3. Định danh nghĩa của Hoa tạng Huyền môn và Tỳ Lô tánh hải | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3. Định danh nghĩa của Hoa tạng Huyền môn và Tỳ Lô tánh hải

Định danh nghĩa của Hoa tạng Huyền môn và Tỳ Lô Tánh Hải

Lời sớ sao kinh Hoa Nghiêm chép rằng: Với những chỗ mà hoa sen nó ngậm hột sen đó, thì gọi là “tạng hay tàng” nghĩa là kho hay chứa; các sát chủng (thế giới chủng), và các Phật sát (Phật quốc) là tỷ những chỗ hàm tàng của hoa sen lớn, nên bảo là “Hoa tàng”. Với trong Hoa tàng có mỗi mỗi cảnh giới, cảnh giới nào cũng đều có những thanh tịnh công đức nhiều như số sát hải vi trần, nên nói là “trang nghiêm”. Với thế giới thì: số nhiều vô biên, thể lượng sâu rộng, không thể xét lường đặng, nên gọi là “Hải”. Chứa nhiều thế giới chung ở trên một “Ma ni vương liên hoa” để thâu nhiếp các lưu loại, nên gọi là “chủng”. Gôm chung các hạnh trong hoa tàng đây, tức là nhất tâm chân như của các Phật, trong cõi không: vô cùng đại nguyện là phong luân để duy trì nước biển đại bi, nảy nở vô biên hạnh nghiệp rỡ tốt như hoa là Phật sát (Phật quốc độ).

Vốn bởi, với tâm ấy sẵn đủ vô biên công đức diệu trí, nếu phi thật hành vào cửa vạn hạnh vô biên, thì không do đâu để tỏ rạng ra đức và trí kia, nên chư Phật công hạnh đã cùng tận, trí đức đã cao cực, thì toàn thể bày ra những tướng vi diệu của công đức Hoa tàng nhiều đến vô biên.

Song, với lý lẽ mà rất vi diệu khó nghĩ suy ấy, thì duy có Phật Thích Ca và chư Phật mới có thể xét hiểu được cùng tận nên gọi là “huyền”. Ðối với Hoa tàng, từ trong chí ngoài với mỗi mỗi mảy trần đều đạt được, với mỗi mỗi pháp đều thông suốt, nên gọi là “môn”. Chính nơi huyền môn ấy chúng sinh vốn sẵn đủ, nếu giác ngộ rồi lo tu, thì toàn thể nó rõ bày ra cái tâm bình đẳng của chư Phật, nên nói là “Đồng đăng Hoa tạng huyền môn”.

Chỉ nói Hoa tạng thì, đâu chẳng phải là Tỳ Lô Tánh Hải, vì tánh hải vô biên đấy nó hàm ở trong cái hư không vô biên, bởi hư không vô cùng tận, thì ngoài hoa sen lớn ra hẳn còn có vô cùng tận những bông đại liên hoa tạng nữa để làm trang nghiêm đủ rõ rồi.

Dường như cái võng bằng châu ngọc của Ðế Thích: mỗi một viên ngọc ánh chói nó đến với nhiều viên ngọc; như thế mỗi mỗi viên ngọc ánh chói lẫn nhau, mỗi mỗi viên châu gồm thâu lẫn nhau, mà vẫn cũng chẳng tăng chẳng giảm, hòa lẫn hoàn toàn, không hề cùng tận. Thế thì, đâu chẳng là nói rõ tâm đức rộng lớn vi diệu rất khó suy nghĩ ru!

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Hữu lậu vi trần quốc, giai y không sở sinh, không sinh đại giác trung, như hải nhất âu phát”: Thế giới hữu lậu nhiều như bụi, đều nương sinh khởi giữa hư không; hư không sinh khởi trong lòng Phật, ví dường cục bọt nổi giữa biển. Lại, Cổ đức nói: Tâm dung diệu lý hư không tiểu: Tâm lẫn lẽ mầu hư không nhỏ. Thế thì, cõi hư không đã vô cùng ta khó nghĩ được! Mà hư không hãy còn ở trong tâm chân như của chúng ta, thì với cái tâm ấy, há chúng sinh chín cõi khá lường kịp ư?
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6406766
Số người trực tuyến: