Phần năm: Chương Hai mươi: Kâya (Thân) của Phật Quả Viên mãn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Phần năm: Chương Hai mươi: Kâya (Thân) của Phật Quả Viên mãn

PHẦN NĂM

Chương Hai mươi

Kâya (Thân) của Phật Quả Viên mãn

 

Khi các giai đoạn và cấp độ được hoàn toàn vượt qua như mô tả ở trên, ta sẽ thành một vị Phật viên mãn (1) trong ba hiện thân (2) (Kâya). Vì thế trong Ngọn Đèn Soi sáng Con Đường Giác ngộ có nói:

 

“Phật và sự giác ngộ không xa.”

 

“Phật” được mô tả bằng sự tóm tắt:

Các hiện thân của một vị Phật viên mãn được mô tả bằng bảy điểm: bản tánh, từ nguyên (ý nghĩa của tên gọi), các phương diện, sự trình bày, số lượng rõ ràng, các tính chất và các đặc tính.

 

1. BẢN TÁNH

 

Một vị Phật thực sự viên mãn là sự thuần tịnh tuyệt hảo có thể có được và trí tuệ nguyên sơ (jñâna) tuyệt hảo có thể có được.

 

1a. Sự thuần tịnh tuyệt hảo có thể có được

 

Điều này có nghĩa là mọi che chướng ô nhiễm và che chướng nhận thức (phiền não chướng và sở tri chướng) đã bị tiệt trừ trong các giai đoạn và các cấp độ và sau thiền định sâu xa như-kim cương, chúng được hoàn toàn tiệt trừ, không còn lại chút dấu vết nào (3). Các che chướng khác, chẳng hạn như các che chướng gây cản trở những thiền định khác nhau, là những che chướng phụ của hai che chướng chính yếu và vì thế biến mất cùng với sự tiệt trừ hai loại che chướng đó.

 

1b. Trí tuệ nguyên sơ tuyệt hảo có thể có được

 

Có những quan điểm khác nhau về vấn đề này. Một số người nói rằng chư Phật có những khái niệm cũng như trí tuệ (jñâna). Một số người nói rằng chư Phật không có các khái niệm nhưng có trí tuệ, là cái gì thấu suốt mọi sự một cách rõ ràng. Một số người nói rằng tính chất liên tục của trí tuệ bị đứt đoạn. Một số nói rằng Đức Phật không bao giờ sở hữu những điều như trí tuệ. Tuy nhiên các bản Kinh và Luận có thể tin được nói về trí tuệ của chư Phật. Về Kinh điển, ta tìm thấy trong Kinh Bát nhã Ba la mật Cô đọng trong các bài kệ:

 

“ Vì thế nếu con muốn thâm nhập trí tuệ (jñâna) siêu việt của chư Phật, hãy tin ở trí tuệ này, mẹ của các Đấng Chiến Thắng.”

 

Kinh Bát nhã ba la mật trong một trăm ngàn bài kệ nói:

 

“Một vị Phật hoàn toàn thuần tịnh và viên mãn đã thành tựu trí tuệ thấu suốt mọi sự không chút che chướng.”

 

Trong chương 21 của bộ Kinh trên cũng nói:

 

“Đó là trí tuệ của một vị Phật viên mãn. Đó là sự chuyển Pháp luân. Đó là việc đưa các chúng sinh đến chỗ thuần thục.”

 

Nhiều sự trình bày về trí tuệ cũng được tìm thấy trong những bản Kinh khác. Về Luận, ta tìm thấy trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận:

 

“Ông nên biết rằng giống như khi một tia sáng mặt trời chiếu rọi, mọi tia sáng khác cũng chiếu rọi, trí tuệ của chư Phật cũng giống như thế. Trí tuệ như-gương (Đại viên cảnh trí) thì bất động, là nền tảng cho ba trí tuệ khác, là trí tuệ bình đẳng (Bình đẳng tánh trí), trí tuệ phân biệt (Diệu quan sát trí) và trí tuệ hoạt động (Thành sở tác trí)”.

 

Trí tuệ nguyên sơ của Phật cũng được đề cập trong những Luận khác. Quan điểm của những người nói rằng chư Phật sở hữu trí tuệ được dựa trên những bản văn có căn cứ đích xác này.

 

Cách thức chư Phật sở hữu trí tuệ

 

Tóm lại có hai trí tuệ nguyên sơ (jñâna) – trí tuệ tỉnh giác siêu việt về cái như-nó-là và trí tuệ tỉnh giác siêu việt về sự đa tạp (4). Trong hai trí tuệ này, trí tuệ là tỉnh giác siêu việt như-nó-là là giác tánh siêu việt tuyệt đối. Như được đề cập ở trên, ngay lúc kết thúc của thiền định sâu xa như-kim cương có sự hoàn toàn quen thuộc với Thusness (chân như, chân tánh), từ đó mọi sự cụ thể hóa riêng rẽ có tính chất khái niệm bị cắt đứt, vì thế xua tan mọi can thiệp có tính chất trí thức. Vì thế pháp giới nguyên sơ (dharmadhâtu) – không bị tạo tác bởi sự suy xét trí thức – và trí tuệ nguyên sơ (jñâna) – không bị tạo tác bởi sự suy xét trí thức – thì cùng một vị, không thể phân chia. Như thế, chúng không thể tách lìa, như nước đổ vào nước và bơ được đổ vào bơ. Cũng như việc nói rằng ta nhìn thấy không gian mặc dù không có gì ở đó để nhìn. Chúng là jñâna vĩ đại, giác tánh siêu việt của sự không hiển lộ và là nền tảng của mọi phẩm tính cao quý. Vì thế có câu nói:

 

“Giống như nước được đổ vào nước, giống như bơ được hòa lẫn vào bơ, thoát khỏi sự rắc rối (không bị tạo tác), và jñâna, thoát khỏi sự rắc rối, không thể tách lìa, hoàn toàn hợp nhất (với đối tượng của sự hiểu biết). Chính điều này được gọi là ‘Dharmakâya’ (Pháp Thân) và đó là bản tánh cốt tủy của tất cả chư Phật.”

 

 

“Người ta nói rằng nhìn thấy không gian. Hãy suy nghĩ về điều đó và hãy xem họ nhìn không gian ra sao. Như Lai đã dạy rằng đây là cách thức để nhìn các hiện tượng. Việc nhìn như thế không thể được diễn tả bằng bất kỳ ví dụ nào khác.”

 

Trí tuệ (jñâna) là tỉnh giác siêu việt về sự đa tạp là sự toàn trí đối với thực tại tương đối, quy ước. Mọi tiềm năng đối với sự che chướng đã bị tiêu diệt bởi trí tuệ sâu xa như-kim cương và vì thế đó là trí tuệ vĩ đại (prajñâ). Nhờ năng lực của nó, mọi phương diện của sự hiểu biết, khắp trong ba thời, được nhận ra và thấu suốt, rõ ràng như thể nó là một trái ju-ru tươi mới trong lòng bàn tay. Kinh điển nói về sự tỉnh giác siêu việt của chư Phật về sự tương đối như sau:

 

“Một người không có sự toàn trí không thể biết hết mọi nguyên nhân khác nhau của một con mắt duy nhất trong đuôi chim công. Sự hiểu biết như thế là năng lực của Bậc Toàn Trí.”

 

Ngoài ra trong Mật điển Vô song nói:

 

“…Với lòng bi mẫn vĩ đại các ngài thấu suốt thế giới; khi nhìn mọi sự trong thế giới…”

 

Khi chư Phật thấu suốt và nhìn như được mô tả ở trên, như thể là các ngài không tri giác các sự việc như thật có. Các ngài nhìn và thấu suốt các sự việc như những ảo tưởng. Vì thế trong Kinh Thành tựu Pháp giới có nói:

 

“Một nhà huyễn thuật không bị lừa gạt bởi sự phù phép của mình và vì thế, nhờ sự hiểu biết sáng suốt về những gì đang xảy ra, người ấy không dính mắc vào những sự tạo lập huyễn hóa của mình. Tương tự như thế, những người thiện xảo về sự giác ngộ viên mãn thấu suốt ba loại hiện hữu như một ảo tưởng.”

 

Kinh Cha và Con Gặp gỡ nói:

 

“Bằng cách ý thức rằng thực ra những phù phép chỉ là ảo tưởng, một nhà huyễn thuật sẽ không bị lầm lạc bởi điều đó. Con kính lễ và tán thán các ngài, các Đấng Thấu suốt-Mọi Sự, các bậc nhìn chúng sinh theo cách như thế.”

 

(Trí tuệ về sự đa tạp: quan điểm cho rằng chư Phật không sở hữu nó)

 

Một số người giữ quan điểm là chư Phật thực sự viên mãn sở hữu trí tuệ về cái như-nó-là, tỉnh giác siêu việt tối thượng, nhưng các ngài không sở hữu tỉnh giác siêu việt về sự tương đối, “trí tuệ về sự đa tạp”. Quan điểm của họ là không phải là chư Phật không biết về những gì có thể biết nhưng đúng hơn, bởi thoạt đầu không có điều gì tương đối để nhận biết nên không thể có trí tuệ nguyên sơ để nhận biết điều tương đối đó.

Thực tại tương đối hay quy ước có nghĩa là những gì xuất hiện với chúng sinh không thuần thục do tác động của sự vô minh có các ô nhiễm (phiền não) đi kèm theo. Nó cũng bao gồm kinh nghiệm chủ quan của ba bậc chứng ngộ (Thanh Văn, Phật Độc Giác và A La Hán), do bởi sự vô minh không có các ô nhiễm đi kèm của các ngài. Một ví dụ của kinh nghiệm chủ quan như thế là những hình thù lờ mờ và những hình ảnh nhảy múa xuất hiện với người có một chứng bệnh về mắt. Sau thiền định sâu xa như-kim cương, một vị Phật đã hoàn toàn tiệt trừ vô minh và vì thế “nhìn” Chân như theo cách thức không “nhìn” thấy bất kỳ điều gì. Vì thế, họ tin rằng một vị Phật không 204 thể cùng chia sẻ ảo tưởng về sự tương đối, giống như một người được chữa lành một chứng bệnh về mắt không còn nhìn thấy những hình thù lờ mờ hay hình ảnh nhảy múa nữa. Vì thế những hình tướng tương đối xuất hiện do năng lực của sự vô minh và chỉ hiện hữu trong mối quan hệ với những gì có tính chất thế tục. Trong mối quan hệ với Phật quả, các hình tướng tương đối đó không hiện hữu và vì thế không thể có trí tuệ nguyên sơ của Phật nhận biết một cách siêu việt về chúng. Nếu chư Phật có một tâm thức chứa đựng những hình tướng tương đối thì, theo sự giải thích, bản thân chư Phật phải bị mê lầm do sự biểu lộ của những phạm vi kinh nghiệm mê lầm như thế. Điều này mâu thuẫn với những Kinh điển nói rằng các Đấng Chiến Thắng vĩ đại thường xuyên ở trong trạng thái thiền định v.v.. chẳng hạn như có nói trong Phô diễn Bao la:

 

“Chư Phật hoàn toàn thuần tịnh và viên mãn luôn luôn ở trong thiền định.”

 

(Trí tuệ về sự đa tạp: chư Phật sở hữu nó)

 

Những người giữ quan điểm là chư Phật sở hữu trí tuệ về sự đa tạp bày tỏ rằng, bởi việc nhận biết sự tương đối chỉ là một hoạt động phụ thuộc (5), nó sẽ không thay đổi giác tánh của chư Phật và vì thế không mâu thuẫn với căn cứ dựa trên Kinh điển nói rằng chư Phật luôn luôn ở trong thiền định v.v..

Là không đúng khi thừa nhận sự mê lầm chỉ vì các ảo tưởng thì rõ ràng đối với tâm thức. Mặc dù các thực tại khách quan huyễn hóa của giác tánh của chúng sinh thì hiển nhiên đối với chư Phật, các thực tại này chẳng thể nào làm chư Phật lầm lạc và các ngài biết rằng chúng chỉ là những mê lầm. Hơn nữa các ngài xua tan chúng, sử dụng chúng như một nguyên nhân cho sự tái sinh cao hơn, cho sự thuần tịnh và giải thoát của chúng sinh. Vì thế làm sao có thể là sự mê lầm? Vì thế:

 

“Nhờ tỉnh giác về nó chỉ là sự mê lầm, cái không mê lầm có thể được nhận thức với sự chắc chắn.”

 

Tuy nhiên những người khác nói rằng không có tổn hại to lớn trong việc coi tương đối như một cái gì có giá trị, miễn là ta không bám chấp vào nó như thật có. Việc không bị tổn hại đến từ thực tế là mặc dù đó là thực tại hiện tượng của chư Phật, các ngài không bị mê lầm. Những người giữ quan điểm rằng chư Phật sở hữu trí tuệ về sự đa tạp coi “trí tuệ đa tạp” là tỉnh giác nguyên sơ đến sau mà chư Phật sở hữu. Vì thế họ nói:

 

“Trước hết đó là tỉnh giác siêu việt về cái như-nó-là, không mê lầm, thiền định và không có tiến trình tâm. Sau đó có tỉnh giác siêu việt về sự đa tạp; sự xuất hiện của mê lầm, sự hiểu biết đến sau và tiến trình tâm.”

 

Những người giữ quan điểm là chư Phật không sở hữu trí tuệ đa tạp trích dẫn Anantamukhasâdhaka nâmadhârani (Kinh Cánh cửa Bao la Cao quý của sự Thành tựu), như căn cứ của họ:

 

“Khi đã đạt được Phật quả chân thực và viên mãn, Như Lai không biết mà cũng không có bất kỳ hiện tượng nào trong tâm. Vì sao? Đó là bởi không có sự hiện hữu của bất kỳ thực tại khách quan nào để nhận biết.”

 

Ngoài ra có câu nói:

 

“Một vài người phi-Phật giáo nói rằng ông nói về việc đi đến giải thoát nhưng khi ông đến được sự an bình thì chẳng còn lại điều gì, giống như cái gì đó bị thiêu rụi.”

 

Điều này kết thúc việc xem lại thảo luận xung quanh vấn đề này.

 

(Quan điểm của Geshe-pa (7) về trí tuệ của Phật)

 

Phật thực sự thuần tịnh và viên mãn là Dharmakâya (Pháp Thân). Thuật ngữ rốt ráo Dharmakâya – “hiện thân của dharma (pháp)” được dùng cho sự cạn kiệt mọi mê lầm và vì thế nó là bản tánh chỉ được định nghĩa bằng một sự đối nghịch. Nó được diễn tả theo cách thức này, chỉ đơn thuần trong phạm vi của thực tại quy ước. Trong thực tế, tự thân Dharmakâya thì vô sanh và không rắc rối. Trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận có nói:

 

“Giải thoát chỉ là sự cạn kiệt của sai lầm.”

 

Vì thế một vị Phật là Dharmakâya và, bởi Dharmakâya thì vô sanh và không rắc rối nên không thể có việc sở hữu trí tuệ nguyên sơ (jñâna). Ta có thể nói rằng điều này mâu thuẫn với Kinh điển nói về hai trí tuệ. Thực ra thì không phải như vậy, bởi giống như nhãn thức bị kích động bởi sự hiện diện của màu xanh dương và ta nói: “tôi thấy màu xanh,” vì thế sự tỉnh giác nguyên sơ (jñâna) trong quá trình chuyển hóa có tính chất tượng trưng, trở thành dharmadhâtu (pháp giới), là trí tuệ nguyên sơ như-nó-là, trong khi trí tuệ về sự đa tạp là phương diện tương đối cũng của trí tuệ nguyên sơ đó khi nó bị kích động bởi những gì hiển lộ đối với chúng sinh. Cách giải thích về trí tuệ nguyên sơ này thật tuyệt vời.

 

(Quan điểm của Jetsun Milarepa)

 

Ta nói về trí tuệ nguyên sơ (jñâna) tuy nhiên trong bản chất nó là giác tánh không bị tạo tác, siêu vượt mọi thuật ngữ như “là” hay “không là”, “vĩnh cửu” hay “không có gì”; nó hoàn toàn siêu vượt phạm vi trí năng. Vì thế, cho dù dùng những thuật ngữ nào để diễn tả nó, chẳng có điều gì để bắt bẻ. Nó là bất kỳ cái gì nó là. Có lần, một số người tự nhận là học giả hỏi Đức Phật về đề tài này nhưng câu trả lời của Ngài là:

 

“Đừng nghĩ rằng đó là cách trả lời phiến diện của vấn đề này! Dharmakâya thì vượt quá sự hiểu biết của trí năng. Nó vô sanh và không vướng vào sự rắc rối có tính chất khái niệm. Đừng hỏi ta;

hãy nhìn vào tâm. Đó là cách nó là.”

 

Như thế tinh túy đích thực hay bản tánh đích thực của một vị Phật có thể được coi là sự thuần tịnh viên mãn nhất và trí tuệ nguyên sơ (jñâna) viên mãn nhất. Như có nói trong Mật điển Ðại Thừa Tối Thượng:

 

“Phật quả thì không thể phân chia nhưng ta có thể phân loại nó theo các phẩm tính thuần tịnh của nó: hai tính chất của jñâna và thoát khỏi sự bất tịnh, có thể so sánh với mặt trời và bầu trời.”

 

Ngoài ra, trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận cũng nói:

 

“Những bậc, nhờ sự tịnh hóa bao la, đã hoàn toàn chiến thắng mọi phiền não chướng và sở tri chướng, cùng với những khả năng tiềm tàng của các ngài, thường xuyên hiện diện trong một thời gian dài như thế, và những bậc sở hữu những phẩm tính tốt lành siêu việt nhờ sự chuyển hóa hoàn hảo: các ngài là những vị Phật.”

 

2. TỪ NGUYÊN

 

Vì sao ta gọi là “Phật”? Thuật ngữ Phật - “toàn giác” được dùng là bởi các ngài đã thức dậy khỏi sự vô minh-như giấc ngủ và bởi tâm thức đã phát triển để bao gồm hai phương diện của điều có thể nhận thức được (8).

 

3. CÁC PHƯƠNG DIỆN

 

Phật quả có thể được chia làm ba phương diện, ba kâya (thân): Dharmakâya (Pháp Thân), Sambhogakâya (Báo Thân) và Nirmânakâya (Hóa Thân). Trong Kinh Ánh sáng Hoàng Kim có nói:

 

“Tất cả các tathâgata (Như Lai) sở hữu ba kâya: Dharmakâya, Sambhogakâya và Nirmânakâya.”

 

Ta có thể thấy rằng một vài Kinh điển nói đến hai kâya (9), những bản Kinh khác nói đến bốn kâya và thậm chí một vài bản Kinh nói đến năm kâya. Mặc dù các bản Kinh nói như thế, tất cả các kâya được bao gồm trong ba kâya. Vì thế Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Ta nên hiểu rằng tất cả các kâya của Phật (Phật thân) được bao gồm trong ba kâya (ba thân).”

 

4. SỰ GIỚI THIỆU

 

Pháp Thân thực sự là Phật. Kinh Bát nhã ba la mật trong Tám ngàn bài kệ nói:

 

“Đừng nhìn Như Lai (tathâgata) như sắc thân (10). Như Lai là Pháp Thân.”

 

Ta cũng có thể trích dẫn Tam Ma Địa Vương Kinh, trong đó nói:

 

“Đừng nhìn Vua của các Đấng Chiến Thắng như sắc thân.”

 

Hai sắc thân là kết quả của:

* Năng lực trao truyền (11) của Pháp Thân,

* Kinh nghiệm chủ quan của chúng sinh và

* Những lời cầu nguyện trước đây (12).

 

Nếu sắc thân chỉ đến từ năng lực trao truyền của Dharmadhâtu (13), như một kết quả hợp lý, mọi chúng sinh sẽ được giải thoát mà không cần nỗ lực, bởi Dharmadhâtu (pháp giới) trùm khắp tất cả chúng sinh. Nếu đúng là như thế thì tiếp theo đó tất cả chúng sinh sẽ được diện kiến chư Phật. Tuy nhiên, điều này không đúng, sắc thân không chỉ xuất hiện từ sự gia hộ của Dharmadhâtu.

Nếu sắc thân chỉ là kinh nghiệm chủ quan (phóng chiếu) của chúng sinh đang tu tập trên con đường, Phật quả sẽ dựa vào sự sai lầm, bởi tri giác một điều nào đó không hiện hữu là một sai lầm của tri giác. Ngoài ra, bởi chúng sinh đã tri giác một cách sai lầm từ vô thủy nên tất cả họ đã phải là những vị Phật. Điều này cũng không đúng và sắc thân không chỉ là những phóng chiếu chủ quan của chúng sinh đang tu tập.

Nếu sắc thân chỉ xuất hiện nhờ những lời cầu nguyện trước đây thì liệu đã từng có một vị Phật đích thực và viên mãn nào thành tựu năng lực cầu nguyện? Nếu ngài không thành tựu thì ngài cũng không đạt được sự toàn trí. Nếu ngài đã thành tựu thì bởi những lời cầu nguyện của ngài không thành kiến và vì lợi ích của chúng sinh, kết quả hợp lý sẽ là mỗi một và mọi chúng sinh đều được giải thoát. Điều này không đúng và vì thế sắc thân không chỉ đến từ những lời cầu nguyện trước kia.

Vì thế sắc thân là một kết quả của sự kết hợp của cả ba yếu tố trên.

 

5. LÝ DO ĐỂ CÓ MỘT SỐ LƯỢNG CHẮC CHẮN, NGHĨA LÀ BA KÂYA

 

Con số này được xác định bởi sự cần thiết, bởi vì Pháp Thân có giá trị đối với bản thân ta và hai sắc thân có giá trị đối với chúng sinh (14).

 

Giá trị riêng của Dharmakâya

 

Dharmakâya (Pháp Thân) tượng trưng cho giá trị riêng của nó ra sao? Một khi Dharmakâya được thành tựu, nó là nền tảng cho mọi phẩm tính khác, chẳng hạn như bốn vô úy, mười năng lực (15) v.v.., là những điều tập hợp như thể chúng được mời đến. Ngoài ra, cho dù ta không thành tựu Dharmakâya, những người khao khát Dharmakâya, có một ít nhận thức về nó, chứng ngộ phần nào hay hầu như hoàn toàn chứng ngộ nó, sẽ có một ít phẩm tính, nhiều phẩm tính, rất nhiều phẩm tính hay vô lượng phẩm tính một cách tương ứng.

Các phẩm tính sinh khởi từ sự khát khao Dharmakâya là những phẩm tính của các thiền định sâu xa, các nhận thức sáng suốt và mọi phẩm tính vĩ đại cho đến và bao gồm Pháp Thế gian Tối thượng (thế đệ nhất) (16).

Các phẩm tính xuất hiện từ một nhận thức nhỏ bé về Dharmakâya là tất cả những phẩm tính của sự tịnh hóa, nhận thức sáng suốt, năng lực siêu nhiên v.v.. của các Thanh Văn A La Hán chứng ngộ.

Các phẩm tính sinh khởi từ một chứng ngộ phần nào về Dharmakâya là tất cả những phẩm tính của sự tịnh hóa, thiền định, nhận thức sáng suốt v.v.. của các Bồ Tát thuộc mười quả vị Bồ Tát. giá trị đối với chúng sinh

Hai sắc thân được biểu thị theo cách này – như giá trị đối với chúng sinh – vì đó là Sambhogakâya (Báo Thân) xuất hiện đối với các đệ tử thuần tịnh1 và Nirmânakâya (Hóa Thân) xuất hiện đối với những đệ tử bất tịnh (17). Như thế chắc chắn là Phật có ba kâya (ba thân).

 

6. NHỮNG TÍNH CHẤT ĐẶC THÙ CỦA BA KÂYA

 

6.1 Pháp Thân

 

Thuật ngữ “Dharmakâya” (Pháp Thân) chỉ có nghĩa là sự cạn kiệt của mọi mê lầm – sự biến mất của những gì có bản chất mê lầm – khi ý nghĩa (18) của tánh Không, Pháp giới, đã được chứng ngộ. Tuy nhiên, theo đúng nghĩa thì Dharmakâya chỉ là một thuật ngữ tượng trưng cho một quy ước có tính chất khái niệm. Trong bản chất đích thực thì chẳng có điều gì có bất kỳ hiện hữu thực sự nào – không như Pháp Thân cũng không như những tính chất đặc thù của Pháp Thân, mà cũng không như bất kỳ điều gì có thể dùng làm một nền tảng cho những tính chất của Pháp Thân. Bởi nó là như thế, đó là cách Đạo sư Milarepa của tôi giảng nghĩa nó. Khi phân chia nó thành những phương diện khác nhau, Dharmakâya có thể được giảng nghĩa là sở hữu tám phẩm tính đặc thù: Đồng nhất, sâu xa, thường hằng, nhất thể, đúng đắn, thanh tịnh, trong sáng và được nối kết với Sambhogakâya (Báo Thân).

 

6.1a. ĐỒNG NHẤT Điều này có nghĩa một vị Phật và chúng sinh khác thì không có gì khác biệt về phương diện Pháp Thân.

 

6.1b. SÂU XA Đó là bởi khó có thể nhận ra Pháp Thân, bởi nó không dính dáng gì tới sự phức tạp của ý niệm.

 

6.1c. THƯỜNG HẰNG Không bị tạo tác, nó không sinh không diệt và không có lúc bắt đầu, lúc giữa hay lúc chấm dứt.

 

6.1d. NHẤT THỂ Pháp Thân không thể phân chia, không gian (sự trống không, tánh Không) và trí tuệ nguyên sơ (jñâna) của nó thì không thể tách lìa.

 

6.1e. ĐÚNG ĐẮN Pháp Thân không sai lầm, bởi nó siêu vượt hai cực đoan là xem thường (19) và cường điệu (20).

 

6.1f. THANH TỊNH Pháp Thân thoát khỏi nhiễm ô của ba che chướng, nghĩa là phiền não chướng, sở tri chướng và những trở ngại cho sự thiền định.

 

6.1g. TRONG SÁNG Bằng cách không nghĩ tưởng, nó được tập trung vào như thị vô-niệm.

 

6.1h. ĐƯỢC NỐI KẾT VỚI BÁO THÂN Pháp Thân là nền tảng cho sự hiển lộ của Báo Thân; sự biểu lộ rốt ráo của những phẩm tính bao la (21). Mật điển Ðại Thừa Tối Thượng nói:

 

“Không có lúc bắt đầu, không có lúc giữa, không có lúc chấm dứt, thoát khỏi ba điều đó, bất nhiễm và vô-niệm – Pháp giới là như thế, khi được nhìn bởi hành giả ngơi nghỉ trong thiền định sâu xa.”

 

Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận cũng nói:

 

“Đồng nhất, thân bản tánh, vi tế và được nối kết với Báo Thân.”

 

6.2 Báo Thân

 

Sambhogakâya (22) (Báo Thân) cũng có tám đặc tính, đó là: đoàn tùy tùng, lãnh vực, thân tướng, các biểu hiện, giáo lý, các công hạnh, tính chất tự sinh và không có một bản tánh riêng.

 

6.2a. ĐOÀN TÙY TÙNG Đoàn tùy tùng của Báo Thân chỉ bao gồm các Bồ Tát đang an trụ trong mười quả vị Bồ Tát.

 

6.2b. LÃNH VỰC Lãnh vực trong đó Báo Thân được kinh nghiệm là lãnh vực của các cõi Phật hoàn toàn thanh tịnh.

 

6.2c. THÂN TƯỚNG Cách thức Báo Thân được kinh nghiệm là ở trong thân tướng của Đức Tỳ Lô Giá Na vinh quang v.v..

 

6.2d. CÁC BIỂU HIỆN Những biểu hiện mà Báo Thân được phú bẩm là 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp.

 

6.2e. GIÁO LÝ Giáo pháp mà nhờ đó Báo Thân được kinh nghiệm là Giáo pháp độc nhất vô nhị của Đại thừa.

 

6.2f. CÁC CÔNG HẠNH Hoạt động giác ngộ hình thành các công hạnh của Báo Thân là để báo trước sự giác ngộ của chư vị Bồ Tát trong tương lai.

 

6.2g. TÍNH CHẤT TỰ SINH Các công hạnh đó và v.v.. được hoàn toàn thành tựu mà không cần nỗ lực, xảy ra một cách tự nhiên như trong ví dụ về viên ngọc siêu phàm (những viên ngọc như ý).

 

6.2h. KHÔNG CÓ BẢN TÁNH RIÊNG Mặc dù Báo Thân hiển lộ những loại hình thức khác nhau, những hình thức này không có bản tánh đích thực; chúng như các màu sắc được nhìn thấy trong một quả cầu pha lê.

 

Vì thế trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Kinh nghiệm toàn hảo: trong mọi lãnh vực, một đoàn tùy tùng đầy đủ; nơi chốn; các biểu hiện; thân tướng; sự sử dụng toàn hảo Giáo pháp và các công hạnh. Đây là những đặc tính khác nhau.”

 

Ngoài ra trong Trang nghiêm Chứng Đạo có nói:

 

“Báo Thân được phú bẩm 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp, được gọi là ‘thân kinh nghiệm toàn hảo của Phật,’ bởi nó sử dụng Đại thừa.” (23)

 

3. Hóa Thân

 

Nirmânakâya (24) (Hóa Thân) cũng có tám đặc tính chính yếu – các đặc tính về nền tảng, nguyên nhân, lãnh vực, thời gian, đặc điểm, vai trò khuyến khích, chức năng làm thuần thục và chức năng giải thoát của nó.

 

6.3a. NỀN TẢNG Nền tảng của Hóa Phân là Pháp Thân (từ đó nó hóa hiện) mà không có bất kỳ thay đổi nào.

 

6.3b. NGUYÊN NHÂN Hóa Thân xuất hiện từ lòng đại bi, ước nguyện làm lợi lạc mỗi một chúng sinh.

 

6.3c. LÃNH VỰC Lãnh vực của nó bao gồm những cõi thanh tịnh nhất và những cõi vô cùng bất tịnh.

 

6.3d. THỜI GIAN Bao giờ thế giới còn tồn tại, Hóa Thân còn tồn tại mà không gián đoạn.

 

6.3e ĐẶC ĐIỂM Đặc điểm của Hóa Thân là hiển lộ các hình thức như ba loại hiện thân:

* Các hiện thân sáng tạo được phú bẩm thiện xảo kiệt xuất và tinh thông một nghệ thuật hay công việc nhất định, chẳng hạn như sử dụng đàn luýt v.v..

* Các hiện thân nhập thế là những hiện thể sinh ra với thân tướng thấp thỏi trong những loại hiện hữu đặc biệt, chẳng hạn như một con thỏ và

* Các hiện thân siêu phàm là đấng hiển lộ mười hai công hạnh: hạ thế từ cõi trời Đâu Suất, nhập thai mẹ v.v.. và cuối cùng đi vào sự An bình vĩ đại. Như có nói trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận:

 

“Luôn luôn hiển lộ sự sáng tạo, nhập thế (ra đời), đại giác ngộ và Niết bàn, Hóa Thân của Phật là phương tiện vĩ đại của sự giải thoát. (25)”

 

Như có nói trong Mật điển Ðại Thừa Tối Thượng:

 

“Bằng các hiện thân có những tính chất khác nhau, một cách hiển nhiên, ngài mong muốn ra đời, hạ thế từ cõi trời Đâu Suất (1), nhập thai mẹ (2) và được sinh ra (3). Thiện xảo trong mọi nghệ thuật và công việc (4), vui vầy cùng các phối ngẫu (5), từ bỏ (6), trải qua những gian khổ (7), an tọa dưới cội Bồ đề (8), chiến thắng các thế lực xấu ác (9), đạt được giác ngộ viên mãn (10), chuyển Pháp luân (11) và nhập Niết Bàn (12). Ở mọi nơi, hoàn toàn bất tịnh, ngài biểu thị những công hạnh này chừng nào các thế giới còn tồn tại.”

 

6.3f. VAI TRÒ KHUYẾN KHÍCH Hóa Thân làm cho chúng sinh bình thường mong mỏi và làm việc nhằm đạt được loại nào đó trong ba loại niết bàn phù hợp với trí lực (26) của họ.

 

6.3g. CHỨC NĂNG LÀM THUẦN THỤC Hóa Thân đưa tất cả những ai đã sẵn sàng dấn mình vào con đường đến sự thuần thục tâm linh viên mãn.

 

6.3h. CHỨC NĂNG GIẢI THOÁT Hóa Thân giải thoát những người đã đạt được sự thuần thục đức hạnh viên mãn khỏi những trói buộc của sự hiện hữu.

 

Vì thế trong Mật điển Ðại Thừa Tối Thượng có nói:

 

“Hóa Thân làm cho các chúng sinh thế tục đi vào con đường của sự an bình, đưa họ đến chỗ hoàn toàn thuần thục và chính nó đưa ra những lời tiên tri.”

 

Đây là tám đặc tính của Hóa Thân. Trang nghiêm Chứng Đạo nói:

 

“Chừng nào sự hiện hữu còn tiếp tục thì kâya (thân) còn hành động đồng thời và bằng mọi phương cách để cứu giúp chúng sinh, là Hóa Thân không ngừng nghỉ của Đấng Thành tựu.”

 

7. BA ĐẶC TÍNH

 

Phật thân có ba đặc tính, đó là các đặc tính về sự đồng nhất, thường hằng và hiển lộ.

 

7a. Đặc tính đồng nhất

 

Pháp Thân của tất cả chư Phật thì đồng nhất, không thể tách rời sự hỗ trợ của nó là Pháp giới. Báo Thân của tất cả chư Phật thì đồng nhất bởi khuynh hướng (27) cao quý của nó thì như nhau. Hóa Thân của tất cả chư Phật thì đồng nhất bởi hoạt động của các ngài thì chung nhất. Vì thế Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Các thân này đồng nhất do bởi sự hỗ trợ, ý hướng và hoạt động của chúng.”

 

7b. Đặc tính thường hằng

 

Pháp Thân thì thường hằng tự bản chất bởi nó là trạng thái tối thượng không sinh không diệt. Báo Thân thì thường hằng bởi kinh nghiệm về Pháp mà nó hiển lộ thì không ngừng nghỉ. Hóa Thân thường hằng bởi các hoạt động của nó thật lâu dài. Mặc dù những biểu lộ của nó biến mất, nó tự xuất hiện liên tục. Mặc dù những hiển lộ phù hợp với nhu cầu nào đó sẽ chấm dứt, có một sự thường hằng thiết thực bởi nó xuất hiện một cách thích đáng, không chút chậm trễ (28). Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Thường hằng của bản tánh, của sự không gián đoạn và liên tục (29).”

 

7c. Đặc tính của sự hiển lộ

 

Pháp Thân hiển lộ nhờ sự tịnh hóa các che chướng thuộc về nhận thức (sở tri chướng) ngăn che Pháp giới. Báo Thân hiển lộ nhờ sự tịnh hóa các ô nhiễm cảm xúc (phiền não chướng). Hóa Thân hiển lộ nhờ sự tịnh hóa nghiệp chướng.

 

Đây là chương hai mươi về kết quả, Phật quả viên mãn,

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát

 

----------------------------------

 

(1) Ở đây từ “viên mãn” có một ý nghĩa kỹ thuật. Các thuật ngữ “Phật” và “giác ngộ” đôi khi được dùng cho các vị Bồ Tát từ quả vị thứ nhất trở đi, vì sự giải thoát, thuần tịnh và nội quán to lớn của các ngài so với các chúng sinh bình thường. Để phân biệt giữa các vị này và những bậc hoàn toàn giác ngộ, các tĩnh từ bổ nghĩa chẳng hạn như “hoàn toàn thuần tịnh và viên mãn” được đặt trước các từ giác ngộ hay Phật.

 

(2) Bản tánh sâu xa và không thể mô tả của giác ngộ, là cái không giống điều gì trong thế giới chúng ta (Mật điển Vô song), đặt ra một số vấn đề khi dịch từ kâya. Kâya (Phạn = TT. sku) được dịch sát nghĩa là “thân” hay “hiện thân” – của Phật quả - nhưng, như chúng ta khám phá trong chương này, Dharmakâya không có hình tướng và hai kâya kia hiển lộ như những cầu vồng hay ảo ảnh trong tâm chúng sinh, dưới dạng những thực tại chủ quan của họ. Như thể là giác ngộ không có những thân tướng cố định ở một nơi nào đó. Trí tuệ, lòng bi mẫn và v.v..được hóa hiện trong những cách thế vi tế trong đó sự tuyệt đối hiển lộ, như được mô tả trong tiết mục trên.

 

(3) Có nghĩa là không giống như những cấp độ tịnh hóa khác, không chỉ biểu hiện ở mặt ngoài của sự mê lầm bị loại bỏ mà mọi tiềm năng cho sự tái hiển lộ của chúng cũng bị loại trừ.

 

(4) Một cách tương ứng yathâbhûtaparijñâna và yathâvad vyavasthâna parijñâna

 

(5) Phụ thuộc: ở đây từ rjes.tob thường có nghĩa là “hậu-thiền định” hay giữa-thiền định” (xem chương thiền định ba la mật). Trong hầu hết các văn cảnh, thuật ngữ này ám chỉ kinh nghiệm thế tục ở giữa những khóa tọa thiền chính thức. Để hiểu rõ lợi ích của thuật ngữ này ở đây, ta cần quán chiếu về sự tiến triển của nhận thức về thực tại thế tục, từ sự tiến triển của các thiền giả là chúng sinh chưa thuần thục cho đến sự tiến triển của các Bồ Tát, và sau đó tiến triển qua các cấp độ Bồ Tát (xem chương trước). Các giáo huấn thiền định sâu xa của dòng Kagyü bàn về mối quan hệ giữa thực tại tương đối và tuyệt đối cũng có ích lợi ở đây.

 

(6) Ở đây Gampopa đang nói đến các vị Thầy hàn lâm đầu đời của ngài, là các vị Thầy thuộc truyền thống Khadampa. Như ngài vạch rõ lát nữa đây trong bản văn, sự chứng minh đầy thông tuệ này về thuật ngữ jñâna và sự giảng nghĩa được Đạo sư Milarepa ban cho ngài sau này, thì tương thích với nhau.

 

(7) Như-nó-là và đa tạp.

 

(8) Hai kâya (hai thân) là Pháp Thân (Dharmakâya) và Sắc Thân (rupakâya). Sắc Thân bao gồm Báo Thân (Sambhogakâya) và Hóa Thân (Nirmânakâya).

 

(9) Xem chú thích trên.

 

(10) Byin.rlabs thường được dịch là “gia hộ”, nghĩa là năng lực của sự trao truyền. Chẳng hạn như trong Kim Cương thừa, khi ta khẩn cầu sự gia hộ, điều đó không phải là để có được một vài kinh nghiệm tâm linh lờ mờ xuất hiện mà là để có khả năng nhận ra trí tuệ cố hữu đối với bản tánh chân thực của tâm. Ở đây Pháp Thân là bản tánh nền tảng, thanh tịnh của tâm, nó có khả năng làm sinh khởi kinh nghiệm về hai sắc thân.

 

(11) Có nghĩa là những lời cầu nguyện thuở xưa của chư Phật – khi các ngài còn là Bồ Tát đang làm việc qua những con đường và cấp độ.

 

(12) Xin lưu ý rằng bản văn chuyển từ việc nói đến năng lực của Dharmakâya (Pháp Thân) sang dharmadhâtu (Pháp giới). Hai điều này thì giống nhau tự bản chất, nghĩa là chúng là hai khía cạnh của cùng một sự việc, không thể phân chia. Dharmakâya nhấn mạnh trí tuệ, dharmadhâtu nhấn mạnh vào tánh Không.


(13) Giá trị: Chữ Tây Tạng don. mang các ý nghĩa: nó có nghĩa là “giá trị” và “lợi lạc”. Nó có nghĩa là “cái có ý nghĩa” hay “là ý nghĩa của”. Nó cũng có nghĩa là một điểm tham chiếu của kinh nghiệm, chẳng hạn như đối tượng được tri giác của một giác quan. Với rất nhiều ý nghĩa tập trung vào một ý niệm chính yếu được truyền đạt bởi từ Anh ngữ “point”, ta không thể dịch thuật ngữ này một cách thích đáng. Chẳng hạn như, trong trường hợp đặc biệt này don ngụ ý rằng Dharmakâya là cái gì có ý nghĩa đối với bản thân, ý nghĩa trong tự thân; cái gì được kinh nghiệm bởi bản thân; là cái gì có lợi lạc tối thượng đối với bản thân.

 

(14) Xem Bản tánh Bất biến; chương nói về những phẩm tính giác ngộ.

 

(15) Pháp Thế gian Tối thượng là giai đoạn thứ 4 trong các giai đoạn của Giai đoạn Kết hợp.

 

(16) Có nghĩa là các Bồ Tát thuộc mười quả vị. Xin lưu ý rằng ở đây từ đệ tử được sử dụng theo nghĩa đen: những vị còn đang tu tập.

 

(17) Nghĩa là những người thuộc Giai đoạn Tích tập và Giai đoạn Kết hợp.

 

(18) Một lần nữa, từ don này: ý nghĩa, vấn đề, giá trị, lợi lạc… (xem ở trên)

 

(19) Sự vô minh về bản tánh và những phẩm tính của nó.

 

(20) Sử dụng những quan niệm hạn hẹp của ta về Pháp Thân như điều gì thực có.

 

(21) Bao la là một loại từ mã (codeword) trong Phật giáo Đại thừa. Nó ám chỉ phạm vi vô hạn của các phẩm tính được kết hợp với những giai đoạn và cấp độ phát triển Bồ Tát. Từ tương ứng với nó là sâu xa, ám chỉ bản tánh trống không của dharmadhâtu (Pháp giới).

 

(22) Sambhogakâya: “hiện thân của kinh nghiệm toàn hảo”. Thuật ngữ này đôi khi được dịch là “sự vui hưởng toàn hảo” và từ này bị hiểu lầm thêm một lần nữa. Đúng là từ vui hưởng có nghĩa là “có phương tiện” nhưng không có quan hệ gì với ý niệm tương đối có một thời gian tốt lành. Thuật ngữ cao quý này được dùng vì Sambhogakâya hoàn toàn là phạm vi kinh nghiệm của các Bồ Tát trong mười quả vị. Phương tiện của các ngài để đi tới tâm giác ngộ xảy ra nhờ kinh nghiệm giác quan hoàn hảo và thanh tịnh nhất – những cái thấy (thị kiến) đầy ý nghĩa, việc lắng nghe các giáo lý sâu xa v.v.. tất cả dựa vào một bối cảnh của kinh nghiệm chân thực về tánh Không của các ngài. Bản văn Tây Tạng khai thác ý niệm này về kinh nghiệm, hay sự vui hưởng, trong các tiết mục tiếp theo.

 

(23) Là hoàn hảo bởi ngài chỉ sử dụng Đại thừa và ý nghĩa sâu xa chân thật để giảng dạy – không giống Hóa Thân, dựa vào bản tánh của các đệ tử, phải sử dụng các giáo lý ngoài Đại thừa và phải viện dẫn các chân lý thích hợp.” [Khenchen Trangu Rinpoche.]

 

(24) Nirmânakâya – “hình thức được hóa hiện”

 

(25) Cho chúng sinh.

 

(26) Nghĩa là Thanh Văn, Phật Độc giác hay Bồ Tát.

 

(27) Ý hướng bi mẫn cứu giúp chúng sinh.

 

(28) Nghĩa là nó luôn luôn ở đó, sẵn sàng hiển lộ ngay khi cần thiết, ngay khi tâm rộng mở đủ để kinh nghiệm nó.

 

(29) Điều này ám chỉ Dharmakâya, Sambhogakâya và Nirmânakâya một cách tương ứng.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6422616
Số người trực tuyến: