12. Phẩm Như Lai Tính Thứ Mười Hai
PHẨM NHƯ LAI TÍNH THỨ MƯỜI HAI
(Hán bộ phần trên quyển thứ tám)
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Hai mươi lăm cõi có ngã cùng chăng?
Phật dạy: “Này Thiện-nam-tử! Ngã tức là nghĩa Như-Lai tạng. Tất cả chúng sinh đều có Phật tính tức là nghĩa của ngã. Nghĩa của ngã như vậy từ nào tới giờ thường bị vô lượng phiền não che đậy, vì thế nên chúng sinh chẳng nhận thấy được.
Như cô gái nghèo, trong nhà có nhiều kho tàng vàng vòng, tất cả người nhà không ai biết. Một hôm có người khách lạ khéo biết phương tiện bảo cô gái nghèo: “Nay tôi thuê cô dọn cỏ rác cho tôi”.
Cô gái liền đáp: “Nếu ông có thể chỉ kho vàng cho tôi, rồi tôi sẽ dọn cỏ rác cho ông”.
Người khách nói: “Tôi biết cách thức, có thể chỉ kho vàng cho cô”.
Cô gái nói: “Tất cả người nhà của tôi còn chẳng biết được, huống là ông mà có thể biết!”.
Khách lại nói: “Nay tôi có thể biết chắc chắn”.
Cô gái nói: “Tôi gấp muốn thấy, ông nên chỉ cho tôi”.
Người khách liền ở trong nhà cô, đào được kho vàng ròng. Cô gái thấy kho vàng lòng rất vui mừng ngạc nhiên lạ lùng, kính trọng người khách.
Này Thiện-nam-tử! Phật tính của chúng sinh cũng như vậy, tất cả chúng sinh chẳng nhận thấy được. Khác nào cô gái nghèo có kho vàng mà chẳng biết. Hôm nay ta chỉ bày Phật tính sẵn có của tất cả chúng sinh hiện bị các phiền não che đậy. Như cô gái nghèo kia trong nhà sẵn có kho vàng nhưng không thấy được. Hôm nay đức Như-Lai chỉ bày kho báu giác tính cho chúng sinh, đây chính là Phật tính. Chúng sinh thấy được tính này lòng rất vui mừng quy ngưỡng đức Như-Lai.
Người khách khéo biết phương tiện dụ cho Như-Lai. Cô gái nghèo dụ cho vô lượng chúng sinh. Kho vàng ròng dụ cho Phật tính.
Này Thiện-nam-tử! Ví như cô gái sinh một trai trẻ này mắc bệnh, cô gái buồn rầu tìm y sĩ. Y sĩ đến xem bệnh, dùng ba thứ bơ, sữa đường phèn hiệp lại bảo cho đứa trẻ uống. Y sĩ dặn cho cô gái, đứa trẻ sau khi uống thuốc chớ cho nó bú, phải chờ thuốc tiêu hóa, rồi mới được cho bú
Cô gái liền lấy chất đắng thoa trên vú rồi bảo đứa bé: “Vú của mẹ đã thoa thuốc độc, con chớ chạm đến”.
Đứa bé đói khát muốn bú, nhưng nghe mùi đắng trên vú bèn chẳng dám gần. Thời gian sau thuốc uống đã tiêu hoá, người mẹ lấy nước rửa sạch vú mình, gọi con đến bú.
Lúc đó đứa trẻ mặc dầu đói khát nhưng nhớ mùi đắng nên chẳng dám đến bú.
Người mẹ bảo: “Vì con uống thuốc nên mẹ lấy chất đắng thoa trên vú. Thuốc con uống đã tiêu hóa, vú của mẹ cũng đã rửa sạch, giờ đây con có thể đến bú không hại gì”.
Đứa trẻ nghe mẹ bảo lần lần đến bú.
Này Thiện-nam-tử! Đức Như-Lai cũng vậy. Vì độ tất cả chúng sinh nên dạy tu pháp vô ngã. Nhờ tu pháp đó dứt hẳn tâm chấp ngã, được nhập Niết-bàn. Vì trừ những vọng kiến trong đời nên thị hiện pháp xuất thế gian. Lại chỉ rõ quan niệm chấp ngã của người đời là hư vọng chẳng phải chân thật, nên dạy tu pháp vô ngã để được thân thanh tịnh.
Như cô gái kia chữa bệnh cho con, nên lấy chất đắng thoa trên vú. Cũng vậy, Đức Như-Lai vì dạy tu pháp không nên nói các pháp đều không có ngã.
Như cô gái kia rửa sạch vú rồi kêu con đến bú. Cũng vậy, đức Phật hôm nay nói Như-Lai tạng.
Vì thế nên các Tỳ-kheo chớ sinh lòng kinh sợ.
Như đứa trẻ kia nghe mẹ kêu lần lần đến bú. Cũng vậy, các Tỳ-kheo nên tự phân biệt Như-Lai tạng, chẳng được, chẳng có.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Thiệt không có ngã. Vì lúc đứa trẻ mới sinh không hiểu biết. Nếu là có ngã thời ngày mới sinh lẽ ra liền có hiểu biết. Do nghĩ này nên định biết là không ngã.
Nếu quyết định có ngã, sau khi đã thọ sinh, lẽ ra không chết mất. Nếu tất cả chúng sinh đều có Phật tính. là thường trụ, lẽ ra không hư hoại. Nếu là không hư hoại, sao lại có Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà, Chiên-đà-la, Súc sinh v.v… sai biệt nhau. Hiện nay thấy các thứ nghiệp duyên chẳng đồng, các loài đều riêng khác. Nếu quyết định có ngã, thời tất cả chúng sinh lẽ ra không hơn kém.
Do những nghĩa trên đây nên định biết Phật tính chẳng phải là pháp thường trụ.
Nếu cho rằng Phật tính quyết định là thường trụ, thời do duyên gì lại nói có sát sinh, trộm cướp, tà dâm, lưỡng thiệt, ác khẩu. Vọng ngôn, ỷ ngữ, tham lam, sân khuể, tà kiến.
Nếu ngã tính là thường trụ, cớ gì sau khi uống rươu lại say mê.
Nếu ngã tính là thường trụ, thời kẻ mù lẽ ra thấy sắc, kẻ điếc lẽ ra nghe tiếng, kẻ câm lẽ ra nói được, người què lẽ ra có thể đi.
Nếu ngã tính là thường trụ, lẽ ra chẳng còn tránh hầm lửa, nước lụt, thuốc độc, dao gươm, kẻ ác, thú dữ.
Nếu ngã là thường trụ, thời những việc đã từng nghe thấy lẽ ra chẳng quên. Nếu chẳng quên cớ gì lại nói: tôi đã từng thấy người này ở chỗ đó.
Nếu ngã là thường, thời lẽ ra chẳng nên có niên thiếu, tráng niên, lão thành v.v… Lẽ ra chẳng nên có thịnh, suy, mạnh, yếu cùng nhớ đến việc đã qua.
Nếu ngã là thường, thời nó ở chỗ nào? Nó ở trong nước mũi, nước miếng, hay ở trong các màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng ư!
Nếu ngã là thường, lẽ ra nó phải khắp trong thân, như dầu mè không chỗ hở trống. Nếu như vậy lúc chặt đứt thân thể, thời ngã đó lẽ ra cũng bị đứt!”
Phật bảo Ca-Diếp Bồ-tát: “Thiện-nam-tử! Ví như nhà vua có đại lực sĩ. Trên trán lực sĩ gắn hột châu kim cương. Lực sĩ này cùng người đánh vật. Hột châu kim cương bị đầu kẻ địch đụng lún khuất trong da, Nơi đó thành vết thương. Liền nhờ y sĩ cứu chữa. Y sĩ tài giỏi xem vết thương biết là do hột châu lún vào ở khuất dưới da. Y sĩ hỏi lực-sĩ: “Châu kim cương trên trán của ông đâu rồi?”
Lực sĩ kinh hãi đáp: “Hột châu trên trán của tôi đã mất rồi ư? Nó rơi rớt ở đâu?”. Nói xong lo rầu khóc lóc.
Y sĩ an ủi: “Nay ông chẳng nên buồn khổ. Vì lúc ông đánh vật, hột châu lún vào ở ẩn dưới da, bóng nó hiện ra nơi ngòai. Lúc các ông vật đánh nhau, lòng quá giận tức, nên hột châu lún vào trán mà chẳng hay biết”.
Lực sĩ chẳng tin lời của y sĩ. Nghĩ rằng: Nếu hột châu ở dưới da, máu mủ chảy tuôn cớ sao hột châu chẳng trồi lên. Còn nếu hột châu ở trong gân, lẽ ra không thể thấy. Hoặc giả y sĩ gạt gẫm ta chăng? Bấy giờ y sĩ cầm gương soi trên mặt lực sĩ. Hột châu kim cương hiện ánh sáng trong gương. Lực sĩ nhìn thấy, ngạc nhiên mừng rỡ.
Này Thiện-nam-tử! Tất cả chúng sinh cũng như vậy. Vì không được gần gũi bậc thiện-tri-thức, dầu có Phật tính mà đều không nhận thấy. Bị tham, sân, si che đậy. Vì thế nên đọa địa ngục, súc sinh, ngạ quỹ, A-tu-la, Chiên-đà-la, Sát- đế-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà. Sinh vào trong các dòng đó, nhân tâm tưởng mà gây ra các thứ nghiệp duyên. Dầu được thân người, nhưng phải điếc, đui, câm, ngọng, què, thọt. Thọ các quả báo trong hai mươi lăm cõi. Vì tham, sân, si, che lấp bổn tâm, nên chẳng biết Phật tính. Như lực sĩ kia hột châu vẫn ở trong thân mà hô đã mất.
Cũng vậy, chúng sinh chẳng biết gần gũi thiện-tri-thức, chẳng biết bảo tạng Như- Lai, nên tu học vô ngã. Như hạng chẳng phải bậc Thánh, dầu nói là có ngã, nhưng lại chẳng biết chân tính của ngã.
Hàng đệ tử của ta cũng giống như vậy, vì chẳng biết gần gũi bậc thiện-tri- thức, nên tu học vô ngã mà chẳng biết chỗ thật của vô ngã. Còn chẳng tự biết chân tính của vô ngã, huống lại có thể biết chân tính của ngã.
Này Thiện-nam-tử! Đức Như-Lai nói các chúng sinh đều có Phật tính, ví như y sĩ chỉ hột châu kim cương cho lực sĩ, các chúng sinh này bị vô lượng phiền não che đậy chẳng biết Phật tính. Nếu dứt hết phiền não, bây giờ mới đặng chứng biết rõ ràng. Như lực sĩ thấy hạt châu trong gương sáng.
Tạng Như-Lai vô lượng chẳng thể nghĩ bàn như vậy.
Này Thiện-nam-tử! Ví như núi Tuyết có một vị thuốc tên là “Dược vị”. Thuốc đó rất ngọt, ở dưới lùm bụi rậm, người không thấy được. Có người nghe mùi thuốc liền biết chỗ đó chắc có thuốc ấy. Thuở trước có vua Chuyển Luân ở nơi núi Tuyết này đặt những bộng cây để tiếp lấy thuốc. Lúc thuốc đó chín thời từ đất chảy ra chứa vào trong bọng cây, mùi vị thuốc ngọt ngon. Sau khi Vua đã băng, thời thuốc đó hoặc chua, hoặc mặn, hoặc ngọt, hoặc đắng, hoặc cay, hoặc lạt, tùy địa phương của thuốc sinh ra mùi vị đều khác nhau. Nhưng vị thật của thuốc đọng ở nơi núi như mặt trăng tròn. Người phàm ít phước dầu có đào xới chỉ luống khốn khổ mà không thể được. Lúc có Thánh-Vương ra đời, vì phước lớn của Vua, liền đặng vị thật của thuốc.
Này Thiện-nam-tử! Mùi vị tạng Như-lai cũng như vậy, bị các rừng bụi phiền não che đậy, chúng sinh mê mờ chẳng thấy được.
“Dược vị” trên kia dụ cho Phật tính. Bởi các phiền não nên sinh ra các thứ mùi vị sai khác như là địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, Trời, người, nam, nữ, Sát-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ-đà v.v…
Phật tính hùng mãnh không thể hư hoại, vì thế nên không ai có thể sát hại được. Nếu sát hại được thời Phật tính dứt, nhưng Phật tính trọn không thể dứt, vì không bao giờ tính có thể dứt được.
Như tính của ngã tức là tạng Như-Lai không có gì phá hoại, đốt cháy được tính ấy. Dầu không có thể phá hoại, nhưng chẳng thấy được. Nếu chứng đặng vô thượng chính đẳng chính giác mới thấy được tính. Do cớ đó nên không ai có thể sát hại được.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu không ai sát hại được, thời lẽ ra không có nghiệp bất thiện?”.
Phật nói: “Này Ca-Diếp! Thiệt có sát sinh. Vì Phật tính của chúng sinh ở trong thân ngũ ấm, nếu sát hại ngũ ấm, gọi là sát sinh, đã có sát sinh, thời đọa ác thú.
Do nhân duyên của nghiệp mà có Sát-lợi, Bà-la-môn, Tỳ-xá, Thủ- đà, Chiên-đà- la, nam-nữ v.v… hai mươi lăm cõi sai khác lưu chuyển trong dòng sinh tử.
Người chẳng phải bậc thánh vọng chấp tướng của ngã là lớn hay nhỏ, bằng hột cỏ, hoặc bằng hột gạo, hột đậu, nhẫn đến bằng ngón tay cái. Họ vọng sinh các thứ tưởng tượng như vậy. Tướng của vọng tưởng không có chân thật.
Tướng ngã xuất thế gian, gọi là Phật tính. Nhận lấy ngã này, gọi là rất lành.
Này Thiện-nam-tử! Ví như có người giỏi biết kho báu dưới đất, liền lấy cuốc bén đào đất, thẳng đến đá bàn, cát, sỏi, có thể đào qua không khó, chỉ đến lớp kim cương thời không thể soi thấu.
Luận về chất kim cương, tất cả dao búa không thể làm hư bể. Phật tính của chúng sinh cũng lại như vậy, tất cả nhà biện luận, Thiên-ma, Ba-tuần, cho đến các hàng Trời, người, không thể phá hoại.
Tướng ngũ ấm là hữu vi, tướng hữu vi dụ như đá, cát, sỏi, có thể đào, có thể xoi. Phật tính dụ như kim cương, không thể phá hoại được.
Do nghĩa này, nên phá hoại thân ngũ ấm thời gọi đó là sát sinh.
Này Thiện-nam-tử! Nên biết quyết định rằng Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn như vậy.
Này Thiện nam-tử! Kinh Đại-thừa Phương-đẳng như chất cam lồ, cũng có lúc như thuốc độc.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Do nhân duyên gì mà Đức Như-Lai nói kinh Đại- thừa Phương-Đẳng như chất cam lồ, cũng có lúc như thuốc độc”.
- Này Thiện-nam-tử! Nay ông muốn biết nghĩa chân thật của tạng Như-Lai chăng?
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Tôi nay thiệt muốn biết nghĩa của tạng Như-Lai”.
Bấy giờ Đức Thế-Tôn nói kệ rằng:
Hoặc có người uống cam lồ.
Hại thân mạng mà chết sớm.
Hoặc có người uống cam lồ.
Thêm tuổi thọ sống được lâu,
Hoặc uống thuốc độc được sống,
Có người uống độc mà chết.
Trí vô ngại như cam lồ,
Đó chính là kinh Đại thừa.
Kinh điển Đại thừa như vậy,
Cũng gọi là chất thuốc độc.
Như bơ, đề-hồ v.v…
Nhẫn đến các thứ đường phèn.
Uống vào tiêu hóa là thuốc .
Chẳng tiêu hoá thời thành độc.
Kinh Đại-thừa cũng như vậy,
Nơi người trí là cam lồ,
Kẻ ngu chẳng biết Phật tính.
Nghe Đại-thừa thành thuốc dộc.
Với bậc Thanh-Văn, Duyên- Giác.
Pháp Đại thừa là cam lồ.
Cũng như trong các mùi vị.
Chất sữa là hơn tất cả.
Những người siêng năng tinh tấn.
Nhờ nương nơi pháp Đại-thừa.
Đặng đến nơi Đại-Niết-bàn.
Thành bậc vua trong loài người.
Chúng sinh chứng biết Phật tính.
Được chất cam lồ vô thượng.
Thời không sinh cũng không tử.
Như Ca- Diếp Bồ-Tát thảy.
Này Ca-Diếp ông nên phải.
Khéo phân biệt pháp tam-quy,
Thật tính của pháp tam-quy.
Thời là chân tính của ngã.
Nếu có thể gẫm xét kỹ.
Tính của ngã có tính Phật.
Nên biết những người như vậy.
Đặng chứng nhập tạng Như-Lai.
Biết ngã cùng biết ngã sở.
Người này đã được xuất thế.
Tính, Phật, Pháp, Tăng, Tam-Bảo.
Là bậc đệ nhất vô thượng.
Kệ trên đây của ta nói.
Phật tính đó nghĩ như vậy.
Ca-Diếp Bồ-Tát nói kệ bạch Phật:
Tôi nay đều chẳng biết.
Quy y nơi Tam-Bảo.
Thế nào sẽ về đến.
Vô thượng vô- sở-úy?
Chẳng biết chỗ Tam-Bảo.
Thế nào là vô ngã?
Quy y Phật thế nào,
Mà đặng nơi an ổn?
Quy y Pháp thế nào,
Xin Phật vì tôi nói.
Thế nào đặng tự tại?
Thế nào chẳng tự tại ?
Quy y Tăng thế nào,
Lại đặng lợi vô thượng?
Thế nào thuyết chân thật,
Đời sau thành Phật đạo?
Đời sau nếu chẳng thành,
Thế nào quy Tam-Bảo?
Nay tôi không dự biết,
Nên tuần tự quy y.
Thế nào chưa thai nghén,
Mà tưởng sẽ sinh con?
Nếu biết ở trong thai,
Thời gọi là có con,
Con nếu ở trong thai,
Chắc sẽ sinh chẳng lâu,
Đây gọi là nghĩa con,
Nghiệp chúng sinh cũng vậy.
Như lời Phật đã nói,
Người ngu chẳng biết được.
Do vì họ chẳng biết,
Luân hồi ngục sinh tử,
Giả danh Ưu- bà- tắc,
Chẳng biết nghĩa chân thật.
Xin Phật rộng phân biệt,
Dứt trừ lưới nghi cho.
Đức Phật trí huệ lớn,
Xin thương vì phân biệt,
Xin nói nơi Như-Lai,
Tạng báu rất bí mật.
Ca-Diếp ông nên biết,
Ta nay sẽ vì ông,
Khéo mở tạng bí mật,
Cho ông đặng dứt nghi,
Nay phải hết lòng nghe:
Ông trong hàng Bồ-Tát,
Thời đồng một danh hiệu,
Với Đức Phật thứ bảy.
Người quy y nơi Phật,
Thiệt là Ưu-Bà-Tắc,
Trọn chẳng lại quy y.
Những thiên thần nào khác.
Người quy y nơi Pháp,
Thời lìa sự sát hại.
Người quy y Thánh-Tăng,
Chẳng cầu các ngoại đạo,
Quy Tam-Bảo như vậy,
Thời đặng vô-sở-úy.
Ca-Diếp bạch Phật rằng:
Tôi cũng quy Tam-bảo,
Đây gọi là đường chính,
Cảnh giới của chư Phật,
Tướng Tam-bảo bình đẳng.
Thường có tính trí huệ,
Tính ngã và tính Phật,
Không hai không sai khác,
Đạo này Phật khen ngợi,
Thẳng đến chỗ ở an.
Cũng gọi chính biến tri.
Nên được Phật tán thán.
Tôi cũng đến Phật đạo.
Của Đức Phật ngợi khen.
Là cam lồ tối thượng.
Các cõi chỗ không có.
Đức Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: “Này Thiện-nam-tử! Nay ông chẳng nên như hàng Thanh-văn, cùng hàng phàm phu phân biệt ngôi Tam-bảo. Nơi Đại- thừa đây không có tướng Tam-quy sai khác, vì trong Phật tính bèn có Pháp và Tăng. Nhân muốn hóa độ hàng Thanh-văn và phàm phu, nên phân biệt nói tướng Tam- quy sai khác.
Này Thiện nam-tử! Nếu muốn tùy thuận pháp thế gian, thời nên phân biệt có ba pháp quy y.
Này Thiện-nam-tử! Bồ-Tát nên suy nghĩ như thế này, nay thân của ta đây quy y nơi Phật, nếu chính nơi thân này đặng thành Phật đạo, đã thành Phật rồi, chẳng nên cung kính lễ bái cúng dường các đức Thế-Tôn. Vì chư Phật đều bình đẳng. Khắp vì chúng sinh mà làm chỗ quy y. Nếu muốn tôn trọng pháp thân xá lợi, thời nên lễ kính tháp miếu của chư Phật, vì muốn hóa độ chúng sinh, cũng làm cho chúng sinh đối với thân của ta tưởng là tháp miếu mà lễ bái cúng dường. Những chúng sinh đó, lấy pháp thân của ta làm chỗ quy y.
Tất cả chúng sinh đều nương theo pháp tà ngụy chẳng chân thật, ta sẽ tuần tự vì chúng sinh nói pháp chân thật.
Nếu lại có chúng sinh nương theo phái chẳng phải chân Tăng, ta sẽ vì chúng sinh làm chỗ chân Tăng để chúng quy y.
Nếu có người phân biệt ba pháp quy y ta sẽ vì họ mà làm chỗ quy y duy nhất, không ba pháp sai khác.
Đối với hạng sinh-manh (49), ta vì họ làm nhãn-mục.
Ta lại sẽ vì hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác mà làm chỗ chân quy.
Này Thiện-nam-tử! Như vậy, Bồ-tát vì vô lượng chúng sinh ác và những người trí mà làm Phật sự.
Này Thiện-nam-tử! Ví như người lúc ra trận chiến đấu, tự nghĩ rằng trong đội ngũ đây, ta là người thứ nhất, tất cả binh sĩ đều nương cậy nơi ta.
Cũng như vương-tử suy nghĩ thế này, ta sẽ điều-phục các vương-tử khác, nối ngôi đại vương giữ gìn nghiệp bá chủ, để đặng tự tại, khiến các vươngtử đều phải quy y. Vì thế nên chẳng được sinh tâm hạ liệt. Như vương tử, vua và các quan cũng như vậy. Này Thiện-nam-tử! Bồ-Tát cũng suy nghĩ như vầy: Thế nào ba sự cùng ta đồng một thể?
Này Thiện-nam-tử! Đức Phật nói ba sự tức là Niết-bàn. Như-Lai đó gọi là Vô-Thượng-Sĩ. Ví như thân người, đầu là trên tất cả, chẳng đồng với tay chân lóng đốt. Phật cũng như vậy, là bậc tôn thượng, chẳng phải Pháp cùng Tăng. Vì muốn hóa độ các thế gian, nên thị hiện những tướng sai khác, ví như bậc thang kia.
Vì thế, nay ông chẳng nên như hàng phàm phu, nhận biết tướng ba pháp quy y sai khác. Đối với Đại-thừa, ông phải như dao bén mạnh mẽ quyết đoán.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Tôi vẫn biết, nhưng cố ý hỏi, chẳng phải là không biết, tôi vì các vị Bồ-Tát đại dũng mãnh, mà bạch hỏi chỗ thật hành thanh tịnh không nhơ, muốn đức Như-Lai vì các Bồ-Tát tuyên nói những việc kỳ-đặc, tuyên dương kinh điển Đại-thừa Phương-đẳng. Đức Đại-Bi Thế-Tôn hôm nay đã khéo giải thuyết. Tôi cũng đã an trụ trong pháp đó. Chỗ thật hành thanh tịnh của Bồ-Tát mà Phật đã nói đó, tức là tuyên thuyết kinh Đại Niết- Bàn.
Thế-Tôn! Nay tôi cũng sẽ rộng vì chúng sinh diễn dương tạng Như-Lai bí mật như vậy, cũng sẽ chứng biết chỗ tam-quy chân thật.
Nếu có chúng sinh nào có thể tin kinh Đại-Niết-Bàn này, người đó thời có thể tự nhiên rõ thấu chỗ ba pháp quy y. Vì tạng Như-Lai có Phật tính vậy.
Có người tuyên nói kinh điển này, thời đều nói rằng trong thân vẫn có Phật tính. Người này bèn chẳng cầu ba pháp quy y nơi đâu xa. Vì đời vị lai đây, thân ta bèn sẽ thành tựu ngôi Tam-Bảo. Vì thế nên hàng Thanh-Văn, Duyên-giác vànhững chúng sinh khác đều nương nơi ta mà cung kính lễ bái. Do nghĩa đó nên phải khéo học kinh điển Đại thừa.
Phật tính như vậy chẳng thể nghĩ bàn, ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt cũng chẳng thể nghĩ bàn”.
Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện-nam-tử! Ông đã thành tựu trí huệ rất sâu.
Nay ta sẽ lại vì ông nói pháp chứng nhập Tạng Như-Lai.
Nếu ngã là có, thời là pháp thường chẳng rời nơi khổ. Nếu không có ngã, thời tu hạnh thanh tịnh không được lợi ích.
Nếu cho rằng các pháp đều không có ngã, đó là đoạn kiến, nếu cho rằng có ngã thời là thường kiến.
Nếu cho rằng tất cả hành pháp là vô thường, thời là đoạn kiến, cho rằng các hành pháp là thường, thời lại là thường kiến.
Nếu nói là khổ, thời là đoạn kiến, nếu nói là lạc, thời lại là thường kiến.
Tu tất cả pháp thường đó, thời sa nơi đoạn kiến, tu tất cả pháp đoạn đó, thời sa nơi thường kiến. Như bước đi, cần phải do chân trước, mới dời đặng chân sau. Người tu pháp thường, pháp đoạn, cũng lại như vậy, cần phải do nơi đoạn và thường.
Do nghĩ này, nên người tu các pháp khổ đều gọi là chẳng lành, người tu các pháp lạc, thời gọi là lành. Người tu các pháp vô ngã, thời thuộc về phiền não, người tu các pháp thường, thời gọi là tạng Như-Lai.
Niết-bàn, không có nơi chốn. Tu những pháp vô thường, thời là tài vật, tu những pháp thường, gọi là Phật, Pháp, Tăng, và chính giải thoát.
Nên biết Phật pháp trung đạo như vậy, xa lìa hai bên mà nói pháp chân thật. Người phàm phu ngu mê đối trong pháp đó không nghi, như người gầy yếu, được uống thuốc bổ, thời khí lực khỏe khoắn.
Những pháp hữu, vô, thể tính chẳng nhất định. Ví như tứ-đại tính nó chẳng đồng, đều trái phản nhau. Lương y khéo biết tùy món đại nào phát bệnh mà điều chỉnh đó.
Này Thiện-nam-tử! Cũng vậy, đức Như-lai đối với các chúng sinh, cũng như vị lương y, rõ biết thể tướng sai khác của các phiền não mà dứt trừ, khai-thị tạng Như-Lai bí mật, Phật tính thanh tịnh thường trụ chẳng biến đổi. Nếu cho rằng có, thời lẽ ra trí chẳng nhiễm. Nếu nói là không, bèn thành vọng ngữ. Nếu nói là có, lẽ ra chẳng nên nín lặng. Lại cũng chẳng nên hý luận cãi cọ, chỉ nên cầu được rõ biết chân tính của các pháp.
Người phàm phu hý luận cãi cọ vì chẳng hiểu tạng Như-Lai. Nếu nói pháp khổ, người ngu bèn cho thân là vô thường, chẳng có thể biết nơi thân có tính lạc.
Nếu nói vô thường, người phàm phu chấp tất cả thân đều là vô thường, như ngói chưa hầm chín.
Nếu là người trí nên phải quan sát, chẳng nên nói tất cả đều vô thường, vì nơi thân của ta có chủng tử Phật tính.
Nếu nói vô ngã, người phàm phu sẽ cho là tất cả Phật, Pháp đều không có ngã. Người trí nên phải quan sát vô ngã là giả danh chẳng thật, rõ biết n hư vậy chẳng nên sinh nghi.
Nếu nói tạng Như-Lai là không tịch, người phàm phu nghe như thế sinh kiến chấp đoạn diệt. Người trí nên phải quan sát Như-Lai là thường, không có biến đổi.
Nếu nói giải thoát dụ như huyễn hoá, người phàm phu sẽ cho rằng chứng đặng giải thoát tức là dứt mất. Người trí nên phải quan sát đức Như-Lai giải thoát, dầu có đến đi, nhưng vẫn thường trụ không biến đổi.
Nếu nói vô minh làm nhân duyên mà có các hành pháp, người phàm phu liền phân biệt tưởng rằng có hai pháp: “minh” đến “vô minh”. Người trí rõ biết tính đó vốn không có hai. Tính không hai đó tức là thật tính.
Nếu nói các hành làm nhân duyên có ra thức, người phàm phu cho rằng có hai: “hành” cùng “thức”.
Người trí rõ biết tính đó không hai. Tính không hai đó tức là thật tính.
Nếu nói thập thiện, thập ác có thể tạo tác, không thể tạo tác, đường lành, đường dữ, pháp lành, pháp dữ, người phàm phu nghe đó cho là có hai, người trí rõ biết tính đó không hai. Tính không hai đó tức là thật tính.
Nếu nói nên tu tất cả pháp khổ, phàm phu cho rằng có hai, người trí rõ biết tính kia không hai, tính không hai đó tức là thật tính.
Nếu nói tất cả hành pháp là vô thường thời tạng Như-Lai cũng là vô thường, phàm phu cho rằng có hai, người trí rõ biết tính đó không hai, tính không hai đó tức là thật tính.
Nếu nói tất cả pháp vô ngã, tạng Như-Lai cũng không có ngã, phàm phu cho rằng có hai, người trí rõ biết tính đó không hai, tính không hai đó tức là thật tính.
Ngã với vô ngã nơi tính không có hai thứ.
Tạng Như-Lai, nghĩa tính vô lượng vô biên như vậy, là chỗ mà chư Phật đều tán thán, hôm nay ta ở nơi trong kinh thành-tựu tất cả công đức này đều đã nói rồi.
Này Thiện-nam-tử! Ngã cùng vô ngã tính và tướng không có hai thứ, ông phải trân trọng thọ trì như vậy, ông cũng phải ghi nhớ giữ gìn kinh điển này. Như ta ngày trước trong kinh Đại-Bát-Nhã cũng nói ngã và vô ngã không có hai thứ.
Này Thiện-nam-tử! Như do sữa thành lạc, do lạc thành sinh-tô, do sinh-tô thành thục-tô, do thục-tô đặng chất đề-hồ. Chất lạc đó là từ sữa sinh ra, hay là nó tự sinh, hoặc do cái khác sinh ư, nhẫn đến đề-hồ cũng lại như vậy. Nếu từ cái khác sinh, thời là lẽ ra chẳng phải do sữa mà thành. Nếu chẳng phải từ nơi sữa sinh, thời sữa thành vô dụng đối với lạc, bởi sữa vốn không có lạc. Nếu lạc, tự nó sinh lấy nó, lẽ ra chẳng từ sữa lần lần biến thành lạc. Nếu lần lần biến thành, thời là chẳng sinh chung. Nếu chẳng sinh chung thời cả năm thứ không đồng một thời. Dầu chẳng đồng một thời nhưng quyết định chẳng phải từ nơi chỗ khác mà có.
Phải biết trong chất sữa đã có tướng của chất lạc. Vì nhiều vị ngọt nên chẳng thể tự biến, Nhẫn đến chất đề-hồ cũng lại như vậy.
Do con bò cái ăn cỏ, uống nước, huyết mạch chuyển biến mà đặng có sữa. Nếu nó ăn cỏ ngọt thời sữa nó nhiều vị ngọt. Nếu nó ăn cỏ đắng, thời sữa nó có lẫn vị đắng. Núi Tuyết có thứ cỏ tên là Phì-Nhị. Bò cái ăn cỏ Phì-Nhị, thời đặng thuần chất đề-hồ, không có những màu xanh, vàng, đỏ, trắng, đen.
Do cỏ lúa làm nhân duyên mà sữa bò có màu vị khác nhau. Cũng vậy, các chúng sinh do minh cùng vô minh, vì nghiệp làm nhân duyên mà sinh có hai tướng. Nếu vô minh chuyển thời biến làm minh. Tất cả những pháp thiện, bất thiện, v.v…, cũng lại như vậy, không có hai thứ.”
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Như lời Phật nói, trong sữa có tướng lạc, nghĩa đó như thế nào? Thế-Tôn! Nếu nói rằng trong sữa quyết định có tướng lạc, do vì vi tế chẳng thấy được, thế sao lại nói từ nơi sữa mà thành lạc. Phàm trước vốn không mà nay có thời gọi đó là sinh. Như lạc đã vốn có, sao lại nói là sinh. Nếu nói trong sữa quyết định có tướng lạc, thời trong cỏ lúa lẽ ra cũng có sữa, và trong sữa lẽ ra cũng có cỏ lúa.
Nếu nói trong sữa quyết định không có lạc, thế sao nhân sữa mà đặng thành lạc. Nếu trước vốn không, sau mới sinh ra có, thời cớ gì trong sữa chẳng sinh ra cỏ lúa?
Thiện-nam-tử! Chẳng nên nói quyết định trong sữa có lạc hay trong sữa không lạc, cũng chẳng nên nói từ nơi khác mà sinh.
Nếu nói trong sữa quyết định có lạc, thời chất và vị của hai thứ sao lại khác nhau. Vì thế nên chẳng nên nói trong sữa quyết định có chất lạc.
Nếu nói trong sữa quyết định không có lạc, cớ sao trong sữa chẳng sinh vật khác. Đem chất độc pha vào trong sữa, lúc sữa đó thành lạc, thời chất lạc đó giết chết người, vì thế nên chẳng nên nói rằng trong sữa quyết định không có chất lạc.
Nếu nói chất lạc từ nơi khác mà sinh, thời cớ gì trong nước lã chẳng sinh chất lạc, mà phải từ nơi sữa, vì thế nên chẳng nên nói chất lạc từ nơi khác mà sinh.
Này Thiện-nam-tử! Bò cái kia ăn cỏ tiêu hoá biến thành bạch huyết, do phước lực của chúng sinh, cỏ huyết biến thành sữa. Sữa này dầu từ nơi cỏ huyết mà ra, nhưng chẳng đặng nói là hai thứ, chỉ đặng gọi là từ nhân duyên mà sinh. Chất lạc, nhẫn đến đề-hồ cũng lại như vậy.
Do nhân duyên nên sau khi sữa mất biến thành chất lạc, ủ đông, hâm nóng, đó là nhân duyên. Nhẫn đến đề-hồ cũng lại như vậy. Vì thế nên chẳng đặng nói quyết định rằng trong sữa không có tướng lạc.
Nếu nói từ nơi khác mà sinh, thời ngoài sữa không do đâu để có chất lạc.
Này Thiện-nam-tử! “Minh” cùng “vô minh” cũng lại như vậy. Nếu chung với phiền não thời gọi là vô minh, nếu chung với tất cã pháp lành thời gọi là minh. Do đó nên ta nói không có hai tướng. Vì thế nên trước kia ta nói bò cái ăn cỏ Phì- Nhị ở núi Tuyết, thời sinh thuần chất đề-hồ. Phật tính cũng vậy.
Này Thiện-nam-tử! Do vì phiền não che đậy nên chúng sinh chẳng thấy Phật tính, như người phước bạc chẳng thấy được cỏ Phì-Nhị.
Như trong biển lớn, dầu đồng một vị mặn, nhưng trong đó cũng có nước ngọt ngon, vị đồng như sữa. Như nơi núi Tuyết, dầu sinh nhiều cỏ thuốc, nhưng cũng có cỏ độc.
Thân của các chúng sinh cũng lại như vậy, dầu có giống rắn độc tứ đại, nhưng trong đó cũng có diệu dược, tức là Phật tính. Phật tính chẳng phải là pháp tạo tác làm ra, chỉ vì phiền não khách trần che khuất, nếu chúng sinh nào dứt trừ được phiền não, thời liền thấy được Phật tính thành đạo vô thượng.
Ví như giữa hư không, giăng mây nổi sấm, trên ngà của tất cả voi đều sinh bông. Nếu không có sấm nổ, thời bông không sinh.
Phật tính của chúng sinh cũng lại như vậy, thường bị tất cả phiền não che khuất nên chẳng thấy được. Vì thế nên ta nói chúng sinh không có ngã.
Nếu được nghe kinh điển Đại-Niết-Bàn vi diệu này, thời được thấy Phật tính như bông hiện trên ngà voi.
Dầu nghe tất cả tam muội trong khế kinh, mà chẳng nghe kinh Đại-Niết-Bàn này, thời chẳng biết được tướng Như-Lai vi diệu. Như lúc không có tiếng sấm, thời chẳng thấy được bông trên ngà voi.
Nếu được nghe kinh này rồi, liền biết tạng Phật tính của tất cả Như-lai nói. Như trời sấm thấy bông trên ngà voi. Được nghe kinh này liền biết tất cả chúng sinh đều có Phật tính.
Do nghĩa trên đây, nên nói Đại-Niết-Bàn là tạng Như-Lai thêm lớn pháp thân, như lúc trời sấm, bông trên ngà voi nhờ đó mà được sinh thêm.
Nếu có thiện-nam, tín-nữ, có thể tập học kinh điển vi diệu Đại-Niết-Bàn này, nên biết những người đây có thể báo được ân Phật, thật là đệ tử của Phật.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật rằng: “Thế-Tôn! Phật tính như đã nói rất sâu, khó thấy, khó vào, hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác không thể đến được.”
Phật nói: “Này Thiện nam-tử! Đúng như lời ông vừa khen, chẳng trái lời nói của ta”.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Phật tính ấy rất sâu, khó thấy, khó vào như thế nào?”.
Phật nói: “Này Thiện-nam-tử! Như trăm người mù đến lương y để trị bệnh mắt. Lúc đó lương y dùng kim vàng lột màng mắt của họ, lột xong, giơ một ngón tay hỏi rằng: Thấy không? Người mù đáp rằng: Tôi vẫn chưa thấy. Lương y lại giơ hai ngón, ba ngón; người mù mới nói rằng thấy mờ mờ.
Này Thiện-nam-tử! Kinh điển Đại-Niết-Bàn vi diệu này, lúc đức Như-Lai chưa nói cũng lại như vậy. Vô lượng Bồ-tát dầu đầy đủ thật hành các ba-la- mật, nhẫn đến bậc thập-trụ vẫn còn chưa thấy được Phật tính. Lúc Như-Lai đã nói, mới thấy được chút ít. Lúc Bồ-Tát này đã được thấy, đều nói rằng: “Thế-Tôn! Lạ lùng thay, chúng tôi lưu chuyển thọ vô lượng sinh tử, thường bị vô ngã làm mê lầm.
Này Thiện-nam-tử! Bồ-tát này lên bậc thập-địa còn chưa thấy được Phật tính rõ ràng, huống là hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác mà có thể thấy đặng.
Này Thiện-nam-tử! Ví như có người ngước mặt nhìn đàn chim nhạn trên hư không, nhìn kỹ phưởng phất thấy dạng bầy nhạn. Bậc thập trụ Bồ-tát đối nơi Phật tính, thấy biết được chút ít cũng lại như vậy, huống là hàng Thanh- Văn, Duyên-Giác mà thấy biết được!
Này Thiện-nam-tử! Ví như người say, đi trên đường xa, ngó thấy mập mờ. Bậc thập trụ Bồ-tát đối với Phật tính thấy biết được ít phần cũng như vậy.
Này Thiện-nam-tử! Như người khát nước, đi trong đồng trống, khắp nơi tìm nước, thấy có lùm cây, trong lùm có chim bạch hạc, người đó bị cơn khát bức ngặt, mê muội chẳng phân biệt được là cây hay là nước. Đến lúc nhìn kỹ mới biết là chim bạch hạc cùng với lùm cây. Bậc thập trụ Bồ-Tát, đối với Phật tính, thấy biết phần ít cũng như vậy.
Này Thiện-nam-tử! Ví như có người ở trong biển lớn, nhẫn đến trăm ngàn do tuần, trông thấy chiếc thuyền lớn ở ngoài khơi xa, liền nghĩ rằng: Đó là chiếc thuyền hay là khoảng không. Nhìn lâu, trong tâm quyết định biết là thuyền lớn. Bậc thập trụ Bồ-Tát, ở trong tự thân, thấy Phật tính cũng như vậy.
Này Thiện-nam-tử! Ví như vị Vương-tử, thân rất yếu đuối, dạo chơi suốt đêm,đến sáng ngày sau, mắt mờ thấy không được rõ. Bậc Thập-trụ Bồ-Tát dầu ở nơi thân mình thấy được Phật tính nhưng chưa được rõ ràng cũng như vậy.
Này Thiện-nam-tử! Ví như quan lại, vì công sự suốt đêm trở về nhà chớp nhoáng thấy bầy trâu, liền nghĩ rằng: Đó là trâu ư, hay là dãy nhà, nhìn lâu, dầu nhận là trâu mà còn chưa định chắc. Bậc Thập-trụ Bồ-Tát, dầu ở nơi thân mình thấy Phật tính, chưa có thể định chắc cũng như vậy.
Này Thiện-nam-tử! Như Tỳ-kheo trì giới, nhìn trong bát nước không có trùng, mà thấy tướng trùng, liền nghĩ rằng: Trong nước đây là trùng hay bụi đất, nhìn lâu, dầu biết là bụi nhưng chẳng rõ ràng. Bậc Thập-trụ Bồ-tát, ở trong thân mình thấy Phật tính chẳng được rõ ràng lắm cũng như vậy.
Này Thiện-nam-tử! Ví như có người, xa thấy đứa trẻ đứng trong bóng tối, liền nghĩ rằng: Đó là con vật, là chim, hay là người? Nhìn lâu, dầu nhận thấy là đứa trẻ, nhưng vẫn chẳng rõ ràng. Bậc Thập-trụ Bồ-tát ở nơi thân mình thấy Phật tính chẳng rõ ràng lắm cũng như vậy.
Này Thiện-nam-tử! Ví như có người ở trong đêm tối, thấy bức họa tượng Bồ- Tát liền nghĩ rằng: Đây là tượng Bồ-Tát hay là tượng Thiên-thần , nhìn lâu dầu nhận là tượng Bồ-Tát, nhưng chẳng rõ ràng. Bậc Thập-trụ Bồ-Tát ở nơi thân mình thấy Phật tính chẳng rõ ràng lắm cũng như vậy.
Này Thiện-nam-tử! Phật tính ấy rất sâu như vậy, khó biết khó thấy, chỉ Phật biết rõ, chẳng phải hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác đến được. Người trí phải quan sát như vậy để rõ biết Phật tính.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Phật tính vi-tế khó thấy như vậy, thế sao nhục nhãn mà có thể thấy được”.
Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: “Này Thiện-nam-tử! Như trời Phi-tưởng Phi-Phi- tưởng kia, cũng chẳng phải hàng nhị thừa biết được, chỉ tin theo khế-kinh mà biết.
Này Thiện-nam-tử! Hàng Thanh-Văn Duyên Giác tin thuận theo kinh Đại- Niết- Bàn này tự biết thân mình có Phật tính.
Này Thiện-nam-tử! Vì thế nên phải tinh tấn tu tập kinh Đại-Niết-Bàn. Phật tính đó chỉ Phật biết rõ, chẳng phải hàng Thanh-Văn Duyên-Giác đến được”.
Ca-Diếp Bồ-Tát bạch Phật: “Thế-Tôn! Hàng chúng sinh phàm phu chẳng phải Thánh đều nói có ngã”.
Phật nói: “Ví như hai người làm bạn thân nhau: Một người là vương tử, một người là dân hèn, hai người đó thường qua lại nhau, lúc đó người nghèo thấy vương tử có một con dao tốt, trong lòng thích muốn, thời gian sau, vương tử mang dao trốn qua nước khác. Một hôm, người dân hèn ngủ nhờ nhà người khác, giữa giấc ngủ mơ nói “Con dao! Con dao!”. Người nhà nghe được bắt nộp cho vua. Vua gạn hỏi: Nhà ngươi nói con dao, nay ở đâu? Người dân bèn thuật rõ việc trước. Nay nhà vua dầu giết thần, banh xẻ tay chân cũng không thể tìm được dao. Thần cùng vương tử vốn là bạn thân, trước kia, dầu mắt được thấy con dao, nhưng còn không dám chạm đến, huống lại cố ý lấy.
Vua lại hỏi: “Lúc nhà ngươi thấy dao, hình dạng giống thứ gì”.
Người dân bèn thưa: “Tâu Đại-Vương, thần thấy con dao ấy giống như sừng dê đen”.
Vua nghe xong, vui mừng cả cười, bảo rằng: “Nhà ngươi chớ sợ, ta tha cho ngươi, trong kho tàng của ta, đều không có thứ dao ấy, huống là ngươi thấy con dao nơi vương tử”.
Lúc đó nhà vua lại hỏi các quan: “Các khanh từng thấy con dao đó chăng?”. Nói xong vua liền băng hà. Triều thần liền lập vương tử khác lên làm vua.
Tân Vương lại hỏi các quan: “Các khanh từng thấy con dao đó chăng? Hình dáng nó như thế nào?”.
Các quan đồng tâu: “Chúng thần từng thấy hình nó như sừng dê đen”.
Vua nói: “Trong kho tàng của ta, chỗ nào mà có thứ dao hình dạng như vậy?”.
Lần lượt bốn vị tân Vương tra tìm con dao ấy đều chẳng đặng.
Sau đó, vị Vương tử đào vong ngày trước, trở về nước, được tôn làm vua. Khi lên ngôi xong, tân Vương này lại hỏi các quan: “Các khanh có thấy con dao đó chăng? Hình dạng nó thế nào?”.
Các quan tâu: “Chúng tôi đều thấy”. Rồi đua nhau trình bày hình dáng của con dao. Người thì nói sắc dao thanh tịnh như hoa sen xanh. Người lại nói hình như sừng dê. Người thì nói dao màu hồng đỏ như lửa. Người lại nói dao đen tuyền như rắn đen.
Nhà vua cả cười bảo: “Các khanh đều chẳng thấy biết hình dáng thật của con dao của ta”.
Này Thiện-nam-tử! Bồ-Tát xuất hiện nơi đời nói tướng chân thiệt của ngã cũng như vậy. Nói xong bỏ đi. Như Vương-tử mang con dao tốt trốn qua nước khác.
Người phàm phu ngu mê cho rằng tất cả đều có ngã, có ngã. Như người dân hèn ngủ nhờ nhà người khác, mơ nói “Con dao! Con dao!”.
Hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác hỏi các chúng sinh, tướng của ngã như thế nào? Đáp rằng: “Tôi thấy tướng của ngã lớn bằng ngón tay cái. Có kẻ nói, như hột gạo. Có kẻ nói như hột cỏ. Cũng có kẽ nói tướng của ngã ở trong tâm, sáng rỡ như mặt trời”.
Những chúng sinh đó đều chẳng biết tướng của ngã. Như các quan chẳng biết hình dáng của con dao.
Bồ-Tát nói tướng trạng của ngã, hàng phàm phu chẳng rõ biết, vọng tưởng ra các hình tướng của ngã, như những người nói hình dáng của con dao, giống như sừng dê đen v.v…
Các hạng phàm phu đó, tuần tự nối nhau mà sinh những tà kiến.
Vì dứt những tà kiến đó, nên đức Như-Lai hiện ra đời, nói pháp vô-ngã. Vương- tử bảo các quan: Trong kho tàng của ta không có thứ dao như vậy.
Này Thiện-nam-tử! Hôm nay đức Như-Lai nói ngã chân thật gọi là Phật tính. Phật tính như vậy ở trong phật pháp của ta, như con dao tốt kia.
Thiện-Nam-tử! Nếu có kẻ phàm phu, có thể nói đúng, đó chính là do vì tùy thuận Phật pháp vô thượng. Nếu có người khéo phân biệt tùy thuận tuyên nói như đây, nên biết người đó chính là Bồ-tát.
THÍCH NGHĨA
(47)- PHƯƠNG ĐẲNG: Rộng lớn cùng khắp.
(48)- THANH VĂN: Nghe thanh âm - hàng Tiểu-thừa nghe thanh âm thuyết pháp của Phật rồi y theo đó tu tập mà đoạn hoặc nghiệp, chứng chân quả. Không phải như Đại-Thừa Bồ-Tát tự ngộ bổn tâm, tự chứng bổn tính.
(49)- SINH MANH: Kẻ mù từ khi sinh ra. Nơi đây chỉ cho hạng phàm phu không trí huệ chân chính.
- 23
Viết bình luận