Chương 9: Giải thích Nghi Mông Sơn Thí Thực | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

Chương 9: Giải thích Nghi Mông Sơn Thí Thực

Chương 9: GIẢI THÍCH NGHI MÔNG SƠN THÍ THỰC 

Lấy tên núi làm sách, đúng như pháp mà thí thực, nên nói là Mông Sơn Thí Thực.

Thí là pháp đứng đầu của lục độ, và điều trước vạn hạnh, có ba nghĩa:

1. Tư sinh thí: cũng gọi là tài thí, như áo cơm, tiền của, ruộng nhà, thuốc men v.v… để giúp cho sinh mạng. Còn đây thí dùng nước cơm cháo bánh cả cúng cụ, để giúp cho chốn minh đồ, được dứt khổ dặng vui, là Tư sinh thí.

2. Pháp thí: Lấy sự thuyết pháp, trì chú, tụng kinh, vận tâm quán tưởng, nay đây tức là tụng văn nầy, làm pháp quán tưởng, là Pháp thí.

3. Vô uý thí: như có người muốn làm lành mà sợ trước sợ sau, vì sợ làm không nổi, nếu ta có sức, giúp họ không sợ, khiến cho họ làm nên việc; nay vì chúng ở chốn u minh có cái sợ chịu kịch khổ nhiều kiếp dài dẳng; nương nhờ công đức đây, để trừ nghiệp chướng, lìa các bố uý, là Vô uý thí.

Thực: Có cái công giúp ích, cái nghĩa sống còn. Kinh nói: “Tất cả chúng sinh đều do nơi ăn uống mới sống ở đặng, nếu không ăn uống, thì thân thể ốm gầy, dẫu có thí tài, thí pháp nào đủ cho sinh mạng; nay nhân cực khổ của chúng sinh, mà khởi cái bi tâm, nên dùng thần chú, vật thực, mà cúng thí cho Quỷ loại, khiến đặng dứt khổ được vui.

Lại, có 4 cách ăn:

1. Đoàn thực, cũng kêu là đoạn thực, nghĩa là ăn bằng cách: Từ miếng, hay từ phần, từ đoạn dùng 3 trần là hương: hơi hám, vị: mùi vị, xúc :tiếp xúc, để làm thể. Biến đổi, tiêu hoại làm tướng. Thế là cách ăn của trời, người và súc sinh…ở Dục giới.

2. Xúc thực: lấy cái tâm sở tương ưng của 6 thức, tiếp xúc với cái cảnh vừa thích của ý, 5 căn hoà thuận, vui sướng làm cách ăn, tức là cách ăn của Quỷ thần.

3. Tư thực: lấy cái “Tư tâm sở” hữu lậu của ý thức, để chuyên tinh nghĩ nhớ (tư) chuyển thành cái cảnh thắng diệu thiền, giúp ích thân mạng của trời Sắc giới, liên miên tư tưởng mãi chẳng dứt, tức là chúng ở Sắc giới lấy “thiền duyệt” làm thức ăn. Lại, như ngửa trông lên cây me chua để dứt được cơn khát nước, treo bánh lên, để chung thấy mà đỡ được cơn đói bụng v.v…đó cũng là ăn bằng cách nghĩ nhớ (Tư thực).

4. Thức thực: lấy cái thức thứ 8 nó nối nhau giữ gìn căn thân khiến chẳng rã hoại, đấy thì 4 thánh 6 phàm chung đủ, chỉ có khác với nhau là mê và ngộ. Thánh nhân thì thức tánh đã giác ngộ viên mãn, vốn vẫn trong sáng, gọi là “Như Lai tạng thức”, vì nó duy trì tất cả công đức có tánh vô lậu: phi có phi không, phi trụ phi chẳng trụ, đấy là cái ăn bằng cách vốn có công đức chẳng khá nghĩ bàn, mà làm sinh trụ. 

Phàm phu thì thức tánh còn hoàn toàn là mê, tuy đâu sinh khởi nghiệp chủng đó, gọi là Hàm tàng thức, vì rằng nó hàm tàng các hạt giống thiện ác của hữu lậu và vô lậu, nên với phi có mà vọng chấp là thực có, do đó mà luân chuyển đến vô cùng. Đấy là  cái ăn bằng nghiệp thức sinh diệt mà làm sinh trụ.

Song, Như Lai tạng thức, hàm tàng thức, cái danh dầu có hai, mà cái thể vốn có một, chỉ tuỳ theo mê và ngộ, nên phân làm hai, thế nên cả Thánh và phàm, đồng là thức thực.

Ba cách ăn trước thuộc về sự, cách ăn sau thuộc về lý, sự thì lệch về phàm phu, lý thì trùm cả Thánh phàm; tiến tới bậc nữa mà suy nghĩ, thì thánh nhân cũng đủ 4 cách ăn, phi ăn, phi chẳng ăn, thế là cách ăn bằng cách bất tư nghì viên dung diệu thực.

Lại, phải biết phép thí thực, ắt nhờ 3 vầng thế không, mới có thể giáp khắp được:

1. Hành nhân là người năng thí;

2. Quỷ loại là chúng năng thụ;

3. Và trung gian là vật sở thí.

Với cả 3 chỗ đó, thể tánh đều chẳng khá đặng. Song khi mà thể tánh chẳng khá đặng, vẫn y nhiên rỡ rỡ phân minh, khi mà rỡ rỡ phân minh, cũng vẫn y nhiên thể tánh chẳng khá đặng, thế là pháp thì bằng cách 3 vầng chẳng nghĩ bàn. Pháp thí như thế, thì tâm nào chẳng phải pháp, pháp nào chẳng phải đồ ăn. Song cũng thực nào chẳng phải pháp, pháp nào chẳng phải  tâm, tâm đã giáp khắp, thì pháp và thực giáp khắp, tất nhiên chúng sinh trong lục đạo mười phương, đâu chẳng thụ hưởng đó mà được giải thoát.

Nghi: Quỹ tắc, cũng có nghĩa là cách thức, nghĩa là: văn Mông Sơn đây làm quỹ thức cho lễ Thí thực.

Phụ chú

Mông Sơn: Núi, ở về tỉnh Tứ Xuyên bên Trung quốc. Tập Mông Sơn thí thực nghi, tác giả là ngài Cam Lộ Pháp sư nhóm chép, tác giả này và tác giả tập Hồng Danh Bảo Sám cũng là một người, mà để khác hiệu, vì tập kia đề là Bất Động Pháp sư. Còn tập Mông Sơn Thí Thực nghi trong bản Kinh Nhật tụng đề Ngoại quốc Cam Lộ Thiền sư trú thích Tứ Xuyên Mông Sơn tập. Mà thuật giả Nhị khoá hiệp giải đã có dẫn giải rồi ở trước tập Hồng Danh Bửu Sám rằng: “Văn Mông Sơn, cũng là ngài Bất Động nhóm chép”.

Hàm tàng thức: tức là A-lại-da-thức, vì chân vọng hoà hợp nên nói là hàm tàng.

Như Lai tạng: là toàn chân tại vọng, nghĩa là chân tâm nó ở bên vọng tâm, chứ không hoà hợp, lộn xộn như A-lại-da-thức, vì thức A-lại-da nó hàm tàng tất cả thiện ác chủng tử, nên nói là chân vọng hoà hợp (lộn lộn, trộn lộn).
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6429155
Số người trực tuyến: