Chương Mười hai: Bố thí Ba la mật
CÁC ĐỨC HẠNH SIÊU VIỆT (BA LA MẬT) ĐƯỢC TRÌNH BÀY RIÊNG RẼ, CHI TIẾT
Bố thí ba la mật được tóm tắt thành bảy phần: những quán chiếu về lỗi lầm của việc không bố thí và những phẩm tính của việc thực hành nó; tính chất thiết yếu của sự bố thí; các phương diện khác nhau của việc bố thí; đặc điểm thiết yếu của mỗi phương diện; làm thế nào để phát triển sự bố thí; làm thế nào để việc bố thí được thuần tịnh và kết quả của việc bố thí.
1. QUÁN CHIẾU VỀ LỖI LẦM CỦA VIỆC KHÔNG BỐ THÍ VÀ NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA VIỆC THỰC HÀNH NÓ
Một người không bố thí sẽ luôn luôn khổ vì sự nghèo khó (1) Họ có thể phải tái sinh làm ngạ quỷ và thậm chí nếu được tái sinh làm người, người ấy sẽ lâm vào cảnh nghèo khổ. Kinh Bát nhã Ba la mật Cô đọng trong các bài kệ nói về điều này:
“Người keo kiệt sẽ tái sinh trong các ngạ quỷ. Cho dù được tái sinh làm người, họ sẽ nghèo khổ.”
Trong vinaya (Luật) cũng nói:
“Trả lời câu hỏi của Dro Shin Jay, các ngạ quỷ nói rằng: Chúng tôi là những kẻ tham lam và keo kiệt và chẳng bố thí chút nào – đó là lý do khiến chúng tôi bị buộc phải ở trong trạng thái ngạ quỷ này.”
Đây là những gì xảy ra. Ngoài ra, không bố thí, ta không thể giúp đỡ chúng sinh mà cũng không thành tựu Phật quả:
“Những người không quen bố thí chẳng có chút của cải và năng lực nào để tập hợp chúng sinh – nói gì tới việc họ không có khả năng đạt được giác ngộ.”
Trái lại, người bố thí sẽ hạnh phúc vì dồi dào của cải trong mọi hiện hữu của họ. Kinh Bát nhã Ba la mật Cô đọng trong các bài kệ nói:
“Sự bố thí của Bồ Tát cắt đứt khả năng tái sinh làm một ngạ quỷ. Nó sẽ tiêu diệt sự nghèo khó và mọi nhiễm ô. Thực hành bố thí của Bồ Tát sẽ mang lại của cải bao la và vô hạn.”
Trong Thư gởi một người bạn có nói:
“Hãy thực hành bố thí một cách đúng đắn; sẽ không có người bạn nào tốt hơn thế cho đời sau.”
Madhyamakâvatâra (Nhập Trung Đạo) cũng nói:
“Tất cả những người tìm kiếm hạnh phúc không chỉ mong muốn một đời người hạnh phúc không màng đến của cải; họ cũng muốn được chuẩn bị một cuộc đời đầy đủ. Vì Đấng Giác ngộ hiểu rằng một cuộc đời như thế sẽ chỉ tìm thấy nhờ thực hành bố thí nên bố thí là điều ngài giảng dạy trước tiên.”
Hơn nữa, nếu bố thí, ta sẽ dễ dàng thành tựu giác ngộ. Bồ Tát Tạng nói:
“Đối với người bố thí, giác ngộ không phải là điều khó gặp.”
Ngoài ra, Ratnameghasûtrâ (Kinh Những Đám Mây Châu báu) nói:
“Bố thí mang lại sự giác ngộ của một Bồ Tát.”
Hơn nữa, ta tìm thấy những điều bất lợi của việc không bố thí và những thuận lợi của việc thực hành nó được thảo luận một cách tương ứng trong Grahapati-ugrapariprcchâ sûtra (Kinh Gia chủ Drakshulchen Vấn thỉnh):
“Những gì tôi đã bố thí là của tôi; những gì tôi đã tích trữ không phải là của tôi. Những gì đã được bố thí thì có mục đích; những gì được tích trữ thì vô ích. Những gì đã được bố thí không cần sự che chở; những gì được tích trữ cần được bảo vệ. Những gì được bố thí không làm ta lo lắng; những gì được tích trữ có lo lắng đi kèm. Những gì được bố thí chỉ ra con đường dẫn đến Phật quả; những gì được tích trữ biểu thị con đường nhanh chóng dẫn đến điều xấu ác. Bố thí sẽ mang lại của cải và tích trữ thì không. Bố thí sẽ chẳng bao giờ biết lúc nào hết giàu có, tích trữ sẽ làm của cải cạn kiệt.”
2. TÍNH CHẤT THIẾT YẾU CỦA SỰ BỐ THÍ
Bố thí có nghĩa là hiến tặng điều có giá trị với một tâm thức không tham luyến. Bồ Tát hạnh nói:
“Cốt tủy của sự bố thí là gì? Đó là từ bỏ các sự vật bằng một sự bố thí được thúc đẩy bởi sự không-tham luyến.”
3. CÁC PHƯƠNG DIỆN KHÁC NHAU CỦA SỰ BỐ THÍ
Có ba phương diện: bố thí vật chất, bố thí hỗ trợ và bố thí Pháp. Trong đó:
Bố thí vật chất (tài thí) củng cố hiện hữu vật lý của chúng sinh,
Bố thí hỗ trợ (vô úy thí) củng cố phẩm tính cuộc sống của họ và
Bố thí Pháp củng cố tâm thức họ.
Ngoài ra, hai loại bố thí đầu tiên mang lại hạnh phúc cho chúng sinh trong đời này trong khi Pháp thí mang lại hạnh phúc trong đời này và những đời sau.
4. ĐẶC ĐIỂM THIẾT YẾU CỦA MỖI PHƯƠNG DIỆN
4a. Bố thí vật chất (Tài thí)
Bố thí này có hai loại: đúng đắn và không đúng đắn. Bố thí vật chất đúng đắn được vun trồng và bố thí vật chất không đúng đắn bị từ bỏ.
4.a1. Bố thí vật chất không đúng đắn được thảo luận qua bốn phương diện: động lực không đúng đắn, vật bố thí không thích hợp, người nhận không thích hợp và cách bố thí không thích hợp.
~ Động lực không đúng đắn ~
Có thể đó là một động lực sai lầm hay một động lực thấp kém. Bố thí với động lực sai lầm có nghĩa là bố thí để làm hại người khác, để có tiếng tăm hay bởi sự đua tranh. Một Bồ Tát nên từ bỏ cả ba điều trên. Bồ Tát Địa nói:
“Bồ Tát không nên bố thí để người khác bị giết, bị trói buộc, bị trừng phạt, bị giam cầm hay bị trục xuất. Các Bồ Tát cũng không nên bố thí để có tiếng tăm hay được ca ngợi. Các Bồ Tát không nên bố thí để đua tranh với người khác.”
Bố thí với động lực thấp kém có nghĩa là bố thí do sợ hãi sự nghèo khó trong những đời sau hay bởi nghĩ rằng việc bố thí đó là nguyên nhân để có một tái sinh làm người hay trời và được giàu có trong đời sau. Các Bồ Tát nên từ bỏ hai loại động lực này.
“Các Bồ Tát không nên bố thí vì sợ nghèo khổ. Các Bồ Tát không nên bố thí để có được sự giúp đỡ của trời Đế Thích, một Chuyển Luân Vương hay Iśvara (Thần Thủ hộ).”
Bồ Tát Địa cũng nói về những loại bố thí không đúng đắn, là những điều phải từ bỏ. Các bố thí này được tóm tắt như sau:
~ Vật bố thí không đúng đắn ~
Nếu được yêu cầu, các Bồ Tát không nên bố thí thuốc độc, lửa, vũ khí v.v.. nếu chúng gây tổn hại cho người thỉnh cầu chúng hay cho những người khác. Các ngài không nên đáp ứng những người xin được bố thí rắn, các dụng cụ săn bắn v.v.. tóm lại là tất cả những gì có thể gây tai họa cho chúng sinh. Các Bồ Tát không nên bố thí cha mẹ của mình hay dùng cha mẹ làm vật bảo đảm. Các ngài cũng không nên bố thí vợ (chồng) hay con cái mà không có sự đồng ý của họ. Nếu ta có nhiều của cải thì không nên bố thí ít. Ta không nên bố thí những gì là tài sản công cộng.
~ Người nhận bố thí không thích hợp ~
Mặc dù quỷ ma với những ý hướng ác hại có thể xin ta bố thí thân thể hay những phần thân thể của ta, ta không nên bố thí thân thể hay những bộ phận thân thể cho họ. Ta cũng không nên bố thí thân thể cho những người đang bị quỷ ma chế ngự hay những người điên hay loạn trí nhất thời. Nhu cầu của họ không chân thực, họ thiếu tinh thần trách nhiệm và phần lớn lời nói của họ thì vô nghĩa. Ta cũng không bố thí thực phẩm và nước uống cho kẻ đòi hỏi quá mức.
~ Cách bố thí không đúng đắn ~
Là cách bố thí không đúng đắn nếu ta không hoan hỉ khi bố thí, giận dữ về việc bố thí hay bố thí với tâm náo động. Ta không nên bố thí cho người túng quẫn với thái độ khinh miệt hay không tôn trọng họ, cũng không nên làm chán nản, đe dọa hay chế giiễu người được bố thí.
4.a2. Bố thí vật chất đúng đắn
~ Vật bố thí đúng đắn ~
Điều này được giải thích trong phạm vi của những đối tượng “bên trong” và “bên ngoài”. Những đối tượng bên trong có liên quan đến thân thể. Kinh Nam tử Semay Vấn thỉnh nói:
“Nếu việc bố thí mang lại lợi lạc và nếu thái độ của ta thanh tịnh, ta có thể bố thí bàn tay nếu có người xin bàn tay, bố thí bàn chân nếu có người xin bàn chân, con mắt nếu có người xin mắt, thịt của ta nếu có người xin thịt, bố thí máu nếu có người xin máu…”
Các vị Bồ Tát sơ phát tâm và những người chưa thực sự chứng ngộ sự bình đẳng giữa ta và người có thể hiến tặng toàn bộ thân thể của họ nhưng đừng cho đi các bộ phận của nó. Bồ Tát Hạnh nói về điều này:
“Ta không nên cho đi thân thể của ta bằng một động lực có bản chất là bất tịnh bởi làm thế là từ bỏ nền tảng giúp ta đạt được những thành tựu tốt lành vĩ đại cho chúng sinh trong đời này và đời sau.”
“Các đối tượng bên ngoài là những thứ như của cải, ngũ cốc, bạc, vàng, châu báu, ngựa, voi, con cái v.v..”
Các Bồ Tát cư sĩ được phép cho đi những tặng vật bên trong hay bên ngoài mà họ có. Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:
“Không có Bồ Tát nào không bố thí của cải và thân thể.”
Các Bồ Tát tu sĩ được phép hiến tặng mọi sự ngoại trừ các Pháp y của mình. Bồ Tát Hạnh nói về điều này:
“Hãy cho đi mọi sự ngoại trừ ba Pháp y.”
Đó là bởi nếu không có ba Pháp y ta sẽ gặp thêm rắc rối khi làm việc vì lợi ích của chúng sinh.”
~ Người nhận ~
Có bốn loại người nhận đặc biệt:
* Những người được chỉ định một cách đặc biệt bởi những phẩm tính của họ; các Đạo sư, Tam Bảo v.v..
* Những người được chỉ định một cách đặc biệt bởi lợi lạc mà họ mang lại cho ta – cha, mẹ v.v..
* Những người được biểu thị một cách đặc biệt bởi những đau khổ của họ - người bệnh, người không được che chở v.v.. và
* Những người được biểu thị một cách đặc biệt bởi sự tổn hại mà họ gây ra cho ta – những kẻ thù v.v..
Bồ Tát Hạnh nói: “Các phẩm tính, các lợi lạc…” v.v..
~ Cách bố thí tặng vật ~
Ta nên bố thí với những ý hướng tốt đẹp nhất và hoàn thành hành vi bố thí theo cách thức tốt đẹp nhất mà ta có thể. Trước hết, ý hướng nghĩa là bố thí bằng một động lực của lòng bi mẫn, nghĩa là để đạt được giác ngộ và làm lợi ích chúng sinh. Kế đó, hoàn thành hành vi bố thí theo cách thức tốt đẹp nhất: “Một Bồ Tát nên bố thí một cách hoan hỉ, với sự tôn trọng, đích thân, đúng lúc và không làm hại người khác”.
* Một cách hoan hỉ nghĩa là vui vẻ về việc bố thí trong ba thời điểm của hành vi bố thí: ngay trước khi bố thí, trong khi bố thí và sau đó mà không hối tiếc.
* Với sự tôn trọng nghĩa là với sự tôn trọng người nhận bố thí.
* Đích thân có nghĩa là không chỉ định việc bố thí cho người nào khác.
* Đúng lúc nghĩa là khi ta đã có được điều gì được cam kết.
* Không làm hại người khác có nghĩa là không tạo ra sự gian khổ trong đoàn tùy tùng của ta hay cho những người thực sự có tài sản. Mặc dù điều gì đó có thể đúng là của cải của ta, nếu việc bố thí làm cho những người nhận bố thí phải rơi lệ thì ta không nên bố thí nó. Ta không nên thực hành bố thí bằng cách hiến tặng những món đã bị ăn cướp, ăn trộm (2) hay biển thủ. A tỳ đạt ma Tập luận nói:
“Hãy bố thí liên tục, để hoàn thành các ước nguyện một cách hoàn hảo nhất.”
Việc bố thí nên vô tư: lời khuyên này liên quan đến người nhận bố thí. Nó có nghĩa là không thiên vị trong việc ước định ai sẽ nhận tặng vật.
Ta nên bố thí để hoàn thành các ước nguyện: lời khuyên này liên quan đến bản thân vật bố thí. Nó có nghĩa là bố thí những gì gần với sự trông đợi của người nhận nhất.
4b. Bố thí sự hỗ trợ (Vô úy thí)
Đây là việc mang lại sự che chở cho những người khiếp sợ những kẻ trộm cướp, thú săn mồi, bệnh tật, nước v.v.. Bồ Tát Địa nói:
“Vô úy thí nên được gọi là việc mang lại sự che chở trọn vẹn để thoát khỏi sư tử, hổ, cá sấu, các vị vua, những kẻ trộm cướp, nước v.v..”
4c. Bố thí Pháp (Pháp thí)
Điều này được giảng nghĩa qua bốn điểm: người nghe, động lực, Pháp xác thực và cách trình bày.
4.c1. Người được Giảng dạy
Điều này có nghĩa là giảng dạy Phật pháp cho những người muốn nghe, có sự tôn kính đối với Pháp và người giảng Pháp.
4.c2. Động lực
Ta nên vứt bỏ những động lực sai lạc và chỉ nương cậy các động lực tốt lành. Từ bỏ động lực sai lạc có nghĩa là giảng dạy Pháp mà không màng đến vật chất như những sự kính trọng, ngợi khen hay danh tiếng. Kinh Bát nhã Ba la mật Cô đọng trong các bài kệ nói:
“Đó là không tham luyến vật chất khi giảng dạy Pháp cho chúng sinh.”
Trong Kinh Ca Diếp Vấn thỉnh có nói:
“Đức Phật tán thán sự bố thí Pháp được hiến tặng với một tâm thức thanh tịnh không quan tâm đến lợi lạc vật chất.”
Có những ý hướng tốt lành có nghĩa là lòng bi mẫn nên là động lực cho việc giảng dạy Pháp.
4.c3. Giáo Pháp xác thực
Điều này có nghĩa là giảng dạy thật chính xác ý nghĩa không sai lầm của Kinh điển và những bản văn khác. Bồ Tát Địa nói:
“Bố thí Pháp có nghĩa là giảng dạy Pháp không sai lầm, giảng dạy Pháp thích đáng và bảo đảm là những điều căn bản của việc tu tập được thấu suốt.”
~ Cách thức Pháp được trình bày ~
Khi có người thỉnh cầu Giáo Pháp, sẽ không thích hợp khi giảng dạy ngay lúc ấy. Kinh Nguyệt Quang nói:
“Nếu có người thỉnh cầu ông giảng pháp, trước hết hãy nói rằng ông không nghiên cứu sâu xa vấn đề đó. Đừng giảng dạy lập tức. Ông nên khảo sát xem điều đó có thích hợp (3) không. Nếu ông biết người đó là một Pháp khi xứng đáng đối với việc giảng dạy thì Pháp có thể được dạy mà không cần một lời thỉnh cầu”.
Phật Pháp nên được giảng dạy ở một nơi sạch sẽ và dễ chịu. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói:
“Nên trải một tấm thảm rộng và được chuẩn bị kỹ càng ở một nơi sạch sẽ và dễ chịu.”
Ở một nơi như thế, bài giảng nên được ban ra từ một pháp tòa: “An trụ uy nghiêm trên một Pháp tòa cao được chuẩn bị bằng những mảnh vải bông khác nhau.” Người giảng dạy nên tinh sạch, mặc y phục thích hợp, giản dị, gọn gàng, và nên cư xử đúng đắn trong khi giảng Pháp. Sâgaramatipariprcchâsûtra (Kinh Sagaramati Vấn thỉnh) nói:
“Người giảng Pháp nên giản dị, gọn gàng và cư xử một cách đúng đắn. Người ấy nên tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc trang nhã.”
Khi mọi người đã tụ hội và an vị và người giảng Pháp cũng đã an tọa trên Pháp tòa, người thuyết giảng nên tụng thần chú chế ngự các thế lực tiêu cực khiến cho năng lực cản trở của họ không làm hư hỏng buổi giảng dạy. Cũng quyển Kinh đó nói:
“Deyatta : shamay shamawati : shamita shatru : am kuray : mam kuray : mara jitay karota : keyauri : tejo wati : olo yani bishuddha nirmalay malapa nayay : kukuray : kha kha grasay : grasana : o mukhi para mukhi a mukhi shami dwani sarwa graha bandha nanay : ni gri hi tva : sarwa bara prawa dina : vimukta mara pasha : sarvi tva : Buddha mudra : anu gati ta : sarva maray : butsa rita pari shudday : biga shantu sarva mara karma ni (4) : Biển Trí tuệ! Nếu trước đó ta tụng những lời của thần chú này, không quỷ ma hay các thế lực tiêu cực nào trong phạm vi 100 paksé có thể đến đó và phá hoại việc giảng dạy; ngay cả nếu họ đến được, họ cũng không thể gây nên chướng ngại. Sau đó ta nên giảng Pháp một cách rõ ràng, rành mạch và vừa đủ.”
5. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN SỰ BỐ THÍ
Có những cách chuyển hóa ngay cả một lượng nhỏ của ba loại bố thí ở trên thành cái gì đó vĩ đại hơn nhiều. Bồ Tát Tạng nói:
“Xá Lợi Phất! Các Bồ Tát khéo chuyển hóa một sự bố thí nhỏ bé thành một khối lượng vĩ đại. Nhờ năng lực của trí tuệ nguyên sơ (jñâna), sự bố thí đó được tăng trưởng. Nhờ năng lực của sự hiểu biết sâu xa (prajñâ), bố thí được phát triển và nhờ năng lực của sự hồi hướng, bố thí trở thành vô lượng.”
5a. “Năng lực của trí tuệ nguyên sơ làm tăng trưởng sự bố thí”
Điều này có nghĩa là sự hiểu biết sự thuần tịnh tuyệt đối của ba yếu tố bằng cách nhận ra người
bố thí như một ảo ảnh, vật bố thí như một ảo ảnh và người nhận bố thí cũng như một ảo ảnh.
5b. “Năng lực của Prajna làm phát triển sự bố thí”
Sự hiểu biết sâu xa (prajñâ) được áp dụng để làm sinh khởi một lượng công đức bao la, nó gồm có:
* Vào lúc bắt đầu, bố thí để an lập chúng sinh trong trạng thái Phật quả,
* Trong lúc bố thí, không tham luyến vật bố thí và
* Vào lúc kết thúc, thoát khỏi sự trông chờ những kết quả là một đời sau tốt lành do sự bố thí của ta. Kinh Bát nhã Ba la mật Cô đọng trong các bài kệ nói:
“Không xem việc bố thí như điều gì thực có và không bao giờ thực hành bố thí trong sự trông chờ được đền đáp đầy đủ - đó là cách bậc hiền trí và thiện xảo thực hành bố thí, và như thế ngay cả một sự bố thí nhỏ bé cũng trở thành vĩ đại và vô lượng.”
5c. “Năng lực của sự hồi hướng khiến bố thí trở thành vô lượng”
Điều này có nghĩa là hồi hướng sự bố thí như thế cho giác ngộ tối thượng của mọi chúng sinh. Bồ Tát Địa nói:
“Đừng bố thí với hy vọng đạt được những kết quả cụ thể (riêng tư) của hành động bố thí đó. Hãy hồi hướng mọi sự bố thí cho sự giác ngộ tối thượng, hoàn toàn thanh tịnh và viên mãn của mỗi một và mọi chúng sinh.”
Sự hồi hướng không chỉ làm các kết quả tăng trưởng – nó khiến cho kết quả không bao giờ vơi cạn. Kinh Bồ Tát Vô Tận Ý vấn thỉnh nói:
“Nam tử cao quý Xá Lợi Phất! Nếu một giọt nước được đổ vào đại dương, nó sẽ không bao giờ tiêu tan trong vô lượng kiếp. Cũng thế, khi các cội gốc đức hạnh được hồi hướng cho sự giác ngộ, chúng sẽ không bao giờ cạn kiệt trong mọi hành trình của ta hướng đến Phật quả, cốt tủy của sự truy cầu của ta.”
6. LÀM THẾ NÀO ĐỂ VIỆC BỐ THÍ ĐƯỢC THUẦN TỊNH (5)
Trong Vun trồng Trái quả của Đức hạnh có nói:
“Nhờ áp dụng tánh Không mà lòng bi mẫn là cốt tủy đích thực của nó, đức hạnh sẽ được làm cho thuần tịnh.” Khi những hình thức bố thí được đề cập ở trên được hỗ trợ bởi sự chứng ngộ tánh Không, các sự bố thí đó không trở thành một nguyên nhân cho sinh tử; khi được hỗ trợ bởi lòng bi mẫn, các sự bố thí đó không trở thành nguyên nhân của thừa thấp (hinayana – Thanh Văn thừa). Sự bố thì được làm cho thuần tịnh theo cách đó bởi nó chỉ trở thành một nguyên nhân để đạt được niết bàn vô-trú (6). Trong Kinh Viên ngọc trên Trán Vấn thỉnh, ta được dạy rằng bố thí có in bốn dấu ấn của tánh Không. Kinh nói:
“Hãy thực hành bố thí bằng cách đóng bốn dấu ấn vào nó. Bốn dấu ấn là gì? Đó là đóng dấu ấn tánh Không của cái gì ở bên trong, thân thể ta; đóng dấu ấn tánh Không của cái ở bên ngoài, tặng vật; đóng dấu ấn tánh Không của tâm chủ quan và đóng dấu ấn tánh Không của các hiện tượng của sự giác ngộ. Bằng cách đóng bốn dấu ấn này, sự bố thí sẽ thực sự được thành tựu.”
Sự hỗ trợ của lòng bi mẫn có nghĩa là rộng lượng bởi ta không thể chịu đựng nổi những khổ đau của chúng sinh, được nhìn một cách riêng biệt hay nói chung.
7. KẾT QUẢ CỦA SỰ BỐ THÍ
Bố thí mang lại những kết quả nhất thời và tối thượng. Kết quả tối thượng của sự bố thí là ta sẽ đạt được giác ngộ viên mãn. Bồ Tát Địa nói:
“Khi chư vị Bồ Tát hoàn thiện bố thí ba la mật, các ngài thực sự trở thành những vị Phật toàn hảo, là những bậc đã đạt được giác ngộ vô song, hiển nhiên và viên mãn.”
(Trong khi đó) kết quả nhất thời là nhờ bố thí vật chất (tài thí), ta sẽ có của cải hoàn hảo nhất mà không cần phải tìm kiếm nó. Qua việc thu hút chúng sinh đến với ta, bằng sự bố thí, ta sẽ có thể dẫn dắt họ đến điều tối thượng. Kinh Bát nhã Ba la mật Cô đọng trong các bài kệ nói:
“Sự bố thí của Bồ Tát tiêu diệt con đường dẫn đến việc tái sinh làm một ngạ quỷ. Nó xóa tan sự bần cùng và cũng chặt đứt sự ô nhiễm. Bao giờ các Bồ Tát còn thực hành Bồ Tát hạnh, các ngài sẽ còn nhận được của cải bao la và vô hạn. Bằng hạnh bố thí, các ngài sẽ đưa mọi chúng sinh đang đau khổ đến một trạng thái thuần thục hơn.”
Bồ Tát Địa nói:
“Những tặng vật là thực phẩm sẽ làm ta mạnh mẽ, tặng vật quần áo sẽ mang lại một diện mạo tươi tắn, tặng vật là những con chiến mã sẽ mang lại hạnh phúc bền vững và những ngọn đèn dầu được cúng dường sẽ mang lại thị lực tốt lành.”
Bằng cách bố thí sự vô úy (vô úy thí), ta sẽ không bị các thế lực tiêu cực và chướng ngại làm tổn hại. Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo nói:
“Người che chở cho những người lo sợ thoát khỏi những gì làm họ sợ hãi sẽ không bị các thế lực tiêu cực và chướng ngại làm tổn hại và sẽ trở nên siêu việt giữa những người vĩ đại.”
Bằng cách bố thí Pháp, ta sẽ nhanh chóng gặp được chư Phật, thân cận với các ngài và đạt được mọi điều ước muốn. Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo nói:
“Bằng cách bố thí Pháp (Pháp thí) cho những người nghiên cứu Giáo Pháp, và nhờ đó khiến họ giảm bớt các che chướng, ta sẽ trở thành bạn đồng hành của chư Phật và nhanh chóng đạt được những gì ta mong muốn.”
----------------------------------
(1) Điều này chủ yếu nhắc đến hai việc. Một là những kết quả dài hạn trên của cải của ta, do bởi sự vận hành của nhân và quả. Việc thứ hai là sự nghèo khó không nằm trong phạm vi của những gì ta có mà trong phạm vi của việc ta hài lòng ra sao với những gì ta có. Một người “giàu” có thể cảm thấy rất bất mãn, có nghĩa là nghèo, với tất cả những gì người ấy có trong khi một người “nghèo” có thể cảm thấy hài lòng và mãn nguyện với chút của cải ít ỏi.
(2) “Bị ăn trộm” và “bị ăn cướp” ám chỉ một cách tương ứng những vật bị lấy cắp bằng sự lén lút và những vật bị đánh cắp một cách trực tiếp từ người sở hữu, như trong một vụ cướp đoạt có vũ khí.
(3) Tính chất thích hợp của người nhận các giáo lý mà họ đã thỉnh cầu.
(4) Cần hết sức chú tâm đến tiết mục này và tiết mục kế tiếp, bởi đứng từ quan điểm thực hành thì chúng vô cùng quan trọng, và bởi chúng cũng áp dụng cho năm ba la mật tiếp theo. Các bản văn về ba la mật khác nhắc ta trở lại tiết mục này hơn là lập lại lời chỉ dẫn.
(5) Xem chú thích cho tiết mục 5 ở trên.
(6) Niết bàn không an trú trong sinh tử mà cũng không an trú trong sự thành tựu an bình hạn hẹp của Thanh Văn thừa.
- 482
Viết bình luận