Chương Mười bốn: Nhẫn nhục Ba la mật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương Mười bốn: Nhẫn nhục Ba la mật

 

Chương Mười bốn

Nhẫn nhục Ba la mật

 

Nhẫn nhục ba la mật được tóm tắt thành bảy phần: những quán chiếu về lỗi lầm của việc thiếu nhẫn nhục và những phẩm tính của việc thực hành nó; tính chất thiết yếu của sự nhẫn nhục; các phương diện khác nhau của nhẫn nhục; đặc điểm thiết yếu của mỗi phương diện; làm thế nào để phát triển năng lực nhẫn nhục; làm thế nào để nhẫn nhục được thuần tịnh và kết quả của nhẫn nhục.

 

1. QUÁN CHIẾU VỀ LỖI LẦM CỦA SỰ THIẾU NHẪN NHỤC VÀ NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA VIỆC THỰC HÀNH NÓ

 

* Ở những người có sự bố thí và trì giới nhưng thiếu nhẫn nhục, sân hận vẫn có thể phát khởi. Một khi sân hận phát khởi, mọi đức hạnh đã được tạo lập cho tới thời điểm đó nhờ sự bố thí, trì giới có thể bị tiêu hủy tức thời. Trong Bồ Tát Tạng có nói:

 

“Điều được gọi là ‘sân hận’ có thể làm tiêu tan những cội gốc đức hạnh được tạo lập trong một trăm ngàn kiếp.”

 

Bồ Tát Hạnh cũng nói:

 

“Mọi sự ta từng thực hành một cách tuyệt hảo – bố thí, cúng dường cho chư Như Lai v.v… được thiết lập trong một ngàn kiếp – tất cả có thể bị tiêu tan bởi một cơn giận dữ.”

 

Hơn nữa, khi sân hận tìm ra một chỗ thích hợp bên trong người thiếu nhẫn nhục, điều đó giống như vết thương mưng mủ của một mũi tên độc. Khi đó tâm thức phiền não không thấy hỉ lạc, an bình và cuối cùng thậm chí người ấy không thể nghỉ ngơi trong giấc ngủ. Vì thế có câu nói:

 

“Tâm đang chịu sự chi phối của phiền não sân hận không thể vui hưởng kinh nghiệm an bình. Nó không thể kinh nghiệm hỉ lạc hay một cảm nhận hạnh phúc. Vì thế ta không ngủ được và trở nên không đáng tin cậy.”

 

Và:

 

“…Tóm lại, không làm gì có một người hạnh phúc bằng sự sân hận.”

 

Thêm nữa, sân hận ở trong người thiếu nhẫn nhục cũng sẽ biểu lộ ra bên ngoài như một cách hành xử hung bạo. Bởi điều này, tất cả bạn bè, người thân thuộc và người làm công sẽ phật lòng và mệt mỏi với người ấy; ngay cả quà tặng là tiền bạc hay châu báu cũng không thể thuyết phục họ chịu đựng thêm sự sân hận của người đó. Có câu nói rằng:

 

“Bằng hữu và những người thân yêu trở nên mỏi mệt; ngay cả khi bị quyến rũ bởi sự bố thí, họ không thể chịu đựng được nữa.”

 

Ngoài ra những người thiếu nhẫn nhục tạo cơ hội cho các thế lực tiêu cực (mâra) gây chướng ngại cho họ. Vì thế Bồ Tát Tạng nói:

 

“Tâm chịu sự tác động của sân hận là con mồi cho các thế lực tiêu cực và gặp những chướng ngại.”

 

Ngoài ra, bởi thiếu nhẫn nhục, sáu ba la mật là những đức hạnh tạo nên con đường dẫn đến Phật quả sẽ không đầy đủ; vì thế ta sẽ không đạt được giác ngộ. Vì thế Kinh Bát nhã Ba la mật Cô đọng trong các bài kệ nói:

 

“Nơi có sự sân hận và không có nhẫn nhục, làm sao có thể có giác ngộ?”

 

* Ngược lại với những điều ở trên là có sự nhẫn nhục. Đức tính này giữ một vị trí siêu việt trong mọi cội gốc đức hạnh. Có câu nói rằng:

 

“Không có gì tệ hại hơn sân hận và không có gì khó làm hơn nhẫn nhục. Vì thế ta nên vun trồng sự nhẫn nhục trong khi sử dụng thật nghiêm túc mọi phương tiện.”

 

Ngoài ra, nếu nhẫn nhục ta đạt được hạnh phúc và an lành trong mọi hoàn cảnh. Vì thế có câu nói:

 

“Những người nỗ lực để chiến thắng sân hận bằng sự tự chủ sẽ hạnh phúc trong đời này và những đời sau.”

 

Ngoài ra, nhờ nhẫn nhục, ta sẽ đạt được giác ngộ. Trong Kinh Cha và Con Gặp gỡ có nói:

 

“Sân hận không phải là đường lối của chư Phật, như có nói. Chính nhờ nuôi dưỡng lòng từ ái trong mọi hoàn cảnh mà sự giác ngộ sẽ xuất hiện.”


2. TÍNH CHẤT THIẾT YẾU CỦA SỰ NHẪN NHỤC

 

Đó là không bị rối loạn bởi bất kỳ điều gì. Bồ Tát Địa nói:

 

“Đó là không bị xáo trộn bởi bất kỳ điều gì, nhờ luôn luôn an trụ trong lòng bi mẫn, không quan tâm đến vật chất. Tóm lại, tính chất cốt tủy của sự nhẫn nhục của một Bồ Tát nên được hiểu như thế.”

 

3. CÁC PHƯƠNG DIỆN KHÁC NHAU CỦA NHẪN NHỤC

 

Nhẫn nhục có ba loại chính:

 

* Vẫn an định khi bị người khác hãm hại,

* Chấp nhận đau khổ và

* Nhẫn nhục khi khát khao một sự hiểu biết rõ ràng về các hiện tượng.

 

Trong những loại này:

 

* Loại thứ nhất là nhẫn nhục nhờ phân tích bản tánh của chúng sinh gây phiền não,

* Loại thứ hai là nhẫn nhục nhờ phân tích bản tánh cốt tủy của đau khổ và

* Loại thứ ba là nhẫn nhục nhờ một phân tích rõ ràng về bản tánh không sai lạc của các hiện tượng.

 

Hai phương diện đầu trau dồi sự nhẫn nhục trong phạm vi những điều tương đối và phương diện thứ ba trau dồi sự nhẫn nhục trong phạm vi của sự tối hậu.

 

4. ĐẶC ĐIỂM THIẾT YẾU CỦA MỖI PHƯƠNG DIỆN

 

4a. Nhẫn nhục trong việc đối mặt với tổn hại từ người khác

 

Điều này có nghĩa là thực hành nhẫn nhục đối với những người làm những điều mà ta không mong muốn hoặc những người cản trở không cho ta làm những gì ta muốn làm – những người  đánh đập, sỉ nhục, giận dữ ta hay vô cùng phẫn nộ v.v.. đối với bản thân ta hay những gì thuộc về ta. Nhẫn nhục thực sự có nghĩa là gì trong những hoàn cảnh như thế? Nhẫn nhục có nghĩa là vẫn bình thản hay không gây tổn hại trong việc trả đũa hoặc không bận tâm, nghiền ngẫm về sự việc, dù điều đó ra sao chăng nữa.

 

4.a1. Theo lời dạy của Đạo sư Santideva, ta nên nhẫn nhục bằng cách áp dụng lời khuyên được trích dẫn trong chín điểm sau đây, nghĩa là bằng cách thiền định như sau:

 

~ Suy xét rằng thực ra người gây tổn hại mất tự chủ ~

 

Hãy quán chiếu: “Do bởi sân hận nên những người gây tổn hại cho tôi mất sự tự chủ, giống như Devadatta (1) đã làm với Đức Phật. Khi mất tự chủ thì sân hận sinh khởi, dù đó là điều ta không thích biểu lộ. Bởi những người gây hấn không kiểm soát được hành vi của họ, việc trả đũa sẽ không thích hợp.” Vì thế có câu nói:

 

“Như thế họ hoàn toàn chịu sự tác động, chính bởi yếu tố đó nên họ mất tự chủ. Khi hiểu rõ điều này ta sẽ không trở nên giận dữ đối với những thực tại chỉ là ảo ảnh.”

 

~ Suy xét lỗi lầm do nghiệp của ta ~

 

Quán chiếu: “Tổn hại mà tôi đang kinh nghiệm là tổn hại phát sinh bởi điều gì đó rất giống với điều tôi đã làm trong một đời trước. Vì thế thật không thích hợp khi trả đũa người nào đó vì những lỗi lầm của ác nghiệp của chính tôi.” Vì thế có câu nói:

 

“Bây giờ tôi bị người khác làm tổn hại là bởi trong những đời trước tôi từng làm hại chúng sinh y như thế.”

 

~ Suy xét lỗi lầm do hiện hữu vật lý của ta ~

 

Quán chiếu: “Nếu ta không có thân thể này thì vũ khí của người khác sẽ chẳng có điều gì để làm hại. Tổn hại thực sự xảy ra qua sự hiện diện của thân thể này và nhìn từ quan điểm đó, việc trả đũa thì không đúng đắn.” Vì thế,

 

“Vũ khí của họ và thân thể tôi đều là những nguyên nhân của đau khổ này. Không có thân thể này thì họ sẽ giận dữ cái gì?”

 

~ Suy xét lỗi lầm của tâm ta ~

 

Quán chiếu: “Tâm thức này không đảm đương một thân thể thực sự tốt lành – là thân thể không thể bị người khác làm hại. Bởi sử dụng một thân thể thấp kém, có thể bị thương tổn, nó bị các tổn hại làm khốn khổ. Vì thế, bởi chính tâm tôi đã tạo nên một thân thể của tôi như thế nên trả đũa một người nào khác là không đúng.”

 

“Thân người giống như một vết thương – nó không chịu đựng nổi sự xúc chạm và bị đau đớn dày vò. Bởi chính tôi là người bám luyến các đam mê này, tôi giận dữ ai về những tổn hại mà thân thể tôi gặp phải?”

 

~ Suy xét về việc không có khác biệt trong lỗi lầm ~

 

Quán chiếu: “Một người do bởi vô minh nên làm điều tổn hại; người kia bởi vô minh nên giận dữ họ. Làm sao một trong hai người không có lỗi? Thật ra cả hai đều có lỗi.” Trong trường hợp này, ta nên quán chiếu điều gì là sai sót và thay vào đó hãy thực hành nhẫn nhục.

 

~ Suy xét về sự hữu ích của tổn hại ~

 

Trong việc thực hành, sự phát triển nhẫn nhục phụ thuộc vào việc gặp điều tổn hại. Nhờ nuôi dưỡng hạnh nhẫn nhục, sự xấu ác được tịnh hóa và các tích tập được hoàn thiện. Bằng việc hoàn thiện các tích tập, sẽ có sự giác ngộ. Vì thế chính nhờ sự tổn hại mà có một lợi ích to lớn và vì lý do đó ta nên thực hành nhẫn nhục. “Bởi nhẫn nhục xảy ra do những điều này, nhiều điều xấu ác của tôi được tịnh hóa.” v.v..

 

~ Suy xét về lòng tốt to lớn của người gây tổn hại ~

 

Ta sẽ không thể thành tựu giác ngộ nếu không có nhẫn nhục ba la mật. Việc trau dồi sự nhẫn nhục không thể thành tựu nếu không có những người gây tổn hại. Vì thế người gây tổn hại này là một người hỗ trợ cho Giáo Pháp, vô cùng tốt lành và hơn nữa, nhẫn nhục nên được thực hành khi có sự tổn hại này.


“Tôi nên hoan hỉ về những kẻ thù bởi họ là những người hỗ trợ cho việc thực hành Bồ đề tâm của tôi. Bằng cách thành tựu thực hành này, nhờ các kẻ thù, kết quả của sự nhẫn nhục sẽ được dành cho họ. Trước hết bằng cách gắn kết với họ theo cách thế biểu hiện này, họ trở thành một nguyên nhân của sự nhẫn nhục.”

 

~ Suy xét về cách làm cho các đấng giác ngộ hài lòng ~

 

“Hơn nữa, chư Phật là những người bạn không bao giờ chao đảo và mang lại vô lượng lợi lạc cho chúng ta. Có cách nào để đền đáp lòng tốt của các ngài ngoài việc tôn trọng chúng sinh?”

 

~ Suy xét về những lợi ích vô cùng to lớn của sự nhẫn nhục ~

 

“Những người biểu lộ lòng tôn kính bằng nhiều cách nhờ đó vượt sang bờ bên kia vô cùng xuất sắc.”

 

4.a2. Theo truyền thống của Dharmakirti, trong Bồ Tát Địa ta phát triển hạnh nhẫn nhục bằng cách vun trồng năm ý niệm. Đó là: “Ý niệm người gây tổn hại là bạn thân thiết nhất của ta; ý niệm những điều này chỉ là các hiện tượng, ý niệm về sự vô thường, ý niệm về sự đau khổ và ý niệm về việc ghì chặt tất cả chúng sinh vào lòng.”

 

~ Ý niệm về người làm hại là bằng hữu thân thiết nhất của ta ~

 

Những chúng sinh đang gây tổn hại trong hiện tại thì không giống như vậy trong những đời trước. Như thế họ đã là cha mẹ, thân quyến hay các vị Thầy của ta và không ai trong đó không từng là mẹ của ta. Trong ý nghĩa đó, họ từng hữu ích và tốt lành tới mức không thể đo lường được và vì thế là không đúng đắn khi trả đũa loại phiền não mà họ đang gây nên trong hiện tại. Nhờ hiểu biết tình huống trong những phạm vi này, ta làm cho bản thân ta nhẫn nhục.

 

~ Ý niệm về những gì đang xảy ra chỉ là hiện tượng ~

 

Tổn hại đang xảy ra là một tình huống tương đối mà bản chất rốt ráo của nó tùy thuộc vào hoàn cảnh trong thời điểm đó và chỉ là những ý niệm, chỉ là các hiện tượng. Thực sự không có thực thể, không có sự tồn tại, không có sinh loài, không có con người – không có ngay cả dấu vết nhỏ bé nhất của người-đang sỉ nhục, đánh đập, phẫn uất hay gây trở ngại cho tôi. Ta thực hành nhẫn nhục nhờ những tư tưởng như thế.

 

~ Ý niệm về sự vô thường ~

 

Chúng sinh thì vô thường: họ có tính chất khả tử (phải chết) và tổn hại to lớn nhất có thể xảy đến với họ là khiến cho họ mất mạng. Vì thế, ta có thể thực hành nhẫn nhục bằng cách suy ngẫm về ý niệm là không cần phải giết họ vì dù thế nào chăng nữa, do bản tánh rốt ráo của sự hiện hữu của họ, họ cũng sẽ chết.

 

~ Ý niệm về sự đau khổ ~

 

Mọi chúng sinh bị ưu phiền bởi ba loại đau khổ. Ta trau dồi hạnh nhẫn nhục đối với sự tổn hại bằng ý niệm về sự đau khổ, bằng cách nghĩ rằng ta nên giải trừ những đau khổ và không gây khổ đau thêm nữa.

 

~ Ý niệm về việc ghì chặt mọi chúng sinh vào lòng ~

 

“Bởi tôi đã thọ cam kết (giới nguyện) Bồ Tát, tôi đang làm việc vì hạnh phúc của tất cả chúng sinh.” Khi nghĩ tưởng như thế, ta nên hết sức yêu quý mọi chúng sinh – giống như cách ta yêu quý người phối ngẫu của mình. Vì thế ta tạo lập sự nhẫn nhục bằng ý niệm là thật không thích hợp khi trả đũa những tổn hại không đáng kể được thực hiện bởi người mà ta hết sức yêu quý.

 

4b. Nhẫn nhục như sự chấp nhận đau khổ

 

Điều này có nghĩa là chấp nhận một cách vui vẻ và không hối tiếc mọi đau khổ trong việc thành tựu giác ngộ tối thượng. Trong Bồ Tát Địa có nói:

 

“Đó là chấp nhận tám loại đau khổ chẳng hạn như đau khổ do bởi nơi chốn ta ở v.v..”

 

Những điểm chính yếu của tám loại này là chấp nhận một cách vui vẻ và không trở nên ngã lòng trước mọi khó khăn, mệt nhọc, nóng, lạnh, đói, khát, căng thẳng và những đau khổ khác được liệt kê sau đây:

 

* Khi tìm kiếm tăng phục, lương thực v.v.. nếu ta theo đuổi cuộc đời cao quý: (2)

* Khi cúng dường và phụng sự một cách tôn kính Tam Bảo và các Đạo sư,

* Khi học Giáo Pháp,

* Khi giảng Pháp,

* Khi tụng đọc các bản văn,

* Khi thiền định,

* Khi nỗ lực thiền định, thức khuya dậy sớm thay vì ngủ nghỉ và

* Làm việc vì hạnh phúc của chúng sinh theo 11 cách được đề cập ở trên v.v..

 

Một thái độ chấp nhận tương tự như thế được tìm thấy trong cách ta vui vẻ đón nhận một sự điều trị đau đớn – chẳng hạn như trích máu hay đốt ngải cứu – để chữa lành một chứng bệnh nặng. Bồ Tát Hạnh nói về điều này:

 

“Nỗi khổ của việc tôi thành tựu giác ngộ thì có thể hiểu được. Nó giống như nỗi khổ do cuộc giải phẫu gây nên trên thân thể để thoát khỏi một chứng bệnh nội tạng đau đớn không thể chịu đựng nổi.”

 

Người chấp nhận đau khổ trong việc phát triển Pháp, và người nỗ lực chiến đấu với sinh tử và đánh bại kẻ thù, các ô nhiễm, là một anh hùng vĩ đại đích thực. Có một số người nổi danh là anh hùng trong thế giới nhưng đó là một so sánh không chân thực, bởi họ chỉ đánh bại những kẻ thù tầm thường, là những kẻ dù sao chăng nữa cũng sẽ bị cái chết đánh bại do bản tánh khả tử (phải chết). Những gì họ đạt được hoàn toàn giống như đâm vũ khí vào một xác chết. Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Bằng việc giết chết những nghi ngại của ta về mọi loại đau khổ, ta đánh bại các kẻ thù – sân hận, thù ghét v.v.. Người thành tựu chiến thắng đó là một anh hùng đích thực; những người khác chỉ là kẻ giết các tử thi.”

 

4c. Nhẫn nhục như khát khao đạt được sự xác quyết về các hiện tượng

 

Bồ Tát Địa nói rằng đây là khát khao đạt được tám tính chất – những phẩm tính của các Đấng Tôn quý Tối thượng (Tam Bảo) v.v.. Nó cũng là thực hành nhẫn nhục trong việc đối mặt với, và khát khao ý nghĩa của sự đồng nhất độc nhất vô nhị, bản tánh rốt ráo trống không của hai loại ngã (3)

 

5. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NHẪN NHỤC

 

Nhẫn nhục được phát triển nhờ ba năng lực được đề cập ở trên (chương bố thí): trí tuệ nguyên sơ, hiểu biết sâu xa và sự hồi hướng.

 

6. LÀM THẾ NÀO ĐỂ NHẪN NHỤC ĐƯỢC THUẦN TỊNH

 

Điều này được thành tựu nhờ hai sự hỗ trợ - tánh Không và lòng bi mẫn – được đề cập ở trên (chương bố thí).

 

7. KẾT QUẢ CỦA NHẪN NHỤC

 

Ta nên hiểu rằng nhẫn nhục có những kết quả nhất thời và tối thượng. Kết quả tối thượng là đạt được giác ngộ. Bồ Tát Địa nói:

 

“Sự nhẫn nhục bao la và vô lượng sẽ đưa đến giác ngộ vĩ đại. Bằng cách nương tựa nhẫn nhục, các vị Bồ tát sẽ đạt được giác ngộ thuần tịnh, viên mãn và tuyệt hảo.”

 

Trong lúc ấy, mặc dù không cố ý tìm kiếm, những kết quả tạm thời cũng sẽ xảy ra. Trong mọi đời sau, ta sẽ một thân thể đẹp đẽ, không bệnh tật, nổi tiếng, được tán thán, trường thọ và có những phẩm tính của một vị Chuyển Luân Vương. Bồ Tát Hạnh đã nói:

 

“Nhờ thực hành nhẫn nhục khi đối diện với những gánh nặng thế tục, ta sẽ có dung mạo đẹp đẽ v.v.. không bị bệnh tật, được tán tụng. Nhờ những điều này, ta sẽ sống vô cùng trường thọ và có sự hỉ lạc của một vị Chuyển Luân Vương.”

 

----------------------------------

(1) Devadatta (Đề Bà Đạt Đa), em họ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đã thực hiện nhiều ác hạnh bởi ông ganh tị với Đức Phật.

(2) Một tăng hay ni, Sa di hay Tỳ kheo.

(3) Ngã cá nhân và ngã hiện tượng (nhân ngã và pháp ngã).

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6335553
Số người trực tuyến: