1. Đại sám hối văn giải | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

1. Đại sám hối văn giải

Đại sám hối văn giải

Toàn văn nguyên là một trăm tám lạy, nên nói: “Lễ Phật đại sám hối văn".

Bản tisnh vẫn chân không, hẳn không nhiễm nhơ một tơ hào gì; chỉ bởi một niệm vọng nổi lên, thành thử phát sinh ra nghiệp duyên cả mười giới (bốn thánh sáu phàm). Do đó, hễ tâm sinh thì món món pháp sinh mà món pháp sinh thì món món tâm sinh.

Cái tâm nó chẳng phải khởi thì thôi, mà hễ nó phát khởi thì là có nghiệp. nên Kinh Địa Tạng nói: “Móng tâm động niệm, đâu chẳng là tội!" Kinh ấy lại nói: “Làm ác kết nghiệp ác, làm thiện kết quả thiện”.

Phương chi từ có sinh ra đời nhẫn nay, mỗi niệm chẳng dừng, chỗ kết tội nghiệp; nặng dường quả đại địa! Nếu chẳng y như pháp sám hối thì không thể tiêu trừ đặng!

Nên Ngài Bất động Pháp sư, y nơi thánh giáo, nhóm chép các hiệu Phật, suốt soạn lời sám hối, khéo sắp văn nguyện cầu, để làm chân quy giúp ích cho lớp con sám hối và thệ nguyện.

Đại là Đại thừa sám pháp: phép sám hối của Đại thừa. Gọi đủ là Sám Ma, dịch là hối quá, gọi là Sám hối đó là gồm cả chữ Phạn và Hoa sám thì sám trừ nghiệp trước đời quá khứ, hối thì chẳng tạo tội mới đời vị lai, nghĩa là đổi qua tu lại.

Lại, Sám là pháp trắng, hối là pháp đen, nghĩa là với pháp trắng thì phải tu, với pháp đen thì pháp bỏ. Lại, sám hối là pháp trắng, chẳng sám hối là pháp đen, pháp trắng là tịnh nghiệp, là trí thể của Phật giới, pháp đen là nhiễm nghiệp là phiền hoặc của chín giới.

Bởi vì tất cả chúng sinh đều bởi mê hoặc mà tạo nghiệp, do nghiệp rồi với lấy khổ. Hoặc tức là phiền não của hoặc, nghiệp tức là các nghiệp thiện ác về hữu lậu và vô lậu. Khổ tức là cái khổ quả về hai món sinh tử của chúng sinh trong chín giới. Do ba điều: Hoặc, nghiệp, và khổ đó, mà chịu mãi sinh tử, vẫn không thôi nghỉ được!

Song, có ba cách sám hối:

1. Tác pháp sám hối: nghĩa là chọn chỗ lập đàn, rước nhà Sư có giới đức, y theo luật làm phép, tự bày chỗ mình đã gây các điều tội lỗi, chẳng đặng giấu che mảy gì. Đương lúc nầy mặt trong đàn nghi thức, tai nghe yết ma, lòng không vấn vương điều chi khác, tức nhiên có cái giới thể vô tác nó nêu trong tâm điền. Do đó hễ trì giới thì giới thể nó tăng trưởng, mà phạm giới thì giới thể nó hoại diệt! Nên sau khi sám hối chẳng nên gây lại tội mới nữa, thì tội cũ kia có thể tiêu diệt đặng.

2. Thủ tướng sám hối: Với trong vùng trăm dặm, hoặc ngàn dặm, nếu chẳng có nhà Sư có giới đức, thì chỉ tự mình với ngày đêm sáu giờ, đem ba nghiệp: thân, khẩu, ý để thanh tịnh, hướng về trước tượng Phật hay Bồ tát, năm vóc gieo sát đất, như núi lớn nhào, bày cả tội lỗi, xoay tâm quán tưởng, cứ như thế mãi cho đến ba năm hoặc năm năm, nhẫn đến một đời này, kỳ cho được đích thấy có hào quang, hay hoa tất, hoặc Phật hiện ra chứng giám cho, thì bao tội lỗi kia mới đặng tiêu diệt.

3. Vô sinh sám hối: Rằng cái nghiệp là do nơi vọng niệm sinh khởi, nhưng quán xét hiện tiền một niệm đây, nó chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chính giữa, ba chỗ ấy đã không có, thì tội lỗi là vô chủ, là chỗ bảo rằng: tâm mất tội cũng mất, thế gọi là chân sám hối.

Hai pháp sám hối trước là sám hối bằng cách sự tướng, còn một sau đó là sám hối bằng lý tánh. Với sự, thì riêng sám hối về bảy tội chi của thân (3) và khẩu (4), đó là thuộc về tiểu thừa. Với lý thì gồm sám hối cả ba tội tham, sân, si ba độc của ý thức, đó là thuộc về đại thừa.

Với ba cách sám trên; nếu người lợi căn tu sám thì cả ba đều thành ra Đại thừa; nếu dùng một tâm ba trí, để chiếu một cảnh ba đế, đế lý như như, trí chiếu rõ rõ. Sám một tội mà các tội đều sám luôn, mà các tội thể đều được giải thoát, thế kêu là pháp tánh diệu sám, tức là pháp sám của bực tối thượng thượng căn.

Phổ Hiền Quán Kinh nói: “Nếu người muốn sám hối, ngồi ngay xương sống, tưởng niệm cái thực tướng, các tội như sương móc, huệ nhật hay tiêu trừ”. Tức gọi là “pháp tánh diệu sám” đây vậy.

Nay lại ước theo Pháp Lục tức để phân thâm thiển:

1) Hoặc người chưa thấy nghe được thánh giáo, tâm tánh toàn mê, thì chỉ nói là “lý tức”, chứ chẳng gọi là sám hối.

2) Hoặc người đã thấy nghe được thánh giáo, rõ biết các tội: tạo cũng duy tâm, sám cũng duy tâm, thì nói là “danh tự tức” sám hối.

3) Người đã thấy nghe thánh giáo mà giữ gìn, tâm thành quán chiếu. Ân cần cầu sám hối, gọi là “quán hạnh tức” sám hối.

4) Người phá được kiến hoặc tư hoặc, gọi là “tương tợ tức” sám hối.

5) Đối với vô minh, phá được từ phần, với pháp tánh, chứng được từ phần, gọi là “phần chứng tức” sám hối.

6) Phá hết vô minh, pháp thân tròn rỡ tỷ như nền trời tạnh sạch, trăng tỏ tròn sạch, gọi là “cứu cánh tức” sám hối. Nên Ngài Thiên Thai Đại Sư nó : “lên đến bực Đẳng giác còn phải sám hối” thực thế.

Trong lục tức đây, “quán hạnh” thuộc về sự sám,vì hai cái thô hoặc là kiến tư chưa đoạn, với cái lý tánh chân đế còn lờ mờ. “Tương tự" tức thuộc về lý sám, do vì đã phá rồi kiến hoặc, tư hoặc đã thấy rõ lý tánh chân đế.

Lại, quán hạnh và tương tự đều thuộc sự sám, do vì chưa phá cái vi tế hoặc vô minh, chưa mở cái pháp tánh trung đạo, phải còn cần tu. Đến phân chứng nhẫn đi, mới thuộc về lý sám, do vì đã phân phá được vi tế hoặc vô minh, đích thấy được pháp tánh trung đạo, mỗi niệm được thanh tịnh.

Nếu chứng đến Cực quả Diệu giác, thì sạch hết ba hoặc mất hẳn hai tử (sinh tử, niết bàn tử) vẫn từ biệt vô minh phụ tham ái mẫu, an trụ cõi thường tịch quang, pháp tánh thanh tịnh, trí huệ viên minh, tỷ như trăng đem trung thu, vì ánh sáng đâu chẳng tròn soi.

Nên trong giáo pháp phân rành: nếu chưa đến bực phân chứng, là duyên tu, còn đã đến bực phân chứng là chân tu. Duyên tu là: dùng trí để duyên cảnh mà tu, vì lý sự chưa dung thông được, thì sám hối ấy thuộc về sự. Chân tu là: lấy trí xứng với lý để tu, vì lý sự dung thông với nhau, thì sám hối thuộc lý.

Than ôi! Chúng Tri Lưu ngày nay, vừa ra khỏi giới đàn, đã chẳng lạy chẳng sám chẳng tụng gì hết, nghiễm nhiên ta đây là Phật tử rồi, nên thì dụng của tín thí, lại càng tham sân! Ngài Triệu Chu Đại Sư nói: “Đời nay chẳng rõ đạo kiếp sau phải làm loài mang lông đội sừng, để đền nợ đời trước” Xem đó há chẳng rùng mình! Nên cần phải sám hối.

Lại có nhà Nho, xem chơi sách Phật chỉ biết tin lý cao thâm, để làm tài liệu một món bác học mà thôi, đem lời Kinh Phật, để nhuận văn nhuận sắc, còn những Kinh sách nói đến sám hối và Tiểu thừa thì, chẳng để ý đến, hoặc cho là dối. Thế là chỉ chuyên chấp nơi lý, mà ám muội nơi sự, chớ có biết đâu mờ tối nơi sự đó, thì với lý cũng chẳng tỏ rõ gì lắm! Ban đầu là do nơi mê đó mà chứa thành mê, kế đó nơi tội rồi chứa thành tội, tâm càng mê mà tội càng sâu, tội càng sâu mà mê càng chứa. Lời ngạn nói: “Thông minh trở bị thông minh lầm!”. Khá vì những người ấy để ngâm vịnh.

Số là người sám hối đó, đâu là ăn năn những điều chướng ngại đã gây từ quá khứ và hiện nay, với sự chướng đã trừ rồi, là lý tánh liền sáng, Nho giả nào bỏ sự chấp lý, hoàn toàn không bái sám, không tụng niệm, hằng ngày sống ở trong hang vọng tưởng, tự hào rằng đắc bực bất sanh bất diệt đó đặng không? Không thể đặng. Vì lên đến bậc Đẳng giác còn phải sám hối kia mà, huống là hạng phàm phu ư? Vậy phàm là người có trí nên tự giác xét lấy.

Tiểu thừa dù chỉ sự sám, cũng vừa gồm lý sám, như trong pháp thủ tướng sám, kỳ cho thấy được hào quang hoặc hoa, ắt phải tâm cùng tương ưng nhau với lý tức, tợ tức của thánh chân đế. Còn bậc Đại thừa ắt phải trọn tu cả ba pháp sám; có bực tối thượng căn, thì chỉ quán tưởng pháp vô sinh, cũng chóng vượt lên bực Thánh đó là vì theo căn cơ hoặc lợi hay độn thôi.

Lại Tiểu thừa tuy chỉ sám bảy chi tội, mà với ba độc ắt cũng gồm sám luôn, do vì là trước để dẹp cái ý nghiệp, thì thân nghiệp, khẩu nghiệp mới có thể thanh tịnh được. Lại, với thủ tướng sám hối, cũng gồm cả lý sám đó là vì nương nơi lý để dấy lên pháp quán.

Cốt lại, ba món sám pháp đều do nơi lý để dấy lên, vì lý hay thành sự, có sự sám tinh thành, thì lý sám mới tỏ rõ, lý sự viên dung, mới thực là chân sám hối.

Chúng sinh ở Dục giới, cái “hoặc” rất thô; chúng sinh của Sắc giới và Vô sắc giới, theo mỗi chỗ (địa), “hoặc” của chúng dần dần nhỏ dần; nhẫn đến chúng sinh ở cõi Trời Phi phi tưởng xứ, cái “hoặc” tuy rất nhỏ, nhưng mà với chín phẩm rõ ràng khá thấy. Nên ba giới chín địa, cộng có tám mươi mốt phẩm; cả phiền não của Tư hoặc dầu thô dầu tế cũng đều lấy cái sinh tử của ba giới, nếu đoạn hết tư hoặc ấy, thì dứt sạch sinh tử tam giới, chứng quả thánh A La Hán.

Còn kiến hoặc là sự hiểu thấy mà đặng cải danh là dứt kiến hoặc, do chứng Sơ quả Tu đà hoàn, khi thấy chân lý mà đoạn được kiến hoặc. Tư hoặc là do tu mà đặng cái danh, bởi sau khi chứng Sơ quả, khi tu lại cái đạo lý chân đế, mà dần dần đoạn dần.

Lại, cố chấp lấy chỗ thấy biết của mình là  kiến hoặc; điều yêu thương, điều nghĩ nhớ nó xăng nhiễm với nhau là tư hoặc.

Lại, tâm tưởng phơi phới lăng xăng thì thuộc về kiến hoặc; điều yêu thương, điều nghĩ nhớ nó xăng nhiễm với nhau là tư hoặc. Tỷ như ngọn lửa nó hốt bay lên. Còn lăng xăng bốt bay mà đắm mắc thì tức là tư hoặc. Tỷ như nước nó chìm xuống.

Đắm mắc: Là trú trước nơi lục trần: Như nhãn thức đắm mắc sắc trần, nhĩ thức đắm mắc thanh trần, tỵ thức đắm mắc hương trần, thiệt thức đắm mắc vị trần, thân thức đắm mắc xúc trần, và ý thức đắm mắc pháp trần, nghĩa là sáu căn dính mắc sáu trần, rồi ý thức chấp lấy làm tư duy tưởng niệm, hễ trần nào thuận thích thì ưa thường mến tiếc, trái lại là chán ghét thù nghịch.

Ba hoặc là cái nhân tạo nghiệp, hai tử (phần đoạn, biến dịch) là cái quả chịu khổ, nhân hoặc tạo nghiệp, do nghiệp cảm quả, hoặc là do một niệm vọng động thì mỗi niệm do cảnh mà mê, đã mê thì chỗ mà mỗi niệm động lên đó, nó đều thành ra các nghiệp thiện hay ác, đã có các nghiệp, ắt chịu lấy các quả khổ hay vui, thế nên trọn ngày vọng tưởng chẳng thôi, thì quả báo sinh tử vô cùng.

Đức Di Lặc nói: “Trong một đờn chỉ, có 32 ức trăm ngàn niệm, cứ mỗi niệm thành mỗi hình, một hình chịu một quả, nếu dứt một niệm, thì thiếu một hình, từ đó dần dần, thanh tịnh khá hẹn được”.

Vả lại, cái hoặc nó có khinh có trọng, nên phân làm ba hoặc, để định ngôi thứ của Thánh và Phàm.

Số là với kiến tư hoặc, thì chiêu cảm lấy cái thân phân đoạn sinh tử trong ba giới; còn với trần sa hoặc; vô minh hoặc thì chiêu cảm lấy cái lấy cái thân biến dịch sinh tử ngoài ba giới.

Đoạn rồi hết kiến tư hoặc, thì chẳng còn chịu cái thân phận đoạn sinh tử, ra ngoài ba giới, đắc cái “lý thiên chân”, làm Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa. Còn đoạn rồi trần sa hoặc là bậc quyền thừa Bồ tát; đoạn từ phần vô minh hoặc là bậc pháp tánh Bồ Tát, đoạn sạch hết vô minh hoặc, thì làm vô thượng Phật quả.

Đời Tống nước Tây hạ, chùa Hộ quốc nhân vương, bộ Kim Cương, chức Pháp sư, tên Bất Động nhóm chép.

(Tức là: Mông Sơn Cam Lộ Pháp sư tác thí thực văn, cũng Ngài đó)

Tống: Chính thống. Vua Thái Tổ họ Triệu, tên Khuôn Duẫn, người xuất thân nơi thành lạc Dương làm quan nhà Châu đến chức Quy đức quân tiết độ điện tiền đô điểm giản, về sau, nhân trận trần kiều việc binh biến chuyển, được các tướng sĩ đồng thôi tôn lên, bèn được nhà Châu nhường ngôi mà có cả thiên hạ, đóng đô nơi Biện lương, đó là triều Bắc Tông Truyền đến vua Khâm Tôn kể có chín xị quân chủ, mà hai vua là Huy Tôn, Khâm Tôn đều bị nước Liêu Kim bắt cầm về phía bắc, em Khâm Tôn là Khương Vương đến thành nam kinh tức vị là vua Cao Tôn. Vua Cao Tôn lại sợ giặc Kim dấy binh, nên chạy qua Lâm an dựng thủ đô, ấy là Triều Nam Tống, truyền được bảy chủ rồi mất nước.

Tây hạ: do từ ban đầu nhà Đường, phía Tây bắc biện hộ họ Thác Bạc đến hàng phục, rốt nhà Đường ông Thác Bác Tư Cung trấn nơi Hạ Châu, bình định được giặc Hoàng Sào nên có huân công, cho quốc tánh là họ lý, là chức Tiết độ sứ nơi châu Hạ châu Tuy, cháu con mỗi đời được noi theo tước hàm (như Công, Hầu, Bá, Tử, Nam), đến đời Thạch về sau, chưa hề vào triều ra mắt.

Mãi đến đời Tống Thái Tổ, ông Lý Kế Bổng đem đất bốn châu: Hạ, Ngân, Tuy và Hiệu hiến cho nhà Tống, lại các anh em họ Tần oán giận, tình nguyện lưu lại ở luôn nơi Kinh sư của Tống, Thái Tổ ban cho quốc tánh là họ Triệu, tên Bảo Trung, cho làm sứ nơi năm châu là: Hạ, Tuy, Ngân, Hựu, Mật. Thuở vua Chân Tôn, em ông Bổng là ông Kế Thiên đến hàng đầu, vua cho quốc tánh là Triệu Bảo Các, trao cho chức Ná Sát sứ Châu Ngân, Quán không được bao lâu, y lại làm phản; cháu nội của y là ông Ngươn Hạo là một tay rất khéo dụng binh, tự xưng Hoàng đế, quốc hiệu là Hạ, tức là Tây hạ.

Từ trước lại nay, hoặc lúc hàng đầu, có khi làm khản không nhất định, vua Tống Nhân Tôn dùng hai ông Hoàng Kỳ, Phạm Trọng Yêm làm kinh lược từ đó bờ cõi đất Thiểm Tây mới được tạm yên, cứ mỗi năm ước định đem hai mươi lăm vạn kim để cầu hoà. Sau đến thời Vua Lý Tôn bị đại binh của Bắc triều diệt đi, nước Tây hạ bèn mất.

Chùa Hộ Quốc Nhân Vương vị trí tại Hạ châu; Bộ Kim Cương là một trong năm bộ Du Già (sẽ rõ biểu đồ tứ phương tứ Phật sau). Bất động là danh của Pháp sư, Sư nguyên là người bên Tây Vực, có công tu pháp “Kim Cương bộ” rất thuần thục, và đem pháp ấy hoằng truyền ra.

Sau đã qua đến nước Hạ Châu (Tây hạ), được vị quốc chủ ở đây trọng đãi, thường tụng Kinh Hộ quốc nhân vương rất linh nghiệm, do vì có lòng hộ quốc hựu dân nên hạ chủ tặng biển ngạch chùa là Hộ quốc nhân vương tự.

Sư y theo Kinh tam thập ngũ Phật danh, và lễ Sám văn trước thêm năm mươi ba Phật, sau kế tiếp Phổ Hiền thập đại nguyện kệ, cộng thành một trăm lẽ tám lạy, là để kỳ cho đoạn tất một trăm lẽ tám điều phiền não. Văn Mông Sơn cũng do Sư nhóm chép ra.

Đại từ đại bi thương chúng sanh

Đại hỉ đại xả giúp mọi loài

Tướng tốt rực rỡ để đẹp mình

Chúng con chăm lòng nghiêng mình lạy.


Đó là khen công đức thân tâm của chư Phật.

Hai câu trước: khen Phật tâm. Câu ba: Khen thân Phật.

Câu bốn cả chúng cúi lạy. Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn cái tâm không lường. Do bốn cái tâm đức ấy, thể nó đều giáp pháp giới, nên nói là Đại. Nghĩa là từ tâm của Phật tuỳ nơi căn có rộng ra thuyết pháp phổ thí phước vui Niết Bàn. Nên nói là Đại từ, Phổ biến vớt cái khổ sinh tử, nên nói là Đại bi. Hễ là chúng sinh được sự hữu ích, thì Phật tuỳ hỷ vui mừng, nên nói là Đại hỷ. không ác nào chẳng bỏ, không thiện nào chẳng làm, nên nói là Đại xả.

Lại, Phật đủ ba duyên từ bi, nên nói đại từ đại bi. Tánh đã diệt sự mừng bỏ, mà đâu chẳng hỷ xả, nên nói là đại hỷ đại xả. Đề lớn của bốn tâm, lớn mà không còn chi lọt ra ngoài, với bề dọc thì tột ba đời, với bề ngang thì giáp mười phương, nên nói là Tứ vô lượng tâm.

Mẫn (thương): lân mẫn. Tế (giúp): tế độ. Chúng sinh: các pháp (sự này vật nọ) hiệp lại với nhau để sống, thì gọi là chúng sinh, là nói: cái thân đây, nó từ nơi tinh cha huyết mẹ và nghiệp thức của mình, cả ba nhân duyên hoà hợp nhau mà sống. Lại là năm ấm mượn lẫn với nhau, ráp chung lại mà có ra cái thân, đã có thân đây, thì sinh diệt chẳng dừng, nên nói là chúng sinh (năm ấm rõ nơi bản đồ trong tâm Kinh).

Hàm thức (mọi loài): giữa thế giới, từ trời đến người, dưới đến cầm thú, bò, bay, máy, cựa, phàm những loại hay cử động đó, đều hàm có hình thức (tánh biết), nên nói là Hàm thức.

Tướng hảo quang minh (tướng tốt rực rỡ): Phật Ngài thị hiện ra hoặc: đại thân tướng, tiểu thân tướng, đều đủ uy đức quang minh. Tuỳ theo căn cơ mà hiện thân đủ có ba phẩm tướng hải ba phẩm tôn đặc.

Chí tâm (chăm lòng): thống nhất một lòng thành. Quy mạng lễ (nghiêng mình lạy): Ngài Bất Động Pháp Sư nhóm chép văn đây, nguyên làm một trăm tám lạy, để tiêu biểu dứt một trăm tám điều phiền não, chớ phi như ngày nay các phương chỉ quỳ đọc mà thôi.

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6406451
Số người trực tuyến: