Chương Mười - Các Giáo huấn về việc Phát triển Bồ đề tâm Nguyện | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương Mười - Các Giáo huấn về việc Phát triển Bồ đề tâm Nguyện

 

Chương Mười

A. Các Giáo huấn về việc

Phát triển Bồ đề tâm Nguyện

Tóm tắt tiết mục này:

 

Các giáo huấn về Phát triển Bồ đề tâm nguyện được tóm tắt thành năm điểm: không loại bỏchúng sinh khỏi tâm ta; nhớ tưởng những phẩm tính của Bồ đề tâm; củng cố hai tích tập; liên tục nuôi dưỡng thái độ Bồ Tát, vun trồng bốn bạch nghiệp và từ bỏ bốn hắc nghiệp.

 

- Giáo huấn thứ nhất là phương pháp về việc không từ bỏ Bồ đề tâm,

- Thứ hai là phương pháp để ngăn ngừa việc Bồ đề tâm bị suy thoái,

- Thứ ba là phương pháp làm kiên cố Bồ đề tâm,

- Thứ tư là phương pháp phát triển Bồ đề tâm và

- Thứ năm là phương pháp để không quên lãng Bồ đề tâm.

 

1. “TU TẬP KHÔNG BAO GIỜ LOẠI BỎ CHÚNG SINH KHỎI Ý HƯỚNG CỦA TA”

 

Điều này được giảng dạy như phương pháp để tránh việc từ bỏ Bồ Tát hạnh. Kinh Long Vương Anavatapta Vấn thỉnh nói:

 

“Nếu có một thứ mà Bồ Tát có thể sở hữu, nó chứa đựng đầy đủ mọi phẩm tính của Đấng Giác ngộ, bậc được phú bẩm điều tuyệt hảo nhất trong mọi sự, vật đó là gì? Đó là ước nguyện không bao giờ loại bỏ chúng sinh khỏi những ý hướng của ta.”

 

Loại bỏ chúng sinh khỏi ý hướng của mình được hiểu như sau: giả sử có một người đối xử không tốt với bạn, vì thế bạn không còn thấy có cảm tình với người đó nữa và nghĩ: Nếu có cơ hội để giúp anh, tôi sẽ không giúp, nếu có cơ hội để cứu anh khỏi tai họa, tôi sẽ không cứu. Bạn đã loại người đó ra khỏi những ý hướng bi mẫn của bạn. “Loại bỏ chúng sinh ra khỏi tư tưởng của ta” có nghĩa là tất cả chúng sinh hay chỉ một chúng sinh? Ngoại trừ các Thanh Văn và Phật Độc giác, không ai loại bỏ tất cả chúng sinh khỏi tâm họ - ngay cả những con chim săn mồi hay chó sói cũng không làm thế. Vì thế, người mà tâm thức loại bỏ chỉ một chúng sinh và không chỉnh sửa trong vòng hai giờ thì người đó đã vi phạm giới nguyện Bồ Tát. Điều này có nghĩa là những người loại bỏ chúng sinh khỏi ý hướng của họ trong khi thực hiện Bồ tát hạnh và nghĩ rằng mình là Bồ Tát thì hoàn toàn sai lầm. Điều đó giống như đã giết đứa con duy nhất của mình nhưng vẫn mua quần áo cho nó.

Bởi hoàn toàn có thể đánh rơi Bồ đề tâm ngay cả đối với người từng giúp đỡ ta cho nên nguy cơ

đánh mất nó đối với những người làm hại ta thì quả là cao. Vì thế, bằng cách đặc biệt hướng lòng bi mẫn đến những người làm hại ta, ta nên cố gắng giúp đỡ họ và làm cho họ hạnh phúc. Đó là cách thức mà những người tốt nhất trong chúng sinh thực hành.

 

“Người làm điều tốt lành cho những người khác nhưng lại bị họ làm hại, mặc dù thế, vẫn làm lợi lạc cho họ, người ấy là người tốt nhất trong thế gian: những người có thể dùng cái tốt để đáp lại cái xấu.”

 

2. “TU TẬP ĐỂ CHÁNH NIỆM VỀ NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA BỒ ĐỀ TÂM”

 

Đây là phương pháp để ngăn ngừa việc Bồ đề tâm bị suy thoái. Ngọn Đèn Soi sáng Con Đường Giác ngộ nói:

 

“Những lợi lạc của việc phát triển ước nguyện đạt được giác ngộ được Đức Di Lặc giảng dạy trong Kinh Hoa Nghiêm” v.v..


Thực ra, bộ Kinh này giảng dạy những lợi lạc của việc phát triển Bồ đề tâm qua 230 ví dụ. Tất cả những lợi lạc đó được tóm lược thành bốn loại:

 

a. “Con cái tốt lành của ta: Bồ đề tâm này giống như chủng tử của mọi phẩm tính của chư Phật. Bởi nó xua tan sự nghèo nàn tâm linh nên nó giống như vị Trời Tài Bảo.” Ví dụ này và những ví dụ khác minh họa các lợi lạc đối với Bồ Tát.

 

b. Hai ví dụ sau đây được đưa ra để minh họa lợi lạc đối với chúng sinh. “Bởi nó mang lại sự che chở tuyệt hảo cho tất cả chúng sinh, nó như một nơi trú ẩn.. bởi nó hỗ trợ mọi chúng sinh, nó giống như mặt đất.”

 

c. Những ví dụ này và các ví dụ khác minh họa lợi ích mà giới nguyện mang lại trong phạm vi của việc cắt đứt các tà kiến: “Bởi nó đánh bại kẻ thù - những phiền não - nó như một ngọn giáo…bởi nó đốn ngã cây đau khổ to lớn, nó như một chiếc rìu.”

 

d. Những ví dụ này và các ví dụ khác minh họa lợi ích của sự phát triển Bồ đề tâm trong việc thành tựu mọi ước nguyện đi theo hướng đúng đắn: “Bởi nó hoàn toàn đáp ứng mọi ý hướng, nó như một chiếc bình quý báu …bởi nó làm cho mọi ước nguyện trở thành hiện thực, nó như một viên ngọc như ý”. Nhờ chánh niệm về những lợi lạc ở trên, ta sẽ vô cùng quý trọng Bồ đề tâm và nhận thức sâu sắc về sự tuyệt hảo của nó. Khi điều này được thành tựu và sau đó được duy trì nhờ việc thực hành, sự chánh niệm này sẽ bảo vệ để Bồ đề tâm không bị suy hoại. Vì thế ta nên luôn luôn chánh niệm về những lợi ích của Bồ đề tâm ngay cả trong mỗi quãng thời gian hai tiếng ngắn ngủi trong ngày.

 

3. “TU TẬP CỦNG CỐ HAI TÍCH TẬP”

 

Đây là cách làm kiên cố Bồ đề tâm. Về điều này, Ngọn Đèn Soi sáng Con Đường Giác ngộ nói:

 

“Các tích tập mà bản tánh là đức hạnh và trí tuệ nguyên sơ, là nguyên nhân của sự viên mãn.”

 

Trong hai tích tập này, sự tích tập đức hạnh là phương diện phương tiện thiện xảo của sự thành tựu, bao gồm mười thiện hạnh, bốn cách tập hợp chúng sinh v.v.. Tích tập trí tuệ nguyên sơ là phương diện trí tuệ sâu xa của sự thành tựu, thấu hiểu rằng những hành động thiện xảo như thế được thành tựu trong một bối cảnh tuyệt đối thanh tịnh (1). Như thế, bởi việc củng cố hai tích tập khiến Bồ đề tâm trở nên kiên cố, ta nên luôn luôn nỗ lực thành tựu chúng – cho dù mỗi hai tiếng trong ngày chỉ trì tụng một câu thần chú ngắn. Lời Khuyên dạy về việc Thâu thập các Tích tập nói về điều này:

 

“Một Bồ Tát thường xuyên nghĩ: ‘Hôm nay tôi tích tập đức hạnh và trí tuệ ra sao; tôi có thể làm điều gì để mang lại lợi ích cho chúng sinh?’”

 

4. “LIÊN TỤC TU TẬP BỒ ĐỀ TÂM”

 

Điều này giúp cho Bồ đề tâm của ta tăng trưởng. Ngọn Đèn Soi sáng Con Đường Giác ngộ nói về điều này:

 

“Khi đã phát khởi Bồ đề tâm như một ước nguyện, ta nên nỗ lực tăng trưởng nó bằng mọi cách.”

 

Sự nỗ lực này nên được hiểu như việc áp dụng vào ba lãnh vực hoạt động:

* Tu tập thái độ là nguyên nhân của Bồ đề tâm,

* Tu tập Bồ đề tâm và

* Tu tập tâm có liên quan đến Bồ Tát hạnh.

 

a. Thái độ là nguyên nhân của Bồ đề tâm là luôn luôn nghĩ đến chúng sinh với lòng từ và bi – hay ít nhất là trưởng dưỡng một tư tưởng như thế hai giờ một lần.

b. Tu tập Bồ đề tâm là nuôi dưỡng sự khát khao đạt được giác ngộ để có thể làm lợi ích chúng sinh. Điều này nên được suy niệm ba lần vào ban ngày và ba lần vào ban đêm. Ta có thể thực hiện nghi lễ nuôi dưỡng Bồ đề tâm chi tiết hay tối thiểu là tụng lời nguyện sau đây của Đức Atisha Vĩ đại hai giờ một lần:

 

“Cho đến khi giác ngộ, con quy y Phật, Pháp và Tăng đoàn siêu việt. Nhờ đức hạnh của việc bố thí v.v.. (2) mà con đã thực hiện, nguyện con thành tựu Phật quả để làm lợi lạc chúng sinh.”

 

c. tu tập tâm có liên quan đến Bồ Tát hạnh có hai phần: phát triển thiện ý làm việc vì lợi ích của chúng sinh và phát triển ý hướng tịnh hóa tâm của ta.

- Phát triển thiện ý làm việc vì lợi ích của chúng sinh nghĩa là dâng hiến thân thể, của cải và mọi đức hạnh ta đã củng cố trong ba thời cho sự lợi lạc và hạnh phúc của chúng sinh. Điều này đưa đến việc nuôi dưỡng một thái độ sẵn sàng bố thí.

- Phát triển ý hướng tịnh hóa tâm ta liên quan đến việc thường xuyên khảo sát cách hành xử của ta cùng việc tiệt trừ phiền não và ác hạnh.

 

5. “TU TẬP VIỆC TỪ BỎ BỐN HẮC NGHIỆP VÀ VUN TRỒNG BỐN BẠCH NGHIỆP”

 

Đây là phương pháp để tránh việc quên lãng Bồ đề tâm. Ngọn Đèn Soi sáng Con Đường Giác ngộ nói:

 

“Để có thể nhớ lại thái độ Bồ Tát này trong những hiện hữu khác, ta nên tuân giữ một cách cẩn trọng những quy luật của việc tu tập đã được giải thích.”

 

Những quy luật tu tập này đã được giảng ở đâu? Kasya paparivartasûtra (Kinh Ca Diếp Vấn Thỉnh) nói về bốn hắc nghiệp:

 

“Ca Diếp! Một Bồ Tát nuôi dưỡng bốn điều này sẽ quên lãng Bồ đề tâm. Bốn điều này là gì? Đó là..”

 

Bốn hắc nghiệp được tóm tắt như sau:

1. Lừa dối một Đạo sư hay một người xứng đáng nhận cúng dường.

2. Làm cho người khác hối tiếc những hành động không nên hối tiếc.

3. Nói năng không đúng đắn với một Bồ Tát, nghĩa là người đã thọ giới nguyện Bồ Tát.

4. Lừa dối hay làm thất vọng bất kỳ chúng sinh nào.

 

Bốn bạch nghiệp cũng được quyển Kinh trên nói tới:

 

“Ca Diếp! Nếu một Bồ Tát vun trồng bốn điều này, trong mọi hiện hữu sau này, trí lực của Bồ Tát chắc chắn sẽ hiển lộ khi sinh ra; Bồ đề tâm sẽ không bị quên lãng và không bị gián đoạn, cho đến khi Bồ Tát ấy đạt được giác ngộ. Bốn điều này là gì? Đó là…”

 

Bốn bạch nghiệp được tóm tắt như sau:

1. Không bao giờ nói dối có chủ đích, cho dù phải trả giá bằng cuộc đời mình.

2. An lập tất cả chúng sinh trong đức hạnh và hơn nữa, an lập họ trong đức hạnh Đại thừa.

3. Coi một Bồ Tát, nghĩa là người đã thọ giới nguyện, như vị Thầy, Đấng Giác ngộ, và công bố những phẩm tính của người đó khắp mười phương và

4. Thường xuyên an trụ trong một tâm thức cao quý; không lừa dối hay gian xảo đối với bất kỳ chúng sinh nào.

 
  • GIẢI THÍCH VỀ HẮC NGHIỆP THỨ NHẤT VÀ BẠCH NGHIỆP ĐỐI NGHỊCH VỚI

Nếu với một ý hướng gian dối, ta thực sự dối gạt người “đáng được cúng dường”, nghĩa là một Đạo sư, một Tu viện trưởng, một giáo thọ hay Phật tử được tôn kính, điều này làm gãy bể giới nguyện Bồ Tát, trừ phi trong vòng hai tiếng đồng hồ ta làm điều gì đó để sửa chữa lỗi lầm. Cho dù những người đó có biết là mình bị dối gạt hay không, cho dù sự dối gạt có làm họ khó chịu hay không, cho dù sự dối gạt có nghiêm trọng hay không hoặc cho dù sự dối gạt có thực sự ảnh hưởng hay không, trong mọi trường hợp, giới nguyện đã bị gãy bể.

 

Phương thuốc (3) chữa trị cho điều này là bạch nghiệp thứ nhất, đó là luôn luôn tránh nói dối có chủ ý – cho dù phải trả giá bằng mạng sống của mình.

 
  • GIẢI THÍCH VỀ HẮC NGHIỆP THỨ HAI VÀ BẠCH NGHIỆP ĐỐI NGHỊCH VỚI NÓ

Điều này xảy ra trong sự liên quan với những thiện hạnh của người khác. Nó bao gồm việc cố gắng khơi dậy sự ân hận ở họ bằng cách làm cho họ bám chặt vào những khái niệm ân hận về điều tốt mà họ đã làm. Ví dụ như, một người đã bố thí, nghĩa là làm một thiện hạnh, nhưng ta cố làm cho họ hối tiếc về hành động đó bằng cách nói rằng những ngày sắp tới sự thiếu hụt tiền bạc do việc bố thí của họ sẽ làm họ trở thành một hành khất và khi đó họ sẽ làm gì? Dù họ có thực sự hối tiếc những gì họ đã làm hay không, nếu điều này không được sửa chữa trong vòng hai giờ đồng hồ thì nó làm gãy bể giới nguyện Bồ Tát.

 

Phương thuốc chữa trị cho điều này là bạch nghiệp thứ hai: an lập tất cả chúng sinh trong đức hạnh và đặc biệt là đức hạnh của Đại thừa.

 
  • GIẢI THÍCH VỀ HẮC NGHIỆP THỨ BA VÀ BẠCH NGHIỆP ĐỐI NGHỊCH VỚI NÓ

Điều này xảy ra qua sự sân hận hay thù ghét và bao gồm việc nói về những lỗi lầm của người đã thọ giới nguyện Bồ Tát. Đó có thể là những lỗi lầm thông thường hay những sai lầm về Pháp, được nói trước mặt người đó hay nói gián tiếp, bằng một cách dễ chịu hay khó chịu. Dù vị Bồ Tát có liên quan có buồn phiền về những điều ta nói hay không, hành động này làm gãy bể giới nguyện Bồ Tát trừ phi nó được sửa chữa trong vòng hai giờ đồng hồ.

 

Phương thuốc chữa trị cho điều này là bạch nghiệp thứ ba: coi người đã thọ giới nguyện Bồ Tát như một vị Phật thực sự và làm cho những phẩm tính của họ được khắp nơi biết đến.

 
  • GIẢI THÍCH VỀ HẮC NGHIỆP THỨ BA VÀ BẠCH NGHIỆP ĐỐI NGHỊCH VỚI NÓ

Điều này xảy ra khi ta cố ý lừa dối người nào khác. Trừ phi nó được sửa chữa trong vòng hai giờ đồng hồ, hành động này sẽ làm gãy bể giới nguyện Bồ Tát, dù người đó có biết về sự lừa dối hay không và dù sự tổn hại có thực sự tác dụng hay không.

 

Phương thuốc chữa trị cho điều này là bạch nghiệp thứ tư – “luôn luôn hành động với những ý hướng cao quý nhất đối với chúng sinh” – nghĩa là có ý định làm lợi lạc chúng sinh mà không quan tâm đến lợi lạc của riêng mình.

Đây là chương thứ mười về cách phát triển Bồ đề tâm nguyện,

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát

 

B. CÁC GIÁO HUẤN VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN BỒ ĐỀ TÂM HẠNH

 

Giáo huấn gồm ba phần: tu tập giới hạnh siêu việt, tu tập tâm siêu việt và tu tập trí tuệ siêu việt. Ngọn Đèn Soi sáng Con Đường Giác ngộ nói về những tu tập này:

 

“Người duy trì giới nguyện của Bồ đề tâm hạnh và tu tập đúng đắn ba loại giới hạnh, nhận thức sâu xa của họ về ba phương diện tu tập đó sẽ tăng trưởng.”

 

* Tu tập giới hạnh siêu việt có ba phần, bao gồm sự bố thí, trì giới và nhẫn nhục,

* Tu tập tâm siêu việt là tu tập thiền định và

* Tu tập trí tuệ siêu việt là tu tập prajñâ (sự hiểu biết sâu xa).

* Nhẫn nhục trong sự hoan hỉ là sự hỗ trợ cho ba tu tập trên.

 

Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Đấng Chiến Thắng đã giảng nghĩa vô cùng hoàn hảo sáu phẩm tính siêu việt (ba la mật) trong phạm vi của ba tu tập: 3 ba la mật đầu tiên thuộc về tu tập thứ nhất, hai ba la mật cuối cùng (thiền định và trí tuệ) thuộc về hai tu tập sau cùng và ba la mật thứ tư (tinh tấn) thuộc về cả ba tu tập.”

 

Tóm tắt của chương này:

Tu tập Bồ đề tâm hạnh có thể được tóm tắt thành sáu phần: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

 

Kinh Subâhu Vấn thỉnh nói:

 

“Subâhu! Để một Bồ Tát Ma ha tát nhanh chóng thành tựu giác ngộ viên mãn và chân thật, sáu ba la mật phải được áp dụng thường xuyên và trong mọi trường hợp, cho đến khi chúng hoàn toàn viên mãn. Sáu ba la mật đó là gì? Đó là bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tấn ba la mật, thiền định ba la mật và trí tuệ ba la mật.”

 

Ta hiểu rõ sáu ba la mật qua hai sự trình bày sau đây:

* Thứ nhất (Chương 11) là một giảng nghĩa tóm lược hay cái nhìn khái quát, coi sáu ba la mật này như một nhóm, và

* Thứ hai (Các Chương 12-17) là một giảng nghĩa chi tiết về mỗi ba la mật.

 

----------------------------------

(1) Bối cảnh: bối cảnh của hành động thường bị hoen ố bởi sự tam nguyên, nghĩa là ba khái niệm chủ thể, đối tượng và sự tương tác của chúng. Bối cảnh của hành động thanh tịnh, không bị ô nhiễm bởi sự tam nguyên khi (như ở đây) đức hạnh không vướng mắc vào ý niệm về một Bồ Tát làm điều tốt lành (chủ thể), về chúng sinh được lợi lạc (đối tượng) hay về hoạt động của Bồ Tát (sự tương tác).

 

(2) Bố thí và v.v..: nghĩa là sáu ba la mật. Xem các chương sau.

 

(3) Phương thuốc: nghĩa là phương thuốc cho loại tâm thức này nói chung. Phương thuốc được nhắc đến trong đoạn trên là phương thuốc cấp thời, chẳng hạn như một thực hành tịnh hóa chẳng hạn như thiền định Vajrasattva (Kim Cương Tát Đỏa), đối với một hành động cụ thể. Sự liên quan kép đến ý niệm phương thuốc cũng áp dụng trong ba điểm dưới đây.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6335255
Số người trực tuyến: