2. Tam Căn bản
2.1. Căn bản Kim cương Thượng sư
a. Tầm quan trọng của Căn bản Kim cương Thượng sư:
Tầm quan trọng của Căn bản Kim cương Thượng sư
Thượng sư theo tiếng Phạn gọi là “Guru”, có nghĩa là hợp nhất của tất cả sự thành tựu, là Bậc thầy linh thiêng tôn quý, hiện thân của mọi phẩm hạnh giác ngộ.
Đối với thực hành Kim Cương thừa, tất cả mức độ tu tập từ mới nhập môn đến cao cấp như Đại Thủ Ấn (Mahamudra), Đại Toàn Thiện (Dzogchen) đều đặt Thượng sư làm trung tâm của pháp thực hành. Do đó hành giả cần trưởng dưỡng tín tâm nơi Thượng sư - bậc giác ngộ có khả năng hướng đạo, dìu dắt chúng sinh chứng đạt giác ngộ giải thoát. Bởi vậy, trong phần Quy y quan trọng nhất là bạn phải phát tâm chí thành, tha thiết nguyện cầu quy y bậc Kim Cương Thượng sư.
Căn bản Thượng sư là điều kiện tiên quyết để thành tựu giác ngộ
Do vô minh nghiệp chướng, chúng ta chưa thể đón nhận trực tiếp giáo Pháp của chư Phật, Bồ Tát, không có đủ phúc duyên để hạnh ngộ và đón nhận giáo pháp trực tiếp từ Đức Phật Thích Ca, mà chỉ có thể đón nhận giáo pháp thông qua các Bậc thầy tâm linh giác ngộ.
Theo truyền thống Kim Cương thừa, Căn bản Thượng sư chính là tổng nhiếp của Phật, Pháp, Tăng. Ngài là bậc thành tựu giả đã đạt được chứng ngộ trong hình tướng loài người. Vì đã đạt giác ngộ nên các Ngài tự chủ động hóa thân chuyển thế để trở lại thế gian trong các hình tướng khác nhau và hướng đạo cho chúng sinh theo nhiều phương pháp như Nguyên thủy, Đại thừa hay Kim Cương thừa.
Bằng cách tin Thượng sư là Phật, chúng ta có thể tiếp cận và đón nhận ân phúc gia trì, sự giáo dưỡng của Đức Như Lai, kết nối trực tiếp với tâm giác ngộ của chư Phật, chư Thượng sư và cuối cùng để có thể chứng ngộ tự tính Phật sẵn có nơi mình.Căn bản Thượng sư là cội nguồn của ân phúc gia trì
Trong Tam Căn Bản, bậc Thượng sư được coi là cội nguồn của ân phúc gia trì bởi Ngài luôn ban trải phẩm tính từ bi và trí tuệ đồng thời trực tiếp dẫn dắt chúng ta trên con đường trưởng dưỡng từ bi trí tuệ hướng đến chứng đạt giác ngộ. Ân phúc gia trì của Thượng sư đồng nghĩa với sự trưởng dưỡng tâm chí thành hay trí tuệ giác ngộ nơi hành giả.
Thượng sư thực chất chính là Phật hay phẩm tính giác ngộ toàn hảo. Quan kiến của hành giả về bậc Căn bản Thượng sư sẽ cho thấy hành giả đang ở mức độ nào trên hành trình giác ngộ. Trong Kinh nói rằng nếu chỉ nhìn nhận Thượng sư như một bậc Thầy thế gian thông thường thì hành giả chưa trưởng dưỡng được tâm chí thành và chưa đi vào con đường Kim Cương thừa, bởi vai trò của bậc Thượng sư chưa được nhìn nhận và phát huy một cách đúng đắn. Nếu hành giả có quan kiến thanh tịnh nhìn Thượng sư như một Bồ tát, điều đó có nghĩa hành giả đã trưởng dưỡng tâm chí thành ở mức độ cao hơn và kết quả sẽ đón nhận được ân phúc gia trì của Bồ tát. Nếu hành giả nhìn nhận bậc Căn bản Thượng sư của mình như một vị Phật thì hành giả có thể tích lũy vô lượng công đức và đón nhận ân phúc gia trì của Phật. Một cách rốt ráo, nếu nhìn nhận bậc Thượng sư chính là chân lý vũ trụ và có thể hợp nhất bất khả phân với tâm giác ngộ của Ngài, hành giả trưởng dưỡng được tâm chí thành tuyệt đối, viên mãn thành tựu tâm linh. Như vậy, tâm chí thành thanh tịnh hướng đến Thượng sư là nền tảng của sự thành tựu trên con đường Kim Cương thừa. Tương ứng với quan kiến thanh tịnh là sự gia trì của Thượng sư, vì thế chúng ta nói rằng Thượng sư chính là thước đo công đức hay hiện thân phúc điền của hành giả.
b. Thượng sư là tinh túy của Quy y
b.1. Thượng sư nêu biểu Tam bảo
Thượng sư là hiện thân Tam Bảo bởi thân Ngài là Tăng Bảo, tức hiện thân của chư Tăng, khẩu Ngài là Pháp Bảo vì Ngài chuyển tải giáo pháp giác ngộ của Đức Phật tới chúng ta, và cuối cùng, năng lực tu chứng thể hiện qua tâm giác ngộ từ bi của Ngài chính là Phật Bảo.
b.2. Thượng sư nêu biểu Tam Căn bản
Thân của Căn bản Thượng sư là Thượng sư (Guru).
Khẩu của Thượng sư là Bản tôn (Yidam).
Tâm của Thượng sư là Không hành mẫu (Dakini).
Ngài là hiện thân Tam Căn Bản bởi Thân Ngài là thân Truyền thừa Thượng sư, Khẩu Ngài tượng trưng cho Bản tôn hay phương tiện và Tâm Ngài là Dakini hay trí tuệ tính không.
b.3. Thượng sư nêu biểu Tam Thế Phật
Thượng sư là hiện thân của chư Phật quá khứ.
Hóa thân của chư phật hiện tại.
Là cội nguồn của chư Phật trong tương lai.
Thượng sư cũng nêu biểu cho Tam Thế Phật, là hiện thân của ba đời mười phương chư Phật quá khứ, hiện tại và tương lai. Kinh điển dạy rằng mặc dù có vô số Bậc giác ngộ đã viên mãn công đức và thành tựu Phật quả trọn vẹn, nhưng khi còn an trụ trong cảnh giới Pháp thân, với lòng từ bi và trí tuệ vô hạn, các Ngài vẫn tiếp tục hóa thân chuyển thế, hiển hiện nơi nhân gian để không ngừng lợi ích hết thảy hữu tình. Chư Thượng sư như Ngài Tilopa, Naropa, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa hay tất cả những bậc nắm giữ Truyền thừa đều chính là Đức Phật, các Ngài đều chứng ngộ sự hợp nhất của tâm Đại từ bi và trí tuệ tính không. Qua Pháp mạch truyền thừa giác ngộ của mình, các Ngài hóa thân chuyển thế lợi ích chúng sinh.
b.4. Thượng sư nêu biểu Tam Thân Phật
Thân của Thượng sư là Hóa thân, hiện thân của chân lí tương đối.
Khẩu của Thượng sư là Báo thân quang minh nêu biểu phương tiện.
Tâm của Thượng sư là Pháp thân, là chân tâm chu biến khắp pháp giới và trí tuệ tính không tuyệt đối.
Bậc Căn bản Thượng sư cũng đồng thời tổng nhiếp Tam Thân, thân Ngài là Hóa thân, khẩu Ngài là Báo Thân và tâm Ngài là Pháp thân Phật. Mặc dù bậc Thượng sư thị hiện nhậm vận khắp pháp giới dưới hình thức Tam thân (Pháp thân, Báo thân, Hóa thân). Tuy nhiên, chúng ta chỉ thường thấy Ngài là Hóa thân Phật bởi trong Kinh dạy rằng Bồ tát chứng đắc từ ngôi Địa thứ nhất tới ngôi Địa thứ tám mới có thể thấy được Báo thân Phật. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta cần phải tuyệt đối tin rằng bậc Căn bản Thượng sư chính là hiện thân của chư Phật, Bồ Tát và bất khả phân với chư Phật, Bồ Tát.c. Phẩm chất giác ngộ nơi Căn bản Thượng sư
Thượng sư là bậc hướng đạo, dẫn dắt đệ tử, hơn nữa đạo giải thoát không phải môn khoa học thông thường mà là khoa học siêu việt về giải thoát khổ đau và luân hồi sinh tử, vậy nên một bậc Thượng sư chân chính cần hội tụ đầy đủ những phẩm hạnh đặc biệt. Thượng sư không chỉ đơn giản là người biết giảng Pháp, quan trọng hơn cả, bậc Thượng sư phải có kinh nghiệm thực chứng và là Bậc thành tựu giác ngộ, viên mãn mọi phẩm hạnh từ bi và trí tuệ.
Vì thế, khi tiếp cận với bậc Thầy, chúng ta phải rất tinh tế và cũng cần phát triển về mặt tâm linh để nhận biết những phẩm hạnh của Thượng sư một cách kín đáo chân thật. Trí tuệ Bát Nhã và tâm từ bi vô điều kiện hướng tới hết thảy chúng sinh là hai phẩm hạnh quan trọng nhất của một Thượng sư chân chính. Hai phẩm hạnh này phụ thuộc chặt chẽ lẫn nhau. Một Thượng sư chân chính phải là bậc đã hoàn thiện viên mãn Đại trí, Đại bi.
d. Ba cấp độ quy y Căn bản Thượng sư
Nhờ quy y bậc Thượng sư bên ngoài, hiện thân của Tam Bảo với các phẩm tính giác ngộ, chúng ta được thụ nhận giáo pháp và dìu dắt hướng đạo. Thông qua việc thực hành giáo pháp và trưởng dưỡng tâm chí thành đối với Thượng sư, chúng ta dần nhận ra bậc Thượng sư bên trong hay trí tuệ có sẵn nơi bản thân. Rốt ráo, chúng ta có thể thực chứng Thượng sư bí mật hay thành tựu giác ngộ. Như vậy, Thượng sư chính là cầu nối đưa hành giả trở về với tự tính tâm trong sáng, Phật tính luôn tiềm ẩn bên trong chính mình.
Quy y bên ngoài
Hành giả đặt trọn niềm tin, tha thiết phát nguyện nương tựa vào Tam Bảo và bậc Thượng sư bên ngoài. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là bậc toàn tri, toàn giác. Ngài đã chỉ bày, dẫn dắt chúng sinh đi trên con đường giác ngộ từ hơn 2.500 năm trước. Những giáo pháp, Kinh điển mà Ngài đã khai thị cho chúng sinh để đạt được giác ngộ chính là Pháp Bảo; còn những người thiết tha tìm cầu giác ngộ, nhất tâm đi trên con đường hướng tới giải thoát đó chính là Tăng Bảo. Trên hành trình tâm linh, bất kỳ ai che chở, nâng đỡ, hướng đạo, giúp bạn khai mở phát triển từ bi, trí tuệ và có một cuộc sống an lạc ý nghĩa, thì đó chính là bậc Thượng sư mà bạn cần hướng tâm chí thành của mình đến.
Quy y bên trong
Quy y bên trong cho bạn biết rằng, chính bản thân mình có đầy đủ cả ba ngôi báu Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Bạn không nên xem Phật là đối tượng tồn tại bên ngoài mà Phật tồn tại trong chính bạn, là tâm thanh tịnh từ bi và trí tuệ toàn thiện của bạn. Đây là hai phương diện của tâm mà bạn không thể tìm cầu từ bên ngoài. Vậy nên, con đường tu tập, chuyển hoá bản thân và mong nguyện thực hành để đạt giải thoát giác ngộ cũng nằm ngay trong chính bạn.
Quy y bí mật
Sự hợp nhất giữa Tự tính của vạn pháp (tính không và quang minh) với Đại hỷ lạc (sâu xa và bất biến) phát khởi một cách vô tác. Quy y bí mật thực chứng sự hợp nhất bất nhị này, đó là Trí tuệ bản lai. Vì vậy, Quy y bí mật cũng chính là sự thực chứng thể tính tự nhiên, nguyên thủy của tâm:
Tâm siêu việt thanh tịnh và thủ đắc là Phật.
Tâm bất biến và tinh khiết không tỳ vết là Pháp.
Tâm viên mãn tất cả các phẩm chất giác ngộ là Tăng.
2.2. Bản tôn
Định nghĩa Bản tôn
Một cách tuyệt đối, Bản tôn chính là Phật tính, là tự tính tâm có sẵn trong mỗi chúng sinh. Chư Phật luôn thị hiện quanh chúng ta, nhưng bởi vì nghiệp lực vô minh che lấp, chúng sinh phàm không thể kết nối trực tiếp với sự gia trì. Với lòng từ bi của mình, chư Phật đã thị hiện qua các hình tướng (sắc thân Phật, Kim Cương Hộ Pháp…), âm thanh (chân ngôn)…, để chúng sinh sơ cơ cũng có thể kết nối và thực hành. Vậy một cách tương đối, Bản tôn có thể được hiểu là khía cạnh phương tiện của Phật tính, là cách thức, thứ lớp thực hành.
Trong Phật giáo Kim Cương thừa, các hành giả thực hành quán tưởng về Bản tôn dựa trên nền tảng tâm chí thành. Pháp thực hành Bản tôn bắt nguồn từ những giáo lý thâm sâu của Đạo Phật và sử dụng kỹ thuật vô cùng thiện xảo để đánh thức sự chứng ngộ ở cấp độ sâu sắc nhất.
Chư Phật Bản tôn được quán tưởng là những mẫu hình toàn hảo về năng lượng giác ngộ và công hạnh lợi tha. Các Ngài hoàn toàn không tách rời với cuộc sống và những kinh nghiệm hàng ngày của con người mà chính là sự phản ánh các trạng thái ý thức khác nhau. Đức Phật, Đức Lục Độ Phật Mẫu Tara và chư Bản tôn An bình tượng trưng cho các khía cạnh tâm siêu việt, trong khi đó chư Bản tôn Uy mãnh biểu trưng cho những khuynh hướng bên trong chưa được chuyển hóa như thù hằn, đố kị, tham lam và tội lỗi. Khi chúng ta chưa hiểu bản chất của những năng lượng tiềm ẩn này, chúng sẽ bộc lộ ra ngoài theo hướng tiêu cực. Nhưng khi chủ động nhìn nhận chúng một cách có ý thức, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận và bao dung hơn với chính bản thân cũng như với mọi người. Về mặt sự tướng, chư Bản tôn hiện diện bên ngoài là đối tượng thiền định hoàn hảo, song về mặt lý, các Ngài nêu biểu cho những năng lượng tích cực và tiêu cực bên trong mỗi người. Vì thế, việc thiền định Bản tôn giúp chúng ta chuyển hóa những năng lượng tiềm ẩn bên trong mình thành năng lực sáng tạo tốt đẹp.Trong Tam Căn Bản, chư Phật Bản tôn là cội nguồn của thành tựu bởi thông qua phương tiện thiện xảo của việc thực hành Bản tôn, chúng ta có thể thực chứng tự tính tâm. Một hành giả tu tập theo Kim Cương thừa coi Phật Bản tôn là một đối tượng cụ thể của thiền định và tìm cách trưởng dưỡng qua trải nghiệm của bản thân về sự hợp nhất với các phẩm hạnh của Thân, Khẩu và Ý Phật hay hiện thân của ba Kim cương giác ngộ: Thân bất biến, Khẩu bất hoại và Tâm bất động. Ba Kim cương Thân, Khẩu, Ý giác ngộ này hoàn toàn siêu việt thân, khẩu, ý thông thường đầy ám chướng và bản năng tập khí. Bằng cách quán tưởng thân khẩu ý là Bản tôn - Chân ngôn - Trí tuệ, chúng ta trở nên cởi mở để đón nhận sự gia trì tuyệt hảo, chuyển hóa thân khẩu ý phàm tình của mình thành ba tự tính Kim cương bất hoại.
2.3. Không hành mẫu
Định nghĩa Không hành mẫu
Nếu Bản tôn là khía cạnh phương tiện của Phật tính, thì Không hành mẫu - Dakini là khía cạnh trí tuệ. Bởi trí tuệ là năng lượng Mẫu tính nên Dakini thường được diễn tả trong hình tướng Phật Mẫu.
Thuật ngữ ‘Dakini’ xuất phát từ tiếng Phạn, từ tiếng Tạng tương đương là Khandro có nghĩa là “Không hành mẫu”. Dakini xuất hiện trong hình tướng nữ giới và thường được chia ra Dakini thế gian và Dakini trí tuệ. Dakini thế gian là những chúng sinh vẫn bị trôi lăn trong các cõi Trời - Người, có thể mang hình tướng đẹp đẽ hay dạ xoa. Các nữ hành giả đã đạt một vài thứ lớp chứng ngộ nhưng vẫn chưa thoát khỏi luân hồi sinh tử cũng được gọi là Dakini thế gian. Dakini trí tuệ là những bậc đã giác ngộ như Đức Kim Cương Thánh Mẫu Vajra Yogini. Theo nghĩa này, Dakini là một trong những đối tượng Quy y của Tam Căn Bản. Mặc dù hiện tướng bên ngoài là nữ giới (tượng trưng cho trí tuệ, năng lượng Mẫu tính) nhưng hiện tướng bên trong của Dakini chính là Trí tuệ Căn Bản hay Tâm giác ngộ của Thượng sư.
Dakini nêu biểu cảnh giới của sự tỉnh thức được kiểm soát, vững chắc và hoàn toàn tự do. Dakini như thế có khả năng du hí tự tại trong Pháp giới tính không và là cội nguồn của các công hạnh giác ngộ: Tức tai, Tăng ích, Kính ái, Hàng phục vì lợi ích chúng sinh. Thiết yếu của Dakini là trợ giúp và nương sự trợ giúp của Dakini, hành giả thành tựu được sự nghiệp từ giai đoạn sơ phát tâm đến giai đoạn cuối cùng của thành tựu tối thượng. Như vậy, quy y Không hành mẫu Dakini là quy y cội nguồn công hạnh giác ngộ.
- 2315