1. Hoàn cảnh ra đời của đạo Phật
Nền văn minh lưu vực sông Ấn Độ (Indus)
Cư dân sống trong nền văn minh lưu vực sông Ấn Độ (còn gọi là nền văn minh Harappa, theo tên gọi của thành phố lớn tên là Harappa) chủ yếu là nông dân, mặc dù những phát hiện gần đây đang cho thấy đó là một nền văn hoá phát triển cao. Những học giả có uy tín đã kết luận là nguồn gốc của việc thực hành yoga và thiền có thể bắt nguồn từ nền văn minh này. Người ta đã phát hiện được hình vẽ một người đang ngồi trong tư thế xếp chân bắt chéo, hai tay đặt trên đầu gối và mắt khép lại – rõ ràng là đang thiền định. Ngoài ra, trong giai đoạn của nền văn minh này thường nhắc đến những tu sĩ khổ hạnh đi du phương. Những tu sĩ này được cho là đã thực hành các phương pháp luyện tâm, sống độc thân, ở mình trần hoặc mặc quần áo đơn giản tối thiểu, không có nơi ở cố định, và thuyết giảng về con đường vượt qua sinh tử.
Người A-ri-an
Theo hầu hết các học giả, nền văn minh đầu tiên của lưu vực sông Ấn Độ đột ngột bị gián đoạn vào khoảng thời gian giữa năm 1800 và 1500 trước Công nguyên khi bị người A-ri-an, đến từ một vùng thuộc Đông Âu, xâm lược. Đó là những chiến binh và những thương gia, trái ngược với những cư dân bản địa của lưu vực sông Ấn độ là những nông dân. Sau thời điểm giữa thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên, xã hội Ấn Độ chủ yếu chịu ảnh hưởng của các giá trị của người A-ri-an. Ngày nay, nhiều nguyên tắc của người A-ri-an vẫn còn chi phối “triết học Ấn Độ chính thống” và Ấn Độ giáo (còn gọi là Hin đu giáo), chẳng hạn như về tầm quan trọng của các bộ kinh Vệ đà (Veda) và quyền lực cao của tầng lớp Bà La Môn (Brahman), nguồn gốc của hệ thống đẳng cấp. Dưới đây là một bảng giới thiệu tổng quan một cách vắn tắt về sự tương phản giữa văn hoá của lưu vực sông Ấn Độ và văn hoá tộc người A-ri-an:
Đặc điểm |
Lưu vực sông Ấn độ |
Tộc người A-ri-an |
Thực hành tâm linh |
Thiền định |
Cúng tế (các vị thần) |
Người tu tập chính |
Nhà tu khổ hạnh |
Thày tế |
Mục đích cuộc sống |
Giải thoát |
Cuộc sống này, sau đó là thiên đàng |
Trọng tâm trong cuộc sống |
Buông bỏ |
Tái sinh với tư cách là chủ hộ |
Các luân lý nền tảng |
Nghiệp |
Các giá trị xã hội |
Vị trí xã hội |
Bình đẳng |
Đẳng cấp (Bà La Môn) |
Nguồn gốc trí tuệ |
Trải nghiệm (thiền định) của bản thân |
Các bộ kinh như kinh Vệ Đà |
Những trường phái tư tưởng cùng thời với Đức Phật
Từ khoảng năm 1500 đến năm 600 trước Công nguyên, các truyền thống đối lập trên đã có nhiều sự giao thoa. Có thể nói đạo Jaina (Jainism) và đạo Phật chủ yếu là sự phát triển thêm của các nguyên tắc của văn hoá lưu vực sông Ấn Độ, trong khi Ấn Độ giáo lúc đó đang thiên về văn hoá A-ri-an nhiều hơn.
Thời kỳ đầu của Ấn Độ giáo
Ba nguyên tắc cơ bản có ảnh hưởng lớn tới các trường phái chính thống của Ấn Độ giáo là:
Niềm tin vào một nguồn gốc trung tính, bao gồm tất cả, vô tận và vĩnh hằng của hiện thực tối thượng được gọi là Bà la môn (Brahman). Là lực lan toả khắp bên trong mỗi người, Brahman được coi là “bản ngã” hoặc atman (trong tiếng Phạn có nghĩa là linh hồn hoặc bản ngã) của tất cả các dạng đời sống.
Quyền lực tối thượng của các văn bản thiêng như bộ kinh Vệ Đà (có lẽ được soạn vào khoảng năm 1500 – 1200 trước Công nguyên) và Áo nghĩa thư (Upanishad – có nội dung giải thích, diễn giảng kinh Vệ đà, được soạn vào khoảng năm 400 trước Công nguyên).
Quyền lực tối thượng của tầng lớp thày tu Bà La Môn là đại diện cao nhất cho tri thức và sự thanh tịnh tôn giáo, và nhiều người ủng hộ quan niệm là các trách nhiệm xã hội và tôn giáo được xác định theo ngày sinh và khả năng vốn có.
Trong thời Đức Phật tại thế, các trường phái khác nhau của Ấn Độ giáo đang phát triển, ví dụ như trường phái Mimamsa, Vedanta và Samkhya. Ấn Độ giáo mang màu sắc cổ thần đã thay thế cho tập tục thờ cúng tế thần theo kinh Vệ đà với một hình thức thờ cúng trước một vị thần hoặc đại diện của vị thần được gọi là puja. Mục đích chính của nghi lễ này là sự kết nối với vị thần dần dần dẫn đến một mối quan hệ bền vững hơn và thậm chí gần gũi hơn giữa người thờ cúng và thần linh.
Các vị thần chính được thờ phụng trong Ấn Độ giáo là thần Vishnu, thần Shiva và thần Shakti. Nhiều vị thần khác được thờ trong đền thờ Ấn Độ giáo được cúng vào những dịp nhất định, có thể là vào những ngày cụ thể hoặc tùy thuộc vào nhu cầu của người tu tập.
Hầu hết các trường phái của Ấn Độ giáo vẫn nhấn mạnh đến những khía cạnh được kế thừa từ truyền thống của người Arian như hệ thống đẳng cấp, quyền lực của những bộ kinh như kinh Vệ đà, và việc hiến tế. Tuy nhiên, những yếu tố quan trọng của văn hoá thuộc nền văn minh lưu vực sông Ấn Độ, ví dụ như buông xả, thiền định, tái sinh, nghiệp, và giải thoát cũng vẫn được Ấn Độ giáo hấp thụ.
Thực hành yoga được biết là có truyền thống khá lâu đời, và cũng có thể có nguồn gốc từ nền văn hoá trước thời kỳ tộc người Arian đến ngụ cư.
Đạo Jaina (Jainism)
Mahavira (tên thật là Vardhamana) sống trong thời gian khoảng năm 570 – 490 trước Công nguyên và là một người sống cùng thời với Đức Phật. Ông được coi là nhà tiên tri lớn (Tirthankara), người đã sáng lập ra đạo Jaina trong thời kỳ này. Tương tự như Phật giáo, đạo Jaina dạy rằng các nguyên tắc của họ đã được các bậc thầy giác ngộ thuyết giảng trong quá khứ và sẽ lại được thuyết giảng trong tương lai.
Các nguyên tắc cơ bản của đạo Jaina có thể được tóm tắt như sau:
-
Ahimsa: bất bạo động, một kết quả của việc tin vào Nghiệp (karma)
-
Anekantvad: sự tồn tại của nhiều quan điểm khác nhau
-
Apirigraham: tránh sở hữu vật chất
-
Satya: buông xả đời sống thế tục.
Có nhiều sự tương đồng giữa triết lý của đạo Jaina và đạo Phật, như việc tin vào nghiệp, buông xả, thiền định và tính tương đối (nhận thức rằng luôn có nhiều hơn một quan điểm). Ngoài ra, những khía cạnh ít rõ ràng hơn cũng có sự tương đồng nhất định, ví dụ như sự tương đồng về vũ trụ luận trong Kalachakra Tantra. Hình ảnh của Mahavira từ thời cổ đại cũng được khắc hoạ trong tư thế ngồi thiền.
Để minh hoạ cho quan niệm của đạo Jaina về tính tương đối của các quan điểm khác nhau, họ thường sử dụng câu chuyện ngụ ngôn về năm ông mù sờ voi.
Một nhóm năm ông mù gặp một con voi. Người đầu tiên sờ vào chiếc chân to lớn của con voi và nói: “Vật này rất giống một cái cây.” Người thứ hai đứng ở gần tai voi, sờ tai voi và nói: “Đây là một cái quạt dùng để quạt thóc!” Người thứ ba tóm được cái vòi voi đang chuyển động và nói: “Không. Hãy cẩn thận. Đây là một con mãng xà.” Người đứng ở phía đuôi con voi nói: “Tôi không nghĩ thế. Đây chỉ là một mẩu dây thừng bị xơ”. Ông mù cuối cùng nói: “Tất cả các ông đều sai rồi. Tôi đã sờ vào hai bên của vật này và đây chỉ là một bức tường.”
Đạo Jaina dạy rằng khi một người đã áp dụng ba nguyên tắc về buông xả, nghiệp và tính tương đối, người đó có thể trải nghiệm và chia sẻ “từ bi” (Maitri) có nghĩa là hiểu biết và tình yêu thương thanh tịnh đối với hết thảy mọi chúng sinh (một khía cạnh đặc biệt quan trọng trong Phật giáo Đại thừa).
“Trong kinh Majjhima Nikaya (Trung Bộ Kinh) của Phật giáo, chính Đức Phật đã kể lại cho chúng ta nghe về cuộc sống khổ hạnh của Ngài và những quy định của cuộc sống khổ hạnh đó tuân theo giới luật của các tu sĩ đạo Jaina. Đức Phật nói: “Vì thế, hỡi Xá Lợi Phất, ta đã đi trong sự ăn năn. Ta đi mà trên người không mặc quần áo. Ta ăn bằng tay. Ta không nhận đồ ăn được đem đến hoặc có chủ ý dành riêng cho ta. Ta không nhận lời mời ăn.” Bà Rhys Davids, một học giả nghiên cứu đạo Phật, đã phát hiện ra là Đức Phật tìm được hai bậc thầy là Alara và Uddaka tại Vaisali và bắt đầu cuộc sống tâm linh của Ngài với tư cách là một đệ tử của đạo Jaina.
Những trường phái triết học khác
Lúc này, xã hội Ấn Độ phân chia thành bốn giai cấp rõ rệt: Tăng-lữ thuộc giai cấp Bà-La-Môn (Brahman), vua chúa thuộc giai cấp Sát-Ðế-Lợi (Ksatriya), bình dân thuộc giai cấp Vệ-Xá (Vaisya), tiện dân thuộc giai cấp Thủ-Ðà-La (Sùdra). Hai giai cấp trước là giai cấp thống trị, hai giai cấp sau là giai cấp bị trị. Phải kể thêm một hạng người nữa khốn khổ thấp kém nhất chẳng được xếp vào giai cấp nào, gọi là Harijans hay Paraiyans (Hạng ghê tởm), bao gồm những kẻ làm nghề sát sinh súc vật, thuộc da... Các giai cấp này theo chế độ thế tập, cha truyền con nối, nên giai cấp nô lệ cứ phải đời đời làm nô lệ, gây ra một tổ chức xã hội bất công. Sống dưới một chế độ bất công và phân biệt giai cấp nặng nề như thế, xã hội Ấn Độ bấy giờ vô cùng bế tắc, lâu ngày dân chúng đâm ra chán nản, hằng ước ao có một cuộc đổi mới. Rất nhiều trường phái, học thuyết ra đời, mong muốn cải cách những quan niệm bất công, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột trong xã hội nhưng không thực sự chiếm được ưu thế. Bởi vậy, các trường phái, học thuyết đều song song tồn tại. Có tới 96 tôn giáo, học thuyết “ngoại đạo” trong thời kỳ này.
Đặc biệt phải kể đến sự ra đời của hệ tư tưởng Sa- môn (Sramana-ascetism) có thể nói là sự phản ánh quan điểm mới về nhân sinh quan và vũ trụ quan của dân tộc Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI Tr.CN, phản kháng lại sự độc đoán của tư tưởng Bà-la-môn, phủ nhận quyền lực tuyệt đối của kinh Vệ đà và vai trò tối thượng của giới tăng sĩ Bà-la-môn.
Như thế, tư tưởng chính thời thời kỳ này có thể chia thành hai loại: (1) Dòng Bà-la-môn và (2) Dòng Phi Bà-la-môn, hay còn gọi là Sa môn (Sramana).
Các trường phái Phi Bà-la-môn gồm 96 tôn giáo, học thuyết đó có thể được chia thành 5 hệ tư tưởng:
-
Tư tưởng thứ nhất gọi là Nhất thần giáo: tức là tin rằng vũ trụ hoàn toàn do thượng đế an bài. Thượng đế là người tạo ra vũ trụ, là người quyết định sự khổ đau hay hạnh phúc của con người.
-
Tư tưởng thứ hai gọi là Túc mạng luận: cho rằng con người có định mệnh bất biến, không thể thay đổi. Sinh ra đã sẵn số mệnh sướng hoặc khổ, đã thuộc một giai cấp trong xã hội thì sẽ mãi mãi với giai cấp đó không hoán cải được. Tư tưởng này chẳng khác gì tư tưởng câu nói cửa miệng của nhiều người Việt Nam “Sống chết có số”.
-
Tư tưởng thứ ba gọi là Ngẫu nhiên luận: cho rằng con người sinh ra tất cả mọi cái đều ngẫu nhiên tình cờ. Không có quy luật nhân quả, không có thiện ác.
-
Tư tưởng thứ tư là Đa thần giáo: tôn thờ vô số vị thần như thần lửa, thần nước, thần bò, thần voi…
-
Tư tưởng thứ năm là Duy vật luận, là tinh thần hoàn toàn vô thần, mọi thứ chỉ phụ thuộc vào ngoại cảnh và các yếu tố bên ngoài.
Đương thời, người ta còn biết tới sáu vị ngoại đạo sư nổi tiếng như sau:
-
Purana Kassapa: theo Ngẫu nhiên luận, cho rằng những hành động tốt và xấu không tạo ra quả báo riêng biệt lên người tạo tác. Không tin luật nhân quả.
-
Makkhali Gosala: theo Định mệnh luận, phủ nhận thuyết nhân quả. Đệ tử của ông được gọi là Ajivakas thực hành lối tu khổ hạnh khắc nghiệt.
-
Ajita Kesakambali: Phái này chủ trương Duy vật luận. Con người do tứ đại hợp thành, chết rồi là hết, nên tận hưởng những khoái lạc, bác bỏ luân lý.
-
Pukudha Kaccayan: chủ trương Duy tâm luận, phủ nhận quả báo, sự sống chết của con người chỉ là sự tụ tán của bảy yếu tố tạo thành con người, những yếu tố này là bất diệt.
-
Sãnjaya Belatthiputta: theo chủ nghĩa hoài nghi. Nếu cảm thấy thế nào thì nói thế ấy đối với thế giới hiện tượng, không xác quyết là có hay không, đúng hay sai. Phái nầy chủ trương thuyết tu định. Họ cho chân lý không phải là không biến đổi, nên việc tu đạo là vô ích mà chỉ lo tu thiền định.
-
Nigantha Nataputta: phái này chủ trương thực hành khổ hạnh cực đoan và nghiêm trì giới bất sát để cầu giải thoát. Ông còn được biết đến với tên Mahavira, một trong những người sáng lập ra giáo phái Ni kiền tử (Nigantha), sau này đổi tên là đạo Jaina (Jainism) (xem phần Đạo Jaina ở trên).
Năm hệ tư tưởng và triết thuyết của các vị ngoại đạo sư nói trên đều có những ưu khuyết riêng nhưng không thể trả lời cho con người những vấn đề gốc rễ của khổ đau và con đường tìm thấy hạnh phúc chân thật. Bởi theo họ, hoặc tất cả do Thượng đế quyết định, hoặc do số mệnh an bài, hoặc tất cả đều là ngẫu nhiên, hay do hoàn cảnh, hay do các vị thần. Con người không hề có vai trò trong đó và sẽ không cần hoặc không thể làm gì. Nói cách khác, con người hoàn toàn vô trách nhiệm với khổ đau hay hạnh phúc của chính mình.
Cũng vì có quá nhiều luận lý và ý tưởng, chúng khiến con người thời đại đó hoang mang, không có một tư tưởng chủ đạo nhất quán. Và khi triết lý Phật pháp hình thành, điều vĩ đại của Đức Phật là trực tiếp đối thoại với từng quan điểm trên để dẫn đến một chủ trương thu nhiếp, dân chủ tiến bộ hơn. Triết lý của Ngài, dẫu vẫn còn chịu ảnh hưởng trực tiếp những khái niệm về thế giới quan hay tập quán ngôn ngữ của thời đại đó, tuy nhiên đã siêu việt lên trên những giới hạn của các học thuyết và tôn giáo đương thời, thể hiện ở việc đề cao vai trò chủ động của con người trong cuộc sống thực tại, nêu rõ lý nhân quả là quy luật vận động chung của toàn vũ trụ, đề cao sự bình đẳng (giai cấp, giới tính và giữa người với người và giữa con người với muôn loài sinh linh hàm thức), tinh thần từ bi, bác ái đại đồng, tinh thần tự do và sức mạnh vô úy trong tâm mỗi người.
Phật giáo và Ấn Độ giáo
Hầu như không có học giả nào phản đối quan điểm cho rằng vào thời kỳ của Đức Phật, một nền văn hoá tâm linh phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ. Thực tế lịch sử đã chấp nhận tư tưởng đạo Phật một cách rộng rãi chứng tỏ rằng Phật giáo không phải là sự phản kháng và cũng không phải là sự phát triển của Ấn Độ giáo (ví dụ: quan điểm này thậm chí được thể hiện trong Bách khoa toàn thư Brittanica). Phật giáo đơn thuần là một trong những trường phái tư tưởng mới thành công hơn trong số vô vàn trường phái triết học, đặc biệt sau khi Vua A dục (Ashoka) trở thành một Phật tử vào năm 297 trước Công nguyên, và đã khiến Phật giáo trở thành một quốc giáo. Do tranh luận là một phương tiện truyền thống rất lâu đời trong việc kiểm chứng các bậc thầy tâm linh trong văn hoá Ấn Độ, đương nhiên, chúng ta có thể tìm thấy nguồn gốc của nhiều tác phẩm triết học (đặc biệt theo truyền thống Phật giáo Đại thừa), có thể được hiểu với tư cách là sự phản kháng hoặc tranh luận với các truyền thống tôn giáo khác. Các triết gia phương Tây có thể đã hiểu lầm các tác phẩm này là “sự phản kháng”, do các tác phẩm như vậy là điều gần như không thể tưởng tượng được trong các hệ thống tôn giáo phương Tây.
Bản thân Đức Phật đã thực sự từ chối tranh luận về những vấn đề tâm linh, Ngài nói rằng chỉ thuyết giảng những gì Ngài nhận thức là chân lý, quy luật của vũ trụ. Mặt khác, Phật giáo xuất hiện từ một nền văn hoá đang tồn tại, và không thể tránh khỏi việc nhiều yếu tố của các truyền thống (tư tưởng triết học) đương thời cũng được tìm thấy trong Phật giáo. Nếu hiểu theo cách đó, người ta cũng có thể nói rằng Ki tô giáo (Christianity) là một sự phát triển (hoặc là sự phản kháng) đối với đạo Do Thái (Judaism) và đạo Hồi là một sự phát triển (hoặc là sự phản kháng) đối với Ki tô giáo…
Dường như Phật giáo đã có được nguồn cảm hứng từ văn hoá tâm linh của nền văn minh lưu vực sông Ấn Độ; như các yếu tố buông xả, thiền định, tái sinh, nghiệp, và giải thoát. Ngoài ra, nhiều biểu tượng của nền văn minh lưu vực sông Ấn có ý nghĩa tâm linh và cũng được coi là có ý nghĩa thiêng liêng đối với Phật giáo. Các biểu tượng đó bao gồm cây đa (pipal tree) (về sau được gọi là cây bồ đề - bodhi tree, tên khoa học là ficus religiosa), và các loài vật như voi và hươu.
Vishnu là một vị thần Ấn Độ giáo hiện thân dưới nhiều hình dạng khác nhau, được gọi là các hiện thân (avatar). Một hiện thân của thần Vishnu là vị vua anh hùng Rama, người đã chiến đấu với quỷ Ravana với sự trợ giúp của Hanuman (vị anh hùng đầu khỉ), một hiện thân khác của thần là Krishna, người được mô tả là người thổi sáo màu xanh dương. Do nhiều người theo Ấn Độ giáo (chứ không phải là các Phật tử) cho rằng Đức Phật là một trong những hiện thân của thần Vishnu, vì thế Ấn Độ giáo và Phật giáo có thể sẽ tiếp tục có những mối quan hệ qua lại khá bền chặt.
- 21121
Viết bình luận