Trang 01 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trang 01

PHẨM PHẠM HẠNH THỨ HAI MƯƠI

(Hán bộ trọn quyển 14, 15, 16, 17 và phần đầu quyển thứ 18)

Trang 01

Này Thiện nam tử! Bồ-Tát-Ma-Ha-Tát tu phạm hạnh như thế nào? Bồ-Tát-Ma-Ha-Tát trụ nơi Đại-thừa Đại Niết Bàn, trụ bảy pháp lành thời phạm hạnh đầy đủ.

Bảy pháp lành là: Một là biết pháp, hai là biết nghĩa, ba là biết giờ, bốn là biết tri túc, năm là biết mình, sáu là biết chúng, bảy là biết tôn ty.

Bồ-Tát-Ma-Ha-Tát như thế nào gọi là biết phápnày Thiện nam tử! Bồ Tát này biết mười hai bộ kinh tức là Tu Đa La, Kỳ Dạ, Thọ Ký, Dà Đà, Ưu Đà Na, Ni Đà Na, A Ba Đà Na, Y Đế Mục Đà Na, Xà Đà Dà, Tỳ Phật Lược, A Phù Đà Đạt Ma, Ưu Bà Đề Xá.

Đây là khế kinh Tu Đa La: Từ “như thị ngã văn nhẫn đến câu hoan hỷ phụng hành” tất cả như vậy gọi là Tu Đa La kinh (trường hàng). Đây là Kỳ-dạ: Phật bảo các Tỳ kheo ngày xưa ta cùng các ông ngu si không trí huệ, chẳng thể thấy bốn chân đế đúng như thật, nên lưu chuyển mãi trong biển khổ sinh tử. Bốn chân đế là: Khổ Đế, Tập Đế, Diệt Đế, và Đạo Đế.

Ngày xưa đức Phật vì các Tỳ Kheo nói khế kinh xong lại có hàng chúng sinh căn trí sáng tỏ, vì muốn nghe pháp nên đến chỗ Phật hỏi mọi người rằng, đức Như Lai vừa rồi nói những việc gì? Lúc đó Phật vì hàng chúng sinh ấy đem kinh vừa giảng nói thành kệ tụng:

Ta xưa cùng các ông,

Chẳng thấy bốn chân đế,

Nên phải lưu chuyển mãi,

Trong biển khổ sinh tử,

Nếu thấy được bốn đế,

Thời dứt đặng sinh tử.

Sinh tử đã hết rồi,

Chẳng còn thọ thân nữa.

Kệ tụng trên đây gọi là Kỳ-Dạ kinh (trùng tụng).

Những gì gọi là thọ ký? Như có lúc đức Như Lai nói kinh hay luật, vì các hàng trời hay người mà thọ ký sẽ làm Phật. Như nói: “Đời sau có vua hiệu là Nhương Khư, ông A Dật Đa sẽ ở cõi này thành bậc chính giác hiệu là Di Lặc Phật. Đây gọi là thọ ký kinh.

Những gì gọi là Dà Đà? Trừ trường hàng và các giới luật, ngòai ra những bài kệ bốn câu như:

Các điều ác chớ làm,

Phụng hành những điều lành,

Lóng sạch tâm ý mình,

Là lời dạy của Phật.

Trên đây gọi là Dà Đà kinh (kệ cô khởi).

Những gì gọi là Ưu Đà Na? Như đức Phật lúc xế chiều nhập thiền định, vì chư thiên giảng rộng các pháp yếu. Lúc đó các Tỳ- kheo đều nghĩ rằng: Giờ đây đức Như Lai đang làm việc gì?

Sáng ngày sau, đức Như Lai xuất định, không ai hỏi, dùng tha tâm trí mà tự nói rằng: Này các Tỳ-kheo: Tất cả chư thiên thọ mạng rất dài. Lành thay! Các Tỳ- kheo biết vì người, chẳng cầu tư lợi, biết thiểu dục, biết tri túc, được tịch tịnh.

Những kinh như trên đây không ai hỏi đức Phật tự giảng nói đó gọi là Ưu Đà Na kinh (tự thuyết).

Những gì là Ni Đà Na? Như trong các kinh do nhân duyên Phật vì người khác diễn nói. Lệ như: Trong nước Xá Vệ có một chàng trai giăng lưới bắt chim, bắt đặng chim nhốt trong lồng, cho ăn lúa uống nước rồi lại thả đi. Đức Thế Tôn biết nhân duyên đó mà nói kệ rằng:

Chớ khinh tội nhỏ,

Cho là không họa,

Giọt nước dầu nhỏ,

Lần đầy lu lớn.

Như trên đây gọi là Ni Đà Na kinh (nhân duyên).

Những gì là A Ba Đà Na? Như những thí dụ trong luật nói.

Những gì là Y Đế Mục Đa Dà! Lệ như đức Phật nói: này các Tỳ-kheo! Lúc ta xuất thế những điều ta dạy bảo gọi là giới kinh. Lúc đức Câu Lưu Tôn Phật xuất thế lời Phật dạy gọi là trống Cam-lồ. Lúc đức Phật Câu Na Hàm Mâu Ni xuất thế lời Phật dạy gọi là Pháp cảnh.

Lúc đức Phật Ca Diếp xuất thế lời Phật dạy gọi là Phân biệt không.

Như trên đây gọi là Y Đế Mục Đa Dà kinh (bổn sự).

Những gì là Xà Đà Dà? Lệ như đức Phật xưa kia làm vị Bồ Tát tu khổ hạnh. Như Phật nói :này các Tỳ kheo! Thuở quá khứ ta từng làm nai, làm gấu, làm cheo, làm thỏ, làm quốc vương, làm Chuyển Luân Thánh Vương, làm rồng, làm kim súy điểu v.v… Như trên đây gọi là Xa Đà Dà kinh (bổn sinh).

Những gì là Tỳ Phật Lược? Tức là những kinh điển thuộc về Đại thừa Phương đẳng nghĩa lý rộng lớn dường như hư không (phương quảng).

Những gì là vị tằng hữu? Lệ như lúc đức Bồ Tát mới sinh không ai đỡ dắt mà tự đi bảy bước, phóng quang minh lớn ngó khắp mười phương. Lệ như con vượn tay bưng bát mật dâng cúng đức Như Lai. Lệ như chó cổ trắng đến bên Phật nghe pháp. Lệ như ma vương Ba Tuần biến làm trâu xanh đi trong bát sành, làm cho các bát sành đụng chạm lẫn nhau mà không nứt bể. Lệ như Phật lúc mới sinh lúc vào thiên miếulàm cho thiên tượng đứng dậy bước xuống đảnh lễ.

Những đoạn kinh như trên đây gọi là Vị Tằng Hữu kinh.

Những gì là Ưu Ba Đề Xá? Lệ như đức Phật lúc nói kinh hoặc luận nghĩa cùng phân biệt giảng rộng biện luận các tướng mạo, đây gọi là Ưu Ba Đề Xá kinh (luận nghị).

Bồ Tát nếu có thể rõ biết mười hai bộ kinh như vậy thời gọi là biết pháp.

Bồ Tát Ma Ha Tát như thế nào gọi là biết nghĩa? Nếu Bồ Tát ở nơi tất cả văn tự ngữ ngôn biết rộng những ý nghĩa thời gọi là biết nghĩa.

Bố Tát Ma Ha Tát thế nào là biết giờ? Bồ Tát khéo biết trong những giờ như vậy có thể tu tịch tịnh, trong những giờ như vậy có thể tu tinh tấn, trong những giờ như vậy có thể tu xả định, trong những giờ như vậy có thể cúng dường Phật, trong những giờ như vậy có thể cúng dường Sư trưởng, trong những giờ như vậy có thể tu hạnh bố thí, trì giới nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, đầy đủ Bát Nhã Ba La Mật. Như trên đây gọi là biết giờ.

Bồ Tát Ma Ha Tát như thế nào gọi là tri túc?

Bồ Tát biết đủ đối với những việc dưới đây: Uống ăn, y phục, thuốc men, đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói, nín. Như trên đây gọi là tri túc.

Bồ Tát Ma Ha Tát như thế nào gọi là biết mình? Vị Bồ Tátnày tự biết rằng ta có đức tin như vậy, có giới như vậy, có đa văn như vậy, có xả như vậy, có huệ như vậy, có đi đến như vậy, có chính niệm như vậy, có hạnh lành như vậy, hỏi như vậy, đáp như vậy, như trên đây gọi là biết mình.

Bồ Tát Ma Ha Tát như thế nào gọi là biết người? Bồ Tát này biết những người đây là hàng Sát Đế Lợi, là hàng Bà La Môn, là hàng Cư Sĩ, là hàng Sa Môn. Nên ở trong chúng này đi đến như vậy, ngồi đứng như vậy, thuyết pháp như vậy, hỏi đáp như vậy. Như trên đây gọi là biết người.

Bồ Tát Ma Ha Tát thế nào gọi là biết người bậc tôn bậc ty? Người có hai hạng: Một là có tín tâm, hai là chẳng có tín tâm. Bồ Tát phải biết người có tín tâm thời là người lành, người chẳng có tín tâm thời chẳng gọi là người lành.

Người có tín tâm lại có hai hạng: Một là người thường đến chùa chiền, hai là người chẳng đến chùa, Bồ Tát phải biết người đến chùa là lành, người chẳng đến chùa thời chẳng gọi là lành.

Người đến chùa lại có hai hạng: Một là lễ bái, hai là chẳng lễ bái, Bồ Tát phải biết người lễ bái là lành, người chẳng lễ bái thời chẳng gọi là lành.

Người lễ bái lại có hai hạng: Một là nghe pháp, hai là chẳng nghe pháp. Bồ Tát phải biết người nghe pháp là lành, người chẳng nghe pháp thời chẳng gọi là lành.

Người nghe pháp lại có hai hạng: Một là hết lòng lóng nghe, hai là chẳng hết lòng. Bồ Tát phải biết người hết lòng nghe thời gọi là lành, người chẳng hết lòng nghe thời chẳng gọi là lành.

Hết lòng nghe pháp lại có hai hạng: Một là suy ngẫm ý nghĩa, hai là chẳng suy gẫm ý nghĩa. Bồ Tát phải biết người gẫm nghĩa là lành, người chẳng gẫm nghĩa thời chẳng gọi là lành.

Người gẫm nghĩa lại có hai hạng: Một là đúng như lời nói thật hành, hai là chẳng thật hành đúng như lời nói. Người thật hành gọi là lành, người chẳng thật hành thời chẳng gọi là lành.

Thật hành đúng như lời nói lại có hai hạng: Một là cầu quả Thanh Văn chẳng có thể lợi ích an lạc tất cả chúng sinh khổ não, hai là hồi hướng Đại thừa vô thượng, lợi ích mọi người làm cho đặng an lạc. Bồ Tát phải biết lợi ích mọi người làm cho đặng an lạc là điều lành vô thượng.

Nầy Thiện nam tử! Như trong các châu báu, như ý bảo châu tốt đẹp hơn tất cả. Như trong các mùi vị, chất cam lồ là hơn hết. Bồ Tátnày ở nơi trong hàng trời người là bậc hơn tất cả không gì ví dụ được.

Như trên đây gọi là bậc Đại Bồ Tát trụ nơi kinh Đại Thừa Đại Niết Bàn an trụ nơi bảy pháp lành. Bồ Tát trụ nơi bảy pháp lànhnày thời đặng đầy đủ phạm hạnh.

Nầy Thiện nam tử! Lại có phạm hạnh gọi là từ, bi, hỷ, xả.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Nếu người tu hạnh từ có thể dứt sân khuể. Người tu lòng bi cũng dứt được sân khuể. Sao lại nói là bốn tâm vô lượng. Xét theo nghĩa đó thời lẽ ra chỉ có ba.

Thế Tôn! Lòng từ có ba duyên: Một là duyên chúng sinh, hai là duyên nơi pháp, ba thời duyên không. Lòng bi, hỷ, xả, cũng ba duyên như vậy, nếu theo nghĩanày thời lẽ ra chỉ có ba chẳng nên có bốn.

Duyên chúng sinh là duyên nơi thân ngũ ấm nguyện cho họ được vui. Duyên nơi pháp là những vật chúng sinh cần dùng đem ban cho họ. Không duyên tức là duyên nơi Như-Lai.

Lòng từ thời phần nhiều duyên nơi chúng sinh nghèo cùng. Đức Như Lai Đại Sư lìa hẳn sự nghèo cùng hưởng sự vui đệ nhứt. Nếu duyên chúng sinh thời chẳng duyên nơi Phật, Pháp cũng như vậy. Vì do nghĩa này nên duyên Như Lai gọi là không duyên.

Thế Tôn! Lòng từ duyên tất cả chúng sinh, như duyên cha mẹ, vợ con, thân thuộc. Do nghĩa này nên gọi là chúng sinh duyên.

Pháp duyên là chẳng thấy cha mẹ, vợ con, thân thuộc. Thấy tất cả pháp đều từ nơi duyên sinh ra. Đây gọi là pháp duyên.

Vô duyên là chẳng trụ nơi pháp tướng và chúng sinh tướng.

Từ, bi, hỷ, xả, đều duyên như vậy, vì thế nên lẽ ra chỉ có ba chẳng nên có bốn.

Thế Tôn! Người có hai hạng: Một là kiến hành, hai là ái hành. Người kiến hành nhiều tu từ bi, người ái hành nhiều tu hỉ xả. Vì thế nên đáng lẽ có hai chẳng nên có bốn.

Thế Tôn! Luận về vô lượng gọi là vô biên. Vì chẳng thể được biên bờ nên gọi là vô lượng. Nếu là vô lượng thời lẽ ra nên có một chẳng nên nói là bốn.

Nếu nói là bốn đâu đặng vô lượng. Vì thế nên là một chẳng nên là bốn vậy”.

Phật bảo Ca Diếp Bồ Tát: “Này Thiện nam tử! Chư Phật Như Lai vì mọi loài chúng sinh mà giảng nói pháp yếu. Lời của Phật bí mật khó hiểu biết được. Hoặc vì chúng sinh nói một nhân duyên. Như nói những gì là một nhân duyên tức là tất cả pháp hữu vi.

Hoặc nói hai thứ là nhân cùng quả.

Hoặc nói ba thứ là phiền não, nghiệp và khổ.

Hoặc nói bốn thứ là vô minh, hành, sinh, và lão tử.

Hoặc nói năm thứ là thọ, ái, thủ, hữu và vô sinh.

Hoặc nói sáu thứ là nhân quả ba đời.

Hoặc nói bảy thứ là thức, danh sắc, lục nhập xúc, thọ, ái, và thủ. Hoặc nói tám thứ là trong mười hai nhân duyên trừ vô minh, hành, sinh và lão tử.

Hoặc nói chín thứ như trong Thánh kinh nói mười hai nhân duyên trừ vô minh, hành và thức.

Hoặc nói mười một thứ như trong kinh Tát Giá Ni Kiền Tử nói mười hai nhân duyên trừ sinh.

Hoặc có lúc nói đủ cả mười hai nhân duyên. Như nơi thành Vương Xá vì Ca Diếp v.v… nói vô minh nhẫn đến sinh, lão, bịnh, tử.

Nầy Thiện nam tử! Như một nhân duyên vì chúng sinh nên phân biệt nhiều thứ, vô lượng tâm cũng như vậy.

Nầy Thiện nam tử! Vì do nghĩanày đối với hạnh thâm mật của Như Lai chẳng nên sinh nghi.

Đức Như Lai có phương tiện lớn: Vô thường nói là thường, thường nói là vô thường, nói vui là khổ, nói khổ là vui, bất tịnh nói là tịnh, tịnh nói là bất tịnh, ngã nói là vô ngã, vô ngã nói là ngã, nơi vô tình nói là hữu tình, nơi hữu tình nói là vô tình, chẳng phải vật nói là vật, vật nói là chẳng phải vật, chẳng phải thiệt nói là thiệt, thiệt nói là chẳng phải thiệt, chẳng phải cảnh nói là cảnh, cảnh nói là chẳng phải cảnh, chẳng phải sinh nói là sinh, sinh nói là chẳng phải sinh, nhẫn đến vô minh nói là minh, minh nói là vô minh, sắc nói là chẳng phải sắc, chẳng phải sắc nói là sắc, chẳng phải đạo nói là đạo, đạo nói là chẳng phải đạo.này thiện nam tử! Đức Như Lai vì điều phục chúng sinh dùng vô lượng phương tiện như vậy há lại là hư vọng ư!

Hoặc có chúng sinh tham của cải, đối với người đó ta tự hóa thân mình làm vua Chuyển Luân, theo chỗ cần dùng của người đó cung cấp các thứ vật dụng trong nhiều năm, rồi sau giáo hoá nó, cho nó được trụ nơi vô thượng chính đẳng chính giác.

Nếu có chúng sinh tham đắm ngũ dục, trong nhiều năm ta đem ngũ dục cung cấp nó, rồi sau khuyến hoá, cho nó trụ nơi vô thượng chính đẳng chính giác.

Nếu có chúng sinh sang giàu, thời ta trong nhiều năm vì người đó mà làm tôi tớ hầu hạ cho người đó vừa lòng, rồi sau khuyến hoá người đó trụ nơi vô thượng chính đẳng chính giác.

Nếu có chúng sinh cứng cỏi tự thị cần có người can gián, thời ta trong nhiều năm can ngăn khuyên dạy, làm cho tâm người đó điều thuận rồi sau khuyến hoá người đó trụ nơi vô thượng chính đẳng chính giác.

Này Thiện nam tử! Đức Như Lai trong vô lượng năm dùng mọi thứ phương tiện làm cho chúng sinh được trụ nơi vô thượng chính đẳng chính giác như vậy há lại hư vọng ư!

Chư Phật Như Lai dầu ở trong chỗ ác nhưng như hoa sen không bị nhiễm ô.

Nầy Thiện nam tử! Nên biết nghĩa của bốn tâm vô lượng cũng như vậy, tâm vô lượngnày thể tính có bốn. Nếu có người tu hành thời sinh lên cõi trời Đại Phạm.

Tâm vô lượng này có bốn loại, nên nói là bốn.

Luận về người tu lòng từ có thể dứt tham dục. Người tu lòng bi có thể dứt sân khuể. Người tu lòng hỷ có thể dứt sự chẳng vui. Người tu lòng xả có thể dứt tham dục và sân khuể.

Nầy Thiện nam tử! Do nghĩanày nên được gọi là bốn, chẳng phải một, hai cũng chẳng phải ba.

Nầy Thiện nam tử! Như lời ông nói lòng từ có thể dứt được sân, lòng bi cũng như vậy nên nói là ba đó, ông chẳng nên nạn như vậy. Sân khuể có hai thứ: Một là giết chết, hai là đánh đập. Tu lòng từ thời dứt được sự giận giết chết. Tu lòng bi thời dứt được sự giận đánh đập. Do nghĩa đó há lại chẳng phải là bốn ư!

Sân lại có hai thứ: Một là sân với chúng sinh, hai là sân với chẳng phải chúng sinh. Người tu lòng từ dứt được sự sân với chúng sinh. Người tu lòng bi dứt được sự sân với chẳng phải chúng sinh.

Sân lại có hai thứ: Một là có nhân duyên, hai là không nhân duyên.

Tu lòng từ dứt được sự sân có nhân duyên. Tu lòng bi dứt được sự sân không nhân duyên.

Sân lại có hai thứ: Một là tập quán quá khứ, hai là tập quán hiện tại, tu lòng từ dứt được sân quá khứ. Tu lòng bi dứt được sân hiện tại.

Sân lại có hai thứ: Một là sân thánh nhân hai là sân phàm phu. Tu lòng từ dứt được sân thánh nhân. Tu lòng bi dứt được sân phàm phu.

Sân lại có hai thứ: Một là thượng hai là trung. Tu lòng từ dứt được sân hạng thượng. Tu lòng bi dứt được sân hạng trung.

Này Thiện nam tử! Do nghĩanày nên gọi là bốn, đâu đặng nạn rằng: Nên ba chẳng nên bốn. Thế nên tâm vô lượngnày loại của nó đối nhau phân biệt làm bốn.

Lại do vì căn khí nên thành bốn: Căn khí nếu có tâm từ thời chẳng đặng có tâm bi, hỷ, xả. Vì do nghĩa này nên phải là bốn không bớt được.

Nầy Thiện nam tử! Do thật hành sai khác nên phải có bốn. Nếu lúc thật hành hạnh từ không có hạnh bi, hỷ, xả, vì thế nên cóø bốn.

Nầy Thiện nam tử! Do vì vô lượng cũng đặng gọi là bốn. Luận về vô lượng thì có bốn thứ: Có tâm vô lượng, có duyên chẳng tự tại, có tâm vô lượng tự tại, chẳng phải duyên, có tâm vô lượng cũng duyên cũng tự tại, có tâm vô lượng chẳng phải duyên chẳng phải tự tại.

Thế nào là tâm vô lượng có duyên chẳng tự tại? Duyên nơi vô lượng vô biên chúng sinh mà chẳng đặng chính định tự tại, dầu đặng chính định nhưng hoặc đặng hoặc mất.

Thế nào là tâm vô lượng tự tại chẳng phải duyên? Như duyên cha mẹ, anh em, chị em, muốn làm cho được an vui, chẳng phải là duyên vô lượng.

Thế nào là tâm vô lượng cũng duyên cũng tự tại? Tức là nói chư Phật Bồ Tát.

Thế nào tâm vô lượng chẳng phải duyên chẳng tự tại? Hàng Thanh Văn Duyên Giác chẳng có thể duyên rộng vô lượng chúng sinh cũng chẳng phải tự tại.

Nầy Thiện nam tử! Do nghĩa đây nên gọi là bốn thứ vô lượng, chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết được, đây là cảnh giới của chư Phật.

Bốn thứ vô lượng như vậy, hàng Thanh Văn Duyên Giác dầu gọi là vô lượng, nhưng chỉ chút ít không đáng kể. Chư Phật và Bồ Tát thời đặng gọi là vô lượng vô biên.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Phải lắm! Phải lắm! Thiệt đúng như lời dạy của Phật. Bao nhiêu cảnh giới của Như Lai, chẳng phải hàng Thanh Văn Duyên Giác biết đến được. Thế Tôn! Có Bồ Tát nào trụ nơi Đại thừa Đại Niết Bàn đặng tâm từ bi mà chẳng phải là tâm đại từ đại bi chăng?”.

Phật nói: “Có.này Thiện nam tử! Bồ Tát nếu đối trong hàng chúng sinh phân biệt ba hạng: Một là người thân yêu, hai là kẻ oán ghét, ba là người không thương không ghét. Đối trong những người thương yêu lại chia ba hạng: Thượng, trung, hạ. Đối với kẻ oán ghét cũng vậy. Vị Bồ Tát này ở trong hạng thương yêu bậc thượng ban cho sự vui tăng thượng. Nơi trong hạng thân yêu bậc trung, bậc hạ cũng bình đẳng ban cho sự vui tăng thượng,. Ở nơi trong hạng oán ghét bậc thượng cho ít phần vui. Nơi trong kẻ oán ghét bậc trung cho sự vui vừa vừa. Nơi trong hạng oán ghét bậc hạ cho sự vui tăng thượng. Bồ Tát lần lượt tu tập thêm lên như vậy, ở trong hạng oán ghét bậc thượng ban cho sự vui vừa vừa, trong hạng oán ghét bậc trung, bậc hạ bình đẳng cho sự vui tăng thượng. Lại tu tập thêm nơi những kẻ oán ghét thượng, trung, hạ bình đẳng ban cho sự vui tăng thượng.

Nếu trong hạng oán ghét bậc thượng ban cho sự vui tăng thượng, bấy giờ đặng gọi là thành tựu tâm từ.

Lúc bấy giờ Bồ Tát đối với cha mẹ là kẻ oán ghét bậc thượng tâm được bình đẳng không sai khác.

Nầy Thiện nam tử! Như trên đây gọi là đặng tâm từ chẳng phải tâm đại từ.

- Bạch Thế Tôn! Do duyên gì Bồ Tát đặng tâm từ như vậy mà vẫn chẳng đặng gọi là đại từ?

- Này Thiện nam tử! Bởi vì khó thành nên chẳng gọi đại từ. Do trong vô lượng kiếp thuở quá khứ chứa nhiều phiền não chưa tu pháp lành, thế nên chẳng có thể ở nơi trong một ngày điều phục được tâm mình.

- Này Thiện nam tử! Ví như hột đậu đá lúc đã khô lấy dùi ghim trọn không dính được. Phiền não cứng rắn cũng như vậy. Dầu một ngày đêm nhiếp tâm chẳng tán, nhưng khó điều phục được.

Lại như chó nhà chẳng sợ người, còn con nai rừng thấy người sợ chạy. Sân khuể khó trừ như giữ chó nhà, lòng từ dễ mất như nai rừng kia. Thế nên tâmnày khó điều phục được. Do nghĩanày nên chẳng gọi là đại từ.

- Này Thiện nam tử! Ví nhu khắc trên đá lằn chữ còn mãi. Vẽ trên nước thời chóng mất. Sân như khắc trên đá. Các căn lành như vẽ trên nước. Vi thế nên tâmnày khó điều phục được.

Như đống lửa lớn chói sáng được lâu. Ánh sáng của điện chớp thoạt có, liền mất. Sân như đống lửa. Lòng từ như ánh sáng chớp. Vì thế nên tâmnày khó điều phục được. Do vì nghĩanày nên chẳng gọi là đại từ.

- Này Thiện nam tử! Bồ Tát trụ bậc sơ địa gọi là đại từ. Tại sao vậy? Vì người tột hung ác gọi là nhất xiển đề.

Bậc Sơ địa Bồ Tát lúc tu Đại thừa nơi hạng nhất xiển đề tâm không phân biệt chẳng thấy lỗi của họ nên chẳng sinh lòng sân. Do nghĩa này mà đặng gọi là đại từ.

- Này Thiện nam tử! Vì trừ những sự không lợi ích cho các chúng sinh, đây gọi là đại từ.

Muốn cho chúng sinh được vô lượng lợi ích an vui, đây gọi là đại bi.

Đối với các chúng sinh sinh lòng vui mừng đây gọi là đại hỷ. Không thấy có chúng sinh được ủng hộ, đây gọi là đại xả.

Nếu chẳng thấy có ngã, pháp tướng, thân mình, thấy tất cả pháp đều bình đẳng không sai khác, đây gọi là đại xả. Tự rời bỏ sự vui của mình mà đem ban cho người khác, đây gọi là đại xả.

- Này Thiện nam tử! Chỉ có bốn tâm vô lượng có thể làm cho Bồ Tát được đầy đủ sáu pháp Ba La Mật, những công hạnh khác chẳng quyết định được như vậy.

- Này Thiện nam tử! Bồ Tát trước đặng bốn tâm vô lượng thế gian, vậy sau mới phát tâm vô thượng Bồ Đề, kế đó mới đặng tâm vô lượng xuất thế. Nhân tâm vô lượng thế gian mà được tâm vô lượng xuất thế do vì nghĩanày nên gọi là đại vô lượng”.

Ca Diếp Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn! Trừ sự không lợi ích cùng sự lợi ích an vui thiệt không còn có việc gì để làm. Suy nghĩ như vậy thời là hư vọng quán sát không có lợi ích thiết thiệt.

Thế Tôn! Ví như Tỳ kheo lúc quán bất tịnh thấy y của mình đắp đều trở thành tướng da mà thiệt chẳng phải là da. Những thức uống ăn đều thấy thành tướng dòi trùng mà thiệt chẳng phải dòi trùng. Quán bát canh đậu thành tướng phân dãi mà thiệt chẳng phải phân.

Quán dầu bơ đương ăn thấy như tủy óc mà thiệt chẳng phải óc.

Quán xương nát bể dường như bột bún, mà thiệt chẳng phải bột.

Cũng vậy, bốn tâm vô lượng chẳng có thể thiết thực đem sự lợi ích an vui cho chúng sinh. Dầu miệng nói rằng ban vui cho chúng sinh mà thiệt chúng sinh chẳng được vui. Tu quán như vậy chẳng phải là hư vọng ư!

Thế Tôn! Nếu chẳng phải hư vọng mà thiệt ban cho sự vui, cớ sao chúng sinh chẳng nhờ oai lực của chư Phật Bồ Tát đặng hoàn toàn an vui tất cả.

Còn nếu quả là thiệt chẳng được an vui đó, như lời Phật nói: Ta nhớ thuở trước riêng tu tâm từ, trãi qua bảy phen thành hoại của cõinày chẳng đến sinh trong nhân gian, lúc thế giới thành sinh lên trời Phạm Thiên. Lúc thế giới hoại sinh lên trời Quang Aâm. Khi sinh lên trời Phạm Thiên ta có oai thế tự tại tôn quí hơn hết trong ngàn cõi Phạm Thiên gọi là Đại Phạm Vương. Nếu các chúng sinh đối với ta đều tưởng là bậc tôn thượng thời được làm vua cõi trời Đao Lợi ba mươi sáu lần. Làm vua Chuyển Luân vô lượng trăm ngàn lần.

Riêng tu lòng từ bèn đặng phước báu cõi trời cõi người như vậy. Nếu chẳng thiệt được lợi ích làm sao hiệp với nghĩa này?”.

Phật nói: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện nam tử! Ông thiệt là dũng mãnh không e sợ.

Phật liền vì Ca Diếp Bồ Tát mà nói kệ rằng:

Đối với một chúng sinh,

Chẳng sinh lòng giận hờn,

Mà muốn ban cho vui,

Đây gọi là từ thiện.

Trong tất cả chúng sinh,

Nếu sinh được lòng bi,

Gọi là thành chủng tính,

Đặng phước báo vô lượng.

Giả sử Tiên Ngũ thông,

Đông khắp mặt đất này,

Có vua chúa tự tại,

Dâng cấp đủ đồ dùng:

Voi, ngựa, các vật dụng,

Thí cho Tiên được phước,

Chẳng bằng tu lòng từ,

Trong một phần mười sáu.

Này Thiện nam tử! Luận về người tu lòng từ thiệt chẳng phải vọng tưởng, mà chắc chắn là chân thật. Nếu là lòng từ của Thanh Văn Duyên Giác thời gọi là hư vọng. Chư Phật Bồ Tát lòng từ chân thật chẳng hư vọng. Do đâu mà biết như vậy? Này Thiện nam tử! Bồ Tát tu hành Đại Niết Bàn. Quán đất làm vàng, quán vàng làm đất, quán mặt đất thành tướng nước, quán mặt nước thành tướng đất, nước quán thành lửa, lửa quán thành nước, đất quán thành gió, gió quán thành đất, tùy ý thành tựu không có hư vọng. Quán chúng sinh thiệt thành chẳng phải chúng sinh, quán chẳng phải chúng sinh thành chúng sinh thiệt, đều tùy ý mà thành không có hư vọng.

Này Thiện nam tử! Nên biết bốn tâm vô lượng của Bồ Tát là sự tư duy chân thật chẳng phải không chân thật.

Này Thiện nam tử! Thế nào gọi là tư duy chân thật? Do vì có thể dứt trừ các phiền não vậy. Luận về tu lòng từ có thể dứt được tham dục, tu lòng bi có thể dứt được sân khuể. Tu lòng hỷ có thể dứt được sự chẳng vui vẻ. Tu lòng xả có thể dứt được tham dục, sân khuể và tướng chúng sinh.

Vì thế nên gọi là tư duy chân thật.

Này Thiện nam tử! Bốn tâm vô lượng của Bồ Tát có thể làm cội gốc cho tất cả hạnh lành.

Bồ Tát nếu chẳng thấy được chúng sinh nghèo cùng thời không duyên để sinh lòng từ. Nếu lòng từ chẳng sinh thời không thể khởi tâm huệ thí. Do nhân duyên huệ thí làm cho chúng sinh đặng an vui. Ban cho những đồ uống ăn, xe cộ, y phục, hoa hương, giường ghế, nhà cửa, đèn đuốc. Lúc ban cho như vậy, lòng cởi mở chẳng sinh niệm tham đắm, quyết định hồi hướng vô thượng chính đẳng, chính giác. Lúc đó tâm của Bồ Tát không dừng ở chỗ nào, dứt hẳn vọng tưởng, chẳng kẹt nơi sợ sệt, danh dự, tài lợi, chẳng cầu quả báo vui sướng cõi trời cõi người, chẳng kiêu mạn, chẳng trông người trả ơn, chẳng vì phỉnh người mà làm việc bố thí, chẳng cầu giàu sang.

Phàm lúc làm việc bố thí, chẳng thấy người thọ là trì giới hay phá giới, là phước điền hay chẳng phải phước điền, là hàng tri thức hay chẳng phải tri thức, lúc bố thí cũng chẳng thấy là căn khí hay chẳng phải căn khí, chẳng lựa ngày giờ, chẳng chọn chỗ nơi, cũng chẳng tính là lúc được mùa hay đói kém, chẳng thấy nhân quả chẳng phân biệt là chúng sinh hay chẳng phải chúng sinh, là phước hay chẳng phải phước.

Dầu lại chẳng thấy người thí kẻ thọ cùng của cải nhẫn đến chẳng thấy nhân tu cùng quả báo, mà luôn luôn làm việc bố thí không ngừng.

Này Thiện nam tử! Bồ Tát nếu thấy người lãnh thọ là trì giới hay phá giới v.v… nhẫn đến thấy có quả báo thời chẳng thể bố thí trọn vẹn. Nếu chẳng bố thí trọn vẹn thời không thể đầy đủ đàn ba la mật. Nếu chẳng đầy đủ đàn ba la mật thời không thể thành vô thượng chính đẳng chính giác.

Này Thiện nam tử! Ví như có người thân bị trúng tên độc. Quyến thuộc của người đó vì muốn cho người đó được an ổn liền mời lương y đến để nhổ tên độc.

Người đó nói đừng động đến chờ tôi quan sát coi mũi tên độcnày từ phương nào bay đến, của ai bắn, người bắn là dòng nào: Là Sát Đế Lợi hay Bà La Môn, là Tỳ Xá hay Thủ Đà. Nghiệm coi mũi tên làm bằng cây, bằng tre hay bằng gỗ liễu. Mũi sắt từ lò nào rèn, cứng hay mềm, đuôi lông và lông cánh chim gì, chim quạ hay kên kên. Chất độc tẩm trong mũi tên tự nhiên mà có hay chế ra, là độc của loài người hay độc của loài rắn.

Người ngu si đó chưa biết được mà đã chết.

Này Thiện nam tử! Cũng vậy, Bồ Tát nếu lúc làm việc bố thí phân biệt người thọ là trì giới hay phá giới, nhẫn đến phân biệt quả báo, thời chẳng bố thí trọn vẹn

Nếu chẳng bố thí trọn vẹn thời chẳng đầy đủ đàn ba la mật. Nếu chẳng đầy đủ đàn ba la mật thời chẳng đặng thành vô thượng chính đẳng chính giác.

Này Thiện nam tử! Lúc làm việc bố thí Bồ Tát đối với chúng sinh lòngtừ bình đẳng tưởng như con mình. Lại lúc làm việc bố thí, đối với các chúng sinh Bồ Tát sinh lòng thương xót như cha mẹ săn sóc đứa con đang đau ốm. Lúc làm việc bố thí, lòng Bồ Tát vui mừng như cha mẹ thấy con lành mạnh.

Sau khi đã bố thí lòng Bồ Tát buông bỏ như cha mẹ thấy con khôn lớn đã có thể tự sinh sống.

Vị Bồ Tát này ở trong tâm từ, lúc bố thí thức ăn thường nguyện như vầy: Nay những đồ ăn của ta bố thí đều cho chung tất cả chúng sinh, do nhân duyênnày làm cho chúng sinh đặng có trí huệ lớn, siêng tu hồi hướng đại thừa vô thượng. Nguyện các chúng sinh đặng có trí lành chẳng cầu báo Thanh Văn và Duyên Giác. Nguyện các chúng sinh đặng món ăn pháp hỷ chẳng cầu món ăn ái nhiễm. Nguyện các chúng sinh đều đặng món ăn Bát Nhã Ba La Mật, đều được đầy đủ phương tiện vô ngại, thêm lớn căn lành. Nguyện các chúng sinh hiểu thấu tướng vô đắc, thân vô ngại dường như hư không. Nguyện các chúng sinh thường làm người lãnh thọ, thương xót tất cả mọi loài mà làm phước điền cho chúng.

Này Thiện nam tử! Lúc tu lòng từ khi đem thức ăn bố thí nên phải phát những điều nguyện như trên.

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6442453
Số người trực tuyến: