10. Thần chú Nhũ hải
Thần chú Nhũ hải
Nam mô Tam mãn đa một đà nẫm án tông.
Khi tụng chú đây quán tưởng nước ấy trước lại được rộng lớn hoà suốt, dường như màu sữa, nhiệm mầu khó nghĩ!
Xét, Kinh Thí Ngã quỷ, thì thần chú Nhất Tự Thuỷ Luân cũng là nghĩa biến thành biển sữa, thần chú đây chẳng qua là lại khiến biển sữa kia thêm rộng lớn hoà suốt vậy thôi.
Căn cứ lời bổ chú của Tổ Vân Thê nói: “Từ trước đến đây đọc và quán tưởng các thần chú, biến hoá mỗi mỗi ẩm thực thắng diệu, mà chưa từng quán tưởng cho hoà lẫn thành một vị, e chẳng đồng đều lòng từ tế, nên phải lại niệm thêm thần chú đây để hoà lẫn các món ẩm thực kia đều thành biển sữa đặng phổ thí chúng qủy thần thân tâm no khẳm, thụ dụng không thiếu”.
Hỏi: Món ăn là chỉ chuyên nuôi thân, chứ làm gì lại khiến tâm no?
Đáp: Đây là pháp thực vậy, vì với thực vị thì khá nuôi thân còn với pháp vị có tể minh tâm: nay đây, dùng cái tâm quán tưởng, tri cái pháp bí mật, để biến hoá ra thức ăn thanh tịnh, tức thành nghĩa Thiền duyệt pháp hỷ.
Khi tụng chú đây, nên tưởng chữ “Tông” giữa điểm sáng chảy ra vị cam lộ, tay hữu chấm nước dùng búng lên hư không, như mưa tưới xuống liền thành ra vị ngon tô lạc, rộng như sông dài.
Hỏi: Với chút ăn chút nước, làm sao có thể khắp pháp giới?
Đáp: Một là pháp lực của thần chú, hai năng lực của qúan tưởng, và ba cảm thông đến uy lực từ quang phổ chiếu của Tam bảo, cả ba lực ấy viên dung, chẳng thể nghĩ bàn, nên mới có thể biến hoá ít ra làm nhiều được như thế đó. Vả lại như ông Loan Ba, dùng một chung rượu làm phép thuật, còn có thể hoá nên một trận mưa thay, huống chi là cái thần lực “Vô sinh khó nghĩ được” của Tam bảo ư? Mà hành giả (Thầy tụng chủ thí thực) chẳng thể chẳng dụng tâm cho đúng hành trì! (Đời nhà Hán, ông Loan Ba làm chức Thượng thư lang, nhân ngày sinh của Vua, thiết lễ khánh đản, giữa bữa tiệc, nhà vua ban cho rượu, Loan Ba ngậm rượu hướng mặt về đất Ba Thục mà phun ra, quan Hữu tư tâu với vua rằng: Ông Loan Ba bất kính! Loan Ba tâu rằng: Xứ Thành đô bị hoả hoạn, nên phún rượu để chữa lửa. Sau nghe Thành đô tâu lên rằng: Bị thất hoả, được nhờ có luồng mưa tắt cháy, trong đám mưa có hơi rượu!).
Lục Tông Cách nói: Có cái lực đại nguyện đại trí, và cái lực pháp tánh tự thể không vô tánh, nên với tất cả chỗ ra làm, vẫn tự nhiên xong nên.
Vả chăng, do cái tâm vọng chấp làm cuộc ngại nên không thể biến hoá cảm thông được, dẫu có đặng biến thông chăng nữa cũng chưa rộng lớn mấy. Nếu tâm không vọng chấp, thì muôn pháp dung thông, thế, chẳng lìa cái cảnh “Khất chân” mà biến hoá vô cùng!
Sách Lược Giải cho rằng: Nước thí thực đây, chẳng đồng với cam lộ trước kia, đó là quá ư cuộc chấp! Chứ biết đâu, thần chú đây lại dung hoà với lẽ mầu nhiệm của thần chú biến thuỷ biến thực trước kia!
- 8329
Viết bình luận