Chương Mười ba: Trì Giới Ba la mật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương Mười ba: Trì Giới Ba la mật

Chương Mười ba

Trì Giới Ba la mật

 

Trì giới ba la mật được tóm tắt thành bảy phần: những quán chiếu về lỗi lầm của việc không trì giới và những phẩm tính của việc thực hành nó; tính chất thiết yếu của sự trì giới; các  phương diện khác nhau của việc trì giới; đặc điểm thiết yếu của mỗi phương diện; làm thế nào để phát triển năng lực trì giới; làm thế nào để việc trì giới được thuần tịnh và kết quả của việc trì giới.

 

1. QUÁN CHIẾU VỀ LỖI LẦM CỦA VIỆC KHÔNG TRÌ GIỚI VÀ NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA VIỆC THỰC HÀNH NÓ

 

* Người sở hữu phẩm tính bố thí nhưng không có giới hạnh (1) sẽ không thể đạt được điều tốt đẹp nhất của những hiện hữu vật lý trong loài người hay các vị trời. Nhập Trung Đạo nói:

 

“Một người gãy đôi chân giới hạnh có thể có của cải nhờ sự bố thí nhưng sẽ rơi vào những cõi thấp.”

 

Hơn nữa, người thiếu giới hạnh sẽ không gặp được Phật Pháp. Kinh Giới Hạnh nói:

 

“Giống như người mù không thể nhìn thấy sắc tướng, người không có giới hạnh sẽ không gặp được Pháp.”

 

Tương tự như thế, người không có giới hạnh sẽ không thoát khỏi sự hiện hữu trong các cõi sinh tử. Cũng quyển Kinh trên nói:

 

“Cho dù cố gắng đến đâu chăng nữa, người không có chân không thể đi trên con đường. Cũng thế, người không có giới hạnh không thể giải thoát.”

 

Ngoài ra, người không có giới hạnh không thể đạt được giác ngộ bởi con đường dẫn đến Phật quả của họ không đầy đủ.

 

* Trái lại, người có các phẩm tính giới hạnh sẽ đạt được sự hiện hữu vật lý tốt đẹp nhất. Kinh Bát nhã Ba la mật Cô đọng trong các bài kệ nói:

 

“Nhờ sự tự chủ ta tránh được những hình thức của đời sống súc sinh và của tám trạng thái bất lợi và ta luôn luôn tìm được những trạng thái thuận lợi.”

 

Hơn nữa, nhờ giới hạnh ta sẽ thấu suốt nền tảng đích thực của mọi sự tuyệt hảo và hỉ lạc. Thư gởi một người bạn nói:

 

“Giới hạnh được giảng dạy như nền móng đích thực và là nền tảng cho mọi phẩm tính, giống như mặt đất là nền tảng cho mọi đời sống hữu tri và vô tri.”

 

Cũng thế, của cải giới hạnh thì giống như ta có một cánh đồng phì nhiêu ở đó việc thu hoạch dồi dào các phẩm tính có thể phát triển. Vì thế Nhập Trung Đạo nói:

 

“Như những phẩm tính tốt lành nở rộ trên cánh đồng giới hạnh, trái quả thu hoạch mỗi lúc một gần.”

 

Hơn nữa, người có giới hạnh sẽ thấy nó mở ra nhiều cánh cửa thiền định. Vì thế Kinh Nguyệt Đăng nói:

 

“Việc thành tựu thiền định sâu xa không vẩn đục là một phẩm tính lợi lạc xuất hiện nhờ giới hạnh vô cùng thanh tịnh.”


Ngoài ra, nhờ giới hạnh, mọi điều ta cầu nguyện sẽ được thành tựu. Vì thế Pitâputrasamâgamanasûtrâ (Kinh Cha và Con Gặp gỡ) nói:

 

“Nhờ bất kỳ giới hạnh nào ta tuân theo mà mọi điều ta cầu nguyện đều trở thành hiện thực.”

 

Hơn nữa, giới hạnh làm cho việc thành tựu giác ngộ tương đối dễ dàng. Cũng quyển Kinh trên nói:

 

“Bởi giới hạnh thanh tịnh mang lại rất nhiều phẩm tính lợi lạc, ta sẽ không gặp khó khăn trong việc thành tựu giác ngộ.”

 

Ngoài các lợi lạc trên, người trì giới còn nhận được những lợi lạc khác. Kinh Giới Hạnh nói:

 

“Khi giới hạnh đúng đắn, chư Phật xuất hiện và ta được diện kiến các ngài. Việc tuân giữ giới hạnh là sự trang điểm tốt lành nhất; một trạng thái tràn đầy hỉ lạc. Người có giới hạnh được cả thế gian tán thán.”

 

2. TÍNH CHẤT THIẾT YẾU CỦA SỰ TRÌ GIỚI

 

Trì giới có bốn tính chất chính yếu, được mô tả trong Bồ Tát Địa như sau:

 

“Ta nên biết tính chất thiết yếu của giới hạnh là có bốn đặc tính. Đó là gì? Đó là cần phải được  một người khác (2) chấp nhận một cách đúng đắn và thanh tịnh. Ý hướng của ta nên vô cùng thanh tịnh trong mọi phương diện. Nếu giới hạnh bị hư hỏng, ta cần phục hồi nó. Để ngăn ngừa giới hạnh bị hư hỏng, ta nên trau dồi thái độ tôn trọng nó và hết sức chánh niệm về nó.”

 

Bốn đặc tính được đề cập ở trên có thể được tóm tắt như bao gồm hai lãnh vực chính yếu: tuân thủ đúng đắn giới hạnh (đặc tính thứ nhất) và trì giữ đúng đắn giới hạnh (ba đặc tính sau).

 

3. CÁC PHƯƠNG DIỆN KHÁC NHAU CỦA SỰ TRÌ GIỚI

 

Trì giới có ba phương diện: giới hạnh như sự cam kết (các giới nguyện), giới hạnh như một tích tập đức hạnh thuộc về Pháp và giới hạnh như sự thành tựu hạnh phúc của chúng sinh. Phương diện thứ nhất củng cố tâm thức, phương diện thứ hai đưa các yếu tố của sự hiện hữu của ta đến chỗ thuần thục và phương diện thứ ba khiến cho chúng sinh đạt được sự thuần thục viên mãn.

 

4. ĐẶC ĐIỂM THIẾT YẾU CỦA MỖI PHƯƠNG DIỆN

 

4a. Giới hạnh của việc tuân giữ các giới nguyện

 

Điều này được giảng theo hai cách tổng quát và cụ thể.

 

4.a1. Các Giới nguyện Tổng quát của Phật giáo là bảy loại giới nguyện “biệt giải thoát” (prâtimoksa – giải thoát cá nhân). Bồ Tát Địa nói:

 

“Giới hạnh Bồ Tát liên quan tới việc từ bỏ ác hạnh có nghĩa là thọ nhận một cách đúng đắn một trong những giới nguyện biệt giải thoát (giải thoát cá nhân). Đó là Tỳ kheo (TT. dge.slong, Phạn: bhiksu), Tỳ kheo ni (dge.slong.ma, bhiksuni), Thức xoa ma na (dge.slob.ma, śiksamânâ),  Sa di (dge.tshul, śramanera), Sa di ni (dge.tshul.ma, śramanerikâ,), các giới luật nam cư sĩ (dge.bsnyen, upâsaka (3)), các giới luật nữ cư sĩ (dge.bsnyen.ma, upâsikâ)”

 

Các giới nguyện này bao gồm những khả năng cho những người theo đuổi đời sống tu sĩ và cư sĩ, khi thích hợp. Những cam kết ở trên khiến ta từ bỏ việc làm hại chúng sinh và từ bỏ sự dính mắc vào những điều tạo thành nền tảng đích thực cho việc làm hại chúng sinh. Các giới nguyện Prâtimoksa – “biệt giải thoát” (giải thoát cá nhân) - khiến ta từ bỏ điều xấu ác, cho phép những người bình thường làm việc để đạt được hạnh phúc của riêng mình và tạo thuận lợi cho chư vị Bồ Tát làm việc vì chúng sinh. Nârâyanapariprrchâsûtrâ (Kinh Narayana Vấn thỉnh) nói:

 

“Giới hạnh không được tuân giữ để có địa vị vương giả; cũng không được tuân giữ để có tái sinh cao cấp; cũng không được tuân giữ để đạt được địa vị trời Đế Thích hay Phạm Thiên; cũng không được tuân giữ để có của cải; cũng không được tuân giữ để được khỏe mạnh v.v.. Tương tự như vậy giới hạnh không được tuân giữ vì sợ hãi những kinh hoàng của sự tái sinh trong địa ngục; cũng không được tuân giữ bởi sợ hãi tái sinh trong trạng thái súc sinh; cũng không được tuân giữ vì sợ hãi những thế giới khủng khiếp của Thần Chết. Giới hạnh được tuân giữ không phải vì những lý do này mà là để an lập bản thân trong Phật đạo, để có thể nỗ lực cho sự an lành và hạnh phúc của tất cả chúng sinh.”

 

4.a2. Các Giới nguyện Phật giáo Cụ thể Trong truyền thống bắt nguồn từ Đạo sư Śantideva (Tịch Thiên), phù hợp với những điều được giảng dạy trong Âkâśagarbhasûtra (Kinh Tinh túy của Không gian), đó là:

 

“Ba sa sút gốc (vi phạm gốc) cụ thể đối với các vị vua, năm sa sút gốc đối với các thượng thư và tám sa sút gốc đối với các Sa di. Tất cả tạo thành mười tám điều nhưng bởi có sự nhân đôi nên trong thực tế thì có 14 điều được điều phục:

 

1. trộm cắp những gì thuộc về Tam Bảo,

2. Ép buộc người khác từ bỏ Giáo Pháp

3. Mặc dù giới hạnh của một tu sĩ có thể không hoàn hảo, giữ y áo của người ấy, đánh đập, giam cầm hay buộc người ấy từ bỏ những cam kết,

4. Phạm một trong năm hành động tệ hại nhất (4),

5. Bám chấp vào triết học sai lạc (tà kiến) và

6. Hủy hoại các thị trấn v.v..

 

Trong những điều trên, điều 1 tới 5 là những sa sút gốc đối với một vị vua và từ điều 1 tới điều 4 và điều 6 là những sa sút gốc đối với một thừa tướng. Tám ác hạnh cụ thể của các Sa di là:

 

1. Nói về tánh Không với những người không được chuẩn bị thích đáng,

2. Làm những người đã bước vào con đường dẫn đến Phật quả quay lưng với sự giác ngộ viên mãn,

3. Thực hành Đại thừa nhưng hoàn toàn từ bỏ các giới luật biệt giải thoát,

4. Tin tưởng rằng việc tu tập các thừa không mang lại sự tiệt trừ tham muốn v.v.. và làm cho

người khác tin như thế,

5. Ca tụng những phẩm tính của mình và chê bai phẩm tính của những người khác,

6. Bởi tìm kiếm sự ngợi khen, tôn kính hay danh tiếng, giả bộ là mình hiểu biết tánh Không trong khi thực ra mình không hiểu,

7. Đã cam kết làm điều đức hạnh và sau đó không giữ lời hứa hay cúng dường Tam Bảo rồi lấy lại các món cúng dường đó và

8. Từ bỏ việc thiền định và thể nhập thực tại tối thượng để thực hành các trì tụng có tính chất nghi lễ. Những điều ở trên là các sa sút gốc và là nguyên nhân chính yếu để chúng sinh rơi vào các địa ngục vĩ đại.

 

Trong truyền thống của Dharmakirti, phù hợp với những điều được nói trong Bồ Tát Địa: “Ta được dạy rằng cần phải từ bỏ bốn loại hành động, điều này có thể so sánh với một chiến trường nơi ta bị đánh bại, và 46 loại tà hạnh.” Bốn hành động giống như một nơi bại trận được mô tả trong bản văn Samvaravimśaka “Hai mươi Giới nguyện,” là một bản tóm tắt của Bồ Tát Địa:

 

“1. Bởi mong muốn được danh tiếng và kính trọng nên ca ngợi bản thân và chê bai những người khác,

2. Bởi tham lam nên không thực hành sự bố thí vật chất (tài thí) hay Pháp (Pháp thí) cho những người đau khổ và cần được giúp đỡ,

3. Trả thù độc hại mặc dù có thể người kia đã xin lỗi và

4. Từ bỏ Đại thừa xác thực và giảng dạy điều gì đó giống như Pháp.”

 

Cũng có 46 lỗi lầm như “không cúng dường Tam Bảo ba lần một ngày, bị tham muốn sai sử” v.v..

 

4b. Giới hạnh như sự tích tập các đức hạnh

 

Khi ta đã tuân thủ một cách đúng đắn giới hạnh Bồ Tát được đặt nền trên các giới nguyện, ta cần xây dựng mọi đức hạnh thích hợp và có thể thực hiện được về thân và ngữ (lời nói) để hướng về đại giác ngộ. Có nhiều loại đức hạnh nhưng chúng được gọi chung là giới hạnh của việc tích tập các phẩm tính đức hạnh. Trong Bồ Tát Địa có nói:


“Những điều dưới đây được hiểu như giới hạnh Bồ Tát của việc tích tập đức hạnh. Nương tựa và an trú trong giới hạnh của Bồ Tát, đó là ta chuyên chú vào việc nghiên cứu, suy niệm, thiền định và an trụ ở nơi cô tịch với sự nhiệt tâm. Đó là tôn kính các Đạo sư, phụng sự các ngài, phục vụ và chăm sóc người đau ốm. Đó là bố thí thật hoàn hảo và tán thán những phẩm tính tốt lành của người khác; hoan hỉ đối với đức hạnh của người khác và nhẫn nhục với những người xem thường mình. Đó là hồi hướng đức hạnh cho sự giác ngộ và thiết tha cầu nguyện để đạt được điều đó, cúng dường Tam Bảo và vô cùng tinh tấn, luôn luôn chu đáo và cẩn trọng, chánh niệm trong việc tu tập và duy trì nó với sự tỉnh giác, canh giữ các cánh cửa giác quan và điều độ trong việc ăn uống, không ngủ trong phần đầu và cuối của đêm mà kiên trì trong việc hợp nhất tâm ta với điều tốt lành, nương tựa những bậc thánh thiện và các vị Thầy tâm linh và khảo sát những mê lầm của ta, thừa nhận những mê lầm đó và từ bỏ sự dính mắc vào chúng. Các loại Pháp này cần được thực hành, trau dồi và làm cho thuần thục.”

 

4c. Giới hạnh như sự làm việc vì hạnh phúc của chúng sinh

 

Tóm lại, có 13 phương diện chính cần biết. Đó là gì? Trong Bồ Tát Địa có nói:

 

“1. Hỗ trợ những người đang thực hiện những hoạt động quan trọng,

2. Tẩy trừ đau khổ của chúng sinh đang rất khốn khổ,

3. Giảng dạy cho những người thiếu thiện xảo để làm thế nào xử sự một cách thông minh,

4. Nhận thức sâu sắc những gì chúng sinh làm cho mình và làm lợi lạc để đền đáp,

5. Che chở chúng sinh khỏi nỗi khiếp sợ,

6. Giải trừ buồn sầu của những người đang đau khổ,

7. Cung cấp lương thực cho những người nghèo túng,

8. Tập hợp thật đúng đắn những người cầu học Giáo Pháp,

9. Làm cho họ chú tâm vào những điều phù hợp với trí lực của họ,

10. Làm cho họ vui vẻ bằng những phẩm tính vô cùng tốt đẹp,

11. Khéo tiệt trừ tất cả những gì cần tẩy trừ,

12. Tự chế trong việc phô diễn các năng lực khác thường (thần thông) và

13. Làm cho người học Pháp khát khao điều tốt lành, lợi lạc.”

 

Ngoài ra, để chúng sinh thấm nhuần niềm tin và để ngăn ngừa việc trì giới của họ bị sa sút, các Bồ Tát nên giũ sạch mọi hành vi bất tịnh thuộc về thân, ngữ, tâm và chỉ nương cậy vào những điều thanh tịnh.

 

~ Sự thanh tịnh của hành vi thuộc về thân ~

 

Ta nên tránh cách cư xử bừa bãi không cần thiết – chạy, nhảy v.v.. Thanh tịnh có nghĩa là an trụ thanh thản và hòa nhã với một vẻ biểu lộ thiện lành trên khuôn mặt ta: “Vì thế hãy tự chủ và luôn luôn có một khuôn mặt vui tươi. Hoàn toàn từ bỏ nét khó chịu thường xuyên và vẻ mặt u tối. Hãy trở thành bạn hữu của chúng sinh và hãy chân thành đối với họ,”

 

Ta nên nhìn người khác ra sao? “Khi nhìn người khác, bởi biết rằng chính nhờ họ mà bạn thành Phật, hãy nhìn họ một cách tốt lành, vui vẻ.”

Ta nên ngồi ra sao? “Ta không nên ngồi duỗi chân hay liên tục nhúc nhích bàn tay.”

Ta nên ăn ra sao? “Ta không nên ăn ngồm ngoàm, ồn ào hay mở to miệng.”

Ta nên di chuyển ra sao? “Ta không nên gây ồn ào và vội vã khi làm những điều như rời khỏi chỗ ngồi, cũng không đóng sầm cửa. Ta nên vui thích sự tĩnh lặng.”

Ta nên ngủ ra sao? “Quay về hướng ưa thích, ta ngủ trong tư thế của Đấng Bảo Hộ (Đức Phật) khi Ngài nhập niết bàn.”

 

~ Sự thanh tịnh của ngữ ~

 

Ta nên từ bỏ lời nói ba hoa hay cộc cằn. Về lời nói ba hoa, trong Kinh Nguyệt Đăng có nói:

 

“Người chưa thuần thục hoàn toàn khước từ Giáo Pháp; tâm không còn mềm dẻo nữa và trở nên thô lỗ; sự an định và nội quán sâu sắc dần dần lùi xa; những lỗi lầm của việc ưa thích trò chuyện là như thế. Không còn lòng tôn kính các Đạo sư nữa; ta bắt đầu vui thích lời nói sai lạc và bởi thích thú sự vô nghĩa, trí tuệ bị hủy hoại; những lỗi lầm do bởi ưa thích trò chuyện là như thế.”

 

Về những lỗi lầm của lời nói cộc cằn, khó nghe, trong Kinh Nguyệt Đăng có nói:

 

“Người nhìn thấy một lỗi lầm không nên chỉ trích một cách công khai bởi họ sẽ nhận kết quả của mọi điều họ làm.”

 

Trong Sarvadharmâpravrttinirdeśasûtra (Kinh Các Giáo huấn về sự Không Tạo tác của mọi Hiện tượng) có nói:

 

“Nếu ta vạch ra những sai sót của một Bồ Tát, giác ngộ lùi xa. Nếu ta nói năng do bởi ghen tị, ta cách xa giác ngộ.” v.v..

 

Vì thế lời nói ba hoa và cộc cằn phải được từ bỏ. Ta nên nói năng ra sao?

 

“Khi nói, lời nói của ta cần đầy đủ ý nghĩa đối với người nghe, biểu lộ rõ ràng và được chọn lựa thật kỹ càng, êm dịu và ôn hòa, không có sự tham muốn và sân hận.”


~ Hành vi thanh tịnh và bất tịnh của tâm ~

 

Sự bất tịnh được giảng nghĩa ở đây nằm trong phạm vi một sự thèm khát uy thế và tôn kính, sự tham luyến giấc ngủ và sự uể oải trong tâm. Lỗi lầm của việc thèm khát uy thế và sự tôn kính được giảng nghĩa trong Adhyâśayasam codanasûtra (Kinh Chân thành Khẩn cầu):

 

“Di Lặc! Một Bồ Tát nên khảo sát xem việc có uy thế và được tôn kính sẽ làm sinh khởi sự thèm khát và tham luyến ra sao. Vị ấy nên hiểu rõ việc có uy thế và được tôn kính sẽ làm sinh khởi sự sân hận và thù ghét ra sao. Vị ấy nên hiểu rõ việc có uy thế và được tôn kính sẽ làm sinh khởi sự  vô minh tăm tối ra sao. Vị ấy nên hiểu rõ việc có uy thế và được tôn kính sẽ làm sinh khởi sự không trung thực ra sao. Vị ấy nên xem xét rằng chưa từng có vị Phật nào cổ vũ cho việc có uy thế hay được tôn kính và vị ấy nên khảo sát uy thế và những sự tôn kính đánh cắp cội gốc đức hạnh của ta ra sao. Vị ấy nên xem xét uy thế và những sự tôn kính thì giống như một cô gái điếm quyến rũ người khách của mình.” v.v..

 

Sự thèm khát uy thế không bao giờ thỏa mãn được. Kinh Cha và Con Gặp gỡ nói:

 

“Giống như việc mơ thấy nước trong một giấc mộng: ta có thể uống nước nhưng nó không thể thực sự làm ta hết khát. Vì thế ta cũng có thể đạt được những đối tượng khao khát làm vui thích các giác quan, nhưng ta sẽ chẳng bao giờ cảm thấy thỏa mãn.”

 

Khi đã xem xét điều ở trên, ta nên giảm bớt những tham muốn và hài lòng với những gì ta có. Về lỗi lầm của việc vui thú trong việc ngủ nghỉ, có câu nói rằng: “Bất kỳ ai đi đến chỗ vui thú trong việc ngủ nghỉ và trì trệ sẽ phải chịu sự suy thoái to lớn trong việc hiểu biết và khả năng tinh thần của họ cũng sẽ hư hoại. Mọi điều sinh khởi từ trí tuệ nguyên sơ sẽ luôn luôn bị suy giảm.” Và


“Sự hiểu biết của người vui thú trong việc ngủ nghỉ và trì trệ sẽ bị hủy hoại bởi sự vô minh và lười nhác. Người ấy sẽ trở thành nạn nhân của các thế lực phi-nhân và bị họ hãm hại khi thiền định một mình trong những khu rừng.” v.v..

 

Vì thế những hành vi bất tịnh của tâm ở trên cần được từ bỏ. Những hành vi thanh tịnh là gì? Đó là có và duy trì niềm tin và những phẩm tính khác được đề cập ở trên.

 

5. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TRÌ GIỚI

 

Nó được phát triển nhờ ba năng lực được đề cập ở trên (chương bố thí): trí tuệ nguyên sơ, sự hiểu biết sâu xa và hồi hướng.

 

6. LÀM THẾ NÀO ĐỂ VIỆC TRÌ GIỚI ĐƯỢC THUẦN TỊNH

 

Việc này được thành tựu nhờ hai sự hỗ trợ - tánh Không và lòng bi mẫn – được đề cập ở trên (chương bố thí).

 

7. KẾT QUẢ CỦA VIỆC TRÌ GIỚI

 

Ta nên hiểu rằng việc giữ giới hạnh đúng đắn có những kết quả nhất thời và tối thượng. Kết quả tối thượng là đạt được giác ngộ. Bồ Tát Địa nói:

 

“Một Bồ Tát đã hoàn thành đầy đủ trì giới ba la mật trở thành một vị Phật toàn hảo, với sự giác ngộ chân thực, vô song và viên mãn.”

 

Dù có tìm kiếm hay không, kết quả nhất thời là ta được hưởng hạnh phúc và an lành to lớn nhất. Bồ Tát Tạng nói rằng:

 

“Xá Lợi Phất! Thậm chí không sự huy hoàng, vinh quang nào các vị trời và người biết đến mà một Bồ Tát trì giữ giới hạnh hoàn toàn trong sạch như thế lại không trải nghiệm.”

 

Bồ Tát sẽ không bị lóa mắt bởi hạnh phúc và hỉ lạc của sinh tử và sẽ tiếp tục đi theo con đường dẫn đến giác ngộ. Kinh Narayana Vấn thỉnh nói:

 

“Ngay cả của cải của một Chuyển Luân Thánh Vương cũng không mua chuộc được một Bồ Tát có một tích tập giới hạnh như thế. Ngài vẫn tu tập chánh niệm và khát khao giác ngộ. Ngay cả địa vị của Trời Đế Thích cũng không thể làm ngài trệch hướng bởi ngài cũng tu tập chánh niệm và khát khao giác ngộ.” v.v..

 

Ngoài ra, những người trì giữ giới hạnh sẽ nhận được sự cúng dường và tán thán của con người cũng như các phi-nhân. Trong quyển Kinh trên có nói:

 

“Các vị trời luôn luôn tôn kính những người tích tập giới hạnh; các vị rồng sẽ luôn luôn biểu lộ sự cảm kích đối với các ngài; các dạ xoa sẽ luôn luôn tán thán các ngài; càn thát bà sẽ luôn luôn cúng dường các ngài; các bà la môn, hoàng tử, thương gia và địa chủ sẽ khẩn cầu các ngài, chư Phật sẽ luôn luôn thấu hiểu các ngài với lòng bi mẫn và sẽ ủy thác các thế giới và năng lực siêu phàm hiện diện trong đó cho các ngài.” v.v..

 

Đây là chương thứ mười ba bàn về trì giới ba la mật,

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát

 

----------------------------------

(1) Giới hạnh: Cách dịch tên gọi của ba la mật thứ hai (Phạn: sila, TT. tshul.khrims) này gần với định nghĩa của tshul.khrims được các Đạo sư dòng truyền thừa đưa ra và được các dịch giả trước đây chọn lựa. Các vị này đã không thể sử dụng từ “trầm tĩnh” để dịch từ sila (xem chú thích ở chương trước). Nó có nghĩa là trì giữ như giới luật (khrims) đạo đức cá nhân của ta, hay sự định rõ điều gì là đúng đắn, phương cách (tshul) của Đức Phật.

 

(2) Ở đây “người khác” có nghĩa là vị Thầy.

 

(3) Giới nguyện này và giới nguyện tương đương dành cho nữ cư sĩ tiếp theo sau, bao gồm việc tuân giữ tám giới luật: không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không dùng chất gây say, không tà dâm, không đeo đồ trang sức, không tham dự những cuộc chè chén say sưa hay ăn sau giờ được quy định. Có hai khả năng đối với giới nguyện không tà dâm: brahmacarya upasaka, liên quan đến việc hoàn toàn độc thân và upasaka thế tục, liên quan đến việc trung thành với người vợ (chồng) của ta và việc tiết chế trong những trường hợp được quy định.

 

(4) Dịch sát nghĩa là “các hành động không có sự ngừng nghỉ” bởi các hậu quả xảy ra tức thì sau khi chết.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6335580
Số người trực tuyến: