1. Tổng quát ý nghĩa thời kinh mai
1. Tổng quát ý nghĩa thời kinh mai
Người tu Phật, trước hết phải học cho thông suốt cả chữ lẫn nghĩa của trọn thời khóa tụng, để tiện khi vừa tụng thuộc lòng, vừa xét hiểu ý nghĩa. Lại trước phải luyện cái tâm tập định được thuần thục, vì không thì, với cảnh lộn xộn, tâm phải rối ren, pháp quán tưởng khó thành được! Nên với giờ sớm là lúc muôn cảnh chưa động đạt, tâm ta còn im lặng, liền dậy súc rửa, thay quần áo, đi niệm “Chú Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm tâm”, là để sớm trị cái bệnh ngũ dục chưa mống mầm, chóng kỳ cho được tâm hồn phẳng suốt, rỡ bày ngay cái tánh mầu chơn như của Như Lai tạng, đó là chỗ gọi rằng “phẳng lặng chẳng động”, hễ có cảm đến đâu là liền suốt thấu đến đó.
Kế gia trì đọc bài “Đại Bi thần chú”, bài “Như Ý Bửu Luân vương chú”, đồng để rửa sạch những bụi phiền não trong tâm ta, hễ bụi lòng đã sạch, thì tỏ được lòng Đại Bi đồng thể chuyển đặng xe Pháp Luân Như Ý; tụng “Chú Tiêu Tai Cát Tường”, là tan mất điều tai ương, đưa đến sự yên lành, xe pháp luân lại càng được vững chãi; tụng “Chú Công Đức Bảo Sơn”, thì điều lành đă hiện nơi tâm, ở núi pháp tánh, đặng ngọc báu bằng công đức; tụng “Chú Chuẩn Đề” là còn e pháp tính khó tỏ bày, nên phải đọc chú này, cho tan sạch lý chướng đi thì mới khiến pháp tánh được quả toại; tụng “Chú Quyết Định Quang Minh Vương” thì sự đắc quả đã toại rồi, liền phải cầu cái trí sống lâu của Đức Quang Minh Vương Như Lai; tụng “Chú Dược Sư Quán Đỉnh”, là trí sống lâu đã phát triển, trí ấy lại như mặt trăng báu mà trong bình lưu ly hàm tàng nó, tia sáng nó rọi ngay vào đỉnh đầu, nên gọi là quán đỉnh; tụng “Chú Quan Âm Linh Cảm”, thì được hiệp sâu vào lỗ tai viên thông cả pháp giới của đức Quan Thế Âm, sự linh cảm hay vô cùng, tỷ như trăng soi mà vắng, vắng mà soi; tụng “Chú Thất Phật Diệt Tội” là e nghiệp cũ còn mù mờ, mặt nguyệt trí khó tỏ rạng ra, cần phải diệt sạch cái căn nghiệp từ vô thủy, nên gọi diệt tội; tụng “Chú Vãng Sinh”, thì căn bản nghiệp chướng đã sạch, mong cầu Đức Di Đà rưới nước gội vào đỉnh đầu, như chứng cảnh Tịnh độ; tụng “Chú Thiện Nữ Thiên”, là gom pháp quán mầu nhiệm trên, để cộng thành diệu dụng của pháp tính, thì những chỗ nguyện, đều được kết quả toại lòng; song, với sự tụng các chú mật nhiệm ấy, thì đã tiến vào pháp diệu quán, phải biết đều là bởi nhất tâm làm nên, còn e chấp trước nơi Quán cảnh, nên phải tụng thêm “Chú Bát Nhã Tâm Kinh”, là để chỉ ngay cái tâm thể nó vốn không, chẳng có cái cảnh trí khá đặng, vì tâm là cái “không”, mà cái “tướng” của không ấy cũng không luôn, thế là:
1. Trí cảnh rõ ràng,
2. Phi đồng phi dị,
3. Hai bên tuyệt vời,
Tức là ba pháp quán trọn đủ rồi.
Trên đó, cả 12 bài mật chú và một bài hiểu Kinh (tâm kinh), ý nghĩa nó đều gồm thâu lẫn với nhau; người khóa tụng rồi, lấy công tác hành trì đó gom lại đem hồi hướng lên ngôi Tam Bảo chứng minh để: Nguyện và đáp Bát bộ Thiên, Long... Hộ pháp, với tất cả bốn ân, ba hữu, tám nạn, ba đồ đều nhờ ơn khỏi khổ. nước trị dân an. Đàn việt tín đồ thêm phúc huệ; tam môn là cửa ngõ chùa chế tạo hình tam quan mở ba cửa, nên gọi tam môn, tức sơn môn, là nguyện cả các chùa đều thanh tịnh, để tiến vào ba cửa giải thoát; thập địa đốn siêu; là nguyện cho tất cả chúng Tăng ở các chùa đều chóng tiến lên bậc Thập địa Bồ-tát, nên kết thúc về bài kệ hồi hướng; nhiên hậu mới niệm Phật, để cầu cho được thật chứng, phải biết rằng: Niệm một Phật A Di Đà, thì cả chư Phật khác, cũng đều hội huờn lại một... vì lẽ Phật Phật đạo đổng, đồng danh đồng hiệu, tức là một thân lẫn nhau với nhiều thân, tự cùng hòa nhau với tha; rốt lại lấy ba Tự quy y, là hoàn toàn thâu cả công đức đã tụng các bài mật chú, hiểu kinh trên, là để kết thành ngay ngôi Tam Bảo của tự tánh, chứ chẳng mượn quy y bên ngoài. Như vậy là trọn rỡ bày của pháp Đại tổng tướng của nhất tâm. Thế thì gặp những Phật hiệu chi, bài chú gì... chẳng phải là tự tính Như Lai Tạng ư?
- 2585
Viết bình luận