3. Lịch sử Phật giáo | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3. Lịch sử Phật giáo

Các Đại hội Kết tập kinh điển Phật giáo

Phần giải thích dưới đây về các Đại hội Kết tập kinh điển Phật giáo chủ yếu được trích dẫn từ cuốn sách “Những bảo bối của Trí tuệ Phật giáo” của Hoà thượng Tiến sỹ W. Rahula, và cũng được trích dẫn từ Nghiên cứu Châu Á, Pháp kinh Phật giáo và cuốn “Lược sử Phật giáo” của Andrew Skilton (Windhorse 1994).

Đại hội Kết tập kinh điển lần thứ nhất

Ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt (Buddha’s Mahaparinirvana), những Đại đệ tử của Ngài đã nhóm họp một Đại hội Kết tập kinh điển tại Pháp toà ở hang Thất Diệp (Sattapanni) ở Núi Vebhara gần thành phố Rajagaha (Rajgir). Tôn giả Ma Ha Ca Diếp (Maha Kassapa), vị cao tăng đáng kính nhất, đã chủ trì Đại hội Kết tập kinh điển với sự tham dự của 500 vị A La Hán.

Trong Đại hội này, có hai nhân vật rất quan trọng đã trùng tuyên lại những lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, nhằm bảo vệ giáo pháp và giới luật của Phật được lưu truyền chính thống.

Kinh Tạng (Dharma): Tôn giả A Nan (Ananda) là bậc kỳ tài hiếm có trên thế-gian, với bộ óc siêu phàm trời phú. Ngài nhớ được tất cả những lời Đức Phật giảng dạy hàng ngày mà Ngài đã được nghe trong suốt thời gian hai mươi lăm năm lân mẫn thị giả Đức Phật.

Luật Tạng (Vinaya): Tôn giả Ưu Bà Ly (Upali) là người rất thông hiểu về giới luật.

Chỉ hai phần Kinh Tạng và Luật Tạng được trùng tuyên tại Đại hội Kết tập kinh điển thứ nhất, kéo dài trong bảy tháng. Dù không hề có sự bất đồng quan kiến đối với phần Kinh Tạng, song đã có một số thảo luận liên quan tới phần Luật Tạng. Trước khi nhập diệt, Đức Phật đã huấn thị Tôn giả A Nan rằng không nên quá bám chấp vào giới luật, và về sau Tăng đoàn được phép sửa chữa hay điều chỉnh một số giới luật nhỏ cho phù hợp với thời thế. Song Tôn giả A Nan đã quên không hỏi Đức Phật về những giới luật nhỏ và các thành viên của Đại hội Kết tập kinh điển không thống nhất được những gì là những giới luật nhỏ, cuối cùng Tôn giả Ma Ha Ca Diếp đã quyết định không nên thay đổi bất cứ giới luật nào được Đức Phật đề ra, và không nên đề ra thêm những giới luật mới. Không có lý do cơ bản nào được đưa ra, song tôn giả Ma Ha Ca Diếp chỉ nói một điều: “Nếu chúng ta thay đổi các giới luật hiện có, mọi người sẽ nói rằng các đệ tử của Đại Đức Gautama đã thay đổi giới luật trước khi ngọn lửa trà tỳ của Ngài tắt.”

Tại Đại hội Kết tập kinh điển này, Giáo Pháp đã được chia thành các phần khác nhau, mỗi phần được giao cho một vị Thượng tọa và các đệ tử của Thượng tọa đó để ghi nhớ.

Sau đó, Giáo Pháp được trực tiếp khẩu truyền từ bậc Thầy tới các đệ tử. Giáo pháp được các nhóm tụng niệm hàng ngày và kiểm tra chéo giữa các nhóm với nhau, nhằm đảm bảo trì giữ Giáo Pháp không bị lưu truyền tam sao thất bản.

Đại hội Kết tập kinh điển thứ hai

Theo phái Thượng Tọa Bộ, khoảng năm 443 trước Công nguyên, tức khoảng một trăm năm sau khi Đức Phật nhập diệt, tại tự viện Valukarama, gần thành Tỳ Xá Ly (Vesali), đã diễn ra Đại hội Kết tập kinh điển Phật giáo thứ hai, kéo dài trong tám tháng, với sự tham dự của 700 vị Tỳ kheo, nhằm thảo luận về một số giới luật.

Tương truyền, trong Đại hội lần này không có tranh luận gì về Giáo Pháp, song một số vị tăng nhất mực muốn sửa đổi một số điều trong giới luật, trong khi các vị tăng thuộc phái Thượng Tọa Bộ (Sthavarivada) cho rằng không cần sửa đổi giới luật nào. Cuối cùng, một nhóm các vị tăng đã rời khỏi Đại hội Kết tập kinh điển và thành lập phái Đại Chúng Bộ (Mahasanghika - không nên nhầm lẫn với Phật giáo Đại Thừa - Mahayana).

Theo một dị bản khác (Skilton), Đại hội Kết tập kinh điển thứ hai có thể đã có hai phần: trước tiên được tổ chức ở thành Vesali, khoảng 60 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, và 40 năm sau đó, một cuộc họp tại Pataliputra, nơi Mahadeva chủ trì năm chủ đề về A la hán. Sự chia rẽ quan điểm về giới luật có thể đã diễn ra tại Pataliputra, chứ không phải tại Vaisali.

Theo ghi chép về các sự kiện không phải của tông phái Thượng Tọa Bộ, phái Đại Chúng Bộ đã tuân theo các giới luật ban đầu trong khi phái Thượng Tọa Bộ lại muốn sửa đổi giới luật.

Không thể xác minh chính xác về sự việc đã xảy ra, song từ đây Tăng đoàn bắt đầu xuất hiện chia rẽ.

Đại hội Kết tập kinh điển thứ ba

Khoảng năm 308 trước Công nguyên, trong thời trị vì của vua A Dục, Đại hội Kết tập kinh điển lần thứ ba được tổ chức tại Tự viện Asokamara tại thành phố Pataliputta để thảo luận về những điểm dị biệt trong luận thuyết của các Tỳ kheo (Bhikshu) thuộc các bộ phái khác nhau. Tương truyền, Tăng đoàn lúc đó đã bị một số người trà trộn và lạm dụng, gây nhiều bất hòa nội bộ. Do vậy, Đại hội Kết tập kinh điển lần thứ ba với sự tham dự của 1000 vị Tỳ kheo tinh thông tam tạng, với mục đích thanh lọc những vị tăng dị giáo, bác bỏ những quan điểm dị giáo của ngoại đạo, bảo tồn sự thanh tịnh của Phật Pháp.

Người chủ trì Đại hội Kết tập kinh điển, Ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaliputta Tissa), đã soạn một luận thư Kathavatthu để phản bác nghĩa lý của các phái ngoại đạo đương thời.

Sau Đại hội Kết tập kinh điển thứ ba, vua A Dục đã phái những Tăng sỹ tinh thông Pháp và Luật của Đức Phật, có thể tụng đọc thuộc lòng tất cả, đến truyền bá Phật Pháp ở chín quốc gia khác nhau, trong đó có Sri Lanka, Kanara, Karnataka, Kashmir, vùng Himalaya, Miến Điện và đến cả vùng đất ngày nay là Afghanistan. Những phái đoàn truyền bá Phật Pháp này đã thành công và mang lại những kết quả lớn vào thời ấy, đồng thời đi tiếp một con đường dài trong việc chuyển hóa dân chúng ở những vùng đất này với món quà Phật Pháp, tới nay vẫn còn ảnh hưởng tới nền văn minh và văn hóa của họ.   

Đại hội Kết tập kinh điển thứ tư

Đại hội Kết tập kinh điển Phật giáo thứ tư được tổ chức dưới sự bảo trợ của Vua Kaniska tại Jalandhar hoặc ở Kashmir. Vào khoảng thời gian năm 100 sau Công nguyên, do nhận thấy bấy giờ đại đa số Tăng sỹ không thể thuộc toàn bộ Tam Tạng bằng trí nhớ. Thêm nữa, vào thời điểm đó chữ viết về cơ bản đã bắt đầu phát triển, nên Tăng đoàn nghĩ tới sự cần thiết và thích hợp có một bộ đầy đủ trọn vẹn Giáo Pháp của Đức Phật được viết thành chữ.

Đại hội Kết tập gồm 500 vị tăng thuộc tông phái Sarvastivadin đã tụng đọc lại những lời dạy của Đức Phật, rút gọn lại toàn bộ Tam Tạng nhằm viết thành một văn bản và ghi lại trên lá cọ để Pháp chân thực có thể được giữ gìn lâu dài.

Đại hội Kết tập kinh điển thứ năm

Đại hội Kết tập kinh điển Phật giáo thứ năm được tổ chức từ năm 1868 đến năm 1871 tại Mandalay, Mianma, với khoảng 2,400 vị Tăng tham dự. Tại Đại hội Kết tập kinh điển này, văn bản Tam tạng kinh điển Phật giáo viết bằng tiếng Pali được chỉnh sửa rồi khắc lên 729 phiến đá hoa cương.

Đại hội Kết tập kinh điển thứ sáu

Đại hội Kết tập kinh điển Phật giáo thứ sáu được tổ chức tại Rangoon, Mianma từ năm 1954 đến năm 1956

Từ năm 200 trước Công nguyên đến nay

Trước Đại hội Kết tập kinh điển Phật giáo thứ ba, từ Thượng Tọa Bộ (Sthavarivadin) bắt đầu phát triển nhiều môn phái: phái Độc Tử Bộ/ Trụ Tử Bộ/ Chánh Lượng Bộ (Vasiputriya/ Pudgalavadin/ Sammitiya, ba tên gọi khác nhau của cùng một phái), phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin) và phái Phân Biệt Luận (Vibajyavadin).

Sau đó, phái Phân Biệt Luận (Vibajyavadin) lại phân chia ra thành phái Mahisasika và Theravada.

Phái Nhất Thiết Hữu Bộ (Sarvastivadin) phát triển chia thành những phái nhỏ hơn được gọi là Thuyết Chuyển Bộ (Vaibasika) và Kinh Lượng Bộ (Sautrantika). Phái Nhất Thiết Hữu Bộ có vai trò quan trọng, hình thành nên cơ sở cho sự phát triển sau này của Phật giáo Đại thừa (Mahayana).

Khi Đức vua A Dục (Asoka) hồi tâm Quy y Phật, Phật giáo đột nhiên trở thành tôn giáo chính ở Ấn Độ; trước đó, Phật giáo chỉ giống như vô số giáo phái khác.

Sau khi vua A Dục băng hà, Phật giáo trải qua một giai đoạn bị đàn áp dưới thời Pusyamitra Sunga (183–147 trước Công nguyên ).

Vị vua thứ hai bảo trợ cho Phật giáo là Kaniska (thế kỷ từ I đến II). Dưới sự bảo trợ của Vua Kaniska, Đại hội Kết tập kinh điển Phật giáo lần thứ tư đã được tổ chức.

Theo truyền thuyết, Đức Long Thọ Bồ Tát (Nagarjuna) (khoảng năm 150–250 sau Công nguyên) là người được Đức Phật huyền ký khám phá và giải nghĩa bộ Kinh Bát Nhã Ba La Mật (Trí Tuệ Toàn Thiện).


Bồ Tát Long Thọ

Một lần sau khi Ngài thuyết giảng, Long Vương đã thị hiện và thỉnh Ngài đến xứ Long Vương để giảng Pháp. Ngài đã tìm ra nơi cất giấu và thỉnh cầu được Long Vương bộ Kinh Một trăm nghìn Bài kệ Bát Nhã Ba La Mật Đa mang về Ấn Độ. Tập Kinh đầu tiên trong bộ là “Trí Tuệ Toàn Thiện với 8.000 câu”.

Ngài được tôn kính là Tổ Sư sáng lập Trung Quán Tông (Madhyamaka) của triết học Phật giáo, nhấn mạnh vào tính hư huyễn và tính tương đối của vạn pháp.

Triết lý của Ngài Long Thọ có liên hệ chặt chẽ tới sự phát triển của Phật giáo Đại thừa trong giai đoạn này. Sự phân biệt về tư tưởng cũng trở nên rõ ràng hơn giữa hai phái chính của Phật giáo.

Khoảng hai thế kỷ sau thời của Ngài Long Thọ, xuất hiện một phái mới trong Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ, có tên gọi Du Già Tông (Yogachar – Phái Thực hành Du Già). Nguồn gốc cơ bản của giáo lý tông phái này là bộ Giải Thâm Mật Kinh (Samdhinirmochana – sutra), tức Kinh Khai thị Tri kiến Phật, bao gồm tập hợp lời thỉnh cầu của các vị Bồ tát xin ý kiến Đức Phật. Tên gọi Du Già Tông có lẽ bắt nguồn từ một luận thuyết quan trọng của Ngài Vô Trước (Asanga, khoảng năm 310 – 390) được đặt tên là Du Già Sư Địa Luận (Luận bàn về các cấp độ thực hành Du Già). Cùng với em trai là Ngài Thế Thân (Vasubandhu, khoảng năm 320 – 400), ngài Vô Trước được tôn kính là Tổ Sư sáng lập và phát triển những học thuyết chính của phái Du Già.

Phái Du Già nhấn mạnh tới tầm quan trọng của sự thực hành thiền định. Một số phần trong kinh Du Già cho thấy các Bậc Tổ tiên đoán hàng Phật tử Đại thừa quá sa đà vào tranh luận biện chứng và xao nhãng việc thiền định. Du Già Tông cũng thường được gọi là Duy Thức Tông (Mind only, trong tiếng Tây tạng là sems tsam; trong tiếng Phạn là chitta - matra). Tư tưởng chủ đạo trong kinh điển của Duy Thức Tông cho rằng tất cả hiện hữu chỉ là do thức, duy thức, và mọi cảm thọ của chúng ta đều là tạo tác của ý thức.

Từ khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, Kim Cương Thừa (Mật thừa) bắt đầu phát triển ở Ấn Độ như một phần của truyền thống Phật giáo Đại Thừa. Cùng với sự phát triển giáo lý, một phương pháp thực hành mới đã phát triển ở Ấn Độ, dựa trên nghi quỹ được gọi là Mật điển.

Những bộ Mật điển thường ghi lại lời thuyết pháp, khai thị của Đức Phật lịch sử (hoặc đôi khi là giáo lý thuyết giảng của chư Phật), trong đó đề cao lý tưởng Đại thừa, theo đó các bậc Bồ Tát tìm kiếm quả vị Phật nhằm lợi ích chúng sinh. Bên cạnh đó, giáo pháp Kim Cương thừa cũng đưa ra một số phương pháp thực hành và trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Những pháp thực hành chính của Kim Cương thừa bao gồm quán tưởng nhằm thay đổi định hướng nhận thức, sử dụng chân ngôn và hành trì các nghi quỹ cầu nguyện, cúng dường lên chư Phật nhằm giúp hành giả chuyển hóa tự thân thành một Đức Phật toàn giác.

Vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, Đại học Tự viện Phật giáo được thành lập ở Nalanda, Ấn Độ, từ  đó trở thành Trung tâm Phật giáo lớn nhất và có ảnh hưởng sâu rộng suốt nhiều thế kỷ sau.

Ngài Nguyệt Xứng (Chandrakirti, khoảng năm 550– 600) là một nhà luận thích có tầm ảnh hưởng nhất khi viết những bài bình giảng trước tác của Bồ Tát Long Thọ.

Trong những thế kỷ tiếp theo, bắt đầu xuất hiện một số truyền thống với xu hướng hợp nhất tri kiến của Trung Quán Tông và Du Già Tông. Nổi bật nhất trong thời đại hợp nhất này là hai triết gia Shantarakshita (khoảng năm 680 – 740) và Kamalashila (khoảng năm 740 – 790).

Sau thời đại cuối cùng của sự hoằng dương tư tưởng Phật giáo ở Ấn Độ, Phật giáo bắt đầu suy thoái.  

Phật giáo bắt đầu trở thành một truyền thống của các vị cao tăng tu học trong các tự viện lớn như Nalanda và Vikramashila ở miền Bắc Ấn Độ. Phật giáo không điều chỉnh để thích ứng với thay đổi chính trị và xã hội, dường như thiếu vắng nền tảng vững chắc.

Khi quân Thổ du nhập Hồi giáo bằng một loạt các cuộc chiếm Ấn Độ từ thế kỷ thứ chín đến hết thế kỷ thứ mười hai, càn quét các Đại học Tự viện lớn ở miền Bắc Ấn và sát hại vô số vị cao tăng lỗi lạc, Phật giáo đã chịu ảnh hưởng nặng nề và không thể phục hồi. Năm 1193, quân Hồi giáo tấn công và đánh chiếm Magadha, vùng đất trung tâm Phật giáo ở Ấn Độ, phá huỷ các Tự viện Phật giáo lớn như Nalanda (năm 1200), Phật giáo gần như bị xóa bỏ khỏi vùng này. Chỉ còn vài cộng đồng người thiểu số, nằm ẩn sâu trong dãy núi Himalaya, vẫn còn duy trì được truyền thống Phật giáo.

Ngoài theo Hồi giáo, hầu hết người Ấn Độ theo đạo Hindu. Họ coi Phật giáo là một nhánh cổ xưa và không còn sức sống thuộc đạo Hindu, chứ không phải là một tôn giáo độc lập, riêng rẽ.

Dưới thời thuộc địa Anh Quốc, Phật giáo đã nhen nhóm hồi sinh ở Ấn Độ. Ví dụ như vào những năm 1890, Ngài Dammapara tại Sri Lanka đã thành lập Hội Mahabodhi (Đại giác ngộ), Ngài Ayoti Daas đã thành lập Hội Phật giáo miền Nam Ấn Độ, cùng một số hoạt động Phật giáo khác tại Bengal và một số nơi khác thuộc Ấn Độ. Tuy vậy, các hoạt động này chỉ mang tính địa phương, chưa phải sự hoằng truyền rộng rãi.

Năm 1956 tại bang Maharashutra, thành phố Nagpur, Tiến sỹ Ambedkar đã tổ chức một buổi lễ truyền Pháp và Quy y Phật cho 500.000 người thuộc tầng lớp cùng đinh. Mục đích của công cuộc hồi sinh đạo Phật lần này nhằm giảm bớt tầm ảnh hưởng của sự phân biệt giai cấp theo truyền thống Đạo Hindu và cũng như những hệ lụy của nó đối với tầng lớp hạ lưu. Số Phật tử tại Ấn Độ năm 1981 (theo ước tính của Chính phủ Ấn Độ) là 4,65 triệu người, và năm 1991 tăng lên đến 6,32 triệu người. Khoảng 80% Phật tử sống ở bang Maharashutra, và tại thành phố Nagpur. Trong những năm qua, ý thức về nhân quyền ở Ấn Độ tăng dần, số người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội phát tâm Quy y Phật cũng tăng lên.

Bước phát triển mở rộng ban đầu của Phật giáo

Có thể thấy lịch sử Phật giáo được lưu truyền bởi các tông phái khác nhau có rất ít sự khác biệt.

Thoạt đầu, Phật giáo chỉ là một trong số nhiều trường phái nhỏ ở Ấn Độ. Bước đột phá cơ bản xuất hiện khi vua A Dục (khoảng năm 270 đến 232 trước Công nguyên) quy y Phật Pháp. Đức vua không biến Phật giáo thành một quốc đạo, mà ủng hộ mọi tôn giáo có đạo đức. Ngài tổ chức việc mở rộng Phật giáo ra khắp toàn đất nước Ấn Độ, song cũng để Phật giáo vươn ra ngoài biên giới của Ấn Độ; quan trọng nhất là đến Sri Lanka. Việc mở rộng này diễn ra sau thời gian tổ chức Đại hội Phật giáo lần thứ ba.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6181952
Số người trực tuyến: