Chương bốn: Thiền định về sự Vô thường - phương thuốc chữa trị sự tham luyến những kinh nghiệm của cuộc đời này | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương bốn: Thiền định về sự Vô thường - phương thuốc chữa trị sự tham luyến những kinh nghiệm của cuộc đời này

Chương Bốn:

Thiền định về sự Vô thường

phương thuốc chữa trị sự tham luyến những kinh nghiệm của cuộc đời này

 

Nói chung, mọi sự duyên hợp (1) đều vô thường. Vì thế Đức Phật đã dạy: “Các Tỳ khưu! Mọi sự duyên hợp đều vô thường.” Chúng vô thường ra sao? Những gì được tích tập cuối cùng sẽ suy tàn, những gì được xây dựng cuối cùng sẽ sụp đổ, mọi gặp gỡ cuối cùng sẽ chia ly và mọi sự sinh ra kết thúc bằng cái chết. Trích dẫn từ udânavarga (Tuyển tập các bài Kệ từ Kinh điển Phật giáo):

 

“Kết thúc của mọi tích tập là tan tác,

kết thúc của xây dựng là hủy hoại

kết thúc của gặp gỡ là chia ly và

kết thúc của sự sống là cái chết.”

 

Cách thức để thiền định về điều này được giải thích tóm tắt:

“Thiền định về vô thường được tóm tắt đầy đủ bằng ba điều: phân loại, các kỹ thuật thiền định và lợi lạc của việc thiền định như thế.”

 

1. Phân loại

 

Có hai loại: vô thường của thế giới bên ngoài và vô thường của chúng sinh hữu tình (cốt tủy nội tại).

 

Trước hết, vô thường của thế giới bên ngoài được chia làm hai loại: vô thường thô và vô thường vi tế.

 

Kế đó, vô thường của chúng sinh hữu tình, cốt tủy nội tại, cũng có hai loại: vô thường của chúng sinh và vô thường của bản thân.

 

2. Kỹ thuật để Thiền định về những loại Vô thường này


2a. Vô thường của thế giới, môi trường
 

2.a1. Vô thường toàn khắp của môi trường

 

Từ mạn đà la gió (2) ở bên dưới lên tới tầng thiền thứ tư (3) ở trên, chẳng có điều gì là không thay đổi, chẳng có gì là thường hằng tự bản tánh hay chẳng có gì là vững chắc. Ở một lúc nào đó trong quá khứ, mọi sự ở dưới tầng thiền thứ nhất (4) bị lửa hủy diệt. Ở một lúc nào đó trong quá khứ, mọi sự ở dưới tầng thiền thứ hai bị nước hủy diệt. Ở một lúc nào đó trong quá khứ, mọi sự ở dưới tầng thiền thứ ba bị gió hủy diệt. Trong những thời gian này, khi có sự hủy diệt của lửa thì ngay cả tro tàn cũng không còn, giống như dầu bị thiêu đốt bởi một ngọn lửa. Khi có sự hủy diệt của nước, ngay cả chất cặn cũng chẳng còn, giống như khi muối tan hòa vào nước. Khi có sự hủy diệt của gió thì chẳng còn sót lại điều gì, giống như bột bị thổi tung. Điều này được nói trong abhidharmakośa (A-tì-đạt-ma-câu-xá luận):

 

“Sẽ có bảy sự hủy diệt của nước, đi trước mỗi hủy diệt là bảy ngọn lửa. Kế đó sẽ có bảy hủy diệt của (riêng) lửa. Cuối cùng là sự hủy diệt của gió.”

 

Trạng thái thiền định thứ tư sẽ không bị lửa, nước hay không khí hủy diệt: chúng sinh hữu tình trong trạng thái đó bị lệ thuộc vào cái chết và sự luân hồi và vì thế tự động hủy diệt. Vì thế có nói:

 

“Các trụ xứ thiêng liêng của sự vô thường xuất hiện và tan rã cùng với chúng sinh cư trú trong đó.”

 

Ngoài ra, sự hủy diệt của vũ trụ này bởi lửa ở một lúc nào đó được tiên tri trong vîradattagrhapatipariprcchâsûtra (Kinh Gia chủ Palgyin Vấn thỉnh):

 

“Sau một thời kiếp, thế giới này, bản tánh của nó là không gian, sẽ trở thành không gian; ngay cả những ngọn núi sẽ hoàn toàn bị thiêu đốt và hủy diệt.”

 

2.a2. Vô thường vi tế của môi trường

 

Điều này liên quan đến vô thường trong sự thay đổi của bốn mùa, sự mọc và lặn của mặt trời và mặt trăng và sự thay đổi trong từng khoảnh khắc. Ta hãy khảo sát điều đầu tiên trong những biến đổi này.

 

Do ảnh hưởng mạnh mẽ khi mùa xuân đến, thế giới, môi trường của chúng ta, biến đổi như sau: mặt đất trở nên mềm mại, đỏ hoe và cây cỏ nẩy chồi. Tuy nhiên, đây chỉ là biểu hiện của một giai đoạn nhất thời. Do ảnh hưởng mạnh mẽ khi mùa hạ đến, mặt đất hầu như có sắc xanh, cỏ cây phát triển cành lá. Đây cũng chỉ là biểu hiện của một giai đoạn nhất thời. Bởi ảnh hưởng mạnh mẽ khi mùa thu đến, mặt đất trở nên cứng, hầu như có màu vàng, cây cỏ kết thành trái quả. Đây cũng chỉ là biểu hiện của một giai đoạn nhất thời. Bởi ảnh hưởng mạnh mẽ khi mùa đông đến, mặt đất trở nên đông cứng, hơi trắng, cỏ cây khô héo và dễ gãy. Đây cũng chỉ là biểu hiện của một giai đoạn nhất thời.

 

Bây giờ chúng ta hãy khảo sát vô thường trong sự mọc và lặn của mặt trời và mặt trăng. Năng lực của ngày xuất hiện làm cho thế giới, môi trường của chúng ta, trở nên nhẹ nhàng và sáng sủa. Năng lực của đêm buông xuống làm cho ánh sáng biến thành bóng tối. Đây cũng là những biểu hiện của sự vô thường.

 

Cuối cùng, ta hãy khảo sát vô thường dưới dạng biến đổi trong từng khoảnh khắc. Thế giới, môi trường, như nó là trong một khoảnh khắc nhỏ bé và không qua được khoảnh khắc kế tiếp. Nó khiến ta có cảm tưởng rằng vẫn là cái đó nhưng thực ra một điều gì tương tự đã xảy ra. Dòng thác đổ là một ví dụ về điều này.

 

2b. Vô thường của cốt tuỷ nội tại, chúng sinh hữu tình
 

2.b1. Vô thường của chúng sinh

 

Mọi chúng sinh trong ba cõi hiện hữu đều vô thường: như có nói trong Sự đản sinh của Đức Phật:

 

“Ba cõi vô thường, như mây mùa thu.”

 

2.b2 Vô thường của bản thân

 

“Ta cũng bất lực khi điều đó đến trong đời này, và phải ra đi sang đời sau.” Có hai cách để hiểu điều này: bằng cách khảo sát sự hiện hữu của ta và quan sát những gì xảy ra cho người khác và áp dụng điều đó cho chính mình.

 

~ khảo sát sự hiện hữu của ta ~

 

Cách thức thiền định về điều đầu tiên như sau: thiền định về cái chết, về những đặc điểm của cái chết, về sự cạn kiệt của cuộc đời và về sự phân ly.

 

Thiền định về cái chết có nghĩa là suy niệm ý tưởng: “Tôi sẽ không ở lâu trong thế giới này và sẽ

nhanh chóng đi đến đời sau.”

 

Thiền định về những đặc điểm cụ thể của cái chết bao gồm việc suy niệm các ý tưởng: “Sinh lực này của tôi sẽ cạn sạch, hơi thở sẽ ngừng lại và thân thể này sẽ có hình tướng của một xác chết, trong khi tâm thức sẽ buộc phải lang thang qua cuộc đời khác.”

 

Thiền định về sự cạn kiệt của cuộc đời là suy niệm các ý tưởng: “Từ năm ngoái đến nay, một năm đã trôi qua và giờ đây đời tôi chắc chắn đã ngắn đi nhiều. Từ tháng trước đến nay, một tháng đã qua đi và giờ đây đời tôi chắc chắn đã ngắn đi nhiều. Từ hôm qua đến hôm nay, một ngày đã trôi

qua và giờ đây đời tôi chắc chắn đã ngắn đi nhiều. Một chốc lát đã qua đi và giờ đây đời tôi chắc chắn đã ngắn đi nhiều.” Có nói trong Bồ Tát Hạnh:

 

“Không hề ngưng nghỉ ngay cả một ngày hay một đêm, cuộc đời này liên tục suy tàn. Bởi những gì còn lại suy giảm và biến mất, làm sao những người như tôi có thể không chết?”

 

Thiền định về sự phân ly là suy niệm các ý tưởng: “Bằng hữu và người thân thuộc, tài sản và của cải, thân thể và v.v.. mà tôi hiện có và rất trân quý, sẽ không cùng đi với tôi mãi. Chúng tôi sẽ sớm chia lìa.” Như có nói trong Bồ Tát Hạnh:

 

“Bởi không biết rằng tôi sẽ phải bỏ lại mọi sự và ra đi…” v.v..

 

chín cách thiền định về cái chết

 

Chín kỹ thuật được tập trung quanh sự suy niệm về ba ý tưởng: chắc chắn là tôi sẽ chết, thời điểm cái chết xảy ra thì bất địnhchẳng điều gì có thể đi cùng tôi khi tôi chết.

 

Chắc chắn là tôi sẽ chết – bởi ba lý do: trước đây chưa từng có ai không chết, thân thể là một hiện tượng duyên hợp và cuộc đời bị tiêu mòn trong từng khoảnh khắc.

 

1/9 Chắc chắn tôi sẽ chết bởi trong quá khứ ai cũng chết cả

 

Đạo sư vĩ đại Asvaghosa (Mã Minh) đã nói:

 

“Bạn có từng chứng kiến, nghe nói hay thậm chí đặt câu hỏi về sự hiện hữu của một người nào trên trái đất hay trong những cõi cao là người đã sinh ra mà không bao giờ chết?”

 

Vì thế ngay cả các rishi (5) với những khả năng phi thường và nhận thức thấu suốt (6) không suy lường nổi cũng không thể tìm ra một nơi để thoát khỏi cái chết và tìm được sự bất tử. Tất cả các ngài sẽ chết – còn nói gì đến những người như chúng ta! Có câu nói:

 

“Ngay cả các rishi vĩ đại với năm loại nhận thức thấu suốt để du hành qua không gian, các ngài đã không thể tìm ra một cõi bất tử, cho dù các ngài đã đạt được mức độ kinh nghiệm nào chăng nữa.”

 

Ngoài ra, ngay cả các bậc chứng ngộ như các vị Phật Độc Giác và Đại Thanh Văn – các A La Hán – cuối cùng cũng đã phải rời bỏ thân xác của các ngài. Còn những người như chúng ta thì sao! Vì thế trong Tuyển tập các bài Kệ từ Kinh điển Phật giáo có nói:

 

“Khi mà ngay cả các vị Phật Độc Giác và Đại Thanh Văn của Đức Phật còn phải từ bỏ thân xác của các ngài thì còn nói gì đến những người bình thường.”

 

Hơn nữa, nếu ngay cả hiện thân, Hóa Thân hoàn toàn thanh tịnh, hoàn toàn viên mãn của Đức Phật, được tô điểm bằng các biểu hiện (7) và dấu hiệu (8) của một đấng siêu việt, bản chất đích thực của các hảo tướng đó giống như một vajra (9), đã phải rời bỏ thân thể của các ngài: điều đó càng đúng hơn nữa đối với những người như chúng ta. Đạo sư vĩ đại Mã Minh đã nói:

 

“Nếu ngay cả thân thể của các vị Phật – những thân vajra (thân kim cương) được tô điểm bằng những biểu hiện và dấu hiệu – còn vô thường, thì không cần bàn đến những thân thể ‘cây chuối’ (10) của chúng sinh khác.”

 

2/9 Chắc chắn tôi sẽ chết, bởi thân thể tôi là một duyên hợp

 

Bất kỳ điều gì duyên hợp đều vô thường và mọi sự duyên hợp thì có thể bị hủy hoại tự bản chất. Tuyển tập các bài Kệ từ Kinh điển Phật giáo nói:

 

“Than ôi, mọi sự duyên hợp đều vô thường, bị lệ thuộc vào sự sinh và diệt.”

 

Do đó, bởi thân thể này là sự duyên hợp - chứ không phải là không được hợp tạo - nên nó vô

thường và vì thế chắc chắn là tôi sẽ chết.

 

3/9 Chắc chắc là tôi sẽ chết, bởi cuộc đời bị tiêu mòn trong từng khoảnh khắc

 

Mỗi giây phút trôi qua, cuộc đời đến gần cái chết hơn nữa. Nếu điều này không rõ ràng, ta hãy khảo sát những ví dụ có bao hàm đặc điểm tương tự với nó – ví dụ về một mũi tên được một cung thủ (người bắn tên) mạnh mẽ bắn đi, ví dụ về một thác nước đổ trên một vách đá dốc đứng và ví dụ về một tử tội bị dẫn đến nơi hành hình, là nơi người ấy sẽ chết thật nhanh chóng.

 

Ví dụ đầu tiên là về một một mũi tên được một cung thủ mạnh mẽ bắn đi. Nó lao vun vút tới mục tiêu, không ở yên ngay cả trong giây lát ở một nơi nào trong không gian. Cuộc đời cũng chẳng bao giờ đứng yên thậm chí trong chốc lát, mà nhanh chóng hướng về cái chết. Như có nói:

 

“Một mũi tên được phóng ra từ dây cung của một cung thủ mạnh mẽ chẳng bao giờ do dự mà lao vút đến mục tiêu của nó; đời người cũng như thế.”

 

Ví dụ thứ hai là một thác nước đổ trên một vách núi dốc. Nó đổ xuống không ngừng nghỉ ngay cả trong chốc lát. Tương tự như thế, vô cùng hiển nhiên là đời người không thể ngừng nghỉ. Điều này được nói trong Tuyển tập Chóp đỉnh Tôn quý:

 

“Các bằng hữu, cuộc đời này trôi qua mau chóng, nhanh như nước xáo động trên một ngọn thác. Kẻ non nớt, không tỉnh giác về điều này và sống vụng về, tự hãnh diện khi làm ô nhiễm bản thân bằng những lạc thú giác quan.”

 

Hơn nữa, trong Tuyển tập các bài Kệ từ Kinh điển Phật giáo có nói:

 

“Như một dòng sông mạnh mẽ, nó trôi đi không hề quay lại.

 

Ví dụ thứ ba là một tử tội bị dẫn đến nơi hành hình, mỗi bước chân đưa anh ta đến gần cái chết hơn nữa. Chúng ta giống y như thế. Trong Kinh Thân Cây Cao quý có nói:

 

“Giống như một tử tội bị đưa đến pháp trường, mỗi bước chân đưa anh ta đến gần cái chết hơn nữa.”

 

Tuyển tập các bài Kệ từ Kinh điển Phật giáo cũng nói:

 

“Giống như những người đang trên đường đến pháp trường, họ đến gần cái chết trong từng bước chân, sinh lực của con người cũng thế.”

 

Thời điểm cái chết xảy ra thì bất định – bởi ba lý do: thọ mạng bất định, thân thể không có sinh lực và có nhiều nguyên nhân của cái chết.

 

4/9 Thời điểm cái chết xảy ra thì bất định vì thọ mạng bất định

 

Mặc dù đối với một số người, thọ mạng có thể xác định được, nhưng ở những nơi khác trong vũ trụ, thọ mạng của những người bình thường trong thế giới này thì bất định. Trong A-tì-đạt-ma-câu-xá luận có nói:

 

“Thọ mạng thì bất định – mười năm vào lúc kết thúc và không thể ước lượng được vào lúc khởi đầu.(11)”

 

Thật bất định biết bao, trong Tuyển tập các bài Kệ từ Kinh điển Phật giáo giải thích:

 

“Một số sẽ chết trong thai tạng, một số chết khi sinh ra, một số chết khi chỉ mới biết bò, một số chết khi biết chạy, một số chết khi già, một số chết khi còn trẻ và một số chết trong thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời. Cuối cùng tất cả đều ra đi.”

 

5/9 Thời điểm của cái chết thì bất định bởi thân thể không có sinh lực

 

Thân thể này không có bản chất riêng, vững chắc, lâu bền – chỉ là 36 chất bất tịnh. Do đó Bồ Tát

Hạnh nói:

 

“Khi sử dụng lưỡi dao tỉnh giác biện biệt, bằng tâm thức hãy cắt xẻ thân thể, bắt đầu với làn da và đi qua thịt và xương. Khi cắt xẻ xương cốt và đi đến lớp tủy, hãy khảo sát kỹ càng và tự hỏi: “Đâu là bản chất của nó?” Đây là điều ta nên truy xét.”

 

6/9 Thời điểm của cái chết thì bất định bởi có nhiều nguyên nhân của cái chết

 

Không điều gì không thể trở thành nguyên nhân cho cái chết của bản thân ta hay người nào khác. Trong Thư gởi một người bạn có nói:

 

“Có nhiều thứ làm hại mạng sống. Bởi thân mạng này không vững chắc hơn một bong bóng nước nên thật kỳ diệu khi những hơi thở vào biến thành những hơi thở ra và ta thức dậy khỏi giấc ngủ.”

 

Chẳng ai có thể đi cùng ta khi ta chết – bởi ba lý do: của cải và các đồ vật không thể đi cùng ta, bằng hữu và những người thân thuộc không thể đi cùng ta và thân thể ta không thể đi cùng ta.

 

7/9 Của cải và các đồ vật không thể đi cùng ta sau khi ta chết

 

Như có nói trong Bồ Tát Hạnh:

    

“Mặc dù ta đã có thể bắt gặp và đạt được nhiều điều và có thể vui hưởng trong một thời gian dài, ta phải ra đi trần trụi và trắng tay, như thể bị những kẻ cắp tước đoạt.”

 

Ngoài yếu tố tài sản và của cải không thể đi cùng ta khi ta chết, chúng còn có hại cho đời này và đời sau. Chúng làm hư hỏng cuộc đời này bởi chúng là nguyên nhân của đau khổ, có nghĩa là ta lâm vào những cuộc tranh cãi về chúng, phải bảo vệ chúng và trở thành nô lệ của chúng. Sự chín muồi của những hành động sinh tử này làm vẩn đục những đời sau, đưa ta xuống các cõi thấp.

 

8/9 Các bằng hữu và người thân thuộc không thể đi cùng ta vào lúc chết

 

Như có nói trong Bồ Tát Hạnh:

 

“Khi đến lúc phải chết, con cái sẽ không là nơi nương tựa, cha mẹ, bằng hữu và những người thân yêu cũng không phải là nơi nương tựa. Sẽ chẳng có ai có thể là nơi nương tựa của bạn.”

 

Ngoài yếu tố những người thân thuộc và bằng hữu không thể đi cùng ta vào lúc chết, họ làm hại cuộc đời này và đời sau. Họ làm hại cuộc đời này qua nỗi khổ đau phát sinh từ sự lo sợ về sức khỏe và sinh mạng của nhau. Sự chín muồi của những nỗi lo sợ này (và những hành động mà chúng kích động) làm hư hỏng các đời sau bằng cách đưa ta xuống các cõi thấp.

 

9/9 Thân thể của ta không thể đi cùng ta khi ta chết

 

Các phẩm tính vật lý và chính thân thể không thể đi cùng ta.

 

i. Đối với các phẩm tính vật lý, chẳng có người can trường hay mạnh mẽ nào có thể xoay chuyển cái chết, chẳng có lực sĩ nhanh lẹ nào có thể vượt qua nó và không có diễn giả hay nhà thương thuyết hùng biện nào có thể khuyên can nó: điều đó giống như ngăn cản hay làm cho mặt trời chậm lặn sau một ngọn núi – không ai có thể làm được điều đó.

 

ii. Chất thể vật lý của thân thể cũng không thể đi cùng ta. Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Thân thể bạn, cái mà bạn đã phải trả giá bằng những công việc lao nhọc để che phủ quần áo ch nó và nuôi dưỡng nó, sẽ chẳng thể giúp đỡ bạn: nó sẽ bị chó rừng hay chim muông nhai nuốt, bị lửa thiêu đốt, bị thối rữa trong nước hay bị chôn vùi trong mộ địa.”

 

Ngoài việc không thể đi theo ta như được giải thích ở trên, thân thể ta cũng làm hư hỏng đời này và đời sau. Nó làm hư hỏng cuộc đời này, gây nên đau khổ lớn lao khi nó không thể chịu nổi bệnh tật, sự nóng, lạnh, đói hay khát hay khi sợ bị giết chết, bị trói buộc hay đánh đập. Không chỉ có thế, nó cũng lôi ta xuống các cõi thấp trong những đời sau bởi những trở ngại, bất lợi nó đang tạo nên (12).

 

~ quan sát những gì xảy ra cho người khác

và áp dụng điều đó cho chính mình ~

 

Phạm vi thứ hai của suy niệm này có nghĩa là áp dụng vào bản thân ta những gì xảy ra cho người khác – nhìn thấy, nghe nói hay hồi tưởng về cái chết của họ - và thiền định một cách phù hợp.

 

Trong trường hợp ta nhìn thấy một người nào đó chết: đó là nghĩ tưởng về những người có liên hệ thân thiết với ta, họ thường mạnh mẽ - nước da khỏe mạnh, cảm thấy hạnh phúc và chẳng bao giờ nghĩ đến cái chết – nhưng họ đã mắc phải một căn bệnh chết người. Sức khỏe của họ suy yếu dần, thậm chí họ không thể ngồi dậy, nước da mất đi vẻ sáng láng, trở nên khô khan, xanh xao vàng vọt và họ chịu đựng đau khổ. Chẳng có cách nào chữa khỏi nỗi thống khổ hay làm giảm bớt gánh nặng cảm xúc. Thuốc men và những cuộc kiểm tra không còn giúp gì được nữa và ngay cả các nghi lễ tôn giáo và những lời cầu nguyện đặc biệt cũng không thể làm họ khá hơn. Họ biết rằng họ sẽ chết và chẳng có thể làm được gì để ngăn cản cái chết. Được bao quanh bởi bằng hữu và người thân thuộc, họ ăn bữa ăn cuối và nói những lời cuối cùng của họ. Khi suy xét những hình ảnh này, ta suy niệm và nghĩ rằng: “Tôi cũng có bản chất như thế. Tôi cũng sẽ bị lệ thuộc vào cái chết. Tôi cũng có những đặc tính này và không siêu vượt hiện tượng riêng biệt này.”

 

Từ lúc hơi thở chấm dứt, thân thể của người đó không còn được coi là thích hợp để ở lại ngay cả

một ngày tại nơi mà mặc dù trước đây, đó là ngôi nhà yêu dấu mà người ấy không thể chịu đựng nổi khi phải xa lìa. Khi tử thi đã được đặt trong quan tài, nó bị bó chặt lại, được nhấc lên và đưa ra khỏi nhà. Vào lúc đó một vài người ghì chặt và ôm chầm lấy nó, một số người kêu gào, than khóc, một số ngất đi và vô cùng đau đớn. Tuy nhiên những người khác thì nhận xét: “Xác chết này chẳng khác gì vật chất như đất và đá; cách cư xử như thế thật tầm thường!” Khi suy niệm quang cảnh một tử thi thực hiện hành trình một-chiều của nó qua ngưỡng cửa như thế, hãy nghĩ: “Tôi cũng có cùng bản chất này…”

 

Kế đó, khi suy niệm tử thi bị phân hủy ở nghĩa địa, nơi nó bị chó và chó rừng xé ra thành từng mảnh, bị côn trùng làm mục rữa và là nơi các bộ xương bị rã nát, hãy nghĩ: “Tôi cũng như thế này…”

 

Cách thức để áp dụng vào bản thân những trường hợp về cái chết của người khác mà ta nghe nói như sau: mỗi khi có người nói: “người nào đó đã chết” hay “có một tử thi ở một nơi nào đó,” ta nghĩ tưởng như ở trên: “Tôi cũng giống như thế…”

 

Cách thức để áp dụng vào bản thân những trường hợp về cái chết của người khác mà ta hồi tưởng như sau: ta nghĩ về tất cả những người – một số người già, một số người trẻ và một số là những người bạn trọn đời – đã chết trong vùng đất của ta, trong thị trấn hay trong nhà ta. Khi lưu giữ cái chết của họ trong tâm, ta nghĩ như ở trên: “Tôi cũng giống như thế…” và hãy quán chiếu trước khi quá muộn về cách ta cũng sẽ ra đi như thế. Trong Kinh điển có nói rằng:

 

“Bởi không ai biết ngày mai hay đời sau, điều gì sẽ đến trước – thật là hợp lý khi cố gắng để đạt được những gì có ý nghĩa trong đời sau và không đặt quá nhiều nỗ lực vào những điều chỉ lợi ích cho ngày mai.”

 

3. Những lợi lạc của việc thiền định về vô thường

 

Nhờ hiểu rằng mọi sự duyên hợp đều vô thường, ta sẽ đối kháng lại sự tham muốn mạnh mẽ cuộc đời này. Ngoài ra, điều này sẽ gieo trồng hạt giống của niềm tin, củng cố sự tinh tấn của ta và là một nguyên nhân cho việc nhận ra tính chất nhất như của mọi sự (của vạn pháp), qua việc nhanh chóng tiệt trừ sự tham luyến và ghét bỏ.

Điều này kết thúc chương bốn về sự vô thường,

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát

 

----------------------------------

(1) duyên hợp – được tạo tác bằng những nguyên nhân và điều kiện (duyên).

 

(2) mạn đà la gió – chuyển động nguyên thủy như yếu tố nền tảng của sự hiện hữu. Trong một bức họa thế giới cổ đại Ấn Độ, chuyển động này trở thành nền tảng thấp nhất đối với vũ trụ.

 

(3) Đây là trời tối thượng trong sắc giới.

 

(4) các tầng thiền (dhyâna) – xem chương cuối về thiền định.

 

(5) rishidrang.song (tiếng Tây Tạng) có nghĩa là “những người trung thực,” hàm ý sự trung thực, đạo đức và không đạo đức giả.

 

(6) nhận thức thấu suốt – năm hay sáu hình thức được đưa ra trong abhidharma: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mạng thông và các năng lực kỳ diệu.

 

(7) biểu hiện (tướng) – những đặc tính của một thân Phật, mỗi dấu hiệu của một phương diện viên mãn và của việc ngài đã đạt được sự viên mãn những phẩm tính nào đó trong khi ở trên con đường dẫn đến giác ngộ. 32 tướng chính, chẳng hạn như nhục kế, được đưa ra trong các Kinh điển – xem mahayanottaratantrasastra (“Bản tánh Bất biến”)

 

(8) dấu hiệu – xem chú thích biểu hiện ở trên. Đây là 80 v.v.. dấu hiệu của một bậc siêu việt, hơn là 32 biểu hiện vừa được nhắc đến.

 

(9) vajra – vũ khí trong truyện ngụ ngôn của Ấn Độ, tự nó không thể bị hủy diệt, có thể hủy diệt mọi thứ.

 

(10) nghĩa là trống rỗng như một cây chuối, không có cốt lõi hay thực chất.

    

(11) Theo một vài giáo lý, các chúng sinh sống vào lúc khởi đầu thời kiếp của chúng ta thì vi tế và thanh tịnh đến nỗi họ không có thân thể, không cần ăn v.v.. và có thể sống trong hằng hà sa số thời gian. Khi trở nên thô nặng hơn, thân thể của họ và các thế giới càng lúc càng rắn chắc và ô nhiễm, cuối cùng đi tới trạng thái hiện tại của chúng ta. Trong tương lai, sẽ tới lúc tuổi thọ trung bình chỉ còn 10 năm, trước khi các sự việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

 

(12) nghĩa là bởi những đau khổ này, ta có thể hành động (phản ứng) theo cách sẽ gây nên sự tái sinh không tốt về sau.




 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6335283
Số người trực tuyến: