1. Phật thuyết A Di Đà Kinh mông giải
(Ðức Thích Ca Mâu Ni nói kinh này là: để chỉ rõ y báo chánh báo của Phật A Di Ðà đều đủ có công đức thanh tịnh trang nghiêm, cốt khuyên chúng sinh tu pháp “Trì danh niệm Phật” được vãng sinh lên bậc Bất thoái, vì có chư Phật ở sáu phương hộ niệm và chư Thượng thiện nhân đề huề. Lời mông giải là: Lời của Ngài Quán Nguyệt Pháp Sư giải rõ chỗ khuất tối như sau đây):
Các học giả bên Tiểu thừa không tin nhận có các quốc độ thanh tịnh ở các phương hay thế giới khác; những tu sĩ bên phái Thiền tông, cũng có người chê phương pháp niệm cầu vãng sanh Tịnh độ. Ðấy đều là hạng học tu ngoài da của Phật pháp, vì đối với mùi vị “vi diệu pháp” thì, tỷ như họ chỉ mới thưởng thức chất vị cặn bã mà đã cho là thức ăn cam mỹ, chứ chẳng biết còn có món ăn rất ngon quý hơn. Ðối với pháp vị “Niệm Phật cầu sanh”, dẫu cho bậc đã no đủ Thiền học đi nữa cũng chẳng dám có ý trái nghịch, huống là ai.
Chính các vị Ðại Tông Sư như là: Vĩnh Minh, Sở Thạch v.v....những lời nói của các Ngài đều họp với Kinh Phật, đều đem pháp niệm Phật ra để dạy người tu học cầu nguyện vãng sinh tịnh độ. Bởi vì trong đại tạng kinh các bộ Ðại thừa, đều có nói kèm lời khen ngợi pháp niệm Phật được sinh về nước cực lạc, vì cho là lối tu học này chóng tắt hơn.
Những Kinh chuyên nói rặt ròng về pháp Tịnh độ thì, tức là: Kinh Ðại bổn, kinh Thập Lục Quán và các nghĩa của Kinh Tiểu BBổn này, thảy đều khắp gồm thâu hết ba căn cơ là trình độ những người tu học. Tỷ như biển lớn thâu nạp cả nước trăm sông. Chí như, tìm một pháp rất dễ hơn giữa các pháp dễ, chọn đường tắt hơn hết trong các đường tắt, thì chỉ có pháp trì danh niệm Phật và kinh tiểu bổn này là rất dễ rất tắt nhất hơn hết mà thôi. Vì số văn tự dù dón gọn, mà lời lẽ rất đầy đủ; nghĩa của nó bao trùm cả cái lượng rộng của kinh đại bổn, kinh thập lục quán; lý của nó đủ suốt cái phẩm mầu các bộ đại tạng. Dường như trong bầu vũ trụ nó bao hàm cả vạn tượng.
Nên từ đời Tấn, Tổ Huệ Viễn bắt đầu tổ thành hội Liên Hoa xã tại núi Khuôn Lư, tỉnh Chiết Giang, mãi đến nay trải qua đã hàng nghìn mấy năm, mà những kẻ tu các Kinh khác số được giải thoát cũng không bằng số người tu Kinh này được giải thoát nhiều hơn, vì được vãng sinh mới chắc là giải thoát sinh tử.
Thế nên, với Kinh Tiểu Bổn này, các đức Tổ Sư xưa đã chú giải, sớ sao rất đông, như Tổ Hải Ðông làm Di Ðà Kinh sớ, Tổ U Khê làm Di Ðà Viên trung sao, Tổ Vân Thê làm Di Ðà sớ sao, Tổ Linh Phong làm Di Ðà yếu giải v.v.... đều vạch ra nghĩa lý rất rõ ràng, tỷ như ánh thái dương sáng rỡ giữa trời, khắp soi cả mặt đất. Vậy phàm là kẻ trí thức, xin chính mình tự xét lấy.
Song, đối với các bản Kinh đã sớ giải trên, kẻ sơ cơ xem đến chưa khỏi dội ngược, vì khó hiểu được, bởi văn từ quá rộng nhiều, ý nghĩa rất tinh vi. Tôi chẳng nệ nhọc nhằn, lập lại và làm nghĩa “mông giải” này, để làm cái cơ sở hầu tiến lên nơi nhà trên của Phật pháp, tưởng không phải là vô ích?
Sắp giải thích Kinh Tiểu BẢn này trước hết xin lập ra năm lớp nghĩa mầu, để thích rõ danh đề là tên Kinh đây :
I. Với Kinh đây, riêng chỉ dùng tên người làm danh danh là đề mục của Kinh. Với đề mục của Kinh này có hai bản: một, tên là “Phật thuyết A Di Đà Kinh”, hai, danh là “Nhất thế chư Phật sở hộ niệm Kinh”. Ơû đây chỉ lược giải về kinh đề của bổn trước là: Phật thuyết A Di Ðà Kinh :
Phật: Ðức Giáo chủ ở cõi Ta bà, là người đã chứng quả vị tột bậc mà năng nói.
A Di Ðà: Ðức Giáo chủ ở cõi Cực lạc, là người đã chứng quả vị tột bậc mà bị nói.
Rằng quả vị tột bậc là: Với phiền não sinh tử đã dứt hết, với Bồ đề Niết Bàn đã trọn nên, đầy đủ muôn đức tốt, khắp hiện ba tướng thân, ngôi tột không chi trên, nên gọi là Phật
.
Thế thì đức A Di Ðà, đức Thích Ca đã đồng là bậc Cực quả rồi, còn cần chi nữa lại phải dùng lời của Phật đây để khen tặng cho Phật kia bằng cách nói ra Kinh này ư? Nguyên bởi thế giới Ta bà đây là cõi đời uế ác thì, y báo là quốc độ, chánh báo là thân tâm, đều được thiệt hiện ra như thế này là nguyên do nơi lòng vọng tưởng làm việc mê hoặc nên đều cảm chịu như thế đó, nghĩa là phát khởi ra nhiều đến vô cùng những kiếp sinh tử ảo thuật như phim chớp bóng, trôi giạt trong ba cõi, chúng sinh này không được nương nhờ vào đâu, như lũ con côi quạnh! Mặc dầu có đức Phật Thích Ca ra đời, nhưng chỉ một thời kỳ rất ngắn để dạy độ những phần tử có căn cơ thích hợp mà thôi, còn những chúng sinh vô duyên với Phật không tin tưởng thì làm gì độ được.
Nếu nói về cõi Cực lạc thanh tịnh, thì y báo là cõi nước, chánh báo là mình vóc, đều sạch trong, tốt đẹp, vì trái đất bằng vàng ròng, thân người bằng hóa sinh. Thân và cõi được trang nghiêm như thế là đều bởi toàn thể loài người bên thế giới ấy, tâm đủ cả công đức niệm Phật thanh tịnh, nên thật hiện ra cái thân thơm đẹp bằng liên hoa hóa sinh, và tâm đủ cả chí nguyện kiên cố, nên hiện thiệt ra cái cảnh giới chắc rỡ bằng hoàng kim vi địa.
Với việc thuyết pháp để giáo dục, thì hiện có đức Di Ðà thường giảng dạy luôn luôn; còn thuyết pháp bằng cảnh vật để nhắc nhở, thì vẫn có nước, chim, cây, rừng thường reo hót khuyên rao mãi mãi.
Chúng sinh là nhân dân đều được nghe rồi, cả ba bậc căn tánh đồng đặng tăng phần phẩm đạo rút ngắn cái đời tu học, để chóng đắc quả Phật. Thế nên với Kinh này không những một đức Thích Ca cao giọng tán dương, mà hẳn còn được nhiều chư Phật ở sáu phương cũng đồng ca ngợi nữa. Như thế, đâu chẳng là nhắc thức chúng ta, cần phải tin tu theo bản Kinh. Đây là Kinh có công đức rất trang nghiêm mà không thể ý nghĩa lời bàn, đã được chư Phật xưng dương tán thán. Vậy chúng ta, nên kíp phát tâm dũng mãnh tụng Kinh niệm Phật đây để cầu nguyện vãng sinh về cõi Tịnh độ của Phật A Di Ðà.
A Di Ðà tiếng Phạn: Amita, dịch chữ: Vô lượng quang, nghĩa: ánh sáng không lường. Trong văn Kinh nói: Phật kia có hào quang sáng rộng không lường, vì ánh chiếu đến cả mười phương thế giới, không chi làm chướng ngại được. Lại đổi chữ là: Vô lượng thọ, nghĩa: Sống lâu không lường. Trong văn Kinh nói: Ðức A Di Ðà cùng nhân dân kia đều sống lâu đến vô lượng vô biên vô số kiếp. Vì “Quang” thì xứng với tánh giáp khắp pháp giới; còn “Thọ” thì đúng với tánh vẫn không sinh diệt. Thật ra những trí huệ, thần thông, y báo, chánh báo, căn cơ, giáo khoa v.v...mỗi chi chi cũng đều xứng với con số vô lượng cả.
Thế thì, khi người ta niệm Phật: mỗi câu rành rõ, tương ưng với Phật, tức là nghĩa của chữ “Quang” đấy; mỗi câu không gián đoạn, được nhất tâm bất loạn, tức là nghĩa của chữ “Thọ” đấy. Vì hiệu Phật với tâm niệm liền liền không dứt không loạn, nên tức là nghĩa trường thọ bất diệt; cũng như câu niệm Phật với lòng niệm rành rõ sáng suốt, nên tức là nghĩa quang minh vô tận.
Quang tức là Trí như như; Thọ tức là Lý như như; Trí chiếu nơi Lý, Lý rõ Trí sáng, Lý Trí vẫn một, quang thọ chẳng hai, thế, với lẽ tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ, mỗi niệm của tu đều chiếu thấu suốt cả. Ðó niệm Phật mà đúng như thế, thì Quang và Thọ há phi rõ bày nơi tự tâm ư?
Song, còn có nghĩa Lục tức vì chia ra vị trí chẳng đồng nhau, bởi cái tâm hiện bây giờ của chúng sinh.
-
Với Quang Thọ mặc dù sẵn đủ, nhưng mê lửng đi mà chẳng tự khai giác ra được, thì chỉ gọi bằng “Xứng lý tức Quang thọ”,
-
Nhờ nghe nên hiểu biết Tịnh độ và hiệu Phật, là “Danh tự tức Quang Thọ”.
-
Ðã nghe tin rõ, giữ niệm luôn danh hiệu Phật, là “Quán hành tức Quang Thọ”.
-
Cái thô cấu của phiền não đã phủ giũ rụng trước là “Tương tự tức Quang Thọ”.
-
Với vô minh phá được từ phần, để rõ bày tự tánh Phật là “Phân chứng tức Quang Thọ”.
-
Với vô minh phá trừ đã hết, với lý trí chứng đã tột tròn, đó mới chính thật đáng gọi là “Cứu cánh tức Quang Thọ”
Thế biết rằng : Ðức Phật A Di Ðà là bậc người cứu cánh, thì “Quang” và “Thọ” đều rộng khắp ra giúp họp đến vô cùng tận. Vậy nếu là người muốn cầu giải thoát mà lại rời đây ra, thì đâu có dễ gì thật đặng giải thoát.
II. Kinh này dùng thật tướng làm thể. Thể là cái lý. Kinh mà không có lý, thì đâu có thể khế hợp với Phật pháp và căn cơ con người, thành ra đồng với sách tiểu thuyết của thế tục. Thật tướng là cái tâm hiện tiền của chúng ta; nó là cái bản thể vô hình vô tướng, phi diệt phi sanh, mà lại hay rỗng rang sáng tỏ như gương chiếu rõ vật tượng không sót một ti hào.
Song, cái có sinh có diệt đó, là những cái bóng luống dối của vọng tưởng trong tâm; cái tâm thật tướng kia, tuy trọn ngày ở nơi vọng, mà trọn ngày nó vẫn là chân; từ nghe thanh thấy sắc, đến cả hành động cử chỉ gì, nó đều rõ suốt rành rẽ tất cả, khôn sáng riêng tỏ, rảnh hẳn ngoài căn, trần; nếu xảy một niệm vừa phân biệt, thì tâm đã bị rượt theo trần cảnh mà, rồi đến sinh tử vô cùng!
Thế nên Đức Như Lai đã chứng rõ cái thật tướng rồi, lại vẫn y nơi tâm từ bi thật tướng đó, để phát minh ra bản kinh này, mỗi câu toàn là thật tướng. Lời nào lời nấy đều rõ lý thể, để khiến cho những người niệm Phật tự rõ nhận lấy mỗi niệm mỗi niệm đâu chẳng là chứng cái thật tướng của duy tâm tự tánh đấy mà thôi. Hết hay trùng.
III/ Kinh này lấy lòng Tin, lời Nguyện, giữ niệm danh Phật làm tông. Tông: tông yếu cũng như nòng cốt. Trong văn Kinh nói: cần phải tin xưng tụng tán thán kinh đây, và khuyên nên tin. Lại rằng: Cần phải phát nguyện...khuyên nguyện...lại nói: Giữ niệm danh hiệu..khuyên hành, là bảo phải thật hành niệm Phật phát nguyện cầu vãng sinh.
Sách yếu giải nói: Phi tin, chẳng đủ dấy nguyện, phi nguyện chẳng đủ dẫn hành, phi thật hành giữ danh để niệm, thì chẳng đủ để đầy chỗ nguyện, chứng chỗ tin. Ba cái tin, hành và nguyện đó, là món tư lương hay cơm ăn đi đường, để cầu sinh sang về tịnh độ, tỷ như cái đảnh có ba chân, thiếu một thì không đứng vững được.
Tín: Tin, là tin sáu điều này: Tự tha, nhân quả, sự lý; đủ sáu cái nguyên nhân đó chung lại giúp lẩn nhau mới thành lập được tịnh độ. Nguyện là: Nguyện xã bỏ cõi Ta bà, mà hâm mộ về cõi cực lạc. Hành là: Thật hành bằng cách giữ gìn danh hiệu A Di Ðà Phật để niệm luôn luôn mãi đến chừng nào được nhất tâm bất loạn. Nghĩa: cái tâm chỉ thành một khối niệm Phật, chớ không còn niệm gì nữa xâm loạn.
Tự: Mình, rằng tin tự là biết cái bản thể tự tâm của mình nó dọc cùng ba giới, ngang khắp mười phương, nguyên sẵn thanh tịnh; nay nó bị cái vọng niệm vô minh làm lừa dối, nên chi chẳng thể rõ suốt lại được cái bản thể kia. Bây giờ đây, nếu ta có thể mỗi niệm tức là Di Ðà thì chắc chắn hẳn hiển nhiên tự tánh duy tâm tức là Phật độ (Tịnh độ).
Tha: Kẻ khác, rằng tin tha, là biết Đức Thích Tôn nói kinh này chẳng dối gạt. Chư Phật sở dĩ có cái tướng lưỡi rộng dài hơn chúng nhân là tượng trưng cái kết quả đã nhiều đời không nói dối; còn đức Di Ðà lại có cái cõi thanh tịnh hơn các thế giới khác là để biểu dương cái tâm nguyện rộng lớn đã chân thật làm nên; nay đây chỉ có điều là chúng sinh cần phải nương nơi đức tin dấy lòng nguyện là quyết định được vãng sinh đấy thôi.
Nhân: Nhân do, nguyên nhân; tin nhân có hai cách “Ðịnh tâm niệm Phật” và “Tán tâm niệm Phật” đều thành giống Phật (hột giống Phật).
Quả: Kết quả; tin quả có hai điều lành là Ðịnh thiện, Tán thiện, kiêm cả nguyện trọn đủ, thì chắc được đi ngay đến liên đài (chín phẩm đài sen).
Sự: Việc sự tướng, thật sự; tin sự là tin ngoài mười muôn ức cói Phật, ắt có nước Cực lạc mà ta có thể tìm đặng, vì bởi sự là do nơi lý hiện thành, chứ không phải như cái cảnh giới ngụ ngôn của ông Trang Sinh kia đâu; vì sự thật chẳng đồng với sự bịa đặt.
Lý: Lẽ, lý tánh, chân lý; tin lý, là tin rất đỗi, cái cũng tột hư không, khắp thế giới kia cũng là duy nơi tự tâm biến hiện thay, phương chi với cái đường xa chỉ có mười vạn ức Phật độ ư ? Vì bởi lý nó do nơi sự để rõ bày.
Kinh Tịnh Danh chép: Tâm sạch thì cõi nước sạch, tâm dơ thì cõi quốc thổ dơ, ở vào tịnh độ thì chúng sinh ấy được hưởng phước vui vô sinh, ở uế độ thì chịu tội khổ sinh tử. Thế nên chúng ta cần phải tha thiết phát nguyện: nguyện hy sinh xả hết những cái gì mà cõi uế độ hiện có, để tiến thủ các sự chân thường, chân lục, cõi tịnh độ Phật đã để dành cho. Phát khởi cái công hạnh tốt để chấp trì danh hiệu, đức tin, lòng nguyện đều trọn vẹn, niệm Phật là niệm tâm, niệm tâm tức niệm Phật, tâm Phật vẫn một, thủ xả đều không, cho đến thành quả Phật thanh tịnh đi nữa, há phi do ba tư lương, Tín, Hành, nguyện đó là trước nhất sao. Hết ba trùng
IV/ Kinh này dùng đắc vãng sinh, bất thoái chuyển làm dụng. Dụng: lực dụng. Trước dùng cái sức lực của ba tư lương, hẳn có phần thật chứng của chín phẩm, vì đã được vãng sinh, đều là bậc A Bệ Bạt Trí (dịch là Bất Thối chuyển) nghĩa là : đối với “A Nộc Ða La, Tam Miệu Tam Bồ Ðề” là quả vị Phật, người đã vãng sanh thường ngày thường tu tiến tới quả vị ấy là cứu cánh, chứ chẳng hề ngã lòng thối chí như người tu ở thế giới ta bà này, nên gọi là Bất thoái chuyển.
Song, các bản kinh kia đều nói có bốn quốc độ, và đều bàn có chín phẩm vãng sanh, với bất thoái chuyển cũng có bốn hạng. Còn kinh Tiểu bổn này đây thì: với bốn độ, độ nào cũng đều thanh tịnh, với chín phẩm cũng tùy nguyện lực thế nào sẽ được vãng sanh thế nấy, mà hễ đã sanh về rồi là được hạng Bất thối. Như thế, khá gọi là: vowtj khỏi tam giới bằng cách đi tắt ngang ra, tiến ngay đến địa vị vô sanh. Chí như cái lẽ rằng: “ Đi ra khỏi sanh tử bằng cách đi dọc lên” của các Kinh đã phát minh, thì chẳng thể sánh bì với Kinh Tiểu bản này được.
- 2512
Viết bình luận