Chương Mười lăm: Tinh tấn Ba la mật
Chương Mười lăm
Tinh tấn Ba la mật
Tinh tấn (1) ba la mật được tóm tắt thành bảy phần: những quán chiếu về lỗi lầm của sự thiếu tinh tấn và những phẩm tính của việc thực hành nó; tính chất thiết yếu của sự tinh tấn; các phương diện khác nhau của tinh tấn; đặc điểm thiết yếu của mỗi phương diện; làm thế nào để phát triển năng lực tinh tấn; làm thế nào để tinh tấn được thuần tịnh và kết quả của tinh tấn.
1. NHỮNG QUÁN CHIẾU VỀ LỖI LẦM CỦA SỰ THIẾU TINH TẤN VÀ NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA VIỆC THỰC HÀNH NÓ
Mặc dù ta có thể có những phẩm tính bố thí v.v.., nhưng nếu không có sự tinh tấn, ta sẽ lãng phí thời gian. Khi lãng phí thời gian (2), ta không thành tựu được đức hạnh, không có khả năng làm lợi lạc người khác và ta sẽ không đạt được giác ngộ. Vì thế Kinh Sagaramati Vấn thỉnh nói:
“Người lãng phí thời gian thì không có sự bố thí (v.v..) và không có sự hiểu biết sâu xa. Người lãng phí thời gian không thực hiện những hành vi lợi ích cho chúng sinh. Đối với người lãng phí thời gian, sự giác ngộ còn rất xa, quả thực là rất xa.”
Việc sở hữu đức tính tinh tấn, là điều đối nghịch với sự lãng phí thời gian, ngăn ngừa để mọi phẩm tính trong sạch không trở nên hư hỏng và giúp cho chúng tăng trưởng. Kinh Bát nhã Ba la mật Cô đọng trong các bài kệ nói:
“Nhờ tinh tấn, các phẩm tính tốt lành sẽ không bị hư hỏng và ta sẽ khám phá kho tàng trí tuệ nguyên sơ vô hạn của chư Phật.”
Ngoài ra, những người có đức tính tinh tấn sẽ có thể vượt qua ngọn núi phức hợp có thể bị tiêu diệt (3) Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận có nói:
“Nhờ tinh tấn ta siêu vượt phức hợp có thể bị tiêu diệt và được giải thoát.”
Hơn nữa, nhờ có đức tính tinh tấn, ta nhanh chóng thành tựu giác ngộ. Vì thế Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:
“Nhờ tinh tấn ta sẽ giác ngộ siêu việt như một vị Phật.”
Kinh Sagaramati Vấn thỉnh cũng nói:
“Cuối cùng, giác ngộ hoàn toàn thanh tịnh và viên mãn không khó khăn đối với những người thực hành sự tinh tấn. Tại sao thế? Sagaramati! Những ai có tinh tấn thì có giác ngộ.”
Pûrnapariprcchâsûtrâ (Kinh Purna Vấn thỉnh) nói theo cách tương tự:
“Việc đạt được giác ngộ sẽ không khó khăn đối với người thường xuyên nỗ lực với sự tinh tấn.”
2. TÍNH CHẤT THIẾT YẾU CỦA SỰ TINH TẤN
Đó là sự yêu thích đức hạnh. A tỳ đạt ma Tập luận nói:
“Tinh tấn là gì? Là phương thuốc chữa bệnh lãng phí thời gian, là tâm thức thực sự yêu thích đức hạnh.”
Luận giảng cho Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận cũng nói rằng bản chất đích thực của tinh tấn là vô cùng yêu thích đức hạnh. Nó là phương thuốc chữa bệnh lãng phí thời gian, lãng phí thời gian là trạng thái đối nghịch và làm ngăn trở tinh tấn. Lãng phí thời gian có ba loại: lãng phí thờ gian như sự biếng nhác, lãng phí thời gian như sự đánh giá thấp khả năng của ta và lãng phí thời gian như sự dính mắc vào những theo đuổi thấp kém.
2a. Lãng phí thời gian như sự biếng nhác
Điều này có nghĩa là bị dính mắc vào các lạc thú khi để cho tâm thức buông trôi, qua giấc ngủ, nằm ườn trên giường và lang thang thơ thẩn: những điều này cần phải từ bỏ. Vì sao từ bỏ chúng? Đó là bởi ta chẳng có dư thời giờ cho những việc như thế trong đời này. Có câu nói rằng:
“Các nhà sư! Trí tuệ sẽ mờ tối. Mạng sống sẽ bị cắt đứt. Năng lực sáng tạo của cuộc đời sẽ bị hủy diệt, đó là điều chắc chắn. Vì sao các thầy không tu tập với sự tinh tấn và kỷ luật kiên cường?”
Bồ Tát Hạnh có nói:
“Cái chết sẽ đến thật nhanh chóng. Từ bây giờ cho đến lúc đó ta phải củng cố sự tích tập.”
Ta có thể nghĩ rằng vào lúc chết, ta vẫn còn kịp để tích tập đức hạnh và trí tuệ nhưng khi thời điểm đó xảy ra, sẽ chẳng còn thời gian để củng cố bất kỳ điều gì. Như có nói:
“Ngay lúc này hãy vất bỏ sự lãng phí thời gian. Chẳng có dư thời gian: hãy làm tất cả những điều gì có thể!”
Ta có thể nghĩ tưởng một cách sai lầm rằng cái chết sẽ không xảy ra trước khi ta hoàn thành đức hạnh. Đó là một ý niệm không xác thực. Có câu nói rằng:
“Một tâm thức quá sức tự tin thì không đúng đắn. Thần Chết không quan tâm đến công việc của ta đã hoàn thành hay chưa. Vì thế chớ có ai, dù đau yếu hay khỏe mạnh, cảm thấy chắc chắn về sự hiện hữu mong manh này.”
Do đó, bằng bất kỳ phương tiện nào có thể, ta nên ngừng lãng phí thời gian qua sự biếng nhác, vứt bỏ nó như ta ném bỏ một con rắn bò vào lòng ta hay giống như cách ta dập tắt ngọn lửa đang đốt cháy tóc ta. Bồ Tát Hạnh nói:
“Giống như bạn nhảy dựng lên khi một con rắn bò vào lòng bạn, khi giấc ngủ và sự lười biếng lẻn vào, hãy nhanh chóng kháng cự lại chúng.”
Và Thư gởi một người bạn nói:
“Khi tóc và quần áo thình lình bốc cháy, ta làm hết sức mình để dập tắt chúng. Cũng thế, ta nên hết sức nỗ lực làm mọi sự để ngăn chặn tái sinh. Chẳng điều gì quan trọng hơn điều đó.”
2b. Lãng phí thời gian như sự đánh giá thấp khả năng của ta
Là một thái độ chủ bại khi ta nghĩ: “Làm thế nào một người thấp kém như tôi có thể thành tựu giác ngộ, cho dù tôi hết sức nỗ lực?” Không cần phải làm mình mất can đảm theo cách đó; thực ra, ta cần vứt bỏ sự phí phạm tiềm năng do thái độ như thế gây nên. Nếu ta tự hỏi vì sao sự ngã lòng như thế không cần thiết, hãy nhập tâm điều này được rút ra từ Kinh điển:
“Nếu phát triển năng lực tinh tấn thì ngay cả các loài ong, ruồi, nhặng, sâu bọ hay bất kỳ côn trùng nào cũng đều có thể thành tựu giác ngộ thật khó đạt được! Nếu đúng như thế thì làm sao những người như tôi, đã được sinh ra làm người đầy đủ khả năng và có sự hiểu biết về điều gì lợi lạc và điều gì có hại, lại không thành tựu giác ngộ, miễn là tôi không từ bỏ công hạnh Bồ Tát?”
2c. Lãng phí thời gian qua sự vướng mắc với những theo đuổi thấp kém
Đây là những vướng mắc của ta với các hoạt động phi đạo đức như đánh bại kẻ thù và thâu thập của cải v.v.. Bởi những hoạt động này là nguyên nhân đích thực của đau khổ, chúng phải được từ bỏ.
3. CÁC PHƯƠNG DIỆN KHÁC NHAU CỦA SỰ TINH TẤN
Tinh tấn có ba phương diện: tinh tấn như áo giáp, tinh tấn được áp dụng và tinh tấn như sự khát khao vô bờ. Tinh tấn thứ nhất là thái độ tuyệt hảo nhất. Tinh tấn thứ hai là hoạt động tuyệt hảo nhất. Tinh tấn thứ ba là loại tinh tấn đưa hai loại trên đến chỗ kết thúc của chúng.
4. ĐẶC ĐIỂM THIẾT YẾU CỦA MỖI PHƯƠNG DIỆN
4a. Áo giáp tinh tấn
Ta mặc áo giáp là thái độ: từ lúc này trở về sau và cho đến khi mọi chúng sinh được an lập trong sự giác ngộ tối thượng, tôi sẽ không bao giờ bỏ đi sự tinh tấn trong việc tích tập đức hạnh. Trong Bồ Tát Tạng có nói:
“Xá Lợi Phất! Hãy khoác áo giáp không thể nghĩ bàn này: cho đến khi sinh tử luân hồi chấm dứt, dù điều gì xảy ra, chớ bao giờ buông lỏng sự tinh tấn được dâng hiến cho giác ngộ.”
Kinh Giảng dạy sự Tinh tấn cũng nói:
“Các Bồ Tát nên mặc áo giáp này để tập hợp chúng sinh. Bởi chúng sinh bao la vô lượng, việc mặc áo giáp cũng không được có giới hạn.”
Kinh Aksayamati Vấn thỉnh cũng nói:
“Giác ngộ không thể tìm thấy trong việc tính đếm các thời kiếp: mặc áo giáp trong nhiều thời kiếp và không mặc trong nhiều thời kiếp khác. Phải luôn luôn mặc áo giáp không thể nghĩ bàn.”
Bồ Tát Địa nói:
“Nếu để giải thoát một chúng sinh duy nhất khỏi khổ đau, tôi phải ở trong địa ngục một ngàn kiếp, điều này khiến tôi ngập tràn hoan hỉ cho dù phải mất bao nhiêu thời gian hay phải chịu bao nhiêu khổ đau chăng nữa. Thái độ như thế là tinh tấn như áo giáp của Bồ Tát.”
4b. Tinh tấn được áp dụng
Tinh tấn này có ba phương diện:
+ Tinh tấn trong việc từ bỏ sự ô nhiễm
+ Tinh tấn trong việc thành tựu đức hạnh và
+ Tinh tấn trong sự làm việc cho hạnh phúc của chúng sinh.
~ Tinh tấn trong việc từ bỏ những ô nhiễm ~
Sự tham muốn và những ô nhiễm khác, cũng như những hành động mà chúng thúc đẩy, là cội gốc của đau khổ. Vì thế, bằng một hành động cụ thể, rộng lớn và lâu dài, chúng được ngăn ngừa để không sinh khởi. Bồ Tát Hạnh nói:
“Khi ở giữa vô số ô nhiễm, hãy giữ vững thái độ của bạn bằng một ngàn cách: hãy giống như một sư tử giữa những con cáo. Chớ để những ô nhiễm này làm tổn hại bạn.”
Trên thực tế, đâu là gương mẫu của sự tỉnh giác và kỷ luật mà ta cần có? Có câu nói:
“Người tuân giữ đúng đắn kỷ luật nên cẩn trọng như một người khiếp hãi đang bị đe dọa tính mạng: như người đang cầm một hũ dầu mù tạc đầy hay một người bị dí mũi gươm vào cổ.”
~ Tinh tấn trong việc thực hành đức hạnh~
Điều này bao gồm việc hết sức nỗ lực trong sự thực hành sáu ba la mật mà không quan tâm đến sinh mạng hay sức khỏe của mình. Ta nên nỗ lực ra sao? Ta nên nỗ lực bằng phương tiện là năm phương diện của tinh tấn: tinh tấn như sự liên tục, tinh tấn như sự nhiệt tâm, tinh tấn như không thể bị lay chuyển, tinh tấn như không bị nao núng và tinh tấn khiêm tốn.
(1) Tinh tấn như sự liên tục có nghĩa là làm việc không đứt quãng. Về điều này Kinh Những Đám Mây Châu báu nói: “Bởi chư Bồ Tát áp dụng tinh tấn vào mọi phương diện trong đời sống hàng ngày của các ngài nên chẳng có điều gì khiến các ngài phải hối tiếc về những gì thân hay tâm của các ngài đã làm. Đó là cách các ngài áp dụng tinh tấn và điều đó được gọi là tinh tấn liên tục của chư Bồ Tát.
(2) Tinh tấn như sự nhiệt tâm, có nghĩa là hành động một cách hoan hỉ, cảm kích và nhanh chóng. Như có nói: “Bởi công việc này đã đi đến chỗ viên mãn, hãy lao mình vào nó như một con voi lao mình xuống một cái ao do bị nóng bức bởi mặt trời giữa trưa.”
(3) Tinh tấn như không thể bị lay chuyển có nghĩa là không bị xao lãng khỏi công việc của ta bởi bất kỳ điều tổn hại nào do tư tưởng, những nhiễm ô hay đau khổ của ta gây ra.
(4) Tinh tấn như không bị nao núng có nghĩa là không dời đổi tâm ta khi nhìn thấy sự thô bạo, tục tằn, hung hăng, các quan điểm suy đồi v.v.. của những người khác, như được thuật lại trong Kinh Thánh giả Phướn Chiến Thắng Kim Cương.
(5) Tinh tấn khiêm tốn có nghĩa là thực hành những hình thức tinh tấn ở trên với tâm không kiêu mạn.
~ Tinh tấn trong việc thành tựu hạnh phúc của chúng sinh ~
Đây là nỗ lực trong 11 lãnh vực chẳng hạn như những hoạt động hỗ trợ những người không được giúp đỡ v.v..
4c. Tinh tấn như sự khát khao vô bờ
Điều này có nghĩa là cố gắng đạt được đức hạnh mà không hề thỏa mãn cho đến khi thành tựu giác ngộ. Như có nói: “nếu ta không bao giờ biết đủ với những lạc thú giác quan, là điều giống như mật ong trên lưỡi dao cạo, thì làm thế nào ta có thể mãn nguyện với sự an lạc tìm được khi hoàn toàn thuần thục các hành vi tinh tấn (4).”
5. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TINH TẤN
Tinh tấn được phát triển nhờ ba năng lực được đề cập ở trên (chương bố thí): trí tuệ nguyên sơ, hiểu biết sâu xa và sự hồi hướng.
6. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TINH TẤN ĐƯỢC THUẦN TỊNH
Tinh tấn được thành tựu nhờ hai hỗ trợ - tánh Không và lòng bi mẫn, đã được đề cập ở trên (chương bố thí).
7. KẾT QUẢ CỦA SỰ TINH TẤN
Ta nên hiểu rằng sự tinh tấn có hai kết quả là kết quả nhất thời và kết quả tối thượng. Kết quả tối thượng là đạt được giác ngộ. Trong Bồ Tát Địa nói:
“Nhờ hoàn thành tinh tấn ba la mật, chư vị Bồ Tát đã thực sự trở thành chư Phật toàn giác, đang thực sự trở thành chư Phật toàn giác và sẽ thực sự trở thành chư Phật toàn giác với sự thanh tịnh tối thượng và giác ngộ viên mãn.”
Kết quả tạm thời là việc trải nghiệm hạnh phúc tốt lành nhất trong thời gian ta sống trong thế giới. Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận đã nói:
“Nhờ tinh tấn ta đạt được hoạt động thiết thực mà ta ước muốn.”
Đây là chương thứ mười lăm về tinh tấn ba la mật,
trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát
----------------------------------
(1) Tinh tấn – mọi nỗ lực của chúng tôi nhằm tìm ra một cách dịch đầy đủ nhưng không nặng nề cho từ btson.’grus đều chưa thành công. Những cách diễn đạt như “nhẫn nại hoan hỉ,” “áp dụng đầy nhiệt tâm” sẽ cho ta cảm giác là chúng chuyên chở được ý niệm, nhưng chúng quá dài và không thích đáng trong mọi trường hợp. Từ ngữ cần chuyên chở được ý nghĩa của sự hoan hỉ và nhiệt tâm cùng với ý nghĩa của sự kiên trì và nỗ lực. Thực ra, về phương diện từ nguyên học, “tinh tấn” có ý nghĩa là hoan hỉ. Thật không may là trong cách dùng hiện đại từ này đã mất đi hàm ý đó.
(2) Ở đây lãng phí thời gian có nghĩa là không sử dụng cuộc đời của ta một cách trọn vẹn và hữu ích như ta có thể. Nói chung, từ Tây Tạng la.lo can có nghĩa là “sự lười biếng” nhưng trong chương này nó được sử dụng rộng rãi hơn để bao gồm mọi khuynh hướng, bị đối kháng bởi nhẫn nhục ba la mật, là cái làm suy giảm tiềm năng tích cực mạnh mẽ của cuộc đời.
(3) Một tên gọi khó sử dụng được dùng để mô tả các triết học chính yếu được đặt nền trên một ý niệm về bản ngã. Có hai mươi phạm trù chính yếu dựa trên bốn cách kết hợp một ý niệm bản ngã với bất kỳ uẩn nào trong năm uẩn (skandha). Tên gọi đến từ thực tế là ý niệm bản ngã được hiểu một cách sai lầm là một thực thể toàn diện, vững bền trong khi thực ra là sự mê mờ được phóng chiếu, không vững bền mà liên tục bị tiêu diệt và không đơn nhất mà là cái gì phức hợp, chẳng hạn như việc cho rằng thân thể ta là bản thân ta.
(4) Sự hoàn toàn thuần thục được nhắc đến ở đây có nghĩa là sự tái sinh tốt lành do bởi thiện nghiệp. Tiết mục này không có ý muốn nói rằng ta không nên cảm thấy hài lòng với kết quả cuối cùng – sự an bình và hạnh phúc tuyệt đối của Phật quả (điều đó thì không thể, bởi nghiệp và sự thuần thục của nó luôn luôn có liên quan với sinh tử và chỉ sinh tử mà thôi). Nó chỉ cảnh báo chúng ta phải đề phòng cảm giác thỏa mãn với thiện nghiệp và sống một cuộc đời tương đối tốt lành. Điều đó không sai nhưng tạo rất nhiều giới hạn cho sự tốt lành mà ta có thể làm cho bản thân và chúng sinh. Điều đó cũng cho thấy một sự hiểu biết nghèo nàn về phạm vi công việc trong sự kiểm soát của ta – sự giác ngộ cho bản thân và tất cả chúng sinh.
- 623
Viết bình luận