An ủi tất cả người đang ở trong cảnh kinh sợ. Do các nghiệp nhân trên đây mà Bồ Tát được thọ mạng dài lâu. Nơi các trí huệ được tự tại. Sau khi maïng chung sinh lên cõi trên”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn ! Bồ-Tát Ma-Ha-Tát bình đẳng xem chúng sinh đồng như con ruột, nghĩa ấy rất sâu, con chưa hiểu được. Đức Thế Tôn chẳng nên nói Bồ Tát đối với chúng sinh tu tâm bình đẳng xem đồng như con, vì trong Phật pháp có người phá giới, có kẻ phạm tội nghịch, có kẻ hủy báng chính pháp. Sao lại với những hạng ấy mà xem đồng như con?”.

Phật dạy: “Phải đấy! Như Lai đối với chúng sinh thiệt xem đồng là con như La-Hầu-La”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Trước kia ngày rằm lúc Chư Tăng đang bố tát . Có một đứa trẻ không khéo tu tập ba nghiệp thân, khẩu, ý, núp ở chỗ kín rình nghe chư Tỳ-kheo-tăng thuyết giới. Mật-Tích Lực-Sĩ nương thần lực của Phật lấy chày kim cang đập đứa trẻ ấy nát ra như bụi. Bạch Thế Tôn! Vị thần Kim Cang ấy rất là bạo ác mới giết được đứa trẻ. Thế sao Như Lai xem các chúng sinh đồng như là La Hầu La?”

Phật dạy: “Ông không nên nói như vậy.

Đứa trẻ ấy chính là người biến hóa, chẳng phải người thiệt. Vì muốn xua đuổi những kẻ phá giới hủy pháp ra ngoài chư Tăng nên hiện như vậy. Thần Kim Cang kia cũng là biến hóa thôi. Hạng hủy báng chính pháp cùng nhất- xiển-đề hoặc có người sát sinh nhẫn đến tà kiến, và cố ý phạm giới, Như Lai đối với những hạng ấy đều thương xót như con là La-Hầu-La.

Như quốc vương đối với bầy tôi phạm phép thời cứ tội tru lục mà chẳng tha. Như-Lai Thế-Tôn không phải như vậy; với hạng hủy pháp, làm pháp yết-ma khu-khiển, quở trách, cử tội v.v… Sở dĩ Như-Lai làm các pháp yết-ma trừng trị những hạng hủy báng chính pháp như vậy là vì muốn chỉ rõ những người ác hạnh thời có quả báo.

Ông phải biết Như-Lai là vị ban bố sự vô úy cho chúng sinh ác. Nếu Như-Lai phóng ra một tia sáng, hoặc hai, năm tia sáng, kẻ nào gặp được thời đề xa lìa tất cả các điều ác. Nay Như lai đầy đủ vô lượng thế lực như vậy.

Pháp chưa được thấy, nếu ông muốn thấy, nay sẽ vì ông nói tướng mạo đó. Sau khi Như-Lai nhập niết bàn, nơi nào có Tỳ-Kheo trì giới đầy đủ oai nghi hộ trì chính pháp, thấy người hoại pháp bèn có thể khu-khiển quở trách trừng trị. Phải biết Tỳ kheo ấy đặng phước vô lượng không thể tính kể.

Ví như quốc vương chuyên làm việc bạo ác, rồi mang bệnh nặng. Vua nước láng giềng nghe biết tình hình đem binh đến đánh, trách tội muốn giết. Vua ác bệnh ấy vì không thế lực sợ hãi ăn năn chừa lỗi mà làm lành. Vua láng giềng kia được phước vô lượng. Cũng vậy, Tỳ kheo giữ phép khu-khiển quở trách người phạm giới cho họ chừa lỗi làm lành thời đặng phước vô lượng.

Ví như nhà cửa ruộng vườn của ông trưởng giả mọc lên những cây gai độc. Trưởng giả biết được bèn chặt đốn sạch cả.

Lại như người trai trẻ đầu có tóc bạc, vì hỗ thẹn nên nhổ bỏ chẳng cho ra dài.

Cũng vậy, Tỳ kheo giữ pháp thấy có người phá giới hủy hoại chính pháp, bèn nên khu-khiển quở trách cử tội. Tỳ kheo này là đệ tử của Như-Lai, là chân thật Thanh-Văn. Nếu thấy mà bỏ qua, thời nên biết Tỳ kheo này là người hại Phật pháp”.

Ca-Diếp Bồ-Tát lại bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Cứ như lời Phật dạy thời là không bình đẳng xem tất cả chúng sinh đồng như con là La-Hầu-La. Bạch Thế Tôn! Nếu có một người cầm dao hại Phật, lại có một người đem nước chiên đàn thoa thân Phật. Như-Lai đối với hai người này nếu là tâm bình đẳng, sao lại bảo rằng phải trừng trị kẻ phạm luật. Nếu trừng trị kẻ phạm luật thời lời dạy kia có lỗi.”

Phật nói: “Như Quốc vương, đại thần tể tướng có bốn người con trai diện mạo khôi ngô, thông minh sáng suốt, đem giao cho giáo sư dạy dổ và dặn rằng : Thầy gắng dạy chúng nó cho đựơc toàn vẹn cả tài lẫn đức. Nếu chúng nó ngỗ nghịch, thầy phải nghiêm trị, dầu ba đứa bị đòn chết, còn một đứa được nên, chúng tôi cũng vui lòng.

Này Ca-Diếp! Như vậy thời cha và thầy của các trẻ có phải tội sát sinh chăng?

Ca-Diếp Bồ-Tát thưa: “Bạch Thế-Tôn, không! Vì lòng thương muốn cho các trẻ được nên, chớ chẳng phải ác tâm. Dạy dỗ như thế đặng phước vô lượng”.

Phật nói: “Cũng vậy, Như-Lai đối với kẻ phạm pháp xem đồng như con cả. Nay Như-Lai đem chính pháp vô thượng phó chúc các vua, đại thần, tể tướng, Tỳ-kheo, Tỳ- kheo ni, Ưu-Bà-Tắc, Ưu-Bà-Di. Các vua, quan và bốn bộ chúng phải nên khuyên răn khích lệ các học chúng, khiến đặng tăng thượng giới, định, trí huệ. Nếu người nào không tu học ba phẩm pháp này lười biếng phá giới, hủy hoại chính pháp, thời vua quan, bốn bộ chúng phải nên nghiêm trị.

Này Ca-Diếp! Như vậy các vua, quan, bốn bộ chúng có mắc tội chăng?”.

Ca-Diếp Bồ-tát thưa: “Bạch Thế Tôn. Không!”

Phật nói: “Các vua quan và bốn bộ chúng ấy còn không tội, huống là Như-lai.

Này Ca-Diếp! Như-Lai khéo tu đức bình đẳng như vậy, xem các chúng sinh đồng là con cả. Tu như vậy gọi là Bồ-Tát tu tâm bình đẳng nơi các chúng sinh xem đồng là con. Bồ-Tát tu tập hạnh nghiệp bình đẳng này thời được thọ mạng lâu dài, lại cũng khéo biết những việc đời trước”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Bạch Thế-Tôn ! Như lời Phật dạy nếu Bồ-Tát tu tâm bình đẳng đối với chúng sinh xem như con ruột thời được thọ mạng dài lâu. Đức Như-Lai chẳng nên dạy như thế.

Như người biết phép, có thể giảng nói các hạnh hiếu thuận, khi về đến nhà lại lấy ngói đá ném đánh cha mẹ. Mà cha mẹ là ruộng phước lớn có ơn nhiều nên phải cúng dường, trở lại đánh đập, thời người biết phép này lời nói cùng hành động trái ngược nhau.

Lời dạy của Như-Lai cũng vậy. Bồ-Tát tu tâm từ bình đẳng được thọ mạng dài lâu biết được túc mạng, thường ở nơi đời không có đổi dời. Nay đây do duyên cớ gì mà đức Thế-Tôn thọ mạng rất ngắn đồng nhân-gian ư? Hay là Như-Lai có oán ghét chi chúng sinh? Ngày trước Như-Lai làm nghiệp ác gì, giết chết mấy mạng, mà mắc báo đoản thọ sống không đầy trăm tuổi ư?”.

Phật bảo Ca-Diếp Bồ-tát: “Nay duyên cớ gì mà ông nói lời thô ở trước Như-Lai như thế? Như-Lai trường thọ rất hơn hết trong các tuổi thọ. Như-Lai chứng được pháp thường trụ hơn hết trong các pháp thường trụ”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Bạch Thế-Tôn! Đức Như-Lai được thọ mạng dài lâu thế nào?”

Phật nói: “Như tám con sông lớn : một là sông Hằng, hai là sông Diêm-Ma-La, ba là sông Tát-La, bốn là sông A-Lợi-La, năm là sông Ma-Ha, sáu là sông Tân-Đầu, bảy là sông Bác-Xoa, tám là sông Tất-Đà. Tám con sông này cùng các sông nhỏ đều chảy vào biển lớn.

Cũng vậy, tất cả con sông thọ mạng của người, của trời, của đất, của hư không, đều vào trong biển thọ mạng của Như-Lai. Vì vậy, nên Như-Lai thọ mạng vô lượng.

Ví nhu ao A-Nậu chảy ra thành bốn con sông lớn. Cũng vậy, Như-Lai xuất sinh tất cả thọ mạng.

Ví như trong các pháp thường trụ, hư không là đệ nhất. Cũng vậy, ở trong các pháp thường trụ, Như-Lai là đệ nhất.

Như trong các vị thuốc, vị đề-hồ là đệ nhất. Cũng vậy, trong các chúng sinh, thọ mạng của Như-Lai là đệ nhất.”

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Bạch Thế-Tôn! Nếu thọ mạng của Như-lai dài lâu như vậy, thời Như-Lai nên ở nơi đời hoặc một kiếp, hoặc ít hơn để thường tuyên diệu pháp, như tuôn mưa lớn”.

Phật dạy: “Này Ca-Diếp! Ông chẳng nên ở nơi Như-Lai có quan niệm là diệt tận.

Này Ca-Diếp! Nếu có Tỳ-Kheo, Tỳ-Kheo ni, Ưu-Bà-tắc, Ưu-Ba-Di, nhẫn đến ngoại đạo ngũ thông thần tiên, hạng được tự tại, hoặc sống một kiếp hay ít hơn, ở giữa hư không đi đứng nằm ngồi tự tại, nách tả phun lửa, nách hữu vọt nước, thân tuôn khói lửa, nếu muốn sống lâu, thời được như ý muốn. Đối với mạng sống hoặc dài hoặc ngắn đều tự tại. Người được ngũ thông còn đặng thần lực tùy ý như vậy, huống là Như-Lai đặng sức tự tại đối với tất cả pháp, mà lại không thể ở đời hoặc nửa kiếp, hoặc một, hai kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp, hoặc vô lượng kiếp sao ? Vì những nghĩa ấy, phải biết rằng Như-Lai là pháp thường trụ chẳng biến đổi. Thân của Như-Lai đây là thân biến hóa chẳng phải thân tạp thực. Vì dộ chúng sinh nên thị hiện đồng với chúng. Vì vậy, nên thị hiện bỏ thân mà nhập Niết-bàn.

Ông nên biết rằng Phật là pháp thường trụ, là pháp không biến đổi.Ở trong đệ nhất nghĩa này, các ông phải nên siêng năng tinh tấn nhất tâm tu tập. Mình đã tu tập và vì người khác mà giảng nói”.

Ca-Diếp Bồ-Tá thưa: “Bạch Thế-Tôn! Có sự sai khác gì giữa xuất-thế-pháp cùng thế pháp? Như lời Phật dạy: Phật là pháp thường trụ, là pháp không biến đổi. Người đời cũng nói Phạm-Thiên là thường, Tự-Tại-Thiên là thường, không biến đổi, họ cũng nói Ngã là thường, Tính là thường, Vi-Trần cũng thường.

Nếu nói Như-Lai là pháp thường trụ, cớ sao Như-lai chẳng thường hiện nơi đời? Nếu không thường hiện nơi đời thời có khác gì nghĩa thường của thế gian. Vì Phạm-Thiên nhẫn đếùn vi trần cũng chẳng hiện”.

Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: Ví như nhà trưởng giả kia có nuôi nhiều bò, màu lông khác nhau, đồng chung một bầy. Trưởng giả giao bầy bò cho người chăn thả đi ăn cỏ uống nước, chỉ vì vị đề-hồ chớ chẳng cầu sữa bơ. Người chăn ấy vắt sữa rồi tự uống. Trưởng giả chết, bao nhiêu bò đều bị bọn cướp đoạt cả. Bọn cướp tự vắt sữa ra uống, rồi bàn với nhau rằng ông Trưởng giả nuôi bầy bò này chỉ muốn đặng vị đề-hồ chớ không cầu sữa bơ. Chúng ta làm cách gì để đặng đề-hồ. Đề-hồ là phẩm vật quý nhất trong đời. Chúng ta không có gì đựng, dầu vắt được sữa cũng không chỗ chứa. Chúng lại bàn đựng sữa trong túi da. Dầu có đồ đựng nhưng vì không biết cách làm, nên bơ còn không được thành, huống là đề-hồ . Vì muốn được đề-hồ, bọn cướp đổ thêm nước vào túi sữa, vì quá nhiều nước nên chẳng những không được đề-hồ, bơ, mà cả sữa cũng mất.

Phàm phu cũng vậy, dầu có pháp lành nhưng đều là pháp thừa của Như-Lai. Sau khi Thế-Tôn nhập Niết-bàn, họ trộm pháp lành thừa của Như-Lai hoặc, giới, định, hoặc huệ. Như bọn cướp đoạt bầy bò. Hạng phàm phu dầu lại đặng giới, định, trí huệ, nhưng không có phương tiện nên chẳng giải thuyết được. Vì nghĩa này nên họ không thể đặng thường giới, thường định, thường huệ giải thoát. Như bọn cướp kia chẳng biết phương tiện không được đề-hồ, rồi vì đề-hồ mà đổ nước vào sữa. Cũng vậy, hạng phàm phu vì giải thoát mà nói Ngã hoặc Phạm-Thiên, Tự-Tại-Thiên, nhẫn đến Phi-Tưởng, Phi-Phi-Tưởng-Thiên chính là Niết-bàn kỳ thiệt họ chẳng được giải thoát Niết-bàn. Như bọn cướp kia không được đề-hồ.

Hạng phàm phu ấy có chút ít phạm hạnh, cúng dường cha mẹ, nhờ đây được sinh lên trời hưởng một ít an lạc, như bọn cứop kia được sữa pha với nước. Mà hạng phàm phu ấy thiệt chẳng biết là do tu ít phạm hạnh, cúng dường cha mẹ đặng sinh lên cõi trời, họ lại chẳng biết được giới, định, trí huệ, quy-y Tam-bảo, rồi do chẳng biết mà nói thường, lạc, ngã, tịnh. Dầu lại nói thường, lạc, ngã, tịnh, mà thiệt ra thời họ chẳng biết. Vì thế nên sau khi ra đời, Như-Lai vì chúng sinh mà diễn nói thường, lạc, ngã, tịnh.

Như vua Chuyển-Luân ra đời, do sức phước đức của vua nên bọn cướp tan vỡ, bầy bò vẫn còn nguyên vẹn. Nhà vua bèn giao bầy bò cho người chăn rành nghề, do đó mà được đề-hồ, và nhờ đề-hồ ma nhân dân khỏi bệnh khổ.

Lúc đấng Pháp-Vương ra đời, hạng phàm phu không thể diễn thuyết giới, định, trí huệ kia liền tan rã như bọn cướp. Bấy giờ Như-Lai khéo giảng thế-pháp và xuất-thế-pháp. Vì chúng sinh mà khiến các vị Bồ-tát theo đó để diễn thuyết. Chư đại Bồ-tát đã được đề-hồ, lại làm cho vô số chúng sinh được pháp-vị cam-lộ vô-thượng, tức là thường, lạc, ngã, tịnh, của Như-lai.

Này Ca-Diếp, vì những nghĩa ấy, nên Như-Lai là thường, là pháp không biến đổi. Chẳng đồng hạng người ngu trong đời gọi Phạm-Thiên v.v… là pháp thường còn.

Gọi là pháp thường trụ thời phải là Như-Lai chớ chẳng phải pháp nào khác. Ông phải hiểu biết thân Như-Lai là như vậy.

Này Ca-Diếp! Mọi người nên thường chuyên lòng tu hai chữ này: Phật là “Thường-trụ”. Nếu thiện-nam-tử, thiện-nữ-nhân nào tu hai chữ này, nên biết người ấy đi theo đường Phật đi, đến chỗ Phật đến.

Này Ca-Diếp! Nếu người tu tập hai chữ này làm tướng tịch diệt, nên biết Như-Lai thời là nhập Niết-bàn đối với người ấy.

Này Ca-Diếp! Nghĩa Niết-bàn chính là pháp tính của chư Phật”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Bạch Thế-Tôn! Pháp tính của chư Phật nghĩa thế nào? Nay con muốn biết nghĩa của pháp tính. Cúi mong Đức Như-Lai xót thương giải rộng cho.

Vả pháp tính tức là xả thân, xả thân gọi là vô-sở-hữu, nếu vô-sở-hữu thời thân làm sao còn. Thân nếu còn tại sao lại nói thân có pháp tính? Thân có pháp tính sao thân lại còn?

Nay con phải hiểu như thế nào về nghĩa ấy?”.

Phật dạy: “Này Ca-Diếp! Nay ông chẳng nên nói diệt là pháp tính. Pháp tính không có diệt.

Ví như vô-tưởng-thiên thành tựu sắc ấm mà không có sắc tưởng. Chẳng nên hỏi rằng các ông trời ấy sung sướng hưởng vui thế nào? Nghĩ tưởng những gì? Thấy nghe thế nào?

Này Ca-Diếp! Cảnh giới của Như-lai chẳng phải là chỗ biết của Thanh-Văn Duyên-Giác. Chẳng nên nói rằng thân của Như-Lai là pháp diệt.

Này Ca-Diếp! Pháp diệt như thế là cảnh giới của Phật, chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên-Giác biết được.

Nay ông không nên nghĩ lường Như-Lai ở chỗ nào, đi chỗ nào, thấy chỗ nào, vui chỗ nào? Những nghĩa ấy, cũng chẳng phải các ông biết được. Pháp thân của Phật, các thứ phương tiện chẳng thể nghĩ bàn.

Này Ca-Diếp! Nên phải tu tập Phật, Pháp và Tăng mà quán tưởng là thường. Ba pháp ấy không có dị tưởng. Không vô thường tưởng, không biến dị tưởng. Nếu ở nơi ba pháp tu dị-tưởng, phải biết rằng tam quy thanh tịnh của những người này thời không chỗ y-nương, cấm giới của họ đều chẳng đầy đủ. Trọn chẳng chứng được quả Thanh-Văn, Duyên-Giác, Bồ-Đề. Nếu có thể ở nơi bất khả tư-nghì này tu thường-tưởng thời có chỗ quy-y.

Này ca-Diếp! Ví như nhân nơi cây thời có bóng cây. Cũng vậy, vì Như-Lai có pháp thường trụ thời có chỗ quy-y, chớ chẳng phải là vô thường. Nếu cho rằng Như-Lai là vô thường thời Như-Lai không phải là chỗ quy-y của người và của trời”.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Bạch Thế-Tôn! Ví như trong tối có cây mà không có bóng”.

Phật nói: “Này Ca-Diếp! Ông không nên nói có cây mà không có bóng, chỉ vì nhục nhãn không thấy đó thôi. Cũng vậy, tính Như-lai là thường trụ, la không biến đổi. Người không có con mắt trí huệ thời không thấy được. Như trong tối không thấy bóng cây. Cũng vậy, sau khi Phật nhập diệt, hạng phàm phu nói Như-Lai là vô thường. Nếu cho rằng Phật khác với Pháp và Tăng thời chẳng thành chỗ của ba Pháp quy- y. Như cha mẹ của ông mỗi mỗi sai khác, nên thành vô thường”.

Ca-Diếp Bồ-Tát lại bạch Phật: “Bạch Thế-Tôn! Bắt đầu từ nay, con sẽ đem ba pháp thường trụ Phật, Pháp và Tăng để khai ngộ cho cha mẹ, nhẫn đến cha mẹ trong bảy đời đều khiến phụng trì.

Bạch Thế-Tôn! Nay con phải học Phật, Pháp, Tăng bất-khả-tư-nghị. Tự mình học rồi lại sẽ vì người mà giảng giải những nghĩa ấy. Nếu người nào không tin không nhận, thời nguời đó là kẻ tu pháp vô thường đã lâu. Con sẽ làm sương móc, làm mưa giá cho hạng người này”.

Phật khen Ca-Diếp Bồ-Tát: “Lành thay! Lành thay! Nay ông khéo có Thể hộ trì chính pháp. Hộ pháp như vậy thời là không khinh khi người. Do nơi nghiệp nhân không khinh khi người mà được quả báo trường thọ, biết rành những đời đã qua”


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6437241
Số người trực tuyến: