3. Nam mô Lăng Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát | Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên | Đại Bảo Tháp | Đại Bảo Tháp Tây Thiên

3. Nam mô Lăng Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát

Nam mô Lăng Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát

Kính lạy Phật và Bồ Tát trên hội Thủ Lăng Nghiêm

Ðây là kính vì ngôi “Tổng tướng Tam Bảo” số là, với tất cả việc Phật đều lấy “Tam Bảo” làm chỗ quy y, nên phải xướng lên trước nhất.

Lăng Nghiêm tức là ngôi pháp bảo, Phật tức là ngôi Phật bảo; Bồ Tát tức là ngôi Tăng bảo; giữa Tam Bảo, các Thánh phàm đều nhóm họp là Hội: Một hội như thế: Phật là Giáo Chủ, để gồm cả chư Phật trong hội đồng cùng phóng quang quán chiếu vào đảnh lẫn nhau. Bồ tát là bạn (đối với chủ) để chung gồm cả các Thánh 3 thừa tại hội và, các Thánh từ 10 phương qua lại. Chính là gọi: chủ bạn hội đồng, cơ giáo phù hiệp, đấy là một trường hợp Tổng tướng mà là “Tự tánh Tam Bảo” vậy.

Từ câu “Diệu trạm tổng trì bất động tôn” đến câu “Thước ca ra tâm vô động chuyển” cả 18 câu kệ ấy, là lời kệ tán đối kinh Lăng Nghiêm, nhân vì A Nan giác ngộ rồi, phát thệ nguyện ấy để khen ngợi Phật.

Bởi A Nan tỏ ra bị sa ngã về cái nạn của nàng Ma Ðăng Già: Ðức Như Lai phóng quang thuyết thần chú, sai ngài Văn Thù đem thần chú đến cứu hộ A Nan.....khi A Nan về đến chỗ Phật, lạy khóc và cầu hỏi về giáo pháp.... “tối sơ phương tiện” là ông có ý như muốn lên đường về nhà mong được  đạo lực hoàn toàn, thì, cốt phải biết trước cái căn bản của sinh tử đã. Nên chi Phật bảo rằng: Sỡ dĩ bị sinh tử tiếp tục mãi, là đều bởi tất cả chúng sinh chẳng tự biết cái chân tâm hằng còn, tánh thể nó vẫn sáng sạch, lại dùng lầm lấy cái vọng tưởng làm tâm, thành thử cứ lăn tròn theo sinh tử, vì cái tưởng ấy không phải tâm!

Cái lẽ mà quên chân tâm, rượt theo vọng tưởng, là đều bởi tâm, mục gây nên tội lỗi, nghĩa là bởi mắt thấy lòng động, mới có điều ân ái, do ân ái, mới có sanh tử; nên Phật dùng 7 chỗ để gạn hỏi cái Tâm, là khiến cho biết rằng: đối với mỗi chỗ, Tâm và Mục không nhất định ở một chỗ nào cả.

Khai thị về hai thứ căn bản:

1/ Vô thủy sinh tử căn bản là vọng tâm

2/ Vô thủy bồ đề Niết bàn là chân tâm thì Phật dạy rằng : vọng tâm không có tánh riêng của nó : còn bồ đề tâm thì nguyên lai vân chân thật. Các pháp mà được phát sanh, là do nơi tâm A lại da biến hiện.

Với căn 10 phen chỉ rõ cái tánh thấy, thì, Phật khiến cho biết rằng  chạm đến đâu, chỗ nào chăng chẳng đều là chân cả.

Lại, hội về các văn : 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ, 18 giới, phi nhân duyên, phi tự nhiên, thì Phật nói rõ về đạo lý trung bình, là tánh Như Lai Tạng.

Rốt sau, tiêu dung luôn địa, thuỷ, hoả, phong đều là cái thể thanh tịnh sẵn sàng, cái dụng khắp giáp pháp giới. Nghĩa là: trong với thân tâm, ngoài với vũ trụ, chỉ một đại mà thành pháp giới, phi thiếu, gồm 7 đại mà thành pháp giới, cũng phi dư; vì đối với vạn pháp, thì Như Lai tạng tánh nó vẫn nhất như, mà dù tuỳ theo nghiệp tịnh hay nhiễm của chúng sinh, tánh nó phát hiện ra tựa hồ có thiên sai vạn biệt, thành thử có những cái danh tướng của thất đại đó, là chỉ vì với thể dụng xưng hô mà có khác vậy thôi.

Chân không là cái thể của “Nhất Như”, nên với thất đại, đều gọi là chân không; còn thất đại là cái dụng theo nghiệp tịnh hay nhiễm nên nói “Tạng tánh, sắc tướng tức là chân không; tạng tánh chân không cũng tức chân sắc”. Nhẫn đến nói “tánh biết rõ hay, là biết hay đều do nơi tánh mình; biết sáng cũng chân thức, là thức nó tuy là lỗi vì “giác minh” nhưng thể nó vẫn thiệt chân, vì lẽ diệu giác trạm nhiên, thể dụng chẳng hai, nên đều được nương nhau lẫn nói.

Bấy giờ, A Nan được cái sáng suốt không còn chi ngăn ngại, vì thân tâm đều rỗng rang, nên thấy mười phương trống không, như xem thấy lá cây hay vật gì đương cầm trong bàn tay, nghĩa là thấy rằng: tất cả những vật sở hữu giữa cõi đời, đều nguyên là cái giác tâm diệu minh đồng một cả thể như nhau. Ông tự chứng biết được cái bản tâm diệu giác của ông rất rõ ràng. Ðối với thâm ân của Phật, vì quá ư cảm động, nên A Nan chính nơi miệng mình thốt lời nói bài kệ để tán thán Phật bằng nguyện lớn rằng:

  1. Diệu trạm tổng trì bất động tôn

  2. Thủ Lăng Nghiêm vương thế hy hữu.

Ðức “Diệu Trạm Tổng Trì Bất Ðộng Tôn”; Pháp “Thủ Lăng Nghiêm lớn nhứt”, vì thế gian ít có.

Câu thứ nhất là khen cả ba thân, Phật, đấy là người chứng quả năng thuyết; câu thứ hai: bốn chữ “Thủ Lăng Nghiêm vương” và pháp sở thuyết; ba chữ “thế hy hữu” đấy là khen chung cả Nhân, Pháp đều  ít có.

Sau khi đã nghe rồi được ba cuốn trước kinh Thủ Lăng Nghiêm, ông A Nan mới biết chỗ sở thuyết của Phật, lý nó cực diểm, lý ấy không sai khác một mảy giữa tâm sẵn có của mình (A Nan) với chúng sinh, nên chính nơi miệng ông thốt hai câu ấy ra để tán thán Nhơn hy hữu là Phật, Pháp ít có là Lăng Nghiêm.

Diệu Trạm: Trí thanh tịnh đã viên mãn, thể nó thì vắng lặng, dụng thì không ngần ngại; đó là tán thán về nghĩa “Báo thân Phật”.

Tổng trì: Tánh Như Lai Tạng nó tuỳ theo duyên nhiễm hay tịnh của thức biến, để phổ ứng ra thất đại, lợi ích không bỏ sót một vật nào; đó là tán thán về nghĩa “Ứng thân hoá thân Phật”

Bất động: Tâm tánh nó thường vắng lặng, vì vô thủy vô chung; đó là khen ngợi về nghĩa “pháp thân Phật”.

Lại, cả ba thân đều diệu trạm (mầu trong), vì ba mà tức là một. Cả ba thân đều là tổng trì (gom giữ), vì một mà tức là ba. Cả ba thân đều là bất động (chẳng động), vì ba và một chẳng phải là hai riêng gì.

Lại, sách Văn Cú nói: Diệu trạm là nghĩa tuỳ duyên mà thường chẳng biến; Tổng trì là nghĩa chẳng biến mà thường tuỳ duyên; bất động là nghĩa theo duyên chẳng đổi, bất biến tuỳ duyên, vì không hai thể. Kinh đề đủ 20 chữ

Ðại Phật đảnh Như Lai mật nhơn tu chứng liễu nghĩa chư Bồ tát vạn hạnh Thủ Lăng Nghiêm kinh”. 

Như lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa gọi là Diệu trạm chư bồ tát vạn hạng Thủ Lăng Nghiêm gọi “Tổng trì” Ðại Phật đảnh gọi là “Bất động” đều được nói một mà tức là ba, nói ba gồm một, vì ba với một chẳng phải là hai.

Rút lại để nói: “Diệu trạm tổng trì bất động” nghĩa nó bao gồm cả toàn bộ Lăng Nghiêm kinh; cũng thâu gồm cả Thánh giáo của một đời Phật thuyết, cho đến tông chỉ mầu nhiệm của tất cả chư Phật ba đời, mười phương, sáu chữ ấy nó gom thâu hết không sót một chỗ nào. Ðủ như các lời sớ của sách Phật đảnh văn cú đã giải ai có cần hiểu rộng,  phải tìm sách ấy để xét....

Tôn: Cao nhất giữa bốn bậc Thánh, vì cả ba thân đều là vô thượng tôn cực.

Thủ Lăng Nghiêm vương: Tên chung của pháp đại định, vì định này nó gồm thâu hết các pháp tam muội (định) khác; lại tên là “Vương tam muội”

Nay lấy Ngũ ấm, Lục nhập, Thập nhị xứ, Thập bát giới, cả thất đại làm tất cả sự; các sự ấy đều là cảnh sở hiện của tâm. Chính là bảo: kẻ nào quên cái “Như lai tạng tâm” thì nó biến thành ra các sự: thất đại, thập bát giới, thập nhị xứ, lục nhập, ngũ ấm, tạp nhiễm sanh diệt của chúng sanh; trái lại, kẻ nào nhớ được cái “tâm Như Lai Tạng” thì các sự (ấm, nhập, xứ...) kia đều trở thành lại bằng viên diệu thanh tịnh của chư Phật, như ngũ ấm thành ngũ phần thân hương, lục nhập thành lục thần thông....tức là tâm tịnh độ tịnh. Nghĩa là nhứt thế sự thanh tịnh viên diệu..

Thế nên biết rằng: các sự ngũ ấm, lục nhập.....đâu chẳng là  pháp được sinh bằng nhân duyên, cũng như đủ điều kiện mới phát hiện. Ðã do nhiều nhân duyên mới phát sinh ra các pháp là ấm, nhập.....các sự , thì các sự tỷ như hoa đóm giữa hư không, vì cái thể nó vốn không, bởi nguyên nó là Như lai tạng tâm, mà tạng tâm ấy đương thể nó là Diệu trạm tổng trì bất động.

Thế thì, nói nhất thế sự đều là tạng tâm, nên bảo rằng “cứu cánh”. Mỗi sự mà là Diệu trạm tổng trì bất động, nên bảo rằng “kiên cố”. Thủ Lăng Nghiêm, dịch là: Nhất thế sự cứu cánh kiên cố. Nghĩa là suốt thấu nguồn đây các pháp, mà, không động không hoại, thật thế. Người mà tu pháp quán ấy, thời, các pháp : Tam đề, Tam quán, Tam đức, Tam thân, đâu chẳng đều ở nơi pháp Thủ Lăng Nghiêm tam muội này. 

Hy hữu: ít có. Thế: thế gian của cửu giới, tất cả Thánh phàm trong chín cõi đều chưa chứng ngộ được “tạng tâm”. Chưa rõ được Phật đức, nên chưa có thể nói được pháp tam muội ấy, cũng không thể nghe nổi được pháp tam muội ấy nên nói “thế hy hữu” nghĩa là cả chín thế gian ít có người nói pháp ấy. Nay ông A Nan đã nghe và đã chứng ngộ được, nên thuật rõ lời tán thán để cảm ơn sâu của Phật.

  1. Tiêu ngã ức kiếp diên đảo tưởng

  2. Bất lịch  tăng kỳ hoạch pháp thân

Dứt tưởng đảo điên từ vạn kiếp, chẳng trải nhiều kiếp chứng pháp thân.

Ðấy là ông kể bày chỗ đã chứng ngộ. Kiếp, tiếng phạn là kalpa, dịch là thời phần, nghĩa là năm tháng ngày giờ rất lâu dài. Ức, ức có 4 số:

1/ mười vạn; 
2/ trăm vạn;
3/nghìn vạn;
4/ muôn vạn.

Nói “tưởng điên đảo từ vạn kiếp”: sau khi chứng ngộ rồi, mới nhận thấy từ vô thủy đến nay những vọng tưởng mê tình. Nương nơi vọng tưởng ấy, để kiến thiết ra những khổ cảnh sinh tử giữa chín thế giới, mà sở chấp của chúng sinh trong của giới không ngoài các pháp nhân duyên tự nhiên hoà hiệp, bất hoà hợp, hữu, vô, đoạn, thường, mỗi mỗi đều là pháp sinh diệt hý luận, thật vậy. A Nan đã biết được cái tánh: Tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên, nêu bao điều hý luận vọng tưởng liền tiêu tan, mà với pháp thân bổn hữu mới thâu hoạch lại đặng.

A tăng kỳ, tiếng phạn là Asrinkhya, dịch: vô số; Bồ tát muốn thành Phật, phải trải qua số năm bằng tam A tăng kỳ kiếp, để tu đủ phước đức trí huệ, gây các tướng tốt, mới kết tinh pháp thân bằng “Ngũ phần hương” (quả Phật bên tạng giáo).....nhẫn đến được “pháp thân cứu cánh thanh tịnh” (quả Phật (diệu giác) bên (viên giáo). Ở đây, A Nan liền chứng ngộ được tạng tánh trong ngày giờ chẳng trải qua kiếp số tăng kỳ, mà đã đắc pháp thân. Ðã rằng pháp thân, tất phải đủ 2 đức nữa là bát nhã và giải thoát, thì pháp thân đây chẳng đồng nhau với “tố pháp thân” bên biệt giáo nói (Tố: dùng nghĩa theo loại như Tố Vương, Tố Phong). Còn như muốn chỉ rõ ra, thì, chỗ mà điên đảo vọng tưởng tiêu tan hết đó là đức giải thoátl cái trí hay làm cho điên tưởng tiêu tan đó là đức bát nhã.

Song, khi chúng ta còn mê muội, với va đức ấy không phải ta bị giảm bớt, mà chỉ là ta chẳng giác ngộ đó thôi; nghĩa là như bỏ quên mất, nên chỉ gọi là “Lý tức Phật”.

Từ trong mê mà giác ngộ, mới biết có công hiệu, thì gọi là Hoạch cũng như đắc hay chứng, mà có năm địa vị chẳng đồng nhau:

1/ Với cái trí chỉ mới đủ hiểu được pháp thân, thì gọi là Danh Tự hoạch;

2/ Từ chỗ đã hiểu biết rồi khởi sự tu niệm, dẹp hết ngũ trụ hoặc, gọi là Quán hạnh hoạch;

3/ Tha hồ hai thô cấu rụng hết trước gọi là Tương tự hoạch;

4/ Phá một phần vô minh, chứng một phần pháp thân, trong thời đương phá, pháp thân hoàn toàn hiển hiện, gọi là Cứu cánh hoạch.

A Nan là bậc trong ẩn cái hạnh Bồ tát, ngoài bày cái tướng Thanh Văn, thì cái chỗ  gốc tích của ông là “Bí mật hoạch” hạng phàm không thể nhận xét được! Nay căn cứ nơi danh tích là Hiển hiện hoạch của ông, thì, ông ở về bực Sơ tín bên Viên giáo, địa vị ngang hàng với bậc Sơ quả thánh nhân bên Tạng giáo.

  1. Nguyện kim đắc quả thành bảo vương,

  2. Huờn  độ như thị hằng sa chúng,

  3. Tương thử thâm tâm phụng trần sát,

  4. Thị tắc danh vi báo Phật ân.

  5. Phục thỉnh Thế Tôn vi chứng minh,

  6. Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập,

  7. Như  nhất chúng sinh vị thành Phật

  8. Chung bất y thử thủ Nê Hoàn

Dịch nghĩa:

5. Nguyện đắc ngay quả Diệu giác (Phật) liền thành ngôi bửu vương vô thượng giữa mười phương;

6. Trở  lại đây để độ chúng sinh số hằng sa trong chín cõi;

7. Đem cái tâm nguyện “Cầu Phật quả, độ chúng sinh” đây thờ chư Phật trong cõi số vi trần;

8. Được thế mới là đền ơn sâu của Phật độ tôi;

9. Lại cầu đức Thế Tôn chứng minh cho lời nguyện của tôi;

10. Với đời dữ ngũ trược thề vào trước, để độ tận chúng cang cường khó dạy;

11. Như một chúng sinh nào chưa được thành Phật;

12. Vẫn không bỏ nó, vội thành Phật riêng để diệt độ mình.


Bốn câu trên là nghĩa của pháp bốn thệ nguyện rộng lớn. Bài kệ dưới là nghĩa thệ nguyện tăng thượng. Chữ Bửu là nghĩa tôn quý. Chữ Vương là nghĩa tự tại. Là nói : Phật đã sạch hết ba hoặc (1. Kiến tư hoặc; 2. Trần sa hoặc; 3. Vô minh hoặc. Hoặc là lầm, lại có nhiều tên là: phiền não, hữu lậu, cấu và kiết, đều thể theo nghĩa mà đặt tên), vẫn không hai tử (1. Phần đoạn tử là cái chết của sáu phàm; 2. Biến dịch tử của Thanh Văn), địa vị là vô thượng, nên gọi là Tôn Quý; pháp thân giáp tròn, tột cõi hư không, hoá độ vô cùng vô ngại, nên gọi là Tự tại. 

Sách Văn Cú nói: Nguyện Kim đắc thành bửu vương, là muốn chứng Ðạo đế, Diệt đế của mười pháp giới, chính gọi “Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành” và gồm thâu “pháp môn vô lượng thệ nguyện học”. Hườn độ như thị hằng sa chúng, là muốn dứt Khổ đế, Tập đế của mười pháp giới, chính gọi “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”, kiêm luôn “phiền não vô tận thệ nguyện đoạn”.

“Thâm tâm” là nương nơi Vô tác tứ đế của “Viên giáo”, để phát khởi ra Tứ Hoằng thệ nguyện. Kế đó là lời thệ nguyện tăng thượng. Hai câu: Phục thỉnh Thế Tôn vi chứng minh, ngũ trược ác thế thệ tiên nhập, là dũng mãnh tăng thượng, số là với chúng sinh ở đời ngũ trược cang cường lắm nên khó dạy bảo. Nay ông A Nan đã đắc cái tạng tánh bình đẳng, phát được cái tâm đại bi, đối với chúng ấy, như mẹ thương con, nên mới có thể cấp cứu chúng đặng. Hai câu: Như nhất chúng sinh vị thành Phật, chung bất ư thử thủ nê hoàn, là hoằng nghị tăng thượng, bởi đã đạt đến tạng tánh; nó dọc thấu ba đời, ngang giáp mười phương, nên với việc hoá độ, không bỏ sót một chúng sinh, dù tột hết qua nhiều đời sau, với hạnh khổ khó làm đến đâu, cũng không chán sợ.

Nguyện vì chúng sinh có khổ, Bồ tát có bi, bởi bi cùng đồng thể với khổ: Tỷ như cái  tánh thiêng liêng nó quan thiết nhau giữa mẹ con; con có khổ, mẹ ắt bi cứu. Thế nên chúng sinh có cảm, lòng Thánh phải ứng.

“Nê Hoàn” cũng gọi Niết bàn, dịch là Diệt độ; diệt phiền não, độ sinh tử, tức là chứng đặng pháp thân diệu tánh, là tâm cảnh không còn phiền não sinh tử nữa.

  1. Ðại hùng đại lực đại từ bi

  2. Hy cánh thẩm trừ vi tết hoặc

  3. Linh ngã tảo đăng vô thượng giác

  4. Ư thập phương giới toạ đạo tràng

Dịch nghĩa:

13. Ðức Ðại hùng Ðại lực đại từ bi;

14. Mong thêm xét dứt lầm nhỏ nhít;

15. Khiến tôi sớm lên Phật không trên;

16. Với mười phương cõi ngồi đạo tràng.


Ðây là lời Phật gia hộ, để mong dứt những vọng hoặc quá vi tế, mà kỳ cho được chứng lên bực tột cao thượng.

Thể theo chứng lên ngôi Vô thượng làm thầy cả chín cõi, nên nói là Ðại Hùng. Có cái Trí Tuệ phá tan được nghiệp chướng mê hoặc của  phiền não nơi ta và chúng, nên nói là Ðại lực. Cứu hết cái khổ sinh tử của chín cõi, cho chúng đều được cái vui Niết bàn của cõi Phật, nên nói là Ðại từ bi.

Sách Văn Cú nói: Ðại lực là đức tốt “Diệu trạm” (tinh thần mạnh sáng). Ðại từ bi là đức tốt “Tổng trì” (nghị lực gom giữ). Ðại hùng là đức tốt “Bất động” (uy nghi tự tại). Lại nói: Chứng được cái lý thể “Diệu trạm tổng trì bất động” gọi là “Ðại Hùng”; đủ cái trí chiếu “Diệu trạm tổng trì bất động” gọi là “Ðại lực” dấy cái diệu dụng “Diệu trạm tổng trì bất động” gọi là “Ðại từ bi”. Lẫn nhau để nghĩ xét, là cái cớ: Ba và Một chẳng phải là hai lẽ. 

Hy cánh thẩm trừ vi tế hoặc”, Hy: trông, cầu. Vi tế hoặc: chính là cái vô minh của bực đã ra ngoài tam giới. Kinh nói: “Ngươi (A Nan) nay đã đắc quả Thánh Tu đà hoàn, đã dứt diệt rồi đều mê hoặc bằng nhận thấy sai lầm giữa thế gian chúng sinh trong tam giới”. Chính là bài kệ trước kia đã nói: “Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng”.

Kinh lại nói: “Song, bởi chưa biết trong Căn tánh nó chứa chất cái thói quen giả dối từ vô thủy đến nay, với cái thói quen ấy, cốt phải do công tu mới đoạn trừ được nó”. Cái “thói quen” đó là chỉ cho sự lo nghĩ lầm sai (tư hoặc) của chúng sinh trong tam giới.

Kinh lại nói: “Phương chi trong đời nay đây, với mỗi bốn giai đoạn : Sanh, Trụ, Dị, Diệt của mỗi ý niệm, chia chẻ mỗi mỗi con số ......”, những ý niệm sinh diệt đó, là chỉ cho cái vọng hoặc riêng của những bậc đã ra ngoài tam giới, mà chính ở đây bảo là “vi tế hoặc”.

Vô thượng giác tức là ráo rốt quả Phật Diệu giác, nếu người tu Phật đã đoạn hết cái mê hoặc vi tế thì liền tiến lên quả Diệu giác, chính rằng ba giác đã sáng suốt cực điểm tức là Như Lai.

Mười phương cõi cần đủ ngang và dọc để luận. Ngang tức là Ðông, Tây, Nam, Bắc, bốn góc và trên, dưới; như đối với phương đông: Ðể xét cõi hư không, thấy nó vô cùng vô tận, mà thế giới cũng không tột không hết. Thế thì mỗi phương đều như vậy cả. Bàn về bề dọc, thì với giữa thế giới nhiều vô tận, thế giới nào cũng đủ bốn quốc độ. Ðối với chúng sinh hoặc căn cơ nào đoạn hoặc chứng chân đã viên mãn bình đẳng, thanh tịnh, thì Phật ngồi nơi đạo tràng cõi tịch quang, để thị hiện cho chúng ấy được thấy “pháp thân Phật”. Hoặc có trình độ tu đoạn đã được bình đẳng tự lợi lợi tha, thì Phật ngồi nơi đạo tràng cõi thật báo, để thị hiện cho họ thấy được “ Báo thân Phật”. Hoặc có hạng vừa tu chứng bậc Nhị thừa, thì Phật ngồi nơi Ðạo tràng giữa phương tiện độ, để thị hiện cho chúng thấy được “Ứng thân Phật”. Hoặc có hạng người tu bằng cách trước tướng chán khổ bỏ khổ, thì Phật ngồi nơi Ðạo Tràng đồng cư độ, để cho chúng ấy được thấy thân Phật bằng cách “biến hoá’. Song, tạng tánh của Phật là tròn bọc cõi hư không; chính chỗ bảo rằng: đến khi mà một người thành Phật, đầy dẫy pháp giới đều là y báo chánh báo của một đức Phật chính là đây vậy.

  1. Thuấn nhã đa tánh khả tiêu vong

  2. Thước ca la tâm vô động chuyển

Dịch nghĩa:

17. Tánh Thuấn Nhã đa có thể mất

18. Tâm Thước ca la không hề nao.


Ðây là tỷ dụ: Với cái tâm nguyện không lui mất. Thuấn nhã đa là: cái hư không. Thước Ca la: bền chắc. Nghĩa là những vật chất như địa cầu còn có ngày tiêu diệt, vì hữu hình hữu hoại; chớ nên không là vô tướng, thì bao giờ tiêu mất được, vì nó là thể tánh bất sinh bất diệt. Thế mà bảo rằng: “Nó có thể tiêu vong” đó, là ý nghĩa rất sâu để tỷ lại với cái “tâm nguyện” rất kiên cố, rốt ráo không hề thối chuyển. 

Hỏi: Kinh nói: Với cái hư không, phi ai có thể làm gì nó được, nên nó không hoại diệt. Lại nói: “phát minh được cái chân qui ngươn (chân tâm) rồi, thì hư không liền tiêu mất”. Thế với hai nghĩa trên nói sao cho xuôi?

Ðáp: Bằng nói pháp thế tục đế, thì với “hư không” chẳng đó thể diệt nó đặng, nên trong kinh sách Phật, một phần cũng dùng cái hư không để tỷ dụ cái chân tánh, vì là nghĩa bất sinh bất diệt bởi vô hình vô động; còn cứ nơi pháp Ðệ nhất nghĩa đế thì cái không nó nguyên bởi nơi vô minh làm mê mất cái Chơn không mà biến đổi làm ra cái Ngoan không. Nếu phá được vô minh rồi, thì toàn thể nó chính là Như lai tạng tâm, ngay nơi Ngoan không mà làm Chân không, giữa hư không cả đại địa cũng là cái Diệu hữu. Kinh lại nói: Cái hư không sinh trong tâm đại giác, tỷ như một cục bọt nổi giữa biển cả, bọt tan cũng như cái “không vốn chẳng có, hư không đã chẳng có, huống đâu còn tam giới. Chính rằng nghĩa trên đây, kêu bằng hư không (Thuấn Nhã Ða) hữu tận, ngã nguyện (nguyện tâm) vô cùng (Thước ca la: kiên cố).

Nam mô Thường trụ thập phương Phật

Nam mô Thường trụ thập phương pháp

Nam mô Thường trụ thập phương Tăng.


Cúi lạy ngôi Phật bảo thường ở đời nơi mười phương.

Cúi lạy ngôi Pháp bảo thường ở đời nơi mười phương.

Cúi lạy ngôi Tăng bảo thường ở đời nơi mười phương.


Ðấy là lạy chung tất cả các ngôi Tam bảo hiện trụ trong thập phương thế giới. Với ba triệu trên sẽ thấy giải thích ở nơi văn sám hối sau.

Nam mô Thích Ca Mưu Ni Phật

Nam mô Phật ĐảnhThủ Lăng Nghiêm

Nam mô Quán thế Âm Bồ Tát.


Kính lạy ngôi Phật là đức Thích Ca Mâu Ni.

Kính lạy ngôi Pháp là Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm

Kính lạy ngôi Tăng là đức Quán Thế Âm Bồ tát và Ngài Kim Cang Tạng Bồ Tát.


Ðây là lạy riêng về Ngôi Tam Bảo của Kinh Lăng Nghiêm; Thích Ca Giáo Chủ là “Phật bảo”; Lăng Nghiêm kinh chú là “Pháp bảo”; hai vị Bồ tát thuộc “Tăng bảo”. Thích Ca (Sẽ giải rõ ở văn Ðại sám hối là Hồng danh bửu sám. Quán Thế Âm: đích là với Kinh này về chánh tông kén chọn “nhĩ căn viên thông” vì Bồ tát Ngài bắt đầu từ nơi nhĩ căn đi sâu vào mà đắc quả viên thông. Ðức Văn Thù chấm lấy nhĩ căn, vì nó rất thích hợp với căn cơ của thính giả ở thế giới ta bà này. Nên vắn tắt rằng: “Thử phương chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”; phương đây thiệt giáo thể, trong sạch ở tiếng nghe. Nghĩa là với thể lãnh giáo đúng chân thật của chúng nhân thế giới ta bà đầy, được thanh tịnh nhất là ở tai nghe của thính giả đối với tiếng nói của đấng thuyết pháp.

Lại bởi Nhĩ căn (thính giác) nó đủ cả ba cái thể chân thật là: Viên, Thông, và Thường. Kinh nói “Dụ như người ở chỗ yên lặng, mười phương đều có kẻ đánh trống, đồng thời cũng đều nghe được cả”. Ðó là Viên chân thật. “Cách vách nghe tiếng vang, xa gần cũng nghe được”. Ðó là Thông chân thật “Với lúc không tiếng động, tánh nghe đã chẳng diệt; với khi có tiếng vang; thính giác cũng phi sinh” đó là Thường chân thật.

Vậy, người tu Phật: Chính khi nghe, cốt chớ nghe nơi ngoài cảnh, vì tiếng bên ngoài là thuộc về trần; lại cũng đừng nghe bên trong, vì cái động cảm bên trong lòng là thuộc về thức. Bởi nếu nghe nơi trần thì bị nhiễm ô, còn nghe nơi thức thì bị phân biệt, vì thức cùng trần đều phi tự tánh. Nay chỉ nghe mà thôi, nghĩa là cái nghe chỉ nghe lấy tự tánh của nó. Ðã được quày cái nghe để nghe lại tự tánh, là đi ngược dòng mê vọng của sinh tử khổ hải, để tiến vào dòng giác chân của pháp tánh linh nguyên, nghĩa là: “mất cái tướng động tướng tịnh, hết cái nghe bằng có nghe, không cái biết rằng có biết, diệt cái không bằng không suông” (bởi cái không ấy nó còn đối với cái có), mà đắc cái cảnh giới “tịch diệt” hiện tiền, liền siêu việt lên trên cái tri thức của lục phàm ở thế gian, và tri giác của tam thừa xuất thế gian; vì tri thức của thế gian là vọng trần cũng như vật chất hay duy vật khách quan, còn trí giác của xuất thế gian là phân biệt cũng như ham tịnh ghét nhiễm chỉ lo phần tự giác tự độ, Duy thức chủ quan. Ðối trên thì đồng họp với “Từ dữ lạc” của chư Phật, đối dưới thì đồng cảm với “Bi bạt khổ” cho chúng sinh. Thế thì đã trọn phá rồi cái vọng thân ngũ ấm  trọn vượt khỏi rồi cái vọng kiếp ngũ trược trọn dứt rồi ba cái vọng hoặc, trọn rỡ ràng ba cái đức tốt..... nhẫn đến chứng được rốt ráo quả vị Phật.

Trong những thời ta đương trì tụng chú Lăng Nghiêm, nên biết mỗi chữ đều do nơi tự tâm đưa ra, trở lại đến nghe nơi dòng tự tánh, miệng thì tụng, tâm thì soi, chăm chăm như như rót nước chẳng sai dời, cũng không cho tâm thần (ý thức) nó hôn trầm và tán loạn. Vậy, ta liền khế họp ngay nơi “lẽ viên thông” của đức Quán Thế Âm, cũng dù thi vi gì gì nữa đâu chẳng là tánh tạng bí mật ư? ( xin xem kinh Lăng Nghiêm quyển thứ 6 và lời chú giải sẽ được tường tận cả nghĩa trên).

Ngài Kim Cang Tạng là chủ tịch bên bộ Mật bộ, vì Ngài năng hộ trì những người tu trì chú Lăng Nghiêm, khiến cho tu sĩ ấy được chóng thành tựu công đức.

Nhĩ thời Thế Tôn, tòng nhục kế trung, dũng bách bửu quang, quang trung dũng xuất, thiên diệp bửu liên, hữu hóa Như Lai, tọa bửu hoa trung, đảnh phóng thập đạo, bách bửu quang minh, nhứt nhứt quang minh, giai biến thị hiện, thập hằng hà sa, Kim Cang mật tích, kinh sơn trì  xử, biến hư không giới, đại chúng ngưỡng quan, úy ái kiêm bảo, cầu Phật ai hựu, nhứt tâm thính Phật, vô kiến đảnh tướng, phóng quang Như Lai, tuyên thuyết thần chú.

Dịch nghĩa:

Lúc bấy giờ, từ trong tướng nhục kế nơi đỉnh của Thế Tôn vọt ra một hào quang bằng trăm ánh báu; trong hào quang hiện ra một hoa sen nở hàng nghìn cánh, có một Hóa Phật ngồi trong hoa sen báu ấy, trên đảnh Hóa Phật phóng ra mười đạo hào quang bằng những ánh của trăm ngọc báu, mỗi mỗi tia sáng ấy đều chiếu khắp  nơi để thị hiện ra 10 hằng hà sa thần Kim Cang Mật Tích: ông thì bưng núi, ông thì cầm xử v.v... khắp cõi hư không, đại chúng đều ngửa mặt trông nhìn, ôm lòng vừa kinh sợ vừa mến yêu để xin Phật thương giúp, nên đều chăm lòng đợi nghe Phật dạy, đức hóa Phật trong hào quang mà nơi tướng vô kiến đảnh phóng ra đó tuyên nói thần chú như sau:


Ðây là đức Thế Tôn Ngài thị hiện cái tướng biến hóa ra để thuyết thần chú (tức là năm hội thần chú sẽ thấy sau kia).

Lời Sớ giải thích rằng: Với cái tướng tốt nhục kế, so theo Vô thượng y Kinh nói, thì: Cái đảnh đầu của Phật có xương óc nổi cao lên tự nhiên nó thành như cái “đầu tóc bới”, tức kinh đây bảo là “Ðại Phật đảnh”, cũng tên là Vô Kiến đảnh, để tỏ bày là cái thể bất động trí. Bách Bửu quang: hào quang bằng ánh sáng của trăm thứ báu, là để tiêu biểu cái dụng sáng suốt vô lượng trí chiếu khắp trăm thế giới, vì đúng với tánh khắp giáp. Thiên diệp bửu liên: hoa sen báu nở nghìn cánh, là trưng ra rằng ngàn lần vẫn đúng như một. Hữu hóa Như lai tọa bữu hoa trung:  Bửu hoa là Nhơn, Như Lai là Quả, để tỏ rằng: Nhân trùm biển quả, Quả thấu nguồn nhân, mà Nhân quả vẫn đồng thời. Ðảnh phóng thập đạo..... thập hằng hà sa : Trên đảnh hóa Phật phóng 10 tia sáng......10 số hằng hà sa, là để nêu rõ rằng: Các pháp “Thập giới, thập như v.v....” mà pháp thì có sai biệt, còn hào quang thì không lệch khác, pháp và quang đều là cái diệu dụng của “Như lai tạng tánh”, nhưng pháp và quang đều khắp giáp thị hiện ra đó là: Chính để tỏ rằng tạng tánh ấy bản thể nó sẵn sàng thanh tịnh khắp giáp pháp giới.

Kim Cang Mật Tích: Tiếng Phạm là Sanda, tiếng Ta đọc là Tán na. Lại Phạm ngữ Pancika, ta đọc là Tán chi ca, dịch là Mật chủ, vì đủ bốn nghĩa Mật: Danh, Hành, Trí và Lý, làm vị thần Hộ pháp chủ, bởi sự tích thị hiện làm Kim Cang thần, nên gọi là Mật Tích: danh tích bí mật. Nghĩa là Bửu quang ấy thể nó như kim cương; không chi phá hoại được, mà nó phá hoại được số hằng sa phiền não của thập giới (10 cõi), khắp hiện ra số hằng sa diệu dụng trong mười cõi, nên nói là biến hư không giới.

Úy ái: Sợ thương, vì đủ uy đức, để bẻ dẹp, nên đại chúng đều sợ, đủ từ bi để dung thâu, nên đại chúng đều mến yêu. Cũng như nói: Úy kỳ oai, hoài kỳ đức. Ðức Hóa Phật trong hào quang trên đảnh là nêu rõ rằng: “Cái thể kín nhiệm” nó chẳng mượn công tu và chứng, vì tâm với Phật vẫn đều là vô vị. Ðức Hóa Phật nói thần chú là để tỏ bày “cái diệu dụng kín nhiệm” chẳng khá nghĩ bàn. Phóng hào quang hóa Phật nói chú, thì Hóa Phật thuyết chú đều là hào quang, là để tỏ “cái tướng kín nhiệm” vô ngại thanh tịnh. Từ nơi đảnh Phật là để tỏ tức là Hiển, tức là Mật, vì pháp nó không khác nhau. Vô Kiến: không thấy, là nêu rõ rằng chẳng phải Hiển, chẳng phải Mật, vì pháp nó vẫn vắng lặng. Ðây chính là cái trọn chứng của Như Lai, và tức là cái thể mà chúng sinh đồng đủ. Song, Lý nó nhân nơi Sự để tỏ bày, còn pháp là theo nơi Cơ để cảm hóa. Vì A Nan trước nhờ Ngài Văn Thù đem thần chú đến cứu hộ rồi dẫn về, đó là chỉ mới đặng sự lợi ích của pháp Mật mà thôi, chứ chưa được rõ nghe về pháp Hiển. Về đến pháp hội, đã nhờ đức Như Lai mỗi tầng chỉ vẽ....A Nan mới tờ ngộ đặng lý Viên đốn, rõ được sự viên tu. Còn với những điều mà ông muốn thâu tâm vào định Thủ Lăng Nghiêm để tránh xa các sự ma chướng, thì còn phải nhờ 4 giới Trọng cấm giữ được như giá trong tuyết trắng. Chí như những thói quen của mấy đời trước rất khó trừ, thì cần phải tụng “Phật đảnh Thủ Lăng Nghiêm thần chú” mới trừ đặng. Thế nên trong cuốn thứ 7, A Nan lập lại cầu Phật phóng quang hiện đức Hóa Như  Lai tuyên thuyết thần chú.
 

Viết bình luận

Chúc mừng năm mới
Copyright © 2015 daibaothapmandalataythien.org. All Rights Reserved.
Xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Email: daibaothapmandalataythien@gmail.com

Đăng ký nhận tin mới qua email
Số lượt truy cập: 6319457
Số người trực tuyến: