Trang 01 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trang 01

PHẨM THÁNH HẠNH THỨ MƯỜI CHÍN

(Hán bộ trọn quyển 11, 12 và 13)

Trang 01

Phật bảo ca-Diếp Bồ-tát: “Đại Bồ-Tát phải nên ở nơi kinh Đại-Niết-Bàn này chuyên tâm tư duy năm thứ hạnh: Một là thánh hạnh, hai là phạm hạnh, ba là thiên hạnh, bốn là anh-nhi-hạnh, năm là bệnh hạnh.

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-Tát thường nên tu tập năm thứ hạnh này. Lại có một hạnh, chính là Như-Lai hạnh, cũng chính là kinh Đại-thừa Đại-Niết-Bàn.

Đại Bồ-Tát tu thánh hạnh thế nào? Đại Bồ-Tát hoặc từ Thanh-Văn, hoặc từ đức Như-Lai đặng nghe kinh Đại-Niết-Bàn như vậy, nghe xong sinh lòng tin, tin xong nên suy nghĩ như vầy: Chư Phật Thế-Tôn có đạo vô thượng, có chính pháp lớn, có chính hạnh cho đại chúng, lại có kinh điển Phương-đẳng Đại-thừa, nay ta nên vì ưa thích mong cầu kinh Đại-thừa mà bỏ lìa vợ con, quyến thuộc, nhà cửa, vàng bạc, châu báu, chuỗi ngọc tốt đẹp, hương hoa, kỹ nhạc, tôi trai, tớ gái, voi ngựa, xe cộ, trâu dê, gà chó, heo lợn. Lại nghĩ thế này, ở nhà ràng buộc như lao ngục, do đó mà sinh tất cả phiền não. Xuất gia khoảng khoát như hư không, tất cả pháp lành nhân đây được tăng trưởng. Nếu ở nhà chẳng đặng trọn đời tu phạm hạnh, nay ta phải nên cạo bỏ râu tóc, xuất gia học đạo vô thượng.

Lúc Bồ-Tát muốn xuất gia như vậy, Thiên-ma Ba-tuần rất lo khổ, nói rằng: Bồ- Tát này lại sẽ cùng ta sinh sự chiến tranh lớn.

Này Thiện-nam-tử! Bồ-Tát này ở nơi chỗ nào lại sẽ cùng người chiến tranh? Bồ-Tát này qua đến tăng phường nếu thấy Như-Lai và hàng đệ tử oai nghi đầy đủ, thân tâm tịch tịnh, lòng liền nhu hòa thanh tịnh mà cầu xuất gia, cạo bỏ râu tóc mặc ba pháp y.

Xuất gia xong tuân giữ giới cấm, oai nghi chẳng thiếu, cử chỉ an lành không có sai phạm, nhẫn đến tội nhỏ cũng sinh lòng sợ sệt, tâm hộ giới như kim cương.

Này Thiện-nam-tử! Ví như có người đeo trái nổi muốn lội qua biển lớn. Trong biển có quỉ La-sát theo người đó để xin trái nổi. Người đó nghĩ rằng: Nếu ta cho nó quyết định phải chìm chết. Nghĩ rồi đáp rằng: Này La-Sát, thà ngươi giết ta, chớ ta không thể cho trái nổi được.

La-Sát lại nói: Nếu ông chẳng cho hết, thời cho ta phân nửa. Người ấy vẫn không cho. La-Sát lại xin một phần ba, không được, lại xin một mãnh bằng bàn tay, nhẫn đến xin chừng bằng hột bụi. Người này đáp rằng: Nhà ngươi dầu xin rất ít, nhưng hiện nay ta cần phải lội qua biển, chẳng biết đường còn xa hay gần. Nếu ta cho ngươi một ít, trái nổi sẽ xì hơi, làm sao qua được biển lớn, có thể sẽ bị chìm chết giữa đường.

Này Thiện-nam-tử! Bồ-Tát hộ trì cấm giới cũng như vậy. Lúc Bồ-Tát hộ giới, thường có phiền não bảo Bồ-Tát rằng: Ông nên tin tôi trọn chẳng dối nhau, chỉ phá bốn giới trọng, giữ gìn những giới khác sẽ được an ổn nhập Niết-bàn. Lúc đó Bồ-Tát nên nghĩ rằng: Thà ta giữ gìn giới cấm mà đọa A-tỳ địa-ngục, quyết chẳng hủy phạm mà sinh trên cõi trời. Phiền não lại nói: Ông nếu chẳng phá bốn giới trọng, thời nên phá tăng tàng, sẽ được an ổn nhập Niết-bàn. Bồ- Tát không bằng lòng.

Phiền não lại bảo: Ông nếu chẳng phạm tăng tàng, cũng nên phạm tội thâu-lan-giá, thời đặng an ổn nhập Niết-Bàn.

Bồ-Tát cũng chẳng nghe theo.

Phiền não lại bảo: Ông nếu chẳng thể phạm thâu-lan-giá, nên phạm xả- đọa thời nên an ổn nhập Niết-Bàn.

Bồ-Tát cũng chẳng nghe theo.

Phiền não lại bảo: Ông nếu chẳng thể phạm xả-đọa nên phạm ba-dật-đề sẽ đặng an ổn nhập Niết-Bàn.

Bồ-Tát cũng chẳng nghe theo.

Phiền não lại bảo: Ông nếu chẳng thể phạm ba-dật-đề, thời nên phạm đột kiết-la, do đây được an ổn nhập Niết-Bàn.

Bồ-Tát vẫn không nghe theo, tự nghĩ rằng: Nay nếu ta phạm tội đột-kiết-la, mà chẳng phát-lồ, thời không thể qua khỏi biển sinh tử đến bờ Niết-Bàn được. Bồ-Tát đối với tội rất nhỏ trong giới luật, giữ gìn bền chắc, tâm như kim cương. Bồ-Tát đối với bốn giới trọng cùng đột-kiết-la, giữ gìn kính trọng như nhau không khác.

Bồ-Tát nếu có thể bền giữ giới luật như vậy, thời là đầy đủ năm chi giới: Một là đầy đủ giới nghiệp thanh tịnh căn bổn của Bồ-Tát; hai là những giới thanh tịnh khác, quyến thuộc của giới trước giới sau; ba là giới giác quán thanh tịnh, chẳng phải những ác giác; bốn là giới niệm thanh tịnh hộ trì chính niệm; năm là giới hồi hướng vô thượng chính đẳng chính giác.

Này Thiện-nam-tử! Bồ-Tát đây lại có hai thứ giới: Một là giới thọ thế- giáo; hai là giới đặng chính pháp. Bồ-Tát nếu thọ giới chính pháp thời trọn chẳng làm ác. Nếu thọ giới thế giáo, thời bạch tứ Yết-Ma, rồi sau mới đặng.

Này Thiện-nam-tử! Lại có hai thứ giới: Một là giới-tính-trọng, hai là giới dứt sự cơ- hiềm thế gian. Giới-tính-trọng tức là bốn giới trọng. Giới dứt cơ-hiềm thế gian là chẳng buôn bán, cân thiếu, giạ non, khi dối người, cậy thế lực người để lấy tài vật của kẻ khác, ác tâm trói buộc người, phá hoại sự thành công của người, thắp đèn sáng mà nằm, ruộng nương gieo trồng, gia nghiệp buôn bán. Chẳng chứa voi ngựa, xe cộ, trâu, dê, đà, lừa, gà, chó, khỉ , vượn, chim công, chim két, chim cộng mạng, cùng chim câu-chỉ-la, cọp, beo, chó sói, mèo, chồn, heo lợn, và những ác thú khác. Chẳng chứa đồng nam, đồng nữ, đại nam, đại nữ, tôi tớ, vàng, bạc, lưu ly, pha lê, chơn châu, xa cừ, mã não, san hô, bích ngọc, kha bối, các thứ châu báu, đồng cỏ, thiếc nhôm, thau, chì, những thứ chén bát to lớn. Chẳng chứa áo lông, áo cừu, áo da, tất cả lúa, gạo nếp, mè, bắp, đậu, những đồ đựng món ăn sống, đồ đựng món ăn chín. Thường ăn một bữa, chẳng từng ăn hai lần. Thường đi khất thực và thọ thực trong chúng Tăng, thường biết vừa đủ. Chẳng thọ thỉnh riêng, chẳng ăn thịt, chẳng uống rượu, loại ngũ tân tính nồng đều chẳng ăn, vì thế nên thân Bồ-Tát chẳng có hôi hám. Thường được chư Thiên tất cả người cung kính, cúng dường, tôn trọng, tán thán. Ăn vừa đủ trọn chẳng lãnh thọ của dư. Nhận lấy y phục vừa đủ che thân. Thường dùng ba y, bát, tọa cụ, trọn chẳng xa lìa như hai cánh chim. Chẳng chứa các thứ củ, cọng, mắt, hột, trái, các loại hột. Chẳng chứa của báu hoặc vàng, hoặc bạc, kho bếp chứa đồ ăn, áo xiêm thêu vẽ, giường rộng, cao lớn giừơng ngà, giường vàng, mùng màn nhiều màu, đều chẳng ngồi nằm. Chẳng chứa tất cả thứ chiếu, mềm nhuyễn. Chẳng ngồi yên voi, yên ngựa. Chẳng dùng áo xiêm mịn nhuyễn tốt đẹp để trải giường nằm. Trên giường ngủ nghỉ chẳng để hai gối, cũng chẳng nhận chứa gối đỏ tốt đẹp, gối cây lộng chạm. Trọn chẳng nhìn xem đua voi, đua ngựa, đua xe, diễn binh, cũng chẳng coi xem hoặc nam, hoặc nữ, hoặc trâu, dê, gà, chim trĩ, chim két, đánh đá nhau. Cũng chẳng cố ý đi xem binh trận. Cũng chẳng cố ý nghe thổi ốc , thổi sừng, tiếng đờn cầm, đờn sắt, đờn tranh, ống địch, không hầu, ca ngâm, các thứ kỹ nhạc, trừ khi cúng dường Phật. Trọn chẳng xem chẳng làm tất cã những sự chơi đùa cờ bạc. Chẳng coi tướng tay chân mặt mắt, chẳng bói quẻ, xủ quẻ. Chẳng ngước xem hư không tinh tú, trừ khi muốn giải sự buồn ngủ. Chẳng làm sứ mạng cho nhà vua. Cũng chẳng đem lời người này truyền đến người kia, lời người kia truyền đến người này. Chẳng dua nịnh tà mạn để nuôi sống. Chẳng tuyên nói những việc của vua của quan, của kẻ trộm cướp, việc kiện cáo, việc uống ăn trong nước, trong xứ thất mùa đói khát, những việc khủng bố, những việc đặng mùa an ổn. Đây gọi là giới dứt sự cơ hiềm trong đời của Đại-Bồ-Tát.

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-Tát giữ gìn kỹ những điều giới ngăn chế như vậy đồng như giữ gìn những giới tính trọng.

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-Tát thọ trì những giới cấm như vậy rồi lại nguyện rằng: Thà đem thân này nhảy vào trong hầm lửa, trọn chẳng hủy phạm giới cấm của chư Phật ba đời mà cùng tất cả người nữ làm điều bất tịnh. Lại nguyền thà lấy sắt nóng vấn nơi thân, trọn chẳng dám đem thân phá giới để thọ y phục của tín tâm đàn việt. Lại nguyện thà nuốt hòn sắt cháy đỏ, trọn chẳng dám đem thân phá giới ăn các thực vật của tín tâm đàn việt. Lại nguyện thà đem thân này nằm trên sắt nóng trọn chẳng đem thân này thọ giừơng chiếu của tín tâm đàn việt. Lại nguyện thà đem thân này chịu ba trăm mũi mâu đâm, trọn chẳng dám đem thân phá giới thọ thuốc men của tín tâm đàn việt. Lại nguyện thà đem thân này nhảy vào vạc sắt nóng, chẳng dám đem thân phá giới thọ phòng nhà của tín tâm đàn việt. Lại nguyện thà dùng chùy sắt đập nát thân này từ đầu đến chân nát như tro bụi, chẳng đem thân phá giới thọ sự cung kính của mọi người. Lại nguyện thà dùng sắt nóng khoét đôi mắt, chẳng dùng nhiễm tâm nhìn sắc đẹp của người. Lại nguyện thà dùng dùi sắt đâm thủng lỗ tai, chẳng dùng nhiễm tâm nghe tiếng hay giọng tốt. Lại nguyện thà dùng dao bén cắt bỏ lỗ mũi, chẳng dùng nhiễm tâm tham ngữi những mùi thơm. Lại nguyện thà dùng dao bén cắt rách lưỡi mình, chẳng dùng nhiễm tâm tham vị ngon ngọt. Lại nguyện rằng thà dùng búa bén chặt chém thân thể, chẳng dùng nhiễm tâm tham chạm xúc êm dịu. Vì những sự trên đây có thể làm cho nhà tu hành đọa địa ngục, súc sinh, ngả-quỉ. Đây gọi là Đại-Bồ-Tát hộ trì cấm giới.

Đại Bồ-Tát hộ trì những cấm giới như vậy rồi, đều đem bố thí cho tất cả chúng sinh, nguyện cho chúng sinh hộ trì cấm giới, đặng giới thanh tịnh, giới thiện, giới chẳng thiếu, giới chẳng phân tích, giới đại-thừa, giới bất thối, giới tùy thuận, giới rốt ráo, thành tựu đầy đủ giới Ba-la-mật.

Này Thiện-nam-tử! Đại Bồ-Tát lúc tu trì giới thanh tịnh như vậy liền đặng trụ bậc sơ-bất-động. Thế nào gọi là bậc bất-động? Bồ-Tát trụ trong bậc bất-động này thời chẳng động, chẳng đọa, chẳng thối, chẳng tán.

Này Thiện-nam-tử! Ví như núi Tu-di, gió trốt gió bão, không thể làm lay động sụp đổ tan nát được. Cũng vậy, Đại-Bồ-Tát trụ trong bậc này, chẳng bị sắc, thanh, hương, vị, xúc, làm động, chẳng đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, chẳng lui xuống bậc Thanh-Văn, Bích-Chi Phật, chẳng bị dị-kiến tà phong làm tan, mà theo tà mạn để nuôi sống.

Lại bất động là chẳng bị tham dục, sân khuể, ngu si làm động. Lại bất đọa là chẳng đọa bốn tội trọng. Lại bất thối là chẳng lui bỏ giới để hoàn tục. Lại bất tán là chẳng bị người trái nghịch kinh Đại-thừa làm tan hoại.

Đại Bồ-Tát cũng chẳng bị các ma phiền não làm lay động, chẵng bị ma ngũ ấm làm đọa. Nhẫn đến ngồi nơi cội cây bồ-đề đạo tràng dầu có Thiên-ma chẳng thể làm Bồ-Tát thối bỏ vô thượng chính đẳng chính giác, cũng chẳng bị ma chết làm tan.

Này Thiện-nam-tử! Đây gọi là Bồ-Tát tu tập Thánh-hạnh. Thế nào gọi là Thánh-hạnh? Vì là chỗ thực hành của Phật và Bồ-tát nên gọi là Thánh-hạnh. Do cớ chi Phật và Bồ-Tát gọi là Thánh- nhân ? Vì những bậc này có Thánh-pháp, vì thường quán các pháp thể tính không tịch, do nghĩa này nên gọi là Thánh- nhân. Lại vì có thánh giới, thánh định, thánh huệ, nên gọi là thánh nhân. Lại vì có bảy thánh tài: Tín, giới, tàm, quí, đa văn, trí huệ, xả ly, nên gọi là thánh nhân. Lại vì có bảy thánh giác nên gọi là thánh nhân. Do nghĩa này nên lại gọi là thánh hạnh.

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-Tát thực hành thánh hạnh, quán sát thân này từ đầu đến chân trong đó chỉ có tóc, lông, móng, răng, hôi dơ chẳng sạch, da, thịt, gân, xương, tỳ, thận, tâm, phế, gan, mật, bao tử, ruột non, ruột già, tiểu tiện, đại tiện, nước mũi, nước miếng, nước mắt, óc, tũy, mủ, máu, mạch lạc. Lúc Bồ-Tát chuyên tâm quán sát như vậy: Cái gì là ngã, ngã thuộc về cái gì? Ngã ở chổ nào? Cái gì thuộc về ngã? Lại nghĩ rằng: Xương có phải là ngã chăng? Hay rời xương là ngã? Lúc đó Bồ-Tát trừ bỏ da thịt chỉ quán sát xương trắng lại suy xét sắc tướng của xương sai khác, là xanh, vàng, đỏ, trắng, xanh đen, xương như vậy cũng chẳng phải ngã, vì ngã chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng và xanh đen. Lúc Bồ-Tát chuyên tâm quán sát như vậy, liền dứt trừ đặng tất cả sắc dục. Lại nghĩ rằng: Những xương như vậy đều từ nhân duyên mà sinh. Nhờ xương bàn chân để gắn xương mắt cá do xương mắt ca để gắn xương ống quyển, nhân xương ống quyển dùng gắn xương đầu gối, nhân xương đầu gối để gắn xương đùi, do xương đùi kết với xương mông, nhờ xương mông dựng xương sống, nhờ xương sống kết xương sườn, trên xương sống có xương cổ, nhân xương cổ gắn xương hàm, nơi xương hàm cặm răng nanh, trên đó có xương sọ. Lại nhân xương cổ kết xương vai, nhân xương vai gắn xương cánh tay, đầu xương cánh tay gắn xương bắp tay, do xương bắp tay kết xương bàn tay, nhân xương bàn tay có xương ngón tay. Lúc Bồ-Tát quán sát như vậy, tất cả xương trong thân đều chia lìa. Quán sát như vậy rồi, liền dứt đặng ba thứ dục nhiễm: Một là sự dục nhiễm về hình mạo, hai là sự dục nhiễm về tư thái, ba là sự dục nhiễm về chạm xúc mịn màng.

Đại Bồ-Tát lúc quán sát xương màu xanh, thấy cõi đất khắp mười phương Đông, Tây, Nam, Bắc, bốn hướng trên, dưới thảy đều màu xanh cả. Lúc quán xương màu vàng, màu đỏ, màu trắng, màu xanh đen cũng như vậy.

Lúc Bồ-Tát quán sát như trên đây giữa chặn mày liền chiếu ra ánh sáng xanh, vàng, đỏ, trắng, xanh đen. Trong mỗi ánh sáng này Bồ-Tát thấy có tượng Phật, liền hỏi: Thân này do nhân duyên bất tịnh hòa hợp chung lại mà thành, sao lại đặng ngồi, nằm, đi, đứng, co duỗi, cúi, ngước xem, nháy, thở, buồn, khóc, vui, cười, trong thân này không chủ tể, ai sai sử có những việc như vậy? Vừa hỏi xong, chư Phật trong ánh sáng liền ẩn mất.

Bồ-Tát lại suy nghĩ: Hoặc thức tâm là ngã, nên chư Phật chẳng vì tôi mà nói. Lại quán sát thức tâm này thứ đệ sinh diệt dường như nước chảy cũng chẳng phải là ngã. Lại suy nghĩ nếu thức tâm chẳng phải là ngã, thời hơi thở ra vào hoặc có thể là ngã chăng? Lại suy nghĩ: Hơi thở ra vào chỉ là tính gió, mà tính gió là tứ đại, trong tứ đại, đại nào là ngã? Tính địa đại chẳng phải ngã, tính thủy, tính hỏa, tính phong cũng chẳng phải ngã. Lại suy nghĩ: Tất cả trong thân này đều không có ngã, chỉ có tâm niệm do nhân duyên hòa hiệp mà hiện ra có những tác dụng. Ví như sức bùa chú, ảo thuật làm ra. Cũng như ống không hầu tùy ý thổi ra tiếng. Thế nên thân này là bất tịnh, nhờ những nhân duyên hòa hiệp chung lại mà thành, thế thì sẽ ở chỗ nào mà sinh tham dục. Lại ở chỗ nào mà sinh giận hờn nếu bị người mắng nhục. Thân này của ta do ba mươi sáu vật hội hiệp, hôi nhơ bất tịnh, chỗ nào mà có người lãnh thọ sự mắng nhục. Nếu nghe tiếng mắng, bèn suy nghĩ, do tiếng tăm gì mà thành mắng nhiếc? Riêng mỗi mỗi tiếng chẳng thể thành mắng nhiếc. Nếu một tiếng chẳng thành, thời nhiều tiếng cũng chẳng thành. Do nghĩa này nên chẳng nên sinh lòng giận hờn.

Nếu có người đến đánh, cũng nên suy nghĩ, sự đánh đập này từ đâu mà có. Lại suy nghĩ: Nhân tay, dao, gậy, cùng với thân của ta nên gọi là đánh. Nay ta cớ sao lại giận hờn nơi người, bèn là thân ta tự chác lấy lỗi này, vì ta thọ thân ngũ ấm. Ví như nhân cái đích thời có mũi tên bắn trúng. Cũng vậy, do có thân ta, mới có sự đánh. Ta nếu chẳng có nhẫn, thời tâm tán loạn, tâm nếu tán loạn thời mất chính niệm, nếu mất chính niệm thời chẳng thể quan sát nghĩa lành cùng chẳng lành. Nếu chẳng thể quan sát nghĩa lành cùng chẳng lành thời phạm việc ác. Đã phạm việc ác tất phải đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ.

Lúc Bồ-Tát quán sát như vậy rồi, thời đặng Tứ niệm xứ. Đặng Tứ niệm xứ rồi thời đặng trụ nơi trong bậc kham nhẫn. Đại-Bồ-Tát trụ nơi bậc này thời có thể kham nhẫn những sự tham dục, sân khuể, ngu si. Cũng có thể kham nhẫn những sự lạnh, nóng, đói khát, muỗi mòng, rận, rệp, gió dữ, đụng chạm, thô cứng, các thứ tật dịch, chửi rủa mắng nhiếc, đánh đập khổ sở tất cả những sự khổ não nơi thân, nơi tâm đều có thể nhẫn. Vì thế nên gọi là trụ bậc kham nhẫn.

Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Bồ-Tát chưa trụ đặng bậc bất động, lúc trì tịnh giới, có nhân duyên gì đặng phá giới chăng?

- Này Thiện-nam-tử! Bồ-Tát chưa đặng trụ bậc bất động, vì có nhân duyên thời có thể đặng phá giới.

- Bạch Thế-Tôn! Nhân duyên như thế nào?

- Này Thiện-nam-tử! Nếu Bồ-Tát biết rằng do nhân duyên phá giới, thời có thể làm cho người ưa thích thọ trì kinh điển đại-thừa, lại có thể làm cho người đọc tụng thông thuộc, biên chép quyển kinh, giảng thuyết rộng ra, chẳng thối chuyển nơi vô thượng chính giác. Vì cớ như vậy nên đặng phá giới. Lúc đó Bồ- Tát nên nghĩ rằng: Ta thà chịu tội đọa nơi A-Tỳ địa ngục, một kiếp hoặc dưới một kiếp, cần phải làm cho người như vậy chẳng thối chuyển nơi vô thượng chính giác. Do nhân duyên này Bồ-Tát đặng phá tịnh giới.

Văn-Thù-Sư-Lợi Bồ-Tát bạch Phật: Thế-Tôn! Nếu có Bồ-Tát nhiếp thủ hộ trì người như vậy, làm cho chẳng thối chuyển tâm Bồ-Đề, quyết không vì duyên cớ ấy phá giới mà bị đọa A-Tỳ.

Phật khen Văn-Thù Sư-Lợi: “Lành thay! Lành thay! Đúng như lời ông vừa nói. Ta nhớ thuở xưa, nơi Diêm-Phù-Đề này, ta làm Đại Quốc-Vương, tên là Tiên- Dư. Nhà vua mến ưa kính trọng kinh điển Đại-thừa, tâm vua thuần thiện, không có tật ác, tật đố, san lẫn, miệng vua thường nói lời dịu dàng, lời lành, thân vua thường nhiếp hộ kẻ nghèo cùng cô độc. Bố thí, tinh tấn, không ngừng nghỉ.

Thuở đó không có Phật ra đời, cũng không Thanh-Văn, Duyên Giác. Nhà vua ưa thích kinh điển Đại-thừa Phương-đẳng, trong mười hai năm phụng thờ Bà-La- Môn, cung cấp những đồ cần dùng. Qua khỏi mười hai năm, nhà vua bảo Bà-La- Môn các ngài nay phải phát tâm vô thượng bồ-đề. Bà-La-Môn đáp: Tâu Đại-vương tính bồ-đề là không chỗ có, kinh điển Đại-thừa cũng như vậy. Sao Đại-vương muốn cho người cùng vật đồng như hư không.

Nhà vua lúc đó tâm tôn trọng Đại-thừa, nghe Bà-La-Môn hủy báng Phương- đẳng Đại-thừa, bèn giết Bà-La-Môn.

Này Thiện-nam-tử! Do nhân duyên trên đây, từ đó trở đi, ta chẳng bị đọa địa ngục.

Này Thiện-nam-tử! Ủng hộ nhiếp trì kinh điển Đại-thừa, bèn có vô lượng thế lực như vậy.

Phật lại bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: “Có thánh hạnh là tứ thánh đế: Khổ, tập, diệt, đạo. Khổ là tướng bức bách. Tập là tướng có thể sinh trưởng. Diệt là tướng tịch diệt. Đạo là tướng đại-thừa. Lại khổ là hiện tướng. Tập là chuyển tướng. Diệt là trừ tướng. Đạo là năng trừ tướng. Lại khổ có ba tướng: Tướng khổ khổ, tướng hành khổ, tướng hoại khổ. Tập là hai mươi lăm cõi. Diệt là diệt dứt hai mươi lăm cõi. Đạo là tu tập giới, định, huệ.

Này Thiện-nam-tử! Pháp hữu lậu có hai thứ: Có nhân, có quả. Pháp vô lậu cũng có hai thứ: Có nhân, có quả.

Quả hữu lậu thời gọi là khổ. Nhân hữu lậu thời gọi là tập. Quả vô lậu thời gọi là diệt. Nhân vô lậu thời gọi là đạo.

Này Thiện-nam-tử! Có tám tướng gọi là khổ: Sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tằng hội khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ ấm thịnh khổ. Có thể sinh ra tám thứ khổ như vậy gọi đó là “Tập”. Nơi không có tám thứ khổ như vậy đây gọi là “Diệt”. Mười trí lực, bốn vô-sở-úy ba niệm xứ, đại-bi, đây gọi là “Đạo”.

Sinh là tướng sinh ra có năm: Một là mới sinh ra, hai là đến rốt sau, ba là tăng trưởng, bốn là xuất thai, năm là chủng loại sinh.

Lão có hai thứ: Một là niệm niệm lão, hai là chung thân lão. Lại có hai: Một là tăng trưởng lão, hai là diệt hoại lão.

Bệnh là nói tứ đại chẳng điều thích lẫn nhau cũng có hai: Một là thân bệnh, hai là tâm bệnh. Thân bệnh có năm: Một là nhân nơi nước, hai là nhân nơi gió, ba là nhân nơi nhiệt, bốn là tạp bệnh, năm là khách bệnh. Khách bệnh có bốn: Một là chẳng phải phận sự gắng gỗ làm, hai là vì quên lầm mà té ngã, ba là dao gậy ngói đá, bốn là quỉ mị dựa. Tâm bệnh cũng có bốn: Một là hớn hở, hai là sợ sệt, ba là lo rầu, bốn là ngu si.

Này Thiện-nam-tử! Thân bệnh, tâm bệnh phàm có ba thứ: Một là nghiệp báo, hai là xa lìa chẳng đặng ác-đối, ba là thời tiết thay đổi. Sinh ra các thứ nhân duyên danh tự thọ bệnh sai khác như vậy. Nhân duyên là những bệnh phong v.v…, danh tự là buồn nôn, phổi sưng, hơi lên, ho hen, tim nhảy, chảy kiết. Thọ sai khác là: Nhức đầu, đau mắt, đau tay, đau chân, v.v… , đây gọi là bệnh.

Tử là bỏ thân đã thọ. Bỏ thân cũng có hai: Một là căn mạng hết mà chết, hai là do duyên ngoài là chất mạng hết mà chết. Mạng hết mà chết có ba: Một là mạng hết chẳng phải phước hết, hai là phước hết chẳng phải mạng hết, ba là phước mạng đều hết. Duyên ngoài chết cũng có ba: Một là chẳng phải phần tự hại mà chết, hai là bị kẻ khác hại chết, ba là do mình và kẻ khác mà chết. Lại có ba thứ chết: Một là phóng dật mà chết, hai là phá giới mà chết, ba là mạng căn hư hoại mà chết. Những gì gọi là phóng dật mà chết? Nếu có hủy báng Đại-thừa Phương-đẳng Bát-nhã-ba-la-mật, đây gọi là phóng dật mà chết. Những gì gọi là phá giới mà chết? Hủy phạm giới cấm của chư Phật ba đời, đây gọi là phá giới mà chết. Những gì gọi là mạng căn hư hoại mà chết? Bỏ thân ngũ ấm, đây gọi là mạng căn hư hoại mà chết. Do đây nên gọi rằng chết là rất khổ.

Những gì gọi là ái biệt ly khổ? Những vật mến yêu bị hư hoại lìa tan. Vật mến yêu hư hoại lìa tan đó cũng có hai thứ: Một là ngũ ấm trong loài người hư hoại, hai là ngũ ấm trong cõi trời hư hoại. Ngũ ấm mến yêu trong cõi người cỏi trời phân biệt tính đếm có vô lượng thứ. Đây gọi là ái biệt ly khổ.

Những gì gọi oán-tằng-hội khổ? Tức là chẳng yêu thương mà hội họp cùng nhau, chẳng yêu thương hội họp này cũng có ba: Địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh. Ba ác thú như vậy phân biệt tính đếm có vô lượng thứ. Đây gọi là oán tằng hội khổ.

Những gì gọi là cầu bất-đắc khổ? Cũng có hai thứ: Một là chỗ trông mong được mà cầu chẳng được, hai là tốn nhiều công lực mà chẳng đặng kết quả. Đây gọi là cầu bất đắc khổ.

Những gì gọi là ngũ-ấm thịnh khổ? Chính là sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái-biệt-ly khổ, oán-tắng-hội khổ, cầu-bất-đắc khổ. Đây gọi là ngũ ấm thịnh khổ.

Này Thiện-nam-tử! Sinh làm cội gốc có ra lão khổ nhẫn đến ngũ ấm thịnh khổ, bảy khổ như vậy.

Này Thiện-nam-tử! Luận về sự già suy, chẳng phải tất cả đều có. Phật cùng Chư Thiên một bề quyết định không, trong loài người thời chẳng nhứt định, hoặc có hoặc không.

Này Thiện-nam-tử! Thọ thân trong ba cõi không ai chẳng có sinh, cho nên sinh là cội gốc của tất cả thân. Còn già thời chẳng quyết định.

Chúng sinh trong thế gian, do điên đảo che mờ tâm tính, nên tham đắm nơi sinh mà nhàm lo già chết. Bồ-Tát chẳng như vậy. Bồ-Tát quán sát thân mới sinh đã thấy nỗi khổ.

Này Thiện-nam-tử! Như có người nữ vào nhà người khác. Người nữ này xinh đẹp chuỗi ngọc trang nghiêm nơi thân. Chủ nhà hỏi rằng: Nàng tên là gì, thuộc nơi ai? Người nữ đáp rằng: Thân tôi tức là Công Đức Đại-Thiên.

Chủ nhà hỏi: Nàng đến để làm gì?

Người nữ đáp: Chỗ nào tôi đến, tôi có thể cho các thứ vàng, bạc, lưu-ly, pha lê, chơn châu, san hô, hổ phách, xa cừ, mã não, voi, ngựa, xe cộ, tôi tớ.

Chủ nhà nghe rồi vui mừng hớn hở: Nay ta phước đức, nên khiến nàng này đến nhà ta. Liền bèn đốt hương, rải hoa cúng dường, cung kính lễ bái.

Lại thấy ngoài cửa có một người nữ hình dạng xấu xa, áo xiêm rách nát, do thứa nức nẻ, sắc mặt xám trắng, dơ dáy hôi hám. Chủ nhà hỏi: Nàng tên gì, thuộc về ai?

Cô gái đáp: Tôi tên Hắc-ám.

- Tại sao tên Hắc-ám?

- Tôi đi đến chỗ nào có thể làm cho nhà đó hao tài, tốn của.

Chủ nhà nghe xong bèn cầm dao bén bảo rằng: Nàng nếu chẳng đi, ta sẽ chém chết.

Cô gái nói: Ông ngu si lắm, không có trí huệ.

Chủ nhà hỏi: Tại sao nói ta là ngu si không có trí huệ.

Cô gái đáp: Người đẹp đứng trong nhà ông chính là chị của tôi. Tôi thường đi chung với chị, nếu ông đuổi tôi cũng phải đuổi chị tôi.

Chủ nhà trở vô hỏi Công-Đức-Thiên: Ngoài cửa có cô gái nói là em của nàng có phải vậy chăng?

Công-Đức-Thiên nói: Thiệt là em gái tôi, tôi cùng đi chung với nó, chưa có lúc nào lìa nhau. Tùy ở chỗ nào tôi thường làm việc tốt, còn nó thường làm việc xấu. Tôi thường làm việc lợi ích, còn nó luôn làm sự suy hao. Nếu ai yêu tôi cũng phải yêu nó. Nếu cung kính tôi, cũng phải cung kính nó.

Chủ nhà liền nói: Nếu có cả sự tốt lẫn sự xấu như vậy, thời ta chẳng cần, hai nàng nên tùy ý đi đi.

Lúc đó hai người nữ cùng dắt nhau trở về. Chủ nhà thấy cả hai đi rồi, trong lòng rất vui mừng hớn hở.

Bây giờ hai người nữ lại cùng dắt nhau đến một nhà nghèo. Người nghèo này lòng rất vui mừng mời rằng: Từ nay trở đi, xin hai nàng ở luôn nhà tôi.

Công-Đức-Thiên nói: Chúng tôi vừa bị người xua đuổi, cớ sao ông lại mời chúng tôi ở?

Người nghèo nói: Nay nàng tưởng đến tôi, vì nàng nên tôi phải kính cô kia, vì thế nên tôi mời cả hai ở nơi nhà tôi.

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-Tát cũng như vậy, chẳng nguyện sinh cõi trời, vì sinh thời có già, bệnh, chết, thế nên đều bỏ. Không chút tâm luyến ái. Kẻ phàm phu chẳng biết lỗi lầm khổ hoạn của già, bệnh, chết nên họ tham luyến sinh tử.

Này Thiện-nam-tử! Như đứa trẻ dòng Bà-La-Môn đương lúc quá đói thấy trong đống phân có trái Am-la, bèn lượm lên. Người trí ngó thấy quở rằng: Người là Bà-La-Môn, giòng giống thanh tịnh, cớ sao lại lượm trái nhơ trong đống phân. Đồng tử nghe xong hổ thẹn nói: “Tôi thiệt chẳng ăn, muốn đem trái ấy rửa sạch rồi ném bỏ”. Người trí nói: “Ngươi ngu si quá, nếu rồi sẽ ném bỏ, đáng lẽ chẳng nên lượm lấy.”

Này Thiện-nam-tử! Đại-Bồ-tát cũng như vậy, đối với vấn đề sinh chẳng lãnh thọ, cũng chẳng dứt bỏ, như người trí kia quở trách đứa trẻ. Kẻ phàm phu thích sinh ghét tử, như đứa trẻ kia lượm trái dơ rồi trở lại bỏ.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6442467
Số người trực tuyến: