2. Phổ vị chúng sinh phát nguyện
Phổ vị chúng sinh phát nguyện
Khắp vì chúng sinh và dấy nguyện rằng
Tứ sinh cửu hữu đồng đăng Hoa tạng huyền môn bát nạn tam
Đồ cộng nhập Tỳ Lô Tánh Hải
Bốn loài chín cõi đồng lên cửa huyền Hoa Tạng;
Tám nạn ba đồ chung vào biển tánh Tỳ Lô.
Tứ sinh: Bốn loài, là nói chung hết thảy cái chánh báo thân của chúng sinh cả ba giới. Cửu hữu: chín cõi, là nói chung hết thảy cái y báo độ của mỗi loại ở cả tam giới. Bát nạn: nói riêng những chỗ bị chướng nặng nề giữa tam giới, vì chúng sinh ở đó chẳng nghe được Phật pháp. Tam đồ: nói riêng về chỗ bị nghiệp quá trọng và khổ giữa tam giới. Ðấy cả chúng hữu tình đều là hữu lậu mê hoặc mà phải luân chuyển mãi đến vô cùng!
Hoa tạng huyền môn: là nêu chung lên tất cả cõi Phật mười phương. Tỳ lô tánh hải: là gồm chung hết thảy cái chân như tánh giới vô cùng tận. Ðấy là cái pháp giới thanh tịnh Phật tánh vô biên tế.
Hoa tạng: Kinh Hoa Nghiêm ghi lời Phật giảng về thế giới Liên hoa tạng mà ở đây xin sao lục lại đoạn đại khái rằng:
“Có cái biển lớn nước thơm tên là “Phổ quang ma ni vương trang nghiêm hương thủy hải”, giữa biển này mọc lên một cái hoa sen lớn tên là “Chủng quang minh Nhụy hương tràng”, trong cái hoa Nhụy hương tràng đây có một tổng hải tên là “Hoa tạng trang nghiêm thế giới hải”, giữa biển đây có những hoa bằng số mười lần “Bất khả thuyết Phật sát vi trần”, trong mỗi một hoa có một hương thủy hải, trong mỗi một biển ấy lại có một hoa sen lớn, trên mỗi một hoa sen có hai mươi lớp thế giới theo thứ lớp chất chồng nhau, dưới đáy hẹp, lên trên nới lần rộng ra.
Như cái hoa ở rốt trung tâm tên là “Nhất thế hương ma ni vương Trang nghiêm liên hoa” trên hoa này có hai mươi lớp thế giới, một lớp thế giới dưới nhất tên là “Tối thắng quang biến chiếu” đức Giáo chủ ở thế giới này hiệu là “Ly cấu Ðăng Phật” chung quanh ngoài lại có nhiều thế giới bằng số nhất Phật sát vi trần để bao bọc giáp vòng.
Ðến lớp thế giới thứ 13 tên là “Ta bà”, đức Giáo Chủ ở thế giới nầy tức là “Thích Ca Mâu Ni Phật”, chúng quanh ngoài có nhiều thế giới bằng số mười ba lần Phật sát vi trần để bao bọc giáp vòng.
Ðến lớp thế giới thứ 20 tên là “Diệu Bửu Diệm”, đức Giáo chủ ở thế giới này hiệu là “Phước Đức Tướng Quang Minh Phật”, chúng quanh có nhiều thế giới bằng hai mươi lần Phật sát vi trần để bao bọc giáp vòng.
Ðối với “hai mươi thế giới chồng lên hoa” như đã kể trên, vòng vây bên ngoài còn có mười chồng mỗi chồng cũng đủ hai mươi lớp thế giới bao bọc khắp bủa ở trên tổng liên hoa là “Chủng quang minh Nhụy hương tràng”.
Ðấy dù là một toàn cảnh đều do thiên bách ức hóa thân Thích Ca Mâu Ni Phật chia thân mà giáo hóa, mà cũng chính là do duy tâm của mỗi người tạo thành cảnh giới ấy do biệt nghiệp hoặc cộng nghiệp.
Bởi thế, nên mỗi khi tâm của chúng ta dung hòa, thì cả pháp giới thảy đều dung hòa một cách soi suốt không chi làm chướng ngại thân tâm và quốc độ vẫn một chẳng hai (Kinh Lăng Nghiêm nói: Nếu người biết được tâm rồi, quày xem đại địa không còn tấc đất. Vì cảnh tức tâm, nên nói chẳng hai). Cảnh giới đó, chẳng khá nghĩ bàn được, là nghĩa của chữ “Huyền”. Vì nhất tâm đây nó hàm đủ chư pháp (vũ trụ vạn hữu, hay tứ thánh lục phàm) mà với pháp nào, pháp nào nếu ta không mê, thì pháp nào cũng là cái môn để vào giác đạo, nên nói là huyền môn.
Lại nữa, mỗi pháp, pháp nào cũng vẫn đủ mười môn, nên Hoa Nghiêm tông diễn tả ra mười lớp huyền môn, với nghĩa lý rất viên diệu khó nghĩ thấu!
Như Kinh nói: “Cả mười phương hư không sinh trong tâm người, tỷ như vết mấy bợn giữa trời cao”. Chính rằng: Tâm dung diệu lý hư không tiểu: tâm hòa lẫn với lẽ mầu rồi, thì cõi hư không là vật cực nhỏ. Cũng như nói: Tâm bao thái hư, lượng châu sa giới..thì, cùng tột hư không pháp giới, chỗ nào là chẳng phải thanh tịnh pháp thân của chư Phật ư?
Thế nên khắp nguyện cho cả pháp giới: Nào là tứ sinh nào là cửu hữu đồng giác ngộ lý của pháp thân, đồng chứng nhập thể của pháp thân, nên nói: tứ sinh cửu hữu đồng đăng hoa tạng huyền môn.
Tỳ Lô Tánh Hải: tiếng Phạn Vairocana, tiếng ta đọc là: Tỳ Lô Giá Na. Nhân vì kinh cũ của đời Tấn dịch là: Lô Xá Na; kinh mới của đời Ðường dịch là: Tỳ Lô Cha Na. Dịch chữ là Biến nhất thế xứ, nghĩa: khắp tất cả chỗ, tức là cứu cánh thanh tịnh pháp thân. Lại, cảnh diệu hiểu ra rất cứu cánh, tên là Tỳ Lô Giá Na; Trí diệu đầy đủ rất cứu cánh, tên là Lô Xá Na: Hạnh diệu đầy đủ rất cứu cánh, tên là Thích Ca Mâu Ni. Lại: Lô Xá Xa, dịch: Quang Minh Chiếu; Tỳ Lô Gía Na dịch: Quang minh biến chiếu, vì chữ Tỳ dịch là Biến.
Do vì: cái tánh pháp thân là lìa quá dứt phi, ly hẳn các danh tướng, vắng lặng chẳng động, dọc tột ba đời, ngang khắp mười phương, chẳng thể nghĩ bàn được, với lý và thể như thế không biết gọi thế nào cho đúng, nên tạm nói là “tánh” đấy thôi. Vậy, trên kia nói: Ma ni Trang nghiêm vương hương thủy hải, số biển này nhiều đến vô lượng, và các hương hải nhiều như số vi trần, đều là do nơi tự tánh duy tâm của ta với người chung nhau tổ thành ra, nên nói là Tánh Hải.
Song, với tánh, tâm ấy, nếu người đều mê luôn cả hai, thì làm chúng sinh bị cách ngại với thế giới, không biết tất cả thế giới tướng vốn thường trụ và tánh nó viên dung. Chúng sinh trọn ngày ôm lấy cái tánh tâm ấy, mà luống uổng chịu luân chuyển! Tuy chịu luân chuyển mà cái tánh ấy chưa có biến đổi một tý hào nào. Nên trọn ngày những điều thấy, nghe, hiểu, biết đều toàn do nơi tự tánh nó rọi, nháng ra mà có những sinh diệt như chớp chớp, tắt tắt vậy thôi. Nếu người khứng chịu với mỗi niệm đương sinh diệt đó mà buông hẳn đi, thì toàn thể của sinh diệt ấy tức là chân như, thế với vô biên hư không, Hoa tạng trang nghiêm, mỗi mảy bụi, mỗi cõi Phật, đều là cái chân như diệu tánh của mỗi phần tử nó viên dung lẫn nhau với cả toàn thể Pháp giới tánh.
Tâm ta đã là Pháp giới tánh, mà pháp giới chúng sinh cũng đều ở giữa tâm ta, mà ta cũng ở giữa tâm của chúng sinh. Bởi vì chúng sinh tâm cũng đều là pháp giới tánh cả.
Thế thì tâm Phật, chúng sinh cả ba ấy đều lẫn nhau làm viên dung pháp giới tánh.
Vả lại, tâm ta đã hay quy nơi Phật tánh, thì phổ nguyện luôn cho bát nạn, tam đồ đương thể của chúng cũng quy nơi Phật tánh, nên nói: “Bát nạn tam đồ cộng nhập Tỳ Lô Tánh Hải”.
- 1599
Viết bình luận