17. Văn Hồi hướng và Tam quy y để làm phổ kiết hồi hướng
Văn Hồi hướng và Tam quy y để làm phổ kiết hồi hướng
Hồi hướng: Cũng như phát nguyện vậy. Bởi vì: Hạnh mà không Nguyện, thì chí hướng chẳng nhất định, như người ra đi mà không nhất nguyện, thì giữa đường gặp chuyện chi đó lại đi qua ngã khác. Với Nguyện hải đã thâm thì Hạnh đầy Đạo nên. Hễ tu hành thì thảy đều phải hồi hướng.
Hồi hướng có bốn nghĩa:
1. Hồi nhân hướng quả: Nghĩa là tu các hạnh là “Nhân”, đều hay thành Phật là “Quả”. Nay tu nhân Tịnh độ, hồi hướng về quả Cực Lạc, thật vậy.
2. Hồi tiểu hướng đại: Nghĩa là các học giả bên Tiểu thừa, và kẻ tu Thập thiện về Nhân Thiên thừa, đều nên hồi hướng về Đại thừa. Nay đây ngay nơi chỗ ta làm việc thiện, đều hồi hướng về đài sen thượng phẩm, thật thế.
3. Hồi tự hướng tha: Nghĩa là ta nay phát tâm, chẳng vì mong cầu cho mình, nhẫn đến làm được điều thiện nhỏ nhất bằng sợi tơ mảy lông, cũng đều hồi hướng thí cho pháp giới chúng sinh, khiến được liền khai Phật huệ, rộng độ chúng sinh thực vậy.
4. Hồi sự hướng lý: Nghĩa là tu các việc: lạy Phật, tụng Kinh, tham thiền, học nghĩa bố thí làm phúc, thay chúng làm việc, nhẫn đến gánh nước bửa củi quét đất, lau bàn, cả các việc lành bằng mảy mún; với những điều thiện lợi trên, nếu trước tướng thì đều thuộc về sự tướng, còn như biết năng niệm năng tác, tự tánh đã không, sở niệm sở tác, tánh nó cũng không, cái “không” nó chẳng có bờ mé, toàn tức là lý, thì sự sự đều khắp pháp giới, tâm tâm tròn lọc thái hư, quán và niệm được như thế, thì đều thuộc về lý tánh. Chính là chỗ mà xưa kia đã bảo rằng: điều thiện về sự hữu tướng, lẫn thành điều thiện về lý vô tướng, sự lý viên dung, tức là cái cảnh tam đế; năng niệm năng tác, tức là cái tâm tâm quán, tâm cảnh nhất như là chân Tịnh độ.
Ngó nhân việc tác dụng hằng ngày nào động nào tịnh, đều phải làm quán sát như thế đó, thì chính chỗ mình đương ở đã thành ngay tự tâm Tịnh độ rồi!
Vả, người mà muốn liễu thoát đường sinh tử, thì chỉ có tu pháp Tịnh độ là rất ổn thoả rất dễ dàng hơn hết, vì pháp ấy là loại phương tiện trong đã phương tiện, lại đường tắc trong đã đường tắc vậy.
Song, ắt phải đủ ba món tư lương mới đặng thành tựu. Tỷ như cái đỉnh có ba chân, nếu thiếu một thì chẳng thể đứng vững:
1. Tín, tin mình: thì chỉ nhớ Phật niệm Phật, chẳng kịp hiện nay thì sau này cũng ắt thành Phật, tức nhiều tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ sẵn sàng rõ bày. Tin kia: thì phương Tây hẳn thật có thế giới tên là Cực Lạc, hẳn thật có Phật hiệu là A Di Đà, chứ chẳng phải bằng cách ngụ ngôn như của Trang Sanh kia, cũng phi có bằng cách như hoạn hoá biến hiện chẳng thật nọ đâu. Nếu người niệm Phật mà hay nhất tâm chú niệm, đến khi mạng chung, Phật và các Thánh chúng ắt đến tiếp dẫn.
2. Hạnh, có bốn, đều so theo sự lý, để rõ sâu cạn
Một trì danh niệm Phật: gìn giữ danh hiệu của Phật mà niệm, niệm một cách chuyên chú không xen một niệm chi khác, mỗi câu mỗi câu từ trong tâm miệng chảy raN khi đã nhất tâm, không còn phân biệt năng niệm sở niệm, mà có thể mỗi câu mỗi câu rõ ràng, mỗi tâm mỗi tâm vào vắng lặng, nhẫn đến cái “Không niệm” cũng không còn, được như vậy tức đắc lý nhất tâm.
Hai quán tượng niệm Phật: khi mở mắt, chăm tinh thần quán vào tượng Di Đà, miệng xưng hiệu Phật, tâm không duyên qua cảnh nào khác, không tạp niệm chi khác, được như thế tức là sự nhất tâm. Khi quán khi chẳng quán, tâm và tượng như một, chẳng dời chẳng động, và quán cảnh khác đều hoà lẫn cảnh Phật. Được như vậy, tức là lý nhất tâm.
Ba quán tưởng niệm Phật: nương theo Kinh Thập Lục Quán, như ban đầu quán mặt nhật khi sắp lặng về Tây, mở mắt quán mặt nhật, dường như cái trống treo, đã đặng rõ rồi, liền nhắm mắt quán, chăm tâm chẳng dời, lãu lãu chẳng dời xê đi đâu, như vậy là tức sự nhất tâm.
Bốn thực tướng niệm Phật: với cái chẳng tướng, chăng chẳng là tướng, bèn gọi là thật tướng với trong quán cái tâm không, với ngoài quán Phật không, một cái này không thì tất cả chi chi cũng không, cái tánh không cũng không, như thế tức gọi là thật tướng. Người mới phát tâm tu quán, thì quán trở lại rằng: niệm Phật đây là ai? Hoặc từ nơi bốn tánh để xét nghiệm, đều chỉ nơi đương niệm tham cứu, mỗi niệm tinh mật, nhẫn đến với: động, tịnh chẳng dời, như thế là tức sự nhất tâm. Từ đó niệm vào nơi vô niệm, ba quán một tâm, không niệm mà niệm, một tâm ba quán, ba một chẳng hai, chẳng hai mà hai, diệu đế viên dung, tức là tự tánh Di Đà duy tâm Tịnh độ. Đương thể suốt rỡ, chẳng khá nghĩ bàn, như thế là tức lý nhất tâm. Thế gọi là cái hành tướng cả sự và lý của bốn thứ niệm Phật.
3. Nguyện: Chí có chỗ muốn vậy. Cái Nguyện nó hay dẫn đường đi là Hành, không nguyện thì cái Hành thối lui vậy. Thế người cầu tịnh quả, phải trước phát nguyện, song với nguyện có chẳng đồng nhau, vì có kẻ nguyện một mình được siêu mà chẳng độ kẻ khác, có kẻ nguyện tự mình đắc vãng sinh rồi trở lại độ chúng; có kẻ nguyện ngay nơi đây vừa độ mình vừa độ người đồng sinh về Cực Lạc; nay đây, cả các thiên (Bài) đều là nguyện cho mình và nguyện cho người khắp cả đồng đắc Cực Lạc tịnh quả.
Bốn thứ niệm Phật, cả sự lý hành tướng, đều thuộc về phàm vị. Nếu luận về chỗ chứng Thánh: thì bên Viên giáo, bậc Thập tín đều thuộc về sự niệm; đến bậc Sơ trụ nhẫn đi, mới là lý niệm.
Đây, bài kệ phát nguyện hồi hướng của Đại Từ Bồ Tát:
Mười phương ba đời Phật, A Di Đà thứ nhất, chín phẩm độ chúng sinh, uy đức không cùng tột.
Ấy là riêng tán thán Đức A Di Đà vậy. Công đức của chư Phật thảy đều bình đẳng, mà đây là do Đức Di Đà có đại nguyện đối với chúng sinh ở cõi ìay, nên riêng chuyển khen điều tốt đó thôi.
Lại Ngài có công đức riêng nhiều với chúng duyên đời ngũ trược mười phương. Nhẫn đến đứa đồng ấu cũng được biết đến tên Ngài, bởi thế, với cái công tu niệm Phật, cả ba căn đều đặng chỉ trong nhất sinh xong nên nên nói là đệ nhất. Đem trí phá bầy mê trong pháp giới nên uy đức không cùng.
Đem đức từ trùm chúng sinh mười phương nên đức không cực.
Con nay cả quy y, sám hối tội ba nghiệp, hễ có các phúc thiện, chăm lòng dùng hồi hướng.
Hai câu trên là nói quy y và sám hối. Hai câu dưới là nói các hạnh hồi hướng. Ba nghiệp: tức là thân, khẩu và ý đã tạo ra mười điều ác, nay do quy y Phật, nên đều phải sám hối.
Hễ có các phước thiện: Có riêng nhau là định thiện và ứan thiện. Như niệm Phật là định thiện; còn như tham thiền lạy Phật tụng kinh bố thí cúng dường, nhẫn đến vì chúng tăng mà giữ gìn, làm việc lao động, thì đều gọi là tán thiện. Định và tán hai thiện đều có thể hồi hướng về Tịnh độ. Tỷ như trăm sông đều dồn về nơi biển.
Nguyện đồng người niệm Phật, đều theo thời ứng hiện, lâm chung cảnh phương Tây rõ ràng ở trước mắt.
Hai câu trước là nói: cùng bạn đồng nghiệp niệm Phật được theo giờ cảm ứng hiệu nghiệm. Hai câu sau là nói: đến khi ta lâm chung, được Phật tuỳ cơ mà hiện tướng ra cho ta trông thấy.
Tuỳ thời hiện: là hoặc trong khi ta thiền định được thấy Phật, hoặc trong khi nằm mộng được trong thấy Phật; hoặc mở mắt, hoặc nhắm mắt, đều được trông thấy Phật như ngài Huệ Viễn đã ở ba lần thấy nước Cực Lạc và thánh tướng của đức Di Đà vậy.
Phân minh tại mục tiền: là tâm niệm Phật được tính nhất, thì cảnh tốt Cực Lạc tự nhiên đầy đủ trước mắt ta khi sắp cuối cùng.
Thấy nghe đều tinh tấn, đồng sinh nước Cực Lạc, thấy Phật hết sinh tử, như Phật độ tất cả.
Hai câu trên nói: khi ta lâm chung có Phật hiện đến tiếp dẫn, nên kẻ thấy người nghe tinh tấn lợi ích. Hai câu dưới là nói: khi ta đã giải thoát rồi, đi độ sinh. Số là những người niệm Phật, đến khi mạng chung đều tự thấy Phật đến đón rước đó, thì lại bội phần tinh tiến, liền được đồng sinh về nước Cực Lạc đặng thật thấy chân Phật (lâm chung thấy đó là hoá Phật); tự tâm liền mở trí huệ Phật rồi lại như Phật quảng độ chúng sinh.
Dứt vô biên phiền não, tu vô lượng pháp môn, thệ nguyện độ chúng sinh, trọn nguyện thành đạo Phật…
Đây là tâm dấy bốn thệ nguyện rộng lớn vậy.
Cõi hư không có hết, tâm nguyện con không cùng.
Đây là kết cái lời nguyện vô cùng tận vậy. Hư không nguyên là vô tận, nay đem cái hư không vô tận, để tỷ cái nguyện ta lại vô cùng vô tận!
---o0o---
Xin dịch luôn “Văn tửu Tịnh độ”.
Tác giả là Từ Vân Sám chủ Tuân Thúc Pháp Sư đời Tống.
Ngài Tuân Thúc Pháp Sư, tên tự là Tri Bạch, con nhà họ Diệp, huyện Ninh Hải, phủ Thai Châu (nay là huyện Lâm Hải, tỉnh Triết Giang) nguyên thân mẫu cầu tự khất nơi Đức Quan Âm, nằm mộng thấy một mỹ nữ lấy viên châu đưa cho nuốt. Đã sinh sư được bảy tháng, thường theo xưng niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm, khi vừa lớn lên, qua núi Thiên Thai đông dịch, y chỉ nơi ngài Nghĩa Toàn pháp Sư mà xuất gia. Năm lên 20 tuổi qua chùa Đông Thiền thụ giới Cụ túc. Qua năm sau tập học luật nơi Ngài Thủ Sơ Luật sư. Kế vào chùa Quốc Thanh, đối trước tượng đức Phổ Hiền đốt một ngón tay thay vì nén hương để cúng dường, phát lời thệ nguyện truyền bá giáo đạo của Thiên Thai Tông. Rồi đến tham học Ngài Bảo Vân. Từ đây đi các chỗ hoằng Kinh chưa hề ngơi nghỉ. Sau qua nước Thiên Trúc soạn chép các barn nghi thức: Tịnh Độ Sám, Kim Quang Minh tam muội để tự tu đó, rất có linh nghiệm. Đức hạnh đồn nghe thấu đến triều vua Chân Tôn niên hiệu Càn Hưng năm thứ hai (1.022) nhà vua phong hiệu là Từ Vân. Qua niên hiệu Minh Đạo năm đầu (Nhâm Thân, vua Tống Nhân Tôn 1.032), Ngài Từ Vân thị tịch. Vua Anh Tôn niên hiệu Sùng Minh năm thứ hai (1.064-1.066) được nhà vua truy phong là Pháp Bảo đại sư. Vua Cao Tôn niên hiệu Thiệu Hưng thứ hai (1.132) xuống lời chiếu phong hàm ân là Sám Chủ Thiền Huệ pháp sư.
---o0o---
Đây bài “Nhất tâm quy mạng”
Một lòng cúi lạy đức A Di Đà Phật bên thế giới Cực Lạc.
Đây là nghiêng mình quy y (lạy) Đức Phật kia vậy. Nếu muốn cầu sinh về Cực Lạc, trước phải thâu tém sáu căn với ngoại cảnh, năm thức trước chẳng duyên theo, với nội tâm, ý thức không tán loạn, gọi là nhất tâm. Nhất kỳ quả báo, gọi là thọ mạng với cái thọ mạng thì người ta ai cũng khó xả ra được, thế mà may người tu niệm Phật chẳng cưng tiếc đến, duy nhất tâm đem thân mạng quy y về Phật kia, để cầu chứng lên quả Vô thượng Bồ đề mà thôi.
Xin đem ánh tịnh soi con, thệ từ thâu con.
Đây là cầu Phật đem ánh tịnh quang và lời từ thệ sai và thâu này vậy. Tịnh Quang: Phật kia ngài có cái ánh trí căn bản vốn tự thanh tịnh khắp soi pháp giới. Từ thệ: là bốn mươi tám lời thệ nguyện của đức Di Đà. Nhiếp ngã: thâu con, là thâu mà chiếu cố đến con.
Chúng ta ai cũng do từ vô thủy bị phiền não nó kết thành nghiệp chướng đã quá ư lâu chắc, phi cầu Phật quang Từ thệ ngầm giúp thêm cho, thì tự mình đâu có thể dẹp dứt được, nên duy nhất phải nguyện cầu.
Con nay chính niệm xưng danh Như Lai vì đạo Bồ đề cầu sinh Tịnh độ.
Đây là rõ cái lý do cầu Phật vậy. Niệm Phật mà tiêu được tạp niệm là chính niệm. Ôi! Hễ là về lẽ phiền não, thì rộng với sinh tử, nên khổ báo vô cùng! Hễ là về lẽ Bồ đề thông vào quả vô sinh, ắt phải do con đường đây. Sao vậy? Số là công phu của các hạnh tu kia, tỷ như con kiến từ đất bằng bò lên đỉnh núi cao. Còn tu pháp niệm Phật vãng sinh, tựa hồ trương buồm thuận gió lại đi dòng nước xuôi. Trong Kinh Di Đà đã chỉ rõ niệm Phật bảy ngày đắc nhất tâm bất loạn, liền có thể hiện đời dùng chứng quả, dẫu đời nay chẳng đặng nhất tâm thì đời kế đó, hoặc đời thứ ba cũng ắt sinh Tịnh độ. Người mà có thể điều nhiếp được sáu căn, lấy cái tâm pháp giới, niệm Phật pháp giới, thế Phật duy tâm, mà tâm tâm cũng duy Phật, thì cảnh Tịnh độ, đâu phải rời ngoài gang tấc ư?
Phật xưa đã thệ: “Nếu có chúng sinh muốn sinh nước Ta, chăm lòng tin ưa, nhẫn đến mười niệm, bằng chẳng vãng sinh, Ta không thành Phật”.
Đây là cử lên nhắc lại lời nguyện xưa của Phật để cho chúng sinh tin chắc vậy.
Bản thệ: Thuở xưa, hồi Phật còn làm quốc vương, hy sinh ngôi nước, xả bỏ vinh hoa, đi tu làm vị Tỳ kheo, tên là Pháp Tạng, đối trước Phật Thế Tự Tại Vương, phát bốn mươi tám lời thệ nguyện, để rộng độ chúng sinh, đồng sinh về Cực Lạc. Nay dẫn lại lời thệ nguyện trên đó, tức là nguyện thứ mười tám vậy.
Chính tâm: Chăm lòng. Là hoặc niệm Phật bằng cách niệm một đời không xen hở; hoặc niệm bằng cách kèm theo công việc siêng tu, nhẫn đến ít nhất là đương khi công chuyên lăng xăng mà lén tạm rảnh ra vài phút để niệm, mỗi ngày niệm lấy số mười niệm, ắt đặng vãng sinh.
Sỡ dĩ Ngài Pháp Tạng nguyện rằng: Người mà mỗi ngày chí tâm mười niệm, nếu chẳng vãng sinh, thì ta pháp Tạng này trọn thành nguyện dối rồi, làm gì chứng ngôi Chánh giác ư?”.
Thập niệm: Mười niệm, tức là mười hơi niệm Phật. Nghĩa là tuỳ cái hơi hoặc vắn hay dài, cứ hết một hơi (niệm đặng mấy câu cũng được) là một niệm, như thế, niệm mười hơi gọi là mười niệm, nhưng mỗi câu tuỳ tiếng và hơi thốt ra nơi miệng nghe vào nơi tai, chăm chú nơi tâm chẳng dời là cốt yếu, vậy là đủ mười niệm tức mười hơi.
Với các hiệu: Quán Âm, Thế Chí, Thanh Tịnh, Đại Hải Chúng mỗi niệm hiệu niệm một hơi.
Niệm các Thánh Hiệu rồi, kế đọc bài Hồi hướng văn, hoặc đọc bốn câu: Nguyện sinh Tây phương Tịnh độ trung v.v..cũng được.
Chánh giác: Tức là Phật vậy. Chính bởi pháp niệm Phật đây, khắp hợp cả ba căn, đều là nguyện hạnh của đức Pháp Tạng cảm thông nên có thể chí tâm chóng hiệu nghiệm như thế.
Do nhân duyên niệm Phật đây, đặng vào trong biển thệ nguyện lớn của Như Lai. Vâng sức từ của Phật, các tội tiêu diệt, căn lành thêm lớn. Nếu đến mạng chung, tự biết giờ đến, thân không đau khổ, tâm chẳng tham tiếc, ý không điên đảo, như vào thiền định.
Đây là công niệm Phật đã thâm, nên cảm được hiệu nghiệm vậy.
Câu đầu là vâng ý trên, để dấy nghĩa dưới. Từ Đắc nhập….nhẫn xuống, đều nói sự cảm nghiệm. Nhân duyên. Chánh niệm là nhân, Phật từ là duyên. Biển đại thệ tức là bốn mươi tám nguyện lớn vậy.
Vì mỗi nguyện, nguyện nào giáp khắp pháp giới như biển rộng không bờ mé. Chúng ta hiện còn sống đây nếu hay tinh thành chánh niệm, thì cảm được Phật từ gia hộ, tiêu diệt các tội của ta, thêm lớn có căn lành cho ta, kịp đến khi ta sắp cuối cùng, được biết giờ phút sẽ đến thân tâm thanh tịnh như vào thiền định, đi thẳng qua Cực Lạc vậy.
Nếu người mà bình thời chẳng tu niệm, trọn đời chớ tạo các nghiệp đều mạng chung, thì cứ chỗ tạo nghiệp thế nào, nó hiện ra cảnh thế nấy, hễ cảnh phức tạp thì tâm tán loạn!
Lại, hoặc người trong nhà vì ân tình mà quyến luyến, làm cho ý thức của kẻ sắp từ trần phải điên đảo! Lại phương chi từ vô thủy đến nay, những chỗ đã làm các tội, hoặc lúc này, chúng đều hiện ra, thì bấy giờ ai có thể làm chủ cho được? Thế tất phải tuỳ theo nghiệp cảnh đoạ xuống tam đồ! Than ôi! Thương thay!
Phật và các Thánh chúng, tay cầm đài hoa. Sen vàng đến đón tiếp con, với chừng một niệm, sinh về Cực lạc quốc.
Đây là cảm được Phật đến tiếp dẫn vậy.
Phật: Là Hoá thân Phật của đức Di Đà. Thánh chúng: tức là Quán Thế Âm, Đại Thế Chí và Thanh Tịnh Đại Hải Chúng.
Số là người niệm Phật mà được chánh niệm thì duyên đời đã tàn tạ, duyên tịnh liền thành thục, với khi mạng chung, tự nhiên thấy chính tay Phật cầm Kim đài, cùng các Thánh chúng và tràng phan bay, âm nhạc của chư thiên đồng đến nghinh tiếp, chỉ trong một niệm, liền về tới Cực Lạc.
Hỏi: Hai cõi cách nhau có mười muôn ức thế giới làm sao chỉ có trong một niệm, vì duy nhất niệm thì với mười vạn ức độ chỉ như một khảy móng vậy thôi.
Đáp: Cứ nói sự thì mặc dù là xa, còn so nơi lý thì chỉ tại một niệm, vì duy nhất niệm, thì với mười vạn ức độ, chỉ như một khảy móng tay vậy thôi.
Hoa nở thấy Phật, liền nghe Phật thừa (Phật nói pháp), chóng mở Phật huệ.
Đây là hoa nở chứng được chân thân vậy.
Hoa nở: Hoa bản tâm nở ra. Phật thừa: là nhất Phật thừa, tức Kinh Pháp Hoa, tỷ dụ xe đại bạch ngưu. Phật huệ: Là quyền trí, thực trí của Phật, tức Kinh Pháp Hoa bảo khai thị ngộ nhập tri kiến của Phật.
Số là với Cực Lạc: Có thể mang nghiệp vãng sinh được; còn với các thế giới khác đâu đặng như vậy!
Song, với phẩm dị có chín bậc: như bậc Thượng - Thượng phẩm thì với khi mạng chung, liền tự thấy tự thân nương trên hoa, hoa không xếp lại thấy được cái Báo thân của Phật tám muôn bốn ngàn tướng tốt, mỗi mỗi đều thấy đủ rõ ràng, rộng nghe Phật nói pháp về lý Phật thừa, liền mở mang Phật huệ (chứng quả Bồ đề, vô sinh nhẫn).
Còn tám phẩm kia thì chẳng được chóng chứng như thế. Như Thượng trung phẩm, mặc dầu thấy được Báo thân của Phật, cầm hoa đến rước tự thân của mình nương nơi hoa mà hoa nó xếp lại, cách một đêm hoa mới nở, liền nghe Phật thừa, lại cách bảy ngày, mới đắc quả Bồ đề. Lại cách qua một tiểu kiếp, mới chứng Vô sinh nhẫn.
Hỏi: Phẩm Trung Thượng và phẩm Trung Trung thì khi người mạng chung người cũng tự thấy được Báo thân Phật đó thì sao?
Đáp: Mặc dù được thấy báo thân Phật, mà với các tướng tốt, thấy chẳng đặng đủ rõ, mãi đợi đến chừng hoa nở, sau khi nghe Phật thừa, thấy mới được rõ đủ.
Còn ba phẩm dưới, khi mạng chung dù có Hoá thân Phật cầm hoa đến đón, tự thân nương sau hoa, nhưng chẳng được thấy nghe Hoá thân Phật nói pháp mà chỉ thấy nghe các vị Bồ Tát Quán âm v.v..thuyết pháp, đợi mãi đến khi nghiệp được tịnh, hoa mới nở, chừng đó mới thấy tướng tốt của Phật.
Hỏi: Khi hoa sen xếp lại, thân của người vãng sinh có phiền là chật hẹp không?
Đáp: Hoa là do nơi tự tâm hoá hiện, rộng lớn không ngần ngại, song nếu nghiệp của mình chưa thanh tịnh nên tựa hồ có xẹp lại, đối với diệu pháp của đức Chân Phật nói, tuy đợi đến chừng hoa nở mới được thấy đức Chân Phật (Phật thừa của Báo thân Phật nói), mà trong thời gian hoa chưa nở, cũng được tuyf cơ thường nghe Hoá Thân của ba Thánh thuyết pháp.
Hỏi: Đã là nghiệp chưa thanh tịnh thì sao có thể vãng sinh?
Đáp: Phật kia, có lời nguyện rộng lớn khó nghĩ được, và cái sức niệm của mình nó khẩn thiết, duyên đời đã hết, nên có thể vãng sinh.
Hỏi: Đã đới nghiệp vãng sinh, mà có khiến cho thân chẳng an không?
Đáp: Chẳng có đâu như cõi Ta bà đây, kẻ mang thân trời cũng hưởng thụ được cái vui hơn hết thảy, huống chi có cái sức của Phật kia nhiếp trì, thắng hơn thân trời nhiều lắm, nào khá ví dụ!?
Rộng độ chúng sinh, mãn nguyện Bồ đề
Đây là nguyện Bồ đề đầy đủ vậy.
Phật huệ đã mở, tức là chứng lên chân vị Pháp thân của bậc Sơ trụ Bồ Tát, bậc này đã có thể chia thân ra đi làm Phật cả trăm thế giới, để ứng theo căn cơ mà độ sinh.
Bậc Nhị trụ thì phân thân ra nghìn thế giới v.v…Bậc Tam trụ thì phân thân ở muôn thế giới v.v….
Như thế cả bốn mươi mốt chân vị theo mỗi loại, hiện ra mỗi thân hình, ứng theo có mà nói pháp, mỗi vị gấp bội lên. Đến bấy giờ chiếu lại lúc sơ tâm phát nguyện rằng: ta vì đạo Bồ đề cầu sinh Tịnh độ đó, nay đến đây mới mãn được nguyện của ta, mừng thay khoái lắm!
Lại bài kệ nguyện sinh Tây phương:
Nguyện sinh tịnh độ Tây phương
Hoa sen chín phẩm là cha mẹ,
Hoa nở thấy Phật tỏ vô sinh
Bồ Tát bất thối làm bậu bạn.
Hoa sen làm cha mẹ: Loài người ở cõi Ta bà đây đều là thai sinh, nghĩa là nghiệp thức của ta họp với tinh cha huyết mẹ, ở trong bào thai mà sinh ra. Bên Cực Lạc chỉ có chín phẩm hoa sen, tịnh thức của ta tuy có gá vào thai sen mà sinh ra bằng cách biến hoá. Kêu là “Liên hoa hoá sinh”, thế thơm sạch thay !
Tỏ vô sinh: Tức là chứng quả vô sinh nhẫn: ngôi Sơ trụ bên Viên giáo, ngôi Sơ địa bên Biệt giáo, nhẫn đi đều là quả Vô sinh nhẫn.
Bồ Tát bậc Bất thối làm bậu bạn: Đối với cõi Cực Lạc nếu chẳng đặng vãng sinh thì thôi; mà hễ đã được sinh sang, thì đều là động bậc Bất thối Bồ Tát cùng làm bạn lữ với nhau.
Bất thối có ba bậc, với nghĩa này đã tỏ ở câu A-bệ-bạc Trí nơi kinh Di Đà rồi.
Xin chép và dịch bài thán:
Thán Lễ Tây Phương
Tán lễ Tây Phương,
Cực Lạc thanh lương,
Liên trì cửu phẩm hoa hương.
Bửu thọ thành hàng,
Thường văn thiên nhạc kiên tương.
A Di Đà Phật. Đại phóng hào quang,
Hóa đạo chúng sinh vô lượng.
Giáng cát tường.
Hiện tiền chúng đẳng ca dương,
Nguyện sinh an dưỡng,
Tạm dịch:
Kính lạy phương Tây;
Cõi tịnh vui vầy;
Hoa sen chín phẩm thơm lây.
Vật báu hàng cây;
Trời thường trỗi nhạc vang dầy.
Hào quang Phật...,
Ánh sáng lớn thay!
Chúng loại không lường, độ hoài.
Xuống điềm hay...
Bây giờ đạo chúng khen bày:
Xin sang nước thầy:
Bây giờ đạo chúng khen bày:
Đồng sang nước thầy.
- 5424
Viết bình luận