Chương Mười sáu: Thiền định Ba la mật | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương Mười sáu: Thiền định Ba la mật

Chương Mười sáu

Thiền định Ba la mật

 

Thiền định (1) ba la mật được tóm tắt làm bảy phần: những quán chiếu về lỗi lầm của sự thiếuthiền định và những phẩm tính của việc thực hành nó; tính chất thiết yếu của sự thiền định; các phương diện khác nhau của thiền định; đặc điểm thiết yếu của mỗi phương diện; làm thế nào để phát triển năng lực thiền định; làm thế nào để thiền định được thuần tịnh và kết quả của thiền định.

 

1. QUÁN CHIẾU VỀ LỖI LẦM CỦA SỰ THIẾU THIỀN ĐỊNH VÀ NHỮNG PHẨM TÍNH CỦA VIỆC THỰC HÀNH NÓ

 

Những người có các phẩm tính bố thí v.v.. nhưng không thiền định có thể bị các xao lãng chế ngự, và vì thế sẽ bị tổn thương bởi những nanh vuốt sắc nhọn của các ô nhiễm (phiền não). Vì thế Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Những người có tâm thức vô cùng xao lãng sống giữa nanh vuốt của các ô nhiễm.”

 

Hơn nữa, không có thiền định thì nhận thức thấu suốt (2) sẽ không sinh khởi. Nếu nhận thức thấu suốt không sinh khởi ta hoàn toàn không thể làm lợi lạc chúng sinh (3). Ngọn Đèn Soi sáng Con Đường Giác ngộ nói:

 

“Nếu ta không đạt được sự an bình kiên cố (4), nhận thức thấu suốt sẽ không sinh khởi. Người không có nhận thức thấu suốt sẽ không có khả năng làm việc cho sự lợi lạc của chúng sinh.”

 

Hơn nữa, trí tuệ sâu xa sẽ không phát khởi nơi người không có sự thiện xảo trong thiền định. Không có trí tuệ sâu xa ta sẽ không đạt được giác ngộ. Vì thế Thư gởi một người bạn nói:

 

“Không có trí tuệ sâu xa ở nơi không có thiền định.”

 

Đối nghịch lại của điều trên là được trang bị sự thiện xảo trong thiền định. Nhờ đó ta sẽ vứt bỏ sự tham muốn đối với những điều tầm thường, nhận thức thấu suốt sẽ sinh khởi và nhiều cánh cửa của thiền định sâu xa (samâdhi) sẽ được mở ra trong tâm thức ta. Vì thế Kinh Bát nhã Ba la mật Cô đọng trong các bài kệ nói:

 

“Nhờ thiền định, những cảm xúc thấp kém bị vứt bỏ và ta thực sự đạt được sự thông tuệ, nhận thức thấu suốt và thiền định sâu xa.”

 

Ngoài ra, nhờ thiện xảo trong thiền định, trí tuệ sâu xa sẽ phát triển và nhờ đó mọi ô nhiễm bị đánh bại. Vì thế Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Nhờ nội quán sâu xa của người vô cùng thiện xảo về śamatha, các ô nhiễm hoàn toàn bị đánh bại.”

 

Ngoài ra, người thiện xảo trong thiền định sẽ có nội quán về ý nghĩa tối hậu và vì thế sinh khởi lòng bi mẫn đối với chúng sinh. Vì thế Kinh Thành tựu Pháp giới nói:

 

“Nhờ an trú tâm thức trong thiền định, ta sẽ có nội quán về sự tối hậu như nó là. Nhờ quán chiếu sự tối hậu như nó là, các Bồ Tát sẽ thể nhập trạng thái vô cùng bi mẫn đối với chúng sinh.”

 

Ngoài ra, nhờ thiền định ta sẽ thiện xảo trong việc an lập tất cả những người đang tu tập trong sự giác ngộ dưới sự dẫn dắt của ta. Vì thế Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:


“Hơn nữa, nhờ thiền định đích thực đó, ta an lập tất cả những người thuộc ba loại giác ngộ (5).”

 

2. TÍNH CHẤT THIẾT YẾU CỦA SỰ THIỀN ĐỊNH

 

Bản tánh đích thực của nó là śamatha (sự kiên cố và an bình) (6): Tâm nghỉ ngơi ở bên trong và nhất tâm trên đức hạnh. Vì thế tiết mục bàn về định nghĩa trọng yếu của thiền định trong Bồ tát Địa nói:

 

“Đó là tâm quay vào bên trong, ngơi nghỉ nhất tâm trong đức hạnh.”

 

Loại thiền định đó được thành tựu nhờ việc giải trừ những yếu tố không thích hợp với nó – những phóng dật to lớn. Điều này đòi hỏi sự biệt lập, bởi thân cần biệt lập với công việc xã hội và tâm cần biệt lập với các tư tưởng. Vì thế Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Với thân và tâm biệt lập, các tư tưởng sẽ không xuất hiện.”

 

2a. Thân thể biệt lập với công việc xã hội

 

Tiết mục này được đề cập qua sáu chủ đề: những đặc điểm thiết yếu, các nguyên nhân và sự tai hại của công việc xã hội và những đặc điểm thiết yếu, các nguyên nhân và lợi lạc của sự biệt lập.

 

2.a1. Đặc điểm thiết yếu của công việc xã hội là bị xao lãng bởi con cái, vợ (chồng), những người quen biết hay của cải của ta.

 

2.a2. Nguyên nhân của công việc xã hội là sự tham luyến, nghĩa là bám luyến những người như vợ (chồng), gia đình v.v.., bám luyến vào vật chất như thực phẩm, quần áo v.v.. và bám luyến vào thanh danh và sự kính trọng chẳng hạn như lời khen ngợi của những người khác v.v.. Bởi những bám luyến như thế ta không thể thoát khỏi công việc xã hội. Vì thế có câu nói: “Do bởi sự vướng mắc và tham luyến của cải vật chất, ta không thể buông bỏ thế giới.”

 

2.a3. Sự tai hại của công việc xã hội nên được hiểu một cách tổng quát và cụ thể.

 

~ Tai hại nói chung do công việc xã hội gây ra ~

 

Như có nói trong Kinh Chân thành Khẩn cầu:

 

“Di Lặc! Công việc xã hội có hai mươi khiếm khuyết. Đó là gì? Ta không làm chủ được thân thể của mình, không làm chủ được lời nói của mình, không làm chủ được tâm thức của mình, các ô nhiễm phát triển, bị nhơ uế bởi sự chuyện trò thế tục, có thể bị những ảnh hưởng tiêu cực, bị xao lãng, sẽ không đạt được những kết quả trong thiền định śamatha và vipaśyanâ (7)…” v.v..

 

~ Những tai hại cụ thể của công việc xã hội ~

 

Bị tổn hại bởi sự bám luyến vào con người, ta sẽ không đạt được giác ngộ. Kinh Nguyệt Đăng nói:

 

“Chịu thua các dục vọng của ta, ta trở nên tham luyến con cái, vợ (chồng) và tùy thuộc vào đời sống gia đình tầm thường, và vì thế chẳng bao giờ đạt được giác ngộ tuyệt hảo và tối thượng.”

 

Bồ Tát Hạnh cũng nói về điều này:

 

“Bởi bám luyến các chúng sinh, mục đích tối thượng hoàn toàn bị tiêu diệt.”

 

Vì thế ta nên rũ sạch sự bám luyến vào những người này. Như có nói:

 

“Họ không mang lại lợi lạc cho ta mà ta cũng không làm lợi ích cho họ; vì thế khéo tránh xa người chưa thuần thục!”

 

Về những lợi lạc của việc từ bỏ những bám luyến này, Kinh Nguyệt Đăng nói:

 

“Giác ngộ viên mãn không khó tìm thấy đối với những người đã thoát khỏi sự bám luyến vào vợ chồng và con cái, khiếp sợ đời sống gia đình, thực sự rũ sạch nó. ”

 

Tổn hại do những bám luyến vào vật chất và bám luyến vào thanh danh có hai loại: ta không thể bảo đảm là sẽ giữ gìn được chúng và chúng bao hàm sự đau khổ. Bồ Tát Hạnh nói về sự tham luyến vật chất:

 

“Ta hoàn toàn không biết điều gì sẽ xảy ra cho của cải và thanh danh mà ta từng tích tập.”

 

Về sự tham luyến thanh danh, quyển sách này nói:

 

“Mọi đối tượng mà ta tham luyến sẽ mang lại cho ta vô vàn đau khổ.”

 

2.a4. Đặc điểm thiết yếu của sự biệt lập là thoát khỏi công việc xã hội.

 

2.a5. Nguyên nhân của sự biệt lập là an trú trong cô tịch ở một nơi hẻo lánh. Nơi hẻo lánh là những nơi như các mộ địa, rừng rậm, hang động, đồng cỏ v.v.. Một nơi cô tịch phải cách xa khu định cư của người thế tục một tầm nghe, nghĩa là bằng 500 lần độ dài của một cây cung (8). Trong Atì- đạt-ma-câu-xá luận có nói:

 

“Một nơi được coi là hẻo lánh khi nó nằm ngoài tầm nghe, nghĩa là cách xa 500 lần độ dài của một cây cung.”

 

2.a6. Những lợi lạc của sự biệt lập. Khi đã từ bỏ công việc xã hội và an trụ ở một nơi biệt lập vì sự giác ngộ của bản thân và tất cả chúng sinh, ta sẽ nhận được nhiều lợi lạc: đó là cách tốt nhất để phụng sự và tôn kính các bậc giác ngộ, tâm ta sẽ thoát khỏi sinh tử, ta sẽ rũ sạch tám mối bận tâm thế tục, các ô nhiễm sẽ không được nuôi dưỡng và thiền định sẽ trở thành một phần của sự hiện hữu của ta. Những lợi lạc này sẽ được giải thích từng điểm một.

 

~ Đó là cách tốt đẹp nhất để phụng sự và tôn kính chư Phật ~

 

So với việc cúng dường thực phẩm, nước uống, hoa v.v.. thì việc chỉ đi bảy bước về phía ẩn thất

do bởi Bồ đề tâm, với ý hướng an trụ trong ẩn thất để làm lợi lạc chúng sinh sẽ khiến chư Phật hoàn toàn thuần tịnh và viên mãn hài lòng hơn rất nhiều. Vì thế Kinh Nguyệt Đăng nói:

 

“Thực phẩm, nước uống, hoa, hương và các vòng hoa không phải là cách tốt nhất để phụng sự và tôn kính Đấng Chiến Thắng, bậc tuyệt hảo trong tất cả. So với người cúng dường những vật phẩm trên thì người khát khao giác ngộ và chán ngán sự xấu ác của cuộc đời lệ thuộc, bước đi bảy bước về một ẩn thất với ý hướng an trụ ở đó để làm lợi ích chúng sinh có công đức to lớn và tốt lành hơn rất nhiều.”

 

~ Tâm ta sẽ rũ sạch sinh tử và tám mối bận tâm thế tục (9) và những ô nhiễm sẽ không được vun trồng ~

 

Cũng quyển Kinh trên dạy ta rằng: “Tương tự như vậy, khi ta luôn luôn bất mãn với cuộc đời lệ thuộc, ta sẽ không có chút khao khát nào đối với thế gian và những sự nhiễm ô sẽ hoàn toàn không được vun trồng.”

 

~ Thiền định sâu xa – điều cần thiết hơn bất kỳ điều gì khác – sẽ nhanh chóng phát triển ~


Cũng quyển Kinh trên nói: “Hãy từ bỏ vui thú của các thành thị và xóm làng và luôn luôn hướng về ẩn thất trong rừng sâu. Luôn luôn nhất tâm, như một con tê giác, và chẳng bao lâu con sẽ đạt được thiền định sâu xa siêu việt.”


2b. Tâm thức cần được biệt lập với tư tưởng

 

Trong khi sống trong ẩn thất, ta nên suy niệm và nghĩ rằng: “Vì sao tôi đến chốn ẩn tu này? Tôi đến nơi biệt lập này trong sự kinh sợ những nơi như làng mạc và thị thành đầy phóng dật. Chạy trốn những nơi đó, tôi đến nơi ẩn tu.” Điều gì là khủng khiếp ở những nơi đó? Kinh Gia chủ Drakshulchen Vấn thỉnh nói:

 

“Tôi kinh sợ công việc xã hội. Tôi kinh sợ thành công vật chất và thanh danh. Tôi kinh sợ bằng hữu bất thiện. Tôi kinh sợ những kẻ giảng dạy những con đường sai lạc. Tôi kinh sợ tham, sân và si. Tôi kinh sợ ấm ma (ngũ uẩn ma), ma ô nhiễm (phiền não ma), tử ma (Thần Chết) và dục lạc ma. Tôi kinh sợ ba trạng thái thấp của sự tái sinh – súc sinh, ngạ quỷ và địa ngục. Bởi kinh sợ những điều trên nên tôi đi vào ẩn thất.”

 

Sau đó ta nên xem xét bản thân: “Vì kinh sợ những điều đó tôi ở trong ẩn thất nhưng ngay lúc này thân, ngữ và tâm đang làm gì?”


* Hãy chống lại hoạt động thân thể sai trái bằng cách suy niệm: “Nếu ở trong ẩn thất mà thân tôi sát sinh, trộm cắp v.v.. thì tôi chẳng khác gì những thú vật săn mồi, các thợ săn, những kẻ trộm cướp. Điều này có thực sự hoàn thành mục đích ban đầu của tôi khi đến đây?”

* Hãy chống lại việc nói năng sai trái bằng cách khảo sát lời nói và suy niệm: “Nếu ở trong ẩn thật

mà tôi nói năng huyên thuyên, vu khống, lạm dụng lời nói v.v.. thì tôi chẳng khác gì những con công, con vẹt, sơn ca, chiền chiện v.v.. Điều này có thực sự hoàn thành mục đích ban đầu của tôi khi đến đây?”

* Hãy chống lại hoạt động sai trái của tâm bằng cách khảo sát tâm và suy niệm: “Nếu ở trong ẩn thật mà tôi có những tư tưởng tham, sân và si thì tôi chẳng khác gì những con thú, khỉ đầu chó, khỉ, gấu, gấu núi v.v.. Điều này có thực sự hoàn thành mục đích ban đầu của tôi khi đến đây?” Như thế, khi thân và tâm đều được biệt lập, phóng dật sẽ không còn xuất hiện nữa và trong trạng thái không xao lãng, ta có thể đi vào thiền định. Vì thế ta cần tu tập tâm thức.

 

2c. Sự cần thiết của việc tu tập tâm thức

 

Trước tiên ta cần quán chiếu xem ô nhiễm nào là lớn nhất và sau đó suy niệm theo một cách thức để chữa trị ô nhiễm đó:

* Phương thuốc để chữa trị tham muốn là thiền định về sự xấu xí, khó chịu,

* Phương thuốc để chữa trị sân hận là thiền định về lòng từ ái,

* Phương thuốc để chữa trị si mê là thiền định về sự tương thuộc,

* Phương thuốc để chữa trị ganh tỵ là thiền định về sự tương đồng giữa ta và người,

* Phương thuốc để chữa trị kiêu mạn là thiền định về sự hoán đổi vị trí với người khác,

* Nếu tất cả các ô nhiễm đều lớn như nhau hay trong trường hợp quá nhiều niệm tưởng, ta thiền

định về hơi thở.

 

2.c1. Nếu tham muốn là ô nhiễm trội vượt, ta nên thiền định về sự xấu xí, khó chịu như sau.

Trước hết ta suy niệm, nghĩ tưởng về những thân thể được tạo thành bởi 36 chất bất tịnh như thịt, máu, da, xương, tủy, huyết thanh, mật, đờm dãi, nước nhầy, nước miếng, nước tiểu v.v.. Khi ta đi tới các mộ địa và quan sát các tử thi – những tử thi còn mới, những tử thi 2 ngày, những tử thi 3 ngày, 4 ngày và 5 ngày. Ta quan sát sự thối rữa của chúng, sự hoàn toàn chuyển hóa của chúng và xem chúng trở nên đen sạm và bị các thú vật nhỏ ăn nuốt ra sao. Kế đó ta quán chiếu: “.. Thân thể tôi có cùng bản chất đó, cùng hiện tượng đó và tôi chưa vượt qua được tình cảnh như thế.” Khi quan sát những tử thi mới, thịt vẫn còn nguyên, được mang tới mộ địa hay những tử thi mà các sợi cơ được đan dệt vào nhau hay những tử thi bị đập vỡ thành nhiều mảnh hay khi ta quan sát các bộ xương của những người chết nhiều năm trước đó, những khúc xương có màu vỏ sò hay màu chim bồ câu, hãy nghĩ: “.. thân thể tôi có cùng bản chất đó, cùng hiện tượng đó và tôi chưa vượt qua được tình cảnh như thế…”

 

2.c2. Nếu sân hận và hiểm độc vượt trội, ta nuôi dưỡng lòng từ ái như một cách chữa trị. Nói chung có ba phương diện của lòng từ ái, như được đề cập trong một chương trước đây. Phương diện được phát triển trong văn cảnh này là lòng từ ái được tập trung trên chúng sinh. Trước hết ta coi một người nào đó là hết sức thân thiết với ta một cách tự nhiên và phát khởi ý muốn mang lại cho họ hạnh phúc và sự an bình. Bằng cách này, ta thành tựu một cảm xúc tương ứng với lòng từ ái (đối với người đó). Sau đó cảm xúc từ ái này được trải rộng đến một nhóm đủ loại người (10). Kế đó, nó được trải rộng để bao gồm những người bình thường; đến những người quen biết của ta; rồi đến những người sống trong một thị trấn và cuối cùng bao gồm mọi người sống ở khắp mười phương của địa bàn (11).

 

2.c3. Nếu si mê vượt trội, ta thiền định về lẽ duyên sinh như phương thuốc chữa trị. Trong Śalistambhasûtrâ (Kinh Cây Lúa) có nói:

 

“Các Tỳ kheo! Những ai biết cây lúa này sẽ hiểu lẽ duyên sinh. Những ai hiểu lẽ duyên sinh sẽ hiểu bản tánh của các hiện tượng. Những ai hiểu các hiện tượng sẽ thấu suốt Phật quả.”

 

Có hai cách để trình bày sự tương thuộc:

* Trong trình tự trong đó nó sinh khởi – sự duyên sinh của sinh tử và

* Trong trình tự qua đó nó bị đối kháng – sự duyên sinh của niết bàn.

 

Sự duyên sinh đầu tiên có hai phương diện: duyên sinh nội tại và duyên sinh ngoại tại, sự duyên sinh nội tại được thảo luận ở đây trong phạm vi nguyên nhân chủ yếu và các điều kiện (duyên).

 

Duyên sinh nội tại của sinh tử trong phạm vi các nguyên nhân chủ yếu

 

“Các nhà sư! Bởi sự hiện hữu của cái này, cái kia sẽ sinh khởi. Bởi cái kia đã sinh khởi, nên cái này sinh khởi. Đó là cách nó là. Bởi vô minh, sẽ có hành v.v.. (cho tới) sẽ có sinh ra và bởi điều kiện (duyên) đó sẽ có lão và tử, các đau khổ và sự than khóc, đau đớn, căng thẳng và rối loạn. Đó là cách tích tập khổ đau vĩ đại này được tạo lập” (12)

 

“Cái này” ám chỉ dục giới, trong phạm vi cõi giới của sự hiện hữu, và ám chỉ sự sinh ra từ thai tạng (thai sanh), trong phạm vi của các trạng thái sinh ra.

 

1. Mắt xích (nối kết) đầu tiên được thiết lập là điều kiện (duyên) “vô minh”, nghĩa là sự không nhận ra bản tánh độc nhất vô nhị (tathâtagarbha - Như Lai Tạng) là điều phải biết. Do tác động của vô minh

2. Mà có sự vận hành thực sự của hành động bị nhơ uế (13), có thể là thiện lành hay bất thiện. Yếu tố này được gọi là “hành do bị vô minh tác động.”

3. Tâm bị ô nhiễm bởi các tiềm năng như-hạt giống được in sâu trong nó bởi những hành động như thế được gọi là “thức do bị hành tác động”. Bởi năng lực của hành động này tâm được

4. Chuyển hóa thành cái gì đó hết sức lầm lạc và gia nhập vào các yếu tố sinh sôi nảy nở trong thai tạng của người mẹ để trở thành những giai đoạn khác nhau của phôi và kế đó là bào thai. Yếu tố này được gọi là “danh và sắc (14) do bị thức tác động”. Bởi sự phát triển của thức mà

5. Những năng lực giác quan khác nhau, chẳng hạn như thị giác, khứu giác v.v… trở nên đầy đủ. Chúng được gọi là “lục nhập [sáu cánh cổng tri giác] do bị danh và sắc tác động.”

6. Khi những năng lực giác quan khác nhau này, chẳng hạn như thị giác v.v.. gặp gỡ những lãnh vực khách quan bằng thức tương ứng (15), cuộc gặp gỡ tay ba này tạo nên một kinh nghiệm thực sự về đối tượng. Yếu tố này được gọi là “xúc do bị lục nhập tác động.” Theo tính chất của sự tiếp xúc này mà xuất hiện

7. Cảm xúc, trong ý nghĩa của một kinh nghiệm dễ chịu, khó chịu hay dửng dưng. Yếu tố này được gọi là “thọ do bị xúc tác động.”

8. Sự tham luyến cảm xúc (thọ) đó, sự khát khao và thèm muốn mạnh mẽ đối với nó, được gọi là “ái do bị thọ tác động.” Bởi sự tham muốn như thế mà có một

9. Nỗ lực để không đánh mất kinh nghiệm hay để đưa kinh nghiệm trở lại. Yếu tố này được gọi là “thủ do bị ái tác động.” Do nỗ lực này ta

10. Thực hiện các hành động – về thân, ngữ và tâm – là những gì tạo nên sự tái sinh. Yếu tố này được gọi là “hữu do bị thủ tác động.”

11. Mọi sự hiện hữu gồm có năm uẩn được sinh khởi bởi những hành động đó được gọi là “sinh do bị hữu tác động.” Bởi được sinh ra,

12. sự phát triển và thuần thục của sự hiện hữu thực sự đang già đi và sự huỷ diệt của hiện hữu là cái chết. Đây là “lão và tử do bị sinh ra tác động.” Do lầm lạc và vô minh, cái chết được sự tham muốn và bám luyến đồng hành, và nỗi khổ là một sự dày vò sâu xa. Những sự khóc than là biểu lộ về ngữ của nỗi khổ đó. Đau đớn là cảm giác khó chịu do sự hiện hữu của mối liên hệ của năm giác quan. Thống khổ là khổ đau trong tâm do những trạng thái tâm lý khác nhau. Những vấn đề khác là các rối loạn – một thuật ngữ liên quan đến các ô nhiễm phụ.

 

Những yếu tố tương thuộc ở trên được hiểu là thuộc ba nhóm riêng biệt:

* Vô minh, ái và thủ là những ô nhiễm,

* Hành và hữu là hành động (nghiệp) và

* Bảy yếu tố khác – thức v.v..- là đau khổ.


Pratîtyasamutpâdahrdayayakârikâ (Luận thuyết về Tinh túy của sự Tương thuộc) nói:

 

“Mười hai mắt xích (chỗ nối kết) cụ thể nên được hiểu trong phạm vi của ba nhóm. Các duyên sinh tương thuộc này được Đấng Hiền giả giảng dạy một cách đúng đắn nhất thuộc về ba phạm trù – ô nhiễm, hành động và đau khổ. Yếu tố thứ 1, thứ 8 và thứ 9 là ô nhiễm, thứ 2 và thứ 10 là hành động và bảy yếu tố còn lại là đau khổ.”

 

Ngoài ra, các yếu tố ở trên được minh họa như sau: vô minh giống như người gieo hạt, hành (nghiệp) như một cánh đồng, thức như hạt giống, thủ như hơi ẩm, danh và sắc như một chồi non và các nối kết còn lại giống như cành và lá (của cây).

 

Nếu vô minh không xuất hiện, hành v.v.. đã không thể biểu lộ ..v.v.. cho tới … và nếu sinh không xảy ra thì lão và tử không thể hiển lộ. Tuy nhiên, chính bởi sự hiện diện của vô minh mà hành v.v.. thực sự xảy ra v.v.. cho tới .. và bởi sự hiện hữu của sinh mà lão và tử sẽ thực sự xảy ra. Trong những tiến trình này, vô minh không mưu tính khi nghĩ rằng: Ta sẽ kiến lập hành một cách hiển nhiên, hành cũng không nghĩ: Chúng tôi được hiển lộ bởi, và được tạo lập bởi vô minh v.v.. Tương tự như thế, sinh không mưu tính khi nghĩ rằng: Tôi sẽ kiến lập lão và tử một cách hiển nhiên, lão và tử cũng không tự coi là thực sự được hình thành bởi sinh. Tuy nhiên, chính nhờ sự hiện hữu của vô minh mà hành v.v.. được thiết lập một cách hiển nhiên và sẽ xuất hiện, tương tự như thế, nhờ sự hiện hữu của sinh mà lão và tử được làm cho hiển lộ và sẽ xảy ra. Đây là cách nhìn duyên sinh nội tại trong phạm vi các nguyên nhân chủ yếu.


Duyên sinh nội tại cũng được nối kết với các nguyên nhân thứ yếu - “các điều kiện cụ thể”

 

Đó là bởi nó bao gồm sáu yếu tố: đất, nước, lửa, gió, không (không gian) và thức:

* “Yếu tố đất” là yếu tố tạo nên sự vững chắc và hiện hữu vật chất thực sự của cơ thể.

* “Yếu tố nước” là yếu tố thực hiện công việc gắn bó toàn bộ cơ thể.

* “Yếu tố lửa” chịu trách nhiệm về sự chuyển hóa thực phẩm, nước uống v.v..

* “Yếu tố gió” là yếu tố thực hiện công việc chuyển động hơi thở vào và ra.

* “Yếu tố không” thích hợp với các lỗ hổng bên trong thân thể.

* “Yếu tố thức” tự nó bao gồm năm thức giác quan (ngũ thức) và tâm thức bị ô nhiễm.

Không có sáu điều kiện ở trên, một thân thể không thể hình thành; hơn nữa sự hiện diện của tất cả sáu yếu tố bên trong thì phổ quát và vì thế bao gồm mọi sự (16). Chính nhờ chúng mà thân thể có sự hiện hữu cụ thể thực sự.

Trong những tiến trình này, sáu yếu tố không nghĩ: Tôi sẽ thiết lập sự vững chắc của thân thể v.v.. và thân thể cũng không nghĩ: Tôi được sinh ra nhờ những điều kiện cụ thể này. Tuy nhiên, chính nhờ những điều kiện cụ thể này mà thân thể xuất hiện bằng mọi cách thế. Ta có thể tự hỏi là sự phát triển toàn diện của 12 yếu tố của sự tương thuộc có được hoàn thành trong cuộc đời này hay không. Kinh Thập Địa nói:

 

“Hành do sự tác động của vô minh có liên quan tới những gì xảy ra trong quá khứ. Các mắt xích (các nối kết) từ thức cho tới thọ có liên quan tới hiện tại. Ái cho tới hữu có liên quan tới tương lai. Mọi yếu tố khác không thể không xuất hiện từ đó.”

 

Sự đối kháng những yếu tố ở trên – duyên sinh của Niết bàn

 

Nhờ nhận ra chân tánh (dharmatâ) của mọi hiện tượng là tánh Không, vô minh chấm dứt. Nhờ sự chấm dứt của nó (tất cả những mắt xích khác) cho tới lão và tử sẽ được chấm dứt theo trình tự thích đáng của chúng (17). Như có nói:

 

“Bằng cách chấm dứt vô minh, hành được chấm dứt”..v.v.. “bằng cách chấm dứt sinh, lão và tử, khổ đau, than khóc, thống khổ, căng thẳng và rối loạn được chấm dứt. Đó là cách tích tập khổ đau vĩ đại này chấm dứt.”

 

2.c4. Nếu ganh tỵ vượt trội, ta thiền định về sự tương đồng giữa ta và người như cách chữa trị. Giống như ta khao khát hạnh phúc cho bản thân, các chúng sinh khác cũng khát khao hạnh phúc cho bản thân họ. Giống như ta không muốn bản thân ta đau khổ, các chúng sinh khác cũng không muốn đau khổ. Khi nghĩ như thế, ta trau dồi sự quan tâm đến chúng sinh như ta quan tâm đến bản thân mình. Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Ngay từ lúc bắt đầu ta nên nỗ lực thiền định về sự tương đồng giữa ta và chúng sinh. Ta nên bảo vệ tất cả chúng sinh như bảo vệ bản thân ta bằng sự tương đồng về hạnh phúc và đau khổ của họ và của ta.”

 

2.c5. Nếu kiêu mạn vượt trội, cách chữa trị là thiền định về sự hoán đổi ta và người. Các chúng sinh chưa thuần thục chịu đau khổ trong sinh tử mà bản thân họ đã tạo ra bằng một động lực chỉ quan tâm đến mình. Chư Phật, được thúc đẩy bởi sự quan tâm đối với chúng sinh và chỉ hành động vì hạnh phúc của họ, đã đạt được giác ngộ. Vì thế có câu nói:


“Các chúng sinh chưa thuần thục hành động vì tư-lợi. Các Hiền giả hành động vì điều tốt lành của chúng sinh. Hãy suy xét sự khác biệt giữa hai loại người này!”

 

Vì thế hãy vứt bỏ sự ích kỷ bằng cách hiểu rằng sự yêu quý bản thân là một lỗi lầm. Hãy đối xử với chúng sinh như đối xử với bản thân mình bằng cách hiểu rằng yêu quý chúng sinh là một phẩm tính tốt. Vì thế Bồ Tát Hạnh nói:

 

“Nhờ hiểu rõ bản ngã là sai lầm và chúng sinh là một đại dương các phẩm tính, hãy trau dồi sự vứt bỏ tánh vị kỷ và một cam kết đối với chúng sinh.”

 

2.c6. Nếu tất cả các ô nhiễm đều hiện diện ngang nhau hay nếu có quá nhiều tư tưởng, ta tu tập thiền định hơi thở như một cách chữa trị. Đây là sáu loại thực hành chính chẳng hạn như đếm hơi thở v.v.., được trình bày trong A-tì-đạt-ma-câu-xá luận:

 

“Có sáu thực hành: tính đếm, theo dõi, nghỉ ngơi, suy tưởng, chuyển hóa và hoàn toàn thanh tịnh.”

 

Cũng có các thực hành trong đó các ô nhiễm không bị tiệt trừ, không được sử dụng mà cũng không được chuyển hóa. Đó là phương pháp của Mật thừa hay của truyền thống và giáo huấn của Đức Marpa và các nam tử tâm linh của ngài, là điều phải được học trực tiếp từ một vị Thầy đầy đủ phẩm tính. Các giáo huấn này được hiểu nhờ “sự hợp nhất với tinh túy bẩm sinh” (18) và sáu Thực hành của Naropa. Tất cả những mục c1 cho đến c6 ở trên trình bày các giai đoạn tu tập tâm thức khác nhau dẫn ta đến sự an định và kiên cố.

 

3.CÁC PHƯƠNG DIỆN KHÁC NHAU CỦA THIỀN ĐỊNH

 

Có ba phương diện: thiền định mang lại hạnh phúc hiển nhiên, thiền định làm sinh khởi những phẩm tính tốt lành và thiền định làm việc cho sự lợi lạc của chúng sinh. Phương diện thứ nhất khiến tâm ta trở thành một bình chứa (pháp khí) thích hợp, phương diện thứ hai mang lại những phẩm tính giác ngộ trong những người đã là một bình chứa xứng đáng và phương diện thứ ba làm việc vì lợi lạc của chúng sinh.

 

4. ĐẶC ĐIỂM THIẾT YẾU CỦA MỖI PHƯƠNG DIỆN

 

4a. Thiền định mang lại hạnh phúc hiển nhiên

 

Theo Bồ Tát Địa:

 

“Đây là thiền định của các Bồ Tát: thoát khỏi mọi tư tưởng, mang lại sự điều phục thân và tâm một cách tuyệt vời, vô cùng an bình theo cách thế tối hảo, không kiêu ngạo, không vướng mắc kinh nghiệm “nếm trải” của thiền định và thoát khỏi mọi ý niệm (của một đối tượng thiền định) – những phẩm tính này nên được thấu hiểu bằng sự hỉ lạc trong thực hành.”

 

i. Thoát khỏi mọi tư tưởng nghĩa là nó an trụ hoàn toàn tập trung không có sự can thiệp của những ý tưởng lan man do trí năng tạo tác về sự hiện hữu, không hiện hữu v.v..

ii. Mang lại sự điều phục thân và tâm một cách tuyệt vời nghĩa là sự hủy diệt mọi điều kiện xấu mà thân hay tâm ta có thể gặp phải.

iii. Vô cùng an bình theo cách thế tối hảo có nghĩa là đi vào một trạng thái như thế một cách tự nhiên.

iv. Không kiêu ngạo ám chỉ không có những ô nhiễm về những cái thấy (19)

v. Không vướng mắc kinh nghiệm “nếm trải” của thiền định ám chỉ không có ô nhiễm tham muốn (20).

vi. Thoát khỏi ý niệm về đối tượng của thiền định có nghĩa là không phải kinh nghiệm các đối tượng của giác quan chẳng hạn như hình tướng (sắc) v.v.. Các cánh cửa dẫn vào tất cả những phẩm tính khác nhau này là bốn dhyâna (thiền định) – dhyâna thứ nhất (sơ thiền), dhyâna thứ hai (nhị thiền), dhyâna thứ ba (tam thiền) và dhyâna thứ tư (tứ thiền). Trong bốn dhyâna này, dhyâna thứ nhất được đi kèm bởi tư tưởng và sự phân tích, dhyâna thứ hai được đi kèm bởi hỉ, dhyâna thứ ba được đi kèm bởi lạc rất vi tế và dhyâna thứ tư bởi sự xả bỏ.

 

4b. Thiền định mang lại những phẩm tính tốt đẹp

 

Thiền định này có hai loại: đặc biệt và thông thường. Các thiền định đặc biệt thì vô hạn và không thể nghĩ bàn, là những thiền định sâu xa thuộc về thập lực. Bởi ngay cả Thanh Văn và Phật Độc giác không biết đến tên gọi của những thiền định như thế, làm sao họ có thể thực sự thể nhập các thiền định đó? Các thiền định thông thường là những thiền định giải thoát viên mãn, siêu xuất,

những cánh cổng của sự cạn kiệt, thông tuệ riêng biệt tuyệt hảo v.v.. cũng là những thiền định phổ biến đối với Thanh Văn. Mặc dù các thiền định này có chung tên gọi, nhưng chúng khác biệt trong thực hành thực sự.

 

4c. Thiền định làm việc cho hạnh phúc của chúng sinh

 

Dù sử dụng thiền định nào, ta cũng có thể hiển lộ vô số thân tướng. Những thiền định này làm việc vì sự lợi lạc của chúng sinh theo 11 cách, chẳng hạn như trợ giúp chúng sinh phù hợp với nhu cầu của họ. V.v.. Như thế cũng có śamatha và vipaśyanâ hết sức nổi tiếng. Đó là gì? Śamatha (sự an định) là tâm nghỉ ngơi trong tâm nhờ thiền định sâu xa tuyệt hảo. Vipaśyanâ (nội quán sâu xa) theo sau thiền định này: đó là nhận thức sâu sắc về các hiện tượng hiểu rõ điều gì được làm và điều gì không được làm. Đại Thừa Trang nghiêm Kinh Luận nói:

 

“Nhờ an trú trong sự tối hảo, tâm được chuẩn bị để ngơi nghỉ trong tâm và đó là sự nhận thức sâu sắc siêu việt về các sự việc. Chúng được gọi (một cách tương ứng) là śamatha và vipaśyanâ”

 

Śamatha tượng trưng cho chính thiền định tập trung và vipaśyanâ là khía cạnh hiểu biết sâu xa của kinh nghiệm đó.

 

5. LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC THIỀN ĐỊNH

 

Thiền định được phát triển nhờ ba năng lực được đề cập ở trên (chương bố thí): trí tuệ nguyên sơ, hiểu biết sâu xa và sự hồi hướng.

 

6. LÀM THẾ NÀO ĐỂ THIỀN ĐỊNH ĐƯỢC THUẦN TỊNH

 

Thiền định được thành tựu nhờ hai hỗ trợ - tánh Không và lòng bi mẫn, đã được đề cập ở trên (chương bố thí).

 

7. KẾT QUẢ CỦA THIỀN ĐỊNH

 

Ta nên hiểu rằng thiền định có hai kết quả là kết quả nhất thời và kết quả tối thượng. Kết quả tối thượng là đạt được giác ngộ. Trong Bồ Tát Địa nói:

 

“Nhờ hoàn thành thiền định ba la mật, chư vị Bồ Tát đã thực sự trở thành chư Phật toàn giác, đang thực sự trở thành chư Phật toàn giác và sẽ thực sự trở thành chư Phật toàn giác với sự thanh tịnh tối thượng và giác ngộ viên mãn.”

 

Trong thời gian chờ đợi, nhờ thiền định, ta sẽ đạt được thân tướng của một vị trời siêu vượt sắc giới. Đạo sư Nagarjuna (Long Thọ) nói:

 

“Nhờ bốn thiền định qua đó ta giũ sạch sự vướng mắc với các giác quan và sướng-khổ, ta đạt được một trạng thái tương tự trạng thái của các vị trời trong các cõi trời Thuần tịnh, Chói ngời, Đức hạnh Tăng trưởng và Đại Quả.”

 

Đây là chương thứ mười sáu về thiền định ba la mật,

trong tác phẩm Pháp Bảo của sự Giải thoát


----------------------------------

(1) Thiền định (TT: bsam.gtan, Phạn: dhyâna) Trong hiện tại thuật ngữ này không bao gồm mọi sự được ngụ ý bằng từ thiền định. Theo nghĩa đen của tiếng Tây Tạng thì thuật ngữ này có nghĩa là sự kiên cố của tâm/tiến trình kiên cố của tư tưởng. Như được giải thích chi tiết trong chương này, ý niệm tổng quát là làm chủ các tiến trình trong tâm ta để giải trừ sự mê lầm và đau khổ và để tạo ra sự an bình và hạnh phúc, chủ yếu là nhờ việc phát triển thiền định tập trung.

 

(2) Nhận thức thấu suốt Khi tâm được tập trung và kiên cố nhờ thiền định, nó không bị tư tưởng làm trở ngại và có một sự sáng suốt trong trẻo như pha lê khiến tâm có sự thấu thị (thiên nhãn thông), nghe được những âm thanh mà người khác không nghe thấy (thiên nhĩ thông), thấu suốt tâm thức của người khác (tha tâm thông), thấu suốt quá khứ (túc mạng thông) và khả năng tạo ra những hiện tượng phi thường. Xin lưu ý rằng đây là những loại thấu thị v.v.. vô cùng khác biệt, hơn là những khả năng không đáng tin có tính chất bản năng của một số người.

 

(3) Không thể làm lợi lạc chúng sinh - bởi ta không biết điều gì thực sự làm lay chuyển hoàn cảnh hiện tại của họ: những sự phức tạp trong tiềm thức của họ, ảnh hưởng của những đời trong quá khứ v.v.. Ngoài ra ta không biết gì về các sự kiện không mong đợi có thể xảy ra cho họ.

 

(4) Samatha là thiền định mang lại sự kiên cố và thoát khỏi năng lực của những tư tưởng quen thuộc và những ô nhiễm. Từ Tây Tạng zhi.gnas có nghĩa là an bình/làm an dịu (zhi) – nghĩa là các ô nhiễm và tư tuởng không náođộng – và sự kiên cố (gnas) bởi tâm thức nghỉ ngơi trong thiền định về đối tượng tập trung của nó. Xem bên dưới trong chương này.

 

(5) Đó là Thanh Văn, Phật Độc giác và Bồ Tát.

 

(6) śamatha, vipaśyanâ Xem chú thích trước đây trong chương này về sự mô tả hai yếu tố này của śamatha.

 

(7) śamatha, vipaśyanâ Xem các định nghĩa ở mục 4C trong chương này.

 

(8) Nơi hẻo lánh – Thuật ngữ Tây Tạng gönpa, dgon.pa, có nghĩa là “nơi hẻo lánh,” đã trở thành từ phổ thông để chỉ tu viện. Bởi có thể được suy diễn từ định nghĩa theo sau trong bản văn, nhiều tu viện không đầy đủ tiêu chuẩn biệt lập được định rõ. Thuật ngữ đưa ra một ý nghĩa về sự biệt lập và bảo vệ.

 

(9) Tám mối bận tâm thế tục Đây là sự bám luyến vào, hay bị tác động bởi những cặp đối nghịch – được/mất, vinh/nhục, khen/chê và sướng/khổ.

 

(10) Những người ta yêu quý, những người ta dửng dưng và những người ta không thích.

 

(11) Tám vị trí của địa bàn + điểm cao nhất + điểm thấp nhất.

 

(12) Đây là một hình thức được lược bỏ của mười hai nhân duyên, chỉ có yếu tố đầu tiên và cuối cùng được đưa ra ở đây. Tiết mục tiếp theo sẽ cung cấp những yếu tố bị thiếu.

 

(13) Sự nhơ uế là “tam nguyên”, nghĩa là chủ thể-đối tượng-sự tương tác. Sự mê lầm nhị nguyên của chủ thể và đối tượng sinh ra từ sự không biết bản tánh độc nhất vô nhị của tâm tự động trở thành tam nguyên bằng sự thụ tinh chéo của những ảo tưởng chủ thể và đối tượng.

 

(14) Danh và sắc là một loại mật mã cho năm uẩn. Trong giai đoạn đầu tiên của phôi có một sắc tướng nào đó nhưng rất ít có sự hiện diện của bốn uẩn kia, là những gì chỉ có trên danh nghĩa, là tiềm năng thuộc về nghiệp và tập hợp di truyền, nhưng không có trên thực tế, chẳng hạn có thể không có nhãn thức bởi mắt chưa được hình thành.

 

(15) Chẳng hạn như thị giác tiếp xúc với sắc tướng hữu hình nhờ nhãn thức, khứu giác tiếp xúc với các mùi vị bằng tỉ thức v.v..

 

(16) Không phải chỉ có sáu yếu tố được đề cập ở trên là các chức năng cụ thể của thân thể mà nhiều chức năng khác và các hiện tượng vẫn được coi là nguyên nhân chính yếu trong thân thể con người hay trong vật thể to lớn hơn là vũ trụ. Các yếu tố - mặc dù tên gọi lúc ban đầu của chúng – tượng trưng sáu cách phân tích rộng rãi và triệt để về điều gì đó và mọi sự: chúng là sáu yếu tố chính tạo nên mọi sự. Chẳng hạn như, nhìn theo quan điểm của “vật lý học”, chúng tượng trưng một cách tương ứng: vật chất (đất), trạng thái gắn chặt/trọng lực (nước), nhiệt động lực học (lửa), sự vận động (khí/gió), chiều kích (không gian) và tâm thức. Xem “Working With the Elements” (Làm việc với các Yếu tố) của Akong Tulku Rinpoche & Edie Irwin, Kagyû Samyé Ling.

 

(17) Bởi không có mắt xích 1, mắt xích 2 không thể xuất hiện. Bởi không có mắt xích 2, mắt xích 3 không thể xuất hiện v.v..

 

(18) Đây là tên khác của mahamudra (Đại Ấn).

 

(19) Chủ đề này được giảng rõ trong các giáo lý A tỳ đạt ma về những ô nhiễm chính và phụ. Các ô nhiễm liên quan đến những cái thấy (quan điểm), triết học và các ý kiến không khế hợp với thực tại tự nhiên. Ngoài ra có những chủ nghĩa giáo điều, tự cho mình là đúng, các niềm tin tôn giáo méo mó v.v.. là những gì phát triển từ các quan niệm sai lầm (tà kiến).

 

(20) Bản văn (mộc bản Rumtek) ghi sai là srid.pa’i.nyon.mongs (ô nhiễm thế tục) thay vì sred.pa’i.nyon.mongs, như Khenpo Tsultim Gyamtso chỉ rõ.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6467620
Số người trực tuyến: