Chương Chín: Nuôi dưỡng Bồ đề tâm | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương Chín: Nuôi dưỡng Bồ đề tâm

Chương Chín:

Nuôi dưỡng Bồ đề tâm

 

I. TÍNH CHẤT CỐT TỦY CỦA SỰ PHÁT TRIỂN BỒ ĐỀ TÂM

 

Tính chất này được định nghĩa rõ ràng trong abhisamayâlankâra (Trang nghiêm Chứng Đạo):

 

“Phát triển Bồ đề tâm có nghĩa là khát khao sự giác ngộ chân thực, viên mãn để làm lợi lạc chúng

sinh.”

 

II. CÁC LOẠI BỒ ĐỀ TÂM SIÊU VIỆT

 

Bồ đề tâm siêu việt được mô tả theo ba cách: bằng cách so sánh, theo các cấp độ và theo tính chất.

 

1. SO SÁNH

Cách thức để minh họa Bồ đề tâm, từ Bồ đề tâm của một con người cho tới Bồ đề tâm của một vị

Phật, được Đức Di Lặc giảng dạy trong Trang nghiêm Chứng Đạo:

 

“Có 22 ví dụ: đất, vàng, mặt trăng, lửa, một kho báu, một mỏ châu báu, một đại dương, một chày kim cương, một ngọn núi, thuốc men, một vị Thầy tâm linh tốt lành, một viên ngọc như ý, mặt trời, âm nhạc, một vị vua, kho bạc, một xa lộ, một con tuấn mã, một con suối vô tận, một cây đàn hạc, một con sông lớn và một đám mây.”

 

Mười hai so sánh này bao gồm sức mạnh chính yếu của Bồ đề tâm từ ước nguyện lúc ban đầu cho tới Pháp Thân tối thượng: chúng sẽ được trình bày trong phạm vi của năm giai đoạn của con đường.

 

1. Khi Bồ đề tâm được trang bị ước nguyện, nó giống như đất, là chất liệu đích thực để tạo thành nền móng cho mọi phẩm tính tốt lành.

2. Khi Bồ đề tâm được trang bị hứa nguyện (cam kết), nó như vàng: nó sẽ không thay đổi cho đến khi giác ngộ được thành tựu.

3. Khi Bồ đề tâm được trang bị hứa nguyện (cam kết) sâu xa, nó như một vầng trăng tròn dần: mọi phẩm tính đức hạnh sẽ tăng trưởng.

……………………………………..

Ba điểm ở trên tạo thành giai đoạn của những người sơ học, nghĩa là những tiết mục, thấp, trung bình và cao của giai đoạn tích tập (1)

 

4. Khi Bồ đề tâm được trang bị sự hợp nhất, nó như lửa, thiêu rụi những chướng ngại cho ba loại toàn trí (2) như thiêu đốt nhiên liệu.

……………………………………….

Điểm ở trên tượng trưng cho giai đoạn kết hợp.

………………………………………..

5. Khi Bồ đề tâm được trang bị bố thí ba la mật, nó như một kho báu vĩ đại mang lại sự mãn nguyện cho tất cả chúng sinh.

6. Khi Bồ đề tâm được trang bị trì giới ba la mật, nó như một mỏ châu báu, cung cấp nền tảng cho các phẩm tính quý báu.

7. Khi Bồ đề tâm được trang bị nhẫn nhục ba la mật, nó như một đại dương, không bị xao động bởi bất kỳ điều gì không mong muốn rơi vào nó.

8. Khi Bồ đề tâm được trang bị tinh tấn ba la mật, nó như một chày kim cương, mạnh mẽ bởi không bị bẻ gãy.

9. Khi Bồ đề tâm được trang bị thiền định ba la mật, nó như vua của những ngọn núi, nhờ các đối tượng của sự chú tâm nên không bị những xao lãng lay chuyển.

10. Khi Bồ đề tâm được trang bị trí tuệ ba la mật, nó như thuốc men làm an dịu các bệnh tật là những che chướng ô nhiễm và sự hiểu biết (phiền não chướng và sở tri chướng).

11. Khi Bồ đề tâm được trang bị phương tiện ba la mật, nó như một vị Thầy tâm linh tốt lành, không bao giờ suy giảm việc mang lại lợi lạc cho chúng sinh cho dù hoàn cảnh nào xảy ra.

12. Khi Bồ đề tâm được trang bị nguyện ba la mật, nó như một viên ngọc như ý, thành tựu mọi kết quả ta mong muốn.

13. Khi Bồ đề tâm được trang bị lực ba la mật, nó như mặt trời, đưa các đệ tử đến chỗ hoàn toàn thuần thục.

14. Khi Bồ đề tâm được trang bị trí ba la mật, nó như giai điệu của Pháp, mang lại cho các đệ tử Giáo pháp gây hứng khởi cho họ.

…………………………………..

Mười điểm được đề cập ở trên được tập hợp lại theo mười quả vị (cấp độ) Bồ Tát, từ quả vị thứ nhất “Cực Hỷ” cho tới quả vị thứ mười, theo đúng thứ tự. Các điểm trên bao gồm giai đoạn nội quán (quả vị thứ 1 tới thứ 7, các điểm 5-11) và giai đoạn trau dồi (quả vị 8-10, các điểm 12-14)

……………………………………

15. Khi Bồ đề tâm được trang bị sự tỉnh giác trong trẻo, nó làm lợi lạc chúng sinh như một vị vua đầy uy quyền, bởi năng lực của nó không bị trở ngại.

16. Khi Bồ đề tâm được trang bị điều tốt lành và trí tuệ, nó như một kho bạc, trở thành kho chứa của nhiều sự tích tập.

17. Khi Bồ đề tâm được trang bị các yếu tố dẫn đến giác ngộ, nó như một xa lộ vĩ đại, bởi ta đi trên con đường mà tất cả những đấng tôn quý đã đi.

18. Khi Bồ đề tâm được trang bị lòng đại bi và nội quán sâu xa, nó như một con tuấn mã, phóng thẳng đến mục tiêu mà không trệch hướng sang sinh tử hay niết bàn như sự an bình đơn thuần.

19. Khi Bồ đề tâm được trang bị đà ra ni và khả năng siêu việt (3), nó như một hồ chứa; mọi sự được học tập nhờ việc nghiên cứu hay ở mặt khác sẽ được lưu giữ và không bị phí phạm.

………………………..

Năm điều trên tạo thành con đường Bồ Tát đặc biệt (4).

20. Khi Bồ đề tâm được trang bị “vườn Pháp tuyệt đẹp”, nó như việc lắng nghe một nhạc khí quyến rũ, âm thanh của nó dịu dàng nâng đỡ các đệ tử chú tâm đến sự giải thoát.

21. Khi Bồ đề tâm được trang bị “một con đường duy nhất”, nó như dòng chảy của một con sông lớn, không bao giờ đi trệch khỏi mục đích làm lợi lạc chúng sinh.

22. Khi Bồ đề tâm được trang bị Pháp Thân, nó như một đám mây mưa, bởi lợi lạc của chúng sinh tùy thuộc vào nó, bằng sự biểu lộ các công hạnh như an trụ trong cõi Đâu Suất v.v..(5)

………………………………..

Ba điểm sau cùng này ám chỉ giai đoạn Phật quả. Như thế 22 so sánh bao gồm mọi sự từ cấp độ của người sơ học cho tới cấp độ Phật quả.

 

2. PHÂN LOẠI THEO CẤP ĐỘ

Theo cách này thì Bồ đề tâm có bốn loại:

* Bồ đề tâm được trang bị ước nguyện,

* Bồ đề tâm được trang bị hứa nguyện (cam kết) sâu xa,

* Bồ đề tâm trong sự hoàn toàn thuần thục của nó và

* Bồ đề tâm với những che chướng được tiệt trừ.

Loại Bồ đề tâm thứ nhất tương ứng với các cấp độ thực hành được thúc đẩy bởi động lực; loại Bồ đề tâm thứ hai liên quan đến bảy quả vị đầu tiên của Đại Bồ Tát; loại Bồ đề tâm thứ ba liên quan tới quả vị thứ tám cho tới quả vị thứ mười và loại Bồ đề tâm thứ tư liên quan tới cấp độ Phật quả. Vì thế Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Bồ đề tâm trong các cấp độ khác nhau của nó được cho là được đi kèm bởi ước nguyện, hứa nguyện sâu xa thuần tịnh, sự hoàn toàn thuần thục và sự tiệt trừ mọi che chướng.”

 

III. PHÂN LOẠI THEO ĐẶC ĐIỂM THIẾT YẾU

 

Theo cách này thì Bồ đề tâm có hai loại: Bồ đề tâm tuyệt đối và Bồ đề tâm tạo lập (6). Như sandhinirmocanasûtra (Giải Thâm Mật Kinh) nói:

 

“Bồ đề tâm có hai phương diện: Bồ đề tâm tuyệt đối và Bồ đề tâm hoàn toàn được tạo lập.”

 

Bồ đề tâm tuyệt đối là gì? Đó là tánh Không với lòng bi mẫn như cốt tủy của nó, trong trẻo và bất động, thoát khỏi những cực đoan được suy đoán. Như thế, Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Trong hai loại này, Bồ đề tâm tuyệt đối siêu vượt thế giới, không có sự cực đoan có tính chất suy đoán, vô cùng trong sáng, có ý nghĩa tuyệt đối như đối tượng của nó, không bị nhơ uế và bất động, sáng ngời như một ngọn lửa vững vàng khi không có gió.”

 

Bồ đề tâm tạo lập (Bồ đề tâm tương đối) là gì? Trích dẫn từ quyển Kinh trên:

 

“Bồ đề tâm tạo lập là hứa nguyện, bởi lòng bi mẫn, dẫn dắt tất cả chúng sinh ra khỏi sinh tử.”

 

Trong hai hình thức Bồ đề tâm được đề cập ở trên, Bồ đề tâm có ý nghĩa tuyệt đối là Bồ đề tâm của những bậc đã đạt được (chứng ngộ) tinh túy phổ quát (dharmatâ – pháp tánh). Bồ đề tâm tạo lập là Bồ đề tâm được nuôi dưỡng, theo một cách thế đúng đắn, và là cái gì xuất hiện nhờ những ý nghĩa biểu hiện (7). Bồ đề tâm tuyệt đối được giải thích rõ ràng trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận:

 

“Bồ đề tâm tuyệt đối thuộc cấp độ nào? – từ cấp độ thứ nhất ‘Cực hỉ địa’ của Đại Bồ Tát trở đi.”

 

Luận giảng cho Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Bồ đề tâm có ý nghĩa tuyệt đối này là Bồ đề tâm của những bậc ở cấp độ thứ nhất, Cực hỉ địa.”

 

Trong phạm vi các loại, Bồ đề tâm tạo lập có hai phương diện: Bồ đề tâm ước nguyện (Bồ đề tâm nguyện) và Bồ đề tâm áp dụng (Bồ đề tâm hạnh). Vì thế Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Tóm lại, nên biết rằng Bồ đề tâm đó có hai loại – ước nguyện đạt được giác ngộ và thực sự chú tâm để đạt được giác ngộ.”

 

Có nhiều cách giải thích khác nhau về những đặc điểm của hai phương diện của Bồ đề tâm tương đối – ước nguyện và sự áp dụng. Theo Đạo sư Śantideva, thuộc dòng truyền thừa xuất phát từ Đức Văn Thù qua Đạo sư Long Thọ, ước nguyện giống như ước muốn đi đâu đó và trong thực tế bao hàm mọi ý hướng khát khao đạt được Phật quả viên mãn, trong khi áp dụng thì như việc đang thực sự đi và trong thực tế là sự áp dụng thực tiễn tất cả những gì sẽ thành tựu Phật quả. Vì thế Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Giống như ta biết rõ sự khác biệt giữa việc muốn đi và việc thực sự đi, bậc hiền giả cũng phân biệt giữa hai điều này một cách tương ứng.”

 

Theo Đạo sư Vĩ đại Dharmakîrti, thuộc dòng truyền thừa xuất phát từ Đức Di Lặc qua Đạo sư Vô Trước, ước nguyện là lập một hứa nguyện tự cam kết đối với kết quả, nghĩ rằng: “Vì lợi lạc của tất cả chúng sinh, tôi sẽ đạt được Phật quả viên mãn,” trong khi áp dụng là lập một hứa nguyện tự cam kết đối với nguyên nhân, nghĩ rằng: “Tôi sẽ tu tập sáu ba la mật, là nguyên nhân của Phật

quả.” A tỳ đạt ma Tập luận giải thích:

 

“Sự phát triển Bồ đề tâm có hai loại: thông thường và phi thường. Trong hai loại này, Bồ đề tâm thông thường có nghĩa là suy nghĩ: Ồ, giá mà tôi có thể hoàn toàn giác ngộ Phật quả vô song, hoàn toàn thuần tịnh và viên mãn. Bồ đề tâm phi thường nghĩa là suy nghĩ: Nguyện tôi hoàn toàn viên mãn bố thí ba la mật v.v.. cho tới trí tuệ ba la mật.”

 

IV. TIÊU ĐIỂM CỦA BỒ ĐỀ TÂM

 

Tiêu điểm của nó bao gồm sự giác ngộ và lợi lạc của chúng sinh. Bồ Tát Địa nói về điều này:

 

“Vì thế Bồ đề tâm là tâm được tập trung vào sự giác ngộ và tâm được tập trung vào chúng sinh.”

 

Trong hai điều này, Bồ đề tâm được tập trung vào sự giác ngộ là Bồ đề tâm được tập trung vào nỗ lực đạt được giác tánh nguyên sơ của Đại thừa. Chương nói về việc phát triển Bồ đề tâm trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“…Tương tự như thế, tiêu điểm của Bồ đề tâm là giác tánh nguyên sơ.”

 

Tập trung vào chúng sinh không có nghĩa là tập trung vào một, hai hay vài chúng sinh: nơi nào có không gian, nơi đó có chúng sinh và nơi nào có chúng sinh, nơi đó có hành động (karma - nghiệp) và các ô nhiễm (kleśa – phiền não). Nơi nào nghiệp và phiền não trùm khắp thì đau khổ cũng trùm khắp và Bồ đề tâm được phát triển để giải trừ những đau khổ của các chúng sinh đó. Vì thế Bhadracaryâprani dhâna (Kinh Nguyện ước Hành vi Đúng đắn) nói:

 

“Không gian bao la vô hạn, chúng sinh cũng bao la vô hạn như thế. Nghiệp và các phiền não bao la vô hạn, ước nguyện của tôi cũng bao la vô hạn như thế.”

 

V. NHỮNG NGUYÊN NHÂN ĐỂ PHÁT TRIỂN BỒ ĐỀ TÂM

 

Kinh Thập Địa nói:

 

“Tâm đó sẽ phát khởi bởi bốn nguyên nhân: thấu suốt những lợi lạc và phẩm tính của một thái độ như thế, niềm tin ở Như Lai, nhận ra những đau khổ của chúng sinh và sự khuyến khích đúng đắn của các vị Thầy tâm linh.”

 

Ngoài ra, Bồ Tát Địa nói:

 

“Bốn nguyên nhân của việc phát triển Bồ đề tâm là gì?

1. Nguyên nhân thứ nhất của việc phát khởi Bồ đề tâm (tâm Bồ Tát) là tâm đó có tiềm năng vô cùng tuyệt hảo.

2. Nguyên nhân thứ hai của việc phát khởi Bồ đề tâm là ta được hỗ trợ một cách đúng đắn bởi chư Phật, chư Bồ Tát và bởi các Đạo sư tâm linh.

3. Nguyên nhân thứ ba của việc phát khởi Bồ đề tâm là lòng bi mẫn đối với chúng sinh.

4. Nguyên nhân thứ tư của việc phát khởi Bồ đề tâm là sự vô úy khi đối mặt với đau khổ của sinh tử luân hồi và những đau khổ của việc trải qua những gian lao, mặc dù những khổ đau này có thể lâu dài, đa dạng, khó đương đầu và không ngừng nghỉ.”

 

Trong Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói rằng có những nguyên nhân riêng biệt đối với việc phát triển hai phương diện của Bồ đề tâm:

* Đó là nguyên nhân để phát triển Bồ đề tâm như điều được thọ nhận một cách đúng đắn nhất và

xuất hiện nhờ những ý nghĩa biểu hiện và

* Đó là nguyên nhân để phát triển Bồ đề tâm tuyệt đối.

Trong hai nguyên nhân này, nguyên nhân thứ nhất được giảng như điều gì được giảng dạy bởi những người khác và xuất hiện do những nguyên nhân lâu dài và không lâu dài, nhờ năng lực hỗ trợ của Pháp, năng lực của nguyên nhân chính yếu, năng lực của cội gốc, năng lực của việc nghiên cứu và nhờ quen thuộc với đức hạnh.

 

“Sự phát triển Bồ đề tâm được giảng dạy bởi những người khác” này là Bồ đề tâm tạo lập, cũng được gọi là “điều được thọ nhận một cách đúng đắn nhất và xảy ra nhờ những ý nghĩa biểu hiện”, bởi đó là một trạng thái tâm được thọ nhận nhờ giác tánh thông tuệ của những người khác. Năng lực hỗ trợ của Pháp là năng lực xuất hiện nhờ sự hiện diện của các Đạo sư. Năng lực của nguyên nhân chính yếu xuất hiện nhờ tiềm năng (Phật tánh). Năng lực của các cội gốc đức hạnh (8) xuất hiện nhờ sự kích hoạt của tiềm năng đó. Năng lực của việc nghiên cứu xuất hiện nhờ thuật ngữ Giáo pháp và những giải thích ý nghĩa của nó. Quen thuộc với đức hạnh ám chỉ điều xuất hiện nhờ những gì được nghiên cứu một cách kiên trì, được hiểu trực tiếp, được gắn bó một cách kiên định v.v.. trong cuộc đời này. Trong các năng lực ở trên, những gì xuất hiện trong sự hiện diện của các Đạo sư thì không lâu dài và những gì xuất hiện nhờ năng lực của nguyên nhân chính yếu và những năng lực khác thì lâu dài.

 

Về những nguyên nhân để Bồ đề tâm tuyệt đối sinh khởi, có câu nói rằng:

 

“Tâm này được coi là tuyệt đối bởi nó sinh khởi nhờ sự tỉnh giác nguyên sơ về các hiện tượng là vô-niệm; nó sinh khởi nhờ làm hài lòng chư Phật toàn giác bởi ta đã an lập một cách siêu việt những tích tập điều tốt lành và giác tánh nguyên sơ.”

 

Bồ đề tâm tuyệt đối này được phát triển nhờ những phẩm tính đặc biệt là sự căn cứ vào Kinh điển, sự thành tựu trong thực hành và chứng ngộ.

 

VI. NGUỒN MẠCH TỪ ĐÓ TA NUÔI DƯỠNG TÂM BỒ TÁT

 

Có hai cách để lập cam kết Bồ Tát: một cách liên quan đến một vị Thầy và một cách không có Thầy. Nếu không có chướng ngại cho cuộc sống hay cho sự thực hành thuần tịnh của ta, ta nên đi đến một vị Thầy. Khi đã có một vị Thầy, hãy đích thân nhận cam kết, cho dù vị Thầy ở xa. Các phẩm tính tiêu biểu của những vị Thầy như thế là:

 

* Thiện xảo trong nghi lễ truyền giới,

* Bản thân đã thọ nhận giới nguyện và đã trì giữ nó không bị hư hỏng,

* Có thể làm cho ta hiểu biết ý nghĩa của những thủ ấn và ngôn từ của nghi lễ và

* Là người chăm sóc các đệ tử với lòng từ ái và không vướng mắc vào vật chất.

 

Trong Ngọn Đèn Soi sáng Con Đường Giác ngộ có nói:

 

“Hãy nhận giới nguyện từ một Đạo sư tốt lành, là người có những đặc điểm vô cùng tuyệt hảo: một Đạo sự tốt lành nên được coi là người thiện xảo trong nghi lễ lập nguyện, là người mà bản thân trì giữ mọi giới nguyện được đòi hỏi và là người ban giới nguyện một cách kiên nhẫn và bi mẫn.”

 

Bồ Tát Địa nói:

 

“Những người nhờ thực hành lời cầu nguyện Bồ Tát, hòa hợp với Pháp, đã nhận giới nguyện, thiện xảo, biết cách truyền đạt ý nghĩa của những ngôn ngữ nghi lễ và biết cách làm cho đệ tử hiểu…”

 

Thậm chí nếu một Đạo sư như thế ở gần nhưng việc đi đến vị Thầy đó có thể gặp một vài chướng ngại cho cuộc sống hay sự thuần tịnh, ta có phương pháp “không có-Đạo sư” như sau: ta đứng trước một hình tượng của Như Lai và tụng đọc ba lần một cách chân thành những giới nguyện Bồ đề tâm nguyện hay Bồ đề tâm hạnh, bất kỳ điều gì thích đáng. Bằng cách đó ta thọ nhận Bồ đề tâm nguyện hay Bồ đề tâm hạnh. Vì thế trong Bồ Tát Địa có nói:

 

“Nếu không có một người như thế với những phẩm tính cần thiết, các Bồ Tát đến trước một hình

tượng của Như Lai và tự mình thệ nguyện một cách đúng đắn nhất về việc trì giữ giới hạnh Bồ Tát.”

 

Nếu không tìm được một vị Thầy cũng như hình tượng Phật, ta tụng những lời nguyện Bồ đề tâm nguyện hay Bồ đề tâm hạnh ba lần trước tập hội chư Phật và Bồ Tát mà ta thiền định như thực sự hiện diện trong không gian trước mặt ta. Vì thế Śiksâsamuccaya (Vun trồng Trái quả của Đức hạnh) nói:

 

“Ngoài ra, nếu không có một vị Thầy như thế, ta thiền định rằng chư Phật và Bồ Tát an trụ trong mười phương thực sự hiện diện. Ta nhận được giới nguyện bằng sức mạnh của Bồ đề tâm hạnh của ta.”

 

VII. NGHI LỄ THỌ NHẬN BỒ ĐỀ TÂM

 

Nhiều phương pháp và truyền thống thọ nhận giới nguyện Bồ Tát đã xuất hiện, tiến triển từ những kiểu giáo huấn riêng biệt của các dòng truyền thừa xuất phát từ các Đạo sư uyên bác vĩ đại. Mặc dù có nhiều truyền thống, chủ đề ở đây liên quan đến hai truyền thống chính: truyền thống của Đạo sư Santideva, thuộc dòng được truyền từ Đức Văn Thù xuống tới Đạo sư Long Thọ, và truyền thống của Đạo sư Dharmakirti của các dòng được truyền từ Đức Di Lặc tới Đạo sư Vô Trước.

 

Truyền thống của Đạo sư Santideva

 

Truyền thống này được truyền từ Đức Văn Thù xuống tới Đạo sư Long Thọ, có một nghi lễ gồm

ba giai đoạn, bao gồm việc chuẩn bị, thực sự ban các giới luật và sự kết thúc.

 

A. Sự chuẩn bị

 

Giai đoạn này gồm sáu phần:

* Cúng dường,

* Hối tiếc những sai lầm trong quá khứ,

* Tùy hỉ đức hạnh,

* Thỉnh cầu chư Phật giảng dạy Giáo pháp,

* Nguyện cầu chư Phật không từ bỏ thế gian và

* Hồi hướng những cội gốc của đức hạnh.

 

1. Cúng dường

 

Việc cúng dường được hiểu biết trong phạm vi của các đối tượng được cúng dường và những món cúng dường. Đối tượng được cúng dường là Tam Bảo. Bởi ta được dạy rằng dù các ngài có thực sự hiện diện trước mặt ta hay không thì công đức của việc cúng dường cũng như nhau, ta cúng dường cho các vị hiện diện và cho những vị không thực sự hiện diện. Vì thế Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Với một tâm thức tràn đầy niềm tin ta thực hiện những lễ cúng dường y áo v.v.. thực sự và trong trí tưởng tượng, cho chư Phật, để hoàn thành hai tích tập.”

 

Đối với các sự cúng dường thì có hai loại: cúng dường vật chất và cúng dường sự chứng ngộ. Những sự cúng dường có thể bị vượt qua – có hai loại: cúng dường vật chất và cúng dường sự chứng ngộ.

 

a. Những sự cúng dường vật chất: Loại cúng dường này bao gồm sự cúng dường các lễ lạy, lời tán thán, cúng dường vật chất một cách gọn gàng và sắp đặt theo trình tự đúng đắn cũng như cúng dường những món không của riêng ai. Những món cúng dường này có thể là những sự vật thực sự, có phẩm chất tốt, cũng như những tạo tác từ trí tưởng tượng của ta và sự cúng dường thân thể ta. Những sự cúng dường này có thể được nghiên cứu chi tiết trong những tác phẩm khác.

b. Cúng dường sự chứng ngộ: Loại cúng dường này bao gồm cúng dường thiền định Đại Ấn của các thân siêu phàm (9) và những khuynh hướng khác nhau xuất hiện từ các thiền định sâu xa của chư vị Bồ Tát.

 

Những sự cúng dường vô song có hai loại: những sự cúng dường liên quan đến ý niệm về các thực tại khách quan và những cúng dường không có các ý niệm như thế.

 

a. Những sự cúng dường được cụ thể hóa – đây là thiền định Bồ đề tâm, như có nói: “Người hiền trí và thiện xảo hoàn toàn quen thuộc với Bồ đề tâm. Đây là cúng dường tối thượng mà ta có thể thực hiện đối với chư Phật và các nam tử của ngài (chư vị Bồ Tát).”

b. Những sự cúng dường không được cụ thể hóa – thiền định trong sự vô ngã, cúng dường siêu việt. Trong chương nói về các giáo lý do vị trời trẻ tuổi Susthitamani thỉnh cầu nói:

 

“Nếu một vị Bồ Tát khát khao giác ngộ, cúng dường Đức Phật, đấng tối hảo trong loài người, một lượng hoa, hương, thực phẩm và nước uống tương đương với số cát trên bờ sông Hằng, cúng dường như thế trong mư ời triệu kiếp, và nếu một Bồ tát khác cúng dường việc nghiên cứu giáo lý về sự không hiện hữu của bản ngã, sự sống và tính cách (con người), cùng với kết quả thành tựu là có thể trải nghiệm sự trong trẻo thấu suốt – thì vị Bồ Tát sau thực hiện sự cúng dường tốt lành hơn.”

 

Trong “Kinh Sư tử Hống” nói:

 

“Không tạo lập các ý niệm hay mô tả là cúng dường Như Lai. Không lấy hay bỏ và thể nhập sự bất-nhị là cúng dường Như Lai. Các bằng hữu! bởi tính chất rốt ráo của Thân Như Lai không có thực chất, ta không cúng dường bằng cách coi thân đó là có thực chất”.

 

Điều này kết thúc tiết mục về sự cúng dường.

 

2. Giải trừ Hậu quả của những Sai lầm trong Quá khứ.

 

Nói chung tốt và xấu tùy thuộc vào động lực của tâm: tâm là chủ nhân, thân và ngữ là những người giúp việc của nó. Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo nói:

 

“Bởi tâm đi trước mọi sự nên người ta thường nói Tâm là chủ nhân.”

 

Vì thế khi tâm được thúc đẩy bởi một trạng thái ô nhiễm – tham, sân v.v.. ta có thể vi phạm năm sai lầm không thể cứu vãn được, năm sai lầm giống như các sai lầm đó hay mười ác hạnh hoặc ta có thể vi phạm các giới nguyện hay các hứa nguyện samaya sâu xa của ta hoặc có thể là ta xúi giục những người khác làm những việc như thế; mặc dù ta không đích thân làm những điều này, ta có thể hoan hỉ khi những người khác đang phạm vào những xấu ác giống như thế. Tất cả những động lực đi trước các hành động như thế được gọi là sai trái và bất thiện. Không chỉ những tà hạnh hiển nhiên đó mà ngay cả các hoạt động về Pháp chẳng hạn như nghiên cứu, suy niệm hay thực hành được thúc đẩy bởi một tâm thức chịu sự thống trị của tham, sân và những phiền não cũng trở thành bất thiện. Vì thế Vòng Hoa Quý báu của các Hệ thống Triết học Phật giáo nói:

 

“Bất kỳ điều gì được tạo nên bởi ba yếu tố - dục vọng/tham muốn, sân hận/căm ghét và vô minh – thì bất thiện. Mọi đau khổ đến từ sự bất thiện, các trạng thái thấp cũng đến từ đó.”

 

Ngoài ra, Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Từ bất thiện sẽ phát sinh đau khổ. Điều đúng đắn để làm cả ngày lẫn đêm và trong mọi hoàn cảnh là suy niệm một điều và chỉ một điều thôi: “Làm thế nào tôi có thể chắc chắn thoát khỏi đau khổ?.

 

Đây là lý do khiến ta phải sám hối mọi điều sai lầm trong quá khứ. Tuy thế liệu việc đương đầu với những sai lầm của ta có thực sự tịnh hóa chúng? Hoàn toàn chắc chắn! Kinh Đại Bát Niết Bàn nói:

 

“Mặc dù ta có thể vi phạm một sai lầm, một sự ân hận sau đó sẽ làm cho các sự việc được tốt đẹp, giống như cách những chất liệu quý báu làm phục hồi tính chất trong trẻo của nước hay như mặt trăng lấy lại vẻ sáng ngời của nó khi ra khỏi những đám mây” và

 

“Vì thế chính nhờ sự phơi bày (sám hối) những hành vi sai trái, với sự ân hận và không che dấu mà ta sẽ được tịnh hóa.”

 

Ta nên phơi bày những hành vi sai trái của ta bằng cách nào? Bằng cách áp dụng bốn năng lực. Về điều đó, Kinh Giảng dạy Bốn Phẩm tính nói:

 

“Di Lặc! Nếu một Bồ Tát Ma ha tát có bốn điều này, các vị ấy sẽ chiến thắng những xấu ác đã vi phạm và được củng cố (10). Bốn điều đó là gì? Đó là:

 

* Năng lực áp dụng triệt để sự chân thành hối tiếc,

* Năng lực áp dụng triệt để cách chữa trị,

* Năng lực từ bỏ ác hạnh và

* Năng lực hỗ trợ.”

 

2.1. Năng lực của việc áp dụng triệt để sự hoàn toàn hối tiếc

 

Đây là sự chân thành sám hối và vô cùng hối tiếc, trước sự hiện diện của các đối tượng quy y, về những sai lầm mà ta đã làm trong quá khứ. Ta có thể khơi dậy sự hối tiếc ra sao? Có ba cách:

a. Phát khởi sự hối tiếc bằng cách suy xét về sự vô ích,

b. Phát khởi sự hối tiếc bằng cách suy xét về nỗi sợ hãi và

c. Phát khởi sự hối tiếc bằng cách suy xét về nhu cầu cấp bách của sự tịnh hóa.

 

a. Hối tiếc bằng cách suy xét về sự vô ích

Ta quán chiếu: “Tôi đã phạm những điều sai lầm – đôi khi để điều phục kẻ thù, đôi khi để bảo vệ bằng hữu, đôi khi để nuôi dưỡng thân thể tôi và đôi khi để thâu thập của cải vật chất. Tuy nhiên, khi đến lúc phải đi sang cuộc đời khác, nghĩa là khi tôi chết, kẻ thù và bằng hữu, xứ sở, thân thể, tài sản và của cải của tôi sẽ không cùng đi với tôi. Chỉ có bóng tối của những điều sai trái và các che chướng do những ác hạnh tôi đã tạo ra là đi theo tôi: dù tôi tái sinh ở đâu thì những điều này cũng sẽ xuất hiện như những đao phủ.” Đây là lý do vì sao Kinh Gia chủ Palgyin Vấn thỉnh nói:

 

“Cha, mẹ, anh em, chị em, vợ chồng, người phục vụ, của cải và những người quen biết không thể đi cùng người chết mà chỉ có những hành động của họ cùng đi với họ và theo đuổi họ.” Cũng nói: “Khi nỗi khổ vĩ đại xuất hiện, con cái và vợ chồng không mang lại sự nương tựa. Một mình ta phải trải nghiệm nỗi thống khổ và họ không thể chia sẻ số phận của ta.”

 

Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Ta phải bỏ lại mọi sự. Không ý thức về điều đó, ta phạm nhiều sai lầm vì những người ta yêu quý và những người ta không thích. Tuy thế, những người ta thích sẽ thôi hiện hữu, những người ta không thích sẽ thôi hiện hữu và ngay cả bản thân ta cũng sẽ thôi hiện hữu: theo cách như thế mọi sự đi đến chỗ chấm dứt hiện hữu của chúng.”

 

Như thế ta đã phạm những sai lầm vì bốn điều: bằng hữu, kẻ thù, thân thể và của cải của ta. Bốn điều đó sẽ không ở với ta thật lâu dài nhưng vì họ ta đã làm những điều sai trái sẽ mang lại nhiều phiền não và ít ỏi lợi lạc. Khi suy niệm sự thật này, một sự thống hối lớn lao sẽ sinh khởi. Nếu ta suy xét rằng bởi những hành vi sai trái là việc tầm thường nên sẽ không có tổn hại nào thực sự đến với ta, ta nên suy niệm điều thứ hai.

 

b. Hối tiếc bằng cách quán chiếu về sự sợ hãi

Khi nghĩ: “Hậu quả của sự sai trái là nỗi sợ hãi,” ta sẽ cảm thấy hối tiếc. Những hành vi sai trái dẫn đến ba thời điểm chính của sự sợ hãi: sợ hãi trước khi chết, sợ hãi khi thực sự chết và sợ hãi sau khi chết. Trước khi chết, những người phạm các điều sai lầm sẽ kinh nghiệm những đau khổ không thể chịu đựng nổi, cảm thấy đau đớn đến tận xương tủy. Có câu nói:

 

“Khi nằm trên giường, có thể tôi được bằng hữu và những người thân thuộc vây quanh nhưng chính tôi và một mình tôi sẽ phải kinh nghiệm những cảm xúc của cuộc đời đi đến chỗ chấm dứt.”

 

Khi thực sự chết, kết quả của hành vi sai trái là sự sợ hãi. Ta kinh nghiệm các phái viên đen đúa và khủng khiếp của Thần Chết vung sợi thòng lọng lên và tròng vào cổ ta để dẫn ta tới địa ngục. Sau đó, những người khác cầm gậy, kiếm và đủ loại vũ khí, tra khảo và hành hạ ta bằng đủ mọi cách:

 

“Khi bị phái viên của Thần Chết tóm bắt, người thân thuộc có ích lợi gì? bằng hữu có ích lợi gì? Vào lúc đó chỉ công đức mới có thể là nơi trú ẩn nhưng công đức lại là điều tôi không có.”

 

Thư gởi một đệ tử nói:

 

“Khi đã khóa chặt sợi thòng lọng thời gian quanh cổ ta, các phái viên hung ác của Thần Chết thúc gậy và kéo ta đi.”

 

Nếu người nào đó nghĩ rằng tôi sẽ không sợ những phái viên của Thần Chết, người ấy nên quán chiếu như sau: “Khi đến lúc, ta sẽ được đưa đến một nơi, ở đó tứ chi bị chặt đứt, ta trở nên khiếp hãi, miệng khô khốc, mắt lồi ra và đỏ ngầu v.v…Làm sao diễn tả được sự kinh hoàng và những phản ứng của người bị nỗi sợ hãi kềm chặt khi thời gian của sự chuyển hóa (chết) đã đến và họ bị tóm chặt bởi những phái viên vô cùng khủng khiếp của Thần Chết, hiển lộ rõ ràng như thể bằng xương bằng thịt.” Là một kết quả của hành vi sai trái, ta cũng có nỗi sợ sau khi chết. Khi ta đã đi xuống địa ngục vĩ đại, ta kinh nghiệm những đau khổ không thể chịu đựng nổi của việc bị nấu sôi, bị thiêu đốt v.v.. và vì thế thật vô cùng khủng khiếp:

 

“Việc xem những mô tả về các địa ngục, nghe nói về chúng, nhớ lại những gì ta đã nghe về chúng, đọc sách về chúng và nhìn thấy những kiểu mẫu của chúng khiến ta rùng mình sợ hãi – thì cần nói gì đến việc ta sẽ ra sao khi thực sự kinh nghiệm hậu quả không thể chịu đựng nổi của những hành vi của ta và khi ta bị tái sinh ở đó.”

 

Như thế ta sẽ đi tới chỗ hối tiếc về hành vi sai trái bằng sự hiểu biết nỗi sợ khủng khiếp do đó mà có.

 

c. Hối tiếc bằng việc nhận ra tính chất cấp bách của sự tịnh hóa

Nếu ta nghĩ rằng chắc chắn là có đủ thời gian để chỉnh sửa những hành vi sai trái của ta vào một lúc nào đó sau này, ta cần nhận ra rằng sẽ chẳng có đủ thời gian và ta cần tịnh hóa một cách khẩn cấp. Vì sao? Đó là bởi rất có thể là cái chết sẽ đến trước khi những sai lầm của ta được tịnh hóa. Có câu nói rằng”

 

“Với sự vô cùng cấp bách con khẩn cầu nơi quy y (nương tựa) để chắc chắn được giải thoát khỏi những tà hạnh của con, bởi rất có thể cái chết sẽ xảy ra trước khi những tà hạnh này được tịnh hóa.”

 

Nếu ta nghĩ rằng vì một lý do nào đó ta sẽ không chết trước khi các tà hạnh được tịnh hóa thì ta nên suy xét điều này: Thần Chết sẽ hoàn toàn không bận tâm về việc có bao nhiêu tà hạnh đã được tịnh hóa hay chưa được tịnh hóa – ông ta sẽ lấy đi mạng sống của ta bất kỳ khi nào có cơ hội; thời gian cái chết của ta thì không xác định. Vì thế có câu nói rằng:

 

“Là sai lầm khi cảm thấy vô cùng xác tín. Cái chết của tôi sẽ không chờ tôi hoàn thành những điều tôi phải làm. Đối với cuộc đời phù du này thì chẳng có gì là chắc chắn với bất kỳ ai – dù đó là người mạnh khỏe hay bệnh tật.”

 

Bởi những người không nhận ra sự bất định của thọ mạng rất có khả năng là sẽ chết mà không tẩy sạch các ác hạnh của họ, ta nên tịnh hóa mọi sai lầm càng sớm càng tốt. Nguy cơ của cái chết thì rất thật, vì thế ta nên phát khởi sự hối tiếc lớn lao về những tà hạnh ta đã phạm. Khi sự ăn năn hối tiếc đã được khơi dậy bằng ba suy niệm được mô tả ở trên, ta nên thừa nhận các tà hạnh và khẩn cầu được tịnh hóa trước các nguồn mạch thông thường hay đặc biệt (11).

 

“Như thế năng lực của sự ăn năn hối lỗi sẽ tịnh hóa các tà hạnh, giống như một người không đủ khả năng trả một món nợ cho một người giàu có, có thể tha thiết cầu xin người ấy xóa nợ cho mình.”

 

Xưa kia có một người xấu được gọi là “Vòng Hoa Ngón tay” (Angulîmâla). Mặc dù ông đã phạm những ác hạnh trầm trọng – giết 999 người – ông đã thành công trong việc tịnh hóa những lỗi lầm của mình và đạt được trạng thái A La Hán bằng cách thực hành năng lực áp dụng triệt để sự hoàn toàn hối tiếc này:

 

“Những người trước kia không cẩn trọng nhưng về sau tu tập sự nghiêm cẩn, họ trở nên sáng ngời, như vầng trăng tuyệt đẹp ra khỏi những đám mây – là trường hợp của Nanda, Angulîmâla, Ajâtashatru (A Xà Thế) và Udayana.”

 

2.2 Năng lực của sự áp dụng triệt để cách chữa trị

 

Các thiện hạnh là phương thuốc chữa trị các ác hạnh. Chúng sẽ tiêu diệt các bất tịnh. Vì thế A tỳ đạt ma Tập luận nói:

 

“Các hành động với năng lực đối trị sẽ ngăn ngừa các ác hạnh tương ứng không trổ quả xấu, bởi khả năng chữa lành của chúng chuyển hóa hậu quả thành cái gì khác.”

 

Trong Kho báu của các Đức Như Lai có nói rằng việc nuôi dưỡng sự tỉnh giác về tánh Không tịnh hóa các ác hạnh. Kinh Kim Cương nói rằng các ác hạnh sẽ được tịnh hóa bằng việc tụng đọc Kinh điển. Trisamayavyûharâja (Mật điển Vua Nói Ba Lời thệ nguyện) và Subâhupariprcchâ tantra (Mật điển Subahu Vấn thỉnh) nói rằng các ác hạnh sẽ được tịnh hóa bằng cách tụng các chân ngôn. Pushpakûta nâmadhâranî nói rằng các lỗi lầm sẽ được tịnh hóa bằng cách cúng dường bảo tháp của các Đức Như Lai. Cũng có nói trong tiết mục về các hình tượng Phật rằng việc tạo lập các hình tượng của Như Lai sẽ tịnh hóa các ác nghiệp. Ở một chỗ khác có nói rằng việc lắng nghe giáo lý, đọc hay chép toàn bộ các Kinh điển v.v.. – bất kỳ điều gì ta cảm thấy là tốt nhất – cũng sẽ tịnh hóa các ác hạnh. Vinayâgamotta-viśesâgama-prashnavrtti (Kinh Giới luật) nói:

 

“Những người đã phạm ác hạnh nhưng sau đó tiêu trừ nó bằng đức hạnh sẽ chói ngời trong thế giới này như mặt trời hay mặt trăng ra khỏi các đám mây.”

 

Ta có thể tự hỏi về điều này, nghĩ rằng: “Nếu việc dấn mình vào thiện hạnh là cách đối trị ác hạnh thì ta phải thực hiện một số lượng thiện hạnh tương đương với số ác hạnh ta đã làm? Không phải thế. Kinh Đại Bát Niết Bàn dạy ta rằng:

 

“Thậm chí một thiện hạnh duy nhất cũng chiến thắng nhiều ác hạnh,” và

“Giống như một chày kim cương nhỏ có thể hủy diệt một ngọn núi hay một ngọn lửa nhỏ có thể thiêu rụi cả một khu rừng hay một ít thuốc độc có thể giết những chúng sinh, cũng thế, một thiện hạnh nhỏ bé có thể chiến thắng một ác hạnh to lớn; nó vô cùng hiệu quả!”

 

Survanaprabhâsottamasûtra (Kinh Ánh sáng Hoàng Kim) giảng:

 

“Những người có thể phạm các ác hạnh không thể chấp nhận được trong một ngàn kiếp, nhưng nếu họ hoàn toàn sám hối những tội lỗi ấy một lần duy nhất, hành động này sẽ tịnh hóa mọi sai lầm của họ.”

 

Có câu nói rằng: “Vì thế các ác hạnh sẽ được tịnh hóa bằng năng lực của sự áp dụng triệt để những cách chữa trị. Điều này giống như việc một người bị rơi xuống một đầm lầy hôi thối nhưng khi ra khỏi đầm, họ tẩy tịnh bằng cách tắm rửa và xức dầu thơm.”

 

Xưa kia có một nam tử của một người quý phái tên là Udayana. Mặc dù đã giết mẹ của mình nhưng nhờ năng lực của việc áp dụng triệt để cách chữa trị, Udayana tịnh hóa bản thân, được tái sinh làm một vị trời và đạt được quả vị “Nhập Lưu”.

 

“Những người trước kia không cẩn trọng nhưng về sau tu tập sự nghiêm cẩn, họ trở nên sáng ngời, như vầng trăng tuyệt đẹp ra khỏi những đám mây – là trường hợp của Nanda, Angulîmâla, Ajâtashatru (A Xà Thế) và Udayana.”

 

2.3. Năng lực của việc từ bỏ ác hạnh

 

Lo sợ về vô số hậu quả của các hành động của ta, từ nay về sau ta sẽ thôi làm các điều ác: “Con khẩn cầu các đấng dẫn dắt nhân loại, xin giải trừ những ác hạnh con đã phạm. Những ác hạnh quả là xấu xa; con sẽ không bao giờ tái phạm.” Có câu nói: “Năng lực của việc từ bỏ ác hạnh sẽ tịnh hóa các ác hạnh, giống như việc làm trệch hướng dòng chảy của một con sông đang đe dọa một thị trấn.”

 

Thuở xưa có một người tên là Nanda rất mê đắm phụ nữ. Mặc dù ông đã phạm những sai lầm, nhờ thực hành năng lực từ bỏ ác hạnh này, các lỗi lầm của ông được tịnh hóa và ông đạt được trạng thái của một A La Hán.

“Những người trước kia không cẩn trọng nhưng về sau tu tập sự nghiêm cẩn, họ trở nên sáng ngời, như vầng trăng tuyệt đẹp ra khỏi những đám mây – là trường hợp của Nanda, Angulîmâla, Ajâtashatru (A Xà Thế) và Udayana.”

 

2.4. Năng lực của sự hỗ trợ

 

Năng lực này đến từ việc quy y và phát triển Bồ đề tâm. Việc tìm kiếm sự che chở nơi Tam Bảo sẽ tịnh hóa các ác hạnh. Trong Sûkarikâvadâna (Biểu lộ sự Chứng ngộ của Sukari) có nói:

 

“Những người quy y Tam Bảo sẽ không bị sinh trong những trạng thái đau khổ. Sau khi để lại thân khả tử này, họ sẽ đạt được những thân thể siêu phàm.”

 

Kinh Đại Bát Niết Bàn nói:

 

“Người tìm kiếm sự nương tựa nơi Tam Bảo sẽ đạt được sự vô úy.”

 

Việc phát triển Bồ đề tâm sẽ tịnh hóa các ác hạnh. Kinh Hoa Nghiêm nói:

 

“..Sẽ chấm dứt mọi hành động bất thiện, giống như chôn vùi chúng vĩnh viễn, và sẽ thiêu rụi mọi điều xấu ác, giống như lửa lúc chấm dứt thời kiếp.”

 

Bồ Tát Hạnh cũng dạy chúng ta:

 

“Sự hỗ trợ của người mạnh mẽ và vô úy có thể giải thoát ta khỏi sự sợ hãi. Tương tự như thế, người được hỗ trợ như thế sẽ nhanh chóng được giải thoát, mặc dù họ có thể phạm những sai lầm không thể chấp nhận được. Làm sao họ có thể không quan tâm đến việc nương tựa những người như thế?”

 

Vì thế năng lực hỗ trợ tịnh hóa các lỗi lầm. “Sự hỗ trợ của sự quy y (nương tựa) có thể so sánh với sự hỗ trợ của một người mạnh mẽ giúp đỡ các môn đồ yếu đuối. Sự hỗ trợ của việc phát triển Bồ đề tâm có thể so sánh với sự trung hòa một độc chất mạnh mẽ bằng việc trì tụng chân ngôn thích hợp.”

Thuở xưa có một hoàng tử trên là Ajâtashatru (A Xà Thế) phạm trọng tội giết cha mẹ. Tuy nhiên ông đã được tịnh hóa bằng năng lực hỗ trợ và trở thành một Bồ Tát.

 

“Những người trước kia không cẩn trọng nhưng về sau tu tập sự nghiêm cẩn, họ trở nên sáng ngời, như vầng trăng tuyệt đẹp ra khỏi những đám mây – là trường hợp của Nanda, Angulîmâla, Ajâtashatru (A Xà Thế) và Udayana.”

 

Bởi mỗi một trong bốn năng lực trên có thể tịnh hóa các ác hạnh thì cần gì phải nhắc đến sự hiệu quả khi cả bốn năng lực trên cùng được sử dụng. Trong thực hành thực sự, những người thừa nhận và sửa chữa lỗi lầm của mình theo những phương pháp được giảng ở trên sẽ kinh nghiệm các dấu hiệu về sự tịnh hóa trong các giấc mơ của họ. Điều đó được giảng trong Cundhadhâranî (Khẩn cầu Đà-rani):

 

“Các giấc mơ sau đây là những dấu hiệu của việc thoát khỏi các lỗi lầm: mửa ra thực phẩm xấu hay uống sữa hay sữa chua v.v..; nhìn thấy mặt trời và mặt trăng; bay trên không trung; nhìn thấy một ngọn lửa chói lọi; thấy con trâu; thấy một người uy lực da ngăm đen hay một tập hội tăng hay ni; thấy một cây sinh ra sữa; thấy các con voi hay bò đực mạnh mẽ; ngồi trên một ngọn núi; một ngai sư tử hay mái của một lâu đài; nghe giảng dạy Pháp v.v..”

 

Điều này kết thúc giảng dạy về sự phơi bày (sám hối) các ác hạnh.

3. Tùy hỉ Đức Hạnh

 

Ta nên nuôi dưỡng một nhận thức hoan hỉ về tất cả những thiện hạnh của chúng sinh khắp ba thời (12). Ta suy niệm, nghĩ rằng:

 

“Con tùy hỉ mọi cội gốc đức hạnh được thiết lập bởi mỗi một trong vô số đấng giác ngộ không thể nghĩ bàn xuất hiện trong quá khứ, đầy khắp thế giới, từ cội gốc đức hạnh của việc phát triển Bồ đề tâm trước hết của các ngài cho đến khi các ngài đạt được sự toàn giác, nhờ việc thâu thập hai tích tập (13) và tịnh hóa hai che chướng (14). Hơn nữa, con tùy hỉ mọi cội gốc đức hạnh được tạo lập sau khi các ngài giác ngộ, từ lúc các ngài chuyển Pháp luân (15) để làm thuần thục những người đã sẵn sàng thọ nhận giáo huấn cho đến khi các ngài thị hiện việc từ bỏ thế giới đau khổ. Con cũng tùy hỉ cội gốc đức hạnh được tạo nên bởi những việc giảng dạy của các ngài từ lúc các ngài nhập niết bàn (16) cho đến khi giáo lý biến mất, cũng như tùy hỉ mọi đức hạnh được tạo nên bởi tất cả Bồ Tát xuất hiện trong thời gian chuyển tiếp trước khi vị Phật kế tiếp xuất hiện. Ngoài ra, con cũng tùy hỉ mọi đức hạnh được tạo nên bởi các vị Phật Độc giác thành tựu đã xuất hiện và tùy hỉ mọi đức hạnh của các vị Thanh Văn đã xuất hiện. Ngoài ra, con tùy hỉ đức hạnh được tạo nên bởi những người bình thường.”

 

Bằng cách suy niệm một cách hoan hỉ theo cách trên, ta trau dồi sự nhận thức sâu sắc. Tương tự như thế, ta nuôi dưỡng những tư tưởng tương tự với sự tôn kính các thiện hạnh được thực hiện trong hiện tại và những thiện hạnh sẽ được thực hiện trong tương lai. Trong mỗi trường hợp ta tu

tập trong khi trau dồi nhận thức một cách hoan hỉ. Như có nói:

 

“Con tùy hỉ sự Giác ngộ của Chư Phật, các đấng Bảo hộ của chúng con và cũng tùy hỉ các mức độ thành tựu của chư Bồ Tát, những vị thừa kế tâm linh của các Đấng Chiến Thắng.”

 

4. Thỉnh Chuyển Pháp Luân

 

Trong mười phương thế giới (17) có nhiều vị Phật không giảng dạy Pháp. Nghĩ tưởng đến các ngài, ta khẩn cầu Giáo pháp được giảng dạy: “Con chắp tay khẩn cầu chư Phật khắp mười phương, xin thắp sáng ngọn đuốc Pháp cho tất cả chúng sinh bị đắm chìm trong bóng tối của đau khổ.” Điều đó đã được nói như thế (18).

 

5. Khẩn cầu chư Phật không Rời bỏ các Thế giới Khổ đau để Nhập Niết bàn

 

Vào lúc này có các vị Phật trong mười phương thế giới đang ở thời điểm nhập Niết bàn – để làm cho những người tin ở sự thường hằng từ bỏ những nhận thức sai lầm của họ và để tạo sự tinh tấn cho những người lười biếng. Với những điều này trong tâm, ta khẩn cầu các ngài không siêu vượt các thế giới khổ đau:

 

“Con chắp tay khẩn cầu các Đấng Chiến Thắng đang nghĩ đến việc bỏ lại các thế giới đau khổ, xin các ngài đừng rời bỏ tất cả chúng sinh đang ở trong vô minh tăm tối mà vẫn an trụ với họ trong vô số kiếp.”

 

6. Hồi hướng các Cội gốc Đức hạnh

 

Ta hồi hướng tất cả những cội gốc đức hạnh trước đây để chúng có thể giải trừ những đau khổ của tất cả chúng sinh và có thể trở thành nguyên nhân cho việc thành tựu của họ:

“Nguyện tất cả những thiện hạnh như thế và mọi đức hạnh tôi đã tích tập quét sạch những khổ đau của tất cả chúng sinh.”

Mục này và những mục trên kết thúc việc giảng về giai đoạn chuẩn bị của nghi lễ thọ giới nguyện Bồ Tát.

 

B. Nghi lễ thực sự

 

Theo Vun trồng Trái quả của Đức hạnh, khi Đức Văn Thù là Vua Amba, ngài thọ những cam kết Biệt giải thoát và Bồ Tát cùng một lúc từ Đức Phật “Giai điệu của Sấm sét”. Cách thức của ngài được dùng để thực hiện cam kết thực sự:


“Bao giờ sanh tử không có lúc bắt đầu này còn tồn tại, con sẽ hoàn thành vô lượng công hạnh để làm lợi lạc tất cả chúng sinh. Trước Đức Phật, vị bảo hộ của thế giới, con hiến dâng tâm con cho sự giác ngộ siêu việt.”

 

Những lời này được lập lại ba lần. Ngoài ra, ta có thể nhận các giáo huấn Bồ đề tâm bằng cách tụng theo Bồ Tát Hạnh:

 

“Giống như các Đấng Thiện Thệ (19) trong quá khứ đã vun trồng tâm thức của các ngài hướng về giác ngộ siêu việt, con cũng sẽ dần dần tiến bộ nhờ việc tu tập Bồ Tát. Tương tự như thế, khi đã cam kết đạt được giác ngộ để làm lợi lạc chúng sinh, con cũng sẽ từng bước tu tập những giới luật thích đáng.”

 

Điều này được lập lại ba lần. Nếu ta muốn thọ Bồ đề tâm nguyện và Bồ đề tâm hạnh một cách riêng rẽ thì ta tụng những lời có liên quan với phương diện mà ta muốn thực hiện. Điều này kết thúc nghi lễ thực sự.

 

C. Kết thúc nghi lễ

 

Ta nên cúng dường để tạ ơn Tam Bảo và phát khởi tâm vô cùng hoan hỉ bằng cách suy xét lợi lạc vô cùng to lớn đã được thành tựu.

“Khi những người hữu duyên đã thọ hứa nguyện Bồ đề tâm với niềm tin tròn đầy và trong sáng, để phát triển tâm này, người ấy nên nâng cao tâm thức của họ một cách hoan hỉ theo cách này.”

Như thế truyền thống của Đạo sư Santideva đã được giảng dạy qua sự chuẩn bị, nghi lễ thực sự và sự kết thúc.

Truyền thống của Đạo sư Dharmakirti

 

Đây là cách dòng truyền từ Đức Di Lặc xuống tới Đạo sư Vô Trước. Nó gồm hai phần: giới nguyện Bồ đề tâm nguyện và giới nguyện Bồ đề tâm hạnh.

 

Giới nguyện của Bồ đề tâm nguyện

 

Việc sinh khởi Bồ đề tâm nguyện gồm ba giai đoạn: chuẩn bị, nghi lễ thực sự và sự kết thúc.

 

A. Chuẩn bị

Giai đoạn này cũng có ba phần: khẩn cầu, củng cố (20) các tích tập và quy y đặc biệt.

 

1. Khẩn cầu

 

Người muốn hiến mình cho sự giác ngộ nên đi đến một vị Thầy tâm linh đầy đủ phẩm tính và kính lễ ngài. Vị Thầy ban một vài giáo huấn, và nhờ giáo huấn của ngài mà người thỉnh cầu thấm nhuần sự chán ngán sinh tử, khiến người ấy kinh nghiệm lòng bi mẫn, khát khao giác ngộ và tăng trưởng lòng tôn kính và sùng mộ đối với Tam Bảo và các Đạo sư. Sau đó thể thức dưới đây được lập lại sau vị Thầy:

 

“Xin Thầy nghĩ đến con với thiện tâm. Giống như các Đức Như Lai, các Đấng Giải thoát, Các Đấng Chiến Thắng và Thành tựu Viên mãn trong quá khứ trước hết phát khởi khát khao đạt được giải thoát chân thật và viên mãn, và cũng như chư Bồ Tát hiện tại thực sự được an lập trong các quả vị Bồ Tát, bằng cách thức tương tự, con là……..(xưng tên) khẩn cầu Đạo sư, xin khơi dậy trong con năng lực cốt tủy để đạt được giác ngộ vĩ đại, vô song, chân thật và viên mãn.”

 

2. Củng cố các tích tập

 

Trước hết, ta nên lễ lạy Đạo sư hiếm có và cao quý. Kế đó ta dâng các món cúng dường vật chất mà ta đã chuẩn bị cho cơ hội này và những món cúng dường bằng cách quán tưởng v.v.. Ta được dạy rằng giới nguyện getsul (sramanera – Sa Di) được thọ nhận từ một khempo cùng với một vị Thầy, các giới nguyện gelong (bhikkhu - Tỳ Kheo) được nhận từ Tăng đoàn và hai phương diện của cam kết Bồ đề tâm được thành tựu nhờ sự tích tập đức hạnh. Sẽ không thích đáng nếu người giàu có mà cúng dường nghèo nàn; một người như thế nên thực hiện một lễ cúng dường vĩ đại. Trong quá khứ có một vài Bồ Tát vô cùng giàu có đã thực hiện những sự cúng dường vĩ đại. Thậm chí đã có một vài vị, khi phát khởi Bồ đề tâm, đã nguyện cúng dường rộng lớn đến mười triệu tủ sách Pháp. Kinh Hiền Kiếp dạy ta:

 

“Khi Đức Như Lai Drajin là một Chuyển Luân Vương của cõi Diêm Phù Đề, lần đầu tiên ông phát khởi Bồ đề tâm trong khi cúng dường mười triệu tủ sách Pháp cho Như Lai Dawai Tok.”

 

Tuy nhiên, đối với những người không giàu có thì cúng dường chút ít cũng là đủ. Trong quá khứ, một vài Bồ Tát nghèo đã cúng dường thật đơn giản; thậm chí có một vài vị đã phát khởi Bồ đề tâm khi cúng dường một cây nến thô sơ làm bằng những lá cỏ khô.

 

“Khi Như Lai Ánh sáng Chói ngời cư trú trong một thành thị, lần đầu tiên ngài phát khởi Bồ đề tâm trong khi cúng dường một ‘nến’ cỏ cho Như Lai Vô Tận.”

 

Người không có chút sở hữu nào thậm chí không cần cúng dường vật chất. Chỉ ba lễ lạy là đủ. Trong quá khứ có một vài Bồ Tát không có gì hết và phát khởi Bồ đề tâm khi chắp tay kính lễ ba lần. “Đức Như Lai Yonten Trengden kính lễ Như Lai Jiden Shu bằng cách chắp tay chào ba lần khingài phát khởi Bồ đề tâm lần đầu tiên.”

 

3. Quy y đặc biệt

 

Cách quy y này được thọ nhận như đã được giải thích trong một chương trước đây

 

B. Nghi lễ chính thức

 

Vị Thầy nên hướng dẫn người thọ giới như sau: “Nơi nào có không gian, nơi đó có chúng sinh. Nơi nào có chúng sinh, nơi đó có phiền não. Nơi nào có phiền não, nơi đó có ác nghiệp và nơi nào có ác nghiệp, nơi đó có đau khổ. Tất cả những chúng sinh bị khổ đau vây khốn thực sự là những cha mẹ của ta; tất cả những cha mẹ từng vô cùng tốt lành đối với chúng ta. Tất cả những cha và mẹ trước đây vô cùng tốt lành hiện đang đắm chìm trong đại dương đau khổ, chịu đựng những đau khổ mênh mông vô hạn. Không có người che chở và không nơi nương tựa, họ trải qua những gian khổ khủng khiếp và đau đớn ghê gớm. Khi nghĩ: “Giá như họ có thể tìm được hạnh phúc; giá như họ có thể thoát khỏi đau khổ,” hãy để tâm bạn nghỉ ngơi một lát trong lòng từ và bi.”

 

“Hãy nghĩ: ‘Vào lúc này tôi không có năng lực để giúp đỡ những chúng sinh này. Vì thế, để có thể giúp đỡ họ, tôi sẽ thành tựu “sự giác ngộ thuần tịnh và viên mãn” – sự chấm dứt mọi sai lầm, sự toàn thiện mọi phẩm tính, năng lực để thành tựu lợi lạc to lớn của tất cả chúng sinh, dù họ có nhiều đến đâu chăng nữa.’ Hãy nghỉ ngơi tâm bạn một lát trong những tư tưởng này.”

 

Sau đó, ta lập lại thể thức sau đây ba lần, sau vị Thầy:

 

“Tất cả chư Phật và Bồ Tát khắp mười phương, xin khẩn cầu các ngài nghĩ tưởng đến con. Con tên là….nhờ cội gốc đức hạnh mà con đã tích tập trong những đời trước nhờ thực hành bố thí, trì giới và thiền định, nhờ cội gốc đức hạnh mà con đã khuyến khích những người khác thực hành và nhờ cội gốc đức hạnh mà con đã tùy hỉ thiện hạnh của người khác, phát nguyện đạt được giác ngộ vô song, thuần tịnh và viên mãn, cùng cách thế mà các Đức Như Lai, chư Phật Thuần tịnh và Viên mãn, các Đấng Chiến Thắng Giải thoát và Thành tựu Viên mãn trong quá khứ đã thệ nguyện đạt được giác ngộ thuần tịnh, viên mãn và vĩ đại và cũng như chư vị Bồ Tát thuộc mọi cấp độ đã làm.

Tương tự như thế, con tên là……từ nay cho đến khi con đạt được tinh túy giác ngộ, con sẽ nuôi dưỡng tâm giác ngộ viên mãn, vô song để cứu giúp những chúng sinh bị mang sang bên kia, để giải thoát những chúng sinh không giải thoát, để những người đang giữ hơi thở buông thả nó và để những người chưa hoàn toàn vượt qua đau khổ hoàn toàn siêu vượt nó.”

 

Giới nguyện được thọ nhận bằng cách lập lại sau vị Thầy những lời trên. Ý nghĩa của những lời ở trên như sau:

* Những chúng sinh bị mang sang bên kia là những chúng sinh địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh, bởi

họ chưa vượt qua đại dương đau khổ của luân hồi sinh tử.

* Cứu giúp họ nghĩa là giải thoát họ khỏi những đau khổ của ba trạng thái thấp và an lập họ trong những trạng thái cao khiến họ có thể tiếp tục ở trong cõi người hay trời.

* Những chúng sinh không giải thoát là loài người và các vị trời, bởi họ chưa thoát khỏi sự trói buộc của các phiền não giống như xiềng xích.

* Giải thoát nghĩa là khiến họ thoát khỏi sự trói buộc của những phiền não bằng cách an lập họ trên con đường giải thoát khiến họ có thể đạt được giải thoát.

* Những người chưa để cho hơi thở của họ thoát ra là những Thanh Văn và Phật Độc giác, bởi họ chưa buông xả vào con đường Đại thừa

* Những người chưa hoàn toàn vượt qua đau khổ là những Bồ Tát, bởi các ngài chưa đạt được niết bàn không bám rễ trong sinh tử mà cũng không bám rễ trong an bình.

* Để là cam kết đạt được Phật quả để có thể thành tựu tất cả những mục đích trên.

 

C. Kết thúc

 

Hãy nuôi dưỡng sự hoan hỉ lớn lao, nghĩ rằng một điều vĩ đại và ích lợi đã được thành tựu, và hãy tụng những lời cầu nguyện phù hợp với những giáo huấn của vị Thầy (21). Như thế người đã phát triển hứa nguyện Bồ đề tâm ban đầu được gọi là một Bồ Tát. Một vị Bồ Tát có ước nguyện thành tựu giác ngộ để làm lợi lạc chúng sinh và ước muốn giải thoát chúng sinh một khi giác ngộ đã được thành tựu. Tiêu điểm của ý hướng bao gồm sự giác ngộ và hạnh phúc của chúng sinh. Vì hai mục đích này, các Bồ Tát có sự quyết tâm, can đảm và trong sáng. Điều này kết thúc nghi lễ truyền thống để sinh khởi ước nguyện đạt được giác ngộ siêu việt.

 

Giới nguyện của Bồ đề tâm hạnh

 

Thực hành này cũng có ba giai đoạn: chuẩn bị, nghi lễ thực sự và sự kết thúc.

 

A. Chuẩn bị

 

Giai đoạn này có mười phần:

* Đệ tử thỉnh cầu,

* Vị Thầy hỏi han về những chướng ngại nói chung có thể có cho việc thọ nhận giới nguyện,

* Vịị Thầy giảng về những nguyên nhân trầm trọng nhất của việc vi phạm giới nguyện,

* Vị Thầy nói về những hậu quả xấu của việc để cho giới nguyện suy thoái,

* Và về những kết quả tốt do việc trì giữ nó,

* Các tích tập được củng cố,

* Vị Thầy hỏi han về những chướng ngại cụ thể (cho việc thọ nhận giới nguyện),

* Khuyến khích người thỉnh cầu,

* Khuyến khích động lực đặc biệt nơi người thỉnh cầu và

* Ban một vài giáo huấn tóm tắt.

 

B. Nghi lễ thực sự

 

Để khơi dậy nơi người thỉnh cầu một thái độ đúng đắn cho việc thọ nhận giới nguyện này, vị Thầy nói:

“Đứa con tốt lành, con có muốn nhận những giới nguyện dưới đây từ ta, Bồ Tát……… và tuân theo những gì là nền tảng của việc tu tập và giới hạnh của tất cả chư vị Bồ Tát trong quá khứ, nhờ những điều đó các ngài đã thành tựu việc tu tập; tuân theo những gì sẽ là nền tảng của việc tu tập và giới hạnh của tất cả chư vị Bồ Tát trong tương lai, nhờ những điều đó các ngài sẽ tu tập; và tuân theo những gì sẽ là nền tảng của việc tu tập và giới hạnh của tất cả chư vị Bồ Tát đang hiện diện trong thế giới này?”

 

Điều này được hỏi ba lần và cả ba lần đều được người thỉnh cầu đồng ý.

 

C. Kết thúc

 

Việc kết thúc có bốn phần. Sau khi đã khẩn cầu vị Thầy nghĩ tưởng đến ta một cách tốt lành:

* Ngài ban một giải thích về những lợi lạc của việc có sự quán chiếu trí tuệ siêu việt,

* Ngài giảng về việc đừng để cho người khác biết về giới nguyện mà trước hết ta không suy xét xem người ấy có thích hợp hay không,

* Ngài ban một giáo huấn ngắn gọn liên quan đến giới nguyện và

* Cúng dường cho vị Thầy để thể hiện lòng biết ơn đối với thiện tâm của ngài. Sau đó là hồi hướng công đức.

Điều này kết thúc sự giảng nghĩa về giới nguyện của thực hành Bồ Tát và vì thế kết thúc sự giải

thích về việc thọ nhận Bồ đề tâm hạnh theo truyền thống của Dharmakirti.

 

VIII. NHỮNG LỢI LẠC CỦA VIỆC PHÁT TRIỂN BỒ ĐỀ TÂM

 

1. NHỮNG LỢI LẠC CÓ THỂ HÌNH DUNG ĐƯỢC

 

Có hai loại: lợi lạc phát sinh từ Bồ đề tâm nguyện và những lợi lạc phát sinh từ Bồ đề tâm hạnh.

 

1a. Những Lợi lạc có thể hình dung được phát sinh từ Bồ đề tâm nguyện.

Có tám lợi lạc:

i. Ta sẽ gia nhập Đại thừa,

ii. Giới nguyện sẽ là nền tảng cho mọi phương diện khác của việc tu tập Bồ Tát,

iii. Hoàn toàn tiệt trừ mọi lỗi lầm,

iv. Cội gốc vô song này sẽ tự bắt rễ vững chắc trong sự giác ngộ,

v. Ta sẽ đạt được công đức vô song,

Vi. Ta sẽ làm hài lòng tất cả chư Phật,

vii. Mọi chúng sinh sẽ được lợi lạc và

viii. Ta sẽ nhanh chóng thành tựu Phật quả chân thực và viên mãn.

 

i. Mặc dù một người có thể có công hạnh hết sức tuyệt hảo, nếu người đó không phát khởi Bồ đề

tâm thì người đó chưa đi vào Con Đường Lớn (Đại thừa). Nếu người ấy không đi vào Đại thừa, họ sẽ không thể đạt được Phật quả. Người đã phát khởi tâm Bồ Tát là đã trở thành một người Đại thừa. Vì thế Bồ Tát Địa nói:

 

“Ngay khi năng lực này được đánh thức, ta đi vào Đại thừa, con đường lớn dẫn đến giác ngộ vô song.”

 

ii. Nếu người không có ước nguyện, khát khao đạt được giác ngộ, việc tuân giữ ba phương diện của giới hạnh (22) được gọi là tu tập Bồ Tát sẽ có giá trị ít ỏi. Tuy nhiên, đối với người có ước nguyện đạt được giác ngộ, việc tuân theo ba giới hạnh và tu tập những giới hạnh đó tạo thành nền móng đích thực để làm những gì cần thiết cho việc hoàn thành ước nguyện của họ. Bồ Tát Địa nói:

 

“Việc phát khởi thái độ này là nền tảng cho mọi tu tập của các Bồ Tát.”

 

iii. Đức hạnh là phương thuốc chữa trị những điều sai trái trước đây. Đức hạnh tuyệt hảo trong mọi đức hạnh là tâm Bồ Tát (Bồ đề tâm). Vì thế, khi phương thuốc này được áp dụng, nó sẽ tiêu diệt mọi yếu tố bất lợi.

 

“Bùng cháy dữ dội như ngọn lửa vào lúc chấm dứt thời kiếp, tâm thức này sẽ thiêu rụi một cách

chắc chắn và tức thời những sai lầm vô cùng to lớn.”

 

iv. Khi nước – lòng từ và bi – làm ẩm ướt mặt đất – là tâm thức của một chúng sinh – và khi cội gốc – tâm được an lập trên sự giác ngộ - được bắt rễ tốt đẹp và vững chắc, những cành đầy lá –  yếu tố thuận lợi cho sự giác ngộ - sẽ phát triển. Một khi trái quả - Phật quả viên mãn – đã chín muồi, tất cả chúng sinh sẽ được hưởng lợi lạc và hạnh phúc. Vì thế khi tâm Bồ Tát sinh khởi, cội gốc Phật quả sẽ bắt rễ vững chắc. Bồ Tát Địa nói:

 

“Sự thức giác của tâm Bồ Tát là cội gốc của giác ngộ vô song, thuần tịnh và viên mãn.”

 

v. Công đức vô lượng sẽ được thâu thập. Kinh Gia chủ Palgyin Vấn thỉnh nói:

 

“Nếu bất kỳ công đức nào được phát triển bởi sự khơi dậy tâm Bồ Tát cũng được hình thành, những công đức đó sẽ không chỉ làm tràn đầy mà còn vượt ngoài phạm vi của không gian.”

 

vi. Nó sẽ làm hài lòng tất cả chư Phật. Quyển Kinh trên nói:

 

“Nếu người nào đó làm đầy ngập vô số cõi Phật như cát sông Hằng bằng những viên ngọc và những trân bảo quý giá nhất và cúng dường chúng cho tất cả các Đấng Như Lai và nếu một người khác, bởi lòng bi mẫn, hiến mình cho sự giác ngộ với đôi bàn tay chắp lại, thì người thứ hai đã thực hiện một sự cúng dường siêu việt: cúng dường đó thật vô lượng.

 

vii. Nó sẽ làm lợi lạc tất cả chúng sinh. Kinh Hoa Nghiêm nói:

 

“Nó như một nền móng bởi mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.”

 

viii. Ta sẽ nhanh chóng trở thành một vị Phật hoàn toàn viên mãn. Trong Bồ Tát Địa có nói:

“Khi thái độ này phát khởi, ta sẽ không an trụ trong hai cực đoan (23) mà nhanh chóng thành tựu Phật quả hoàn toàn viên mãn.”


1b. Những Lợi lạc có thể hình dung được phát sinh từ Bồ đề tâm hạnh

Có mười lợi lạc. Đó là tám lợi lạc được nhắc tới ở trên, và hai lợi lạc nữa:

* Thường xuyên mang lại lợi lạc cho bản thân và

* Thành tựu hạnh phúc của chúng sinh trong mọi cách.

 

i.-viii. như ở trên

 

ix. “Không như trước đó, khi cam kết thực hành Bồ Tát đã được thực hiện, ta sẽ nhận được một dòng công đức vĩ đại và không gián đoạn như không gian, thậm chí khi ta ngủ, mất ý thức, cũng không cần đặc biệt chăm chú thực hành.”

 

x. Nó sẽ xua tan mọi đau khổ của chúng sinh, mang lại cho họ hạnh phúc và tiệt trừ các ô nhiễm của họ. Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Với những người bất hạnh và trải nghiệm nhiều đau khổ, nó mang lại cho họ sự toại nguyện khi nhận được nhiều hình thức hạnh phúc, tiệt trừ những đau khổ và hơn nữa, xua tan vô minh. Đức hạnh nào có thể sánh được với nó? Ở đâu có được một người bạn hay sự tốt lành như thế?”

 

2. Những lợi lạc không thể tưởng tượng nổi

 

Nó sẽ mang lại mọi phẩm tính xuất hiện giữa việc phát triển Bồ đề tâm và giác ngộ: không thể nào tính đếm được những lợi lạc này.

 

IX. NHỮNG HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA VIỆC TỪ BỎ BỒ ĐỀ TÂM

 

Bởi hành động sai trái này, ta sẽ:

* Bị tái sinh trong những trạng thái đau khổ,

* Làm suy yếu khả năng của ta trong việc giúp đỡ chúng sinh và

* Chậm trễ rất nhiều trong việc thành tựu các cấp độ Bồ Tát.

 

i. Bởi không hoàn thành hứa nguyện Bồ Tát và bởi từ bỏ hứa nguyện đạt được giác ngộ, ta thực sự lừa dối tất cả chúng sinh. Ta sẽ bị tái sinh trong những trạng thái đau khổ do bởi hậu quả của sự dối trá này. Về điều này, Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Nếu đã cam kết mà không thực hiện, ta sẽ nhận được những gì ta đáng phải nhận bởi đã dối gạt chúng sinh như thế.”

 

ii. “Nếu có người vi phạm cam kết này, hoàn cảnh của tất cả chúng sinh tệ hại hơn nữa.”

 

iii. “Những người chao đảo giữa những vi phạm cam kết nặng nề - nguyên nhân của sự sa sút – và cam kết mạnh mẽ đạt được giác ngộ, sẽ kinh nghiệm sự chậm trễ trầm trọng trong việc thành tựu các quả vị Bồ Tát.”

 

X. CÁC NGUYÊN NHÂN CỦA VIỆC TỪ BỎ BỒ ĐỀ TÂM

 

Các nguyên nhân này được xem xét trong hai lãnh vực: các nguyên nhân đối với việc từ bỏ ước nguyện và những nguyên nhân từ bỏ thực hành.

 

* Bồ đề tâm nguyện sẽ bị từ bỏ bởi việc loại bỏ chúng sinh khỏi ý hướng của ta, bởi việc bám chặt “bốn hành động đen tối” hay bởi việc nuôi dưỡng một thái độ không thích hợp với ước nguyện.

 

* Bồ đề tâm hạnh sẽ bị từ bỏ, theo Bồ Tát Địa:

 

“..Nếu ta mắc vào cái bẫy lớn, nghĩa là bốn vi phạm giống như một tình trạng thất bại (24), điều này được dạy là làm gãy bể cam kết. Ta cũng được dạy thêm rằng một cái bẫy trung bình hay một cái bẫy nhỏ sẽ làm tổn hại giới nguyện một cách tương ứng.

 

Theo Samvaravimśaka (Mười hai Giáo huấn):

 

“…Hơn nữa, ta được dạy rằng việc từ bỏ Bồ đề tâm nguyện cũng làm gãy bể Bồ đề tâm hạnh.”

 

Trong Rnam.par.gtan.la.dbab.pa.bsdu.ba. (Tuyển tập sự Thiết lập Đầy đủ) cũng dạy rằng có bốn nguyên nhân làm gãy bể giới nguyện Bồ Tát – hai nguyên nhân được nhắc tới ở trên và nguyên nhân thứ ba là từ bỏ việc tu tập Bồ đề tâm, nguyên nhân thứ tư là nuôi dưỡng các tà kiến. Đạo sư Śantideva nói:

 

“Một thái độ không thích hợp làm gãy bể các giới nguyện.”

 

XI. CÁCH THỨC PHỤC HỒI GIỚI NGUYỆN (NẾU NÓ BỊ GÃY BỂ)

 

Nếu Bồ đề tâm nguyện bị gãy bể, nó có thể được phục hồi bằng cách thọ nhận lại. Bồ đề tâm hạnh có thể bị gãy bể chỉ vì Bồ đề tâm nguyện không còn nữa. Trong trường hợp này, việc phục hồi Bồ đề tâm nguyện tự động mang lại sự phục hồi Bồ đề tâm hạnh. Nếu Bồ đề tâm hạnh bị gãybể do nguyên nhân khác thì nó phải được thọ nhận lại. Nếu nó bị mất do những “tình trạng thất bại” là những “cái bẫy” trung bình hay nhỏ thì chỉ cần phơi bày (sám hối) các lỗi lầm này là đủ. Mười hai Giáo huấn nói:

 

“Vi phạm cần được phục hồi. Đối với lỗi lầm trung bình, ta cần sám hối trước ba Bồ Tát; những lỗi lầm còn lại thì sám hối trước một Bồ Tát. Đừng trở nên bối rối bởi các ô nhiễm; hãy giữ tâm thuần tịnh như ta làm.”

 

~*~

 

Đây là chương thứ chín về sự nuôi dưỡng Bồ đề tâm,

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát

 

XII. GIÁO HUẤN VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN BỒ ĐỀ TÂM

 

Đây là những giáo huấn liên quan tới:

 

* Sự phát triển Bồ đề tâm nguyện

* Sự phát triển Bồ đề tâm hạnh

 

----------------------------------

(1) Năm giai đoạn của “con đường” dẫn tới giác ngộ là các giai đoạn tích tập, hợp nhất, nội quán, trau dồi và thành tựu – Phật quả. Những điều này được giải thích chi tiết trong chương 18.

 

(2) Sự hiểu biết tuyệt đối về nền tảng - sự không-hiện hữu của ngã cá nhân, sự hiểu biết tuyệt đối về con đường và các hiện tượng là vô sanh - và hiểu biết tuyệt đối về mọi sự.

 

(3) Dharâni và khả năng siêu việt (TT:gzungs và spobs) Để có một giải thích chi tiết hơn về những điều này, xin coi mkhas.’jug của Mipham Rinpoché. Dharâni có nghĩa là “sự có được” và hơi giống một chân ngôn: nó bắt đầu với những âm thanh được trang bị các ý nghĩa được kết hợp kích hoạt trí nhớ và kết thúc như năng lực của chân ngôn. Khả năng siêu việt là thiện xảo được tích tập, khiến cho những công việc vĩ đại có thể thực hiện được.

 

(4) Đây là những phẩm tính đặc biệt của Bồ Tát ở các quả vị (cấp độ) thứ 8 đến thứ 10, được gọi là các quả vị “thanh tịnh”.

 

(5) Ở đây ám chỉ là 12 công hạnh của Hóa Thân, là những gì tạo thành nền tảng cho mọi giáo lý.

 

(6) Hiện nay hai thuật ngữ này rất thường được gọi là Bồ đề tâm tuyệt đối và Bồ đề tâm tương đối. Một cách dịch khá sát nghĩa được duy trì ở đây để biểu thị sức mạnh của thuật ngữ được sử dụng trong tiếng Tây Tạng đối với Bồ đề tâm tương đối – kun.rdzob – có nghĩa là “hoàn toàn nhân tạo” hay “một sự hoàn toàn giả tạo”.

 

(7) Ở đây hai hình thức Bồ đề tâm thì tương phản nhau. Trong khi Bồ đề tâm tuyệt đối hiện diện một cách tự nhiên thì Bồ đề tâm tạo lập được nuôi dưỡng. Bồ đề tâm tuyệt đối là tánh Không không-khái niệm tràn đầy ý nghĩa tự nhiên, trong khi Bồ đề tâm tạo lập nương tựa vào các quy ước khái niệm như các ý nghĩa.

 

(8) Các cội gốc đức hạnh. Kết quả cụ thể được tạo nên bởi hành động bình thường tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhất thời, chẳng hạn như tự thân sự hành động, sự thúc đẩy của khoảnh khắc (thời gian) v.v.. Hành động, dù tốt hay xấu, phát sinh kết quả chỉ tiềm tàng trong khi nó được thực hiện. Tuy nhiên một vài trạng thái kéo dài của tâm thức, và đặc biệt là những trạng thái được tạo nên bởi cam kết thiêng liêng chẳng hạn như các giới nguyện và giới luật, là những kết quả phát sinh liên tục cho tới khi cam kết chấm dứt, dù ta có thực sự làm điều gì đó hay không. Những trạng thái tâm này được gọi là “cội gốc” của đức hạnh bởi, như một gốc rễ, chúng liên tục hỗ trợ cho sự phát triển và khai hoa kết trái.

 

(9) Các thân siêu phàm – lha’i.sku. Những hiện thân khác nhau của các hiện thể trí tuệ và những khía cạnh của tâm giác ngộ được gọi là lha trong tiếng Tây Tạng. Thuật ngữ này thường được dịch sát nghĩa là “Bản Tôn”, một thuật ngữ được tránh dùng ở đây bởi nó có thể dẫn tới sự nhầm lẫn, đặc biệt là trong việc so sánh với Mật điển hữu thần.

 

(10) Củng cố - bất kỳ hành động (nghiệp) nào ta đã thực hiện và gieo trồng, trong sự tương tục của hiện hữu của ta, một tiềm năng cho các kết quả tương lai được nói là đã được “củng cố”. Thuật ngữ này thường được dịch là được “tích tập” nhưng tính chất thực sự là được củng cố - được cắm sâu – lâu dài trong ta.

 

(11) Các nguồn mạch thông thường có thể là Tam Bảo. Các nguồn mạch đặc biệt là các vị như Đức Kim Cương Tát Đỏa trong thực hành Vajrasattva.

 

(12) [Xem “Entering the Sages’ Wisdom” (Thể nhập Trí tuệ của các bậc Hiền nhân) của Mipham – Kagyü Samyé Ling]: chương về thời gian. Mặc dù ba thời thường được trình bày là quá khứ, hiện tại và tương lai, điều mà câu này muốn nói có thể được giải thích một cách riêng rẽ - trong phạm vi của độ dài thời gian, sự mở rộng của nghiệp v.v..

 

(13) Đức hạnh và trí tuệ

 

(14) Che chướng ô nhiễm (phiền não chướng), nghĩa là các hoạt động bất tịnh, thô thiển thuộc về tâm gồm có tham, sân, si và những nhánh phụ của chúng, và che chướng nhận thức (sở tri chướng), các tập khí tư tưởng vi tế hơn làm phát sinh phiền não chướng và ngăn che sự tỉnh giác về chân tánh của tâm.

 

(15) “Chuyển Pháp luân” (quay bánh xe Pháp) nghĩa là giảng dạy các chân lý phổ quát, và trong thực tế, tạo thành toàn bộ giáo lý của Đức Phật. Hình ảnh bánh xe quay gợi lên một sự chuyển động mà trong hiện tại nó đã luôn luôn là và sẽ là – các chân lý có liên quan đến bản tánh và các việc làm của tâm hơn là sự thay đổi các hiện tượng xã hội là hình ảnh của tâm vào lúc đó. Chẳng hạn như, tâm tham luyến những vật sở hữu: dù vật đó là viên đá lửa của người thượng cổ hay một chiếc máy vi tính, bản chất của chính sự tham muốn thì như nhau và đều là tham muốn, hơn là những viên đá lửa hay máy vi tính, Phật giáo đã dạy như thế. Chừng nào tâm còn hiện hữu thì thông điệp của nó vẫn là sự tươi mới và thích đáng.

 

(16) Nhập niết bàn (parinirvâna) – biểu hiện tương đối – chết, theo quan điểm của con người – của việc rời bỏ sự hiện hữu làm người và đi vào sự an bình tuyệt đối của sự thành tựu tâm linh của các ngài. Đó là biểu hiện tương đối bởi tâm thái thực sự của các ngài là bản tánh bất biến vĩnh cửu, siêu vượt sinh và tử, đến hay đi. Xem “Bản tánh Bất biến”: Kagyü Samye Ling

 

(17) Trong văn cảnh này, mười phương chỉ có nghĩa là khắp không gian. Các phương hướng là Bắc, Nam, Đông, Tây, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam, điểm cao nhất và điểm thấp nhất.

 

(18) Chủ đề này và chủ đề kế tiếp có thể hơi xa lạ với một số người muốn biết vì sao cần phải thỉnh cầu chư Phật ban giáo lý và không nhập niết bàn. Họ có cảm tưởng rằng thời gian và không gian giảng dạy hay nhập niết bàn tùy thuộc vào trí tuệ của chư Phật chứ không tùy thuộc vào những thỉnh cầu của những con người bình thường. Điều này hơi mâu thuẫn với ý niệm về Phật sự tự nhiên. Vấn đề nằm ở đây: ta thực hiện sáu suy niệm chuẩn bị này để làm cho tâm ta tích cực và nhận thức sâu sắc và để vượt qua tình trạng yếu đuối hay thiếu tỉnh giác. Trong hai trường hợp này ta đang phát triển sự nhận thức tích cực về việc giảng dạy và tự nhắc nhở mình về đạo đức Phật giáo của việc không cải đạo (thỉnh cầu chuyển Pháp luân) và sự tu tập trong việc hiểu rõ thời gian được sử dụng trước sự hiện diện của đấng hiền trí (thỉnh cầu không nhập Niết bàn).

 

(19) Đấng Thiện thệ (sugata): một thuật ngữ dùng để chỉ rõ tính chất của Phật, được dịch sát nghĩa là “những người đạt được hạnh phúc”.

 

(20) Hầu hết các quyển sách dịch câu này là “thâu thập các tích tập”. Thuật ngữ bsags, có nghĩa đen là “thâu thập” nhưng trong sự giải thích A tỳ đạt ma của thuật ngữ này, chúng tôi thấy rằng nó có nghĩa là sự cùng tụ hội những yếu tố nào đó để một hành động (nghiệp) tạo nên một kết quả lâu dài, bằng cách ấy củng cố một tiềm năng trong ý thức nền tảng.

 

(21) Chẳng hạn như ta có thể tụng những lời cầu nguyện đã được chuẩn bị trước mang lại hỉ lạc của lợi lạc to lớn của giới nguyện Bồ Tát cho bản thân ta và kế đó là những bài nguyện thỉnh mời những người khác cũng hoan hỉ, bởi một điều phi thường mang lại lợi lạc cho họ vừa xảy ra.

 

(22) Xem tiết mục 3 trong chương 13.

 

(23) Hai cực đoan là thiền định hoàn toàn an bình của niết bàn hạn hẹp và sự mê lầm thế tục đặt nền trên bản ngã.

 

(24) Sát sinh, trộm cắp, tà dâm và nói dối.

    

 

    

 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6335636
Số người trực tuyến: