Chương Sáu: Thiền định về Nghiệp, Nhân và Quả - Phương thuốc thứ hai chữa trị sự tham luyến hiện hữu nói chung | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương Sáu: Thiền định về Nghiệp, Nhân và Quả - Phương thuốc thứ hai chữa trị sự tham luyến hiện hữu nói chung

Chương Sáu:

Thiền định về Nghiệp, Nhân và Quả

Phương thuốc thứ hai chữa trị

sự tham luyến hiện hữu nói chung

 

Những ai muốn biết điều gì gây nên những đau khổ ở trên nên hiểu rằng chúng phát sinh từ hoạt động (1) bị hư hỏng (2) – nghiệp. Karmaśatakasûtra (Kinh Một Trăm Nghiệp) nói về điều này

 

“Nhiều loại hành động khác nhau tạo nên đủ loại chúng sinh khác nhau.”

 

Trong Kinh Đại Bi Liên Hoa có nói:

 

“Hành động (nghiệp) tạo ra các thế giới; sự biểu lộ của các thế giới bắt nguồn từ các hành động. Chúng sinh do các hành động tạo nên. Hành động là nguyên nhân của chúng sinh, bởi hành động mà chúng sinh có các dị biệt.”

 

A-tì-đạt-ma-câu-xá luận nói: “Các thế giới khác nhau được sinh khởi bởi hành động.”

 

Nếu bạn hỏi hành động là gì, hãy biết rằng nó thuộc về hai phạm vi: hoạt động thuộc về tâm và hoạt động do bởi ý hướng. A tỳ đạt ma Tập luận nói về điều này:

 

“Hoạt động là gì? Đó là hoạt động thuộc về tâm và hành động được thúc đẩy về mặt tâm thức.”

 

Trong A-tì-đạt-ma-câu-xá nói:

 

“Hành động là ý hướng và những gì được thực hiện do bởi ý hướng đó.”

 

Ngoài ra, trong Căn bản Trung quán luận có nói:

 

“Đấng Chân thực Siêu phàm đã nói rằng hành động là hoạt động thuộc về tâm và những gì được thực hiện do bởi tư tưởng.”

 

Ta có thể muốn biết hai phạm vi này thực sự là gì:

1. Hoạt động thuộc về tâm – các hành động của tâm.

2. Mọi hoạt động thuộc về thân và hoạt động thuộc về ngữ được trù tính bởi tâm thức, nghĩa là bất kỳ hoạt động nào xảy ra.

 

A-tì-đạt-ma-câu-xá nói:

“Ý hướng là hoạt động thuộc về tâm: những gì nó phát triển là hoạt động thuộc về thân và ngữ.”

 

Bản tóm tắt dưới đây phác thảo những hành động như thế và những kết quả mà chúng mang lại:

 

Các hành động và những kết quả của chúng được tóm tắt bằng sáu điểm: phân loại, các tính chất, sự quyết định số phận của ta, kết quả nghiêm ngặt, những nguyên nhân nhỏ tạo thành kết quả to lớn, và sự không thể tránh khỏi.

 

1. PHÂN LOẠI

Có ba loại:

1. Ác hạnh, nguyên nhân và kết quả,

2. Thiện hạnh, nguyên nhân và kết quả, và

3. Thiền định kiên cố như hoạt động, nguyên nhân và kết quả.

 

2. CÁC TÍNH CHẤT

2a. Ác hạnh, nguyên nhân và hậu quả

Nói chung, mặc dù có nhiều loại ác hạnh, chúng có thể được tóm tắt thành mười ác hạnh. Ba ác hạnh thuộc về thân thể: sát sinh v.v.. Bốn ác hạnh thuộc về ngữ: nói dối v.v.. Ba ác hạnh thuộc về tâm: tham muốn v.v.. Tự mỗi ác hạnh này được nghiên cứu qua ba điểm: phân loại, các kết quả và một vài trường hợp đặc biệt của chúng (trường hợp tệ hại nhất có thể có.)

 

2.a1. Sát sinh

Sát sinh được chia làm ba loại:

* Sát sinh bởi đam mê và tham muốn,

* Sát sinh bởi sân hận và ganh ghét và

* Sát sinh bởi ngu si.

 

Loại thứ nhất là sát sinh để có thịt, da sống v.v.. hay để được lợi lạc trong lãnh vực thể thao hay tài chính hay để bảo vệ bản thân hay những người thân yêu.

 

Loại thứ hai là giết những người mà ta cảm thấy đối nghịch vì hằn thù hay đua tranh v.v..

 

Loại thứ ba được thực hiện để cúng dường.

 

Các kết quả của việc sát sinh gồm ba loại: kết quả hoàn toàn thuần thục, kết quả tương ứng với

nguyên nhân kết quả tác động theo nhân quả.

 

Kết quả hoàn toàn thuần thục là tái sinh như một chúng sinh địa ngục.

Kết quả tương ứng với nguyên nhân là mặc dù được tái sinh làm người, ta sẽ có một cuộc đời ngắn ngủi và nhiều bệnh tật.

Tác động theo nhân quả là bị tái sinh ở một xứ sở bất hạnh và không thịnh vượng.

Trường hợp đặc biệt hay tệ hại nhất trong tất cả các hình thức sát sinh, tội lỗi (3) ác hại nhất, là giết một A La Hán hay giết cha mẹ.

 

2.a2. Trộm cắp

Có ba loại là:

* Trộm cắp bằng vũ lực,

* Trộm cắp một cách lén lút và

* Trộm cắp bằng cách gian lận, lọc lừa.

 

Loại thứ nhất là cướp đoạt bằng cách sử dụng vũ lực không cần thiết.

 

Loại thứ hai là trộm cắp mà không bị để ý, bằng cách đột nhập vào nhà v.v..

 

Loại thứ ba là gian lận bằng cách làm sai lạc trọng lượng và những sự đo lường.

 

Trong ba loại kết quả, kết quả hoàn toàn thuần thục là bị tái sinh làm một ngạ quỷ.

Kết quả tương ứng với nguyên nhân là mặc dù được tái sinh làm người, ta sẽ phải trải nghiệm sự túng thiếu vật chất (4).

Tác động theo nhân quả là bị tái sinh ở một nơi có nhiều sương giá và mưa đá.

Trường hợp tệ hại nhất của việc trộm cắp, tội lỗi lớn nhất, là trộm cắp tài sản thuộc về Đạo sư của ta hay của Tam Bảo.

 

2.a3. Tà dâm (5)

Có ba loại (bao gồm hoạt động tính dục với người khác):

* Bị ngăn cấm bởi mối liên hệ gia đình,

* Bị ngăn cấm bởi cam kết của họ với người nào khác và

* Bị ngăn cấm bởi các quan hệ tôn giáo.

 

Loại thứ nhất là sự giao phối với mẹ, chị của ta v.v..

 

Loại thứ hai là giao phối với người đã kết hôn với người khác hay thuộc về một vị vua (6) và

 

Loại thứ ba bao gồm mọi tình huống của việc quan hệ tính dục với một phối ngẫu thích hợp nhưng được coi là không thích hợp theo thực hành Phật giáo. Trong loại này, có ba lãnh vực của sự giao phối không thể chấp nhận – được quyết định bởi các bộ phận, nơi chốn, thời gian, mức độ hay cách thức. Trước hết, các bộ phận không thích hợp, có nghĩa là giao phối ở miệng hay hậu môn. Một nơi không thích hợp là ở gần một Đạo sư, một ngôi chùa, bảo tháp hay một tập hội to lớn. Thời gian không thích hợp là thời gian khi các giới luật cư sĩ (6) được tuân giữ, trong khi mang thai, trong khi bà mẹ đang cho con bú hay giữa ban ngày (7). Một mức độ không thích hợp là năm lần liên tiếp hay hơn nữa. Các hình thức giao phối không thể chấp nhận được là các loại hãm hiếp (8) và giao phối ở miệng hay hậu môn với người cùng giới tính hay một người lưỡng tính.

 

Trong ba loại kết quả, kết quả hoàn toàn thuần thục là bị tái sinh làm một ngạ quỷ.

Kết quả tương ứng là mặc dù được tái sinh làm người, vợ (chồng) của ta sẽ giống như một kẻ thù đáng ghét và

Tác động theo nhân quả là bị tái sinh trong một xứ đầy bụi bặm.

Trường hợp tệ hại nhất là trọng tội của việc giao phối với mẹ của mình hay một arhani (nữ A La Hán).

 

2.a4. Nói dối

Có ba loại:

* Những lời nói dối về sự yếu kém của ta,

* Nói dối nghiêm trọng và

* Nói dối không đáng kể.

 

Loại thứ nhất liên quan tới “Đạo sư giả hiệu”; giả vờ về sự thành tựu (9)

 

Loại thứ hai là nói dối với ý định làm lợi lạc bản thân hay làm hại người khác.

 

Loại thứ ba là nói dối không có lợi mà cũng chẳng có hại.

 

Trong ba loại kết quả, kết quả hoàn toàn thuần thục là bị tái sinh làm một súc sinh.

Kết quả tương ứng là mặc dù được tái sinh làm người, ta sẽ bị người khác chế nhạo.

Tác động theo nhân quả là có hơi thở khó chịu.

Tội lỗi tệ hại nhất là phỉ báng Như Lai và nói dối Đạo sư của mình.

 

2.a5. Lời nói gây chia rẽ

Có ba loại:

* Nghiêm trọng,

* Nói bóng gió và

* Nói qua người thứ ba.

 

Loại thứ nhất là lời nói gây chia rẽ bằng hữu bằng cách trực tiếp phỉ báng.

 

Loại thứ hai là lời nói gây chia rẽ bằng cách nói bóng gió.

 

Loại thứ ba là lời nói gây chia rẽ bằng hữu bằng lời đồn đại.

 

Trong ba loại kết quả, kết quả hoàn toàn thuần thục là bị tái sinh trong địa ngục.

Kết quả tương ứng là mặc dù được tái sinh làm người, ta sẽ bị ngăn cách với bằng hữu.

Tác động theo nhân quả là bị sinh ở một nơi có địa thế không ổn định và nguy hiểm.

Tội lỗi tệ hại nhất trong lời nói gây chia rẽ là trọng tội gây bất hòa trong Tăng đoàn.

 

2.a6. Lời nói gây tổn thương

Có ba loại:

* Trực tiếp,

* Bóng gió và

* Qua người thứ ba.

 

Loại thứ nhất là nói thẳng với người nào đó về những lỗi lầm và yếu kém của họ.

 

Loại thứ hai có nghĩa là nói những điều xấu xa có liên quan tới người nào đó bằng một cách nói  lấp lửng pha lẫn diễu cợt.

 

Loại thứ ba là phơi bày những lỗi lầm và yếu kém của người nào đó cho bạn hữu của họ và những người khác biết.

 

Trong ba loại kết quả, kết quả hoàn toàn thuần thục là bị tái sinh trong địa ngục.

Kết quả tương ứng là mặc dù được tái sinh làm người, ta sẽ phải nghe những âm thanh và lời nói khó chịu.

Tác động theo nhân quả là bị tái sinh ở một nơi khô cằn, nóng bức, có nhiều điều xấu ác (10)

Trường hợp tệ hại nhất trong lời nói gây tổn thương là nói xúc phạm đến cha mẹ ta hay một bậc chứng ngộ (11)

 

2.a7. Lời nói vô ích

Có ba loại:

* Lời nói mê lầm vô ích,

* Trò chuyện thế tục vô ích và
* Lời nói chính xác nhưng vô ích.

 

Loại thứ nhất liên quan tới cách thức và những kể lể về những niềm tin sai lạc.

 

Loại thứ hai liên quan tới việc trò chuyện ngớ ngẩn, những lời nói đùa v.v..

 

Loại thứ ba liên quan tới những nỗ lực giải thích Giáo Pháp cho những người thiếu sự tôn kính hay có tâm thái không thích hợp.

 

Trong ba loại kết quả, kết quả hoàn toàn thuần thục là bị tái sinh làm súc sinh.

Kết quả tương ứng là mặc dù được tái sinh làm người, lời nói của ta sẽ không có tác dụng.

Tác động theo nhân quả là bị tái sinh ở một nơi có các mùa thất thường.

Trường hợp tệ hại nhất trong các loại lời nói vô ích là làm xao lãng những người đang thực hành Pháp.

 

2.a8. Tham muốn gồm ba loại:

* Tham muốn liên quan đến vật sở hữu của ta,

* Tham muốn liên quan đến vật sở hữu của người khác,

* Tham muốn vật sở hữu không thuộc cả hai loại trên.

 

Loại thứ nhất là một bám luyến vào tình trạng gia đình, hình tướng vật lý, các phẩm tính, của cải và những vật sở hữu của ta khi nghĩ rằng: “Chẳng có ai như ta.”

 

Loại thứ hai là thèm muốn những vật hảo hạng mà người khác sở hữu. Ta nghĩ: “Giá như cái này là của ta.”

 

Loại thứ ba bao gồm việc thèm muốn những gì không thuộc về ta mà cũng chẳng thuộc về người khác, chẳng hạn như những chất liệu được chôn dấu trong đất v.v.. khi nghĩ: “Giá mà tôi có được của cải đó.”

 

Trong ba loại kết quả của tham muốn, kết quả hoàn toàn thuần thục là bị tái sinh làm một ngạ quỷ.

Kết quả tương ứng là mặc dù được tái sinh làm người, sự tham muốn sẽ chế ngự tâm trí ta.

Tác động theo nhân quả là bị sinh ở một nơi có chất lượng thực phẩm (12) kém cỏi.

Trong các loại tham muốn, tội lỗi nặng nề nhất là muốn trộm cắp những vật sở hữu của những người đã thực sự từ bỏ thế gian.

 

2.a9. Ác ý có ba loại:

* Do bởi thù ghét,

* Ganh tị hay

* Oán giận.

 

Loại thứ nhất là bởi thù ghét nên nuôi dưỡng ý tưởng giết (13) người khác, như trong thời gian chiến tranh.

 

Loại thứ hai là bởi tranh đua v.v.. nên nuôi dưỡng ý tưởng giết hay làm hại người khác vì sợ người ấy hơn mình.

 

Loại thứ ba là bởi oán giận lâu dài nên nuôi dưỡng ý tưởng giết hay làm hại người trước đây đã làm điều xấu đối với ta.

 

Trong ba loại kết quả của sự ác ý, kết quả hoàn toàn thuần thục là bị tái sinh trong địa ngục.

Kết quả tương ứng là mặc dù được tái sinh làm người, sự thù ghét sẽ chế ngự tâm trí ta.

Tác động theo nhân quả là bị sinh ở một nơi mà thực phẩm có mùi vị khó chịu và thiếu tinh tế. Trong các loại ác ý, trường hợp tệ hại nhất, tội lỗi nặng nề nhất là có ý định phạm một trong những hành động chịu hậu quả tức thì (14)

 

2.a10. Niềm tin sai lầm có ba loại:

* Niềm tin sai lầm về những hành động và kết quả của chúng,

* Niềm tin sai lầm về chân lý và

* Niềm tin sai lầm về Tam Bảo.

 

Loại thứ nhất là không tin rằng các thiện hạnh hay ác hạnh sẽ mang lại những kết quả cụ thể là hạnh phúc hay đau khổ của chúng.

 

Loại thứ hai là cho rằng người thực hành Đạo Đế (15) sẽ không thành tựu được Diệt Đế.

 

Loại thứ ba là không tán thành Tam Bảo, tin rằng Tam Bảo không chân thật.

 

Trong ba loại kết quả của niềm tin sai lầm, kết quả hoàn toàn thuần thục là bị tái sinh làm súc sinh.

Kết quả tương ứng là mặc dù được tái sinh làm người, sự ngu dốt và vô minh sẽ chế ngự tâm trí ta.

Tác động theo nhân quả là bị sinh ở một nơi không thu hoạch được (16)

Trường hợp tệ hại nhất, tội lỗi nặng nề nhất trong niềm tin sai lầm là bị phiền não bởi sự hoài nghi “như-gai góc” (17)

 

Ở trên là một giải thích tổng quát về những kết quả được phát triển đầy đủ của những hành động như thế. Ba loại hành động được phát triển đầy đủ tùy theo hành động có được cân nhắc hay không:

1. Trong phạm vi của sự ô nhiễm (18) hiện tại,

2. Trong phạm vi của sự thường xuyên của nó hay

3. Trong phạm vi của đối tượng của nó.

 

1. Nếu các hành động được thực hiện do bởi sân hận/căm ghét, rất có thể ta bị tái sinh trong địa

ngục. Nếu chúng được làm bởi đam mê/tham muốn, rất có thể ta bị tái sinh làm một ngạ quỷ. Nếu chúng được làm bởi sự vô minh/ngu dốt, rất có thể ta bị tái sinh làm một súc sinh. Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo nói:

 

“Bởi tham muốn, ta sẽ trở thành một ngạ quỷ, bởi sân hận ta sẽ bị đọa trong địa ngục và bởi vô minh ta trở thành một súc sinh.”

 

2. Vô số ác hạnh dẫn tới việc tái sinh trong địa ngục. Nhiều ác hạnh dẫn tới việc tái sinh làm ngạ quỷ. Một ít ác hạnh như thế dẫn tới việc tái sinh làm súc sinh.

 

3. Nếu ta phạm ác hạnh đối với một người đặc biệt (19), ta có thể bị tái sinh trong địa ngục. Nếu phạm ác hạnh với một người trung bình, ta có thể bị tái sinh làm ngạ quỷ và nếu phạm với một chúng sinh cấp thấp, ta có thể bị tái sinh làm một súc sinh.

 

Ở trên là một giải thích về các hành động xấu ác (nguyên nhân và hậu quả). Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo nói:

 

“Tham, sân, si và những hành động mà chúng tạo nên là ác hạnh. Do ác hạnh mà mọi đau khổ phát sinh và vì thế tạo nên các hiện hữu trong trạng thái thấp.”

 

2b. Thiện hạnh (nguyên nhân và kết quả)

2.b1. Các hành động

Mười thiện hạnh (thập thiện) là từ bỏ những ác hạnh và hơn nữa, dấn mình vào những hành động đối nghịch tương ứng, đó là:

* Bảo vệ sinh mạng của chúng sinh,

* Bố thí rộng rãi,

* Thanh tịnh trong tính dục,

* Nói năng chân thật, trung thực,

* Xua tan sự không thân thiện và mang lại sự hòa hợp,

* Nói năng hòa nhã, dịu dàng và làm người khác dễ chịu,

* Nói lời có ý nghĩa,

* Giảm bớt tham muốn và hài lòng với những gì ta có,

* Nuôi dưỡng lòng từ ái v.v.. và

* Thâm nhập ý nghĩa tối thượng.

 

2.b2. Ba kết quả của những hành động này

Kết quả hoàn toàn thuần thục là tái sinh trong cõi người hay trời dục giới. Kết quả tương ứng của sự từ bỏ việc làm hại chúng sinh và của việc bảo vệ sinh mạng là ta được trường thọ - và v.v.. đối

với các thiện hạnh khác. Tác động theo nhân quả của việc từ bỏ việc sát sinh là sẽ được tái sinh ở một nơi vô cùng thuận lợi và đầy năng lực – và v.v.., tương ứng với thiện hạnh có liên quan. Đây là một giải thích về thiện hạnh (nguyên nhân và kết quả). Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo nói:

 

“Đức hạnh là những gì được phát triển bởi sự không tham, không sân, không si và từ đức hạnh phát khởi mọi trạng thái hiện hữu cao cấp và hạnh phúc trong mọi cuộc đời.”

 

2c. Thiền định (20) kiên cố như hành động (Nguyên nhân và kết quả)

Bằng thiền định, ta vun trồng nguyên nhân – dhyâna (20) (thiền định kiên cố) về nhất thể (21) được kiểm soát – thì như một kết quả, ta sẽ thành tựu sự tái sinh trong thiền định như thế. Trong những điều này, dhyâna (thiền định kiên cố) về nhất thể được kiểm soát bao gồm tám cận định (22), tám thiền định thực sự và thiền định đặc biệt. Kết quả, những thiền định tái sinh, bao gồm mười bảy loại trời sắc giới và các vị trời thiền định trong bốn loại vô sắc xứ (23). Điều kiện nói chung để những trạng thái nhân-và-quả đặc biệt này xảy ra là thực hành mười thiện hạnh (thập thiện).

 

Ta bắt đầu đi vào dhyâna thứ nhất (sơ thiền) bằng cách tu tập thiền định giai đoạn giải trừ- chướng ngại của nó, cận định quét sạch sự thiếu khả năng. Tu tập này dẫn tới thiền định thực sự

viên mãn thứ nhất, là một thiền định sâu xa (24) được đi kèm bởi ý niệm, sự phân tích, hỉ lạc và an lạc thể xác. Nhờ tu tập thiền định này, ta sẽ tái sinh làm các vị trời trong các cõi Brahmâ (Phạm Thiên). Sau đó nhờ tu tập phương diện đặc biệt của thiền định này, ta sẽ tái sinh trong Đại Phạm Thiên.

 

Ta bắt đầu đi vào dhyâna thứ hai (nhị thiền) bằng cách tu tập giai đoạn giải trừ-chướng ngại của nó, cận định. Tu tập này dẫn tới thiền định thực sự viên mãn thứ hai, một thiền định sâu xa được đi kèm bởi hỉ lạc và an lạc thân thể nhưng từ những trạng thái đó ý niệm và phân tích được xả ly. Bằng cách tu tập thiền định này, ta sẽ tái sinh trong các vị trời nhị thiền, trong các cõi “Thiểu Quang Thiên” v.v..

 

Việc bắt đầu đi vào các dhyâna thứ ba dhyâna thứ tư cũng tương tự như thế.

 

Bằng cách tu tập thiền định sâu xa thực sự của tầng thiền định viên mãn thứ ba, trong đó có sự an lạc thân thể nhưng hỉ lạc trong tâm được xả ly, ta sẽ tái sinh trong các vị trời tam thiền của các

cõi “Thiểu Tịnh Thiên” v.v..

 

Bằng cách tu tập thiền định sâu xa thực sự của tầng thiền định viên mãn thứ tư, trong đó mọi ý niệm, phân tích, hỉ lạc và sự an lạc thân thể đều được xả ly, ta sẽ được tái sinh trong các vị trời tứ thiền của các cõi trời “không mây” (Vô Vân Thiên) v.v..

 

Chính nhờ tu tập thiền định “Không-Vô-Biên-xứ” mà ta siêu vượt tứ thiền. Thiền định này khiến ta tái sinh như một vị trời Không-Vô-Biên-xứ.

 

Chính nhờ tu tập thiền định “Thức-Vô-Biên-xứ” mà thiền định Không-Vô-Biên-xứ lần lượt được siêu vượt. Thiền định này khiến ta tái sinh như một vị trời Thức-Vô-Biên-xứ.

 

Chính nhờ tu tập thiền định “Vô-Sở-Hữu-xứ” mà thiền định Thức-Vô-Biên-xứ lần lượt được siêu vượt. Thiền định này khiến ta tái sinh như một vị trời Vô-Sở-Hữu-xứ.

 

Chính nhờ tu tập thiền định “Phi-Tưởng-Phi-Phi-Tưởng-xứ” mà thiền định Vô-Sở-Hữu-xứ lần lượt được siêu vượt. Thiền định này khiến ta tái sinh như một vị trời Phi-Tưởng-Phi-Phi-Tưởng-xứ.

 

Câu “…mà thiền định này lần lượt được siêu vượt” có nghĩa là gì? Đó là bởi tầng thiền định kế tiếp bắt đầu ở trạng thái tâm trước đó/thấp hơn và tiến đến trạng thái khác là trạng thái (tương đối) thoát khỏi dục vọng và tham muốn.

 

Có phải “Không-Vô-Biên-Xứ” v.v.. được gọi như thế là bởi không gian vô hạn (không vô biên) v.v.. thực sự được nhắm đến trong thiền định? Không phải thế. Ba thiền định đầu tiên được gọi là

không vô biên v.v.. là bởi tâm bị níu chặt bằng cách gợi lên những thuật ngữ này, bằng cách lập lại “không vô biên” (hư không vô hạn) v.v… trong thực hành chuẩn bị, có nghĩa là trong cận định sâu xa. Sau đó, khi giai đoạn cận định kết thúc, tâm bám níu như thế không còn nữa. Thiền định cuối cùng trong bốn thiền định được gọi như thế là bởi nhận thức thấp kém của nó. Mặc dù chỉ có nhận thức trong sáng ta không thể nói rằng hoàn toàn không có gì hết.

 

Tất cả tám thiền định thực sự là tâm an định, đức hạnh. Chúng được đưa ra ở đây như giáo lý về

thiền định kiên cố như hành động (nguyên nhân và kết quả). Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo nói:

 

“Chính bằng thiền định vô hạn (25), vô sắc, mà hạnh phúc của các cõi Phạm Thiên v.v.. được kinh nghiệm.”

 

Như thế đó là ba loại hành động bị hư hỏng (26) làm sinh khởi chất liệu của sinh tử.

 

3. HÀNH ĐỘNG TẠO NÊN SỐ PHẬN CỦA TA

 

Kết quả của các hành động mà bản thân ta đã thực hiện sẽ được ta kinh nghiệm: các kết quả đó đi đến chỗ thuần thục trong các uẩn của người đã thực hiện các hành động đó chứ không ở người nào khác. Trong A tỳ đạt ma Tập luận nói:

 

“‘Hành động tạo nên số phận của ta’ có nghĩa là gì? Bởi ta kinh nghiệm sự hoàn toàn thuần thục của các hành động do ta thực hiện và bởi ta và những người khác không có cùng kinh nghiệm đó, nên nó được gọi là ‘của riêng ta’.”

 

Nếu không đúng như thế thì nghiệp (hành động) có thể suy yếu hay trở nên cạn kiệt hay ta có thể gặp những kết quả xấu từ những hành vi mà bản thân ta không phạm phải. Đó là lý do khiến Kinh

điển nói:

 

“Những hành vi do Đề Bà Đạt Đa mắc phạm sẽ không thuần thục trong đất hay trong nước v.v.. Chúng sẽ chỉ đi đến chỗ thuần thục ngay trong các uẩn và những lãnh vực hoạt động của một mình ông ta. Liệu chúng có thể thuần thục ở người nào khác?”

 

4. HÀNH ĐỘNG HOÀN TOÀN QUYẾT ĐỊNH KINH NGHIỆM

 

Chắc chắn là ta sẽ kinh nghiệm hạnh phúc và đau khổ như những kết quả tương ứng của thiện hạnh hay ác hạnh của ta. Bởi củng cố (27) thiện hạnh, ta sẽ kinh nghiệm kết quả hạnh phúc. Bởi củng cố ác hạnh, ta sẽ kinh nghiệm kết quả đau khổ. A tỳ đạt ma Tập luận nói:

 

“Kinh nghiệm của ta sẽ được kinh nghiệm ra sao? Ta bị lệ thuộc vào kết quả hoàn toàn-phát triển của các hành động của ta, kinh nghiệm những phần tương ứng một cách cụ thể với các thiện hạnh hay ác hạnh mà ta đã làm.”

 

Dran.pa.nyer.bszhag.chung.ba nói:

 

“Nhờ đức hạnh ta được hạnh phúc. Bởi vô hạnh đau khổ xảy ra. Đây là lý do khiến các thiện hạnh và ác hạnh và những kết quả của chúng được giảng dạy rõ ràng.”

 

Và trong suratapariprcchâsûtra (Kinh Surata Vấn thỉnh) có nói:

 

“Từ những hạt giống ớt sẽ phát triển những trái ớt; từ những hạt giống ngọt sẽ phát triển những cây ngọt. Người hiền trí và thiện xảo nên coi đây là một ví dụ và hiểu rằng kết quả đầy đủ của tội lỗi thì giống như vị đắng và kết quả đầy đủ của hành động thanh tịnh thì giống như vị ngọt.”

 

5. NHỮNG KẾT QUẢ TO LỚN CÓ THỂ ĐƯỢC TẠO NÊN BỞI MỘT NGUYÊN NHÂN NHỎ BÉ

 

Về mặt ác hạnh, điều này có nghĩa là thậm chí có thể xảy ra, như đã được dạy, một ác hạnh được làm trong chốc lát cũng có thể khiến ta phải kinh nghiệm địa ngục cả một kiếp. Trong Bồ Tát Hạnh có nói:

 

“Bậc Hiền nhân đã nói rằng những người phát khởi một ý hướng xấu xa đối với một vị Bồ Tát bảo hộ như thế, sẽ phải ở trong địa ngục một số kiếp bằng số lượng tâm xấu xa đã sinh khởi.”

 

Cũng có nói rằng ta sẽ kinh nghiệm đau khổ trong 500 hiện hữu cho mỗi lần phát ra lời xấu ác v.v.. Tuyển tập các bài Kệ từ Kinh điển Phật giáo nói:

 

“Mặc dù ta có thể đã thực hiện một ác hạnh nhỏ bé, trong hiện hữu tương lai điều đó có thể gây nên nhiều sợ hãi và rất nhiều tổn hại, như thể một chất độc đã nhiễm vào thân thể ta.”

 

Tương tự như thế, ngay cả một thiện hạnh nhỏ bé có thể mang lại kết quả to lớn. Tuyển tập các

bài Kệ từ Kinh điển Phật giáo nói:

 

“Ngay cả việc thực hiện một hành động tốt lành nhỏ bé có thể mang lại hạnh phúc lớn lao trong những hiện hữu tương lai và có những kết quả to lớn: điều đó giống như các hạt mang lại những mùa thu hoạch dồi dào nhất.”

 

6. NGHIỆP KHÔNG BAO GIỜ HOÀN TOÀN BIẾN MẤT

 

Ngoại trừ các trường hợp hành động đã được chỉnh sửa một cách đúng đắn, hành động đó sẽ không bị mất đi hay trở nên suy yếu mặc dù nghiệp quả của nó có thể không chín muồi trong vô lượng kiếp (28). Mặc dù ta có thể vui hưởng một trạng thái thoải mái trong một quãng thời gian đáng kể, khi gặp hoàn cảnh thích hợp và dù hoàn cảnh đó ra sao, kết quả sẽ phát sinh.

 

Nếu ta xác tín vào sự nối kết giữa các hành động và những kết quả của chúng, như được giảng nghĩa ở trên, và ta sợ hãi những khổ đau của sinh tử, thì như có nói:

 

“Người quay lưng với những lạc thú thế gian, quay lưng với ác hạnh và chỉ nỗ lực làm việc cho hạnh phúc của riêng mình – người như thế là người sống một cuộc đời có ý nghĩa thuộc loại trung bình (29)”.

 

Người “trung bình” nuôi dưỡng một phương pháp như thế sẽ là những người như bảy cô con gái của Vua Krai.Ka. Trong Kinh Một Trăm Nghiệp có nói về điều đó:

 

“Những hành động của chúng sinh không mất đi hay trở nên suy yếu ngay cả khi chúng ngủ yên trong một trăm kiếp. Một khi chúng được củng cố, khi đến thời điểm thích hợp, kết quả của chúng sẽ xuất hiện.”

 

Trong dren.pa.nyer.bzhag.chung.ba có nói:

 

“Lửa có thể trở nên lạnh lẽo,

Gió có thể bị bắt bởi sợi thòng lọng,

Mặt trời và mặt trăng có thể lặn,

Nhưng kết quả của nghiệp thì không thể sai lạc.”

 

Điều này kết thúc chương sáu về hành động, là nhân và quả,

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát

 

----------------------------------

(1) hoạt động: Một sự chọn lựa phải được lập ra giữa việc sử dụng từ karma, hình thái Phạn ngữ nổi tiếng hiện nay, và từ này (activity – hoạt động), ý nghĩa theo Anh ngữ của nó. Có những lý lẽ tuyệt vời đối với việc sử dụng mỗi một từ trong hai từ này. Karma thường xuất hiện trong một hình thức trọn vẹn hơn trong tiếng Tây Tạng, là las.rgyu.’bras, nó có nghĩa là “hành động, (trong phạm vi của) nhân và quả.” Điều này làm nổi bật khái niệm Phật giáo về hành động, trong đó không chỉ bản thân hành động lúc đầu, mà cả những kết quả dài hạn của nó, cùng được coi là một hành động, một nghiệp. Đối với một người quan sát, việc nghĩ rằng các nguyên nhân và kết quả của chúng là hai điều riêng biệt thì dễ dàng hơn là việc coi chúng như một tiến trình đang tiếp diễn. Chẳng hạn như, khi ta nhìn một hạt giống được gieo trồng vào mùa thu thì đó là một vấn đề. Các chồi non vào mùa xuân có vẻ là một vấn đề khác, một kết quả. Thực ra, đó là một sự tương tục của các sự kiện không đứt đoạn. Tương tự như thế, các hành động của ta trong một đời và những kết quả của chúng trong đời khác có vẻ rất khác biệt, tuy nhiên đó là một sự tương tục.

 

(2) bị hư hỏng: Thuật ngữ này khác biệt với nhiều thuật ngữ có tính chất xem thường khác, là những thuật ngữ định rõ hành động – “xấu,” “vô đạo đức,” “có hại” v.v.. Trong khi tất cả những thuật ngữ đó chỉ nói đến ác hạnh, “bị hư hỏng” cũng áp dụng cho hoạt động đức hạnh, vô đạo đức và thiền định. Nó có nghĩa là các hoạt động đó vẫn còn “bị hư hỏng” bởi sự vô minh và những kết quả của nó – nhị nguyên, tam nguyên, sự mê lầm-bản ngã v.v.. – và vì thế sẽ tạo nên một kết quả thế tục – hạnh phúc, đau khổ v.v.. tùy thuộc vào bản chất của hành vi.

Hành vi không hư hỏng siêu vượt sự tam nguyên (có nghĩa là không có ý niệm về chủ thể, hành động, và đối tượng) và không được bao gồm trong các giáo lý về nghiệp bởi nó không thuộc về nhân và quả thế tục.

 

(3) tội lỗi (sin) Sau nhiều do dự, chúng tôi quyết định liều lĩnh khi sử dụng từ này ở đây để dịch thuật ngữ Tây Tạng sdig.pa. Nhiều người ghét cay ghét đắng thuật ngữ ‘tội lỗi’ này bởi nó mang nhiều ý nghĩa có nối kết với sự tu tập của tôn giáo khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh là một trong những hành động đen tối nhất mà ta có thể làm, với các hậu quả khủng khiếp không thể tưởng tượng nổi, những thuật ngữ thay thế không mang lại được tính chất mạnh mẽ thô sơ của ý niệm được truyền đạt bởi người Tây Tạng. Trong phạm vi ảnh hưởng của nó, từ “tội lỗi” là một cách dịch sát nghĩa, cũng có nghĩa là vi phạm định luật tự nhiên.

 

(4) nói cho dễ hiểu là bị nghèo khổ, hay có ý nghĩa hơn là cảm thấy bất mãn với những gì ta có, cho dù có nhiều đi chăng nữa.

 

(5) TT. ‘dod.pas.logs.par.gyems.pa muốn nói tới điều gì giống như “hoạt động tính dục sai trái, bắt rễ trong dục vọng.” Một thuật ngữ như “hoạt động tính dục không thiện xảo” có thể hấp dẫn hơn đối với một độc giả hiện đại nhưng sẽ quá xa rời năng lực của ngôn ngữ được truyền đạt bởi ngôn từ Tây Tạng.

 

(6) một người ở trong hậu cung.

 

(7) thường là khi năm hay tám giới luật tạm thời thường được tuân giữ trong một ngày. Gampopa đặc biệt đề cập tới tám giới luật gso.byong: không sát sinh, trộm cắp, nói dối, dùng chất gây say, tà dâm, ăn sau bữa trưa, ăn mặc có tính chất phô trương hay tham dự vào việc ca hát hay nhảy múa.

 

(8) vấn đề chính là bị người khác nhìn thấy.

 

(9) nghĩa là đi ngược lại ý muốn của người khác.

 

(10) dịch sát nghĩa là “những lời nói dối của Đạo sư – nói hay nói bóng gió rằng ta có những năng lực đặc biệt (siddhi) hay ta đã thành tựu những mức độ tâm linh cao cấp (xem các chương sau.)

 

(11) từ Tây Tạng ở đây có thể được đọc là “nhiều sự xấu ác” hay “nhiều bọ cạp.”

 

(12) bậc chứng ngộ (TT. ‘phags.pa, Phạn: aya) – bậc đã thành tựu nhận thức kiên cố, phi thường về tánh Không và chân lý.

 

(13) dịch sát nghĩa là phẩm chất của các loại hạt kém tệ.

 

(14) và như với ác hạnh đầu tiên (sát sinh), bằng cách phát triển ý tưởng làm hại những người khác.

 

(15) hiểu theo nghĩa đen là hành động “không ngừng nghỉ” hay “hành động không thể cứu vãn được.” Chúng được gọi như vậy là bởi nghiệp quả của chúng xảy ra tức thời sau cái chết mà trước hết không kinh qua trạng thái trung ấm (bar.do). Năm hành động như thế thường được nhắc đến là: giết cha, giết mẹ, làm hại một vị Phật, giết một A La Hán và tạo sự ly tán trong Tăng đoàn trong khi Đức Phật còn tại thế.

 

(16) Diệt Đế liên quan tới sự chấm dứt chắc chắn của đau khổ, nhờ một phương pháp hành động, đó là Đạo Đế, là phương pháp giải trừ các nguyên nhân của đau khổ. Đây là hai Chân lý sau của Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế) (xem mục 3 trong Phần Hai: Nền tảng), giáo lý căn bản của Phật giáo. Trong bản văn này, Bốn Chân lý không được thảo luận như một chủ đề riêng biệt. Các giáo lý về Khổ Đế được đề cập trong Chương 5, bàn về đau khổ. Các giáo lý về Tập Đế của Đau khổ được đưa ra trong chương này và Chương 16 (thiền định), trong tiết mục về sự tương thuộc.

 

(17) dịch sát nghĩa là “không có trái quả.”

 

(18) hoài nghi ở nghiệp, đời trước và đời sau v.v..

 

(19) ô nhiễm (Phạn: klesa, TT. nyon.mongs) Thuật ngữ klesa đã được dịch khác nhau là: những cảm xúc mâu thuẫn, các độc chất, sự thối nát, ô uế, phiền não, cảm xúc tiêu cực v.v..

 

(20) Tam Bảo, Đạo sư của ta, cha mẹ ta, người bệnh hay người nghèo khổ v.v..

 

(21) TT: mi.gyo.bai.las – dịch sát nghĩa là hành động kiên cố, hành động không thể lay chuyển được.

 

(22) Phạn: dhyâna, TT: bsam.gtan. Thuật ngữ Phạn được duy trì ở đây bởi thiếu một từ Anh ngữ hoàn toàn thích hợp. Hơn nữa, có một khác biệt quan trọng giữa các thuật ngữ Phạn và Tây Tạng. Dhyâna (và đặc biệt là jnâna, từ Pali tương đương của nó) có nghĩa là “sự chuyên chú”. Những người Tây Tạng diễn tả điều này là bsam.gtan – ám chỉ điều gì gần với “tư tưởng kiên cố,” “tâm kiên cố” hơn. Dhyâna thường được sử dụng theo nghĩa đen – một trạng thái chú tâm không xao lãng hay dao động được xác định một cách hoàn hảo trên đối tượng của nó. Nhưng những gì mà điều này thực sự muốn nói tới trong thực hành thì thay đổi rất nhiều tùy theo hệ thống thiền định theo sau.

 

(23) Phạn: samâpatti, TT: snoms.’jug. Phạn ngữ có một ý nghĩa gần với “người có sự an lạc” và tiếng Pali miêu tả từ này như có một ý nghĩa của sự thành tựu: “người đạt được an lạc.” Có tám cấp độ trong các cấp độ thành tựu này, một trong mỗi dhyâna (xem ở dưới đây trong chương), chín cấp độ nếu ta bao gồm sự hoàn toàn diệt tận. Bản dịch Tây Tạng muốn nói “đi vào nhất thể”: các chướng ngại đối với một tầng thiền nào đó được vượt qua, ta vui hưởng thiền định quân bình của trạng thái đó, nó lần lượt trở thành giai đoạn khởi đầu cho điều vi tế hơn.

 

(24) Phạn: sâmantaka-samâdhi dường như tương ứng với Pali: upacâra-samâdhi, TT: nyer.bsdogs – gần đến định (cận định) nhưng chưa đạt được định mà ta tìm kiếm. Giai đoạn trung gian này theo sau thiền định chuẩn bị (Pali: parikarma-samâdhi, TT: ‘phen.byed được dịch sát nghĩa là bắt đầu đi vào thiền định) và khiến có thể có được giai đoạn thành tựu thiền định (Pali: appanâ samâdhi, TT: dngos.gzhi) mà sau này trong bản văn cũng được nhắc đến là “thiền định viên mãn,” biểu thị rằng thành tựu này là tương đối và chỉ là một phần của tiến trình tịnh hóa tâm thức rộng lớn hơn.

 

(25) Phạn: âyatana, TT: skye.mched Các “nền tảng” hay “nguồn mạch” trên đó các tiến trình của tâm phụ thuộc. Đây là mười hai xứ chính yếu: năm năng lực giác quan thuộc về thân và một năng lực thuộc về tâm và sáu đối tượng của chúng (có thể nhìn thấy, có thể nghe thấy v.v..) Cũng được gọi là “các ô cửa giác quan.” Ở đây chúng ta có những trường hợp đặc biệt của các xứ kinh nghiệm trong đó năng lực thuộc về tâm vận hành.

 

(26) Phạn: samâdhi, TT. ting.nge.’dzi

 

(27) Bốn suy niệm vô hạn (brahmâvihâra)

 

(28) Thiện hạnh, ác hạnh, kiên cố, như vừa được mô tả trong chương. Ta cần phân biệt giữa ba loại này – là nguyên nhân của sinh tử với những hỉ lạc, đau khổ và các cõi trời tương ứng của nó – và hành động không bị hư hỏng, là hành động không có ý niệm về cái ngã. Xem chú thích về bị hư hỏng ở đầu chương 6.

 

(29) nghiệp được củng cố nghĩa là một hành động gặp gỡ mọi yêu cầu để có thể tạo ra một kết quả. Các yếu tố cần phải tụ hội - chẳng hạn như ý hướng thực hiện, sự hài lòng, hành động v.v.. – đôi khi được liệt kê là sáu yếu tố. Khi những yếu tố này cùng tụ hội, hành động củng cố một dấu vết trong tâm, điều này chắc chắn sẽ dẫn đến một kết quả vào một lúc nào đó, trừ phi sự tịnh hóa xảy ra. Thuật ngữ bsags, được dịch ở đây là “được củng cố,” hiện được dịch sát nghĩa là “được tích tập”.

 

(30) vô lượng (vô tận) từ này không được dùng theo nghĩa đen. “Vô lượng” có nghĩa là 1060.

 

(31) “sống một cuộc đời có ý nghĩa” đã được chọn để dịch từ Phạn ngữ purusa ở đây.



 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6422616
Số người trực tuyến: