2. Hồi hướng văn | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

2. Hồi hướng văn

Hồi hướng văn

Quỳ đọc bài để hồi hướng

Phàm làm việc Phật, rốt phải hồi hướng là để cho công hạnh có chỗ ký thác: như sau kia là riêng hồi hướng về cực lạc tịnh độ: còn chính đây là tổng (chung) hồi hướng về Tam Bảo giữa pháp giới. Nhưng, hoặc riêng hay chung gì đều phát cái tâm tự lợi lợi tha, nguyện cho đồng đắc thật chứng.

“Hồi hướng cũng như phát nguyện”: Số là, có hành mà không nguyện, thì chí hướng bất định. Như người ra đi đâu đó mà không có cái sở nguyện gì, chí hướng chi, thì ra đi phóng mạng cũng như  lãng mạn giữa đường có gặp chuyện chi xảy đến, tất nhiên theo với cảnh ngộ mà đổi dạ sang đàng! Hễ nguyện hải đã sâu, công hạnh đã đầy, thì đạo quả thành tựu. Nên phàm là kẻ tu hành hễ có công tác chi, đều phải hồi hướng:

Hồi hướng có bốn cách:

1. Hồi nhân hướng quả, nghĩa là tu các hạnh là nhơn đều có thể được để thành Phật là Quả. Chính như nay tu tịnh độ là nhân, hồi hướng về Cực Lạc là quả, lẽ phải như  vậy.

2. Hồi tiểu hướng đại, nghĩa: Những kẻ học Phật bằng pháp Tiểu thừa, và tu Thập thiện của nhân Thiên thừa, đều nên hồi hướng lên Đại thừa, mà nay thì với những chỗ tu các pháp thiện đều hồi hướng về đài sen thượng phẩm, thật thế.

3. Hồi tự hướng tha, nghĩa ta nay phát tâm tu Phật đây, là chẳng vì để mưu cầu riêng cho mình, mà ít nhất việc lành bằng mảy tơ sợi lông gì cũng đều phải hồi hướng thí cho pháp giới chúng sinh, bây giờ thì nguyện cho chóng phát triển trí huệ của Phật tánh, để quảng độ chúng sinh, thật như vậy.

4. Hồi tự hướng tha, nghĩa: ta nay phát tâm tu Phật đây, là chẳng vì để mưu cầu riêng cho mình, mà ít nhất việc lành bằng mảy tơ sợi lông gì cũng đều phải hồi hướng thí cho pháp giới chúng sinh, bây giờ thì nguyện cho chóng phát triển trí huệ của Phật tánh, để quảng độ chúng sinh, thật như vậy.

5. Hồi sự hướng lý, nghĩa: Lạy Phật, tụng Kinh, tham thiền, học đạo, bố thí, làm phước, thay chúng làm việc, nhẫn đến giúp bầu nước, quét chỗ đất, việc lành bằng mảy lông, với các việc làm kể trên, nếu ta để ý trước tướng, thì đều thuộc về sự tướng: trái lại, nếu ta hiểu rằng: với năng niệm, năng tác, tánh cách nó đã không, thì với sở niệm sở tác, tánh cách nó cũng không mà cái  cái không nó chẳng có bờ mé, tức nhiên toàn sự chính là lý, thì mỗi mỗi sự gì cũng đều bao trùm pháp giới, mỗi mỗi tâm niệm chi, cũng đều tròn bọc thái hư, như  thế xét kỹ ra, nó đều thuộc về lý tánh cả. Chính chỗ gọi: sự thiện bằng hữu tướng, nó lẫn thành ra lý thiện bằng vô tướng. Sự lý dung hiệp lẫn nhau, tức là cảnh tam đế; năng niệm năng tác chính là tâm tam quán. Tâm vẫn tức là cảnh, cảnh vẫn tức là tâm, thế là chơn tịnh độ. Với sự hành động và khi yên lặng trong hằng ngày của ta cùng người, đều phải quán xét như thế đó, thì, chính nơi chỗ ta đương ở đâu, cũng thành ngay được tự tâm tịnh độ liền tại đó.

Bài phát nguyện hồi hướng sau đây, là Ngài Duy Sơn Nhiên thiền sư chép ra, để tổng hồi hướng về pháp giới Tam bảo; hoặc ai không thích, thì đổi đọc văn Tịnh độ. Như “Khể thủ Tây phương an lạc quốc....” “Thập phương tam thế Phật.....” “Nhất tâm quy mạng.....” tùy ý, và tùy chí nguyện. Nhưng phải biết là tổng hồi hướng hay biệt hồi hướng? Chứ đừng phân biệt cố chấp mà thành ra cái bệnh xuyên tạc của kẻ tu học

  1. Quy mạng thập phương điều ngự sư;

  2. Diễn dương thanh tịnh vi diệu pháp;

  3. Tam thừa tứ quả giải thoát Tăng;

  4. Nguyện tứ từ bi ai nhiếp thụ;

Lạy cả: “Ðiều ngự sư” mười phương;
Giảng bày “pháp” thanh tịnh vi diệu;
Ba thừa bốn quả “tăng” giải thoát;
Xin đồng thương xót thâu nạp cho.


Bốn câu trên: Câu đầu là kính lạy ngôi Tam Bảo; câu thứ hai là lạy ngôi Pháp bảo; câu thứ ba lạy ngôi Tăng bảo; câu thứ tư là tổng quát để nguyện Tam Bảo chiếu ánh Từ Quang đến chứng nhận lời phát nguyện hồi hướng này.

Quy mạng: Cúi đầu kính lạy, là một nghĩa trong tiếng Nam mô (Namoahnamo. Như : Namo Buddhàya, dịch quy mạng Đức Phật, nghĩa: Kính lạy đức Phật v.v.......)

Thập phương điều ngự  tức là các đức Phật ở mười phương. 10 phương là: Ðông, Tây Nam, Bắc, bốn góc (Đông nam, Tây nam, Tây bắc, Đông bắc) thượng phương, và hạ phương.

Ðiều: trị, sữa. Ngự: gom dùng; ngăn dẹp; điều khiển. Lý cho, để đặng phước có vui vô sanh; với chúng sanh còn có tánh cang cường, Phật cấm hẳn đi, khiến cho được đạo quả xuất thế gian. Số là: sức lành lan khắp, gôm giáp pháp giới để sửa đổi, giáo hóa, đó là Phật bảo; với một mảy bụi không nhiễm lìa bốn điều quá (chấp có, chấp không, chấp phi có phi không, chấp cũng có cũng không), dứt hẳn trăm món quấy, đó là Thanh tịnh; tròn rỗng khắp giáp, lẽ nó tuyệt nói năng suy nghĩ, đó là Vi diệu; nghĩa với pháp vi diệu thanh tịnh như thế duy chỉ có Phật mới có thể chứng và biết được, rồi ra, khắp vì chúng sinh để giảng nói diệu pháp ấy mà nêu bày giáo hóa, thế mà chúng sinh còn phần  nhiều vì mê mà chưa biết hết được pháp ấy! Còn các Thánh giữa Tam thừa thì, tùy theo mỗi trí của mình mà chứng biết lần hồi từ mỗi phần, thế nên ta cần phải quy mạng để mà nghiên cứu kỳ cho được “ly dục thanh tịnh” đó là Pháp bảo.

Tam thừa: bốn quả Thánh Thanh Văn là Tiểu thừa; các Thánh Duyên Giác, Ðộc giác là Trung thừa; các Thánh Bồ Tát là Đại thừa. Tứ quả: tức là bốn quả Thánh Thanh văn như sơ quả Tu Ðà  Hoàn, Nhị quả Tư Ðà Hàm, Tam quả A Na Hàm, tứ quả A La Hán. Các quả ấy đều là địa vị thánh nhân, vì đã giải thoát hết sinh tử rồi nên xưng là Tăng bảo.

Ðối với Pháp, ba thừa tùy phận mà biết:

  • Thánh Thanh Văn chênh lệch biết: Chân đế Pháp

  • Thánh Duyên Giác chênh lệch biết: Tục đế Pháp

  • Thánh Bồ Tát biết từ phần: Pháp Trung đế

Người học Phật, đối với pháp “Tam đế” nếu chỉ biết bằng cách chênh lệch riêng về “chân đế”mà thôi, thì chẳng gọi là biết đúng pháp vi diệu; vì pháp Tiểu thừa thuyết ra cái chân lý đó là nó lệch về một bên “không” nên nói các Thánh Thanh Văn biết Pháp bằng cách lệch về chân đế. Nghĩa: Chán, tránh cái khổ sinh tử trong tam giới, riêng hưởng lấy cái vui Niết Bàn ngoài ba cõi. Còn những người học Phật mà biết cả ba Ðế bằng cách trọn vẹn vẫn một chẳng hai, vì với pháp sinh tử đã giác ngộ rồi hết mê hoặc, thì, pháp sinh tử tức là Niết Bàn. Biết như vậy mới gọi là biết đúng pháp vi diệu, nên Ma-ha-tát, dịch: Đại giác hữu tình, nghĩa: Bồ Tát lớn đã giác ngộ mình và chúng.

Ðản...... tự vi chân tánh, uổng nhập mê lưu, tùy sinh tử dĩ phiêu trầm, trục sắc thinh nhi tham nhiễm. Thập triền, thập sử tích thành hữu lậu chi nhân; lục căn, lục trần vọng tác vô biên chi tôi. Mê luân, khổ hải thâm nịch tà đồ; trước ngã đam nhơn, cử uổng thố trực. Lụy sinh nghiệp chướng, nhất thế khiên vưu...

Chỉn vì.....chúng con từ trái tánh giác, luồng vào dòng mê, xuôi theo biển sinh tử để trôi chìm, rượt với cuộc sắc thanh làm hám đắm. Mười triền, mười sử, chứa nên cái nhân hữu lậu; sáu căn, sáu trần, quấy tạo cái tội vô biên. Mê man lội bể khổ, đi sâu vào đường tà, lòng chấp ngã  đắm nhơn, việc bỏ ngay làm vạy. Chồng chất đời nghiệp chướng tất cả quấy lỗi.

Ðoạn đây là nêu lên cái nhân của nghiệp sinh tử. Ba câu đầu là: Từ nơi chân tánh, phát sinh ra vọng nghiệp; Nghĩa: Từ trái tánh giác, là điều hoặc; luống vào dòng mê, là cái nghiệp; xuôi theo biển sinh tử, là khổ quả. Chính rằng: mê quên nơi chân tánh, mà dấy ra vọng hoặc, từ nơi vọng hoặc để gây ra nghiệp nhân, do nơi nghiệp nhân rồi chịu khổ quả giữa Tam giới, thực như vậy.

Câu thứ tư sắp xuống là: Từ nơi một thứ vọng này rồi chất chứa bao vọng khác. Là nói: bởi sáu căn là nhãn, nhĩ, tỵ, thiệt, thân, ý nó rượt theo với sáu trần là: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, sáu trần làm hoen ố sáu căn. Căn thuộc về tâm, Trần thuộc về cảnh; cảnh kéo trì nhau với tâm, tâm bị hoàn cảnh lôi cuốn, lẫn nhau phát khởi ra phiền não là mười triền mười sử, lắm lúc tạo những tội chướng nhiều đến số lượng! Thì lẽ tất nhiên, với ba giới sáu đạo, cứ luân hồi mãi trong vòng tròn sinh tử và đắm chìm nơi bể khổ hữu lậu đã sâu lại càng sâu!

Ðường tà tức là năm lợi sử trong mười sử; nhân ngã là năm độn sử trong mười Sử: hễ sa đắm đường tà, thì, chẳng có cái chánh tri kiến để ra khỏi thế gian; còn chấp nhân ngã, thì gây tội lỗi ở thế gian: không có lòng nhân từ bình đẳng, sinh khi điều nhận thấy lầm lệch bằng ái và ố! Thì cũng như chỗ đức Khổng Tử nói: “Làm những việc cong quẹo, bỏ các điều ngay thẳng” thật không công bằng gì hết! Lấy mà dùng là nghĩa chữ Cử, bỏ đi chẳng dùng là Thố; mưu tam hạn chế việc làm trái với chánh lý là Uổng; để ý ngăn làm thuận theo chánh lý là Trực. Nghĩa: với chỗ ta yêu, dù nó là kẻ gian tham ngu bạo trái với chánh lý, thế mà ta cũng cất nhắc nó lên, để tín dụng; với chỗ ta ghét, tuy nó là kẻ nhân trí hiền lương thuận chánh lý, vậy mà đành ém gạt bỏ đi. Như thế thì, cái chánh lý tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ nó rối hẳn rồi ! Bất luận quân chủ hay dân chủ, chánh khách hay thứ nhơn....hễ một phen đã do nơi lòng ái, ố làm chướng ngại rồi, thì mối dây oan nghiệt cứ cột gút mãi chẳng thôi, mà với cái khiên vưu giữa ác đạo càng gấp nặng gấp sâu luôn!

Mười Sử làm thể, mười Triền làm nghiệp dụng, do mười sử làm tiên phong, thì có nghiệp dụng của thập triền nó làm cho chúng sinh mê muội chân tâm, buộc ràng nơi sinh tử, không lúc nào buông ra được, nếu chẳng xuất gia tu hàng giải thoát.

Bốn Sử tham, sân, si, mạn đều là mê chấp lấy sự vật giữa thế gian và khởi ra những quan niệm vọng hoặc của bốn ấy, tánh phận nó trì độn, nên gọi là độn sử; còn cái Nghi sử là đối với chân lý của tứ đế mà sinh ra điều vọng hoặc này, tánh nó là do dự không quyết định gì được, thì, tánh phận cũng không tinh nhuệ chi, nên đồng loại với tham, sân, si, mạn, là ngũ độn sử.

Năm sử bén: Bởi mê muội cái lý tánh của pháp tứ đế mà khởi ra ngũ lợi sử nầy với giữa những điều vọng hoặc;  năm cái hoặc này tánh nó lanh lợi cũng như bén sước hơn hết nên gọi là ngũ lợi sử, tức cũng là ngũ kiến:

  1. Thân kiến: tức là cái ngã kiến cà cái ngã sở kiến. Nghĩa: chẳng biết cái thân ta đây nó là vật giả dối bẵng ngũ uẩn hòa họp, mà lại kể chấp làm thật có cái thân của ta (ngã kiến : nhận thấy có ta); với những sự vật ở chung quanh bên thân ta lại chẳng biết nó là vật không có chủ sở hữu nhứt định, mà kể chấp cho là thật vật sở hữu của ta (ngã – sở – kiến: nhận thấy  vật sở hữu của ta); nhập chung hai cái ngã kiến và ngã sở kiến lại làm một là thân kiến. Mà thường thường với cái ngã sở kiến, chỉ gọi tắt là ngã kiến. 

  2. Biên kiến: Một phen sau khi chấp có cái ngã thân dấy cái ngã kiến, thì với cái ngã, hoặc kể chấp rằng sau khi chết rồi, cái ngã (hồn) nó đoạn tuyệt hẳn; hoặc kể chấp sau khi chết rồi nó cũng vẫn thường còn mãi chứ không dứt mất, vì hai nghĩa ấy là cái vọng kiến (thấy bậy) dấy ra ở bên sau cái thân kiến, nên gọi là biên kiến (đó là nghĩa cuả Duy thức học). Còn chấp lệch về một  bên đoạn hay thường nên gọi là biên kiến (đó là nghĩa của Câu Xá Luận) 

  3. Giới thủ tức giới cấm thủ kiến: do nơi cái “kiến thủ kiến” dưới đây, bèn thủ lấy cái giới cấm “phi lý, phi quá” để làm đầu, dùng lấy mỗi mỗi hành pháp kia, để làm cái nhân sinh về các cõi Trời, hoặc để làm cái đạo Niết Bàn. Trong đây có hai thứ: a/ Giữ các giới ngưu, giới kê (ăn những vật của con trâu ăn, gà ăn, hoặc ăn bằng cách như trâu gặm gà mỗ) dùng làm cái để sinh lên Trời, thế là cái giới cấm thủ kiến bằng cách phi nhân mà chấp làm nhân); b/Tu các giới khổ hạnh bằng cách: hoặc lấy tro tô phết vào thân thể, hoặc tịch cốc, nhịn đói, ăn rau..... dùng khổ hạnh đó để làm cái đạo Niết Bàn, thế là cái giới cấm thủ kiến bằng các phi đạo mà kể làm đạo. 

  4. Kiến thủ kiến: dùng cái tri kiến hạ liệt làm đầu, thủ lấy các hạ liệt khác, để tư tưởng làm một thứ rất tốt đẹp hơn hết. Nghĩa chữ “kiến” trên: dầu chỉ về chỗ nhận thấy cửa thân kiến, biên kiến, song chữ “kiến” ấy nghĩa nó còn hàm những mỗi sự vật khác nữa. 

  5. Tà kiến: với đạo lý có nhân có quả, lại bác bỏ đi cho là không có nhân có quả gì hết, như: cho rằng ở đời không có cái nguyên nhân nào đem lại cái kết quả, cũng chẳng có cái kết quả nào do nguyên nhân mà sinh, thành thử với các chúng  chẳng sợ, với thiện chúng cũng không ham, cái lối nhận thấy lầm lạc ấy, chính là đã tà kiến mà lại tà kiến hạng nặng! Nên tặng cho cái danh là“tà kiến”

Nhẫn trên năm điều kiến thức đó, là một phần ác tri huệ, với ngôi kiến đạo, đồng thời dứt hết năm điều ấy. Nhà Cựu dịch gọi là “Ngũ lợi sử”.

Ngưỡng Tam Bảo dĩ Từ bi, lịch nhất tâm nhi sám hối.

Ngửa cầu Tam bảo duỗi từ bi, cúi nhỏ nhất tâm xin sám hối.

Ðây là chúng ngửa kính ngôi Tam bảo để cầu sám hối. Chữ “ngưỡng” là ngửa mặt trông lên trên để mà cầu xin. Chữ “Lịch” là nước nhỏ từ giọt có tiếng, tức là: Nghiên tận đáy lòng để lộ trần những điều tội lỗi không còn sót giấu. Như nghiêng bình rót nước ra hết chảy từ vòi đến từ giọt không còn sót một điểm nào.

Sở nguyện năng nhân chửng bạt, thiện hữu đề huề, xuất phiền não chi thâm uyên, đáo bồ đề chi bỉ ngạn.

Cúi xin đức Năng nhân cứu vớt, các thiện dắt dìu, lên khởi vực sâu phiền não, tiến đến ngàn giác bồ đề.

Ðây cho đến rốt bài điều dùng vâng Tam Bảo trên cầu chứng sám hối, để riêng dấy cái nguyện tự lợi lợi tha. Bốn câu ở trên đây: là chính tự mình nguyện nhờ cứu dắt tiến lên cảnh giới cực điểm là vô thượng chánh đẳng chánh giác tức quả vị Phật.
Hai chữ “Sở nguyện” nghĩa nó trùm suốt xuống cuối bài.

“Năng nhân”: tức là đức Thích Ca giáo chủ.

“Thiện hữu”: bạn lành, người có đủ kiểu mẫu làm đạo, có công giúp ích mở trí. Chỉn bởi từ vô thủy cũng như từ đời kiếp mà không biết đầu cuối là đâu, đã chứa chất dưới vực sâu phiền não, nay đây nếu phi Thánh giáo thì không thể đắc độ nổi; lại bởi trí lực ta qua suy vi, với ngàn giác đạo, nếu phi thiện hữu thì chẳng thể tự mình chóng lên đặng. Tổ Quy Sơn nói:

“Ði đường xa, cốt nương bạn lành, để thường được trong sạch nơi tai nghe, mắt thấy; đến trụ chỗ nào, ắt phải chọn bạn, để mỗi giờ được nghe chỗ mà bấy lâu chưa nghe”.

Nên chi, với đạo cả, nếu muốn nghe nhiều hiểu rộng, thì lẽ tất nhiên là trước nhất ta nên thân cận thiện hữu, đó chính trên đây bảo thế.

Thử  thế phước cơ mạng vị các nguyện xương long; lai sanh trí chủng linh miêu đồng hy tăng tú.

Ðời này: với nền phước ngôi mạng, đều nguyện chung được thanh cao; kiếp sau, giống trí mạ linh, đồng cầu cùng nhau thêm tốt.

Ðây là nguyện khắp cả người với ta đồng đặng phúc huệ. Kiếp trước đã đắp xây nền phước, đời nay ngôi mạng thanh cao; hiện nay đem giống trí của Phật gieo vào ruộng Tâm ta, mai sau này mầm linh chồi đạo mỗi giờ càng thêm tốt; mãi đến sau khi đã hoàn toàn kết quả bồ đề rồi, mà với mục đích chí nguyện ấy từ thủy chí chung phi riêng vì đề cầu cho một cá nhân mình, mà chính vì phổ nguyện cho pháp giới chúng sinh đồng đắc như thế.

Sinh phùng Trung quốc trưởng ngội minh sư, chánh tín xuất gia, đồng chân Phật đạo; lục căn thông lợi, tam nghiệp thuần hòa, bất nhiễm thế duyên, thường tu phạm hạnh; chấp trì cấm giới, trần nghiệp bất xâm, nghiêm hộ uy nghi quyên phi vô tổn.

Với đời sau, nguyện sinh ngay ở Trung châu quốc độ, lớn lên liền gặp đức thầy sáng suốt, ta do lòng chánh tín đi xuất gia từ tuổi đồng chân đã  vào đạo; lục căn đều sáng dạ, tam nghiệp lẫn trọn lành, chẳng nhượm duyên đời, thường tu hạnh sạch; giữ gìn giới cấm, với nghiệp trần chẳng xâm, dè dặt nết na, với một con vi trùng nhỏ bay cũng không nỡ làm tổn nó.

Ðây là nguyện sau khi sinh ra đời liền gặp ngay vị thiện tri thức, vào đạo giữ giới cấm do thầy đã truyền trao.

Những xứ ở nơi biên cương (bìa ranh) ít có văn hóa của Thánh Hiền phổ cập thì phần nhiều là kẻ ngu ngoan bạo ác và tự cường; dầu sao cũng còn dã man; còn Trung ương quốc độ, thường có Thánh Hiền xuất thân, tiếp tục lấy văn tự, giáo pháp, lễ nghĩa, tiết hạnh và đức độ để dạy bảo khuyên răn. Nên chi hễ muốn vào đạo Thánh Hiền, ắt phải sinh ở trung độ  của nước. Xin chớ hiểu lầm hai chi chữ “Trung quốc” là nước Trung Hoa mà thành ra biệt ngại bất thông.

Từ thiện của thế gian, không thể gọi là chánh đặng, vì còn phân biệt lệch về chấp ngã, chấp nhân; tịnh thiện của xuất thế gian mới gọi là chánh, vì hai chấp đã không, ba vòng chẳng có. Nên chỉ dùng kẻ chân chánh học Phật là chánh tín, chánh thiện, bởi không tham nhiễm và chấp trước.

Xuất gia: ra khỏi nhà, có ba nghĩa

  1. Xuất hồng trần gia: ra khỏi nhà bụi hồng. Là lòng xa lìa trần cấu phiền não, chữ gia là gia thất, nó hàm có những nghĩa ân ái, phiền lụy, nên Tỳ bà sa luận  nói : “gia là phiền não nhân duyên, kẻ xuất gia là vì dứt trừ cấu lụy, nên phải xa lìa”. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói: “Qua khỏi cửa này, là La Hán ra khỏi trần”.

  2. Xuất tam giới gia: Ra khỏi nhà tam giới. Ðại thừa Bồ Tát, đại thừa cư sĩ như Duy Ma Cật, vì tâm đã dứt hết cửu phẩm mê hoặc cả tam giới tức A La Hán, đều là hạng “tâm xuất gia”. Tâm giải thoát ngoài tam giới.

  3. Xuất vô minh gia: ra khỏi nhà không sáng. Nghĩa là: Cái tâm ám độn không có ánh trí chiếu rõ sự lý của các pháp. Vô minh tức là tên riêng của si mê, vô minh nó hòa hợp nhau với tham mà sanh ra ta; vô minh tỷ là cha, tham ái tỷ là mẹ Kinh Lăng Già cuốn 3 nói : “Tham ái gọi là mẹ, vô minh thì là cha, người xuất gia trước phải diệt cha mẹ ấy”. Tứ giáo nghi nói “Từ biệt (diệt) hẳn cha mẹ vô minh, cứu cánh lên đảnh núi Niết bàn”. Nên nói ra khỏi nhà vô minh.

Vả lại, thân xuất gia: các Tỳ kheo bên Tiểu thừa, và Bồ Tát tăng bên Đại thừa; tâm xuất gia: cư sĩ tu Bồ Tát bên đại thừa. Như các ông: Duy Ma, Hiền Hộ v.v..lại nữa:

  1. Thân xuất gia tâm chẳng xuất gia: thân tuy ở giữa tăng chúng, tâm còn nhớ tưởng người nhà.

  2. Thân dù ở nhà, mà tâm đã ra khỏi nhà: mặc dầu thụ dụng với thê tử, mà lòng chẳng mê đắm ái ân.

  3. Thân tâm đều xuất gia: Với bao cảnh tham dục, tâm không đoái hoài quyến luyến.

  4. Thân tâm đều chẳng xuất gia: Vẫn còn nguyên thụ dụng với vợ con, lòng quá ư mê đắm điều kia việc nọ (rút ở Pháp uẩn túc luận)

Ðồng chân nhập đạo. Ðồng: trẻ, son, một mình. Nghĩa: kẻ tuổi trẻ chưa có thất gia (vợ chồng) đúng hơn là trinh tiết, thì gọi là Ðồng, vì ngươn tinh còn nguyên vẹn, chưa hề bị hành dâm tan mất, người mà ít biết gì đến ái tình, mới để xuất gia nhập đạo, bởi tự bảo đảm khỏi mèo na, hổ bắt!

Lục căn thông lợi: Nhân vì đời trước, với giữa Tam bảo đã có công rất sâu dày về siêng tu tìm học, nên nay đủ căn tánh đi hành đạo xuất thế gian, thành thử, vừa thấy nghe đạo Phật là, đã tín thụ thông lợi liền.

Tam nghiệp thuần hòa: Cái thân chẳng làm nghiệp ác là: sát sinh, thâu đạo và tà dâm; cái khẩu không nói lời ác là: vọng ngôn khỉ ngữ, lưỡng thiệt và ác khẩu; các ý chẳng niệm điều ác là: Tham lam, sân hận và si mê. Với khi hành động, lúc yên nghĩ, đều chỉ một niềm tinh tịnh, gặp sự gì cũng không bạo động tàn ngược, nên gọi là thuần hòa.

Bất nhiễm thế duyên: Nhiễm: nhượm, dơ. Thế duyên, tức là các: ngũ dục (tiền của, sắc đẹp, danh vọng, an sang, ngũ sướng), sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) sinh và diệt. Ðối với sáu trần, thì, sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý), nó thường ưa sinh ra gây nhiều tội lỗi, nên phải cấm, giữ lấy phạm hạnh là hạnh kiểm thanh tịnh, mà dứt hẳn những điều tập quán tham nhiễm để ngăn dứt cái nghiệp nhân của thân khẩu ý, nên gọi là bất nhiễm.

Phạm hạnh: cái tâm hạnh trong sạch không ô nhiễm. Nghiêm cấm mà chẳng phạm gọi là giới. Trần nghiệp tức là thế duyên. Xâm: lấn tổn, nhiễu nhương. Lòng tin thành gìn giữ, là nghiêm hộ. Vì nghiêm chính, nên khiến người kính nể, là Uy. Vì hạnh vuông vức (đúng đắn), khiến người khá noi gương lấy mực, là nghi. Chính rằng cái cách thức hay gương mẫu để làm chánh đạo.

Cấm giới: mười điều răn của Sa-di và các giới của Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Thức xoa ma na; lại, trong giới Tỳ kheo đủ có 3000 uy nghi, tám vạn hạnh vi tế.

Quyên phi: các loài trùng rất nhỏ mà có tánh cách biết hay như: muỗi, mòng v.v... vô tổn: Tức chẳng nỡ giết hại, rằng: với các loài chỉ biết bò biết bay mà thân mạng nó rất  nhỏ, nhà tu sĩ còn thường phải năng thương giữ hộ thay, huống chi với tất cả vật có sinh mạng lớn ư?

Bất phùng bát nạn, bất khuyết tứ duyên, bát nhã trí dĩ hiện tiền, bồ đề tâm nhi bất thoái; tu tập chánh pháp, liễu ngộ  Đại thừa, khai lục độ chi hạnh môn, việt tam kỳ chi kiếp hải.

Chẳng gặp tám nạn, không thiếu bốn duyên, trí bát nhã hiện tức thời, lòng bồ đề không lui sụt; học tu chánh pháp, rõ chứng Đại thừa, mở cửa hạnh sáu độ, vượt kiếp lớn ba kỳ.

Ðây là ngoài thì phụ giúp, trong thì tự dấy để đủ về công viên tu thì quả mới viên chứng đặng.

Với điển bát nạn sẽ chỉ rõ ra cái biểu đồ sau kia, vì tám chỗ ấy vẫn chẳng được gặp Tam Bảo nên nói là nạn: Bị chướng ngại!

Tứ duyên có hai điển:

  1. Duyên thấy, duyên nghe, duyên hộ pháp, và có cái duyên để phát tâm; vì bốn cái duyên ấy đều hay để giúp ích cho cội bồ đề được tăng trưởng.

  2. Có bốn cái duyên về bốn sự; y phục, ngọa cụ, ẩm thực, và thang dược đó là những dưỡng liệu bên ngoài để giúp cho sắc thân đủ sức khỏe để giúp bên trong phát khởi tiến triển, nghĩa là: Ngoài nhờ sự, sống bằng bốn duyên, trong đấy trí khôn của Bát Nhã. Hễ trí Bát Nhã đã sáng suốt, thì tâm bồ đề tự nhiên tăng tiến chứ không lui, hằng giờ tu chánh pháp, mỗi ngày nâng cao giáo thừa lên.

Ðại thừa là: Nhất Phật thừa. Kinh Diệu Pháp Liên Hoa Phật nói rằng: chỉ  có pháp nhất thừa là đúng, còn hai thừa kia là nhị thừa, tam thừa đều là phi chân. Vì là pháp phương tiện, bởi tạm quyền nhất thời chi dụng, chớ phi cứu cánh.

Lục độ: Ta tu pháp bố thí là để độ cái tánh tham lam bón rít của ta, tu pháp trì giới là để độ cái tánh (tật, nghiệp) phá trai phạm giới; tu pháp nhẫn nhục để độ cái tánh sân nhuế phẩn hận; tu pháp tinh tiến để sửa chữa cái tật trễ nãi; tu pháp thiền định là để cải biến các nghiệp tán tâm loạn tưởng; tu pháp trí huệ là để độ lành cái bệnh ngu si của ta. Chữ Việt là Vượt bổng qua.

A tăng kỳ: Phạn ngữ là: “Asamkhya” theo lớp cựu dịch mà ta đọc là A tăng kỳ, dịch chữ: vô số, nghĩa: Nhiều vô số kể. Lớp tân dịch mà ta đọc la A tăng sí da, Phạn ngữ là : “A Sanikhyeya” dịch chữ : Vô ương số, “vô ương” cũng như “vô lượng” nghĩa như trên. Trí độ luận chép là: A tăng kỳ dịch là vô số, sách Huyền ứng âm nghĩa cuốn 24 chép là: A tăng sí da, dịch là vô ương số, A tăng kỳ là con số cực lớn của toán học xưa ở Ấn Độ: Dùng muôn lần làm một số ức; muôn lần ức làm một số triệu mãi như thế bội bội tính lên, thì một A tăng kỳ kể có: một ngàn, muôn muôn muôn muôn muôn triệu.

Như bên Tạng giáo: Mang nghiệp chịu sinh trải qua ba A tăng kỳ kiếp tức là vô số kiếp tu hành theo đạo nghiệp của Bồ Tát làm những hạnh khổ mà người đời chủa làm được, Bồ Tát tu nhiều kiếp như thế kia, để hành lắm việc khó làm như thế nọ mới chứng đắc quả vô thượng là Phật.

Nay đây, bên Viên giáo: Trọn phần thành lập bản chương trình tu nhân chứng quả cho chúng sinh, đến bậc tứ địa mà với phần quả địa rồi là trọn phần nhân chân tu, để trọn phần dứt vọng hoặc, với lý thì chứng ngộ không sai, nên nói là vượt tam kỳ kiếp hải. (Quả địa), là: Y theo vị trí nơi “Nhân” nào để tu hành, thì đắc cái địa vị chứng ngộ về pháp gì là kết quả nấy; cả 3 thừa đều có quả địa khác nhau, giữa Thanh Văn thừa lại còn có bốn quả riêng biệt. Kinh Lăng Nghiêm chép: chỗ nhân địa phát tâm là đồng hay là dị nhau với chỗ quả địa giác. Trên cuốn thứ sáu, sách Huyền ứng chép: Quả địa đã tròn tột rồi, thì chẳng còn nhân vị.

Kiến pháp tràng ư xứ xứ, phá nghi võng ư trùng trùng, hàng phục chúng ma, thiệu long Tam bảo; thừa sự thập phương chư Phật, vô hữu bì lao, tu học nhất thiết pháp môn, tất giai thông đạt; quảng tác phước huệ, phổ lợi trần sa; đắc lục chủng chi thần thông, viên nhất sinh chi Phật quả.

Dựng cờ chánh pháp khắp nơi nơi, xé lưới tà nghi luôn lớp lớp, dẹp thắng bốn quân Ma, tiếp rân ba ngôi báu; vâng thờ mười phương chư Phật không biết nhọc nhằn, tu học tất cả pháp môn thảy đều thông suốt; rộng ra làm đủ phước đức và trí tuệ, để lan khắp lợi cho nhiều chúng lắm loài; đều đắc phép thần đủ sáu món đồng tròn quả Phật ngay một đời.

Ðoạn đây là: Với trên, cầu đắc pháp mầu, với dưới dạy tu chung tròn quả Phật. Dựng cờ chánh pháp là: thuyết pháp độ sinh; kiến: dựng lên; cờ túc là phướn: cao sáng. Nghĩa: Thí tỷ chánh pháp của Phật rất cao sáng, khiến cho đâu đâu cũng đều trông thấy mà nảy lòng kính tin. Lại nữa, còn nghĩa là tồi tà phụ chánh: Thí tỷ việc thuyết pháp là khiến cho thính giả xả tà quy chánh. Vì có hai nghĩa trên, nên bảo là Pháp tràng (cờ chánh pháp hay là cây phướn). Ði nói  pháp  khắp pháp giới để tùy theo trình độ của mỗi loại mà tế độ chúng sinh, nên gọi là xứ xứ (nơi nơi).

Chúng Ma: Ma nó hay cướp đoạt cái mạng của kẻ tu hành chánh đạo. Phạn ngữ là Ma-ra, dịch nghĩa là: hay cướp mạng, làm chướng ngại, làm rối rắm, làm phá hoại, làm não hại. Ðức chúa Trời ở cõi Trời thứ sáu của Dục giới là Ma vương quyến thuộc của ông là dân ma, người ma. Các kinh luận của cựu dịch viết bằng chữ Ma là mùi. Lương Vũ Ðế đem chữ Quỷ thay vì chữ Thạch thành ra chữ Ma là ma quỷ. Nay xét: Chữ Ma, bằng bộ thạch là đúng theo danh từ đọc đủ tiếng Phạn là Ma - ra, vì dịch âm chứ đâu phải dịch nghĩa; còn Vũ đế thay, chữ Quỷ vào thành chữ Ma bằng bộ Quỷ, là dùng theo nghĩa rằng nó hay phá hoại cướp hại mạng người tu.
Ma có bốn thứ :

  1. Phiền não ma: vì các điều phiền não là tham, sân, si, mạn, nghi v.v..Nó hay làm tổn thương não hại nơi thân tâm, nên bảo là Ma.

  2. Ấm ma: Lại kêu rằng ngũ chúng ma, tan dịch là uẩn ma, vì năm món sắc, thụ, tưởng, hành, thức nó hay sinh ra mỗi mỗi điều khổ não nữa, nên gọi là ma.

  3. Tử ma: Vì cái chết nó hay dứt dứt cái căn (gân máu) sanh mạng của người nên nói nó là Ma.

  4. Tha hóa tự tại thiên tử ma: tân dịch rằng tự tại thiên tử ma: Ðức Chúa Trời Ba Vương tên là Ba Tuần ở từng Trời thứ sáu (tức là Trời Tha Hóa Tự Tại) cõi Dục giới. Trời Ba Tuần đây chính là nghĩa của chữ Ma-ra. Còn Tử Ma mới thật là đoạt mạng. Thấy trí độ luận và nghĩa lâm dương đồng nói như thế. Mà Bồ Tát hay dùng sức trí huệ để chiến thắng tất cả Ma quân, La Hán cũng có một nghĩa là sát tặc: giết cả sáu giặc.

Lục thần thông: Thần: chẳng thể xét lường được, như thần kỳ, thần diệu, nghĩa là lạ lùng lắm: thông: Suốt không chi ngần ngại. Các Thánh trong ba thừa đắc sáu món trí huệ rất tự tại rất thần diệu chẳng thể xét lường, không chi làm trở ngại, nên gọi sáu phép thần thông:

1. Thiên nhãn thông: Ðắc con mắt trời sắc giới, chiếu lâu không ngại

2. Thiên nhĩ thông: Đắc lỗ tai trời sắc giới, nghe suốt không ngại,

3. Tha tâm thông: Biết tất cả nghề nghiệp. Từ nhiều đời trước của ta và chúng sinh đều không ngại.

4. Thần túc thông: Ðắc phép thông lực, lội đi qua lại rất tự tại núi sông không làm  trở ngại.

5. Túc mạng thông: Biết tất cả nghề nghiệp. Từ nhiều đời trước của ta và chúng sinh đều không ngại.

Với năm thông trên, đều do tu pháp thần hữu lậu hoặc nương nơi sự thuộc sức thần chú mà chứng đặng, nên các người tu tiên bên ngoại đạo cũng có thể chứng được, cả năm ấy đều gọi là trí chứng thông nữa, là: Bởi y nơi trí mà chứng được thông lực ấy trong Cu xá luận chép như thế. Sáu lậu tận thông: Tu pháp tam thừa tiến ngần ngại. Duy có các thánh tam thừa mới chứng được cái thông nầy mà thôi, chứ trời, tiên ngoại đạo đều chẳng có, vì tâm phiền não hãy còn!

Lại chia 3 hạng:

  1. Báo đắc thông: Các ông Trời ở ba giới đều có năm phép thần thông; nhẫn đến quỷ, thần cũng có một hai thông, vì thần thông ấy đều nương nơi quả báo nên nay cảm đặng bằng cách tự nhiên.

  2. Tu đắc thông lực: Nguyên các thánh trong Tam thừa do tu pháp tam học mà đắc lực thần thông; người tiên bên ngoại đạo do tu thiền định mà hiện đặng năm phép thần thông, biến hóa thông lực. Các thánh trong Tam thừa dùng sức thần thông để biến hóa ra mỗi mỗi phép thần. Lại, chư Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thinh Văn và ngoại đạo tiên nhân do tu đắc thì đều gọi là “thần thông”, mặc dầu khác nhau bằng năm thông sáu thông: còn những thông lực của các loại: Thần, Quỉ, Chồn Cáo sở đắc đó, thì đều gọi là “Nghiệp thông”, vì các loại ấy do nơi nghiệp lực mà đắc thông.

Thành quả Phật ngay một đời: tức là bậc Ðẳng giác ngôi nhất sinh bổ xứ; từ ngôi đây  phát khởi ra cái tánh trí kim cang để chiếu phá hết một phần sinh tướng vô minh, tức là bực Diệu giác Cực quả, để chứng cái tánh tâm viên mãn pháp giới.

Nhiên hậu bất xả pháp giới, biến nhập trần lao, đẳng quan âm chi từ tâm, hành Phổ Hiền chi nguyện hải; tha phương thử giới, trục loại tùy hình, ứng hiện sắc thân, diễn dương diệu pháp.

Sau nầy, chẳng rời tánh pháp giới, khắp vào cõi trần lao, đồng với lòng từ của đức Quan Âm, làm cả biểu nguyện của đức Phổ Hiền; cõi nầy phương nọ, theo loại hiện tình, để ứng hiện sắc thân, đặng diễn nêu pháp nhiệm.

Ðoạn này là nói: Sau khi chứng quả, tùy theo căn cơ của chúng sinh, để phổ hiện hóa thân ra mà thuyết pháp dạy tu.

Nhiên hậu là lời thừa tiếp đoạn trên, phát khởi xuống đoạn dưới.

Tánh pháp giới, là cái danh thủ đô của nhất tâm, cũng chỗ qui thú của vạn pháp. Số là, tự tâm đã thanh tịnh, thì thể nó khắp trùm mười phương, nên chi chẳng rời cái tâm pháp giới của Phật quả, mà vẫn khắp vào những cảnh trần lao giữa lục đạo. Như: Ðức Quán Thế Âm có ba mươi hai ứng thân để thị hiện khắp nơi các cửa nhà đó lại như đức Phổ Hiền có nguyện lớn sâu như biển cả vô cùng, lan khắp pháp giới để làm lợi ích chúng sinh, vì cũng hóa hiện ra nhiều thân hình bằng cách tùy theo các cơ cảm, để thuyết đủ pháp mầu.

Hỏi: Ứng thân có đồng hay không đồng nhau với hóa thân?

Ðáp: Cứ theo kinh Ðồng tánh và Kinh Kim Quang Minh, thì: Ngoài ứng thân, có thành lập ra hóa thân nữa, thế là hai thân ấy sai khác nhau. Luận khởi Tín thì với ngòai ứng thân, không thành lập hóa thân nữa. Ðến như các bộ Duy thức luận, Pháp hoa luận, thì ngoài hóa thân, chẳng thành lập ứng thân. Thế thì Hóa thân tức là ứng thân.

Nê Lê khổ thú, ngạ quỷ đạo trung, hoặc phóng đại quang minh, hoặc hiện chư thần biến: Kỳ hữu kiến ngã tướng, nãi chí văn ngã danh, giai phát bồ đề tâm, vĩnh xuất luân hồi khổ:

Với cảnh địa ngục khổ, trong đường Ma quỷ đói, hoặc buông ra ánh chiếu sáng lớn, hoặc hiện phép thần biến hóa nhiều: Những chúng thấy cái tướng tôi, nhẫn đến nghe danh tôi, đều dấy lòng bồ đề, ra khỏi khổ luân hồi.

Ðây nói cứu khổ cho ba ác đạo bằng cách tổng quát: Nê Lê tức là địa ngục đạo, vì bị tội khổ hành chịu không phút nào ngừng! Chúng sinh trong giới ngạ quỷ giờ chịu mãi cái tội khổ đói khát!

Giữa súc sinh đạo: thì lại thường ăn tươi nuốt sống lẫn nhau, như kiến ăn cá cá ăn kiến, rắn nuốt nhái, loài lớn ăn loài nhỏ, thứ mạnh ăn thứ yếu v.v...những chúng sinh trong ba đường ấy là hạng chịu cực kỳ thống khổ!

Nay đây các Bồ Tát sau khi đắc quả rồi, hoặc  phóng hào quang chiếu đến khiến cho chúng kia được giải thoát! Hoặc hiện thần biến tướng ra khiến cho chúng nọ sinh tâm kính tín, để cùng nhau vẫn khỏi cái phổ luân hồi, siêu sinh về nước cực lạc.

Hỏa hoạch băng hà chi điạ, biến tác hương lâm, ẩm đồng thực thiết chi đồ, hóa sinh Tịnh độ.

Những chỗ vạc lửa hừng, sông giá lạnh, đổi làm rừng thơm: mấy loài ăn sắt nướng, uống đồng sôi, hóa sinh cõi Tịnh.

Trên kia nói bằng cách tổng quát; giờ đây nói bằng cách riêng biệt: để hóa độ các sở địa ngục.

Vạc lửa, là: tám sở địa ngục nóng. Sông giá, là: tám chỗ địa ngục lạnh. Nay đều nương ánh từ quang chiếu đến thảy cả liền hóa thành cảnh Tịnh độ.

Phi mao đới giác, phụ trái hàm oan, tận bãi tân toan, hàm triêm lợi lạc.

Các loại: mang lông đội sừng, thiếu nợ ngậm hờn, đều thôi những khổ đắng cay, đồng hưởng lắm vui lợi ích.

Ðây cũng nói riêng biệt cảm hóa về súc loại; nay chỉ nói một loài tẩu thú là để gồm thâu hết tất cả các loài súc sinh ở: trên không, mặt đất, và dưới nước rồi.

Thiếu nợ ngậm hờn, là: Súc sinh đều chuyên lấy sự ăn nuốt lẫn nhau đó, là cũng cốt vì để đền trả lại cái thiếu nợ bằng cách ăn thịt nó từ kiếp trước, nên kiếp nầy phải bồi thường túc trái bằng cách để cho nó ăn thịt lại mà trừ, kêu rằng: tham tha nhất luyến luyến hườn tha, nghĩa là kiếp trước ta ăn một miếng thịt của nó, thì đời nay phải trả lại cho nó ăn một miếng thịt của ta. Nhưng chúng ta đương bị cái hôn mê giữa thân này cách với thân trước, nên ấm muội mà không thấy biết gì được! Chứ nếu chứng được cái tri túc mạng thông, thì tự phá tan cái mù hôn mê tức thấy biết được những việc mấy đời trước như việc trong giấc nằm mộng và lúc đã thức dậy; với sự gì từ bữa hôm qua.... Và hôm nay vậy thôi.

Lại nữa, chúng sinh giữa lục đạo, đều có túc trái, đời đời cứ kết dây oan trái với nhau mãi chẳng thôi như thế kia, nay đều thôi dứt hết những điều cay đắng, và cùng nhuần thấm lợi ích yên vui giải thoát.

Tật dịch thế nhi hiện vi dược thảo, cứu liệu trầm kha, cơ cẩn thời nhị hóa tác đạo lượng tế chư bần nổi.

Với thời có tai tật dịch, hiện ra làm thuốc men để cứu lành bịnh trầm kha; với cơn xảy nạn đói ngu, hóa ra làm lúa bắp, để giúp yên vùng bần nổi.

Ðây là đức Từ hóa hiện ra để cứu khổ tai nạn Thân nhướm điều dữ nổi lên là nghĩa chữ Tật; cái tật ấy nó quá lắm, là nghĩa chữ Bệnh. Loài Quỷ nó hay thừa dịp có khí độc để làm cơn ôn hoàng dịch lệ. Dân chúng đều cái tai bệnh ấy, là nghĩa chữ Dịch tả. Trị cái chứng bệnh ấy lành là nghĩa chữ Liệu. Trầm kha là bệnh rất trầm trọng. Không lúa thóc là nghĩa chữ Cơ; không cải rau là nghĩa chữ Cẩn. Lúa hột còn ở  ngoài ruộng là nghĩa chữ Ðạo; đã thu hoạch về nhà vựa là nghĩa chữ Cốc. Thóc ra trấu rồi là nghĩa chữ Mễ. Chữ  Lương là thứ bắp cao giàn. Chung gọi thì có sáu giống thóc, là: Ðạo, lượng, thục, mạch, thử, tắc.

Nổi: đói, với các điều tai hại như nạn tật dịch nạn cơ cẩn, thì trong bốn phương thiên hạ không chỗ này tất chỗ nọ thường thường có xảy ra đều bởi chúng sinh đồng tạo một thứ nghiệp từ đời trước mà nay đến ngày giờ đủ điều kiện gây nên.

Còn nếu như tiểu tam tai của kiếp giảm kia: đến cái thời nó nổi thì cùng khắp cả trái đất, loài người đều bị tai ấy, là bởi những chúng sinh đồng nghiệp đã tạo phần nhiều ác ấy.

Tiểu tam tai – Trong một kiếp trụ, có hai chục lần tăng giảm như hai chục tiểu kiếp cái mà nó nổi lên ở phần rốt kiếp giảm đó gọi là tiểu tam tai:

  1. Ðạo binh tai, vì loài người bấy giờ làm nhiều điều phi pháp, tâm sân độc càng thạnh, hễ vừa thấy nhau là liền dấy cái lòng tàn hại rất mãnh liệt, nên tùy theo tay cầm vật gì thì nó liền hóa thành gươm đao, nghĩa là tùy ý người muốn chi  là nó hóa nấy, đặng để mà tàn sát lẫn nhau.

  2. Tật dịch tai, vì loài người bấy giờ cũng gây các điều tội ác như trên, nên ai ai cũng thở cái độc khí ác nộ ấy ra như  khói un cùng khắp, các loài ôn hoàng lợi dụng những hơi độc đó đem đi làm tật dịch mỗi nơi hễ ai xuông đụng độc khí bị quỷ hành đó, thì thổ tả chết liền.

  3. Cơ cẩn tai, vì thời nhân cũng bởi lòng ác nghiệt như trên đó, nên các vị Thiên Long không điều khiển chừng mực, thành thử mưa gió nắng tạnh không điều hòa, mùa màn thất lợi, thế gian bị đói lâu, nên phần nhiều bị mạng chung.

Câu Xá Luận cuốn 12 nói: từ lúc mà các chúng sinh do thân khẩu ý dấy đủ mười ác nghiệp, lần lần lại càng tăng trưởng đến bậc thập ác hạng nặng; bấy giờ loài ở Châu Diêm Phù nầy tuổi sống giảm giảm lần lần mãi đến cái thời mà mỗi người chỉ còn mười tuổi là trọn đời, thì có cái tiểu tam tai hiện ra. Tiểu tam tai ấy nó hiện vào khoản rốt kiếp trụ. Ðao binh tai lưu hành chỉ có bảy ngày đêm; tật dịch tai lưu hành bảy tháng ngày; cơ cẩn tai lưu hành bảy năm bảy tháng bảy ngày. Qua khỏi là hết kiếp trụ.

Ðối với cái thời tật dịch, cơ cẩn ấy, lòng từ bi bắt buộc, nên các Bồ Tát hoặc hiện ra làm các thứ dược thảo, đem cứu khắp nơi lành bệnh trầm kha; hoặc biến hóa làm các lúa bắp, để giúp đỡ cả vùng cơ cẩn, sau rồi cảm hóa chúng vào đạo Phật.

Đãn hữu lợi ích, vô bất hưng sùng.

Hễ việc làm mà có ích cho người lẫn ta, thì đâu chẳng chấn hưng sùng bái.

Đây kết thúc về chỗ rộng ra dấy làm việc Phật. Sùng: cao, chủ; số là tu theo bậc Nhị thừa, thì trí thức chỉ lệch mạnh về phần tự lợi, mà yếu sút về phần lợi tha, nên chi các nhà tu sĩ bên Nhị thừa thường ưa trốn tránh cảnh ồn ào, để ngắm xem chốn vắng lặng. Trái lại, người hành Bồ Tát đạo chẳng phải thế, bởi cơ quan đại tác dụng không ngần ngại, vì đối với việc chi, cảnh ngộ trường hợp nào hễ có ích lợi cho người lẫn ta, thì đâu chẳng tiến tới mau lên ra công tác ư?

Thứ kỳ lũy thế oán thân, hiện tồn quyến thuộc. Xuất tứ sinh chi cốt một, xả vạn kiếp chi ái triền, đẳng dữ hàm sanh, tề thành Phật đạo.

Kế đó, nguyện cho kẻ thân người thù từ lắm kiếp, và những đấng quen thuộc hiện còn: đều lên khỏi cải khổ chìm nổi biển tứ sanh, đồng dứt buông cái dây ái ân vùng.

Đây lại phát ra cái nguyện bình đẳng. Lũy là chồng chất. Thứ kỳ là lời thừa tiếp văn trên để lập lại dấy xuông văn dưới. Cốt một là vừa nổi vừa chìm mà người ta gọi là giã gạo, tùy theo mực nước cạn sâu, mà trồi lên hụp xuống có mau chậm. Hàm sinh: phàm là loài có thể cục cựa nhúc nhích được đó là chúng nó đều có linh thức và tánh biết của nó; đã tánh biết thì đều có thể có ngày nó hồi đầu lại để tự tỏ ngộ bản tánh Phật của nó. Số là: Từ kiếp vô thủy (không đầu, là không biết đầu từ đâu) từ thuở có sanh loài người lại nay, tất cả người thân thuộc, kẻ oan gia, đều chìm nổi cũng như đầu vào trôn ra nơi bể tứ sinh là: Noãn, thai, thấp, hóa, từ tình ái này đến tình ái nọ, cứ thế vấn vương riết chặt với nhau mãi trong cuồng tơ vô hình là sinh tử vạn kiếp; nay ta nguyện cho tất cả chúng hữu tình kia với chúng ta đây đồng thành Phật đạo.

Hư không hữu tận, ngã nguyện vô cùng, tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí.

Cõi hư không cố hết, lòng nguyện tôi chẳng cùng, chứng hữu tình và chúng vồ tình, đồng tròn giống trí Phật.

Bốn câu chót đây là kết thúc về tâm nguyện vô cùng vô tận.

Tình tức là loài có tình thức, cả chánh báo chúng sinh; Vô tình tức là phần vô tri vô giác cả cõi y báo thế giới.
Giống trí là giống Phật tánh; nguyên nó là căn bản thật tr ; từ một niệm trái với chân đó, thì toàn thể giông trí ấy nó biến thành ra cái vọng niệm, nếu biết quày đầu khiến chân tánh tự sáng tỏ lại, thì toàn thể vọng niệm vô minh vẫn là giống trí Phật.

Hỏi: Với nghĩa rằng hữu tình thành Phật thì, tôi có thể biết được; còn chúng vô tình, thì, làm gì cũng thành Phật.

Đáp: Y báo là quốc độ, chánh báo là căn thân, đều do nơi nhất tâm tạo tác ra. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Hưởng trừng thành quốc độ, tri giác nãi chúng sinh” phần tư tưởng nếu không hoạt động nữa mà ngưng lóng lại thì nó thành ra quốc độ, là những vật vô tri vô giác; còn phần mà vẫn còn hoạt động, tri giác thì, nó thành ra chúng sinh, là những chúng có cảm tình tri thức. Thế biết rằng: hễ khi mà nhất niệm mê, thì chánh báo nó cách ngại nhau với y báo; còn lúc mà nhất niệm giác, thì thân căn lẫn rỗng nhau với quốc độ. Lý do là hễ tâm niệm thanh tịnh tất nhiên Phật độ tự thanh tịnh; một bằng chứng hiển nhiên này nữa: hễ tâm của nhân loại đều thanh tịnh, thì quốc độ cũng đều bình định yên vui; còn khi mà tâm loài người đồng bạo động chiến tranh, thì quốc độ cũng đồng uế ác loạn khổ. Vậy biết: hễ nhân sinh mà được vui hay bị khổ, là bởi nhân tâm thiện tịnh hay ác động, mà đến nước nhà cây cỏ cũng chịu ảnh hưởng chung số phận. Thế thì, niệm mê niệm ngộ tự tâm, uế độ Tịnh độ cũng tự tâm đến hữu tình vô tình cũng tự tâm, thì ra, với giữa vạn hữu vũ trụ, tùy ý bốc lên một cái gì đó nó đâu chẳng phải là cái của thanh tịnh diệu tâm, vì hễ còn tưởng trừng tức quốc độ, hết tưởng trừng tức tri giác. Nên bên Cực Lạc Tịnh độ: nước, chim, cây, rừng... đều thường ngày hằng giờ vẫn đồng thuyết pháp vì loài người bên ấy đều đồng giác ngộ rồi, nên quốc độ tức chúng sinh, chúng sinh tức quốc độ, cũng như nói: cảnh tức tâm, tâm tức cảnh cho nên nói tình dữ vô tình đồng viên chủng trí.
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6406670
Số người trực tuyến: