Lời giới thiệu | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Lời giới thiệu

Lời Giới thiệu

Tác giả và Bản văn
 

Gampopa được coi là hiện thân của một Bồ Tát Thập địa (1) đã hiển lộ từ thế giới này sang thế giới khác trong vô lượng kiếp để giúp củng cố những giáo lý phổ quát về chân lý mà ta gọi là dharma  (Giáo pháp). Vào thời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài đã xuất hiện như một trong những thành viên lỗi lạc của Tăng đoàn, là Candraprabhakumâra, một bậc vô cùng linh thánh. Để trả lời cho những câu hỏi của Candraprabhakumâra, Đức Phật đã giảng dạy sâmadhirâjasûtrâ (Tam Ma Địa Vương Kinh), một trong những giáo lý sâu xa nhất của Đức Phật về thiền định. Trong bản Kinh này cũng như trong Kinh khác, Đức Phật đã tiên tri rằng trong tương lai Candraprabhakumâra là một y sĩ ở Tây Tạng. Candraprabhakumâra và tập hội các Bồ Tát của ngài sẽ duy trì sự quán chiếu tinh túy của Phật pháp.

 

Lúc đầu đời, Gampopa (1079-1153) đã có một sự hiểu biết thông tuệ về Phật giáo dưới sự dẫn dắt của những học giả lỗi lạc của truyền thống Khadampa. Về sau, Gampopa thành tựu giác ngộ dưới sự dẫn dắt của Milarépa – hiện nay có lẽ là người nổi tiếng nhất trong tất cả những nhân vật huyền bí của Tây Tạng – từ vị Thầy này ngài thọ nhận toàn bộ sự trao truyền mahâmûdra, và những giáo lý Kagyü (2) của Tilopa và Naropa. Naropa là tinh túy của mọi kỹ thuật đầy uy lực của Phật giáo Mật thừa Ấn Độ. Vì thế các tác phẩm của Jé Gampopa là tác phẩm của một học giả vĩ đại sở hữu một nội quán sâu xa nhất của một hành giả hoàn toàn thành tựu.

Gampopa, Đạo sư vĩ đại của các truyền thống Kagyü của Tây Tạng, là hiện thân của mọi yếu tố chính của Phật giáo: ngài là một tu sĩ toàn hảo và Tu viện trưởng, vị sáng lập tu viện đầu tiên của phái Kagyü; ngài tinh thông thiền định Phật giáo cao cấp và các kỹ thuật yoga, và đặc biệt là giáo lý mahâmûdra; ngài cũng là một học giả thông tuệ. Qua ngài, các giáo lý sâu xa của Tilopa và Naropa đã được an lập trong bối cảnh tu viện và triết học kinh viện của Phật giáo Đại thừa. Trong phạm vi thực tiễn, điều này có nghĩa là phần nào nhờ công sức của ngài, truyền thống Kagyü hiến tặng các môn đồ của nó mọi phương diện của việc tu tập Phật giáo, từ tu tập căn bản nhất cho đến tu tập cao cấp nhất, theo nhu cầu, khả năng và ước nguyện riêng của mỗi người. Không có gì ngạc nhiên khi nhân vật phi thường này, một vị khổng lồ trong lịch sử Phật giáo, chỉ đứng sau Đức Phật, đã là vị Thầy và guru (Đạo sư) của Gyalwang Karmapa đệ nhất. Nhờ một dòng truyền không đứt đoạn của 17 vị Karmapa, các giáo lý và chứng ngộ của Gampopa đã được duy trì sống động cho tới ngày nay, nghĩa là trong phần lớn của một thiên niên kỷ (một ngàn năm).

Giáo lý của Đức Phật xuất hiện trong ba giai đoạn chính yếu, được gọi là ba dharmacakra hay ba lần chuyển Pháp luân. Dharmacakra thứ nhất mang lại các giáo lý được toàn thể Phật tử khắp thế giới chấp nhận. Đây là các giáo lý về Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế), Bát Chánh Đạo, Vô ngã, Vô thường v.v.. qua đó ta có thể giải thoát vĩnh viễn tâm thức khỏi đau khổ.

Dharmacakra thứ hai mở rộng các giáo lý lúc ban đầu để bao gồm một trí tuệ chứa đựng tánh Không của mọi sự và một cách tiếp cận hoàn toàn được bắt rễ trong động lực của lòng bi mẫn phổ quát. Chỉ nhờ trí tuệ và lòng bi mẫn như thế ta mới có thể thành Phật.

 

Dharmacakra thứ ba an lập mọi giáo lý trước đó trong một bối cảnh tối thượng – bối cảnh của Phật tánh - trong đó tinh túy bất biến của mọi người và mọi sự được chỉ dạy để đạt được giác ngộ, được phú bẩm mọi phẩm tính vinh quang của nó.

 

Tất cả các giáo lý này tạo thành Ba Tu tập (Tam Học) là Giới hạnh, Thiền định và Trí tuệ, được giảng nghĩa một cách tương ứng trong tripitaka – ‘Tam tạng’ – gồm vinaya (luật), sûtrâ (kinh) và abhidharma (luận). Đức Phật cũng giảng dạy các kỹ thuật sâu xa và mạnh mẽ phi thường của tantra (Mật điển). Tantra có thể đưa ba tu tập này đến chỗ viên mãn vô cùng nhanh chóng với điều kiện là cả vị Thầy và đệ tử đều có đầy đủ những phẩm tính thích hợp.

 

Các giáo lý trong Pháp Bảo của sự Giải thoát giới thiệu cho ta một bức tranh vô cùng hàm xúc của Phật pháp, từ quan điểm của một bậc đã thuần thục trong việc hiểu biết và thực hành tất cả những điều được đề cập ở trên. Phật giáo xuất phát từ sự hiểu biết phóng khoáng của lần chuyển Pháp luân thứ hai và thứ ba được gọi là Phật giáo mahâyâna (Đại thừa). Trong mahâyâna có hai truyền thống chính: truyền thống của Di Lặc/Vô Trước và truyền thống của Văn Thù/Long Thọ. Cả hai truyền thống được trình bày rõ ràng trong tác phẩm này, không có bất kỳ thiên kiến nào.


Sự phân tích có cấu trúc rực rỡ này về Phật giáo Đại thừa sẽ cho ta thấy nó hữu ích cho nhiều loại người khác nhau. Tự bản thân nó mang lại thông tin trực tiếp mà tất cả những ai ước muốn một cái nhìn toàn diện của Phật giáo cần phải có. Đối với các học giả, nó đưa ra một khuôn khổ bao hàm chính yếu cho phép việc nghiên cứu Phật giáo lập tức được đặt vào trong một bối cảnh đúng đắn. Đối với các thiền giả và yogi (hành giả), nó thiết lập một sự hiểu biết về Pháp vô cùng cần thiết cho việc thực hành miên mật của họ được phát triển thích đáng.

 

----------------------------------

(1) xem chương 19, mô tả các phẩm tính của những bậc giác ngộ siêu việt này.

(2) Kagyü – Sự trao truyền không đứt đoạn (gyu TT. brgyud) các năng lực (ka là cách viết tắt của kabap (TT: bka bab). bka bab có nghĩa là sự thiện xảo được truyền từ một vị Thầy chói ngời đến người kế vị tài ba của ngài. Ở đây sự thiện xảo nằm trong bốn lãnh vực hết sức đặc biệt của sự thực hành là cốt tủy đích thực của ba cấp độ của Phật giáo. Để có sự giải nghĩa đầy đủ hơn, xin đọc “Way to Go” (Con Đường để Đi) của Tai Situpa thứ XII, Dzalendara.

 

Bối cảnh của Bản dịch này

 

Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát (1) từ chuyến đi Châu Âu (2) năm 1977 của Đức Gyalwang Karmapa thứ XVI. Trong sáu tháng, chúng tôi may mắn được du

hành với ngài, là một bộ phận trong đoàn tùy tùng của ngài. Trong thời gian đó ngài đã ân cần sắp xếp để Khenpo Tsultrim Gyamtso, người đang là giảng sư cho chuyến du hành, giảng dạy cho chúng tôi mỗi ngày về Phật pháp.

 

Trong chuyến du hành nhiều tháng này, việc giảng dạy đã phát triển thành một lớp học Phật pháp. Mặc dù có những thiếu sót về ngôn ngữ Tây Tạng, chúng tôi bị buộc phải đảm nhận vai trò của người phiên dịch. Cuối chuyến du hành, Đức Karmapa ước muốn tất cả các đệ tử tiếp tục những gì đã được bắt đầu và một cuộc nghiên cứu bổ túc miên mật trong sáu tháng được tiến hành.

Trong những ngày vô cùng đáng nhớ đó ở lâu đài La Pujade ở vùng Dordogne, Khenpo đã chia sẻ với một nhóm nhỏ đệ tử sự hiểu biết trong sáng của ngài về bản văn này và uttaratantrasastra (Mật điển Ðại Thừa Tối Thượng). Sự kiện này trùng hợp với việc Pháp sư ngôn ngữ học Tenpa Negi Gyaltsen đến phương Tây. Đây là người Tây Tạng đầu tiên trích dẫn làu làu tác phẩm của Shakespeare mà tôi từng gặp. Cùng với Khenpola và chúng tôi, sự hiện diện của vị Pháp sư này đã tạo thành một nhóm được trang bị khá đầy đủ để hình thành một bản dịch đầu tiên của bản văn này nhờ sự giải thích đáng tin cậy, từng ý niệm một, về ý nghĩa theo sự hiểu biết có tính chất truyền thống của dòng Karma Kagyü.

 

Đối với tôi, công lao của Khenpo Tsultrim Gyamtso chẳng bao giờ có thể đền đáp được. Sự kiên nhẫn và thiện xảo hầu như vô song của ngài trong lãnh vực giảng dạy này đã hình thành một khuôn khổ cho mọi hoạt động dịch thuật và nghiên cứu được tiếp tục từ đó. Từ đó trở đi, chúng tôi có vài dịp làm việc về tác phẩm Dagpo Tarjen này, như nó thường được gọi trong tiếng Tây Tạng – một lần nữa với Khenpo Tsutrim Gyamtso và cũng tham dự hai khóa tập trung do Khenchen Thrangu Rinpoche, giáo thọ lỗi lạc của dòng Kagyü, ban truyền tại Kagyü Samye Ling. Lòng bi mẫn, sự uyên bác vĩ đại và thẩm quyền xác thực của Khenchen Thrangu Rinpoche đã giúp chúng tôi hiểu biết về tác phẩm này và một vài bản văn chính yếu khác tạo thành nền tảng cho việc tu tập của dòng Kagyü. Đặc biệt là Khenchen Thrangu Rinpoche đã làm sáng tỏ những vấn đề trong Dagpo Tarjen mà chúng tôi nhận ra là cần có thêm những giải thích. Từ thời gian nghiên cứu lúc ban đầu và hết sức miên mật trong những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 đó, những vấn đề cụ thể của Tarjen đã được soi rọi bởi các vị Thầy viếng thăm Kagyü Samye Ling, và đặc biệt là bởi Tai Situpa thứ XII và Goshir Gyaltsabpa thứ XII. Ngoài việc giải thích các vấn đề cụ thể, mỗi vị Thầy này đã giúp đặt tác phẩm Dagpo Tarjen – và trong thực tế là toàn bộ việc nghiên cứu Phật giáo – trong viễn cảnh thích hợp với sự thuần thục và kinh nghiệm của riêng mình.

 

Suốt trong hai mươi năm cuối cùng, sự giám sát liên tục và độc nhất vô nhị của Bậc Chứng ngộ Akong Tulku Rinpoche cũng là một ánh sáng dẫn đường; ánh sáng của mahâmûdra (3) mà ngài là hiện thân. Giống như Guru Rinpoche làm cho Giáo Pháp được củng cố ở Tây Tạng, ngài đã bỏ

nhiều công sức để bảo đảm rằng những học giả và thiền giả tuyệt hảo của dòng Kagyü có thể đến Tây phương, để nêu những tấm gương tốt về cách thức hiểu biết và thực hành của Phật tử. Đặc biệt là với sự cộng tác của Khentin Tai Situpa và Khenchen Thrangu Rinpoche, ngài đã thiết lập một chương trình nghiên cứu “lý tưởng” mang lại cho những người tham dự những khóa nhập thất thiền định dài hạn một sự hiểu biết tuyệt vời về Phật pháp trên lãnh vực lý thuyết, cũng như dựa trên kinh nghiệm. Tarjen là một nền móng của sự tu tập đó.

 

Trong thời gian đáng nhớ đó khi những vị Thầy vĩ đại được nhắc đến ở trên có thể ban các giáo lý chi tiết về những bản văn truyền thống này trong vài tháng, Akong Rinpoche đã sắp xếp để chúng tôi học tập với các ngài, nêu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thâm nhập càng nhiều càng tốt di sản kiến thức mà các ngài phải chia sẻ. Từ đó trở đi, số lượng các trung tâm Pháp ở Tây phương phát triển rất mạnh và đòi hỏi thời gian của các vị Thầy đến nỗi những khóa học dài tương tự tập trung ở một địa điểm không thể thực hiện được nữa. Akong Rinpoche đã nhìn xa trông rộng khi sắp xếp những khóa giảng đó và ghi lại chúng bởi lịch sử không thể lặp lại.

Trong khoảng mười hai năm cuối cùng, tôi đã giảng toàn bộ tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát này ba lần để chuẩn bị cho những người tham dự khóa nhập thất dài hạn của Kagyü Samye Ling. Như có lần Khenpo Tsultrim nói, để nghiên cứu một vấn đề thật tốt thì không có gì bằng việc giảng dạy nó. Trải qua nhiều năm, bản văn đặc biệt này đã trở nên hết sức thân thiết với trái tim tôi.

 

Sự vĩ đại vô song của Gampopa – như một học giả và người kế thừa thiền định của Milarepa – khiến cho di sản giáo lý này của ngài vô cùng đặc biệt. Giống như một con chim đại bàng thả cánh bay trên những ngọn núi và đồng bằng, ngài thông hiểu toàn bộ Phật pháp mà ngài đã nghiên cứu từ khi còn trẻ với sự quang minh vĩ đại, và từ viễn cảnh tối thượng, ngài đã thấu suốt mahâmûdra trong những năm sau này.
 

Trong tác phẩm này, ngài mang lại cho đệ tử hệ thống tham chiếu để tiếp cận việc nghiên cứu Giáo pháp. Gampopa luôn luôn trợ giúp cho những trình bày của ngài bằng những trích dẫn then chốt từ các Kinh điển quan trọng nhất của hai truyền thống Đại thừa chính yếu. Điều này có nghĩa là, trong một quyển sách, ngài đặt tinh túy của vài trăm Kinh điển trong bàn tay ta. Chính ngài đã nói rằng người thâm nhập ý nghĩa của những chương này sẽ gần gũi với ngài như thể họ gặp ngài bằng xương bằng thịt và thọ nhận giáo lý từ ngài. Đó là trái tim và tâm của người Thầy vĩ đại của tất cả các truyền thống Kagyü.
 

----------------------------------

(1) Tựa đề

Tựa đề Tây Tạng trên đây mất đi phần nào sự uyển chuyển và năng lực tự nhiên của nó khi được phỏng dịch sang Anh ngữ là Một Vật Trang hoàng Quý báu của sự Giải thoát, những Viên ngọc Như ý của Giáo pháp Siêu việt. Có câu nói rằng tựa đề của một bản văn Tây Tạng có thể biểu lộ toàn bộ tính chất của nội dung tác phẩm cho những người có đủ trí tuệ để hiểu được ngụ ý của tác giả. Dưới đây là một giải thích theo truyền thống về ngôn từ của tựa đề này.

Giáo pháp siêu việt có nghĩa là sự trình bày sâu sắc về những tính chất tương đối và tuyệt đối của mọi hiện tượng, nó giống như một viên ngọc như ý, bởi trí tuệ và nội quán mà nó mang lại cuối cùng sẽ làm cho ta thành tựu hạnh phúc sâu xa và hoàn toàn siêu vượt đau khổ. Đây là những gì mọi người ước muốn – nhưng chỉ dành cho người hướng đến sự thành tựu. Nhờ áp dụng những giáo lý này ta đạt được giải thoát; không chỉ giải thoát cho bản thân mà còn là một sự giải thoát đầy bi mẫn mang lại lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Đây là sự giác ngộ, không rơi vào cực đoan của sự trần tục mà cũng không rơi vào cực đoan của sự vượt thoát bằng thiền định. Những viên ngọc như ý này của Giáo pháp siêu việt đã được Đức Phật thuyết giảng trong những bản Kinh của ngài v.v.. và được các Đạo sư Phật giáo nổi tiếng nhất giảng nghĩa thấu đáo trong các luận văn Phật giáo (śastra). Mặc dù Gampopa không đưa thêm điều gì mới vào những gì các ngài đã giảng dạy thật tuyệt vời, ngài đã sử dụng những viên ngọc chân lý đó và mài dũa chúng thành một vật trang hoàng quý báu, sắp xếp chúng thật đẹp đẽ và đầy ý nghĩa, khiến cho các đệ tử của ngài được hỉ lạc khi họ nhận thức sâu sắc về giá trị của chúng.

(2) Gyalwang Karmapa là Vị Lãnh đạo truyền thống Karma Kagyü của Phật giáo Tây Tạng. Đức Karmapa thứ XVI (1924 -1981) được các Phật tử mọi trường phái của truyền thống Kagyü vô cùng tôn kính. Năm 1977 ngài du hành Châu Âu lần thứ hai, viếng thăm các trung tâm Phật giáo và thành lập những trung tâm mới.

(3) mahâmûdra - các giáo lý Phật giáo tối thượng, bày lộ chân tánh của mọi sự.

 

Công việc Không chấm dứt

 

Không nghi ngờ gì, chúng ta sẽ phải mất từ năm mươi cho đến một trăm năm để củng cố những bản dịch rõ ràng, có thể tin cậy được của các bản văn Phật giáo chính yếu trong Kinh điển Tây Tạng: các bản văn chứa đựng các giáo lý đã tạo nên hành trình văn hóa từ nền văn minh của Ấn Độ tới văn minh Tây Tạng. Mặc dù đây không phải là nơi để đi vào một cuộc thảo luận về những phức tạp của việc di chuyển một khối lượng kiến thức dồi dào đang còn hiện hữu trong một nền văn hóa và ngôn ngữ sang một nền văn hóa và ngôn ngữ khác, những chú giải dưới đây có thể hữu ích trong việc hiểu biết cách tiếp cận của chúng tôi trong việc xuất bản này.

 

Khi chúng tôi nghiên cứu mọi nỗ lực được tạo nên trong thế kỷ thứ 8 và trở đi, bởi các trường phái rnying.ma và sau đó gsar.ma (1) để bảo đảm rằng những môi trường và thông điệp của Phật giáo Ấn Độ được giữ gìn một cách đúng đắn, chúng tôi nhận ra tầm vóc của công việc đang nằm trong tay chúng tôi. Hiện nay chúng tôi không vứt bỏ các phương tiện mà Vua Trisong Detsen đã có thể áp dụng vào việc phụng sự Giáo pháp trong thế kỷ thứ tám ở Tây Tạng và chắc chắn là có một hẻm núi rộng cần được vượt qua giữa những cấu trúc khái niệm của Tây phương và Tây Tạng hơn là giữa những cấu trúc đó của Tây Tạng và Ấn Độ. Giờ đây, các dịch giả như chúng tôi chỉ có thể nỗ lực hết sức mình, với hy vọng rằng những bản dịch khác và tốt hơn sẽ dần dần thay thế những nỗ lực đầu tiên này, khi những học giả chân chính xuất hiện. Có vẻ là hợp lý khi trông đợi nó sẽ hoàn thành tốt hơn sau một thế kỷ. Vào lúc tác phẩm này được hoàn tất, những chiếc cầu thô sơ được xây dựng giữa thế giới Tây Tạng và Tây phương vào lúc này bởi thế hệ những người đầu tiên khai phá Giáo Pháp chắc chắn sẽ phải sụp đổ và có lẽ sự hiện diện của một lớp Phật tử mới có tính chất toàn cầu, mà cho đến nay ta không thể hình dung được, sẽ tiếp tục với ý tưởng thiện lành, khiến cho những quan niệm hiện hành về Đông và Tây là hoàn toàn không cần thiết.

 

----------------------------------

(1) Sự gieo trồng thực sự đầu tiên của Phật giáo ở Tây Tạng xuất hiện qua phong trào rnying.ma (lúc ban đầu) trong thế kỷ thứ 8. Bởi nhiều lý do, trong đó có những tàn phá do tác động của một vị Vua Tây Tạng chống Phật giáo, có một nhu cầu đổi mới do các phong trào gsar.ma (sau này) tạo nên trong các thế kỷ 11 và 12.

 

Về các Từ ngữ

 

Người đọc được yêu cầu đón nhận bản dịch này trong ánh sáng của những chú giải ở trên. Cảm

thấy nhỏ bé và vô nghĩa khi so với các Lạt ma được nhắc đến trong lịch sử lừng lẫy của những giáo lý này, chúng tôi biết rất rõ rằng Gampopa đáng được biết đến nhiều hơn thế này và chúng tôi cầu nguyện rằng điều tốt lành hơn sẽ sớm xuất hiện.

 

Dấu hiệu của những dịch giả tuyệt vời là họ càng ít tô màu cho nguyên tác bằng những màu sắc của tính cách riêng của họ thì càng tốt và tái tạo trong tâm của người nghe hay người đọc hình ảnh của diễn giả hay tác giả của nguyên tác. Việc dịch thuật đòi hỏi phải chọn lựa các từ và từ ngữ đôi khi đầy uy lực. Các thuật ngữ làm hài lòng một số người nhưng có thể gây khó chịu cho những người khác. Ngoài ra, không có một tiêu chuẩn rõ ràng cho việc chọn lựa các từ: chẳng hạn như các từ có thể chiến thắng trên một nền tảng dân chủ (có nghĩa là những thuật ngữ mà phần lớn dịch giả có thể tín nhiệm) và được đông đảo quần chúng tán thành thì không nhất thiết là những từ mà một vị Phật tinh thông mọi ngôn ngữ chọn lựa bằng trí tuệ thâm sâu của ngài. Việc giảng dạy Phật pháp không phải là một bài tập về những quan hệ cộng đồng; đôi khi cần phải gây sửng sốt hay kích động các phản ứng.

 

Không đi sâu thêm vào cuộc tranh luận khổng lồ này, vấn đề trọng yếu mà chúng tôi muốn đặt ra là các độc giả không nên phủ nhận giá trị của giáo lý Gampopa chỉ vì một hay hai thuật ngữ trong bản dịch này khiến họ không vừa ý. Điều đó chẳng khác gì ném đi một tấm séc (ngân phiếu) lớn chỉ vì chữ ký loằng ngoằng của ta bị từ chối. Sự “bí mật”, như trong mọi việc nghiên cứu, nằm trong cái nhìn siêu vượt ngôn từ để đạt được ý nghĩa chân thực. Nếu cần thiết, ta có thể tạo ra trong tâm thức những thuật ngữ thay thế của riêng ta mà ta ưa thích hơn khi đọc.

 

Đôi lúc, những chú thích được thêm vào để giải thích vì sao những thuật ngữ này được sử dụng và nó có thể gây tranh cãi là một điều hiển nhiên. Chúng tôi hoan nghênh những bình luận của quý độc giả về những thuật ngữ này hay bất kỳ thuật ngữ nào khác hoặc về những cách diễn tả được dùng trong quyển sách này.

 

Tiêu chuẩn được Sử dụng trong việc Dịch thuật

 

Các thuật ngữ được dùng trong bản văn này là những thuật ngữ đã được phát triển thành ngôn ngữ Giáo pháp của Kagyü Samyé Ling. Một vài từ có gốc Phạn ngữ - chẳng hạn như buddha, bodhicitta, mahâmûdra, jñâna v.v.. – được để nguyên, hoặc bởi chúng đã đi vào Anh ngữ một cách chính thức hoặc vì chưa tìm ra một từ Anh ngữ tương xứng. Thường thì ta cần phải giới thiệu một cách phiên âm trong bản dịch sang Anh ngữ của một cụm từ Tây Tạng mà tự nó không có. Ở mọi nơi, và đặc biệt là trong những trích dẫn từ Kinh điển, chúng tôi dùng từ “ông ấy” để chỉ một người nói chung, độc giả nên hiểu rằng nó có thể ám chỉ “ông ấy” hay “bà ấy”. Việc dịch những Kinh văn cổ xưa với sự chính xác hiện đại có tính chất học thuật của ngôn ngữ sẽ là sự áp đặt một sắc thái mới làm phức tạp thêm vào những gì mà chúng vốn không có.

 

Hiện nay đang nhen nhóm một xu hướng tô vẽ Phật giáo; cách thức các quyển sách và những bài thuyết trình được trình bày có thể gần như rất giống một hoạt động tiếp thị, cẩn thận né tránh các ý niệm có khả năng gây xáo trộn – chẳng hạn như những ý niệm về các địa ngục, là những điều cho đến nay được giảng dạy thật rõ ràng trong nhiều ngàn năm trong truyền thống văn học hay khẩu truyền được gìn giữ một cách cẩn trọng. Vì thế những điều được giải thích là những trạng thái kinh nghiệm đau khổ khủng khiếp có thể thực sự xảy ra sau khi chết, trong một đêm đã biến thành đơn thuần là những ý niệm trừu tượng có tính chất tượng trưng cho các khía cạnh kinh nghiệm của con người. Điều này có thể thích hợp với một vài độc giả và tránh gây sửng sốt cho những người lẩn trốn những ý niệm như thế trong những niềm tin khác, nhưng nó làm sai lạc truyền thống. Các ngôn từ cũng có thể được làm cho mềm dịu vượt ngoài sự nhận thức vì sợ rằng sẽ gây khó chịu.

 

Chúng tôi hết sức cố gắng để tránh bất kỳ sự lược bỏ nào về chủ đề nguyên thủy như thế. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đây là một bản dịch từng chữ. Một số người cùng thời với chúng ta rất thích những bản dịch từng chữ, vô cùng sát nghĩa, khi cảm nghĩ rằng họ có thể làm cho những thế hệ tương lai xây dựng lại tiếng Tây Tạng từ Anh ngữ. Họ cũng cho rằng những bản dịch này là những bản dịch trung thành nhất với nguyên tác. Về vấn đề đầu tiên, có lẽ tốt nhất là hoàn toàn bảo đảm cho việc giữ gìn nguyên tác khi sử dụng nhiều phương tiện công nghệ sẵn có vào lúc này. Về vấn đề thứ hai, những ai có kinh nghiệm trong thế giới rộng lớn của việc dịch thuật chuyên nghiệp đã đồng ý với điều này?

 

Tóm lại, mục đích của chúng tôi là cố gắng tái tạo những khái niệm (không phải là những chữ) ban đầu càng gần gũi càng tốt, khi sử dụng tối thiểu những thêm thắt hay sửa đổi. Những từ Anh ngữ được chọn lựa trên căn bản phù hợp với cảm xúc và năng lực mà những từ Tây Tạng truyền đạt khi được các Lạt ma sử dụng trong những giải thích của các ngài. Cách tiếp cận này dẫn đến một cách dịch nguyên thủy, gần với trí năng của người Tây Tạng, nó có thể dùng như một nền tảng cho những giới thiệu thiện xảo cho những thính giả khác nhau.

 

Bản văn của Gampopa không được biên soạn theo cách thức lộng lẫy, hoa mỹ như một bài thơ mà ta có thể tìm thấy trong một vài tác phẩm Tây Tạng. Nó cũng không có sự rắc rối của những bản văn Tây Tạng được dịch từ Phạn ngữ. Nó được viết bằng một ngôn ngữ vô cùng thẳng thắn, trong sáng, làm người đọc vui thích. Khi đọc bản văn, ta có cảm tưởng đang nhận được lời chỉ dạy trực tiếp từ vị Thầy của riêng mình: chỉ có những sự thật, không kiểu cách. Chúng tôi nỗ lực để tái tạo tác phẩm này và chân thành cầu mong các bạn, những độc giả, sẽ nhận được từ bản dịch Anh ngữ này một vài niềm vui và sự tin cậy nơi Giáo pháp mà chúng tôi đã tìm kiếm qua việc thamkhảo tác phẩm Tarjen trong tiếng Tây Tạng.

 

Ken Holmes

Kagyü Samyé Ling, Tháng Năm 1994.

 

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6335171
Số người trực tuyến: