10. Phẩm Tứ Đế Thứ Mười
PHẨM TỨ ĐẾ THỨ MƯỜI
(Hán bộ phần giữa quyển thứ bảy)
Này Ca-Diếp! Nói là “khổ” đó, chẳng gọi là thánh đế. Tại sao vậy? Vì nếu nói “khổ” là khổ thánh đế, thời tất cả trâu, dê, lừa, ngựa cùng người địa ngục lẽ ra có thánh đế.
Này Ca-Diếp! Nếu có người nào chẳng biết cảnh giới rất sâu của Như-Lai với pháp thân vi mật thường trụ không biến đổi, cho là thực thân không phải pháp thân, chẳng biết đạo đức oai lực của Như-Lai, đây gọi là “khổ”.
Do vì chẳng biết nên nơi “pháp” thấy là “phi-pháp”, nơi “phi pháp” thấy là “pháp”. Phải biết người này ắt phải đọa vào ác thú mãi trôi lăn trong vòng sinh tử, thêm lớn nghiệp hoặc chịu nhiều khổ não.
Nếu có người hay biết Như-Lai thường trụ không có biến đổi, hoặc nghe tiếng nói hai chữ “thường trụ” một lần phớt qua tai, bèn được sinh lên cõi trời. Về sau, lúc được giải thoát, mới được chứng biết Như-Lai thường trụ không có biến đổi. Khi đã chứng biết bèn tự nói: “Ngày trước, tôi từng nghe nghĩa thường trụ này, nay được giải thoát mới được chứng biết. Đối với bổn tế, vì không rõ biết, nên tôi phải luân hồi sinh tử xoay lăn vô cùng, ngày nay mới bắt đầu đặng chứng biết như thật”.
Nếu người nào biết như vậy, thiệt là tu khổ-đế, được nhiều lợi ích lớn. Nếu người không biết, dầu là siêng tu nhưng không được lợi ích, đây gọi là biết: “khổ”, gọi là “khổ thánh đế”.
Nếu người nào không tu tập được như vậy, thời gọi là “khổ”, chẳng phải “khổ thánh đế”.
“ Khổ tập đế”là, nơi trong chân pháp chẳng sinh chân trí. Thọ lấy vật bất tịnh, tức là nô tỳ, hay nói phi pháp là chính pháp, dứt diệt chính pháp chẳng cho còn lâu. Vì nhân duyên này mà không biết được pháp tính, vì không biết mà luân hồi sinh tử chịu nhiều sự khổ não, chẳng được sinh cõi trời và chính giải thoát, Nếu có thâm trí chẳng hoại chính pháp do nhân duyên này được sinh cõi trời và chính giải thoát.
Nếu có người không biết khổ tập đế, mà nói chính pháp không có thường trụ. Đây đều là diệt pháp. Vì nhân duyên này nên trong vô lượng kiếp lưu chuyển sinh tử chịu các sự khổ não.
Nếu có thể biết pháp thường trụ chẳng khác, đây gọi là biết “tập”, gọi là “tập thánh-đế”. Nếu người không thể tu tập được như vậy thời gọi là “tập”, chẳng phải “tập thánh-đế”.
Khổ diệt-đế là, nếu có người tu học nhiều pháp không thời là chẳng tốt. Bởi vì sao? Vì dứt tất cả pháp, vì hư hoại chân pháp tạng Như-lai. Tu học như trên đây gọi là tu pháp không. Người tu khổ diệt-đế thời nghịch lại tất cả pháp tu của ngoại đạo. Nếu nói rằng tu pháp không là diệt-đế đó, thời tất cả ngoại đạo cũng tu pháp không, đáng lẽ họ có diệt-đế, nếu có người tu tập Như-Lai tạng: Vô ngã không-tịch, người này nơi vô lượng đời lưu chuyển thọ khổ trong vòng sinh tử. Nếu có người chẳng tu tập như vậy, dầu có phiền não nhưng chóng có thể diệt trừ, vì người này biết tạng bí mật Như-Lai.
Nếu có người nói rằng có tạng Như-Lai, dầu chẳng thấy được nhưng nếu có thể diệt trừ tất cả phiền não đây thời đặng chứng nhập. Nếu phát tâm như trên đây, nhân duyên trong một niệm, có thể đặng tự tại đối với tất cả pháp.
Nếu người nào có thể tu tập Diệt-đế như vậy chính là đệ tử của ta. Bằng không, thời gọi là tu pháp không chẳng phải diệt Thánh đế vậy.
Đạo Thánh-đế tức là Phật-bảo, Pháp-bảo, Tăng-bảo và chính giải thoát.
Có hạng chúng sinh điên đảo cho rằng không Phật, không Pháp, không Tăng và không chính giải thoát, sinh tử lưu chuyển dường như huyễn hoá. Do kiến chấp này nên lưu chuyển ba cõi chịu nhiều khổ não.
Nếu người có thể phát tâm thấy rằng Như Lai thường trụ không biến đổi, Pháp, Tăng giải thoát cũng thường trụ như vậy. Nhờ một niệm nàytrong vô lượng đời tùy ý mà đặng quả báo tự tại.
Như ta thuở trước, vì bốn thứ điên đảo, chẳng phải pháp chấp là pháp, nên mắc lấy vô lượng nghiệp quả ác. Ngày nay ta đã diệt hết những kiến chấp như vậy, nên đặng thành Phật vô thượng chính giác. Đây gọi là đạo Thánh đế.
Nếu có người cho rằng Tam-bảo là vô thường, đây là lối tu hư vọng chẳng phải đạo Thánh đế.
Nếu người tu tập Tam-bảo là thường trụ, người này là đệ tử của ta, chân chính tu tập thấy bốn pháp Thánh đế. Trên đây gọi là bốn Thánh đế.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật rằng: “Thế-tôn! Nay tôi mới biết tu tập bốn pháp Thánh đế rất sâu”.
- 24
Viết bình luận