1. Đại bi Thần chú
Đại bi Thần chú
(Trích ở hàm chữ “Năng” trong đại tạng, kinh đề là thiên thủ thiên nhãn Quán Thế Âm Bồ tát quảng đại viên mãn Vô ngại Ðại bi Tâm đà La Ni Kinh).
Bấy giờ Phật đến tạm trụ nơi Ðạo Tràng bửu trang nghiêm trong Thạch thiên cung, bên ao nước trên đảnh núi Bổ Ðà lạc Ca (Potalaka) bờ biển phía nam Ấn Ðộ, là chỗ của đức Quán Tự Tại thường tới lui ở đó, nay Phật và các thần thánh tam thừa Bát bộ đều hội họp.
Thuở ấy, đức Quán Thế âm rất kín nhiệm phóng ra hào quang lớn, chiếu cả mười phương các cõi nước đều rực rỡ, thành màu vàng ròng; rồi chắp tay bạch Phật rằng: “Tôi có thần chú.....Ðại bi tâm đà la ni, nay tôi muốn nói ra, để cho các chúng sinh đều đặng an lạc, vì nó có hiệu lực: tiêu trừ bệnh hoạn, tuổi sống lâu dài, giàu có, thêm điều lành, dứt hết các tội, được toại tâm với sự mong cầu”, nên được Phật hứa cho thuyết chú.
Bồ Tát nhắc tích rằng: “Trước đây từ vô lượng ức kiếp, có Phật ra đời, hiệu là Thiên Quang Vương Tịnh Trụ Như Lai, vì tôi mà Ngài thuyết thần chú Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà la ni. Hồi đó tôi mới chứng lên bậc Sơ địa bồ tát, tức thời tôi phát đại nguyện như vầy:
"Qua đời sau, nếu tôi có thể làm lợi ích cho chúng sinh được, thì hiện giờ đây, khiến trong cho cái thân thể này liền nảy sinh ngàn tay, ngàn mắt (mỗi bàn tay đều có con mắt)".
Tôi phát nguyện ấy rồi, quả nhiên đều đủ như lời. Bấy giờ có 6 món vang động, chư Phật đều phóng hào quang đến chiếu trên thân tôi, và chiếu cả vô biên thế giới.
Tôi lại nguyện: Nếu người nào tụng được năm biến chú Ðại bi, thì có thể dứt được trăm ngàn muôn ức kiếp sinh tử trọng tội, đến lúc mạng chung, được thập phương chư Phật nắm tay dẫn dắt cho vãng sinh tịnh độ.
Nếu người tụng chú này: mà còn đọa tam ác đạo, chẳng sinh về cõi nước của chư Phật, chẳng đặng vô lượng pháp tam muội biện tài, cầu điều chi chẳng được toại ý, như có các điều ấy, thì chẳng xưng là Ðại Bi Tâm đà la ni, Chỉ trừ mấy kẻ: tâm bất thiện, chi bất thành, còn chút lòng nghi, thì chẳng được ứng nghiệm.
Nếu người có các điều thập ác, ngũ nghịch, hủy báng chánh pháp, phá giới, làm ô nhục nết na người ta.......mặc dầu ngàn đức Phật của kiếp trụ này ra đời hết rồi cũng chẳng cho người ấy sám hối các tội lỗi trên, nhưng một phen hễ tụng chú Ðại bi này, thì bao nhiêu tội kia đều tiêu diệt hết.
Hoặc người gặp những tai nạn ác nghiệt, thành tâm tụng chú Ðại bi đây, liền đặng giải thoát những ác nạn ấy: hoặc có cầu điều gì, cũng đều được kết quả toại lòng. Xin xem kinh kia, sẽ tự biết tụng chú Ðại bi được công đức vô cùng.
Thiên thủ thiên nhãn: Tay thì hay cầm hay dở, nghìn cánh tay, là để tỏ ý nghĩa rằng: cái công hành quá rộng lớn, vì bởi lan khắp ra để duy trì Phật pháp, và phổ cập nâng đỡ chúng sinh. Mắt thì năng xem năng xét; ngàn con mắt, là để tiêu biểu rằng: Bi và Trí đều không ngằn mé, vì bởi mỗi mỗi đều đủ ngũ nhãn, để trọn soi xét cả các căn cơ, đặng đều đủ cứu khổ sinh tử trong thế gian, cho vui Niết bàn ngoài thế gian.
Kinh Lăng Nghiêm, đức Quán Thế Âm nói: bởi tôi ban đầu với điều nghe, quày đặng cái nghe để nghe để nghe lại tự tánh, nghĩa là cái nghe bằng quày nghe đó, là “Thủy giác”, cái tánh bằng tự tánh đó là “Bản giác”, Bản, Thủy hiệp làm một, thì hai lẽ đều thành mầu nhiệm lẫn nhau, nên nói “diệu diệu văn tánh”. Cái tâm tinh tức tự tánh nó đã giải thoát hết năng văn và sở văn rồi, nên với những điều thấy nghe hiểu biết, chẳng còn phân cách nhau nữa, như giác quan nọ riêng cách với giác quan kia của phàm tục, vì nó đã thống nhất họp thành làm một cụ thể “viên thông thanh tịnh bửu giác”. Thành thử tôi mới biến hiện ra được đông nhiều hình dung tốt lạ, và cũng có thể thuyết được vô biên bí mật thần chú.
Giữa những hình dung nói trên, tôi biến hiện ra hoặc 1 thân chỉ 1 đầu, 1 thân 3 đầu, 1 thân 5 đầu , 1 thân 7 đầu, 1 thân 9 đầu, 1 thân 11 đầu, nhẫn đến 1 thân 108 đầu, 1 thân 1.000 đầu, vạn đầu, 8 vạn 4 nghìn đầu bằng chất kim cang rất kiên cố. Hoặc hiện ra những cái thân có: hai tay, bốn tay, sáu tay, tám tay, mười tay, mười hai tay, mười bốn tay, mười sáu tay, mười tám tay, hai mươi tay, nhẫn đến mỗi thân có: Hai mươi bốn tay, hai mươi tay, nhẫn đến mỗi thân có: Hai mươi bốn tay.....một trăm tám tay, ngàn tay, muôn tay, tám muôn bốn ngàn tay bắt ấn. Hoặc mỗi thân có: 2 mắt, 3 mắt, 4 mắt, 9 mắt, nhẫn đến 108 mắt, 1.000 mắt, vạn mắt, 8 vạn 4 nghìn mắt rất báu thanh tịnh. Tóm lại, những đầu, tay và mắt nhiều như thế, là để tỏ ra những cái hình dung: Từ là để cảm hóa; Uy là để chinh phục; Ðịnh là để yên tâm; Huệ là để giác sát, cứu hộ chúng sanh, đều được đại tự tại, vì đủ có Bi và Trí diệu dụng của sáu căn để tiếp ứng giữa trần lao.
Phụ lời biện giải:
Dầu là chung cả tác dụng của sáu căn; Tay là tỏ lòng “Bi” tiếp; Mắt là để tỏ cái “Trí” xét soi; đều y nơi “Bản” để sung số trưng bày ra. Nhẫn đến 8 vạn 4 ngàn đầu hay tay và mắt cũng đều y nơi căn bản sáu tác dụng, và căn bản trí bi mà để ứng phó với tám vạn bốn ngàn trần lao, cho được diệu dụng của bậc đại tự tại. Ðấy là công hạnh thần diệu của các thành đẳng giác ở “Thập nhất địa”. Vì bậc này thuần là đại bi làm bản thể cả pháp giới. Bi cũng viên mãn với trí hoàn toàn thật hiện. Nên suốt khắp thân thể của đức Quán Thế Âm đều hiển hiện cả tay lẫn mắt, chung gọi là Ðại Bi.
Thế với tám vạn bốn ngàn trần lao, cả pháp giới sự và lý gì cũng không hề cách rời ngoài một bản thể “Viên dung tịnh giác”, vì là lẽ năng đồng mà năng dị, tức một mà tức nhiều, thân tức độ, độ tức thân, nên gọi là “đồng thể đại bi”.
Thế thường họ chưa hiểu rằng: với tám vạn bốn ngàn đó, là chỉ nêu rõ pháp số vậy thôi, chứ với một cái thân thì làm gì lại thi vi ra nào đầu nào tay và mắt bằng những con số đó? Họ ngờ thế là chỉ đem cái quan niệm tư duy để xét lường cái cảnh viên thông của Bồ Tát.
Thử xét giữa loài người đây, kẻ nọ cũng cái thân đủ sáu căn như ai, mà sao lại vụng về dốt nát, người kia cũng có cái thân có sáu căn như ta, sao lại phát minh ra được nhiều tri xảo tài nghề?
Ðứa phàm sẵn có cái thân, sáu căn sau thành lục tặc? Các La Hán cũng vẫn sáu căn đó mà sao lại thành ra lục thần thông với thiên biến vạn hóa?
Vậy biết còn vô minh mê hoặc, thì cái thân tâm nó thành ra bát vạn tứ thiên phiền não cũng như bát vạn tứ thiên trần lao; trái lại, đã chuyển thức thành trí rồi thân tâm nó thành ra bạt vạn tứ thiên thần thông diệu dụng. Huống nữa, là cái thân trùm mười cõi hư không, đầu mảy lông hiện ra cõi Phật. Ðó, cõi không, cõi Phật, chẳng những như cái đầu cái tya mà thôi. Kìa tám vạn bốn ngàn cái đầu, cái tay cũng như tám vạn bốn ngàn lỗ trong một cái thân, đấy, cũng đủ lấy làm lạ. Vì cái thân của Ðẳng giác Bồ tát đã rất tịnh rất diệu, chớ không phải như cái thân của bạc địa phàm phu rất uế rất tục.
Vả lại, thánh nhân nói ra tức sự mà tức lý, đã là lời lẽ bất khả tư nghì, chứ chấp lấy cuộc hạn theo cái ý của ta để nghĩ và bàn!
Rất hay thay thần lực của đức Quan Thế Âm như thế, nên với sở thuyết ra tâm chú, đâu cho chúng ta nghĩ bàn được ru!?
---o0o---
Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni
Nam mô hắt ra đát na đa ra dạ da.
Nam mô a rị da, Bà lô yết dế thước bát ra da, Bồ-đề tát đỏa bà da, Ma ha tát đỏa bà da, Ma ha ca lô ni ca da. Án, Tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tả.
Nam mô tất kiết lặc đỏa y mông a rị da, Bà lô kiết đế thất Phật ra lăng đà bà.
Nam mô na ra cẩn trì, Hê rị ma ha bàn đa sa mế, Tát bà a tha đậu du bằng, A thệ dựng, Tát bà tát đa “Na ma bà tát đa”, Na ma bà già, Ma phạt đặc đậu, Đát điệt tha. Án a bà lô hê, Lô ca đế, Ca ra đế, Di hê rị, Ma ha bồ đề Tát-đỏa, Tát bà tát bà, Ma ra ma ra, Ma hê ma hê rị đà dựng, Cu lô cu lô yết mông, Độ lô độ lô phạt xà da đế, Ma ha phạt xà da đế, Đà ra đà ra, Địa rị ni, Thất Phật ra da, Giá ra giá ra. Mạ mạ phạt ma ra, Mục đế lệ, Y hê di hê, Thất na thất na, A ra sâm Phật ra xá lợi, Phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da.
Hô lô hô lô ma ra, Hô lô hô lô hê rị, Ta ra ta ra, Tất rị tất rị, Tô rô tô rô, Bồ đề dạ bồ đề dạ, Bồ đà dạ bồ đà dạ, Di đế rị dạ, Na ra cẩn trì, Địa rị sắc ni na, Ba dạ ma na, Ta bà ha. Tất dà dạ, Ta bà ha. Ma ha tất đà dạ, Ta bà ha. Tất đà dủ nghệ, Thất bàn ra dạ, Ta bà ha. Na ra cẩn trì, Ta bà ha. Ma ra na ra, Ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, Ta bà ha. Ta bà ma ha a tất đà dạ, Ta bà ha.
Giả kiết ra a tất đà dạ, Ta-bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, Ta bà ha. Na ra cẩn trì bàn già ra dạ, Ta bà ha. Ma bà lợi thắng yết ra dạ, Ta bà ha.
Nam mô hắt ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a rị da, Bà lô kiết đế, Thước bàn ra dạ, Ta bà ha.
Án, Tất điện đô, Mạn đa ra, Bạt đà da, Ta-bà ha.
Phụ chú:
Cả bài chú đây 84 câu; về câu thứ 16 có 5 chữ “Na ma Bà Tát Đa" đó là Tổ Vân Thê đại Sư căn cứ theo Kinh Đại Bi bản xưa mà đem vô đấy. Hoặc có bản xưa: ở cuối bài chú thêm vào 4 câu:
1. Kim cang thắng trang nghiêm Ta bà ha.
2. Ma yết thắng trang nghiêm, Ta bà ha.
3. Thanh Văn thắng trang nghiêm Ta bà ha.
4. Án bạt xà ra thất rị duệ Ta bà ha.
và giữa thập chú dưới đây, có thêm vào 2 bài chú.
1. Án xỉ lâm kim tra, kim tra tăng kim tra v.v...
2. Nam Mô Thích Ca lăng đế v.v...
đều có chữ Hoa, chữ Phạn đi đôi xen lộn với nhau, đểu là phi kim khẩu của Phật thuyết hay Bồ-tát thuyết ra, nên chẳng đem vào đây, vì e là Ma thuyết!)
Thuở đức Quán Thế Âm thuyết Thần chú Đại Bi này vừa rồi, thì tự nhiên trên trời (thiên không) mưa hoa quý xuống, giữa vũ trụ có sáu món vang động, bởi pháp lực của Thần chú chuyển động, tỷ như: Sức mạnh của Hỏa sơn phun lửa, địa bàn bị hãm, trái đất bị thu rút, đều cũng gây nên những tiếng nổ như sức mạnh của dương điện âm điện gây ra lôi chấn.
Chư Phật đều hoan hỷ chúng trời Ma vương đồng Kinh sợ. Cả hội chúng đều được chứng quả Thánh: Tu- đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán; Hoặc tiến lên các bậc Bồ Tát: Nhất địa, Nhị địa... Thập địa cho đến tất cả chúng sinh đều phát Bồ-đề tâm.
Trong bản “Đại Bi Sám Hiện Tướng" hay xuất tượng, cả 84 câu của chú Đại Bi, với mỗi mỗi câu, Tổ xưa đều họa tượng trưng ra mỗi mỗi thần biến: Hoặc hình Phật, hình Bồ Tát, hình các Thánh Nhị thừa, hoặc hình của các trời: Phạm Vương, Đế Thích hoặc hình của các thần, tướng Kim Cang v.v... đều tỏ ra mỗi bộ dạng hoặc từ bi, hoặc sân si, hoặc Thánh dung hoặc phàm tướng, mỗi mỗi uy dung chẳng đồng nhau. Tất cả đều từ nơi Thánh trí; lòng đại bi của đức Quán Thế Âm hóa hiện ra bằng cách đại tự tại, để làm ích lợi cho chúng sinh; mà chúng ai cũng ắt được chứng nghiệm chắc thật, nếu chí tâm trì tụng!
- 13716
Viết bình luận