1. Mười nguyện lớn nhất của Đức Phổ Hiền Bồ Tát
Mười nguyện lớn nhất của Đức Phổ Hiền Bồ Tát
Kinh Hoa Nghiêm, phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện chép rằng: “Lúc bấy giờ, đức Phổ Hiền Bồ Tát Ma-ha-tát, sau khi xưng tụng công đức tối thắng của Phật rồi, rao bảo cùng các đức Bồ Tát và Thiện Tài rằng: Thiện nam tử! Đối với công đức của Như lai, ví dẫu tất cả chư Phật ở mười phương, trải qua nhiều kiếp bằng số “bất khả thuyết, bất khả thuyết Phật sát cực vi trần” để tiếp tục nhau nói mãi đi nữa, cũng chẳng thể nói công đức ấy! Nếu người muốn trọn nên công đức đó, thì chỉ nên tu mười thứ hạnh nguyện rộng lớn như sau v.v...
Lại sau mười nguyện có bài nói rằng: nếu có thiện nam tín nữ, lấy cả bảy thứ quý báu nhất, tốt đẹp nhất đầy khắp trên tất cả thế giới ở mười phương bằng số “vô lượng vô biên bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần” và lấy cái phước tối thắng an lạc của loài người, loài trời đều đem ra bố thí cho chư Phật, Bồ Tát bằng số bấy nhiêu tất cả thế giới, mà bố thí luôn trải qua nhiều kiếp bằng số. Bấy nhiêu “Phật sát cực vi trần” vẫn tiếp tục bố thí mãi không ngớt, người thí chủ ấy sở đắc công đức nhiều quá sức tưởng tượng như thế kia, cũng chả bằng công đức như thế này:
Ðối với mười nguyện chú ấy, nếu có người chỉ một phen nghe lọt vào tai, mà sở đắc công đức quá ư rất nhiều, đến vô số kể. Ðem so với trên thì công đức của bố thí kia, chẳng kịp một phần trăm, chẳng kịp một phần ngàn...nhẫn đến cũng chẳng kịp một phần ưu ba ni sa đà.
Hoặc lại có người đối với nguyện lớn ấy, đem cái tâm tin sâu, để thụ trì đọc tụng, nhẫn đến viết chép ít nhất là một bài kệ bằng bốn câu, thì chóng dứt trừ được cái tội nghiệp của địa ngục ngũ vô gián, ngoài ra với hết thảy các chứng bệnh, mọi điều chướng nạn đâu chẳng trừ diệt ráo (bài kệ bốn câu, là tức như: “Sở hữu thập phương thế giới trung, tam thế nhứt thế nhân sư tử, ngã dĩ thanh tịnh thân ngữ ý, nhất thế biến lễ tận vô dư vv.v....)
Lại nói: chỉ có nguyện vương (vua nguyện; nguyện lớn nhứt) đây, chẳng rời bỏ nhau với người xấp xả thân qua đời, với mỗi giờ phút, nguyện ấy nó dẫn đường đi trước, chỉ trong một sát na, người được liền sinh qua thế giới cực lạc; tới rồi, liền được yết kiến đức A Di Ðà Phật, và các đức; Văn Thù, Phổ Hiền, Quán Âm, Thế Chí cả đến các đức Ðại Bồ Tát, Ngài nào cũng đủ sắc tướng đoan nghiêm.
“Lại tự thấy thân mình trong hoa sen sinh ra, nhờ Phật thụ ký, từ đấy về sau trải lâu vô số kiếp, đi khắp giáp thập phương thế giới để làm việc ích lợi cho chúng sinh. Người ấy chẳng bao lâu nữa, sẽ ngồi chốn đạo tràng, thành quả đẳng chánh giác, chuyển diệu pháp luân, kêu là thuyết pháp độ sinh” mười nguyện chúa như dưới đây:
---o0o---
Nhất giả lễ kính chư Phật
Nguyện thứ nhất đây là “kính lạy các đức Phật”
Bản văn (là nguyên văn phẩm hạnh nguyện kinh Hoa Nghiêm) nói: Rằng kính lạy các đức Phật đó, là có những bao hết cõi pháp, cõi hư không, trong đó, cả mười phương ba đời đời các đức Phật Thế Tôn bằng số “nhất thiết Phật cát cực vi trần: tất cả cõi Phật nhiều như những hột bụi cực nhỏ”, nay tôi nhaan theo danh nghĩa nguyện lực của đức Phổ Hiền, đem lòng rất thâm thiết tin hiểu, trông chư Phật như đối trước mắt, hẳn dùng ba nghiệp thân khẩu ý đều thanh tịnh, để được thường tu việc kính lạy. Nghĩa là: đối với mỗi mỗi đức Phật đều hiện ra nhiều mỗi mỗi thân bằng số “bất khả thuyết bất khả thuyết Phật sát cực vi trần”; mỗi mỗi thân khắp lạy chư Phật nhiều bằng số “bất khả thuyết Phật sát cực vi trần”, cứ vẫn tu lạy như thế, chừng nào cõi hư không hết, tu lạy của tôi mới hết, còn như cõi hư không chẳng hết, thì tu kính lạy của tôi đây cũng không có lúc nào cùng tận, cũng như thế: bao giờ cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não của chúng sinh hết, thì chừng đó cái tu nguyện lạy của tôi mới hết, còn nếu như thế giới của chúng sinh chưa hết, thì cái nguyện lễ kính của tôi đây cũng chưa có cùng tận. Với lòng tin tưởng lạy Phật đây, mỗi niệm liền nhau không hề gián đoạn cả đến ba nghiệp là ý tưởng, miệng xướng, thân lạy vẫn không nhàm chán.
Lễ: noi theo, hay thể theo, để thật hành cái nguyện kính lễ. Nghĩa là khi lễ kính, ta phải mỗi niệm đưa lòng tưởng, xét đi sâu vào cái thể pháp giới, mới gọi là chân lễ. Lại nữa, ta là bên năng lễ năng kính, còn chư Phật là bên sở lễ sở kính. Năng lễ năng kính là thuộc về tâm, sở lễ sở kính là thuộc về cảnh. Chư Phật bị ta lạy là sở lễ. Mà năng lễ sở lễ cái tánh nó vẫn đều vắng trống, thì ra, hiện tiền đây, thân tâm của ta dù là thứ giả dối, chứ cái tánh năng lễ sở lễ nó không hề hư vọng, vì là thể nó trống vắng, mà tánh nó đồng một thể viên mãn với thân tâm của chư Phật. Tỷ như cái không này nhập chung với cái không kia, lẽ cảm ứng lẫn nhau bằng cách viên mãn dung vô ngại, bất khả tư nghì, thế mới chánh rằng chân lễ.
Kinh Pháp Hoa chép lời Phật dạy: “Hoặc có người làm lễ bằng thân, khẩu, ý, đều lạy; hoặc người lạy bằng cách chỉ chắp tay; nhẫn đến đưa lên chỉ một cánh tay tỏ dấu lạy; hoặc lại gục đầu thấp một chút để kính, dùng những cách lạy kính để cúng dường nơi tượng hình của Phật, thì các người ấy dần dần được thấy nhiều Đức Phật, đều tự sẽ thành Vô thượng đạo”.
---o0o---
Nhị giả xưng tán Như lai
Nguyện thứ hai là khen kính đức Như Lai
Bản văn chép rằng xưng tán Như lai như thế này: có những bao nhiêu tột hết cõi pháp, cõi hư không, ngang giáp mười phương, dọc suốt ba đời, tất cả cõi nước, trong đó có những bao nhiêu mảy trần nhỏ nhất, trong mỗi mỗi mảy trần đều có các đức Phật nhiều bằng những số mảy trần nhỏ nhứt giữa tất cả thế gian; những chỗ của mỗi mỗi đức Phật, đều có hàng cả biển hội Bồ Tát đoanh vây bao vòng nơi mỗi Phật. Tôi sẽ trọn dùng cái sức thấy biết hiện tiền rất sâu biển hơn, đều dùng hiện ra cuống lưỡi hơn cuống lưỡi vi diệu của biện tài thiện nữ, mỗi mỗi cuống lưỡi đều thốt ra vô cùng biển âm thanh, mỗi một âm thanh thuyết ra tất cả biển ngôn từ, để tỏ bày khen ngợi các biển công đức của tất cả Như Lai, tán dương như thế tột qua đời vị lai, cũng vẫn tiếp tục khen ngợi mãi chẳng dứt, cùng cả cõi pháp, đâu chẳng khắp giáp đến để xưng dương tán thán. Cứ khen tặng như thế luôn, chừng nào cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não của chúng sinh hết, thì bấy giờ cái nguyện xưng tán của tôi mới hết. Nếu cõi hư không....cho đến các phiền não của chúng sinh chưa hết, thì cái nguyện tán thán của tôi cũng không bao giờ hết. Mỗi niệm nối nhau chẳng dứt, ba nghiệp là thân, khẩu, ý thường tu tán thán hoài không biết nhàm mỏi.
Ðối với Phật đủ công đức bất khả tư nghì, người tu nguyện xứng tán....ít nhất một lời để khâm khen, thì công đức của người ấy, còn chắc sẽ thành Phật thay, huống chi là người thường thường tu những lời xưng tán.
Kinh Pháp Hoa chép lời Phật dạy: “Hoặc đem tâm hoan hỷ, để xưng tụng công đức của Phật, như ca ngâm hay xưng tán. Những người ca tán để khen Phật với giọng cao hay trung bình, cùng ít nhất là một tiếng nhỏ, những người ấy đều đã đương, sẽ được thành Phật đạo “.
---o0o---
Tam giả quảng tu cúng dường
Thứ ba là nguyện “tu rộng làm việc cúng dâng”
Bản văn chép rằng: Quảng tu cúng dường là rộng cùng tột hết cõi pháp, cõi hư không, ngang giáp mười phương, dọc suốt ba đời, trong tất cả cõi Phật nhiều như những hột cực vi trần, mỗi một hột bụi, đều có chư Phật rất nhiều bằng số cực vi trần giữa tất cả thế giới, mỗi một chỗ Phật có nhiều biển hội Bồ Tát bao quanh Phật, tôi nhân danh lấy sức hạnh nguyện đức Phổ Hiền, để dấy cái tri kiến hiện tiền tin hiểu thật sâu và dùng các món đồ vật tốt nhất để cúng dường, như là: hoa, tràng bông, âm nhạc trời, tàn lọng trời, y phục trời..., mỗi món đếu tốt nhất như mây ùn ùn dương lên; mỗi món hương đều tốt nhất, như: hương thoa, hương xông, hương bột. Các món hương tốt nhất như mây đây, mỗi món lượng bằng núi chúa Tu Di; đốt nhiều thứ đèn, như là: “Tô đăng” (là đèn một chân có tám ngọn đốt cúng trên bàn Phật, khi tụng thần chú), “Du Ðăng” (là đèn thắp bằng dầu của các thứ trái, củ, hột, ép ra); và đốt đèn bằng các thứ dầu thơm, mỗi ngọn đèn lớn như núi Diệu cao; mỗi ngọn đèn chứa dầu như nước biển lớn. Tôi dùng tất cả các món đồ như thế, để thường làm vật cúng dường”.
Ðức Phổ Hiền kêu Thiện Tài bảo: Thiện nam tử! Trong các món cúng dường, duy có “pháp cúng dường” là tối thắng hơn hết. Nghĩa là: giữ đúng như lời Phật dạy mà tu hành là cúng dường; làm ích lợi cho chúng sinh là cúng dường; thâu nạp chúng sinh là cúng dường; siêng tu căn lành; là cúng dường chẳng rời hạnh nghiệp của Bồ Tát tức là pháp cúng dường; chẳng lìa tâm bồ đề tức là pháp cúng dường.
Thiện nam tử! Với vô lượng công đức của các món cúng dường như trước kia, đem so với công đức chỉ trong một niệm của pháp cúng dường đây, thì trăm phần công đức kia chẳng bằng một phần công đức này; ngàn phần công đức kia chẳng bằng một phần công đức này; cho đến trăm ngàn lần ức, trăm ngàn lần triệu, trăm ngàn lần một phần trăm, trăm ngàn lần một phần toán, trăm ngàn lần một phần số, trăm ngàn lần một phần dụ, trăm ngàn lần một phần ít nhất, cũng đều chẳng bằng một phần công đức pháp cúng dường. Do cớ sao?
Bởi vì các đức Như Lai đều tôn trọng pháp; bởi vì tu hành đúng như lời nói mới sản sinh ra chư Phật. Nếu các Bồ Tát cúng dường theo cách thật hành pháp, thì đắc thành tựu cúng dường Như lai. Tu hành như thế mới thật là cúng dường.
Nên với cái nguyện tu cúng dường quảng đại tối thắng ìay, bao giờ cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, thì cái nguyện tu cúng dường của tôi mới hết; còn nếu cõi hư không... đến phiền não chưa hết, thì cái nguyện tu cúng dường của tôi cũng chưa hết. Vậy cái nguyện tu cúng dường, mỗi niệm nối nhau không hề gián đoạn, ba nghiệp thân, khẩu, ý, mới không có chán mỏi.
Kinh Pháp Hoa nói: “Thật cúng dường, là gọi đúng pháp cúng dường Như Lai”. Nếu hay tùy dâng lên một trần nào giữa 6 trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), thì tất cả pháp cũng đều đến tập trung nơi trần, cái đến tập trung như thế là pháp nào cũng chẳng khỏi trần, thì mỗi trần nào mỗi trần nấy cũng đều có thể lẫn khắp với nhau, đó là tu cúng dường bằng lẽ duy tâm, chính tức là pháp cúng dường”.
Lại, Kinh Pháp Hoa nói: “Trước Chùa Tháp, tượng Phật bằng cốt báu hay tượng vẽ, mà người có lòng thành kính, đem hương, hoa, tràng phan, bửu cái để cúng dường...người ấy sẽ thấy được nhiều Phật, rồi được thành đạo quả vô thượng.
---o0o---
Tứ giả sám hối nghiệp chướng
Thứ tư là nguyện “sám hối nghiệp chướng”
Bản văn nói rằng: “Sám hối nghiệp chướng, là Bồ Tát tự nghĩ lại mình như vầy: “Từ vô thủy về thời quá khứ, ta do nơi ý thức dấy động tham lam, sân hận, si mê, rồi miệng thốt, thân hiện hành, tạo tác mười điều ác nghiệp (thân tam: sát, đạo, dâm; Khẩu tứ: vọng ngôn, khỉ ngữ, lưỡng thiệt, ác khẩu: ý tam: tham, sân, si) dần dần gây nhân ác nhiều đến vô lượng vô biên. Nếu những ác nghiệp ấy có hình tướng thì cả cõi hư không cũng chẳng thể dung chứa hết đặng! Vì ác nghiệp vô hình, vô tướng con người không để ý sợ mà vẫn cứ làm hoài.
Tôi nay đều chuyên lấy ba nghiệp thanh tịnh để khắp đến trước tất cả chư Phật và chư Bồ Tát chúng trong pháp giới nhiều bằng số cực vi trần, mà thành tâm xin sám hối hết thảy những tội ác nghiệp đã lầm lỡ gây từ trước, và thề rằng từ đây về sau không dám tạo ác nữa, để hằng giờ an trụ nơi tịnh giới, lo làm tất cả công đức.
Với cái nguyện tu sám hối như thế, chừng nào cõi hư không nầy hết, cõi chúng sinh nầy hết, chúng sinh nầy hết ác nghiệp, chúng sinh nầy hết phiền não, thì chừng đó, cái nguyện sám hối của tôi mới hết; mà nếu như cõi hư không này, cho đến chúng sinh nầy chưa hết phiền não, thì cái nguyện tu sám hối của tôi cũng không cùng tận; mỗi niệm vẫn tu sám hối mãi không hề gián đoạn, cả thân, khẩu, ý ba nghiệp thường cần tu sám hối luôn, không hề chán nản.
Sám là sám kỳ tiền khiên, nghĩa là rửa sạch, trừ hết tiền khiên; hối là hối kỳ hậu quá, nghĩa là ăn năn, kiêng cả hậu quá. Chính rằng: cải thiện lỗi cũ, chẳng tạo lỗi mới. Có ba cách sám hối sẽ thấy rõ ở văn đại sám hối (là văn hồng danh bửu sám nghi thức)
Hối: Riêng về hối có năm cách hối:
-
Sám hối,
-
Khuyến thỉnh
-
Tùy hỉ
-
Hồi hương
-
Phát nguyện mà thường gọi là ngũ hối.
Nghiệp có ba: Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp. Ba nghiệp của cái thân là: giết hại, trộm cướp, dâm dục. Bốn nghiệp của cái miệng là: nói láo, nói thêm, nói hai lưỡi, nói thô ác. Ba nghiệp của ý thức là: Tham lam, sân hận, si mê; ấy gọi là thập ác. Trái loại thì bảo là thập thiện. Nay ở đây nói rằng thanh tịnh tám nghiệp là mười điều lành của pháp tánh.
Chướng có ba: Báo chướng, nghiệp chướng, và phiền não chướng, kẻ tu Phật phải biết rằng: nghiệp chướng vẫn vô hình, vô tướng, và tội với phước cũng đều vô chủ. Nghĩa là chẳng nhất định riêng có ông nào làm chủ tể để xả tội hay ban phước cho ta được đâu? Mà nguyên lai là chính tự ta làm chủ lấy để tự mình làm tội thì có tội, làm phước thì có phước, mà ta có làm thì nó có, ta không làm thì nó cũng không có. Có không đều tự nơi ta, thân ta không làm ác, khẩu ta không nói ác, ý ta không tưởng ác, tức nhiên cũng không ta làm chủ tội ác nữa; thế ý niệm đã mất tội tánh cũng diệt; tâm tội đều không vẫn hoàn không; sám hối phải xét rõ như thế, mới đúng nghĩa chơn sám hối.
---o0o---
Ngũ giả tùy hỷ công đức
Thứ năm là tu cái nguyện “tùy hỷ công đức”
Bản văn nói rằng: “Tùy hỷ công đức, là có bao nhiêu đức Phật Như Lai nhiều bằng số như những hột bụi nhỏ nhất trong tất cả cõi nước Phật, dọc suốt ba đời, ngang giáp mười phương tột hết pháp giới, cùng hư không giới, vì “nhất thế trí” mà nguyên chư Phật Như Lai kia, từ mới phát tâm siêng tu phước đức trí huệ, chẳng tiếc thân mạng, tu như thế đó trải qua nhiều kiếp bằng những hạt bụi cực kỳ nhỏ tí trong những cõi Phật số bất khả bất khả thuyết; với trong mỗi mỗi kiếp đó, chư Phật Như lai đã hy sinh những đầu, mắt, tay chân rất nhiều bằng con số bất khả thuyết; bất khả thuyết Phật sát cực vi trần, các Ngài tu tất cả các khổ hạnh mà người đời khó làm được như thế, nên các Bgài đã viên mãn được món pháp môn (thành phần nhiều khoa) Ba la mật, để chứng vào mỗi mỗi bậc trí huệ của Bồ Tát, nhiên hậu mới thành tựu quả vô thượng bồ đề của chư Phật, và sau khi vào niết bàn, chia của xá lợi ra làm cho nhiều nơi, nhiều đời làm kỷ niệm. Vậy với chư Phật Như Lai đã có bao thành tích thiện căn, tôi nguyện đều tùy hỷ noi gương làm theo.
Và với tất cả chủng loại giữa tứ sinh, lục thú trong hết thảy thế giới mười phương kia, các chủng loại ấy đã có làm nên bao công đức. Từ ít đến nhiều, nhẫn đến việc lành nhỏ nhất bằng hột bụi, tôi cũng sẵn lòng tùy hỷ theo, là lấy làm vui mừng, tán thành, để chúng làm nên công chuyện.
Ðối với hết thảy các thánh từ bậc hữu học đến bực vô học là các đức Thanh Văn và Duyên Giác, dọc suốt ba đời, ngang giáp mười phương. Các đức ấy đã có được bao nhiêu công đức, tôi đều cũng xin tùy hỷ kính mừng theo.
Ðối với hạnh khổ khó làm mà tất cả các đức Bồ Tát đã làm để cầu chứng lên quả bồ đề vô thượng chánh giác. Công đức ấy quá rộng lớn của Bồ Tát. Tôi cũng nguyện tùy hỷ tu theo.
Nguyện tu tùy hỉ như thế, mãi chừng nào cõi hư không này hết, cõi chúng sinh nầy hết, nghiệp chúng sinh này hết, phiền não chúng sinh này hết, chứ cái tâm nguyện tu tùy hỷ của tôi đây, không bao giờ cùng tận, mỗi niệm tiếp tục luôn, không có xen hở, cả ba nghiệp, thân, khẩu, ý vẫn thường siêng tu hoài hoài, không dám bi quyện hay chán nản.
Hễ là thấy ai, hoặc lạy Phật, tụng kinh, làm các việc công đức bất luận lớn hay nhỏ, và thấy ai làm việc công quả...ít nhất như là gánh nước, quét nhà, tôi cũng đều kính phục tùy hỷ, thì ai như tôi sẽ được công đức vô lượng.
---o0o---
Lục giả thỉnh chuyển Pháp luân
Thứ sáu là tu cái nguyện “Mời Phật nói Pháp”
Bản văn chép rằng: Mời Phật nói pháp, là có những tột cõi pháp cõi hư không mười phương ba đời tất cả cõi Phật, trong những hột bụi hết sức nhỏ, mỗi mỗi đều có những cõi Phật rộng lớn nhiều như số những hột bụi rất nhỏ trong các cõi Phật bằng số bất khả thuyết bất khả thuyết; đó là lẽ rằng cái lớn, phần nhiều nó không rời nhau với cái nhỏ, phần ít, mà cái nhỏ, phần ít nó cũng không lìa nhau với cái lớn, và phần nhiều, kêu bằng nhất đa vô ngại, đại tiểu tương dung. Trong mỗi một cõi Phật, niệm nào niệm nấy đều có những con số chẳng khá nói cõi Phật nhiều như những hột bụi rất bé tí, trong những cõi ấy đều có tất cả chư Phật đã thành bậc đẳng chánh giác, có tất cả biển hội Bồ Tát đương quây quầng chung quanh Phật, mà tôi thì tôi dùng ba nghiệp thân khẩu ý thanh tịnh, mỗi pháp phương tiện, để nong nã khuyến thỉnh chư Phật chuyển diệu pháp luân.
Nguyện tu khuyến thỉnh như thế, mãi đến chừng nào cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sanh hết, phiền não chúng sanh hết, nếu những ấy chưa hết, thì tôi cũng chưa hết cái nguyện thường khuyến thỉnh tất cả chư Phật chuyển chánh pháp luân. Mỗi niệm tiếp nhau chẳng có gián đoạn, cả thân khẩu ý ba nghiệp thường khuyến thỉnh, không có mỏi chán.
Chữ Chuyển là tiếng nói Pháp từ miệng Phật chuyển đem lọt vào lỗ tai của chúng sinh: liền khiến cho y theo giáo mà dấy ra hành, để cách mạng phàm tình tập thành thánh trí, tỷ như bánh xe nó triển chuyển. Bởi vì hễ pháp luân thường chuyển thì, chúng sinh thường được ly khổ, chỉn với kẻ thiếu phước ít duyên, nên với Phật pháp nó khó nghe qua hiểu liền, vì vậy mà tôi phải cần kíp khuyến thỉnh.
---o0o---
Thất giả thỉnh Phật trụ thế
Thứ bảy là nguyện “xin Phật ở nán lại cõi thế gian này”.
Bản văn nói rằng: Thỉnh Phật trụ thế, là có chư Phật nhiều bằng số những hột bụi cực vi trong tất cả cõi Phật ba đời mười phương tột hết các cõi pháp giới hư không, sắp muốn hiện ra cái tướng nhập diệt, và các thánh: Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, bậc hữu học, bựậ vô học, nhẫn đến tất cả các đấng Thiện tri thức, vị nào muốn sẽ nhập diệt, tôi đều khuyến thỉnh chớ vội vào Niết Bàn, xin ở nán lại trải qua kiếp số cực vi trần trong nhất thế Phật sát, để được lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Như thế, cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não của chúng sinh hết, chứ cái nguyện cầu Phật và các Thánh ở đời của tôi không có cùng tột, mỗi niệm tiếp tục luôn, chẳng có gián đoạn, thân khẩu ý ba nghiệp cũng không chán mỏi.
Phật pháp xuất hưng ở đời, tỷ như ánh mặt nhật chiếu xuống thế gian; những thời không Phật ra đời, tỷ như đêm dài quá tăm tối; từ kiếp tối tăm này vào đến kiếp tăm tối nọ, tiếp tục tạo ác mãi, đi sâu vào tam đồ! Ðối với thời có chư Phật ra đời, cách bức xa xuôi thật là khó gặp! Tỷ như hoa Ưu đàm, hằng ba ngàn năm mới một phen trổ hiện; chính như toàn quốc xá vệ có chín ức nóc nhà: mà có ba ức nhà được thấy Phật, ba ức nhà chỉ vừa mới nghe được danh, còn ba ức nhà kia đều chưa được nghe đến cái tên Phật là gì? Vậy chúng ta cần kíp khuyến thỉnh các đức Thánh Hiền nán ở lại đời, cho chúng sinh được nghe thấy.
---o0o---
Bát giả thường tùy Phật học
Thứ tám là nguyện “thường theo Phật để học”
Bản văn chép rằng: Thường theo Phật học là chính như tại thế giới ta bà đây, nguyên đức Phật Tỳ Lô Cha Na Như Lai từ ban sơ mới phát tâm xuất gia tu học cho đến thời chứng quả, trong khoảng giữa cực kỳ dài dẳng, vì trải qua nhiều đời kiếp, vẫn một tâm tinh tiến chẳng lui, đã đem những thân mạng nhiều bằng số bất khả thuyết bất khả thuyết để làm hạnh bố thí đặng mà cầu học, như là: xả thân làm tòa ngồi, khoét thân làm đèn, trải tóc Phật bước lên tòa, cho đến lột da làm giấy, chẻ xương làm bút, chích máu làm mực, để biên Kinh sách chất như núi cao, chính vì trọng pháp bảo để cầu học, mà chẳng tiếc thân mạng. Ðó, rất đổi thân mạng là món chi trọng hơn hết mà còn chẳng tiếc huống chi những món bên ngoài là: ngôi vua, kinh thành, tỉnh ấp, làng mạc, cung điện, thượng uyển, sơn lâm và nhất thiết vật sở hữu gì gì nữa. Ngoài ra còn tu hành mỗi mỗi hạnh khổ mà không ai làm được nhẫn đến lúc ngồi bên gốc cây Da-lông-đồ, thành quả đại Bồ đề; bấy giờ Phật thị hiện ra mỗi mỗi phép thần thông, phát khởi lên mỗi mỗi cách biến hóa, hiện bày ra mỗi mỗi ứng thân, tổ thành ra mỗi mỗi chúng hội. Như là: hoặc ngài chủ tọa nơi đạo tràng chúng hội của tất cả chư đại Bồ Tát; khi thì chủ tọa ở đạo tràng chúng hội của các thánh Thanh Văn và Bích Chi Phật; lúc thì chủ tọa ở đạo tràng chúng hội của đức Chuyển luân Thánh Vương và các vua nước nhỏ cả đến quyến thuộc của hoàng thân quốc thích; hồi thì chủ tọa ở đạo tràng chúng hội của các dòng Sát lợi, dòng Bà la môn, cả trưởng giả cư sĩ; nhẫn đến có thuở chủ tọa ở đạo tràng chúng hội của Trời, rồng cả tám bộ thần Hộ pháp và các vị Nhân Phi nhân là quỷ thần.
Phật chủ tọa ở mỗi mỗi chúng hội như thế, là để dùng pháp âm viên mãn như đại lôi chấn, tùy theo mỗi căn cơ cũng như trình độ ham thích, mà huấn luyện cho chúng được thành thục, nhẫn đến khi ngài thị hiện vào Niết Bàn; như thế với những việc Phật đã làm kể trên, tôi nguyện đều theo tu học, như đức Tỳ Lô Giá Na Thế Tôn vừa nhập diệt rồi ở kiếp thứ chín này vậy.
Như thế, tột cả cõi pháp, cõi hư không mười phương ba đời tất cả cõi Phật, trong đó có những số vi trần bao nhiêu là những số Như lai cũng bấy nhiêu, tôi nguyện đều theo học các đức Như Lai ấy, với niệm nào niệm nấy vẫn theo hầu luôn.
Theo hầu học như thế, chừng nào dẫu cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não chúng sinh hết, chứ cái nguyện theo Phật để hầu học của tôi không có tội hết, mỗi niệm tiếp tục chẳng hề gián đoạn, cả thân khẩu ý ba nghiệp siêng học không dám mỏi chán.
Như đã trãi quả nhiều kiếp đến nay, đức A Nan Đà vẫn làm kẻ thị giả hầu Phật, chẳng chỉ một đức Khánh Hỷ, mà đến cả các vị đệ tử lớn kia của Phật cũng đều thế ấy. Như thế dầu chẳng phải là vì chúng sinh như mình, mà phải phát nguyện tiếp tục trải qua nhiều kiếp để theo hầu học với chư Phật, mà vì lẽ phải cốt yếu lo tự giác giác tha, và tự lợi lợi tha vậy.
---o0o---
Cửu giả hằng thuận chúng sinh
Thứ chín là nguyện “thường chấp thuận việc cầu của chúng sinh”
Bản văn nói rằng: Hằng thuận chúng sinh là tột hết pháp giới hư không giới, mười phương cả sát hải (thủy và lục) có những chúng sinh mỗi mỗi sai khác, như là: loài noãn sinh, loài thai sinh, loài thấp sinh, loài hóa sinh; có loài nương nơi đất, nước, lửa, gió để ở và sống; có loài nương hư không, các lùm cây để ở và sống; mỗi mỗi sanh loại, mỗi mỗi sắc thân, mỗi mỗi hình trạng mỗi mỗi tướng mạo sắc thân, mỗi mỗi hạn lượng tuổi sống, mỗi mỗi dòng dõi giống loài, mỗi mỗi tên hiệu, mỗi mỗi tâm tánh, mỗi mỗi biết thấy, mỗi mỗi ưa muốn, mỗi mỗi ý nghĩ ra làm mỗi mỗi cách đi đứng nằm ngồi, mỗi mỗi kiểu bận áo quần, mỗi mỗi thức ăn uống, ở nơi mỗi mỗi: thôn dã, doanh thự, làng mạc, thị thành, tỉnh ấp, phủ huyện, nhất là cung điện, nhẫn đến tất cả vua Trời, vua Rồng, tám bộ thần Hộ pháp, nhân phi nhân là các vị Quỷ thần này tuy hình tướng giống người mà trên đầu có sừng. Các loài không cẳng, hai giò, bốn chân, nhiều chân, có sắc thân như loài người và trời ở cõi Dục giới và Trung giới; không có sắc thân như các trời ở cõi không xứ, vì chỉ lấy bốn uẩn làm thân; loài hữu tưởng là các Trời có tư tưởng ở ba giới; loài vô tưởng là các Trời ở cõi Phi tưởng, Phi phi tưởng; và các trời ở cõi vô tưởng thiên tại tắc giới, vì sinh ở cõi này trong khoảng thời gian 500 kiếp lớn trụ vào cái định vô tâm, bởi dùng định lực đè nhẹp cái ý thức. Loài phi hữu tưởng, phi vô tưởng (theo danh từ của cựu dịch, còn tân dịch gọi là phi tưởng phi phi tưởng thiên; các trời này không có phiền não thô tưởng như mấy trời ở các cõi dưới nên gọi là phi hữu tưởng; và gọi là phi tưởng hay là phi phi tưởng. Bởi cái lẽ “Phi hữu tưởng” nên chúng ngoại đạo lấy chỗ nầy làm cảnh chân Niết Bàn; bởi vì lẽ “Phi vô tưởng” nên Phật biết chỗ trời này còn là cái cảnh sinh tử).
Ðối với các loại chúng sinh nào tâm lý, nào hình thức mỗi mỗi sai khác nhau như trên, tôi đều tùy thuận theo sát cánh để mà dần dần day trở, mỗi cách vâng thờ, mỗi cách cúng dàng, kính như cha mẹ, như vâng Sư Trưởng, và A La Hán, nhẫn đến cũng không khác với cách mà tối kính thờ các đức Như Lai. Nghĩa là: Tôi vì các chúng bệnh khổ, mà làm bác sĩ....Tôi vì các chúng lầm đường, mà làm chánh lộ đạo sư.....Tôi vì các chúng vô minh trường dạ, mà làm đuốc huệ đèn từ...Tôi vì các chúng bần cùng cơ cẩn, mà khiến đặng kho báu của chôn..., hành Bồ Tát đạo là hy sinh tấm lòng bình đẳng như thế để làm lợi ích cho tất cả chúng sinh, thì tức là tùy thuận cúng dường chư Phật; đối với chúng sinh, nếu Bồ Tát đều tôn trọng vâng thờ thì, tức là tôn trọng vâng thờ các đức Như lai. Nếu làm cho chúng sinh nảy lòng hoan hỷ, thì khiến cho tất cả Như lai cũng đều hoan hỷ, vì sao? Các đức Như lai đều dùng tâm đại bi làm thể bởi vì: nhân nơi chúng sânh bị khổ, mà Như Lai dấy lòng đại bi; nhân nơi lòng đại bi mà phát bồ đề tâm; nhân nơi tâm bồ đề mà thành bậc chánh giác.
Ví như đồng ruộng mênh mông, giữa vùng sa mạc có một cây lớn nhất, nếu dưới rễ nó hấp dẫn được nước, thì nhánh lá bông trái đều rậm tốt. Giữa đồng ruộng sinh tử, có cây chúa Bồ đề cũng lại như thế: tất cả chúng sinh là rễ cây, chư Phật, Bồ Tát là hoa trái, lấy nước đại bi làm lợi ích nhuần thấm cho chúng sinh, thì hay nên hoa quả bằng trí huệ cho chư Phật, Bồ Tát vì sao?
Nếu chư Phật, Bồ Tát lấy nước đại bi để nhuần ích cho chúng sinh, thì các Ngài mới thành tựu được quả vô thượng chánh đẳng chánh giác. Thế nên cây rễ bồ đề là thuộc về chúng sinh, vì nếu không chúng sinh thì tất cả Bồ Tát rốt không thể thành quả vô thượng chánh giác được.
Nói đến đó, đức Phổ Hiền ngài kêu Thiện Tài để dạy tiếp rằng: Thiện nam tử! Đối với nghĩa trên, trò nên hiểu như thế này: bởi vì tâm bình đẳng với chúng sinh, thì Bồ Tát mới có thể thành tựu được tâm đại bi viên mãn; bởi vì tâm đại bi tùy thuận với chúng sinh, thì Bồ Tát mới thành tựu được nghĩa cúng dường Như Lai, nghĩa Bồ Tát tùy thuận chúng sinh như tế, dù đến chừng cõi hư không hết, cõi chúng sinh hết, nghiệp chúng sinh hết, phiền não của chúng sinh hết, chứ với cái nguyện tùy thuận của tôi học theo bạn hiền tôi đây không khi nào cùng tột, mỗi niệm tiếp tục, không hề gián đoạn, cả thân khẩu ý, ba nghiệp đều tùy thuận, không dám mỏi chân.
Hằng: thường, luôn luôn. Chúng sinh là mọi loài ở chín cõi. Cửu giới: chừa Phật giới, còn chín giới là: Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn, các loài Trời, nhân loại, các thần A Tu La, súc sanh giới, ngạ quỷ giới, địa ngục giới; đối với Phật giới để nói thì chín cõi kia đều là cảnh giới mê hoặc.
---o0o---
Thập giả phổ giai hồi hướng
Thứ mười là nguyện “khắp đều hồi hướng”.
Bản văn trong phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện của bộ Ðại phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh nói rằng: Phổ giai hồi hướng là kể từ ban đầu tu nguyện lễ bái chư Phật....đến nguyện tùy thuận chúng sanh có được bao nhiêu công đức thảy đều xin hồi hướng cho tất cả chúng sinh trong cùng tận pháp giới hư không giới, để nguyện cho tất cả chúng sinh thường được an vui, không bệnh khổ; như chúng muốn sắp làm điều ác thì khiến cho việc ấy đều bất thành; còn với chỗ nghiệp lành, đều khiến cho việc làm mau chóng nên. Ngăn đóng tất cả đường ngỏ vào các ác thú như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; mở bày ra những lộ chân chánh như tám chánh đạo để đưa loài người, loài trời, về cảnh Niết Bàn. Nếu các chúng sinh còn nhân vì chứa chất bao ác nghiệp, mà phải chịu lấy hết thảy quả khổ nặng nề, thì tôi đây nguyện sẵn sàng thay chịu để cho chúng sinh kia đều được giải thoát và đều thành quả vô thượng bồ đề.
Chỗ tu hồi hướng của Bồ Tát như thế, dầu cõi hư không có hết, cõi chúng sinh có hết, nghiệp chúng sinh có hết, và phiền não của chúng sinh có khi hết, chớ cái nguyện tu hồi hướng của tôi đây không khi nào hết được, mỗi niệm tiếp luôn nhau không có gián đoạn, cả đến ba nghiệp là thân khẩu ý vẫn tu hồi hướng luôn không dám biết mỏi chán.
Tóm lại, nếu hay phát hành mười thứ nguyện lớn trên đấy, thì mới có thể thành thục cho chúng sinh, mới có thể sung mãn được biểu nguyện của đức Phổ Hiền, và mới có thể chứng được đạo Phật một cách viên mãn. Lại hay trừ được những tội nghiệp nơi ngục ngũ vô gián, và hai thứ bệnh ở thân và tâm; cả Ma chú Trời ở trên đỉnh Dục giới, các chúng quỷ ác độc cũng đều chẳng dám xâm phạm đến gần kẻ tu mười nguyện trên. Cho đến kẻ thù, người thân cũng đều được ích lợi, liền đặng vãng sinh về cực lạc thế giới, thấy Phật A Di Ðà thụ ký cho.
Thế nên, với mười nguyện lớn trên đây người tu Phật cần phải hoặc thường thụ trì hoặc thường chép ra, vì người mà nói rộng nghĩa lý, thì ắt phước nhóm lại nhiều đến vô lượng vô biên.
- 3412
Viết bình luận