Trang 01 | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Trang 01

PHẨM KIỀU TRẦN NHƯ THỨ HAI MƯƠI LĂM

Trang 01

Lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo Kiều Trần Như: “Sắc là vô thường, do dứt sắc này được sắc thân thường trụ giải thoát. Thọ, tưởng, hành và thức cũng đều vô thường, do dứt thức ấm này mà được thức uẩn giải thoát thường trụ.

Này Kiều Trần Như! Sắc là khổ, dứt sắc ấm này mà được sắc thân an lạc giải thoát. Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc là không, do dứt sắc không này mà được sắc uẩn giải thoát phi không. Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc là vô ngã, do dứt sắc ấm này mà được sắc uẩn giải thoát chân ngã. Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc ấm là bất tịnh, do dứt sắc ấm này mà được sắc uẩn giải thoáthanh tịnh. Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc là tướng của sinh, lão, bệnh, tử, do dứt sắc ấm này mà được sắc uẩn giải thoát chẳng phải tướng sinh, lão, bệnh, tử. Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc là nhân của vô minh do dứt sắc ấm này mà được sắc uẩn giải thoát chẳng phải nhân của vô minh. Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Nhẫn đến sắc ấm là nhân của sinh, do dứt sắc ấm này mà được sắc uẩn giải thoát chẳng phải nhân của sinh. Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc ấm là nhân của bốn tưởng điên đảo, do dứt sắc ấm điên đảo này mà được sắc uẩn giải thoát chẳng phải nhân của bốn tưởng điên đảo. Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc ấm là nhân của vô lượng ác pháp: Nào là thân nam , thân nữ v.v…, nào là thực ái, dục ái, tham sân, tật đố, ác tâm, xan tâm, đoàn thực, xúc thực, tư thực, thức thực, noãn sinh, thai sinh, thấp sinh, hóa sinh, ngũ dục, ngũ cái v.v… Tất cả ác pháp này đều nhân nơi sắc cả. Do dứt sắc ấm này mà được sắc uẩn giải thoát không có vô lượng ác pháp như vậy. Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc là trói buộc, do dứt sắc này mà được sắc giải thoát không trói buộc. Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc là lưu chuyển, do dứt sắc này mà được sắc giải thoát không lưu chuyển. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc chẳng phải chỗ quy y, do dứt sắc này mà được sắc giải thoát quy y. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc là ghẻ lở, do dứt sắc này mà được sắc giải thoát không tội lỗi. Thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Sắc chẳng tịch tịnh, do dứt sắc này được sắc Niết Bàn tịch tịnh. Thọ, tưởng, hành và thức cũng như vậy.

Này Kiều Trần Như! Người nào rõ biết được như trên đây thời gọi là Sa Môn là Bà La Môn có đủ những pháp Sa Môn, pháp Bà La Môn.

Nếu ngoài Phật pháp thời không có Sa Môn, Bà La Môn, cũng không có pháp Sa Môn, pháp Bà La Môn. Tất cả ngoại đạo dối trá tự xưng, toàn hư giả không có thiệt hại. Dầu họ tưởng rằng họ có hai bậc này, nhưng thật ra thời không có. Vì nếu đã không có pháp Sa Môn và Bà La Môn, làm sao có được hai bậc Sa Môn và Bà La Môn.

Ta thường ở giữa đại chúng xướng to những lời này. Các ông cũng nên xướng to như vậy.

Bấy giờ có số đông ngoại đạo sinh lòng bất bình rằng: Cù Đàm nói trong giáo phái của chúng ta không có Sa Môn và Bà La Môn, cũng không có pháp Sa Môn, pháp Bà La Môn. Chúng ta làm thế nào tỏ cho Cù Đàm biết rằng trong giáo phái của chúng ta có hai bậc và hai pháp như vậy.

Có một Phạm Chí lên tiếng nói: “Này các ngài! Lời nói của Cù Đàm như điên như cuồng, cần gì kiểm giảo! Người điên cuồng trong đời hoặc ca, hoặc múa, hoặc khóc, hoặc cười, hoặc mắng, hoặc khen, không phân biệt kẻ thân người thù. Sa Môn Cù Đàm cũng như vậy: Có lúc nói ta sinh trong cung vua Tịnh Phạn, có lúc nói là chẳng sinh. Hoặc nói sau khi sinh tự đi bảy bước, lại nói là chẳng đi. Hoặc nói ta từ thuở nhỏ học tập văn vỏ, nghề nghiệp thế gian, rồi lại tự nói là bậc nhất thiết trí. Có lúc ở cung hưởng lạc thú sinh con trai, rồi lại nhàm chê là ác tiện. Có lúc đích thân tu khổ hạnh sáu năm, lại quở trách sự khổ hạnh của ngoại đạo. Hoặc nói theo học với ông Uất Đầu Lam Phất, ông A La Lã v.v…, có lúc nói các ông ấy không chỗ hiểu biết. Hoặc nói nơi cội Bồ Đề ta chứng được đạo vô thượng giác, có lúc lại nói ta không có đến cây Bồ Đề, không có chứng đắc. Hoặc nói thân ta đây chính là Niết Bàn, lại nói thân diệt mới là Niết Bàn.

Lời nói của Cù Đàm như điên cuồng, các ngài lo rầu làm gì?

Có các Bà La Môn nói: “Trước kia Sa Môn Cù Đàm nói vô thường, khổ, không, vô ngã, bất tịnh. Hàng đệ tử trong giáo phái ta nghe lời này mà kinh sợ. Nay Cù Đàm đến rừng Ta La này tuyên bố có thường, lạc, ngã, tịnh. Hàng đệ tử ta nghe lời này đều bỏ phái ta, hoặc thọ lấy lời của Cù Đàm. Như thế bảo ta không sầu khổ sao được!

Lại có một Bà La Môn bảo rằng các ngài lóng nghe tôi nói đây: Sa Môn Cù Đàm gọi rằng tu từ bi, xét ra thời lời nói này là hư vọng, chẳng phải chân thật. Vì nếu có từ bi sao ông ấy lại giáo hóa hàng đệ tử của chúng ta thọ lấy pháp của ông ấy. Lòng từ bi là tùy thuận theo ý của người, nay ông ấy làm trái bản nguyện của chúng ta thời đâu phải là từ bi.

Nếu nói rằng Sa Môn Cù Đàm chẳng bị tám pháp thế gian làm ô nhiễm, lời này cũng là hư vọng: Vì nếu Cù Đàm là thiểu dục tri túc, hôm nay sao lại cướp lấy lợi dưỡng của chúng ta.

Nếu nói Cù Đàm thuộc về dòng họ cao thượng, lời này cũng hư vọng. Vì từ xưa đến nay chưa từng nghe thấy Sư Tử Vương tàn hại con chuột bé nhỏ. Nếu Cù Đàm là dòng cao thượng ngày nay sao lại não loạn chúng ta.

Nếu cho rằng Cù Đàm có thế lực lớn, lời này cũng là hư vọng. Vì từ xưa đến nay cũng chẳng từng thấy nghe Kim Súy Điểu Vương đua tranh cùng các chim. Nếu Cù Đàm thật có thế lực lớn, việc gì lại tranh đấu với chúng ta.

Nếu cho rằng Cù Đàm có tha tâm trí, xét ra cũng là hư vọng. Vì nếu có tha tâm trí cớ sao Cù Đàm chẳng rõ biết tâm niệm của chúng ta.

Này các Ngài! Xưa kia tôi từng nghe bậc tôn túc nói rằng sau đây một trăm năm thế gian sẽ có một yêu huyễn ra đời. Yêu huyễn này chính là ông Cù Đàm. Ông ấy sắp sẽ diệt mất tại trong rừng Ta La này, các ngài chẳng nên sầu não.

Có một Ni Kiền Tử nói rằng: “Nay tôi sầu khổ chẳng phải vì đệ tử và sự cúng dường của riêng mình, chỉ vì người đời ngu tối không có con mắt, chẳng thấy biết phước điền cùng chẳng phải phước điền, bỏ bậc Bà La Môn niên cao nhiều trí mà cúng dường người tuổi trẻ, do đây nên tôi lo rầu mà thôi”.

Sa Môn Cù Đàm biết chú thuật, do sức chú thuật mà ông ấy có thể biến một thân thành vô lượng thân, biến vô lượng thân huờn lại một thân, hoặc biến thân làm hình nam, nữ, bò, dê, voi, ngựa. Sức của tôi có thể trừ việc chú thuật như vậy. Chú thuật của Cù Đàm đã mất, các ngài sẽ được an vui thọ hưởng nhiều sự cúng dường”.

Lại có một Bà La Môn nói rằng: Này các ngài, Sa Môn Cù Đàm thành tựu đầy đủ vô lượng công đức, các ngài chẳng nên tranh đua.

Chúng ngoại đạo phản đối lại: Người ngu si kia! Sao ông lại nói Sa Môn Cù Đàm có công đức lớn? Lúc Cù Đàm sinh ra bảy ngày thời mẹ của ông ấy chết, như thế có thể được gọi là tướng phước đức chăng?

Bà La Môn đáp rằng: Bị mắng chẳng giận, bị đánh chẳng đánh lại, đây là tướng đại phước đức. Thân của Cù Đàm có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, lại có vô lượng thần thông, đây là tướng đại phước đức. Không kiêu mạn thưa hỏi trước, lời nói dịu dàng không cộc cằn, lúc trai tráng chí ý hưng hạnh mà tâm chẳng nóng nảy, nước lớn của nhiều mà không tham luyến, bỏ cung điện đi xuất gia như nhổ bỏ nước miếng. Do những điều trên đây nên tôi nói rằng Sa Môn Cù Đàm thành tựu đầy đủ vô lượng công đức.

Chúng ngoại đạo nói: “Sa Môn Cù Đàm thiệt có vô lượng thần thông biến hoá như lời ông nói, chúng tôi chẳng thử thách thần thông với Cù Đàm”.

Cù Đàm bản tính nhu nhuyến, chẳng kham khổ hạnh, sinh trưởng chốn thâm cung chẳng rõ thấu được việc ngoài. Chỉ được lời nói dịu dàng mà chẳng biết nghề nghiệp văn hóa luận nghị. Chúng tôi xin tranh biện pháp yếu với Cù Đàm. Nếu ông Cù Đàm hơn, chúng tôi sẽ theo hầu Cù Đàm. Nếu chúng tôi hơn Cù Đàm thời Cù Đàm phải phụng sự chúng tôi”.

Lúc đó một số đông ngoại đạo họp nhau đến ra mắt vua A Xà Thế.

Vua hỏi các ngài mỗi phái riêng tu tập theo đạo của mình, đều là người xuất gia rời bỏ danh lợi, nhân dân trong nước của ta đều kính trọng cúng dường, nay duyên cớ gì họp nhau đến đây?

Các ngài đều có pháp tu tập khác nhau, giới cấm khác nhau, mỗi người tự theo giáo phái của mình mà xuất gia tu hành, nay duyên cớ gì lại họp nhau một lòng như những lá rụng bị gió trốt thổi gom lại một chỗ.

Ta thường ủng hộ người xuất gia nhẫn đến chẳng tiếc thân mạng. Nay duyên cớ gì mà các ngài họp nhau đến đây?

Chúng ngoại đạo đồng thưa: Tâu Đại Vương! Nay Đại Vương là cây cầu đại pháp, có tiếng tăm lớn, có công đức lớn, là căn bản của các nước, là tấm gương sáng của tất cả nước, là hình tượng của chư thiên, là cha mẹ của nhân dân. Nhà vua coi việc nước chẳng riêng rẻ người thân kẻ thù, lòng vua bình đẳng như đất nước lửa gió, do đây nhà vua đáng gọi là công đức tạng.

Tâu Đại Vương! Dầu chúng sinh hiện tại tuổi đời ngắn ngủi, nhưng công đức của nhà vua như các vua thời kỳ trường thọ an lạc thuở xưa: Như các vua Đảnh Sinh, Thiện Kiến, Nhẫn Nhục, Na Hầu Sa, Da Da Đế, Thi Tỳ, Nhất Xoa Câu v.v… Nhờ nhà vua mà trong nước an vui, nhân dân giàu mạnh. Do đây nên tất cả người xuất gia đều mến nước Ma Dà Đà này.

Tâu Đại Vương! Trong kinh của chúng tôi có nói: Nếu người xuất gia ở nơi nước nào mà tinh tấn trì giới tu hành, thời vua nước ấy cũng có phần tu công đức lành.

Tâu Đại Vương! Tất cả trộm cướp nhà vua đã dẹp xong, nên người xuất gia không còn sợ sệt. Hiện nay chỉ còn có một người đại ác là Sa Môn Cù Đàm nhà vua chưa xét đến, chúng tôi rất lo sợ. Cù Đàm tự thị dòng họ cao quý, thân hìng đẹp mạnh, lại do phước bố thí đời trươc mà được cúng dường nhiều. Cù Đàm cậy những việc này mà quá kiêu mạn, hoặc cậy chú thuật giỏi mà ngạo nghễ. Cù Đàm không thể tu khổ hạnh lãnh và chứa những y phục nệm chăn mịn nhuyễn, nên những người ác trong đời vì tham lợi dưỡng mà theo làm quyến thuộc. Do sức chú thuật, Cù Đàm điều phục Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên v.v…

Nay đến chỗ ở của chúng tôi, nơi rừng Ta La, tuyên bố rằng thân này là thường, lạc, ngã, tịnh để khuyến dụ hàng đệ tử của chúng tôi.

Tâu Đại Vương! Ngày trước Cù Đàm nói thân người là không thường, lạc, ngã, tịnh chúng tôi còn có thể nhẫn được. Nay Cù Đàm tuyên bố thân này là thường, lạc, ngã, tịnh chúng tôi thiệt chẳng chịu đựơc.

Xin Đại Vương cho phép chúng tôi luận nghị với Cù Đàm.

Vua A Xà Thế nói: Hôm nay các ngài do ai bày vẽ mà tâm trí cuồng loạn chẳng định như vậy? Khác nào nước nổi sóng, vòng lửa xoay, khỉ vượn leo cây, thật đáng hổ thẹn.

Người trí nghe được việc này tất sẽ xót thương cho các ngài. Kẻ ngu nghe biết thời tất chê cười các ngài. Lời nói của các ngài chẳng phải là lời của người xuất gia. Các ngài nếu mang phải bệnh tật, ta đều có thuốc trị lành được. Nếu như mắc bệnh ma quỉ, thời anh ta là Kỳ Bà có thể trị được.

Nay các ngài muốn lấy móng tay mà chẻ núi Tu Di, muốn dùng răng để cắn nghiền chất Kim Cang, khác nào người ngu thấy Sư Tử Vương lúc đói nằm ngủ mà muốn chọc cho thức dậy, như người lấy ngón tay muốn để trong miệng rắn độc, như muốn lấy tay đậy ngọn lửa, như con chồn rừng muốn kêu rống như sư tử, như con muỗi muốn bay đua với Kim Súy Điểu, như con thỏ lội qua biển muốn chưn đụng đến đáy. Nay các ngài cũng như vậy. Các ngài như chiêm bao thấy hơn Sa Môn Cù Đàm, đây là mơ mộng điên cuồng, chẳng nên tin tưởng.

Nay các ngài có quan niệm muốn tranh biện với Sa Môn Cù Đàm, khác nào con phi nga tự đáp vào đống lửa lớn. Các ngài phải theo lời của ta chẳng cần nói nữa.

Các ngài dầu tán thán ta là bình đẳng như cán cân, nhưng chớ để cho người ngoài nghe được lời này.

Các ngoại đạo lại thưa: Tâu Đại Vương! Sa Môn Cù Đàm có lẽ dùng chú thuật đến bên nhà vua, nên làm cho lòng vua nghi mà chẳng tin các vị thánh nhân này. Nhà vua chẳng nên khinh miệt chúng tôi.

Tâu Đại Vương! Mặt trăng tròn khuyết, nước biển mặn v.v…, những việc như thế ai làm ra? Há chẳng phải hàng Bà La Môn chúng tôi ư!

Nhà vua chẳng nghe nước sông Hằng dừng ở trong lỗ tai của A Kiệt Đa Tiên trọn mười hai năm ư? Nhà vua chẳng nghe Cù Đàm Tiên nhân cả hiện thần thông mười hai năm biến làm Đế Thích, rồi biến thân Đế Thích làm thân dê đực, biến ngàn nữ căn ở thân Đế Thích? Nhà vua chẳng nghe Kỳ Nâu Tiên trong một ngày uống hết nước bốn biển làm cho quả đất khô?

Nhà vua chẳng nghe bà Tẩu Tiên làm ba con mắt cho Tự Tại Thiên ư? Nhà vua chẳng nghe La Lã Tiên biến thành Ca La Phú làm nước mọi ư?

Tâu Đại Vương! Trong phái Bà La Môn có những Tiên nhân thần thông như vậy, sao nhà Vua lại khinh miệt ư?

Vua nói: “Các ngài nếu chẳng tin theo lời của ta, đức Như Lai chính giác hiện ở trong rừng Ta La, các ngài có thể qua đó tùy ý vấn nạn, Đức Như Lai cũng sẽ giải thích vừa ý các ngài”.

Liền đó vua A Xà Thế cùng chúng ngoại đạo đến chỗ Phật. Vua đầu mặt làm lễ đi nhiễu ba vòng ngồi qua một bên bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Các nhà ngoại đạo này muốn được tùy ý vấn nạn, xin đức Như Lai tùy ý đáp đó”.

Phật nói: “Này Đại Vương! Như Lai tự biết phải lúc”.

Trong chúng ngoại đạo có Bà La Môn Xà Đề Thủ Na lên tiếng hỏi: “Này Cù Đàm ngài nói Niết Bàn là pháp thường trụ phải chăng?”.

Này Đại Bà La Môn! Đúng như vậy.

Nếu Cù Đàm nói Niết Bàn là thường trụ thời không đúng nghĩa. Vì như những sự vật trong đời, từ hột sinh ra trái nối luôn chẳng dứt, như từ đất sét làm ra cái bình, từ những sợi chỉ mà có cái áo. Cù Đàm thường nói rằng tu quán tưởng vô thường chứng được Niết Bàn. Nhân là vô thường sao quả lại thường trụ?

Cù Đàm lại nói giải thoát dục tham chính là Niết Bàn, giải thoát sắc tham và vô sắc tham chính là Niết Bàn. Dứt vô minh v.v… tất cả phiền não thời là Niết Bàn. Từ dục, sắc, nhẫn đến vô minh phiền não đều là vô thường. Nhân đã vô thường thời quả Niết Bàn cũng phải vô thường.

Cù Đàm lại nói từ nghiệp nhân nên sinh cõi Trời, do nghiệp nhân nên sinh địa ngục, do nghiệp nhân mà được giải thoát, nên các pháp đều do nơi nhân mà sinh. Nếu đã từ nơi nhân sinh mà được giải thoát, sao lại nói Niết Bàn là thường?

Cù Đàm cũng nói rằng sắc theo duyên mà sinh nên gọi là vô thường, thọ tưởng hành thức cũng như vậy. Giải thoát như vậy, nếu là sắc thời là vô thường, nếu là thọ tưởng hành thức cũng là vô thường. Nếu ngoài năm ấm mà có giải thoát, thời giải thoát này chính là hư không. Nếu đã là hư không thời chẳng được nói rằng do nhân duyên sinh, vì hư không là thường là duy nhất, là khắp tất cả.

Cù Đàm cũng nói rằng: Phàm do nhân duyên sinh ra thời là khổ, nếu đã là khổ sao lại nói giải thoát là lạc.

Cù Đàm lại nói: Vô thường là khổ, khổ là vô ngã. Nếu đã là vô thường, là khổ, là vô ngã thời là bất tịnh. Tất cả những pháp do nhân duyên sinh ra, đều là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, sao lại nói Niết Bàn là thường, lạc, ngã tịnh?

Nếu Cù Đàm nói rằng cũng là thường cũng vô thườntg, cũng khổ cũng vui, cũng là ngã cũng là vô ngã, cũng tịnh cũng bất tịnh, như thế há chẳng phải là hai lời ư?

Tôi cũng từng nghe bậc tôn túc nói nếu Phật ra đời thời lời nói không hai. Nay Cù Đàm nói hai lời, lại xưng rằng Phật chính là thân ta đây. Xin giải thích những điều tôi đã hỏi.

Phật nói: Này bà La Môn! Cứ theo lời của ông, nay tôi hỏi ông tùy ý ông đáp.

- Này Bà La Môn! Tính của ông là thường hay là vô thường?

- Tính của tôi là thường.

- Này Bà La Môn! Tính ấy có thể làm nhân cho tất cả pháp trong và ngoài chăng?

- Chính thế, thưa Cù Đàm.

- Này Bà La Môn! Tính ấy làm nhân như thế nào?

- Thưa Cù Đàm! Từ tính sinh ra đại, từ đại sinh mạn, từ mạn sinh mười sáu pháp: Năm đại là địa, thủy, hỏa, phong, không, năm tri căn là nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, năm nghiệp căn là tay , chân, miệng tiếng, nam căn, nữ căn, cùng tâm bình đẳng căn. Mười sáu pháp này do năm pháp : Sắc, thinh, hương, vị, xúc sinh ra. Hai mươi mốt pháp này có ba pháp căn bản : Nhiễm, thô và đen. Nhiễm là ái, thô là sân, đen là vô minh. Hai mươi ba pháp này, đều nhân nơi tính mà sinh.

- Này Bà La Môn! Những pháp đại, mạn v.v… là thường hay vô thường?

- Thưa Cù Đàm theo giáo pháp của tôi thời tính là thường, những pháp đại v.v… đều là vô thường.

- Này Bà La Môn -! Như trong pháp của ông nhân là thường còn quả là vô thường. Trong pháp của ta dầu nhân là vô thường nhưng quả là thường, thời có lỗi gì -?

- Này Bà La Môn! Trong pháp của các ông có hai nhân chăng?

- Thưa Cù Đàm, có.

- Thế nào là hai?

- Thưa Cù Đàm! Một là sinh nhân, hai là liễu nhân.

- Thế nào là sinh nhân? Thế nào là liễu nhân?

- Sinh nhân như đất sét làm ra cái bình. Liễu nhân như đèn soi đồ vật.

- Hai nhân này là một tính. Đã là một tính có thể khiến sinh nhân làm liễu nhân chăng? Có thể khiến liễu nhân làm sinh nhân chăng?

- Thưa Cù Đàm! Không.

- Nếu như sinh nhân chẳng làm liễu nhân, liễu nhân chẳng làm sinh nhân, có thể nói là nhân tướng chăng?

- Thưa Cù Đàm! Dầu hai nhân chẳng làm thành lẫn nhau, nhưng vẫn có nhân tướng.

- Này Bà La Môn! Vật của liễu nhân chiếu rõ có đồng với liễu nhân chăng?

- Thưa Cù Đàm! Không.

Phật nói: Trong pháp của ta, dầu do từ vô thường chứng đặng Niết Bàn, nhưng Niết Bàn này chẳng phải là vô thường. Do từ liễu nhân mà được nên là thường, lạc, ngã, tịnh. Do từ sinh nhân mà được nên là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Do đây nên đức Như Lai nói có hai thuyết thường và vô thường. Hai thuyết này không có hai lời, nên Phật gọi là không nói hai lời.

Như lời ông nói từng nghe bậc tôn túc bảo rằng Phật ra đời không có hai lời. Lời nói trên đây rất đúng. Tất cả chư Phật mười phương ba đời không bao giờ có lời nói sai, vì có thời đồng nói có, không thời đồng nói không, nên gọi là đồng một nghĩa, do đây nên gọi Phật không nói hai lời.

Này Bà La Môn! Đức Như Lai dầu gọi là hai lời, nhưng vì để hiểu rõ một lời. Thế nào là hai lời để hiểu rõ một lời? Như nhãn căn cùng sắc trần đây là hai lời, sinh ra thức đây là một lời. Nhẫn đến ý căn cùng pháp trần sinh ra thức cũng như vậy.

- Cù Đàm khéo phân biệt được ngữ nghĩa như vậy. Nay tôi chưa hiểu dùng hai lời để hiểu rõ một lời.

Đức Thế Tôn liền vì Bà La Môn mà tuyên nói pháp tứ đế: Này Bà La Môn! Khổ Đế cũng hai cũng một, nhẫn đến đạo đế cũng hai cũng một.

Bà La Môn thưa: “Bạch Thế Tôn! Tôi đã hiểu biết rồi”.

- Này Thiện Nam Tử! Ông hiểu biết như thế nào?

- Bạch Thế Tôn! Khổ đế , tất cả phàm phu thời hai, còn thánh nhân thời một. Nhẫn đến đạo đế cũng như vậy.

- Lành thay! Đã hiểu.

- Bạch Thế Tôn! Nay tôi nghe pháp đã được chính kiến, tôi quy y Phật Pháp Tăng Tam Bảo. Cúi xin Đức Đại Từ cho tôi xuất gia.

Đức Phật bảo Kiều Trần Như: “Ông nên cạo bỏ râu tóc cho Xà Đề Thủ Na, cho ông xuất gia”.

Ngài Kiều Trần Như vâng lời Phật cạo tóc cho Xà Đề Thủ Na. Đương lúc cạo có hai thứ rơi xuống: Một là râu tóc, hai là phiền não. Xà Đề Thủ Na liền ở nơi chỗ ngồi chứng đặng quả A La Hán.

Lại có Phạm Chí Bà Trư Tra hỏi Phật: “Cù Đàm nói Niết Bàn là thường trụ phải chăng?”.

- Này Phạm Chí! Đúng như vậy.

- Cù Đàm toan chẳng nói rằng không phiền não là Niết Bàn ư?

- Này Phạm Chí! Đúng như vậy.

- Thưa Cù Đàm! Ở thế gian có bốn thứ gọi là không: Một là những pháp chưa có ra thời gọi là không, như cái bình lúc chưa ra khỏi viên đất thời gọi là không có cái bình. Hai là những pháp đã diệt mất gọi là không, như cái bình đã hư bể thời gọi là không. Ba là lẫn không có tướng loại khác mà gọi là không, như trong bò không có ngựa, trong ngựa không có bò. Bốn là rốt ráo không nên gọi là không, như lông rùa sừng thỏ.

- Thưa Cù Đàm! Nếu vì đã dứt trừ phiền não mà gọi là Niết Bàn, thời Niết Bàn là không có. Nếu đã là không Niết Bàn, sao lại nói có thường, lạc, ngã, tịnh?

- Này Thiện Nam Tử! Niết Bàn đây chẳng phải là trước không có như cái bình lúc còn là viên đất, cũng chẳng phải dứt mất thành không như cái bình lúc hư bể, cũng chẳng phải rốt ráo không như lông rùa sừng thỏ. Niết Bàn này đồng với khác loại mà không.

Như lời ông nói, dầu trong bò không có ngựa, nhưng chẳng được nói rằng bò cũng là không. Dầu trong ngựa không có bò nhưng cũng chẳng được nói rằng ngựa cũng là không. Niết Bàn cũng như vậy: Trong phiền não không Niết Bàn, trong Niết Bàn không phiền não, do đây nên gọi là lẫn không có tướng khác nhau.

Thưa Cù Đàm! Nếu cho Niết Bàn là lẫn không tướng khác nhau, sự không này không có thường, lạc, ngã, tịnh, sao Cù Đàm lại nói Niết Bàn là thường, lạc, ngã, tịnh?

- Này Thiện Nam Tử! Như không tướng khác nhau của ông nói có ba thứ không: Bò, ngựa đều là trước không sau có, đây gọi là trước không; đã có trở thành không đây gọi là hư hoại mà không; không có tướng khác nhau thời như ông đã nói. Niết bàn không có ba tướng này, nên Niết Bàn là thường, lạc, ngã, tịnh.

Như ba thứ bệnh của người đời; Bệnh nhiệt, bệnh phong, bệnh hàn. Ba thứ thuốc có thể trị được: Tô trị được bệnh nhiệt, dầu trị được bệnh phong, mật trị được bệnh hàn.

Này Thiện Nam Tử! Trong bệnh phong không có dầu, trong dầu không có bệnh phong, nên dầu có thể trị được bệnh phong. Hai thứ kia cũng như vậy.

Tất cả chúng sinh có ba thứ bệnh: Tham, sân và si. Có ba thứ pháp dược trị được ba bệnh này: Bất tịnh quán là thuốc trị được bệnh tham, từ tâm quán là thuốc trị được bệnh sân, nhân duyên quán là thuốc trị được bệnh si.

Này Thiện Nam Tử! Vì trừ tham nên quán pháp chẳng phải tham, vì trừ sân nên quán pháp chẳng phải sân, vì trừ si nên quán pháp chẳng phải si. Trong ba thứ bệnh không ba thứ thuốc pháp, trong ba thứ thuốc pháp không ba thứ bệnh.

Này Thiện Nam Tử! Vì trong ba thứ bệnh không có ba thứ thuốc pháp, nên là vô thường, vô lạc, vô ngã, vô tịnh. Trong ba thứ thuốc pháp không có ba thứ bệnh nên được gọi là thường, lạc, ngã, tịnh.

- Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai vì tôi nói thường là vô thường. Xin giải thích thế nào là thường, thế nào là vô thường?

- Này Thiện Nam Tử! Sắc ấm là vô thường, giải thoát sắc ấm là thường.Nhẫn đến thức ấm là vô thường, giải thoát thức ấm là thường.

- Nếu có người nào quán sắc nhẫn đến thức là vô thường, nên biết rằng người này chứng được pháp thường trụ.

- Bạch Thế Tôn! Nay tôi đã biết pháp thường và pháp vô thường.

- Này Thiện Nam Tử! Ông rõ biết pháp thường và vô thường như thế nào?

- Bạch Thế Tôn! Nay tôi biết sắc ấm của tôi là vô thường, được giải thoát là thường, nhẫn đến thức cũng như vậy.

- Lành thay! Này Thiện Nam Tử! Nay ông đã đền xong thân này.

Đức Phật bảo Kiều Trần Như: Bà Trư Tra đã chứng quả A La Hán, ông nên ban cho Bà Trư Tra ba y và bát.

Ngài Kiều Trần Như tuân lời Phật trao y bát cho Bà Trư Tra.

Lãnh y bát xong, Bà Trư Tra thưa rằng: Bạch Đại Đức Kiều Trần Như! Nay tôi do thân tệ ác này mà được quả lành. Xin Đại Đức vì tôi đến bạch với đức Thế Tôn: Tôi là người ác xúc phạm đến họ Cù Đàm của đức Như Lai. Mong Đại Đức vì tôi mà sám hối tội này. Tôi cũng không thể ở lâu nơi thân ác độc này. Nay xin nhập Niết Bàn.

Ngài Kiều Trần Như liền đến bạch Phật: Thế Tôn! Tỳ Kheo Bà Trư Tra sinh lòng hổ thẹn, tự nói là hung dữ xúc phạm họ Cù Đàm của đức Như Lai. Nay ông ấy muốn diệt thân, nhờ tôi sám hối.

Phật nói: Này Kiều Trần Như! Tỳ Kheo Bà Trư Tra đã thành tựu căn lành nơi vô lượng Phật quá khứ, nay thọ giáo với ta mà trụ đúng pháp, vì trụ đúng pháp nên chứng được chính quả. Các ông phải cúng dường thân của ông ấy.

Ngài Kiều Trần Như nghe Phật dạy xong, đến nơi thân của Bà Trư Tra mà trần thuyết cúng dường.

Lúc thiêu thân, Bà Trư Tra hiện các thứ thần thông.

Chúng ngoại đạo thấy việc này đồng to tiếng xướng rằng: Bà Trư Tra đã được chú thuật của Sa Môn Cù Đàm, chẳng bao lâu ông sẽ hơn Sa Môn Cù Đàm.

Lại có Phạm Chí Tiên Ni hỏi Phật: Thưa Cù Đàm! Cù Đàm có ngã không?

Đức Như Lai nín lặng.

Tiên Ni lại hỏi: Thưa Cù Đàm! Cù Đàm không có ngã ư?

Đức Như Lai cũng nín lặng.

Tiên Ni hỏi luôn mấy lần như vậy, đức Phật đều nín lặng.

Tiên Ni nói: Thưa Cù Đàm! Nếu tất cả chúng sinh có ngã khắp tất cả chỗ là một tác giả, cớsao Cù Đàm nín lặng chẳng trả lời?

Phật nói: Này Tiên Ni! Ông nói ngã đó là khắp tất cả chỗ phải chăng?

- Thưa Cù Đàm! Chẳng những là tôi nói, mà tất cả người trí cũng nói như vậy.

- Này Thiện Nam Tử! Nếu ngã đó cùng khắp tất cả chỗ lẽ ra phải đồng thời thọ báo trong ngũ đạo. Nếu đồng thời thọ báo nơi ngũ đạo, hàng Phạm Chí các ông duyên cớ gì chẳng gây tạo những điều ác để khỏi địa ngục, mà lại tu những pháp lành để được thân Trời?

- Thưa Cù Đàm! Ngã trong giáo pháp của chúng tôi có hai thứ: Một là ngã tác thân, hai là ngã thường thân. Vì ngã tác thân mà phải lìa nghiệp ác để khỏi địa ngục, phải tu những pháp lành để được sinh lên Trời.

- Này Thiện Nam Tử! Như ông đã nói ngã khắp tất cả chỗ. Ngã đó nếu ở trong tác thân thời là vô thường. Nếu trong tác thân không có ngã sao lại nói là khắp?

- Thưa Cù Đàm! Ngã của chúng tôi lập cũng ở trong tác thân, mà cũng là thường trụ. Như người lúc để lửa cháy nhà, chủ nhà chạy ra ngoài, chẳng thể nói rằng nhà cửa bị cháy chủ nhà cũng bị cháy. Ngã này cũng như vậy, đương lúc tác thân vô thường, ngã này xuất ra đi, nên ngã này cũng là khắp, cũng là thường.

- Này Thiện Nam Tử! Như lời ông nói ngã đó cũng khắp cũng thường, nghĩa này không đúng. Vì khắp có hai thứ: Thường và vô thường. Lại có hai thứ ; Sắc và vô sắc. Do đây nên nếu nói rằng khắp tất cả thời cũng là thườntg cũng là vô thường, cũng là sắc cũng là vô sắc.

Nếu nói chủ nhà chạy ra khỏi nên chẳng gọi là vô thường, nghĩa này chẳng đúng. Vì nhà chẳng gọi là chủ, chủ chẳng gọi là nhà. Cái bị cháy khác, người chạy ra khác, nên được như vậy. Ngã này thời chẳng như vậy, vì ngã là sắc, sắc là ngã, ngã là vô sắc, vô sắc là ngã, sao lại nói rằng đương lúc sắc thân vô thường ngã xuất ra khỏi.

Này Thiện Nam Tử! Ý ông nếu cho rằng: Tất cả chúng sinh đồng một ngã, thời trái với pháp thế gian và xuất thế gian. Vì pháp thế gian có cha mẹ, con trai, con gái. Nếu ngã là một, thời cha là con trai, con trai là cha, mẹ là con gái, con gái là mẹ, thù là thân, thân là thù, đây là kia, kia là đây. Nên nếu nói rằng tất cả chúng sinh đồng một ngã thời là trái với pháp thế gian và xuất thế gian.

Tiên Ni nói: “Tôi chẳng nói tất cả chúng sinh đồng một ngã. Mà tôi nói mỗi người đều riêng có một ngã”.

- Này Thiện Nam Tử! Nếu ông nói một người đều riêng có một ngã, đây là nhiều ngã, thời không đúng nghĩa. Vì như trước kia ông nói, ngã khắp tất cả chỗ. Nếu đã khắp tất cả thời tất cả chúng sinh lẽ ra phải đồng một nghiệp căn: Lúc được Trời mà thấy thời lúc được Phật cũng thấy, lúc được thân Trời làm, thời lúc được Phật cũng làm, nghe biết và nhẫn đến tất cả pháp cũng như vậy.

Nếu được thân Trời mà thấy chẳng phải là được Phật mà thấy thời chẳng nên nói rằng ngã khắp tất cả chỗ. Nếu ngã chẳng khắp thời là vô thường.

- Thưa Cù Đàm! Ngã của tất cả chúng sinh khắp tất cả. Còn pháp cùng phi pháp chẳng khắp tất cả. Do nghĩa này nên tác dụng của Phật khác, tác dụng của Trời khác. Chẳng nên nói rằng lúc Phật thấy lẽ ra Trời cũng thấy, lúc Phật nghe Trời cũng nên nghe.

- Này Thiện Nam Tử! Pháp và phi pháp chẳng phải là nghiệp làm ra ư?

- Thưa Cù Đàm! Là nghiệp làm ra.

- Này Thiện Nam Tử! Nếu pháp cùng phi pháp là nghiệp làm ra thời là đồng pháp, sao nói rằng khác. Vì chỗ nghiệp của Phật có ngã của Trời, chỗ ngã của Trời có ngã của Phật, do đây nên lúc Phật tác dụng, Trời cũng tác dụng, pháp và phi pháp cũng phải như vậy.

- Này Thiện Nam Tử! Nếu tất cả chúng sinh pháp cùng phi pháp là như vậy, thời quả báo lẽ ra chẳng khác.

- Này Thiện Nam Tử! Từ nơi nhân sinh ra quả, nhân này trọn chẳng suy nghĩ phân biệt ta chỉ nên là quả Bà La Môn, chẳng làm quả cho Sát Lợi, Tỳ Xá, Thủ Đà. Vì từ nhân sinh ra quả trọn chẳng trở ngại đối với bốn giòng như vậy. Pháp cùng phi pháp cũng như vậy, không thể phân biệt ta chỉ nên làm quả Phật, chẳng làm quả Trời, hoặc ta chỉ làm quả Trời chẳng làm quả Phật. Vì nghiệp bình đẳng vậy.

- Thưa Cù Đàm! Như trong một nhà có trăm ngàn ngọn đèn, ngọn đèn có khác nhưng ánh sáng thời không khác. Ngọn đèn khác nhau dụ cho pháp cùng phi pháp, ánh sáng không sai khác dụ cho ngã của chúng sinh.

- Này Thiện Nam Tử! Ông đem đèn sáng để dụ cho ngã đó, không được đúng nghĩa. Vì đèn khác nhà khác. Ánh sáng của đèn cũng ở bên ngọn đèn mà cùng khắp trong nhà. Ngã của ông nói nếu đồng như vậy thời bên pháp và phi pháp đều phải có ngã, trong ngã cũng phải có pháp và phi pháp đều phải có ngã, trong ngã cũng phải có pháp và phi pháp. Nếu pháp cùng phi pháp không có ngã, thời chẳng được nói rằng ngã khắp tất cả chỗ. Nếu đều chung có cả, đâu đặng dùng đèn và ánh sáng để làm ví dụ.

Này Thiện Nam Tử! Nếu ý của ông cho rằng ngọn đèn cùng ánh sáng thiệt khác nhau, duyên cớ gì ngọn đèn thêm thời ánh sáng nhiều, ngọn đèn lụn thời ánh ssáng mất. Do đây chẳng nên đem pháp cùng phi pháp dụ như ngọn đèn, ánh sáng không khác dụ cho ngã. Vì pháp và phi pháp cùng với ngã ba thứ là một.

- Thưa Cù Đàm! Ngài dẫn ví dụ ngọn đèn, việc đó chẳng tốt. Vì ví dụ ngọn đèn nếu là tốt thời tôi đã dẫn trước rồi. Như ví dụ đó chẳng tốt cớ sao ngài lại nói?

- Này Thiện Nam Tử! Ví dụ ta dẫn ra đó đều chẳng làm tốt cùng chẳng tốt, đó là theo ý của ông để nói. Trong ví dụ đó cũng trình bày hai nghĩa rời ngoài ngọn đèn có ánh sáng và chính nơi ngọn đèn có ánh sáng, ý ông chẳng bình đẳng nên ông nói ngọn đèn dụ cho pháp cùng phi pháp, ánh sáng thời dụ cho ngã. Do đây nên ta trách ông: Ngọn đèn chính là ánh sáng, rời ngọn đèn có ánh sáng. Trong pháp có ngã, trong ngã có pháp, trong phi pháp có ngã, trong ngã có phi pháp. Nay cớ gì ông chỉ nhận lấy một bên bỏ một bên. Ví dụ như vậy là chẳng tốt đối với ông, nên nay ta trở lại dẫn ví dụ đó để dạy bảo ông.

Này Thiện Nam Tử! Ví dụ như vậy thời chẳng thành, vì chẳng thành ví dụ nên với ta thời tốt, mà chẳng tốt đối với ông.

Này Thiện Nam Tử! Nếu ý ông cho rằng nếu tôi chẳng tốt thời ngài cũng chẳng tốt. Ý nghĩ này chẳng đúng, vì thấy người đời dùng sức mình để hại lấy mình, tự mình làm ra mà người khác thọ dụng. Ví dụ của ông dẫn ra đó cũng như vậy. Nơi ta thời tốt, nơi ông thời chẳng tốt.

- Thưa Cù Đàm! Vừa rồi ngài trách tôi tâm chẳng bình đẳng, nay lời nói của ngài cũng chẳng bình đẳng. Vì ngài lấy tốt về mình, mà chẳng tốt lại để cho tôi. Cứ đây mà suy thời thật là chẳng bình đẳng.

- Này Thiện Nam Tử! Sự bất bình của ta có thể phá được sự bất bình của ông, do đây nên ông được bình, sự bất bình của ta chính là tốt vậy. Sự bất bình của ta phá sự bất bình của ông, làm cho ông được bình cũng chính là ta bình đẳng, vì đồng được bình đẳng với các thánh nhân.

- Thưa Cù Đàm! Ngã thường là bình đẳng, sao ngài lại nói phá hoại sự bất bình của tôi. Tất cả chúng sinh bình đẳng có ngã sao ngài nói rằng ngã là bất bình?

- Này Thiện nam Tử! Ông cũng có nói rằng: Sẽ thọ quả địa ngục, sẽ thọ quả ngạ quỉ, sẽ thọ quả súc sinh, sẽ thọ quả nhân, thiên. Nếu ngã đã khắp trong ngũ đạo, sao ông lại nói sẽ thọ quả nơi các loài?

Ông cũng nói rằng cha mẹ hòa hiệp rồi sau mới sinh con. Nếu con đã có trước, sao ông lại nói hòa hiệp rồi mới có. Nếu một người có thân trong ngũ đạo, đã là trước có thân trong ngũ đạo, duyên cớ gì lại vì thân mà tạo nghiệp. Do nghĩa trên đây nên là chẳng bình đẳng.

Này Thiện Nam Tử! Ý của ông nếu cho rằng ngã là tác giả, thời cũng chẳng đúng. Vì nếu ngã là tác giả, duyên cớ gì ngã lại tự làm ra sự khổ. Nhưng hiện nay chúng sinh thiệt có bị khổ nên biết rằng ngã chẳng phải tác giả.

Nếu ông nói sự khổ này chẳng phải ngã làm ra, chẳng do nơi nhân sinh, thời tất cả pháp cũng phải như vậy, chẳng do nhân sinh, cớ gì lại nói là ngã làm ra.

Này Thiện Nam Tử! Sự khổ vui của chúng sinh thiệt do nơi nhân duyên. Sự khổ vui này có thể làm chúng sinh lo và mừng. Lúc lo không mừng, lúc mừng không lo, hoặc mừng hoặc lo, người trí đâu nên nói đó là thường trụ.

Này Thiện Nam Tử! Ông nói ngã là thường. Nếu ngã là thường, sao lại nói có mười thời kỳ sai khác. Đã là thường lẽ ra chẳng có thời kỳ đậu thai nhẫn đến thời kỳ già.

Phật pháp thường như hư không còn chẳng có một thời kỳ, huống lại có cả mười thời kỳ!

Nếu ngã chẳng phải là thời kỳ đậu thai nhẫn đến chẳng phải thời kỳ già, sao lại nói có mười thời kỳ sai khác.

Này Thiện Nam Tử! Nếu ngã là tác giả, ngã này cũng có lúc thạnh lúc suy, chúng sinh cũng có lúc thạnh lúc suy. Nếu ngã đã như vậy sao lại là thường.

Này Thiện Nam Tử! Nếu ngã là tác giả, sao một người lại có khôn lanh, có đần độn? Nếu ngã là tác giả, ngã này có thể làm ra thân nghiệp và khẩu nghiệp. Thân nghiệp và khẩu nghiệp nếu là ngã làm ra, sao miệng lại nói rằng không có ngã ư? Sao lại tự nghi có ngã hay không có ngã?

Này Thiện Nam Tử! Nếu ý ông cho rằng rời ngoài nhãn căn có sự thấy. Lời này không đúng, vì nếu ngoài nhãn căn đã riêng có sự thấy thời cần gì đến nhãn căn này? Như nhãn căn, nhĩ căn v.v… cũng như vậy. Nếu ý ông cho rằng dầu ngã có thể thấy nhưng cần phải do nhãn căn mới thấy, nghĩa này cũng chẳng đúng. Như có người nói rằng bông Tu mạn na có thể đốt cháy cả thôn xóm lớn, tại sao có thể cháy? Vì lửa có thể cháy. Ông lập ngã có thể thấy cũng như vậy.

- Thưa Cù Đàm! Như người cầm liềm thời có thể cắt cỏ. Ngã nhân nơi năm căn mà có thể thấy nghe nhẫn đến xúc cũng như vậy.

- Này Thiện Nam Tử! Liềm cùng người đều khác nhau, nên người cầm liềm thời cắt được cỏ. Rời ngoài năm căn không có ngã riêng khác, sao lại nói rằng ngã nhân nơi năm căn mà có công năng?

Này Thiện Nam Tử! Nếu ý ông cho rằng vì cầm liềm nên có thể cắt cỏ, ngã cũng như vậy. Như thế thời ngã có tay hay không tay? Nếu có tay sao ngã chẳng tự cầm? Nếu ngã không có tay sao lại nói rằng ngã là tác giả?

Này Thiện Nam Tử! Có thể cắt cỏ đó chính là cái liềm, chẳng phải ngã cũng chẳng phải người. Nếu ngã và người có thể cắt cớ sao lại nhân nơi cái liềm!

Này Thiện Nam Tử! Người có hai tác động: Một là nắm lấy cỏ, hai là cầm cái liềm. Cái liềm này thời chỉ có công năng xén cắt,

Chúng sinh ngó thấy các pháp cũng như vậy: Nhãn căn có thể thấy sắc, từ nhân duyên hòa hiệp mà có ra sự thấy đó. Nếu đã từ nhân duyên hòa hiệp, người trí sao lại nói là có ngã?

Này Thiện Nam Tử! Nếu ý ông cho rằng thân làm mà ngã thọ, cũng không đúng nghĩa. Vì trong đời không bao giờ thấy Trời tạo nghiệp mà Phật thọ quả.

Nếu nói rằng chẳng phải là thân làm, ngã chẳng phải thọ, cớ sao các ông lại từ nơi nhân duyên tu hành để cầu giải thoát?

Thân này của ông trước kia chẳng phải nhân duyên sinh. Khi được giải thoát rồi cũng lẽ ra không do nhân duyên mà lại sinh ra thân. Như thân, tất cả phiền não cũng như vậy.

- Thưa Cù Đàm! Ngã có hai thứ: Một là hữu tri, hai là vô tri. Ngã vô tri có thể thọ lấy thân, ngã hữu tri có thể rời bỏ thân. Như cái bình đất, khi đã bị nung rồi thời mất màu sắc đất, chẳng còn sinh trở lại, phiền não của người trí cũng như vậy, đã dứt, mất rồi thời trọn chẳng còn sinh.

- Này Thiện Nam Tử! Ông nói là hữu tri đó, là trí có thể biết hay ngã có thể biết? Nếu trí có thể biết sao lại nói rằng ngã là hữu tri? Nếu ngã có thể biết cớ gì phải dùng phương tiện tu hành để cầu có trí? Nếu ý ông cho rằng ngã nhân nơi trí mà có biết thời đồng với điều dụ bông đốt cháy trước kia.

Này Thiện Nam Tử! Như cây gai tính của nó tự có thể đâm, chẳng được nói rằng cây cầm gai để đâm. Trí cũng như vậy: Trí tự có thể hiểu biết. Sao lại nói rằng ngã cầm lấy trí để biết?

Này Thiện Nam Tử! Như trong pháp của ông nói ngã được giải thoát, là ngã vô tri được giải thoát, hay là ngã hữu tri được?

Nếu là ngã vô tri được thời phải biết rằng vẫn còn đủ phiền não. Nếu là ngã hữu tri được thời nên biết rằng đã có ngũ căn, vì ngoài ngũ căn không còn có sự biết. Nếu đã đủ ngũ căn thời sao lại nói là được giải thoát?

Nếu cho rằng tính của ngã này thanh tịnh rời ngoài ngũ căn, sao lại nói rằng ngã khắp trong ngũ đạo, duyên cớ gì tu các pháp lành để được giải thoát?

Này Thiện nam Tử! Như có người nhổ gai hư không. Ông cũng như vậy: Nếu ngã đã thanh tịnh sao lại nói rằng dứt các phiền não?

Nếu ý ông cho rằng chẳng do nhân duyên mà được giải thoát, cớ gì tất cả chúng sinh lại chẳng được?

- Thưa Cù Đàm! Nếu không có ngã thời cái gì có thể ghi nhớ?

- Này Thiện Nam Tử! Nếu có ngã cớ gì lại quên?

Này Thiện Nam Tử! Nếu nhớ là ngã, cớ gì lại nhớ những niệm ác, nhớ chỗ chẳng đáng nhớ, chẳng nhớ chỗ đáng nhớ?

- Thưa Cù Đàm! Nếu không có ngã thời cái gì thấy, cái gì nghe?

- Này Thiện Nam Tử! Trong có sáu căn, ngoài co sáu trần, căn trần hòa hiệp sinh ra sáu thức. Sáu thức này theo nhân duyên mà được có tên.

Như một thứ lửa do nơi cây mà có lửa thời gọi là lửa cây, nhân nơi cỏ thời gọi là lửa cỏ, nhân nơi trấu thời gọi là lửa trấu, nhân nơi phân bò thời gọi là lửa phân bò.

Ý thức của chúng sinh cũng như vậy: Nhân nơi nhãn căn, sắc trần, ánh sáng và tác ý thời gọi đó là nhãn thức. Nhãn thức này chẳng ở trong nhãn căn nhẫn đến chẳng ở trong tác ý, do bốn thứ hòa hiệp nên sinh ra thức này. Nhẫn đến ý thức cũng lại như vậy.

Nếu đã là nhân duyên hòa hiệp mà sinh ra, người trí chẳng nên nói rằng sự thấy chính là ngã, sự nghe nhẫn đến chạm xúc chính là ngã.

Này Thiện Nam Tử! Do nghĩa trên đây nên ta nói rằng nhãn thức nhẫn đến ý thức, tất cả các pháp đều là như huyễn,

Thế nào là như huyễn? Vì trước không nay mới có, đã có rồi trở lại không.

Như tỏi, bột, mật, gừng, tiêu, tất lăng, nho, hồ đào, thạch lựu , hột quì, các thứ ấy hòa hiệp lại gọi là huờn thuốc hoan hỷ. Rời ngoài sự hòa hiệp này thời không có huờn hoan hỷ.

Do căn nơi trong, trần nơi ngoài mà gọi là chúng sinh, là ngã, nhân, sĩ phu. Ngoài căn và trần này không riêng có chúng sinh, ngã, nhân, sĩ phu.

- Thưa Cù Đàm! Nếu không có ngã, sao lại nói rằng; ta thấy, ta nghe, ta khổ, ta vui, ta lo, ta mừng?

- Này Thiện Nam Tử! Nếu cho rằng ta thấy, ta nghe v.v… gọi là có ngã đó, cớ gì người đời, lại nói rằng tội của người làm ra chẳng thấy nghe?

Như bốn đoàn binh hiệp lại gọi là quân đoàn, bốn đoàn binh chẳng gọi là một, mà cũng nói rằng quân ta mạnh mẽ quân ta thắng địch.

Nội căn ngoại trần hòa hiệp làm ra cũng như vậy, dầu chẳng phải là một, nhưng cũng được nói rằng: Ta làm, ta thọ, ta thấy, ta nghe, ta khổ, ta vui.

- Thưa Cù Đàm! Cứ như lời ngài: “Nội căn và ngoại trần hòa hiệp”, thời ai ra tiếng nói rằng: Ta làm ta thọ?

- Này Tiên Ni! Từ ái vô minh nhân duyên sinh ra nghiệp, từ nghiệp sinh ra hữu, từ hữu xuất sinh vô lượng tâm sở, tâm sở sinh ra giác quán, giác quán động đến hơi gió, hơi gió theo tâm chạm xúc cổ họng lưỡi răng môi, chúng sinh điên đảo phát ra tiếng nói rằng ta làm , ta thọ, ta thấy, ta nghe.

Này Thiện Nam Tử! Như cái linh đầu cột phướn, do gió động bèn phát ra tiếng, gió lơnù thời tiếng lớn, gió nhỏ thời tiếng nhỏ, không có tác giả.

Lại như sắc nóng ném vào trong nước phát ra nhiều tiếng, nơi đây thật ra cũng không có tác giả.

Này Thiện Nam Tử! Phàm phu không thể tư duy phân biệt việc như vậy, nên nói rằng có ngã và ngã sở, ngã tác, ngã thọ.

Như Cù Đàm nói không có ngã và ngã sở, duyên cớ gì ngài lại nói có thường, lạc, ngã, tịnh?

Này Thiện Nam Tử! Ta chẳng nói sáu căn sáu trần và sáu thức là thường, lạc, ngã, tịnh. Mà ta tuyên bố rằng diệt sáu thức do nội căn ngoại trần sinh ra gọi đó là thường, do thường đây mà gọi là ngã, vì có thường ngã nên gọi là lạc, vì có thường lạc ngã nên gọi là tịnh.

Này Thiện Nam Tử! Chúng sinh nhàm sự khổ mà dứt khổ nhân này, được xa lìa tự tại đây gọi là vô ngã. Do nhân duyên này nên nay ta thiết thiệt nói rằng thường, lạc, ngã, tịnh.

Tiên Ni thưa rằng: Bạch Thế Tôn! Xin đức Đại Từ dạy bảo cho tôi phải làm thế nào để được thường, lạc, ngã, tịnh như vậy.

- Này Thiện Nam Tử! Từ trước đến nay tất cả thế gian có đủ sự ngã mạn lớn, lại tăng trưởng ngã mạn, cũng lại làm ra mạn nhân, mạn nghiệp, nên nay thọ lấy quả báo của mạn, không thể xa lìa tất cả phiền não để được thường, lạc, ngã, tịnh.

Nếu chúng sinh muốn được xa lìa tất cả phiền não, trước hết phải xa lìa ngã mạn.

- Bạch Thế Tôn! Phải lắm! Phải lắm! Đúng như lời Phật dạy. Từ trước tôi có ngã mạn, do ngã mạn nên gọi đức Như Lai là Cù Đàm. Nay tôi đã lìa ngã mạn đó nên thành tâm thỉnh cầu giáo pháp: Làm thế nào sẽ được thường, lạc, ngã, tịnh.

- Này Thiện Nam Tử! Lóng nghe! Lóng nghe! Ta sẽ giải thuyết cho ông.

Này Thiện Nam Tử! Nếu người có thể chẳng phải tự, chẳng phải tha, chẳng phải chúng sinh, xa lìa pháp này.

- Bạch Thế Tôn! Tôi đã hiểu rõ đã được chính pháp nhãn.

- Này Thiện Nam Tử! Do đâu mà ông nói rằng đã biết, đã hiểu, đã được chính pháp nhãn.

- Bạch Thế Tôn! Sắc ấm chẳng phải tự, chẳng phải tha, chẳng phải chúng sinh, thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy. Tôi quán sát như vậy mà được chính pháp nhãn.

Bạch Thế Tôn! Nay tôi rất muốn xuất gia tu học, xin đức Như Lai nhận cho.

Đức Phật gọi: “Thiện Lai Tỳ Kheo!”

Liền đó Tiên Ni được đầy đủ phạm hạnh thanh tịnh chứng quả A La Hán.

Trong chúng ngoại đạo lại có Phạm Chí họ Ca Diếp lên tiếng rằng: Thưa Cù Đàm! Thân tức là mạng, hay là thân khác mạng khác?

Đức Như Lai nín lặng.

Phạm Chí hỏi lần thứ hai lần thứ ba, đức Như Lai vẫn nín lặng.

Phạm Chí lại nói: Thưa Cù Đàm! Như người lúc chết chưa thọ lấy thân sau, chặn giữa đó đâu được chẳng gọi rằng thân khác mạng khác. Nếu là khác tại sao Cù Đàm nín lặng chẳng trả lời?

- Này Thiện Nam Tử! Ta nói thân và mạng đều từ nhân duyên, chẳng phải là không nhân duyên. Như thân mạng tất cả pháp cũng như vậy.

- Thưa Cù Đàm! Tôi thấy thế gian cũng có pháp không từ nhân duyên.

- Này Phạm Chí! Ông thấy thế gian có pháp chẳng từ nhân duyên như thế nào?

- Tôi thấy lửa lớn đốt cháy lùm cây, gió thổi bức ngọn lửa rớt ở chỗ khác, đây há chẳng gọi là không nhân duyên ư?

- Này Thiện Nam Tử! Lửa này cũng từ nhân mà sinh, chẳng pải là không nhân.

- Thưa Cù Đàm! Lúc ngọn lửa bức bay đi chẳng nhân củi than, sao lại nói rằng từ nơi nhân mà sinh.

- Này Thiện Nam Tử! Dầu không củi than nhưng nhân gió mà đi, do gió nên ngọn lửa đó chẳng tắt.

- Thưa Cù Đàm! Nếu người chết lúc chưa thọ thân sau, thọ mạng ở chặn giữa cái gì làm nhân duyên?

- Này Phạm Chí! Chính vô minh cùng ái làm nhân duyên mà thọ mạng này được còn.

Này Thiện Nam Tử! Vì có nhân duyên nên thân là mạng, mạng là thân, vì có nhân duyên nên thân khác, mạng khác. Người trí chẳng nên một bề nói rằng thân khác mạng khác.

- Bạch Thế Tôn! Xin giải thuyết cho tôi rõ biết được nhân quả.

- Này Phạm Chí! Nhân là ngũ ấm, quả cũng là ngũ ấm.

- Này Thiện Nam Tử! Nếu có chúng sinh chẳng đốt lửa thời không khói.

- Bạch Thế Tô ! Tôi đã hiểu rồi.

- Này Thiện Nam Tử! Ông hiểu biết như thế nào?

- Bạch Thế Tôn! Lửa là nói phiền não có thể đốt cháy nơi địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, nhân thiên. Khói là nói quả báo phiền não: Vô thường bất tịnh hôi nhơ đáng ghét đáng nhàm. Nếu chúng sinh chẳng khởi phiền não thời không có quả báo của phiền não. Do đây nên đức Như Lai nói không đốt lửa thời không có khói.

Bạch Thế Tôn! Tôi đã được chính kiến xin thương xót cho tôi xuất gia.

Đức Phật bảo Kiều Trần Như cho Phạm Chí này xuất gia thọ giới.

Ngài Kiều Trần Như tuân lời Phật hòa hiệp chúng Tăng cho Phạm Chí xuất gia thọ giới Cụ Túc. Năm ngày sau, Phạm Chí này chứng được A La Hán.

Trong chúng ngoại đạo lại có Phạm Chí Phú Na lên tiếng rằng: “Thưa Cù Đàm! Ngài thấy thế gian là pháp thường trụ mà nói là thường phải chăng?”.

Nghĩa như vậy là thiệt hay hư? Là thường hay vô thường? Là cũng thường, vô thường? Là chẳng phải thường, chẳng phải vô thường? Là hữu biên, là vô biên? Là cũng hữu biên cũng vô biên? Là chẳng phải hữu biên, chẳng phải vô biên? Là thân là mạng? Thân khác mạng khác? Như Lai sau khi diệt độ, như mà đi hay chẳng như mà đi? Cũng như mà đi cũng chẳng như mà đi? Chẳng phải như mà đi, chẳng phải chẳng như mà đi?

- Này Phú Na! Ta chẳng nói thế gian là thường là hư là thiệt là vô thường v.v… nhẫn đến cũng chẳng nói chẳng phải như mà đi, chẳng phải chẳng như mà đi.

- Thưa Cù Đàm! Nay thấy tội lỗi gì mà ngài chẳng nói như vậy?

- Này Phú Na! Nếu có người nói rằng thế gian là thường, chỉ đây là chân thật ngoài ra đều là vọng ngữ. Quan niệm này gọi là kiến, chỗ bị thấy gọi là kiến hành, gọi là kiến nghiệp, gọi là kiến trước, gọi là kiến phược, gọi là kiến khổ, gọi là kiến thủ, gọi là kiến bố, gọi là kiến nhiệt, gọi là kiến triền.

Này Phú Na! Phàm phu bị kiến chấp ràng buôc nên không thể xa lìa sinh già, bệnh, chết mà lưu chuyển trong sáu đường, thọ vô lượng sự khổ. Nhẫn đến chẳng phải như mà đi, chẳng phải chẳng như mà đi cũng như vậy.

Này Phú Na! Ta thấy kiến chấp này có lỗi như vậy, nên ta chấp trước cũng chẳng nói với người.

- Thưa Cù Đàm! Nếu thấy tội lỗi như vậy mà chẳng chấp trước chẳng nói. Nay Cù Đàm thấy gì? Trước gì? Tuyên thuyết những gì?

Này Thiện Nam Tử! Luận về người kiến trước gọi là pháp sinh tử. Như Lai đã rời pháp sinh tử nên chẳng kiến trước. Như Lai gọi là năng kiến, năng thuyết , mà chẳng phãi là chấp trước.

- Thưa Cù Đàm! Thế nào là năng kiến? Thế nào là năng thuyết?

- Này Thiện Nam Tử! Ta có thể thấy rõ khổ tập diệt đạo, ta phân biệt tuyên thuyết bốn đế lý này như vậy. Vì ta thấy như vậy nên xa lìa được tất cả kiến chấp, tất cả ái, tất cả lưu, tất cả mạn. Do đây nên ta có đủ phạm hạnh thanh tịnh tịch tịnh vô thượng, được thân thường trụ. Thân đây chẳng phải đông tây nam bắc.

- Thưa Cù Đàm! Cớ gì thân thường trụ chẳng phải đông tây nam bắc?

- Này Thiện Nam Tử! Nay ta hỏi ông tùy ý ông đáp.

- Này Thiện Nam Tử! Như ở trước ông đốt đống lửa lớn, đương lúc lửa cháy ông có biết là lửa cháy không?

- Tôi biết là lửa cháy.

- Lúc lửa tắt ông có biết là lửa tắt không?

- Tôi biết là lửa tắt.

- Này Phú Na! Nếu có người hỏi ông đống lửa trước mặt ông từ đâu mà cháy? Tắt rồi đi về đâu? Thời ông sẽ đáp thế nào?

- Thưa Cù Đàm! Tôi sẽ đáp rằng: Lúc lửa này có ra là nhờ các duyên. Duyên cũ đã hết, duyên mới chưa đến thời lửa này phải tắt.

- Này Phú Na! Nếu họ lại hỏi lửa này đã tắt đi đến chỗ nào? Thời ông sẽ đáp ra sao?

- Thưa Cù Đàm! Tôi sẽ đáp rằng: Duyên hết nên tắt chẳng đến chỗ nào.

- Này Thiện Nam Tử! Như Lai cũng như vậy. Sắc vô thường nhẫn đến thức vô thường do ái mà cháy lên, vì cháy lên mà phải thọ lấy thân trong hai mươi lăm cỏi. Lúc cháy lên đó có thể nói là Đông, Tây, Nam, Bắc. Hiện tại ái đã diệt, quả báo hai mươi lăm cõi chẳng còn cháy, vì chẳng cháy nên không thể nói là có Đông , Tây, Nam, Bắc…

Này Thiện Nam Tử Như Lai đã dứt sắc ấm vô thường nhẫn đến dứt thức ấm vô thường, nên thân của Như Lai là thường trụ. Thân đã là thường chẳng nói rằng có Đông Tây Nam Bắc.

Phú Na thưa rằng xin trình bày một ví dụ, mong Thế Tôn nghe cho.

- Lành thay! Lành thay! Ông cứ tùy ý mà nói.

- Bạch Thế Tôn! Như ngoài thôn lớn có rừng Ta La, trong rừng có một cây mọc trước khi thành rừng đủ một trăm năm. Lúc đó chủ rừng lấy nước tưới cây này, theo thời tiết mà săn sóc. Cây này già, mục, vỏ, lá, nhánh đều rơi rớt chỉ còn lõi chắc.

Đức Như Lai cũng như vậy: Tất cả những gì có đã cũ hư thảy đều trừ hết, chỉ còn có tất cả pháp chân thật.

Bạch Thế Tôn! Nay tôi rất thích xuất gia tu hành.

Phật bảo: “Thiện Lai Tỳ Kheo!”.

Vừa dứt tiến, Phú Na liền biến thành tướng Tỳ Kheo, dứt hết phiền não, chứng được quả A La Hán.

 

 


 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6341853
Số người trực tuyến: