15. Phẩm Nguyệt Dụ Thứ Mười Lăm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

15. Phẩm Nguyệt Dụ Thứ Mười Lăm

PHẨM NGUYỆT DỤ THỨ MƯỜI LĂM

(Hán bộ phần đầu quyển thứ chín)

Phật bảo Ca-Diếp Bồ-Tát: “Ví như có người thấy mặt trăng lặn, cho rằng mặt trăng đã mất, nhưng thiệt ra mặt trăng không mất, đang hiện ra ở phương khác. Chúng sinh xứ kia lại nói là mặt trăng mọc, nhưng thật ra mặt trăng không có mọc, vì bị che chướng không thấy, nên cho rằng mặt trăng có mọc, có lặn, nhưng thật ra mặt trăng không mọc không lặn.

Cũng vậy, đức Như-Lai Chính biến tri hiện ra nơi Đại-Thiên-Thế-Giới, hoặc sinh tại Diêm-Phù-Đề, có cha, có mẹ, chúng sinh đều cho rằng đức Như-Lai giáng sinh trong Diêm-Phù-Đề. Hoặc thị hiện Niết-Bàn, chúng sinh cho rằng đức Như-Lai nhập Niết-Bàn. Nhưng thật ra, Như-Lai tính không sinh không diệt. Vì giáo hóa chúng sinh nên thị hiện sinh diệt.

Này Thiện-nam-tử! Như xứ này thấy mặt trăng tròn, phương khác thấy mặt trăng khuyết, phương này thấy mặt trăng khuyết, phương khác thấy mặt trăng tròn. Người Diêm-Phù-Đề nếu thấy bắt đầu có mặt trăng nói là ngày mùng một, tưởng là đầu tháng. Lúc thấy trăng tròn, nói là ngày rằm. Nhưng mặt trăng thiệt không có khuyết với tròn, vì bị che chướng mà có thêm bớt.

Cũng vậy, ở trong Diêm-Phù-Đề, Đức Như-Lai hoặc hiện giáng sinh, hoặc hiện Niết-Bàn. Lúc mới giáng sinh như mặt trăng đầu tháng. Đi bảy bước, như mặt trăng ngày mùng hai. Vào học đường, như mặt trăng ngày mùng ba. Lúc xuất gia như mặt trăng ngày mùng tám. Phóng ánh sáng trí huệ vi diệu, phá vô lượng chúng ma như trăng tròn ngày rằm. Thị hiện ba mươi hai tướng, tám mươi thứ tốt để tự trang nghiêm. Rồi thị hiện nhập Niết-Bàn, như cuối tháng mặt trăng ẩn.

Chỗ thấy của chúng sinh chẳng đồng: Hoặc thấy trăng nửa, hoặc thấy trăng tròn, hoặc thấy trăng ẩn, nhưng thật ra mặt trăng không có thêm bớt, vẫn luôn là mặt trăng đầy đủ.

Cũng vậy, thân của đức Như-Lai vẫn luôn là thường trụ chẳng biến đổi.

Này Thiện-nam-tử! Như mặt trăng tròn chiếu sáng, tất cả thành ấp, xóm làng, trong nước suối, nước đầm, trong giếng, trong ao, trong nước bồn nước chậu, tất cả đều có mặt trăng hiện. Có người đi trăm do tuần, ngàn do tuần vẫn thấy mặt trăng luôn đi theo mình. Phàm phu ngu mê tưởng rằng ta trước kia ở trong thành ấp nhà cửa thấy mặt trăng như vậy, giờ đây ở nơi đầm trống này thấy mặt trăng. Đây là mặt trăng trước kia hay là mặt trăng khác. Mỗi người tự nghĩ tưởng hình dáng mặt trăng lớn nhỏ, hoặc nói như miệng chậu, hoặc cho rằng lớn như bánh xe vân vân. Mặt trăng này vốn có một, mà chúng sinh nhận thấy hình dáng khác nhau.

Cũng vậy, đức Như-Lai xuất hiện ra đời, có người hay trời nghĩ rằng nay đây đức Như-Lai ở trước mặt chúng tôi. Cũng có những chúng sinh khác cho rằng hiện nay đức Như-Lai ở trước mặt họ. Hoặc có kẻ điếc câm cũng thấy đức Như-Lai có tướng điếc câm. Muôn loài chúng sinh nói tiếng khác nhau, đều cho rằng đức Như-Lai đồng tiếng với mình. Cũng đều nghĩ rằng đức Như-Lai đang thọ cúng dường tại nhà tôi.

Có chúng sinh thấy thân Như-Lai rộng lớn vô lượng, có loài thấy thân Phật nhỏ bé. Có kẻ thấy Phật là hình dáng Thanh-Văn, hoặc là hình dáng Duyên-Giác.

Cũng có hàng ngoại đạo lại cho rằng hiện nay Đức Như-Lai xuất gia học đạo ở trong giáo phái chúng ta.

Hoặc có chúng sinh nghĩ rằng, nay Đức Như-Lai riêng vì chúng ta mà xuất hiện nơi đời.

Thiệt tính của Như-Lai tức là pháp thân, là thân vô sinh, là thân phương tiện, tùy thuận nơi thế gian thị hiện vô lượng nghiệp dụng, thị hiện sinh ra nơi này nơi khác. Như mặt trăng kia hiện ra trong tất cả chỗ có nước.

Do nghĩa này nên Như-Lai là thường trụ không có biến đổi.

Này Thiện-nam-tử! Như La-Hầu-La Tu-La-Vương lấy tay che mặt trăng, người đời cho rằng mặt trăng bị nuốt. Nhưng mặt trăng vẫn luôn đầy đủ không có sứt mẻ, vì tay A-Tu-La che nên ánh sáng chẳng hiện. Lúc A-tu-La thâu tay, người đời cho rằng mặt trăng sinh trở lại, và cho rằng mặt trăng chịu nhiều sự khổ não. Nhưng mặt trăng vẫn không có những sự ấy, giả sử trăm ngàn A-Tu-La- Vương cũng chẳng làm khổ não được mặt trăng.

Cũng vậy, đức Như-Lai thị hiện, có chúng sinh đối với đức Như-Lai sinh tâm hung ác, hại thân Phật chảy máu thành tội ngũ nghịch, hoặc hủy báng chính pháp thành hạng nhất-xiển-đề. Vì các chúng sinh mà thị hiện những sự phá hoại tăng đoàn dứt diệt chính pháp, làm những điều chướng nạn. Nhưng thật ra, giả sử trăm ngàn vô lượng loài ma cũng không thể làm thân Như-Lai chảy máu. Vì thân Như-Lai không có huyết, nhục, gân mạch, xương tủy, Như-Lai chân thật, thiệt không có sự não hoại. Chúng sinh đều cho rằng pháp và tăng bị hủy hoại, Như-Lai dứt diệt. Nhưng Như-Lai tính chân thật không biến đổi, không có phá hoại. Vì tùy thuận thế gian mà thị hiện như vậy.

Này Thiện-nam-tử! Như hai người đấu võ, hoặc dùng dao gậy chém đập tuôn máu, dầu đánh nhau đến chết mà chẳng nghĩ tưởng là giết nhau, thời nghiệp tướng ấy nhẹ mà chẳng nặng. Đối với đức Như-Lai vốn không có tâm giết hại, dầu làm cho thân Phật ra máu, thời nghiệp này cũng nhẹ mà chẳng nặng. Vì giáo hoá chúng sinh đời vị lai, nên đức Phật thị hiện nghiệp báo.

Này Thiện-nam-tử! Như lương y đem những phương thuốc căn bản ân cần truyền dạy cho người con, người con kính vâng lời của cha, chuyên cần học tập, hiểu rành các phương thuốc. Thời gian sau, lương y chết. Người con kêu khóc mà nói thế này: Cha tôi dạy cho tôi những phương thuốc như vậy như vậy.

Cũng vậy, đức Như-Lai vì giáo hoá chúng sinh mà thị hiện chế-giới luật: Phải thọ trì như vậy, chớ phạm tội ngũ nghịch, chê bai chính pháp và nhứt-xiển- đề. Vì đời vị lai chúng sinh khởi các tội ấy nên thị hiện như vậy, để cho các Tỳ-Kheo sau khi Phật diệt độ, rõ biết những điều như vậy: Đây là nghĩa rất sâu của khế kinh, đây là tướng nhẹ nặng của giới luật, đây là luận phân biệt những pháp cú. Như người con của lương y.

Loài người hoặc sáu tháng một lần thấy mặt trăng bị nuốt , mà chư Thiên trong khoảng giây lát đã nhiều lần thấy mặt trăng bị nuốt. Vì thời gian của nhân loại ngắn, còn ngày giờ của chư-thiên dài.

Này Thiện-nam-tử! Trời và người đều cho rằng đức Như-Lai thọ mạng ngắn ngủi. Như chư Thiên trên trời trong khoảng giây lát thấy mặt trăng bị nuốt nhiều lần. Trong khoảng giây lát, đức Như-Lai thị hiện trăm ngàn muôn ức lần nhập Niết-Bàn, dứt ma phiền não, ma ngũ ấm, ma chết. Vì vậy nên trăm ngàn muôn ức thiên ma đều biết đức Như-Lai nhập Niết-Bàn. Đức Như-Lai lại thị hiện vô lượng trăm ngàn nhân duyên nghiệp báo tiền thân.

Vì tùy thuận theo chủng tính của thế gian mà thị hiện vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn như vậy, nên Như-Lai là thường trụ không biến đổi.

Này Thiện-nam-tử! Như mặt trăng tròn sáng chúng sinh ưa thấy, nên gọi mặt trăng là lạc-kiến.

Chúng sinh nếu có tham, sân, si thời chẳng đặng gọi là lạc-kiến.

Tính Như-Lai thuần thiện thanh tịnh không cấu nhiễm, thời rất đáng gọi là lạc- kiến. Những chúng sinh ưa thích chính pháp nhìn ngó đức Như-Lai không nhàm. Những người tâm ác chẳng ưa nhìn ngó. Vì thế nên đức Như-Lai dụ như mặt trăng tròn sáng.

Này Thiện-nam-tử! Ví như mặt trời mọc có ba thời kỳ khác nhau, tức là xuân, hạ, và đông. Ngày mùa đông thời ngắn, ngày mùa xuân thời vừa, ngày mùa hạ thời rất dài.

Cũng vậy, ở nơi đại-thiên thế-giới này, đối với người thọ mạng ngắn ngủi và hàng Thanh-Văn, đức Như-Lai thị hiện tuổi thọ ngắn. Những hạng người trên đây thấy như vậy đều cho rằng đức Như-Lai thọ mạng ngắn ngủi, dụ như ngày mùa đông.

Đối với hàng Bồ-tát đức Như-Lai thị hiện tuổi thọ bực trung, hoặc một kiếp, hoặc dưới một kiếp, dụ như ngày mùa xuân.

Chỉ Phật thấy Phật thọ mạng vô lượng, dụ như ngày mùa hạ.

Này Thiện-nam-tử! Giáo pháp phương đẳng đại-thừa vi-mật của Như-Lai nói là đức Như-Lai thị hiện rưới mưa đại pháp nơi thế gian.

Đời vị lai nếu có người nào có thể thọ trì kinh điển này, giảng nói khai-thị lợi ích cho chúng sinh, nên biết những người này thiệt là Bồ-Tát. Dụ như ngày thạnh- hạ rưới mưa cam-lồ.

Nếu có hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác nghe giáo pháp vi mật của Như-Lai thời dụ như ngày mùa đông gặp nhiều lạnh lẽo.

Hàng Bồ-Tát nếu nghe giáo pháp vi-mật: Như-Lai tính thường trụ không biến đổi như vậy, thời dụ như ngày mùa xuân nẩy mầm, nở hoa.

Thiệt ra Như-Lai tính không có dài ngắn, vì thuận theo thế gian mà thị hiện như vậy. Đó chính là Pháp-tính chân thật của chư Phật.

Này Thiện-nam-tử! Ví như ban ngày các ngôi sao chẳng hiện ra, mà mọi người cho rằng ban ngày các ngôi sao lặn mất, kỳ thiệt chẳng phải lặn mất, vì ánh sáng mặt trời chói sáng nên sao chẳng hiện.

Cũng vậy, hàng Thanh-Văn, Duyên-Giác chẳng thấy được Như-Lai, như người đời ban ngày chẳng thấy sao.

Này Thiện-nam-tử! Ví như lúc tối tăm, mặt trời mặt trăng chẳng hiện ra, kẻ ngu cho rằng mặt trời mặt trăng lặn mất, nhưng thiệt ra mặt trời mặt trăng chẳng phải lặn mất.

Lúc chính pháp của Như-Lai diệt hết. Tam-bảo chẳng còn, cũng chẳng phải là dứt hẳn, lệ như mặt trời mặt trăng lúc lặn mất kia. Vì thế nên biết Như-Lai là thường trụ không có biến đổi. Vì chân tính của Tam-bảo chẳng bị những cấu nhơ làm ô nhiễm.

Này Thiện-nam-tử! Ví như đêm không trăng, sao chổi hiện ra, chiếu sáng giây lát rồi lặn mất, chúng sinh ngó thấy cho đó là điềm chẳng lành.

Cũng vậy, hàng Bích-Chi-Phật hiện ra đời trong thời kỳ không Phật, chúng sinh ngó thấy đều cho rằng đức Như-Lai thiệt diệt độ, nên sinh lòng buồn khổ. Nhưng thân Như-Lai thiệt chẳng diệt mất như mặt trời mặt trăng kia không có diệt mất.

Này Thiện-nam-tử! Như lúc mặt trời mọc lên, sương mù đều tan. Kinh Đại- Niết-Bàn vi diệu này cũng như vậy. Lúc kinh này xuất hiện ra đời, nếu có chúng sinh nào một lần được nghe, đều có thể dứt trừ tất cả tội nghiệp vô gián, tất cả những điều ác. Kinh Đại-Niết-Bàn này cảnh giới rất sâu chẳng thể nghĩ bàn, khéo nói lên được tính Như-Lai vi-mật.

Do nghĩa này nên Thiện-nam-tử, Thiện-nữ-nhân đối với Như-Lai phải có tâm tin nhận là thường trụ không biến đổi, chính pháp chẳng dứt, Tăng bảo chẳng diệt. Nên phải dùng nhiều phương tiện siêng năng học tập kinh điển này. Người này chẳng bao lâu sẽ đặng thành vô thượng chính đẳng chính giác. Vì thế nên kinh này gọi là do vô lượng công đức kết thành, cũng gọi là chính giác chẳng cùng tận, do vì chẳng cùng tận, nên đặng gọi là Đại-Niết-Bàn.

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6442481
Số người trực tuyến: